Nhìn ra thế giới

Sự kiện Bạc Hy Lai và vấn đề nhân sự Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc [4]

IV. CHÍNH TRƯỜNG TRUNG QUỐC SAU VỤ BẠC HY LAI

Những thay đổi của Trùng Khánh sau sự ra đi của Bạc Hy Lai

 (Tổng hợp từ các trang mạng Trung Quốc và nước ngoài)

Sau khi Bạc Hy Lai bị mất chức Bí thư Thị ủy vào ngày 15/3, Trùng Khánh diễn ra sự thay đổi hàng ngày. Hiện tại, sự kiện Bạc Hy Lai vẫn chưa kết thúc và ở đâu người ta cũng thấy những lời đồn, khó xác định đâu là thật, đâu là giả. Tuy nhiên, đánh giá từ những thay đổi của Trùng Khánh những ngày đầu của thời hậu Bạc Hy Lai, người ta có thể thấy được nhiều điều.

Trước tiên là sự vắng bóng của cái tên “Tiêu Trúc” trên tờ Trùng Khánh Nhật báo. Tiêu Trúc là tác giả của những tin tức liên quan tới Bạc Hy Lai, nhà lãnh đạo chủ chốt của Thị ủy Trùng Khánh đăng trên tờ Trùng Khánh Nhật báo. Theo tiết lộ của một nhân vật biết sự tình, Tiêu Trúc không phải là một người mà là tổ sáng tác gồm 4 người, do một cán bộ phụ trách tờ Trùng Khánh Nhật báo đứng đầu và đã bị giải tán vào cuối kỳ họp Lưỡng hội, trước khi Ôn Gia Bảo gặp gỡ báo chí ngày 14/3. Bài báo cuối cùng của Tiêu Trúc trên tờ Trùng Khánh Nhật báo là về hoạt động của Bạc Hy Lai ngày 6/3.

Trong hội nghị thông báo thay đổi cán bộ lãnh đạo Thị ủy Trùng Khánh sáng 15/3, ngoài những thủ tục khác thường, người ta còn thấy Vương Hồng Cử, nhân vật đã bất ngờ từ chức Thị trưởng trong thời gian Bạc Hy Lai cầm quyền ở đây, ngồi trên bàn chủ tịch. Trước đó trong kỳ họp Lưỡng hội, phóng viên tờ Nam Phương cuối tuần tới nơi ở của Đoàn Đại biểu Trùng Khánh, thấy cửa phòng của Vương Hồng Cử mở, định phỏng vấn, Vương Hồng Cử (giờ đã chuyển sang làm việc ở một ủy ban chuyên trách của Nhân đại Toàn quốc) khéo kéo từ chối và nói rằng “mấy năm lại đây, tôi đã về ở trong thung lũng hoa đào” (ý nói không còn tranh đấu, sống ngoài thế sự).

Tiếp đó, ngày 17/3, tờ Trùng Khánh Nhật báo đăng bài nói rằng “quảng đại nhân dân thành phố kiên quyết ủng hộ quyết định của Trung ương, chân thành hoan nghênh đồng chí Trương Đức Giang đến Trùng Khánh công tác”. Tờ báo này còn dẫn lời của một người dân Trùng Khánh khẳng định “Tiếng nói của Trung ương Đảng chính là viên thuốc định tâm”. Cư dân mạng phát hiện cụm từ “viên thuốc định tâm” luôn xuất hiện mỗi khi có một vị Bí thư Thị ủy tới Trùng Khánh nhậm chức và câu nói của người dân kia rất nhanh đã trở thành điểm nóng bình luận của các trang mạng.

Về phía các quan chức cao cấp của Trùng Khánh, họ cũng tiến hành xốc lại đội ngũ. Sau khi Thị trưởng Hoàng Kỳ Phàm tuyên bố “thống nhất cao độ với Trung ương”, các ban ngành khác cũng lần lượt lên tiếng. Đối với Chủ nhiệm Ủy ban Nhân đại Trùng Khánh Trần Tồn Căn là “hoàn toàn nhất trí với Trung ương”. Chủ tịch Chính hiệp Trùng Khánh Hình Nguyên Mẫn thì nói rằng: “Phải thống nhất về tư tưởng và hành động đối với quyết định của Trung ương”. Đại diện đảng Dân chủ, giới công thương và các nhân sĩ không đảng phái lại đưa ra một khái niệm mới - “Sáu điểm đồng”, biểu thị kiên quyết “đồng tâm đồng đức, đồng tâm đồng hướng, đồng tâm đồng hành” với Thị ủy Trùng Khánh do đồng chí Trương Đức Giang đứng đầu. Ngoài ra, các hoạt động biểu thị sự ủng hộ đối với quyết định của Trung ương còn được tiến hành ở các cơ quan đơn vị chủ chốt khác như Ban Tổ chức, Ban Tuyên truyền, Ban Mặt trận thống nhất, Ban kỉ luật, Ban Chính trị Pháp luật, trong hệ thống tòa án, kiểm sát, các quận huyện…

Bắt đầu từ ngày 16/3, cái tên Vương Lập Quân dần dần biến mất trên trang mạng của Cục Công an Trùng Khánh và trong một đêm, các tư liệu, triển lãm thành quả “đả hắc” bị dỡ bỏ toàn bộ. Chiều 17/3, khi tiến hành điều nghiên ở quận Du Trung, Ủy viên Thường vụ Thị ủy, Bí thư Chính Pháp Lưu Quang Lỗi chỉ rõ phải toàn lực bảo vệ sự ổn định của đại cục chính trị xã hội của thành phố Trùng Khánh, tiếp tục tăng cường công tác giữ gìn ổn định xã hội, tăng cường tuần tra kiểm soát đối với xã hội, không cho phép một chút lơi lỏng tư tưởng, kiên quyết phòng chống diễn biến xấu về tình hình trị an. Điều khiến người ta phải suy nghĩ là Lưu Quang Lỗi còn nhấn mạnh  “phải nghiêm túc xem xét lại công tác của chúng ra, phải kiên trì và phát huy những cách làm hiệu quả trước đây, nhưng cũng phải kiên quyết vứt bỏ những cách làm đi ngược sự thực”. Đây rõ ràng là nhằm thẳng vào Vương Lập Quân, người kế nhiệm Vương Quang Lỗi làm Cục trưởng Cục Công an Trùng Khánh.

