Tuy nhiên, tham vọng của Bạc Hy Lai nhằm tiến sâu vào cơ quan đầu não, thậm chí một ngày nào đó trở thành “nhân vật số 1” của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị tiêu tan trong khoảng thời gian chưa đầy 20 tiếng đồng hồ sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề nghị cải cách chính trị nhằm tránh rơi vào một cuộc Cách mạng Văn hóa mới.
Theo các nguồn thạo tin, Bắc Kinh nhìn thấy trước nguy cơ xảy ra đụng độ giữa Quân đội với Đảng, nếu phái quân sự thuộc khu vực Tây Nam đất nước đứng lên bảo vệ ông Bạc do phái này có mối quan hệ thân hữu với Bạc Nhất Ba - cha ông - và là người đồng chí tận trung của Mao.
Theo tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng”, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói với các ủy viên trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc rằng, việc làm của Vương Lập Quân là một tội phản động. Tờ báo dẫn một nguồn tin từ Trùng Khánh cho hay: “các quan chức địa phương được thông báo là ông Vương đã phản bội đất nước với nhiều tội ác, tham nhũng và thoái hóa về mặt đạo đức”.
Giới phân tích cho rằng, việc bãi nhiệm Bạc Hy Lai, con trai của một cựu lãnh tụ cách mạng, một nhân vật được xem là hết sức “tầm cỡ” và là “hoàng tử” thuộc thế hệ thứ 5, đã bộc lộ mâu thuẫn chính trị sâu sắc trong nội bộ ĐCS Trung Quốc kể từ năm 1989. Một số chuyên gia cho rằng, chính tham vọng quá lớn đã làm cho ông Bạc bị sụp đổ. Ông không muốn làm một “nhà lãnh đạo bình thường” mà muốn làm “lãnh tụ”, và điều này là không thể chấp nhận được ở đất nước Trung Hoa nơi quyền lãnh đạo tập thể được đưa lên hàng đầu. Đồng thời việc ông này muốn tự phong cho mình huy chương vì sự nghiệp đấu tranh chống tham nhũng cũng là một nguyên nhân làm ông thất bại: ở chế độ Trung Quốc chức năng đó thuộc thẩm quyền của Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước.
Theo nhà phân tích Claude Lely của tạp chí "Tin Trung Hoa", vụ Bạc Hy Lai giúp củng cố vị thế của phái "cải cách" do Hồ Cẩm Đào đứng đầu, đồng thời cho thấy cuộc tranh giành các vị trí lãnh đạo chủ chốt quyết liệt và gây xáo động trong Đảng đến mức nào.
Bạc Hy Lai là người có sức thuyết phục, có phong cách riêng và mang dáng dấp của một Kennedy Trung Hoa, một chính khách được giới truyền thông ưa thích. Việc ông được bổ nhiệm làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh năm 2007 có thể là thăng chức, cũng có thể là bị đi đày. Đối với ông, điều đó không quan trọng vì ông muốn biến nơi đây thành bàn đạp để leo lên vị trí lãnh đạo cao hơn.
Trong một hệ thống chính trị dựa trên cơ sở bầu bán nội bộ, Bạc Hy Lai lại muốn dựa vào dân chúng để thỏa mãn tham vọng cá nhân. Ông đáp ứng cảm giác mất mát giá trị của người Trung Quốc bằng chủ trương tái lập nền văn hóa cộng sản chính thống, với những bài ca cách mạng trên phố và truyền hình, chiến dịch phục hồi tư tưởng Maoít trên Internet và điện thoại di động, lên án sự xâm lăng của văn hóa phương Tây… Cứ thế, Trùng Khánh trở thành biểu tượng của trào lưu "Đổi mới Đỏ", còn Bạc Hy Lai trở thành ngôi sao sáng trên chính trường Trung Quốc.
Bạc Hy Lai thuộc phái bảo thủ muốn giãn tiến độ cải cách kinh tế và là hiện thân của một "cánh tả mới". Giới trí thức ủng hộ phái này cũng như nhân vật mị dân này, và cho rằng không phải tất cả những gì diễn ra trong Cách mạng văn hóa đều đáng bị vứt bỏ. Ông ve vãn báo chí và được báo chí đáp lại. Chính chiến dịch chống tham nhũng chưa từng thấy giúp ông nổi tiếng trong cả nước.
Trùng Khánh nổi tiếng là một trong những sào huyệt của maphia Trung Hoa và Bạc Hy Lai muốn tiến hành một cuộc chiến vừa bằng sức mạnh, vừa bằng truyền thông, với sự trợ giúp của Vương Lập Quân, Giám đốc công an thành phố.
Các vụ xử án quan chức ồn ào đã triệt hạ được một số đối thủ, đàn áp bằng tra tấn và dẫn đến nhiều vụ kết án tử hình, nhưng chính sách cứng rắn của "ông vua con" Trùng Khánh khiến giới truyền thông và người dân Trung Quốc thích thú. Quả thực là một số giới truyền thông coi ông như một nhà độc tài, biểu tượng của giới lãnh đạo không ai đụng đến được. Họ đăng tải tin đồn về tham nhũng, đầu tư ra nước ngoài hay thói chơi ngông của con trai ông thích xe hơi hạng sang và gái đẹp.
Đại đa số dân chúng trong nước tin những điều ông nói: từ thành phố cảng Đại Liên đến Trùng Khánh, nơi nào xã hội cũng an toàn hơn, thành phố phát triển nhanh hơn và dân chúng cảm thấy mình gần gũi với Đảng hơn. Tất cả là nhờ Bạc Hy Lai.
Trái lại, giới chức lãnh đạo cấp cao của Đảng lại không đánh giá cao chính sách mị dân của Bạc Hy Lai, phê phán ông về phong cách làm việc cá nhân và thiếu tôn trọng quy định của Đảng. Bạc Hy Lai bỏ ngoài tai tất cả vì ông nghĩ rằng sự ủng hộ của dân chúng sẽ giúp ông lên được Bắc Kinh… Và "ngôi sao đỏ" nằm trong số những nhân vật có nhiều cơ hội nhất để giành một trong 9 ghế thường vụ Bộ chính trị.
Vụ Vương Lập Quân dường như nổ ra vào thời điểm thích hợp đối với phái chống Bạc Hy Lai. Có người cho rằng vụ này được phái cải cách trong Đảng dàn dựng với sự đồng tình của Hồ Cẩm Đào. Một nguồn tin thông thạo vấn đề này cho biết Hồ Cẩm Đào khẳng định trước Quốc hội rằng Vương Lập Quân là kẻ phản bội khi định xin tị nạn tại Mỹ.
Tuy nhiên, mục tiêu chính trong vụ này được cho là nhằm vào Bạc Hy Lai. Là chính khách giỏi và có sức thuyết phục, ông trở thành nạn nhân của việc mình được lòng dân. Còn những người có mưu đồ đã âm thầm hành động để triệt hạ sự nghiệp chính trị của ông. Tuy không ai biết vai trò của Bắc Kinh cũng như của Bạc Hy Lai trong vụ cánh tay phải của ông này chạy trốn rồi bị bắt là như thế nào, song nhiều người ủng hộ quan điểm theo đó, đối với chính quyền, vụ bê bối này là một cơ hội tốt để loại trừ một quan chức lãnh đạo quá tham vọng.
Bạc Hy Lai nói ông không biết gì về sự việc liên quan đến Vương Lập Quân mà cho đó là một trường hợp mang tính cá nhân, nhưng cuộc họp báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã định đoạt số phận của ông. Ôn Gia Bảo phê phán công khai cách lãnh đạo của Đảng bộ Trùng Khánh vì cơ quan này "phải biết" và "tính tới" vụ Vương Lập Quân. Việc Ôn Gia Bảo ý tứ nói đến cuộc Cách mạng văn hóa cũng là nhằm vào Bạc Hy Lai. "Nguy cơ" mà Ôn Gia Bảo nói đến chính là nguy cơ của một quan chức lãnh đạo quá quan tâm đến lợi ích cá nhân mình và sẵn sàng làm mọi điều sai lệch để đạt mục đích.
