Câu chuyện của tiến sĩ Mai Ngọc Hồng làm tôi xúc động thực sự. Ông là người vừa trao tặng Nhà nước ta tấm bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 1904 tại Thượng Hải làm chấn động dư luận trong và ngoài nước.
Chuyện công bố tấm bản đồ đặc biệt này, nói đặc biệt vì đó là vật chứng hùng hồn do chính người Trung Quốc làm ra, đã bác bỏ cái gọi là chủ quyền mà họ đang rêu rao, lập lờ đánh lừa nhân dân TQ và dư luận thế giới về Hoàng Sa và Trường Sa. Câu chuyện ông kể về lai lịch tấm bản đồ cứ ngỡ như là cổ tích(1). Đôi khi trong cuộc sống ta bắt gặp những việc lúc đầu tưởng nhỏ nhặt, giản đơn nhưng theo thời gian, đến một lúc nào đó nó lại làm nên giá trị to lớn không ngờ. Chuyện ông có được báu vật “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là như vậy. Sự xuất hiện của nó, ở thời điểm tình hình Biển Đông đầy căng thẳng, chủ quyền biển đảo của tổ quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng, như một lời khẳng định dứt khoát: chân lí thuộc về dân tộc ta.
Trong câu chuyện ông kể có một chi tiết làm tôi hết sức xúc động và suy ngẫm. Ấy là hôm làm lễ bàn giao chính thức tấm bản đồ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có một chị nông dân nói là từ Bắc Giang xuống để xem cái bản đồ Trung Quốc và gặp cho bằng được người đã hiến tặng cho Nhà nước. Một chị nông dân thứ thiệt, nói như Cụ Đồ Chiểu chị là người “chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ/Việc cuốc việc cày tay vốn quen làm”(2). Chị lặn lội từ Bắc Giang xuống Hà Nội, không phải để lo cái việc cấy cày sao cho nhiều lúa, nhiều khoai mà là xem cái bản đồ minh chứng cho chủ quyền dân tộc. Hóa ra một người nông dân chân lấm tay bùn như chị lại hiểu rất rõ mối quan hệ sống còn giữa cái riêng và cái chung để rồi ý thức được rằng, khi đất nước bị đe dọa, làm con dân như chị phải có trách nhiệm. Có thể chị chưa nghe câu “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” nhưng việc làm của chị đã chứng minh cho câu nói đó của ông cha.