Một động thái khác cũng được chú ý là từ ngày 15/3, Phòng Quản lý Đại lễ đường nhân dân thành phố Trùng Khánh dán cáo thị nói rằng “Thời gian gần đây, các hộ dân xung quanh nhiều lần khiếu nại với Phòng, phản ánh âm thanh ca hát ban ngày và nhảy múa ban đêm của quần chúng ở Quảng trường Nhân dân quá lớn, ảnh hưởng ngiêm trọng tới cuộc sống, công việc và sự nghỉ ngơi bình thường của người dân xung quanh”. Cáo thị cho biết sẽ tăng cường quản lý đối với các hoạt động làm ảnh hưởng tới cư dân xung quanh Quảng trường Nhân dân. Điều này có nghĩa chương trình gala nhạc đỏ kéo dài mấy năm nay ở trung tâm chính trị Trùng Khánh có thể sẽ trở thành lịch sử một lần nữa. Điều này càng được khẳng định qua lời phát biểu ngày 26/3 của Cục trưởng Tuyên truyền Thị ủy Trùng Khánh Hà Sự Trung. Theo tờ Tín báo của Hồng Công ngày 27/3, ông Hà Sự Trung tuyên bố phải giảm tối đa các hoạt động diễn xuất mang tính tập trung, kiên quyết tránh cách làm kiểu phong trào.

Cũng theo tờ Tín báo ngày 27/3, sau khi Bạc Hy Lai ra đi, nhân sự cấp cao ở Trùng Khánh cũng có sự biến động mạnh. Đầu tiên là việc Trương Đức Giang thay Bạc Hy Lai, Hà Đỉnh thay Vương Lập Quân và gần đây sự thay đổi bắt đầu nhằm vào các vị trí bên dưới. Trang thông tin của chính quyền thành phố Trùng Khánh ngày 26/3 đã công bố hai sự thay đổi về nhân sự, đó là việc ông Trần Tồn Căn Cục trưởng Cục Tổ chức, Thường vụ Thị ủy, đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Nhân đại Trùng Khánh không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Thường vụ Thị ủy nữa. Thay vào vị trí này là ông Từ Tùng Nam, Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục Tổ chức đồng thời là Hiệu trưởng Trường Đảng Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ. Trước đó, nguyên quận phó, trưởng công an quận Du Bắc Vương Bằng Phi, Bí thư quận ủy Nam Ngạn và phó Tổng Thư ký Thị ủy, người được coi là tâm phúc của Bạc Hy Lai cũng lần lượt bị điệu đi phục vụ công tác điều tra.

Ngoài ra, theo nguyệt san New Way của Hồng Kông số tháng 4/2012, Bí thư quận ủy Lưỡng Giang Từ Minh cũng đang thấp thỏm không yên. Từ Minh là tâm phúc của Bạc Hy Lai, cũng là một trong những người vạch kế sách chủ yếu của chương trình “Trùng Khánh đỏ”. Trong thời gian Bạc Hy Lai làm Bộ trưởng Thương mại, Từ Minh lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Chính sách, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của bộ này. Khi Bạc Hy Lai tới Trùng Khánh nắm quyền, Từ Minh cũng tới Trùng Khánh làm Phó Tổng thư ký Thị ủy kiêm trưởng phòng nghiên cứu Thị ủy. Năm 2011, Tự Minh trở thành Ủy viên Thường vụ kiêm Tổng Thư ký Thị ủy, tới cuối năm chuyển làm Bí thư quận mới Lưỡng Giang. Từ Minh được coi là “quan văn” của Bạc Hy Lai, xuất hiện cùng Bạc Hy Lai trong các loại hoạt động. Nhiều lần Bạc Hy Lai dẫn đoàn sang Ma Cao giao lưu, Từ Minh đều có mặt. Theo New Way, nếu tiến hành thanh toán tay chân của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh, Từ Minh chắc chắn sẽ nằm trong danh sách, vấn đề chỉ là “chưa tới lúc”.

 

Nội chiến chính trị tại Bắc Kinh ?

Liên quan các sự kiện diễn ra mới đây trong nội bộ Trung Quốc, tạp chí “Newsweek” của Mỹ ngày 15/3 gọi đây là một cuộc nội chiến về chính trị tại Bắc Kinh.

Việc loại bỏ không chút lễ nghi ông Bạc Hy Lai, bí thư đầy quyền lực và uy tín tại Trùng Khánh, thành phố khổng lồ ở phía Tây Nam của Trung Quốc, là một cơn địa chấn chính trị với những dư chấn lan tỏa khắp Trung Quốc. Ông Bạc Hy Lai là nhân vật lớn hơn cả chức vụ mà ông nắm giữ: người quyền lực nhất và có sức thuyết phục nhất tại Trung Quốc đối với những phần tử cánh tả và tân Mao-ít. Đúng như ông Bạc nhận xét trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, những người này tin rằng nếu "chỉ có một vài người giàu" vào cuối của thập kỷ tăng trưởng kinh tế phi mã, "thì chúng ta là tư bản, chúng ta đã thất bại".

Ông Bạc Hy Lai giới thiệu "mô hình Trùng Khánh" của ông là một cuộc hôn nhân hạnh phúc giữa đạo đức của chủ nghĩa cộng sản, công bằng xã hội, hiệu quả kinh tế, phá vỡ kỷ lục tăng trưởng thông qua các công ty nhà nước, trong khi phân chia một phần của cải đó cho công nhân trong các chương trình nhà ở, giáo dục và y tế mang tính xã hội chủ nghĩa. Ông say sưa với các khẩu hiệu kiểu Mao-ít. Chiến dịch "hát nhạc đỏ và tấn công đen" của ông đã đánh đúng vào tình cảm của nhiều người Trung Quốc vốn bất bình với tham nhũng và sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn mà nhiều người đổ lỗi cho tự do hóa kinh tế.

Ông Bạc Hy Lai cũng có ảnh hưởng do nằm trong số các "thái tử" - con cái của các anh hùng lớn của cuộc cách mạng năm 1949, những người cho đến rất gần đây vẫn được coi là cấm đụng chạm. Ông được quy hoạch để đẩy lên vị trí chính trị cao nhất vào tháng Mười này, chắc chắn nắm một trong chín chiếc ghế của Ban Thường vụ Bộ Chính trị - một tổ chức quyền lực mà những kẻ gièm pha ông Bạc (gọi ông là "Mao con") sợ rằng ông sẽ khuynh đảo. Và thực tế, trong chuyện ra đi bất ngờ của ông Bạc Hy Lai có cái gì đó giống với vụ Bè lũ Bốn Tên năm 1976.

Có thể đo lường được mức độ khó khăn mà ông Bạc Hy Lai đã thách thức các lãnh đạo tại Bắc Kinh về mặt tư tưởng qua việc đích thân Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phải lên tiếng một ngày trước đó. Trong một cuộc họp báo được phát sóng trực tiếp, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cố tình chèn vào bài phát biểu những ý tứ rằng số phận chính trị của ông Bạc Hy Lai đã kết thúc.