Trong Đảng cộng sản Trung Quốc rất ít khi xảy ra việc các quan chức lãnh đạo cao cấp phê phán nhau, do đó tuyên bố của Ôn Gia Bảo nói lên nhiều điều. Việc cách chức Bạc Hy Lai cũng khẳng định một điều: Ôn Gia Bảo phát biểu nhân danh toàn Đảng. Chuyên gia Willy Lam, thuộc trường Đại học Trung Quốc (Hồng Công), khẳng định như vậy, chắc chắn sự nghiệp của Bạc Hy Lai đã chấm dứt.
Tuy thận trọng, song các nhà phân tích cho đây là thất bại của phái bảo thủ Maoít mới trước phái "tự do" và "cải cách" thuộc phái Đoàn thanh niên của Hồ Cẩm Đào. Khi nói về phái này, ông Jean-Philippe Béja, nhà nghiên cứu làm việc cho Trung tâm nghiên cứu quốc tế thuộc trường Đại học Sciences Po (Pháp), cho rằng lúc này, có thể nói các nhân vật tự do đắc lợi nhất và Uông Dương, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, càng có cơ may lọt được vào Ban thường vụ hơn. Là người thuộc phái Đoàn thanh niên, Uông Dương có tham vọng vào Ban thường vụ từ bệ phóng là tỉnh Quảng Đông ở miền Nam, đầu tàu kinh tế của Trung Quốc, nơi nhân vật theo trường phái "tự do" này tạo dựng tiếng tăm trên cương vị người đứng đầu cơ quan đảng.
Điều trớ trêu của lịch sử là trước đó Uông Dương là người tiền nhiệm của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh. Nhà nghiên cứu Willy Lam, cho rằng Bạc Hy Lai là nạn nhân của cuộc chiến đang gia tăng giữa phái Đoàn thanh niên và phái Thái tử đỏ, con cái của các vị anh hùng cách mạng như Bạc Nhất Ba. Vụ thanh trừng Bạc Hy Lai, người theo lôgích sẽ vào Bộ chính trị sau Đại hội lần thứ 18, đánh dấu thắng lợi của phái Đoàn thanh niên đứng đầu là Hồ Cẩm Đào. Nhưng còn phải xem vị trí đó có được trao cho một vị thái tử đỏ nào khác không, hay sẽ được trao cho một nhân vật thuộc phái Đoàn thanh niên. Ông cho rằng cũng nên thận trọng ở một nước nơi Đảng cộng sản lãnh đạo bằng bàn tay sắt từ 62 năm nay.
Bạc Hy Lai được thay thế bằng Trương Đức Giang, một quan chức có phong cách ít cá nhân hơn và tham gia ban lãnh đạo cao cấp của Đảng từ 10 năm nay. Ông này cũng là đệ tử của cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân. Tốt nghiệp trường Đại học Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên, họ Giang rất ít khi được nhắc đến, trừ trong vụ cúm gà năm 2002. Lúc đó, với tư cách là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, ông quyết định giấu giếm vụ việc khiến virút lan sang Hồng Kông rồi từ đó lan ra toàn thế giới. Trương Đức Giang nổi tiếng là người cứng rắn, kín đáo và trung thành với Đảng.
Việc sa thải Bạc Hy Lai tạo ra một bầu không khí không chắc chắn về tương lai của ban lãnh đạo Trung Quốc. Các đồng minh bảo thủ của ông này có thể bị mất thăng bằng khi chỉ còn vài tháng nữa là đến thời điểm đổi mới ban lãnh đạo cao nhất của nước này, với việc hoạch định chính sách cho 10 năm tới.
Theo chuyên gia Guo Yingjie, thuộc trường Đại học công nghệ Sydney, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo được coi là những nhà "tiền cải cách". Khi ngăn chặn được Bạc Hy Lai trên con đường vào Ban thường vụ Bộ chính trị, cả hai nhà lãnh đạo này bảo đảm chắc chắn họ vẫn còn ảnh hưởng sau khi ra đi. Tập Cận Bình, người rất có thể sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, và Lý Khắc Cường, người cũng có nhiều khả năng sẽ thế chỗ Thủ tướng Ôn Gia Bảo, có thể sẽ là những người duy nhất được giữ lại trong Ban thường vụ Bộ chính trị sau đại hội vào tháng Mười tới. Bảy thành viên khác sẽ được thay thế nếu trung tâm quyền lực của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục có 9 người.
Ông Jean-Philippe Béja, cho rằng có người đã nhầm khi khẳng định tiến trình kế nhiệm ở Trung Quốc đã được thể chế hóa, vì sắp tới có thể sẽ còn nổ ra nhiều vụ việc khác. Các phe phái hiện đã sẵn sàng, bằng chứng là vụ Bạc Hy Lai bị cách chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Ai thắng, ai thua đây? Việc thanh trừng Bạc Hy Lai tác động thế nào đến thành phần - vốn phải phản ánh một sự cân bằng tinh tế - của Ban thường vụ mới và đường lối của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới trong 10 năm tới? Nền chính trị Trung Quốc vẫn luôn mờ ảo và không thể lường trước được như dưới thời Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Đó chính là truyền thống chính trị đặc trưng của Trung Quốc.
“Đại biến động trong trung tâm quyền lực Trung Quốc”
Dưới đầu đề trên báo Le Figaro ra ngày 16/3/2012 viết:
Tất cả đã bắt đầu từ buổi tối mùa đông giá lạnh, trong một bầu không khí có hương vị Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng, nếu kịch bản câu chuyện giống như một bộ phim Hollywood thì các diễn viên lại hoàn toàn có thật và đó là các nhân vật chính yếu của một nước Trung Quốc, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới. Ngày 6/2/2012, ông Vương Lập Quân đến, hay đúng hơn là đến tỵ nạn tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Ông Vương là Phó thị trưởng Trùng Khánh, siêu đô thị với 30 triệu dân, cách Thành Đô khoảng ba giờ đường bộ. Ông chịu trách nhiệm về an ninh và chính viên “siêu cảnh sát” này, với phương cách hành xử “cơ bắp”, đã tiến hành cuộc chiến chống lại các “hắc đảng”, những thế lực mafia ở địa phương. Với vị trí này, ông là thuộc hạ thân tín của lãnh đạo Đảng ở Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, một gương mặt quan trọng trong bộ máy lãnh đạo chính trị Trung Quốc, một trong những nhân vật đang khao khát có chân trong Thường vụ Bộ Chính trị trong dịp thay đổi thành phần vào mùa thu tới. Nhưng bước đường hướng tới tầm cỡ lãnh đạo quốc gia của ông Bạc Hy Lai chắc chắn đã dừng lại ngày 15/3 với việc ông bị cách chức.
Tại Thành Đô, vào tháng 2, các sự kiện nhanh chóng mang dáng dấp thảm kịch. Trên Vi Bác, mạng xã hội Twitter Trung Quốc, các cư dân mạng nói là có hàng chục xe của lực lượng cảnh sát và bán vũ trang được triển khai xung quanh cơ quan đại diện Mỹ. Ông Vương Lập Quân đã ở trong lãnh sứ quán khoảng 24h. Điều gì đã xảy ra trong suốt những giờ phút dài đằng đẵng đó. Vẫn hoàn toàn bí ẩn. Người ta nói rằng quan chức cao cấp này dường như xin tỵ nạn chính trị tại Mỹ. Vô ích. Các nhà ngoại giao Mỹ đã khẳng định, đúng là ông Vương đã tới Thành Đô, nhưng ông đã “tự nguyện” rời khỏi lãnh sự quán và họ không tiết lộ gì thêm.
Người ta tưởng tượng đến bầu không khí sôi sục giữa hai cường quốc lớn, những cú điện thoại của các quan chức Trung Quốc cảnh báo những mối nguy hiểm về một cuộc phiêu lưu như vậy. Trong một cuộc nói chuyện với đài truyền hình Phượng Hoàng Hồng Kông, thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm đã nhả ra một vài thông tin. Ông tiết lộ là đã bỏ ra hai, ba giờ đồng hồ để thuyết phục ông Vương Lập Quân rời lãnh sự quán Mỹ. Do vậy, ông cho là đã tránh được một cuộc “khủng hoảng ngoại giao” nghiêm trọng. Trên thực tế, tối 7/2, ông Vương ra khỏi nơi tỵ nạn tạm thời. Các nhân viên an ninh quốc gia đón ông. Ngày 8/2, ông Vương được đưa lên Bắc Kinh bằng máy bay. Từ đó, ông bị thẩm vấn trong những điều kiện được giữ bí mật. Cũng trong ngày hôm đó, một thông cáo cho biết ông Vương nghỉ phép vì “làm việc quá sức”. Câu chuyện “Thanh tra Eliot Ness Trùng Khánh” có cảm hứng từ bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng. Ông Vương giờ đây đã khoác bộ trang phục mầu ghi xám của “kẻ phản bội”, bị nghi ngờ tham nhũng và có những phương cách làm việc phạm luật.
