Capuchia vẫn đổ lỗi cho Việt Nam và Philippines về việc ASEAN tuần qua không ra được thông cáo chung; Trung Quốc vẫn tuyên bố COC không thể là công cụ để giải quyết vấn đề chủ quyền; ASEAN thì nuôi hy vọng sự đổ vỡ vừa qua là đầu tiên và cuối cùng trong các cuộc hội nghị của khối…
Gập ghềnh con đường phía trước
Một số bình luận quốc tế nêu rõ, bản “Nguyên tắc 6 điểm” về Biển Đông của ASEAN không có gì mới và khó có thể coi đó là bước tiến đột phá. Nhưng méo mó có hơn không! Ngoại trưởng Natalegawa đưa ra lời giải thích khi cả 10 thành viên vừa đạt được nhất trí: “Indonesia có sáng kiến chấn chỉnh lại ASEAN qua 36 giờ nỗ lực ngoại giao con thoi, đi lại, thảo luận qua điện thoại và giờ đây đã đạt được lập trường chung về hồ sơ Biển Đông”. Theo ông, ASEAN chỉ có thể đóng vai trò trung tâm trong khu vực nếu như giữ được sự gắn bó và đoàn kết. ASEAN đã không vượt qua được thử thách vào tuần trước và khối này đang gặp một số khó khăn.
“Nguyên tắc 6 điểm” đã không nêu lên lên những vụ đụng độ mới nhất do Trung Quốc gây ra tại khu vực bãi cạn Scarborough và việc Trung Quốc mời thầu tại chín lô dầu nằm trên thềm lục địa Việt Nam. Quan điểm của Phnom Penh về đánh giá nguyên nhân căng thẳng trên Biển Đông như vậy là không có gì thay đổi! Cơ bản quan điểm ấy tương hợp với chủ trương của Bắc Kinh, tức là chỉ giải quyết các tranh chấp chủ quyền Biển Đông trên cơ sở song phương. Mặc dù đạt được đồng thuận, thực tế ASEAN vẫn bị chia rẽ trên vấn đề này và điều đó dĩ nhiên chỉ có lợi cho Trung Quốc, vốn dĩ kiên định chính sách “chia để trị” đối với ASEAN.
Tuy nhiên, đã có một số lí do để Campuchia phải suy nghĩ lại và chấp nhận “Nguyên tắc 6 điểm” về Biển Đông của ASEAN. Nếu như lần này, Campuchia vẫn khăng khăng bác bỏ nỗ lực tập thể của đa số thành viên, các nguyên tắc và cơ chế ra quyết định của ASEAN có thể bị chính các nước năng động trong tổ chức đòi phải thay đổi. Sự tê liệt do Campuchia gây trong tuần hội nghị ngoại trưởng vừa qua, nếu để nguyên như vậy, sẽ có những di hại chưa lường trước được đối với các cuộc hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 cuối năm. Lúc đó thì rõ ràng lợi bất cập hại, Campuchia sẽ phải gánh chịu búa rìu của dư luận nặng nề hơn đợt vừa qua.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong trong một cuộc họp báo tại Phnom Penh cho hay, tuy lần này không có thông cáo chung, nhưng các nước đã đạt được nguyên tắc chung về Biển Đông. Nhưng rồi ông vẫn tiếp tục chỉ trích Việt Nam và Philippines đã tranh luận quanh bản thảo thông cáo chung tuần trước và cho rằng, đó là nguyên nhân không dẫn đến sự tiến triển. Quan điểm nước đôi này, đặc biệt là việc đánh đồng nạn nhân với tội phạm, cho thấy con đường phía trước của ASEAN còn khá gập ghềnh. Các cuộc tham vấn rồi đây giữa ASEAN với Trung Quốc về bộ Quy tắc COC chưa hưa hẹn điều gì chắc chắn.
Cái bóng của các nước lớn
Việt Nam chủ trương giải quyết hoà bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Thế nhưng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/7 vẫn khẳng định, UNCLOS không phải là hiệp ước quốc tế nhằm giải quyết chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia, cho nên không thể dùng làm cơ sở giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Mặt khác, tuy tuyên bố sẵn sàng cùng với ASEAN “gìn giữ hoà bình và ổn định”, trên thực tế Trung Quốc chỉ thảo luận với điều kiện là các nước ĐNÁ công nhận chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Đánh giá về kết quả của tuần hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh, Trung Quốc cho rằng đấy là “các cuộc hội nghị mang tính xây dựng”, quan điểm của Trung Quốc “đã được nhiều nước tham dự ủng hộ và đánh giá cao” (?). Trong khi đó, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tìm cách dấu nỗi thất vọng về việc ASEAN không ra được thông cáo chung, khi bà tuyên bố ASEAN là một tổ chức đã trưởng thành, đang đánh vật với một số vấn đề khó khăn ở đây. Liên quan đến tranh chấp BĐ, Hoa Kỳ tiếp tục cảnh báo “nên giải quyết bất đồng không có áp bức, không dọa dẫm, không đe dọa và không dùng vũ lực”.
Sự đồng thuận của ASEAN đến cùng lúc với các tin tức Trung Quốc đưa tàu đến bãi Chữ Thập và các tàu đổ bộ Trung Quốc xuất hiện tại Trường Sa. Những hành động leo thang này của TQ vừa là cái bẫy, vừa là phép thử. Những hành động đó có mặt giống như họ đã làm ở bãi cạn Scaborough với Philippines. TQ gây hấn và chờ ta phản ứng để lấy cớ tấn công. Họ cũng thăm dò phản ứng của khu vực để tính những bước tiếp theo. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần tiếng nói ủng hộ của các đồng minh tự nhiên của Việt Nam. Đó là những nước có lợi ích sát sườn trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên BĐ. Họ sẽ tìm cách gây sức ép lên Trung Quốc để TQ điều chỉnh chính sách, bởi vì hành động và thái độ hiện tại của TQ chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực.
Bản tác giả gửi cho VHNA