Các cuộc họp báo của đảng ở Trung Quốc thường không phải là các sự kiện đáng chú ý - và điều này càng tỏ ra đương nhiên trong những tháng trước khi chuyển giao quyền lực lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp, khi tất cả các cán bộ phải thể hiện sự thống nhất trong đảng. Vì vậy cuộc gặp kéo dài ba giờ giữa ông Ôn Gia Bảo và các nhà báo nước ngoài và trong nước ở cuối Hội nghị Nhân dân Toàn quốc hôm 14/3 là rất đặc biệt. Thủ tướng Trung Quốc vẽ lên những hình ảnh ghê rợn của Cuộc cách mạng Văn hóa của Mao Chủ tịch, tuyên bố rằng ước vọng dân chủ của người Arập hiện tại là một lực đẩy không thể cưỡng lại, thuyết phục người Trung Quốc về tính cấp bách của cải cách chính trị, và tấn công không che đậy vào "Thái tử đỏ" Bạc Hy Lai. Bài phát biểu của ông Ôn Gia Bảo thể hiện rõ với tất cả những người theo dõi rằng, theo quan điểm của ông và những người chủ trương hiện đại hóa, không có chuyện quay ngược lại lịch sử; Trung Quốc đang trên đường đi tới một tương lai rất khác so với quá khứ thời Mao.

Lời trách phạt của Thủ tướng Ôn Gia Bảo mang kịch tính đúng như chính trị Trung Quốc - và ông đã đúng, rằng tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào kết quả của cuộc đấu tranh trong chính nội bộ đảng. Trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình (và vì vậy không thể bị cắt xén hay giải thích khác đi cho công chúng), ông Ôn Gia bảo đã lựa chọn - đúng như ngày hôm sau cho thấy - một quyết định tập thể trong nội bộ lãnh đạo cao cấp - sử dụng cuộc họp báo mỗi năm một lần, vào đúng giờ cao điểm, để tấn công Bạc Hy Lai, và thể hiện sự phản đối với việc đưa ông Bạc Hy Lai vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Với một sự thẳng thừng gần như chưa bao giờ thấy trong hoạt động chính thống cứng nhắc của Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo sử dụng diễn đàn công khai nhất này để gọi Cách mạng Văn hóa là một "bi kịch" - và bi kịch đó, nếu không có những cải cách chính trị cấp bách, "có thể tái diễn". Ngược lại, ông Bạc Hy Lai coi việc hồi phục "Văn hóa Đỏ" là lập trường trung tâm của mình.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo mập mờ không nói rõ cải cách chính trị là thế nào ở Trung Quốc - với chỉ một năm còn lại trong suốt một thập kỷ tại vị, những điểm cụ thể, chi tiết không phải là điểm chính. Mục đích của ông Ôn là sử dụng tất cả ảnh hưởng đáng kể còn lại của mình để ủng hộ quá trình cải cách tự do, đi ngược với phái tả trong đảng do Bạc Hy Lai đứng đầu.

Và ông tuyên bố với cả nước: "Cẩn thận: con người này nguy hiểm". Ông Ôn phản hồi một cách mạnh mẽ trong buổi phát sóng trước những câu hỏi về câu chuyện đầy kịch tính đã thu hút cả nước kể từ khi tin tức lọt ra vào tháng trước - Cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy trốn đến một tòa lãnh sự Mỹ và bị bắt sau đó tại Bắc Kinh. Việc bàn luận về tấn kịch này đã diễn ra gần như không bị kiểm duyệt trên khắp các blog mạng của Trung Quốc. Thủ tướng Ôn Gia Bảo với giọng sắc lạnh nói rằng Đảng ủy Trùng Khánh (do Bạc Hy Lai đứng đầu) phải kiểm điểm nghiêm khắc về "sự cố" và chính phủ đang điều tra vụ việc với mức độ cao nhất. Ông nói: "phải có câu trả lời cho nhân dân và kết quả điều tra phải vượt qua được thử thách về pháp luật và lịch sử".

Điều mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo không nói tới là việc Bắc Kinh thực ra đã điều tra Trùng Khánh từ gần một năm nay, rất lâu trước khi Vương Lập Quân bất ngờ bị ông chủ của mình loại bỏ và trốn khỏi Trùng Khánh vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Bắc Kinh đã thu thập được bằng chứng rằng chiến dịch "tấn công đen" của Bạc và Vương, về danh nghĩa là chống tội phạm có tổ chức, còn là cái vỏ che đậy việc bắt giữ hàng nghìn doanh nhân cực kỳ giàu có. Bị giam giữ trong các nhà tù bí mật và thẩm vấn kèm tra tấn, nhiều người đã chịu án tù lâu năm hoặc xử tử. Nhiều người bị tịch thu tài sản - một cách khôn khéo để tạo nguồn tiền cho chương trình nhà ở cho người nghèo của ông Bạc, và cũng để có đủ tiền trả cho chiếc Ferrari màu đỏ của con trai ông ta, và mua chuộc sự trung thành.

Chiến dịch "tấn công đen" cũng là một cách tạo tai tiếng tham nhũng cho Vương Dương, bí thư đảng tại Quảng Châu hiện cũng đang chờ vào Thường vụ Bộ chính trị, bằng cách để cho mọi người kết luận là ông Vương chắc hẳn đã cho phép các doanh nhân này phát triển nhanh chóng khi ông giữ chức bí thư Trùng Khánh. Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khen ngợi nhiệm kỳ của Vương Dương.

Giáo sư Tong Zhiwei, người thực hiện cuộc điều tra của Bắc Kinh, là chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về luật pháp, quản trị và hiến pháp, hiện giảng dạy tại Đại học Giao thông danh tiếng ở Thượng Hải. Báo cáo của ông được trình lên các nhà lãnh đạo vào mùa thu năm ngoái và được ông nói đến trên truyền hình với các kết luận buộc tội. Ông cho rằng mục tiêu của "tấn công đen" là "làm suy yếu và loại bỏ" các doanh nghiệp tư nhân, "từ đó củng cố các doanh nghiệp nhà nước hay các nguồn tài chính cho chính quyền địa phương". Tác động chính của nó, theo ông, không phải là với mafia ở Trùng Khánh, mà là khiến giới giàu có nhất mất hết tiền bạc, mất quyền lực và thậm chí cả gia đình - nhiều người còn bị tống giam. Một trong các triệu phú này, doanh nhân Li Jun hiện sống lưu vong không chút tiền bạc, đã miêu tả sự tra tấn mà ông nói là đã phải chịu đựng dưới sự "tân khủng bố đỏ", do Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân chỉ đạo. Một nhân vật khác là Zhang Mingyu, người tuyên bố nắm trong tay các cuốn băng làm bằng chứng về các biện pháp đối với tù nhân, đã bị cảnh sát Trùng Khánh vây bắt tại Bắc Kinh trong tuần trước.