Khi chấp nhận hành động rủi ro “được ăn cả, ngã về không” này, phải chăng là vì tính mạng ông Vương bị đe dọa? Ông đã mang theo những hồ sơ gì khi vào lãnh sự quán Mỹ? Báo chí Hồng Kông nói rằng ông có một số thông tin bất lợi cho ông Bạc Hy Lai, rằng nhiều ngày trước khi xảy ra sự cố, ông Vương đã viết một bức thư gửi cơ quan đáng sợ là Ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Đảng, cấp báo về một số việc bất hợp lệ của thủ trưởng ông ta. Cũng không quan trọng lắm. Điều cơ bản là vụ việc đã làm dấy lên một cơn bão chính trị dữ dội nhất mà Trung Quốc chưa hề thấy từ rất lâu nay và làm lộ rõ những biến động trong việc chuyển giao quyền lực chính trị năm 2012, một sự kiện mà mỗi thập niên chỉ xẩy ra một lần tại đất nước này. Ở Trung Quốc “chiến dịch vận động tranh cử” - theo kiểu chủ nghĩa xã hội thị trường - đã thực sự được khởi động. Và dao nhọn đã được rút ra khỏi bao trong cuộc đấu đá giữa các phe phái khác nhau, giữa các đường lối khác nhau.
Trong những trận chiến trong bóng tối này, chỉ thỉnh thoảng người ta mới trông thấy ánh phản quang của dao. Theo thông lệ, đấu đá chỉ diễn ra trong bóng tối. Giống như thời cổ xưa của Liên Xô và của kiểu nghiên cứu “Kremlin học”, người ta chỉ có thể phỏng đoán, tìm kiếm những điểm khác biệt tinh tế trong những lời phát biểu lạnh lùng, bài bản theo kiểu “lưỡi gỗ”, dò xem kỹ lưỡng những bức ảnh chính thức để đếm kẻ vắng mặt, người hiện diện, đánh giá về thứ hạng của các nhân vật trong bộ máy quyền lực tùy theo vị trí của họ. Đúng vậy, trong những ngày vừa qua, kỳ họp thường niên của Quốc hội là dịp để quan sát, phỏng đoán. Ngày 22/3, các nhà quan sát bình luận nhiều về sự vắng mặt của ông Bạc Hy Lai trong một cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị. Ông cho biết là bị “cúm nhẹ”. Hôm sau, ông tham gia vào một cuộc gặp với báo chí của đoàn đại biểu Trùng Khánh. Vào dịp đó, ông thừa nhận “khuyết điểm không giám sát”.
“Chín Hoàng đế”
Có hai dữ kiện xác định khuôn khổ các cuộc đối đầu đang diễn ra. Dữ kiện đầu tiên là tính lãnh đạo tập thể tại Trung Quốc mà trung tâm quyền lực là Ban Thường vụ Bộ Chính trị, với 9 thành viên, được gọi là “Chín Hoàng đế”. Chính từ đây mà những thoả hiệp được hình thành, những đồng thuận chung được đưa ra. Cần phải biết là tầng lớp cao cấp trong giới lãnh đạo cộng sản không hề là một khối thống nhất. Có những thiên hướng bảo thủ hơn, có những thiên hướng cải cách hơn và nhất là tầng lớp này lại chia thành vài phe phái lớn với những liên minh đôi khi đan chéo nhau.
Dữ kiện lớn thứ hai là sự cần thiết đối với vị chủ tịch mãn nhiệm giữ được các phương tiện chi phối quyền lực, vì nên biết rằng thế hệ thứ 5 các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cầm cương điều khiển đất nước trong 10 năm trời, tới tận năm 2022. Như ông Giang Trạch Dân đã làm cách nay 10 năm, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào phải xếp đặt càng nhiều người của ông càng tốt vào trong bộ máy quyền lực cao nhất, để giữ được khả năng tác động, chi phối. Do đó, vụ ông Bạc Hy Lai, có thể được diễn giải nhiều cách khác nhau. “Tất cả các diễn giải này vừa đúng vừa sai”, như lời một nhà ngoại giao. Đó là cuộc chiến giữa hai phái, phái Đoàn Thanh niên Cộng sản và phái “các hoàng tử” hay là cuộc chiến giữa “mô hình Trùng Khánh” bảo thủ hơn và “mô hình Ô Khảm” cải cách hơn. Trong trường hợp thứ nhất, có lẽ trước hết là cuộc đấu đá giữa các nhân vật vì quyền lực. Trong trường hợp thứ hai, đó là một sự đối chọi giữa hai tầm nhìn về một nước Trung Hoa trong tương lai.
Cuộc chiến giữa hai phái gần như là một sự đối đầu của “giới quan chức chống lại các hoàng tử”. Thực vậy, một bên là Đoàn Thanh niên mà thủ lĩnh là Chủ tịch Trung Quốc hiện nay, ông Hồ Cẩm Đào. Trong nhiều trường hợp, đó là những người xuất thân từ giới bình dân và nhờ công trạng mà lên cao trong bộ máy chính quyền. Như vậy, họ không có “máu xanh - có dòng dõi quý tộc” trong người. Bên kia chiến hào là phe “các hoàng tử” trong đó có ông Tập Cận Bình, mà ai cũng cho rằng ông sẽ là chủ tịch tương lai của Trung Quốc. Họ là thành viên của tầng lớp quý tộc đỏ, hậu duệ của những anh hùng lập ra nền Cộng hòa Nhân dân. Theo ông William Lam, người am hiểu những điều bí mật trong bộ máy quyền lực Trung Quốc thì vào lúc này người ta đang được chứng kiến việc xem xét lại một thỏa hiệp đã đạt được hồi năm ngoái, dựa trên việc chia, số ghế trong cơ cấu quyền lực “Chín Hoàng đế” thành 3 phần: Ba ghế cho phái Đoàn Thanh niên, ba ghế cho phe các hoàng tử, trong đó có ông Tập Cận Bình và ba ghế cho các phe phái khác. Trong một bài viết trên mạng Jamestown Foundation, ông William Lam cho rằng ông Hồ Cẩm Đào và các thuộc hạ của ông đã chỉ đạo giải quyết “sự bất trắc” Trùng Khánh, thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của ông Bạc Hy Lai. Chỉ còn cần phải đạt được sự đồng thuận về người thay thế ông Bạc Hy Lai.
“Sự phá sản của mô hình Trùng Khánh”
Về thực chất, dường như có sự đối đầu giữa hai mô hình. Mô hình Trùng Khánh mà ông Bạc Hy Lai muốn thấy toàn Trung Quốc áp dụng là một dạng thỏa hiệp kết hợp giữa việc quay trở lại tư tưởng bình đẳng kiểu Mao và một sự mở cửa về kinh tế dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Mô hình kia, mà một số người từ nay coi đó là “mô hình Ô Khảm”, ý muốn nói tới khu làng nổi dậy ở miền Nam Trung Quốc vừa mới thực hiện cuộc bỏ phiếu cấp địa phương tự do đầu tiên. Người đã giải quyết cuộc khủng hoảng này là người đứng đầu tỉnh Quảng Đông, ông Uông Dương. Đây là người được chủ tịch Hồ Cẩm Đào che chở, cũng có thể sẽ tham gia vào nhóm Chín Hoàng đế và là đối thủ chính của ông Bạc Hy Lai. Được coi là người rất ủng hộ tự do kinh tế, ông chủ trương phải mạnh dạn hơn nữa trong cải cách, qua việc giảm vai trò của Đảng, nới lỏng hơn sự kiểm soát đối với xã hội dân sự. Một nhân vật chủ chốt trong phe tân tả theo tư tưởng Mao, ông Yang Fan, tác giả một cuốn sách ca ngợi ông Bạc Hy Lai có tựa đề “Mô hình Trùng Khánh”, mới đây lên tiếng thừa nhận là cần có thêm một cái nhìn khác về trường hợp Ô Khảm.
