Diễn đàn

Cần có những đối tác chiến lược hùng mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước

 VHNA: Việc nước là trên hết. Người Việt Nam ta xưa nay là thế. Trong bối cảnh bị nhà cầm quyền Trung Quốc xâm lấn, vi phạm chủ quyền ở Biển  Đông, người dân hết sức quan tâm đến kế sách giữ nước. Để rộng đường dư luận và cùng mọi người hướng đến trách nhiệm và mục tiêu giữ nước, chúng tôi giới thiệu một góc nhìn của người dân về việc nước. Đây là ý kiến cá nhân của tác giả, không phải là quan điểm của VHNA.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton 

Đây là ý kiến của chúng tôi được hình thành khi nhìn lại một số sự kiện lịch sử hiện đại có liên quan đến Việt Nam, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Sự kiện thứ nhất, năm 1972, lúc Tổng thống Hoa Kỳ - Richard Nixon, lần đầu tiên trong lịch sử chính thức viếng thăm Trung Quốc. Chuyến công du này chỉ có thể xảy ra một khi Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trao Đông đã dứt khoát và công khai vứt bỏ quan hệ với đảng Cộng Sản Liên Xô. Lập trường này rất rõ rệt là Bắc Kinh không đi nước đôi, và Mỹ- Trung dù không là đồng minh nhưng vẫn thành đối tác chiến lược vì cùng chung một đối thủ.

Sự kiện thứ hai, khi Đặng Tiểu Bình sang viếng Hoa Kỳ năm 1979, hai tuần trước khi xua quân vào biên giới phía Bắc Việt Nam, mục tiêu nhằm đánh hỏa mù khiến Mạc Tư Khoa đắn đo không biết nếu Liên Xô tấn công trả đũa thì liệu Mỹ có sẽ nhảy vào can thiệp hay không? Kết quả là Liên Xô không dám phản ứng nên họ Đặng mới chế nhạo rằng sờ đuôi cọp mới biết cọp giấy(!)

Ở đây chúng tôi không nhằm phân tích hậu quả của các quyết định trên vốn đã khiến biết bao dân chúng Việt Nam phải hy sinh xương máu, mà chỉ để rút ra bài học và tiên đoán Hoa Kỳ sẽ thấy cần thiết  xác định Việt Nam là đối tác chiến lược nếu Việt Nam dứt khoát lập trường của mình.

Điều này không có nghĩa là hai quốc gia sẽ trở thành đồng minh, vì giống như Mỹ-Trung trước đây, giữa hai xã hội và thể chế chính trị còn quá nhiều dị biệt. Hơn nữa, người Việt Nam vẫn chưa thể quên được những ký ức đau buồn của cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm cuối TK trước mà chính người Mỹ đã đi đêm cùng với Trung Quốc trên xương máu của người Việt Nam.  Dù vậy lãnh đạo hai nước vẫn có thể cùng chung chia xẻ quan điểm chiến lược vì lợi ích của mỗi nước.

Nước Nga vốn là cái nôi của ý thức hệ cộng sản và đã đỡ đầu cho Trung Quốc trong cuộc cách mạng 1949 cùng chiến tranh Triều Tiên 1950, nhưng Mao Trạch Đông - Đặng Tiểu Bình đã không sợ đưa Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào thế bị bỏ rơi vì họ tin rằng tranh chấp xảy ra thì chính Liên Xô mới bị quốc tế cô lập. Bắc Kinh dù không thể đoán chắc Liên Xô sẽ không tấn công bằng vũ khí nguyên tử nhưng giới cầm quyền Trung Quốc vẫn có sự tư tin và viễn kiến rằng trước hết phải bảo tồn, rồi sau đó canh tân đất nước thì mới hy vọng duy trì quyền lực mà không lệ thuộc ngoại bang.

Trong hoàn cảnh bị đe doạ từ phương Bắc thì Việt Nam tuy đã mở rộng bang giao với quốc tế nhưng phải tìm ra đối tác chiến lược, nếu không giống như một người dù nhiều bạn nhưng không thân đến khi hoạn nạn chẳng ai ra mặt giúp đỡ.   

Mỹ là một cường quốc và có thể trở thành đối tác chiến lược với chúng ta. Tuy nhiên, qua quan sát chúng ta có thể thấy rằng muốn tạo sự tin tưởng, củng cố và nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ thì cả hai phía cần phải thể hiện rõ quan điểm, thiện chí. Nếu Việt Nam chứng tỏ độc lập với Bắc Kinh kiên quyết hơn nữa thì chắc chắn phía Mỹ sẽ nâng tầm quan hệ chiến lược như bán vũ khí sát thương và hợp tác chặt chẽ hơn về quân sự.

 Trung Quốc dùng hạm đội tàu đánh cá và hải giám khiêu khích giăng bẩy cho Việt Nam và Philipin bắn phát đạn đầu tiên để có cớ trả đũa bằng quân sự; còn không phản ứng tức là chấp nhận nguyên trạng (status-quo). Bắc Kinh đang chờ cơ hội để lập lại bài học của Georgia khi bị Nga tấn công năm 2008 mà các nước Tây Phương không có phản ứng nào cụ thể. Chiến thuật của Philipin là cho tàu chiến Hoa Kỳ ra vào hải phận trong phạm vi hiệp ước an ninh chung năm 1951. Hiện Philipin còn quá yếu, nhưng lúc vừa đủ mạnh tuy không nổ súng nhưng có thể cho vây đuổi tàu đánh cá nước ngoài vi phạm lãnh hải; khi đó Bắc Kinh có muốn leo thang cũng phải đắn đo không biết Mỹ có sẽ nhảy vào can thiệp hay không - tức là Philipin dùng kế sách của Đặng Tiểu Bình năm 1979 dùng Mỹ để hù doạ Nga trong khi xâm lấn Việt Nam.

Phải có gan sờ đuôi cọp mới biết cọp giấy. Việt Nam tuy mạnh hơn Philipin về quân sự nhưng cần chuẩn bị đầy đủ hơn nữa về ngoại giao và có được những đối tác chiến lược hùng mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền. Mỹ không phải là sự lựa chọn duy nhất. Trong lịch sử, và hiện tại,  chúng ta cũng đã và đang có mối quan hệ tốt với các cường quốc như Nga, Ấn Độ...Chính nghĩa bảo vệ Tổ Quốc là điều kiện căn bản nhất để chúng ta có sự ủng hộ của thế giới. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511013

Hôm nay

212

Hôm qua

2359

Tuần này

21387

Tháng này

217886

Tháng qua

121356

Tất cả

114511013