Nếu ông Bạc Hy Lai hy vọng đưa Vương Lập Quân ra làm bung xung khi tấm lưới đã vây kín xung quanh, thì bước đi này đã gây tác động ngược. Bắc Kinh giờ có lẽ đã quyết định trừng phạt Vương Lập Quân - và công bố sự thật kinh hoàng về cáo buộc tra tấn, ép cung và các biện pháp phi pháp đã được sử dụng ở Trùng Khánh, đúng như Thủ tướng Ôn đã hứa sẽ công bố điều tra của Bắc Kinh về vụ của Vương. Các công bố này, nếu đúng sự thật, sẽ hủy hoại cả hai nhân vật của Trùng Khánh. Ông Bạc Hy Lai rất có thể phải chịu trừng phạt nặng hơn mức mất chức. Để phá vỡ gọng kìm của phe tả thì phải làm mất uy tín của Bạc. Cuộc đấu này không đơn thuần giữa hai đối thủ tham vọng nhằm vào vị trí lãnh đạo. Việc sa thải Bạc Hy Lai còn là động thái tấn công phủ đầu để đảm bảo rằng xu hướng cải cách nổi lên tại Trung Quốc, chứ không phải là mô hình nhà nước kiểm soát tuyệt đối. Bằng việc nhắc lại một thập kỷ đen tối của Cách mạng Văn hóa, ông Ôn Gia Bảo đã đặt thêm sức ép để Tập Cận Bình phải đứng hẳn sang một bên, ngay lập tức, với các lực lượng ủng hộ hiện đại hóa.

 

*************

 

Trong bài viết với tựa đề “Trung Quốc bị khuấy động bởi các tin đồn chính trị”, báo Le Figaro ngày 24/3 cho biết tại Bắc Kinh hiện nay đang lan truyền nhiều tin đồn về các vụ đấu đá và những thủ đoạn chính trị giữa hai phe chính trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo các tin đồn, từ đầu tuần này dường như đã xảy ra một “cú đảo chính” do ông Chu Vĩnh Khang cầm đầu. Ông này là người thân cận của Bạc Hy Lai, vốn được ông Giang Trạch Dân, cựu Chủ tịch nước bảo hộ. Chu Vĩnh Khang đã dựa vào lực lượng công an vũ trang nhân dân (PAP), một lực lượng bán quân sự. Chu Vĩnh Khang cũng chính là người phụ trách bộ máy an ninh của Ban thường vụ Bộ Chính trị, gồm 9 thành viên chủ chốt. Thậm chí, tin đồn còn cho biết đọ súng đã diễn ra ngay tại Trung Nam Hải, một Tử cấm thành mới của Trung Quốc, nơi đặt trụ sở chính của đảng Cộng sản Trung Quốc và của chính quyền Bắc Kinh.

Nhận định về tin đồn này, báo cho rằng khó có thể diễn ra kiểu đảo chính như vậy tại Trung Quốc, nhưng các cuộc đọ kiếm giữa hai phe chính trị chính thì rất có thể là thật. Một cuộc đọ sức giữa phe Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và những người được cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân bảo hộ.

Nhiều nguồn tin chưa được xác nhận một lần nữa khẳng định rằng một cuộc chạm trán dữ dội có lẽ đã diễn ra giữa ông Chu Vĩnh Khang và Thủ tướng Ôn Gia Bảo xung quanh việc xử lý số phận ông Bạc Hy Lai. Tin đồn còn nói rằng người ta có lẽ đã đề nghị ông “Sa hoàng an ninh” (từ trong nguyên văn) nên thận trọng, thậm chí là mọi hành vi và cử chỉ của ông ta có lẽ bị “giám sát chặt chẽ”. Ông Ôn Gia Bảo có lẽ cũng đối đầu với các thành viên trong Ban Thường vụ khi đề nghị xét lại sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

Theo Le Figaro, nhiều người tại Trung Quốc vẫn tò mò muốn tìm hiểu các “bí ẩn Trùng Khánh”. Nhiều sự kiện vẫn chưa được chứng minh cho thấy rằng Bạc Hy Lai và nhiều người thân cận có lẽ đã là đối tượng điều tra trước khi sự kiện chính diễn ra. Dường như chính ông Bạc Hy Lai đã can thiệp vào một vụ điều tra có dính dáng đến một người thân trong gia đình ông.

Các tin đồn giải thích rằng chính các thủ đoạn và cách hành động của Bạc Hy Lai, bị cho là đi ngược với lề thói của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã khiến ông bị thất sủng. Người ta nghi ngờ rằng chính ông và Chu Vĩnh Khang đã bới móc những “hạt sạn” về con trai của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và những liên hệ của anh này trong nhiều vụ việc. Có lẽ cũng chính hai người này đã tìm cách “thọc gậy bánh xe” cản trở ông Tập Cận Bình, khi tỏ vẻ ngờ vực khả năng lãnh đạo của ông này.

Một nhà quan sát nhận định “trong chiều hướng này, việc gạt bỏ Bạc Hy Lai, nhân vật khó có thể kiểm soát được, có thể sẽ làm nhẹ gánh cho rất nhiều người, ở cả hai phía”.

Le Figaro có bài nhận định khá lý thú khi so sánh sự thất sủng của Bạc Hy Lai với một nhân vật tiếng tăm của Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa, Lâm Bưu. Theo tác giả, điểm khác biệt chính giữa hai người này là ông Lâm Bưu là một vị tướng lãnh xuất chúng đã chính thức giữ vị trí số hai của đất nước và quyền lực của ông này bao trùm lên cả quân đội, một mức độ mà ông Bạc Hy Lai chưa thể nào sánh nổi. Bởi lẽ, cho đến giờ Bạc Hy Lai vẫn chưa phải là một trong chín thành viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, giữa hai nhân vật này có một điểm chung. Lâm Bưu và Bạc Hy Lai là hai nhân vật có tính cách mạnh mẽ, có nhiều quan niệm độc đáo và mất kiên nhẫn về cơ chế. Ông Lâm Bưu trong giai đoạn 1970-1971, đã tin chắc vào sự hão huyền hoàn toàn của cuộc Cách mạng văn hóa và tìm cách thoát ra khỏi bằng sự xảo quyệt và sự mưu phản. Thậm chí, ông ta đã bí mật nối lại liên lạc với các tướng lãnh thời Xô-viết, những người luôn đánh giá cao ông ta và với người bạn cũ Tưởng Giới Thạch, nhằm thuyết phục ông này rằng Trung Quốc sẽ mở cửa với Đài Loan.