Theo ông Trương Minh, giáo sư ở Đại học Nhân dân, việc cách chức ông Bạc Hy Lai báo hiệu sự “phá sản của mô hình Trùng Khánh và bật tín hiệu cho đường lối cải cách hiện đại hơn, nhưng không quá thiên tả”. Nhà nghiên cứu Zheng Yongnian, thuộc Viện Đông Nam Á, đại học Quốc gia Singapore, nhận định, “cho đến nay, có một sự đối địch, tranh đua liên tục giữa hai đường lối này. Giờ đây, đường lối Trùng Khánh bị gạt bỏ, các lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể tự do hơn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận chung và thúc đẩy cải cách. Điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào họ”.
Do vậy, một số người tự hỏi phải chăng có một sự trùng hợp giữa vụ bê bối chính trị và việc đăng tải trên các phương tiện truyền thông chính thống những bài viết có giọng điệu “cải cách” hơn là bình thường, kể cả về mặt xã hội và chính trị. Người ta đang tấn công các “nhóm lợi ích”, nhất là những người đứng đầu các doanh nghiệp Nhà nước, dường như đã ngăn chặn cải cách. Nếu mà từ đó đưa ra suy luận rằng thời của những đại cải cách đã đến, thì đây là một suy nghĩ viển vông, vì vẫn còn một khoảng cách rộng bằng nước Trung Hoa. Vả lại, việc trấn áp những tiếng nói bất đồng không hề giảm. Và các giai đoạn quá độ vẫn chỉ quay lại nguyên trạng. Chuyên gia William Lam cũng lưu ý là các nhà lãnh đạo cộng sản có “truyền thống lâu đời sử dụng những nhân vật cải cách triệt để và những ngưòi có tư tưởng tự do về kinh tế như những con tốt trong các thủ đoạn chính trị, để rồi sau đó gạt bỏ chúng đi khi trận chiến giành quyền lực kết thúc”.
“Đấu đá bè phái dậy sóng ngay trong lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc” là nhận xét của nhật báo công giáo La Croix. Tờ báo cho rằng việc Trung Quốc loan báo chính thức việc cách chức ông Bạc Hy Lai ngày 15/3 “đã gây ra nhiều tác động”, “làm dậy sóng những lời đồn thổi về một cuộc đấu đá nội bộ trong lòng Đảng Cộng sản”. Nhận định về sự kiện này, tờ báo cho rằng có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số nhà quan sát thì cho rằng đấy chính là thành quả của những người ủng hộ cải cách, mong muốn chống lại trường phái “cánh tả bảo thủ mới” mà ông Bạc Hy Lai là một trong những người đại diện rõ nét. Còn đối với một số khác, thì lại nghĩ rằng đó chẳng qua chỉ là sự trả thù từ những quan chức bị vạ lây do cuộc chiến chống tham nhũng của người đàn ông đầy quyền lực nhất tại Trùng Khánh.
Sự kiện này cũng lộ rõ là “Hệ thống chính trị Trung Quốc là một trong những hệ thống mập mờ nhất trên thế giới sau Bắc Triều Tiên. Một điều chắc chắn là sự kiện này chứng tỏ rằng vấn đề kế thừa vẫn chưa được giải quyết xong và tình thế bên trong vẫn chưa ổn định”.
Theo nhật báo kinh tế Les Echos, sự kiện này cũng giúp cho giới quan sát hiểu rõ phần nào lời kêu gọi cải cách chính trị của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đưa ra ngày 14/3/2012. Ông cảnh báo về nguy cơ “thảm kịch lịch sử giống như thời Cách mạng Văn hóa” có thể quay trở lại. Les Echos cho rằng sai lầm của Bạc Hy Lai là đã khiến cho giới truyền thông chú ý đến mình một cách quá lộ liễu qua việc định tìm cách quay về những giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội và tìm cách đề cao những giá trị thời Mao Trạch Đông.
Nhận định này cũng được báo Le Monde đồng chia sẻ. Dưới danh nghĩa khám phá lại “những giá trị của chủ nghĩa xã hội”, ông Bạc Hy Lai nuôi dưỡng một kiểu “chủ nghĩa Mao ngoại lai”: làm sống lại nhiều vở kịch lớn thời cách mạng huy hoàng và cho hát lại bài hát “Đông phương hồng” tại Trùng Khánh. Tên tuổi của ông xuất hiện hầu như khắp nơi trong làng báo chí đến mức thêu dệt thành một huyền thoại. Ông chính là người đã chỉ ra được một số căn bệnh trầm kha tại Trung Quốc ngày nay: bất công ngày càng tăng, thiếu một Nhà nước pháp quyền và trống vắng về tinh thần. Nói tóm lại, một mô hình phát triển kinh tế - chính trị - xã hội công bằng nhưng dưới sự bảo hộ của nhà nước, một kiểu Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, mô hình của Bạc Hy Lai lại đối lập với mô hình “tự do” về kinh tế và chính trị của ông Uông Dương tại Quảng Đông, thành phố biển phía Nam của Trung Quốc, một trong những thành phố giàu có nhất và đông dân nhất.
Cũng liên quan đến quan điểm này, Le Figaro có cái nhìn sâu sắc hơn. Nhà bình luận Arnaud De La Grange, trong bài viết đề tựa “Những mưu toan ngay trong lòng quyền lực Trung Quốc” cho rằng bối cảnh của những vụ chạm trán đang diễn ra có thể được diễn giải theo hai khía cạnh chính, tranh giành quyền lực giữa hai phe và quan điểm nhìn về mô hình phát triển kinh tế- chính trị.
Thứ nhất, tính tập đoàn quyền lực mà trung tâm chính là Ban Thường vụ Bộ Chính trị, gồm chín thành viên, thường được mệnh danh là “chín vị hoàng đế”. Vị trí này thường được thông qua bằng thỏa thuận. Tác giả cho rằng, nền chính trị của Trung Quốc không hoàn toàn là một khối nguyên vẹn, mà bao gồm một bên là phe bảo thủ nhất và bên kia là phe cải cách.
Thứ hai, chủ tịch sắp mãn nhiệm nhất thiết phải bảo vệ bằng được những vây cánh quyền lực, khi nhận thức được rằng thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc sẽ phải lãnh đạo đất nước trong một thời hạn là mười năm, tức là đến tận năm 2022. Giống như ông Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào cũng phải sắp đặt càng nhiều người của mình vào ngay trong vòng quyền lực cao nhất để có thể giữ được tầm ảnh hưởng.
Theo Arnaud De La Grange, vụ ông Bạc Hy Lai có thể được hiểu theo nhiều cách. Đấy vừa là một cuộc chiến giữa hai phe, một bên là Đoàn Thanh niên Cộng sản và bên kia là “những ông hoàng”. Hay cũng có thể được hiểu là một cuộc chiến giữa “mô hình Trùng Khánh”, thuộc phe bảo thủ và “mô hình Ô Khảm” của những người ủng hộ cải cách. Như vậy, trong trường hợp đầu tiên, đấy sẽ là một cuộc đọ sức của con người vì quyền lực. Trường hợp thứ hai, chính là sự đối đầu giữa hai tầm nhìn về một Trung Quốc cho tương lai.
Đấu đá nội bộ, chính là cú sốc của giới viên chức chống lại phe những ông hoàng. Nghĩa là, một bên là Đoàn Thanh niên Cộng sản, mà lãnh tụ chính là ông Hồ Cẩm Đào. Đấy chính là những người xuất thân từ thành phần trung lưu và được thăng tiến nhờ vào tài năng. Còn phía bên kia là “những ông hoàng” trong đó có ông Tập Cận Bình, là con cháu của những quý tộc đỏ, những người có công lao to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước Trung Hoa.
