Báo chí phải lấy Sự Thật làm tôn chỉ hàng đầu. Những người làm báo, các tòa soạn báo chân chính luôn lấy tiêu chí đó làm kim chỉ nam cho sự tồn tại và phát triển của mình.
Báo chí phải lấy Sự Thật làm tôn chỉ hàng đầu. Những người làm báo, các tòa soạn báo chân chính luôn lấy tiêu chí đó làm kim chỉ nam cho sự tồn tại và phát triển của mình.
Câu chuyện “Phân bón” trên báo chí vừa qua đã biến nghiệp cầm bút trở thành trò múa bút lố bịch. Sự lố bịch được phơi bày khi một tờ báo đăng bài phản ánh về việc những người nông dân bị thiệt hại do phân bón kém chất lượng. Lập tức mấy ngày sau, những bài báo khen ngợi về chất lượng, tính hiệu quả và năng suất cao với những con số trời ơi đất hỡi, kèm theo những lời có cánh ào ào được đăng trên các báo khác bất chấp sự đánh giá chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước đối với sản phẩm này như thế nào. Đáng buồn – cười nhất là cũng chính tờ báo đã đăng bài phản ánh đó, mấy ngày sau cũng có một bài PR rất hoành tráng, mà nếu như không có sự đấu tranh của tác giả bài phản ánh thì có lẽ... như một người nói: “Tự ... bôi lên mặt mình”.
Hậu quả của việc này là gì? Là tạo ra các thông tin trái chiều nhau, làm cho khách hàng sử dụng sản phẩm bị lúng túng trước các thông tin từ những tờ báo. Chắc chắn người nông dân và các bạn đọc khác sẽ nghi ngờ tính xác thực của báo chí.
PR là viết tắt của hai chữ Public Relation, nghĩa là “Quan hệ công chúng”, là kế hoạch, hành vi để tạo ra mối quan hệ tốt với cộng đồng. Nhưng hiện nay, một số phóng viên, và toà soạn báo đã làm biến dạng đi nghĩa của hai chữ PR. Chỉ cần doanh nghiệp đặt hàng, các “phóng viên”, với các số liệu do doanh nghiệp cung cấp, sẽ viết bài tâng bốc sản phẩm lên mây xanh một cách trơ trẽn. Lập lờ đánh lừa bạn đọc giữa thông tin quảng cáo với một bài báo đang là chuyện khá phổ biến. Giá bài quảng cáo kiểu này (dân trong nghề gọi là PR) chỉ với giá 3 – 4 triệu đồng mà thôi. Quá rẻ!
Trước đây, báo Nghệ An có đăng bài “Nhà báo kền kền” đề cập đến những phóng viên nhưng không làm báo, chỉ canh me, rình rập khi thấy báo khác phản ánh về vấn đề nào đó của doanh nghiệp, ngay lập tức sẽ kéo tới gây khó dễ để làm quảng cáo, viết bài PR bất chấp sự thật, miễn là có tiền. Bài viết rất hay, đề cập được vấn đề bức xúc của những người làm báo chân chính, nhưng theo một số người, thì, tác giả chỉ mới nói đến “con kền kền” chứ chưa nói đến “tổ kền kền”.
Một người nói: “Bây giờ kền kền nhiều lắm, có cả đàn!”.
Ngẫm mà thấy thật chua xót!
2162
2337
22210
218709
121356
114511836