Tuy nhiên, những mưu toan của Lâm Bưu đã bị công an của Mao Trạch Đông phát hiện, ông này phải chọn cách duy nhất là đào thoát, để rồi cuối cùng mất mạng trên bầu trời Mông Cổ. Thế nhưng, chính thất bại của Lâm Bưu lại là cơ hội để cho ông Chu Ân Lai có điều kiện thực hiện giải pháp triệt để hơn, đó là việc hòa giải với Hoa Kỳ.

Trong trường hợp mới đây, sự ra đi của Bạc Hy Lai dường như sẽ có lợi cho những người luôn đòi dân chủ hóa và mở cửa. Tác giả bài viết cho rằng trong vụ này, người chiến thắng có lẽ là ông Uông Dương, Bí thư tỉnh Quảng Đông, người đã nhượng bộ nông dân nổi dậy chống tham nhũng, cũng như ngầm ủng hộ công nhân đình công.

Ông Uông Dương cũng từng là Bí thư tỉnh Trùng Khánh, trước khi ông Bạc Hy Lai đến. Nhiều lời bóng gió cho rằng một số bản án dành cho "những kẻ mafia" trong chiến dịch truy lùng tội phạm do ông Bạc Hy Lai thực hiện còn là nhằm bôi nhọ thanh danh ông Uông Dương, vốn được xem là người bảo hộ thực thụ của ông Tập Cận Bình.

Trong chiến dịch vận động để thăng tiến, Bạc Hy Lai đã khôi phục các bài ca cách mạng. Nhưng theo tác giả bài viết, thủ thuật này đã không che khuất kế hoạch cải cách thật sự của ông ta. Ông Bạc Hy Lai vốn chủ trương tự do hóa nền kinh tế theo hướng mở cửa ra thị trường thế giới. Và điểm độc đáo nhất chính là thực hiện chiến lược ưu tiên cho quan hệ với Nhật Bản, một quan niệm khiến cho phái chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa Mao phải hoảng sợ. Đấy chính là điểm giống một cách kỳ lạ với Lâm Bưu, người đã từng, dưới vỏ bọc của một quân nhân, thực hiện chính sách mở cửa theo cách của ông.

Cuối cùng tác giả kết luận, duy chỉ có một điểm khác biệt cơ bản nhất: dù bị quản thúc tại gia và bị đe dọa một phiên xử chính trị, Bạc Hy Lai thực sự vẫn còn sống. Và ở đây, số phận của ông ta cũng khiến người ta nhớ đến giai đoạn vắng bóng ngắn ngủi và có tính chất quyết định của Đặng Tiểu Bình vào những năm 1975-1976.

 

Bộ phận tư vấn và phân tích thông tin EIU thuộc Tạp chí Nhà Kinh tế (Anh) ngày 15/4 cho rằng việc ông Bạc Hy Lai mất chức là sự kiện chính trị kịch tính nhất tại Trung Quốc kể từ vụ sa thải Bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ năm 2006.

EIU cho rằng sự kiện này có nhiều hàm ý chính trị. Một điều hiển nhiên nhất là sự việc chắc chắn sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông Bạc Hy Lai. Mặc dù trong lịch sử Trung Quốc có nhiều vụ việc các quan chức bị thanh lọc sau đó được phục hồi nhưng việc sa thải ông Bạc Hy Lai có nghĩa rằng ông sẽ bị loại bỏ khỏi lễ nhậm chức của thế hệ lãnh đạo chóp bu kế tiếp vào cuối năm 2012 này, và ông Bạc Hy Lai cũng quá già để có thể được xem xét tiếp tục thăng chức.

Ngoài ra, việc miễn nhiệm của ông Bạc Hy Lai là một đòn giáng mạnh vào chương trình nghị sự chính trị mà ông là một điển hình, cả về chất và phong cách. Ông Bạc Hy Lai trong nhiều năm qua đã thúc đẩy "sự hồi sinh đỏ" của Trùng Khánh, bao gồm các chiến dịch đạo đức công chúng gợi lại cuộc Cách mạng Văn hóa và một chiến dịch thanh lọc tệ nạn tham nhũng mạnh tay mà đã bị một số người chỉ trích rằng đã chà đạp vào tiến trình pháp lý theo quy định. Mặc dù sự cố liên quan đến ông Vương Lập Quân có lẽ đã khiến sự việc ngày hôm nay xảy ra, nhưng thực tế ông Bạc Hy Lai cũng đã có nhiều "kẻ thù". Những va chạm đã phát sinh với một số lãnh đạo cao cấp khác, những người đã bị trì hoãn thăng chức bởi cá tính mạnh của ông Bạc Hy Lai, bởi việc ông sử dụng các biện pháp dân túy để đe dọa (trong một hệ thống mà việc hoạch định chính sách dựa trên đồng thuận và kín cửa được ưu tiên) và thiên hướng tự quảng bá hào nhoáng của ông.

Ông Trương Đức Giang, trong khi được coi là xuất phát từ cùng một nhóm phe phái giống như ông Bạc Hy Lai, lại là một chính trị gia truyền thống hơn nữa. Thời gian giữ cương vị người đứng đầu ở Quảng Đông của ông được tô điểm bằng một số bước đi sai lầm, trong đó có việc xử lý đại dịch SARS. Được đào tạo về kinh tế tại Bắc Triều Tiên, ông Trương cũng nổi tiếng là người có cách tiếp cận cứng rắn với việc kiểm duyệt truyền thông. Việc bổ nhiệm ông Trương có thể sẽ cho thấy một bước thụt lùi cho Trùng Khánh, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất Trung Quốc. Trong khi các chính sách của ông Bạc Hy Lai có nhiều điều cần chỉ trích, cách tiếp cận năng động và cởi mở của ông thực sự nhận được hưởng ứng trong dân chúng, và ông Bạc có một ảnh hưởng tích cực to lớn đối với môi trường kinh doanh tại Trùng Khánh. Có thể, với sự ra đi của ông Bạc, phần lớn các động lực mà ông đã tạo dựng đối với nền kinh tế của địa phương này sẽ mất đi.

Sự ra đi của ông Bạc Hy Lai cũng làm nổi bật bản chất không rõ ràng của nền chính trị ở cấp cao của Trung Quốc, cũng như tiềm năng về những thay đổi mạnh mẽ và bất ngờ đối với danh sách các nhà lãnh đạo tiềm tàng cho thế hệ lãnh đạo mới cuối năm 2012. Trong khi Tập Cận bình và Lý Khắc Cường chắc chắn sẽ nắm giữ các vị trí Chủ tịch và Thủ tướng trong tiến trình chuyển giao sắp tới thì vẫn còn một sự không chắc chắn vô cùng lớn về những thành viên sẽ có tên trong Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc.