Một học giả uyên thâm về Trung Quốc nhận xét, việc ông Bạc Hy Lai bị gạt ra khỏi cuộc chiến đặt ra vấn đề xem xét lại thỏa thuận đạt được hồi năm rồi, vốn được dựa trên nguyên tắc “quyền lực chia ba”: tức là, ba ghế cho Đoàn Thanh niên Cộng sản, ba ghế cho phe “ông hoàng” trong đó có Bạc Hy Lai và ba ghế cho các nhóm khác. Như vậy, vấn đề còn lại là thỏa thuận để tìm một nhân vật khác để thay thế ông Bạc Hy Lai. Về cơ bản, đấy chính là sự đối lập giữa hai mô hình phát triển kinh tế- chính trị-xã hội giữa một bên là thành phố Trùng Khánh do Bạc Hy Lai làm đại diện và bên kia là tỉnh Quảng Đông của ông Uông Dương.
Mô hình Trùng Khánh gợi lại những giá trị chủ nghĩa Mao, xác lập một chủ nghĩa quân bình và mở cửa kinh tế dưới sự kiểm soát của chính phủ. Trong khi đó, ông Uông Dương, Bí thư tỉnh Quảng Đông, người đã quản lý thành công các cuộc khủng hoảng vừa qua, nhất là vụ “Ô Khảm”, lại chủ trương cần phải mạnh dạn cải cách khi cho rằng nên giảm bớt vai trò của Đảng và nới lỏng hơn xã hội dân sự. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thì vụ Bạc Hy Lai chứng minh cho thấy “mô hình Trùng Khánh” đã bị phá sản và đã bị gạt ra ngoài cuộc chơi, nó “hé mở một hướng cải cách mới hiện đại hơn mà không quá rẽ sang trái”. Như vậy, “các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới sẽ có nhiều quyền tự do hơn để tìm kiếm một sự đồng thuận và thúc đẩy nhanh các biện pháp cải cách”.
Mấy năm gần đây ở Trung Quốc người ta nói và viết không ít về mối nguy của bước ngoặt cánh tả, nhất là liên quan đến những thí nghiệm mà ông Bạc Hy Lai tiến hành tại Trùng Khánh. Một số nhà quan sát cho rằng trong những tuyên cáo lớn tiếng của cánh tả toát lên cố gắng giữ Trung Quốc khỏi lặp lại kịch bản “cuộc cách mạng hoa nhài” tại các nước Ả Rập.
Phe cải cách trong đảng Cộng sản Trung Quốc vừa thể hiện sự quan tâm đến những phát biểu đầy xúc cảm của ông Ôn Gia Bảo, nhưng cũng e ngại rằng sự trì hoãn tiến hành cải cách có thể đưa đảng Cộng sản đến một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp, và thậm chí là đến bước sụp đổ. “Những người tự do” cho rằng chính sự cởi mở rộng lớn sẽ cho phép ngăn chặn thành công các xung đột xã hội, tạo điều kiện cho công dân “xả dồn nén” còn chính quyền sẽ nhận được thông tin thực tế về thực trạng công việc của đất nước. Phái tự do nhìn thấy sự trỗi dậy của tinh thần “cách mạng văn hóa” ở sự tập trung quyền lực quá độ, khăng khăng nhấn mạnh đến giáo dục ý thức hệ và xiết chặt kiểm soát với các phương tiện truyền thông.
Một nguyên cớ quan trọng làm tăng hoạt tính của cánh tả là sự phân hóa xã hội ngày càng rõ trong cộng đồng dân cư Trung Quốc. Hiện có những lực lượng chính trị và bộ phận quần chúng, mà trên nền tảng đó kích động cảm xúc của cánh tả, khiến họ thiên về xu hướng lôi ra quảng bá những khẩu hiệu của một thời đại đã qua - thời đại Cách mạng Văn hóa. Điều đó làm kinh động vì một phần của kịch bản chính trị xưa, vốn ngay cả trong thời đại Cách mạng Văn hóa cũng đã là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với con đường phát triển. Một bước ngoặt cánh tả như thế, trong triển vọng thành công của nó, có thể đưa đất nước Trung Hoa lùi trở lại mấy thập kỷ về trước.
Liệu những nhân vật chủ trương cải cách có tận dụng được lợi thế từ chiến thắng tạm thời này hay không, thời gian sẽ cho thấy. Hiện tại vẫn chưa rõ, tiếp sau vụ sa thải Bạc Hy Lai có phải sẽ là động thái tái cơ cấu nhân sự tổng thể hay không. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng trước ngưỡng cửa Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự bùng phát cuộc đấu chính trị nội bộ là điều không tránh khỏi. Cuộc tranh chấp giữa phái tả và phái hữu, hiển nhiên ảnh hưởng đến tiến trình chuyển giao thế hệ trong ban lãnh đạo Trung Quốc, sẽ bắt đầu vào mùa thu này với Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18.
Mấy thập kỷ sau khi ông từ trần, Mao Trạch Đông vẫn tiếp tục là thần tượng qui tụ bao nhiêu tình cảm nóng bỏng. Đối với phái tự do, Mao là biểu tượng của một nước Trung Hoa mà hôm nay người ta cần nói lời từ giã. Đối với phái cánh tả, lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa Mao Trạch Đông không chỉ là một nhân vật lịch sử cao cả, mà còn là biểu tượng kỳ vĩ. Biểu tượng của cuộc đối đầu chống lại sự xâm lăng của lối sống phương Tây đang muốn phá hoại những giá trị truyền thống. Biểu tượng cho nguyên lý rằng dù trong một thế giới toàn cầu hóa thì Trung Quốc vẫn cần phải giữ được bản sắc riêng của mình.
Cuộc tranh cãi ý thức hệ phản ánh sự kiếm tìm của Trung Quốc để giành lấy chỗ đứng xứng đáng của mình trên thế giới và mô hình cấu trúc xã hội riêng của Trung Quốc. Như đang thấy, thế hệ các nhà lãnh đạo tương lai sẽ phải có nghệ thuật khéo léo linh hoạt để dàn xếp giữa các phe phái khác nhau nhằm giữ cho cộng đồng tránh khỏi “cuộc hỗn mang vĩ đại”.
Vụ Bạc Hy Lai : Phải chăng ban lãnh đạo tương lai sợ bị cản đường?
Theo đánh giá của tạp chí "Tin Trung Hoa", đây là sự kiện chính trị bi đát nhất kể từ khi Trần Lương Vũ, Bí thư thành ủy Thượng Hải, bị phế truất vào năm 2006. Cũng như Bạc Hy Lai, Trần Lương Vũ lúc đó cũng là ủy viên Bộ chính trị. Cũng như lần này, vụ bê bối Thượng Hải đã nổ ra trước thềm Đại hội lần thứ 17 Đảng cộng sản Trung Quốc.
Bị cáo buộc tham nhũng, gian lận và lạm quyền, Bí thư thành ủy Thượng Hải bị kết án 18 năm tù vào tháng 4/2008. Nhưng ai cũng biết rằng ngoài những khoản thu nhập trái phép có được từ buôn bán đất đai mà ông để cho người nhà và bạn bè làm, nhân vật thuộc phái Giang Trạch Dân này còn phản đối trực diện tư tưởng của êkíp Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo cầm quyền từ năm 2002.
Từ khi nổ ra vụ Trùng Khánh, tin đồn về Bạc Hy Lai được đăng tải đầy trên các trang mạng ở Trung Quốc, cộng với những câu chuyện đầy tranh cãi về sự nghiệp của một con người trong 20 năm qua khi còn ở Liêu Ninh và Đại Liên, nơi thành tích của Bạc Hy Lai với tư cách là thị trưởng rồi Bí thư tỉnh ủy, được đánh giá theo nhiều cách khác nhau. Người thích phong cách của ông, cho rằng ông làm việc có hiệu quả, là người dễ chịu và có tài diễn thuyết. Người không thích ông, trái lại, coi ông là một chính trị gia thấp hèn, tính cách hời hợt, có năng khiếu để tỏ ra như vậy hơn là để làm việc một cách thực chất hơn. Cũng có người đánh giá ông là kẻ cơ hội và thích tự khuếch trương mình.
Thêm vào đó là những lời cáo buộc hiểm độc vô liêm sỉ trong cuộc chiến chống giáo phái Pháp luân công, cho đến nay vẫn còn rất nặng nề với những lời đồn đại về các vụ ám sát để lấy nội tạng người để ghép.
Năm 2004, trong khi bị cáo buộc tại Canađa vì tội chống lại loài người, Bạc Hy Lai, lúc đó là Bộ trưởng Thương mại, thậm chí bị rút khỏi thành phần đoàn của Ngô Nghi thăm chính thức Canađa.
Tại Trùng Khánh, nơi ông làm Bí thư thành ủy từ năm 2007, sau khi làm Bộ trưởng Thương mại trong 3 năm, chiến dịch chống tham nhũng được tuyên truyền rầm rộ, với những biện pháp vội vàng chống maphia được dư luận quan tâm, song cũng gây ra nghi ngại và ghen tức. Đảng cộng sản Trung Quốc, vốn không thích những gì quá lộ liễu, nói chung vẫn tỏ ra bình thản và dè dặt trước bầu không khí sôi sục do cách làm không hề mặc cảm của Bạc Hy Lai gây ra, trong khi ông trở thành sao trên báo chí quốc tế.
Tuy đạt được những kết quả không thể phủ nhận - với 3.000 vụ bắt người, trong đó có 87 viên chức tòa thị chính thành phố, cộng với 9 vụ kết án tử hình - song phương thức đôi khi tàn bạo và thẳng thừng cộng với hành vi mớm cung và gây sức ép với luật sư, luôn tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng bằng hồi tưởng cách mạng, điều này đã khiến ban lãnh đạo tối cao phật ý và phản ứng trước việc quay lại sử dụng tư tưởng Maoít mang tính mỵ dân.
Bất đồng về chính trị
Sẽ là chưa đủ nếu nói rằng êkíp cầm quyền, với phong cách kín đáo, khiêm nhường và có phần kiềm chế gò bó, không đánh giá cao cách thức tuyên truyền của Bạc Hy Lai, người dường như sử dụng truyền thông để khuếch trương hình ảnh của mình và thúc ép Đảng để được vào Thường vụ Bộ chính trị tại Đại hội lần thứ 18. Đặc biệt, "cuộc thử nghiệm Trùng Khánh", vốn mang dấu ấn nặng nề của nhãn quan xã hội cực đoan, được nhiều người đánh giá là "bước lùi" đến mức nguy hiểm, hơn nữa lại được hỗ trợ bằng chuẩn mực hướng về Mao Trạch Đông, nhân vật mà Đảng cộng sản không muốn nhắc lại nhiều, gây ra phản ứng tiêu cực mạnh mẽ trong giới lãnh đạo.
Ôn Gia Bảo, người năm 2007 từng phản đối việc bổ nhiệm Bạc Hy Lai vào chức Phó Thủ tướng, cách đây vài tháng lên tiếng phê phán phong trào Maoít mới có nguy cơ gây ra cuộc "Cách mạng văn hóa mới". Cuối tháng Tám 2011, tại một cuộc hội thảo, một số trí thức quá mệt mỏi trước tiến độ cải cách gần như ngưng trệ, đã phê phán kịch liệt "bước lùi" trong các chuẩn mực Maoít. Sự kiện này được coi là dấu hiệu báo trước những chấn động sẽ xảy ra.
Biểu tượng bi đát nhất của những cuộc tranh cãi phê phán phong cách của Bí thư thành ủy Trùng Khánh, người nhắc lại cuộc Cách mạng văn hóa, là cuộc gặp gỡ ngày 5/3 vừa qua tại Quốc hội giữa một Bạc Hy Lai đã co vòi và bên kia là Đặng Phác Phương, người con trai bị liệt hai chân của Đặng Tiểu Bình phải ngồi xe lăn, sau khi bị Hồng vệ binh đẩy từ cửa sổ tầng ba một ngôi nhà trong Trường đại học Bắc Kinh xuống, vào năm 1968.
Đúng là Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn trân trọng những kỷ niệm về Mao, người cứu vớt nước Trung Quốc tủi nhục, song phần lớn đảng viên hiện nay cương quyết chống lại những bước đi sai lệch cực đoan của chủ nghĩa Maoít. Đồng thời, các trí thức theo trường phái tự do tỏ ý lo ngại trước quy mô của phong trào hồi tưởng chủ nghĩa Maoít được ủng hộ bởi một đám đông những người bất mãn bị kích động trước những suy đồi đạo đức trong thời hiện đại hóa, trong khi ở đây đó, một số người thậm chí còn thận trọng chủ trương đặt lại vấn đề đối với tư tưởng Đặng Tiểu Bình.
Một "phần tử tự do" tham vọng và nguy hiểm
Là nhân vật sinh ra từ cuộc tranh cãi truyền thống giữa phái cải cách và phái bảo thủ, là người chơi một bản nhạc vừa được lòng dân chúng vừa độc đáo, nhưng không ăn nhập với dòng nhạc tuyền thống, Bạc Hy Lai tạo cảm giác ông là một "phần tử tự do" với phong thái, phong cách và phương pháp hoàn toàn đối lập với đòi hỏi phải kín đáo và thỏa hiệp. Tệ hơn nữa, tham vọng mạnh mẽ của ông khiến người khác nghi ngờ lòng trung thành của ông trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nội bộ, đến mức một số người nghĩ rằng cơn khát quyền lực cá nhân của Bạc Hy Lai khiến ông không thể không chơi trò của riêng mình.
Năm 2007, theo một bức điện của Lãnh sự quán Mỹ tại Thượng Hải được Wikileaks tiết lộ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo phản đối việc bổ nhiệm Bạc Hy Lai vào chức Phó Thủ tướng với lý do ông này nhiều lần bị cáo buộc tại Mỹ, Canađa, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga, Rumani và Ba Lan vì ngược đãi thành viên giáo phái Pháp luân công. Những lời cáo buộc trên nói đến chuyện hãm hiếp tập thể, tra tấn và lấy nội tạng của một số thành viên giáo phái này lúc họ còn sống. Các vụ ngược đãi thành viên giáo phái Pháp luân công được Bạc Hy Lai bảo lãnh được đăng tải trong một bài báo của tờ "Epoch Times".
Thăng tiến chính trị không rõ ràng
Bức điện trên, đồng thời được đăng tải trên "China Uncensored", cũng nói đến một tiết lộ ngày 9/11/2007 của Luo Yi, đại diện Trung Quốc tại nhóm Carlyle, khẳng định việc điều động Bạc Hy Lai đến Trùng Khánh có thể là lần chuyển công tác cuối cùng và đánh dấu đoạn kết sự nghiệp chính trị của ông. Đối với Ôn Gia Bảo, đúng là nguy hiểm nếu bổ nhiệm một nhân vật bị quốc tế xoi xét nhiều như vậy.
"China Uncensored" cũng nói đến một bài báo đăng trên mạng Aboluo của Trung Quốc - hiện nay không còn tồn tại - tiết lộ mối liên hệ giữa Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai, và Giang Trạch Dân cũng như cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Kiều Thạch và Giang Trạch Dân xung quang việc bổ nhiệm Bạc Hy Lai.
Sau năm 1989, trong khi phái bảo thủ nắm quyền ở Bắc Kinh, Kiều Thạch, thuộc phái cải cách và xuất thân từ gia đình có mối quan hệ xa với Tưởng Giới Thạch, ủy viên thường vụ Bộ chính trị và Chủ tịch Quốc hội, bị Bạc Nhất Ba loại khỏi quyền lực vì quá tuổi để đưa Giang Trạch Dân lên và ông này hứa hẹn, để đổi lại, sẽ ủng hộ Bạc Hy Lai.
Sự câu kết giữa Giang Trạch Dân và Bạc Nhất Ba và Bạc Hy Lai càng chặt chẽ hơn khi, vào năm 1995, Bạc Nhất Ba giúp Giang Trạch Dân, lúc đó là Tổng bí thư, loại bỏ Thị trưởng Bắc Kinh là Trần Hy Đồng. Trong một bức thư gửi Đặng Tiểu Bình, Trần Hy Đồng tiết lộ cha của Giang Trạch Dân trước đây từng cộng tác với quân Nhật trong chiến tranh.
Như vậy, có thể giải thích được thái độ khoan dung của Đảng đối với cách hành xử không đúng của các con trai khác của Bạc Nhất Ba, liên quan đến các hành vi buôn lậu ma túy và tham nhũng. Còn Bạc Hy Lai được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Liêu Ninh năm 1998 khi mới 49 tuổi, ít ngày sau khi được bổ nhiệm lần thứ hai làm Thị trưởng Đại Liên. Một năm sau, ông không vào được Ban chấp hành trung ương và chỉ đạt được mục đích này vào năm 2004, khi đang làm Bộ trưởng Thương mại.