 

Hỗn loạn chính trị với vấn đề cải cách

Theo nhận định của tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 4/4, khi quy mô của sự chia rẽ nội bộ trong Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng gia tăng, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đang phải nỗ lực tìm cách tránh một cuộc "khủng hoảng kiểu Thiên An Môn" bằng cách thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực tài chính.

Với tiến trình chuyển giao lãnh đạo chóp bu "một lần trong một thập kỷ" sắp diễn ra vào mùa Thu này, phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng cuộc chạy đua chính trị ở hậu trường sẽ khiến các sáng kiến chính sách lớn không thể thực hiện cho tới khi thế hệ lãnh đạo mới yên vị một cách an toàn. Tuy nhiên, giả định đó đã được minh chứng là sai lầm trong những tuần gần đây khi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chìm sâu trong cuộc biến động chính trị lớn lao nhất kể từ vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Hóa ra trong thời đại thông tin, các cuộc chiến dữ dội vốn thường được giải quyết phía sau những bức tường son đỏ của khu dinh thự giới lãnh đạo Trung Nam Hải ở trung tâm Bắc Kinh không còn được bưng bít bằng màn trình diễn đoàn kết công chúng mang tính an ủi nữa. Nhờ trang mạng xã hội "Weibo" giống mô hình Twitter, với số thành viên tương đương với số dân của nước Mỹ, sự sụp đổ của Bạc Hy Lai, một trong những chính trị gia quyền lực nhất của Trung Quốc, đã được cập nhật liên tục trong suốt hai tháng qua.

Trong khi ông Bạc Hy Lai đang chờ đợi việc định đoạn số phận của mình tại một biệt thự ở khu nghỉ mát bên bờ biển Bắc Đới Hà, một điều ngày càng trở nên rõ ràng với quốc gia đang âu lo là những chia rẽ nghiêm trọng đang tồn tại trong giới lãnh đạo cao cấp. Nhưng thay vì dẫn tới tình trạng tê liệt chính sách như nhiều người vẫn dự đoán, tình trạng hỗn loạn chính trị dường như đã thúc đẩy công cuộc cải cách tài chính vốn từ lâu bị đình trệ.

Các dấu hiệu ngập ngừng mang tính thăm dò trước đây đã bắt đầu được kết hợp thành một lộ trình cải tổ vững chắc hơn nhằm tìm một con đường hiệu quả hơn cho cỗ máy hệ thống tài chính đã lỗi thời và khó điều khiển. Chịu trách nhiệm hàng đầu là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người đã bị chỉ trích nặng nề trong thập kỷ qua về sự không sẵn lòng hoặc không có đủ khả năng thúc đẩy việc tái cơ cấu chính trị và kinh tế mạnh mẽ.

Trong những bình luận trên đài phát thanh Trung Quốc hôm 3/4, ông Ôn Gia Bảo đã nói về việc "phá vỡ sự độc quyền" của các ngân hàng nhà nước lớn đang thống trị lĩnh vực tài chính và thu lợi nhuận một cách "quá dễ dàng". Những lời hùng biện đinh tai nhức óc của ông dường như là nhằm thúc đẩy công cuộc cải cách lãi suất, mà cuối cùng là để dỡ bỏ mức trần hiện tại đối với lãi suất tiền gửi và mức sàn lãi suất cho vay góp phần bảo đảm tỷ suất lợi nhuận lành mạnh cho các ngân hàng. Tự do hóa lãi suất là một bước đi hướng tới khả năng chuyển đổi đẩy đủ của đồng Nhân dân tệ và trên mặt trận này gần đây đã có một số tiến triển.

Tuần trước, văn phòng của ông Ôn Gia Bảo cho biết chính phủ đang xem xét cho phép công dân và các công ty ở thành phố Ôn Châu giàu có ở phía Đông được phép đầu tư ra nước ngoài, một động thái được cho là sẽ làm xói mòn thêm sự kiểm soát chặt chẽ bấy lâu của Trung Quốc đối với các dòng vốn qua biên giới. Ngày 3/4, cơ quan điều điều tiết chứng khoán Trung Quốc đã công bố sẽ tăng gần gấp 3 hạn mức mà các nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào các thị trường vốn Trung Quốc.

Mỗi một động thái trên mang lại lợi ích riêng của nó, nhưng khi kết hợp với một số điều chỉnh khác thì chúng cho thấy sự mở ra của một chính sách mới sau nhiều năm cải cách kinh tế đình trệ. Một số nhà phân tích cho rằng ông Ôn Gia Bảo đang sử dụng cải cách như một vũ khí để tấn công những "đặc quyền" mờ ám vốn tạo ra các kẻ thù chính trị nguy hiểm nhất cho mình. Một số người khác cho rằng ông Ôn đang nỗ lực ủng hộ những nhân tố quyền lực trong Đảng, những người ủng hộ tự do hóa kinh tế và tài chính lớn hơn.

Tuy nhiên, lập luận thuyết phục nhất là ông Ôn Gia Bảo và nhiều đồng nghiệp của ông đã quyết định rằng nếu không có một chương trình nghị sự cải cách mạnh mẽ và bước chuyển cơ bản trong định hướng thì một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị là không thể tránh khỏi. Trong một bài báo đanh thép trên tạp chí "The Diplomat" ngày 4/4, Minxin Pei, một học giả khá nổi tiếng, lập luận rằng "trật tự độc tài xơ cứng thân thiết với tư bản" hiện tại đã dẫn tới sự tái nổi lên của "nhiều điều kiện chính trị và xã hội góp phần tạo ra một cuộc khủng hoảng kiểu Thiên An Môn". Trong hai thập kỷ qua, nỗi lo sợ lớn nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một sự kiện ngẫu nhiên tương tự sẽ xảy ra vào thời điểm khi mà những cuộc đấu tranh phe phái làm cho các nhà lãnh đạo không thể nhận ra mối đe dọa đó hoặc không đồng lòng đối phó với mối đe dọa này.

 

Nhân tố lợi ích đang cản trở cải cách?

Báo "Tề Lỗ Buổi chiều" của Trung Quốc ngày 6/3 cho biết trong báo cáo công tác trình Quốc hội sáng 5/3, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã 68 lần đề cập tới cải cách, thể hiện rõ quyết tâm cải cách, nhưng ở khía cạnh nào đó còn cho thấy cải cách của Trung Quốc hiện đang đứng trước các trở lực không nhỏ.