Ai muốn tiêu diệt Bạc Hy Lai ?
Một bài phân tích trên Đài châu Á tự do xác định Bạc Hy Lai có tới 7 kẻ thù, trong đó có 4 là ủy viên thường vụ Bộ chính trị và một là ủy viên Bộ chính trị, cộng với Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.
Các đối thủ hàng đầu của Bạc Hy Lai có thể là hai người tiền nhiệm của ông ở thành phố tự trị Trùng Khánh là Hạ Quốc Cường và Uông Dương, những người có thành tích dường như quá lu mờ so với chiến dịch đàn áp và tuyên truyền ồn ào chống maphia do Bạc Hy Lai phát động vào năm 2008. Uông Dương, hiện là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông và ủy viên Bộ chính trị, không có lý do gì để tấn công Bạc Hy Lai, song trái lại, Hạ Quốc Cường, ủy viên thường vụ Bộ chính trị, người đứng đầu Ủy ban kỷ luật đầy quyền lực của Đảng, lại là người ở vào vị trí lý tưởng để làm việc này.
Hai ủy viên thường vụ Bộ chính trị khác là Chủ tịch tương lai Tập Cận Bình và Thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường có thể cho rằng những hành động mỵ dân của một Bí thư thành ủy, được giới truyền thông nhắc đến nhiều và có sức thuyết phục, lại đang ứng cử vào một ghế thường vụ Bộ chính trị, có thể sẽ đe dọa quyền lực của họ và thậm chí có nguy cơ quấy nhiễu trên con đường họ tiến lên đỉnh cao quyền lực.
Còn Ôn Gia Bảo, hiện là ủy viên thường vụ Bộ chính trị, là đối thủ công khai của Bạc Hy Lai. Ôn Gia Bảo khẳng định hiện nay có hai khuynh hướng ngăn cản việc thể hiện chân lý ở Trung Quốc: di sản của chế độ phong kiến và liều thuốc độc của cuộc cách mạng văn hóa. Dự án chính trị của Bạc Hy Lai quả thực hoàn toàn đi ngược lại dự án của phong trào cải cách mà Ôn Gia Bảo không ngớt lời ca ngợi.
Ngoài số kẻ thù trực tiếp này, Đài phát thanh châu Á tự do còn liệt kê thêm Tăng Khánh Hồng, người từng là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất việc bổ nhiệm Tập Cận Bình vào năm 2007, và Giang Trạch Dân, người có thể muốn trả thù vì sức ép mà Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai, buộc ông phải chịu từ năm 1995 và gần như đến lúc ông chết vào năm 2007.
Trong bối cảnh đó, các đồng minh của Bạc Hy Lai là Giả Khánh Lâm, Lý Trường Xuân, Chu Vĩnh Khang và Ngô Bang Quốc, những người đứng ra bảo vệ cuộc thử nghiệm chính trị của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh, đành chịu bó tay. Chỉ có Chu Vính Khang, với tư cách là người phụ trách các vấn đề chính trị và pháp lý của Đảng và cũng là người đã biến Bạc Hy Lai thành người kế nhiệm tiềm tàng của mình, dường như có hành động can thiệp. Một nguồn tin của Lãnh sự quán Mỹ tại Trùng Khánh cho biết sau vụ Vương Lập Quân định đào tẩu ngày 8/2, Chu Vĩnh Khang dường như đã trực tiếp nắm quyền kiểm soát bộ máy an ninh ở Trùng Khánh để tránh đẩy các cuộc điều tra đi quá xa.
Dẫu sao, vụ Bạc Hy Lai này cũng làm tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh lý tưởng mà Đảng cộng sản Trung Quốc muốn để cho thế giới thấy về một cuộc chuyển giao êm thấm, có trật tự và không có gì bất ngờ.
Dưới tiêu đề “Ở Bắc Kinh, cuộc ẩu đả trong đảng Cộng sản Trung Quốc (hồi hai)”, báo Le Monde bình luận:
Hồi một của bộ phim dài nhiều tập về nội tình chính trị Trung Quốc nổi bật với biến cố Vương Lập Quân chạy vào xin tỵ nạn tại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Trùng Khánh, rồi bị chính quyền bắt đi.
Hồi hai của bộ phim là vài tuần sau đó, Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ Chính trị, một trong những ngôi sao trên chính trường Trung Quốc, có khả năng vào được nhóm 9 nhân vật có thế lực nhất trong đảng, bị cách chức.
Trùm cảnh sát Trùng Khánh đã tiết lộ điều gì với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, và đã khai báo những gì với chính quyền? Thông báo chính thức của Bắc Kinh không nói rõ vì sao ông Bạc Hy Lai bị phế truất.
Trong khi hơn một tỷ người Trung Quốc chờ đợi những lời giải thích đầu tiên từ phía Bắc Kinh, nhiều bình luận xuất hiện trên các trang mạng và báo chí nước ngoài. Việc phế truất Bạc Hy Lai không diễn ra đơn giản, mà có nhiều động thái căng thẳng trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc, như nhận định của bà Valérie Niquet (làm việc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược). Tờ Financial Times (ngày 22/03) điểm lại tin đồn có mưu toan đảo chính. Trong khi đó, Luân Đôn đòi mở lại cuộc điều tra để làm sáng tỏ về trường hợp tử vong của một nhà tư vấn người Anh, có quan hệ thân thiết với gia đình Bạc Hy Lai.
Le Monde nhận định, việc Bạc Hy Lai bị thanh trừng đụng đến cả một nhóm quyền lực trong đảng Cộng sản. Đằng sau Bạc Hy Lai là nhiều doanh nghiệp lớn của khu vực nhà nước (chiếm tới hơn 60% GDP). Theo quan điểm của nhóm bảo thủ, việc thay đổi mô hình kinh tế này sẽ để lại nhiều nguy cơ về chính trị.
Ngược lại, theo phái cải cách việc không cải tổ mô hình kinh tế sẽ khiến độc quyền của đảng bị lung lay, như lời cảnh báo của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo mới đây. Trong các phát biểu với báo giới, ông Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh đến nguy cơ xảy ra một cuộc “cách mạng văn hóa theo kiểu Mao”, nếu không có các cải cách. Bạc Hy Lai đã từng được coi là một lãnh đạo theo chủ thuyết Maoít. Không lâu sau lời phát biểu của Thủ tướng Ôn, người đứng đầu Trùng Khánh bị hạ bệ. Le Monde nhận định: Đây là một khúc quanh quan trọng đầu tiên trong bộ phim chính trị - trinh thám nhiều tập về những đấu đá trong nội bộ của triều đình Bắc Kinh.
Điều này hoàn toàn ngược lại với hình dung của rất nhiều người Trung Quốc trong những năm gần đây, những tưởng rằng quốc gia này đã tìm ra được một “cơ chế chuyển giao quyền lực trong hòa bình”. Chuyên gia Valérie Niquet thậm chí còn cho rằng, trong bộ phim nhiều tập này, biến cố vừa xẩy ra là một “trận đánh có tính quyết định” giữa các phe nhóm nhằm kiểm soát quyền lực trong đảng.
Vì sao Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh tay trong vụ Bạc Hy Lai?
Theo mạng “Đa Chiều”, Hồng Công, ngày 21/3, nền chính trị hiện nay của Trung Quốc đang trong cơn phong ba.
Bạc Hy Lai bị cách chức, báo chí Trùng Khánh đột nhiên đăng tải tuyên bố Đảng ủy, chính quyền và các cơ quan quan trọng của Trùng Khánh nhất trí biểu thị kiên trì ủng hộ quyết định của Trung ương, “trung thành” nhất trí cao độ với Trung ương Đảng về mặt tư tưởng, chính trị và hành động… Thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm còn mở hội nghị yêu cầu coi trọng cao độ và làm tốt công tác an ninh, “đề phòng nghiêm ngặt phát sinh các sự kiện chính trị
- Xã hội”. Việc nhiều lần nhấn mạnh cần đề phòng sự bất ổn xã hội đã cho thấy Trung ương Đảng đang cảnh giác cao độ với các động thái bất thường, đồng thời cho thấy những ảnh hưởng và xung đột tiềm tàng từ việc Bạc Hy Lai bị miễn chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh.
Tờ “Thời báo Tài chính” của Anh dẫn lời chuyên gia am hiểu tình hình chính trị Trung Quốc cho biết, việc Bạc Hy Lai bị miễn chức có thể tác động đến chính trường tương đương với đợt “phong ba” cách đây 23 năm.
Nói như vậy có vẻ đánh giá hơi quá cao vị trí và sức ảnh hưởng của Bạc Hy Lai, song nếu lấy khoảng thời gian gần 20 năm trở lại đây, lần thay đổi lãnh đạo Trùng Khánh hết sức bất ngờ này rõ ràng cho thấy đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc lần đầu tiên thể hiện rõ sự bất đồng xung quanh đường lối phát triển đất nước.
Mặc dù trước khi xảy ra chuyện, Bạc Hy Lai cũng công khai bày tỏ ủng hộ đường lối của Trung ương, song rõ ràng Bạc Hy Lai (với việc lấy “hát bài ca Đỏ và trấn áp tệ nạn” làm tiêu chí) có chỗ khá cực tả với con đường cải cách mở cửa của Trung ương. Nếu như nói rằng tình trạng này trước đây chỉ được nói tới chung chung, không bị chỉ đích danh, thì trong cuộc họp báo sau kỳ họp lưỡng hội vừa qua, khi trả lời về sự kiện Vương Lập Quân, Thủ tướng Ôn Gia Bảo hai lần đề cập tới “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng từ khi thành lập nước” – một văn kiện quan trong tổng kết bài học cách mạng Văn hóa, “vấn đề đường lối” (của Trùng Khánh) gần như đã bị Ôn Gia Bảo chỉ rõ.
Phải thừa nhận rằng không phải tất cả cách làm của Trùng Khánh đều xung đột với chính sách mở cửa, nhưng cách thức tuyên truyền của mô hình này trong vài năm qua thực sự đã phát đi tín hiệu chính trị không hoàn toàn đồng điệu với chính sách hiện nay. Trên thực tế, cuối năm ngoái, Trùng Khánh đã bắt đầu “chuyển mình chính trị”, nhưng có lẽ do trước đó đã làm quá mạnh mẽ nên sau khó thu tay lại. Cuối cùng, sự kiện Vương Lập Quân đã khiến tiền đồ chính trị của Bạc Hy Lại đổ bể.
Sau sự kiện Vương Lập Quân, thứ trưởng Bộ ngoại giao Thôi Thiên Khải đã gọi đó là “sự kiện đơn lẻ”, cách nói này được tiếp tục cho tới khi “lưỡng hội” khai mạc vào tháng 3, nhưng cuối cùng Bạc Hy Lai hạ đài trong chớp mắt, nhiều người đoán sự xoay chuyển đột ngột này là do lãnh đạo thành phố Trùng Khánh tự ý làm lộ thông tin ra ngoài, hơn nữa có lời nói gián tiếp uy hiếp lãnh đạo Trung ương đi Trùng Khánh thị sát, lộ ra khuynh hướng không phục tùng Trung ương.
Một khi đã vượt qua giới hạn này sẽ là điều không thể chấp nhận được nữa.
Qua đợt sóng gió chính trị này, một lần nữa khẳng định con đường cải cách mở cửa của Trung Quốc, loại bỏ những nhân tố mang tính không xác định trên con đường phát triển đất nước, có thể nói là một việc tốt cho sự phát triển lâu dài của Trung Quốc và Đại hội 18 diễn ra thuận lợi. “Mô hình Trùng Khánh” và “mô hình Quảng Đông” là hai mô hình phát triển khác nhau thường được đưa ra để so sánh. Cho đến nay, cùng với việc Bạc Hy Lai bị cách chức, có người cho rằng, đó cũng là sự cáo chung của “mô hình Trùng Khánh”, sẽ đi theo một con đường cải cách hiện đại hóa hơn, chứ không phải là quá độ tả khuynh. Nhưng cũng có người phân tích rằng, mô hình Trùng Khánh không đơn thuần là “hát bài ca Đỏ và trấn áp tệ nạn”, việc Bạc Hy Lai bị cách chức chỉ là kết thúc của “mô hình Bạc Hy Lai” chứ “mô hình Trùng Khánh” chưa phải đã bị phủ định hoàn toàn, đặc biệt về các biện pháp cụ thể như cải cách hộ khẩu, xây dựng nhà an sinh xã hội thì Trùng Khánh thực sự vẫn có những điểm đáng được khen ngợi. Phủ định “mô hình Trùng Khánh” một cách đơn giản cũng giống như khẳng định nó một cách đơn giản đều là thiếu sự suy nghĩ sâu sắc chín chắn”.
Học giả Tiêu Tân của trường Đại học Trung Sơn phân tích đặc trưng của hai mô hình này: sự khác biệt giữa mô hình Trùng Khánh và mô hình Quảng Đông nằm ở chính sự điều phối khác nhau của hai cơ chế quản lý điều hành, hướng đi của người đứng đầu khác nhau. Cả hai đều nhằm phá bỏ tình trạng lùng bùng hiện nay, nhưng mô hình Trùng Khánh tăng cường cơ chế quản lý của “đại chính phủ”. Mấy năm qua, các chính sách mà Trùng Khánh thực hiện như “hát bài ca Đỏ và trấn áp tệ nạn”, chính quyền nỗ lực thúc đẩy việc nông dân lên thành phố, nỗ lực xây dựng nhà an sinh xã hội… đều đi theo phương hướng này.
Ngược lại, mô hình Quảng Đông lại hướng tới thị trường và xã hội tự quản lý. Mấy năm qua, các nơi ở Quảng Đông đều tiến hành cải cách rộng rãi ở các mức độ khác nhau, bao gồm công khai hóa ngân sách của chính quyền Quảng Đông, hỏi đáp chính quyền trực tuyến ở Hà Nguyên và Huệ Đức, thí điểm dân chủ trong đảng ở Thâm Quyến và vấn đề “đa nguyên cùng trị” trong quản lý xã hội mà Quảng Đông mới đưa ra gần đây nhất. Những điều này đã tạo nên “mô hình Quảng Đông”.
Cũng có thể nói rằng mô hình Trùng Khánh và mô hình Quảng Đông đều có ý đưa ra câu trả lời cho sự căng thẳng bên trong cơ chế hỗn hợp hiện nay. Điều khác biệt ở chỗ, mô hình Trùng Khánh chuẩn bị thông qua việc quay lại phần nào cơ chế trước đây để hóa giải xung đột xã hội hiện nay; trong khi mô hình Quảng Đông lại thúc đẩy sự biến đổi chế độ nhằm đáp ứng thị trường và sự phát triển của xã hội thị dân.
Hai mô hình này, cái nào tốt, cái nào xấu? Mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau. Đối với mô hình Trùng Khánh, mô hình Quảng Đông, thậm chí có thể có mô hình khác chưa được tổng kết lại, không thể phủ nhận toàn bộ sau một biến động nhỏ. Cho dù thế nào thì cuộc cạnh tranh này bản thân nó là việc làm tốt, nó giúp cho sự phát triển các phương án tốt để giải quyết các vấn đề hiện nay của Trung Quốc. Trùng Khánh không nên bị chôn vùi
Ai cũng biết, Trùng Khánh là thành phố trực thuộc Trung ương mấy năm gần đây phát triển khá nhanh, tuy Đảng nhấn mạnh đó là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương, song rõ ràng những thành quả trên không thể tách rời vai trò lãnh đạo Trùng Khánh của Bạc Hy Lai. Trước đây, Bạc Hy Lai đưa ra “5 điều Trùng Khánh” (rừng rậm, thông suốt, bình an, sức khỏe, ở rẻ) để đặt mục tiêu cho năm 2020, song nay Trùng Khánh “đổi chủ”, theo tư duy chung của Trung Quốc “đổi người tức đổi phương thức phát triển”, liệu phương thức xây dựng Trùng Khánh mà Bạc Hy Lai đã định ra, như “5 điều Trùng Khánh”, liệu có bị dừng lại hay không? Đây là vấn đề đáng được theo dõi./.
(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)
Nguồn: TTXVN