Sự nghiệp cải cách của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với trở lực trên hai phương diện.

Thứ nhất là trở lực về nhận thức. Kinh tế Trung Quốc hiện phức tạp hơn nhiều so với thời điểm Đặng Tiểu Bình đi thị sát miền Nam cách đây 20 năm. Về mặt khách quan, điều này đòi hỏi Chính phủ phải tiến hành những hoạt động giám sát quản lý cần thiết, việc giao quyền đơn giản không giải quyết những vấn đề phức tạp của kinh tế thị trường hiện nay, song việc can dự mạnh mẽ chắc chắn là không được. Do đó, về nhận thức cần phải vừa nghiên cứu vừa thực hiện.

Thứ hai là trở lực đến từ nhân tố lợi ích. Kinh tế thị trường của Trung Quốc đã phát triển được nhiều năm, trên thực tế đã hình thành cục diện lợi ích. Đại biểu Quốc hội, Cục trưởng Cục Du lịch thành phố Huệ Châu Hoàng Tế Hoa cũng cho rằng trở lực đối với cải cách nằm ở cục diện lợi ích hình thành lâu dài ở một số lĩnh vực then chốt, trong một số lĩnh vực đặc biệt. Bằng cảm nhận thực tế của bản thân trong việc kiểm soát thuốc lá, bà Hoàng Tế Hoa nhận định sức mạnh của các tập đoàn lợi ích quá lớn.

Trở lực đối với việc đi sâu cải cách có thể đến từ một số người và ngành đã đạt được lợi ích. Do đó, toàn xã hội phải đạt được nhận thức chung về cải cách, phải lấy lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân làm nền tảng sức mạnh của cải cách, phải động viên được toàn xã hội tham gia cải cách. Chỉ có như vậy, cải cách mới có thể thành công.

Cải cách chính là quá trình tái phân phối lợi ích, hình thành cục diện lợi ích mới, sẽ phải hy sinh và làm tổn hại tới một bộ phận những người đã đạt được lợi ích. Cải cách trong tất cả các lĩnh vực đều tồn tại vấn đề này. Đây chính là trở ngại lớn nhất đối với cải cách hiện nay. Ví dụ: Cải cách thuế nhà đất là một biện pháp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Những người có một căn nhà chắc chắn ủng hộ việc cải cách thuế nhà đất, nhưng những người có 3 hoặc 5 căn, thậm chí là nhiều căn nhà, việc cải cách thuế nhà đất sẽ làm tổn hại tới lợi ích của họ, nên chắc chắn những người này không muốn thực hiện cải cách thuế nhà đất.

Trở lực lớn nhất đối với việc đi sâu cải cách hiện nay ở Trung Quốc là làm thế nào phá vỡ cục diện lợi ích. Mọi người đều cho rằng phải cải cách, nhưng cải cách vẫn giẫm chân tại chỗ. Không thể lấy ổn định ra để cản trở cải cách, càng không thể trở thành cái cớ để không tiến hành cải cách. Nếu không cải cách có thể dẫn tới nguy cơ lớn hơn.

 

Nới lỏng kiểm soát mạng sau vụ Bạc Hy Lai?

Trong những tuần qua, một số trang mạng lớn nhất Trung Quốc đã nới lỏng kiểm duyệt vốn được áp dụng bởi một số điều khoản cấm kỵ từ trước.

Từ khóa ‘lục tứ’ (chỉ ngày 4/6), khi xảy ra cuộc đàn áp Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989 cũng như tên của giáo phái bị cấm ‘Pháp Luân Công’ đã dần dần xuất hiện trở lại khi tìm kiếm trên các trang đông người đọc như Baidu, hay mạng xã hội Sina Weibo có 300 triệu khách hàng.

Theo các nhà quan sát truyền thông Trung Quốc, các diễn biến bất thường này xảy ra trùng thời điểm có vụ bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc từ 20 năm qua: vụ Vương Lập Quân và Bạc Hy Lai.

Cú ‘ngã ngựa’ của Bí thư Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, trước kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng làm bùng lên đồn thổi về số phận của nhân vật cao cấp nhất ngành an ninh Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang, người từng ủng hộ ông Bạc mạnh mẽ trong Bộ Chính trị.

Một số nhà phân tích tin rằng đợt ‘cởi mở trên báo chí mạng’ có liên quan đến cuộc tranh chấp quyền bính ở cấp cao nhất trong bộ máy chính trị Trung Quốc.

Nhằm đánh vào Bạc Hy Lai?

Trước kỳ đại hội đảng lần thứ 18 vào mùa thu này, Trung Quốc chứng kiến sự bùng nổ của báo chí mạng và hiện có dấu hiệu rằng chính trị phe phái đang tác động đến quy luật kiểm duyệt Internet.

Một số nhà quan sát chuyên theo dõi về Trung Quốc đang tìm cách đọc những chỉ dấu chính trị rộng hơn qua giám sát các tin hoặc bình luận đăng tải, hay đúng hơn là được phép cho đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc.

Ngay sau khi Giám đốc Công an Trùng Khánh, ông Vương Lập Quân chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô ngày 6/2, điều kỳ lạ là bộ máy kiểm duyệt không tỏ ra nỗ lực trong việc ngăn chặn mọi tin đồn liên quan vụ việc. Có ý kiến cho rằng chính quyền cố ý nới lỏng kiểm soát tin tức để hạ uy tín của Bạc Hy Lai, khi đó là cấp trên của ông Vương.

Một dẫn chứng của việc này liên quan đến ‘Tưởng Vệ Bình’, một nhà báo kỳ cựu hiện sống tại Toronto, người thường xuyên chỉ trích ông Bạc Hy Lai một cách mạnh mẽ, trên Baidu thì thấy tên ông Tưởng đã không còn bị cấm. Tưởng Vệ Bình bị án tám năm tù năm 2001 theo lệnh của ông Bạc Hy Lai chỉ vì viết ba bài báo đăng ở Hong Kong phê phán ông Bạc. Ông Tưởng được thả sau 6 năm tù và ra hải ngoại sống nhưng vẫn viết bài chỉ trích Bạc Hy Lai.

Dù sau đó, tên của ông Tưởng lại bị chặn nhưng dân mạng Trung Quốc hiểu được thông điệp rằng: “Bạc Hy Lai đã ở vào thế nguy”.

Đợt tin đồn trên mạng mới nữa là tin lãnh đạo an ninh Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang, có âm mưu cùng ông Bạc Hy Lai muốn gây chuyện cho quá trình nối ngôi của ông Tập Cận Bình từ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Bản thân ông Chu đã lên truyền hình để bác bỏ tin đồn nhưng người ta vẫn bàn tán rằng vị trí của ông không còn vững.

Về Pháp Luân Công

Kiểm duyệt cũng được nới lỏng với phong trào tâm linh Pháp Luân Công, tổ chức vốn cáo buộc ông Giang Trạch Dân và người được ông nâng đỡ là Chu Vĩnh Khang đã “ra lệnh truy bức và tra tấn” các thành viên của họ.

Pháp Luân Công chính thức bị ông Giang Trạch Dân, khi đó là Chủ tịch nước, cấm ở Trung Quốc năm 1999. Ông Chu Vĩnh Khang nắm ngành an ninh đã chỉ đạo chiến dịch đánh phong trào này.

Vào ngày 17/3, hai ngày sau khi ông Bạc Hy Lai mất chức, trang web Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times) có liên hệ với Pháp Luân Công, đã không bị chặn tại Trung Quốc một thời gian ngắn, theo người dùng mạng Trung Quốc.

Tuần trước, trang web này thông báo một số từ khóa liên quan đến Pháp Luân Công đã không bị cấm một thời gian ngắn ngủi trên Baidu và Sina Weibo.

Hôm 21/3, một trang web tiếng Hoa mang tên ‘Chuyển Pháp Luân”, tức là cuốn kinh sách chính của Pháp Luân Công đã hiện ra đầu bảng tìm kiếm trên Baidu. Tên này chỉ bị chặn vào ngày sau đó.

Từ khóa “Ngọn lửa giả dối” trong tiếng Hoa, tên của một bộ phim tài liệu, cũng không bị chặn. Đây là phim cho rằng vụ năm thành viên Pháp Luân Công tự thiêu tại quảng trường Thiên An Môn năm 2001 chỉ là trò dàn dựng của công an Trung Quốc.

Thậm chí quan trọng hơn là chuyện kiểm duyệt mạng cho phép người dùng tiếp cận cả các cụm từ liên quan đến những cáo buộc nghiêm trọng rằng chính quyền Trung Quốc giết thành viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng đem bán.

Những cáo buộc đó cho rằng các ông Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân có dính líu đến chuyện giết người lấy nội tạng đó. Chẳng hạn khi tìm kiếm bằng tiếng Hoa “thu hoạch gan”, “thu hoạch máu”, hay “Vương Lập Quân mua hàng tươi sống” thì đều có thể tìm được, theo trang Epoch Times đưa tin ngày 26/3.

 

Xuất hiện từ liên quan vụ Thiên An Môn

Tại Trung Quốc, cụm từ ‘Lục Tứ’ ngày 4/6/1989, chỉ vụ đàn áp Thiên An Môn, luôn bị cấm nhưng lại gắn liền với công danh của ông Giang Trạch Dân, người được đưa lên đỉnh cao quyền lực sau vụ Thiên An Môn.

Hôm 21/3, dân mạng Trung Quốc tìm “Lục Tứ” và thấy xuất hiện trên Baidu một lúc. Trang Quả Táo từ Hong Kong trích lời bà Đinh Tử Lâm, người lập ra nhóm

‘Các bà mẹ Thiên An Môn” nói chồng bà nay tìm thấy nhiều “nội dung tế nhị” trên mạng.

Cùng thời gian trên, thảo luận về ông Triệu Tử Dương, cố Thủ tướng có đầu óc cải cách, người bị loại vì có cảm tình với sinh viên ở Thiên An Môn và chết khi bị giam tại gia năm 2005, cũng xuất hiện trở lại trên mạng.

Hôm 20/2, một bài chân dung về ông Triệu có trên trang Baike (Bách Khoa), bản từ điển toàn thư do mạng Baidu duy trì.

Chỉ trong một thời gian ngắn, bài đã thu hút hàng triệu lượt đọc và làm nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về Triệu Tử Dương trên các trang mạng microblogs.

Nhưng sau hai ngày, bài chân dung ông Triệu bị xóa, khiến nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh, ông Trần Tử Minh, nói với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ở Hong Kong rằng ông tin là có tranh luận ở cấp cao trong Đảng có nên mở cửa để thảo luận về ông Triệu hay không.

Nhưng quan tâm về Triệu Tử Dương tiếp tục có đà và trước lễ Thanh Minh ngày 5/4 năm nay, nhiều dân mạng vẫn tiếp tục vào thăm trang tưởng niệm ông, cũng trên mạng Internet. Báo Hong Kong tin rằng có những động thái cho thấy hoặc đang có tranh chấp quyền bính tại Trung Quốc hoặc có cả sự thúc đẩy cải cách chính trị, thể hiện qua việc lúc đóng, lúc mở Internet.

Nhưng câu hỏi là mọi diễn biến đó có khiến Trung Quốc tiến về hướng cởi mở và đi tới về chính trị hay không?

Ông Lý Đại Đồng, cựu chủ bút tuần báo Băng Điểm (Freezing Point) thuộc nhật báo Thanh Niên Trung

Quốc, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng ông chẳng thấy có sự tiến bộ nào hết. “Hiện những gì xảy ra không phải là sự tiến bộ vì nhiều thứ ở Trung Quốc không được cơ chế hóa nên chúng có thể mở ra trong vài ngày, rồi sau đó đóng lại, biến mất”.

Vậy ai có thể được lợi từ cách nới lỏng tin tức về Thiên An Môn và Pháp Luân Công?

Trần Khuê Đức, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc hiện sống tại Hoa Kỳ, nói với tờ Epoch Times rằng chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo là người hưởng lợi từ chuyện mở cửa với chủ đề Thiên An Môn:

“Ông là người thông minh và biết rằng trong tương lai, chuyện Thiên An Môn sẽ được công nhận”.

Ông Trần cũng đồng ý rằng nói nhiều về Pháp Luân Công sẽ gây hại cho cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và ông Chu Vĩnh Khang.

“Ai cũng biết Giang và Chu nỗ lực trấn áp Pháp Luân Công, nhất là Giang Trạch Dân. Cho phép nói về chuyện này là cách tấn công ông ta”.

Người ta vẫn tin rằng kiểm duyệt mạng ở Trung Quốc là nhằm ngăn chặn “các thế lực thù địch bên ngoài” và giới đối kháng trong nước, nhưng việc nới lỏng nó lại trở thành vũ khí cho đấu đá phe phái trong đảng.

Những điều này cho thấy cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trở nên quyết liệt hơn và ít bị che giấu hơn trước dư luận.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570247

Hôm nay

2283

Hôm qua

2367

Tuần này

22630

Tháng này

228771

Tháng qua

129483

Tất cả

114570247