Nhìn ra thế giới

Gây căng thẳng nhưng lại nói “dẹp bất đồng”

 Ai có thể tin vào tuyên bố của ngoại trưởng họ Dương “muốn dẹp bất đồng về Biển Đông” khi chính Bắc Kinh vừa phát động chiến dịch “không quân hành động đường xa” kéo dài 22 ngày qua 28 tỉnh, sau khi đã lệnh hơn hai vạn tàu cá trá hình “tràn ngập” Biển Đông?

Cho đến hôm nay, ngoại trưởng Dương Khiết Trì kết thúc chuyến thăm ba nước Đông Nam Á (từ 9 – 13/9): Indonesia, Brunei, Malaysia, trong đó vấn đề Biển Đông rõ ràng đã chiếm một vị trí ưu tiên trong các nghị trình thảo luận. Một ngày trước khi ngoại trưởng họ Dương đến nhà, Ngoại trưởng Marty Natalegawa cảnh báo rằng căng thẳng ở Biển Đông sẽ gia tăng nếu Trung Quốc và ASEAN không nhanh chóng đạt được thỏa thuận về một Bộ Qui tắc ứng xử COC như các nước ASEAN đã hối thúc Bắc Kinh qua mấy vòng tham vấn không chính thức mới đây.

Dương Khiết Trì - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc

Có những chuẩn mực khác nhau

Theo tường thuật của chính tờ China Daily (10/8), các chuyên gia phân tích tình hình đều tin rằng ông Dương Khiết Trì vừa kết thúc chuyến công du nhằm tranh thủ sự thông cảm của các nước Indonesia, Brunei và Malaysia đối với lập trường của Trung Quốc trong vụ tranh chấp Biển Đông đầy tai tiếng bấy lâu nay. Ngoại trưởng họ Dương buộc phải xung trận để chữa cháy. Trước đà phản đối mạnh mẽ các hành động ngang ngược của Trung Quốc bấy lâu nay, thế giới đang đối mặt với hai chuẩn mực khác nhau về truyền thông: xảo trá và trung thực!

Hiển nhiên là mọi người chú ý tới cuộc khẩu chiến về truyền thông giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuần trước, một phiên bản quốc tế của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài xã luận, trong đó đã yêu cầu Washington: “Hãy câm miệng lại!” và “Đừng chõ mũi vào chuyện Biển Đông!” Không phải chờ lâu, ngày 8/8 sau đó, tờ New York Post chạy luôn một bài xã luận “đối ứng” với cái tít khá giật: “Đã đến lúc phải làm cho Trung Quốc biết sợ”/“It is time for China to fear”/. Bài báo này thu hút tiếp sự chú ý của công luận bằng một thông điệp: “Hiếu chiến phải được đáp trả bằng hiếu chiến!”

Cũng không thể không nhắc đến cuộc chiến truyền thông khác giữa Campuchia và Philippines, mà kết quả là Campuchia buộc phải rút đại sứ đặc mệnh toàn quyền của mình tại Manila về nước, trong khi ông đại sứ này còn gần một năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ. Đại sứ Campuchia Hos Sereythonh đã gây nên một sự cố ngoại giao hi hữu, khi vị đại sứ này viết báo xuyên tạc Philippines ngay trên đất của sở tại (là điều tối kỵ trong ngoại giao), rằng Philippines và Việt Nam “chơi trò chính trị dơ bẩn” trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông (Xin lỗi bạn đọc, đây là lời dịch chính xác từ nguyên bản!)

Vậy là tuy súng đạn chưa lên ngôi, nhưng qua các cuộc khẩu chiến, cả về truyền thông lẫn ngoại giao, đã xuất hiện những chuẩn mực khác nhau: mông muội và văn minh. Có thể chia buồn với ông Hos Sereythonh, vì rõ ràng vị đại sứ ấy “đã hy sinh trong chiến đấu”. Những điều ông ấy nói hoàn toàn trùng hợp với tuyên bố của ngoại trưởng Hor Namhon và cả của đại sứ Campuchia tại Nhật Bản Hor Monirath (Con trai đương kim ngoại trưởng Hor Namhon cũng kích bác Philippines trên báo Nhật). Nhưng cả hai cha con nhà này vẫn ung dung tại vị. Đúng là ở đời, người ta chỉ thí “tốt” chứ mấy khi thí “xe”!

Trung Quốc 'muốn dẹp bất đồng về Biển Đông'?

Đối với hầu hết người Việt, một lần nữa Trung Quốc lại trở thành mối uy hiếp trực tiếp và nguy hiểm đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tương lai phát triển của Việt Nam. Ngày 8/8, Tân Hoa Xã đưa tin: một số đơn vị không quân Trung Quốc đang tập luyện chiến dịch “Hành động đường xa” kéo dài 22 ngày và qua 28 tỉnh. Hình ảnh trưng dẫn các máy bay chiến đấu có bộ phận tiếp nhiên liệu trên không cho các phi vụ tác chiến ở xa căn cứ, có thể là Biển Ðông (?) Trong bối cảnh hàng trăm máy bay chiến đấu Trung Quốc đang gầm rú, hàng vạn tàu cá trá hình Trung Quốc đang “tràn ngập” trên Biển Đông, ai có thể tin lời tuyên bố của ông Dương Khiết Trì: Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Indonesia với tư cách nhà trung gian hòa giải không chính thức trong tranh chấp Biển Đông?

Ai có thể tin vào lời của một vị ngoại trưởng cách đây hai năm đã chỉ thẳng vào một phái đoàn của ASEAN tại Hội nghị ARF ở Singapore khi tuyên bố: “Các anh chỉ là những nước nhỏ, Trung Quốc mới là nước lớn!” Nhưng tại Jakarta lần này, ngoại trưởng Natalegawa lại bày tỏ vấn đề Biển Đông đòi hỏi các nước trong khu vực, cả lớn lẫn nhỏ phải làm việc chặt chẽ với nhau. Và ông tin rằng ngoại giao vẫn là giải pháp đang được các bên lựa chọn. Phát biểu của ngoại trưởng Natalegawa có thể đại diện cho “những nước nhỏ” (ngôn từ của ngoại trưởng họ Dương), nhưng các nước nhỏ ấy phải có đầy đủ bản lĩnh. Hòa hiếu nhưng quyết không khuất phục trước bạo lực và cường quyền!

Trung Quốc thật sự muốn duy trì “hoà bình và ổn định ở Biển Đông” như ông Dương Khiết Trì vừa “thuyết giáo” tại ba nước ASEAN? Liệu Trung Quốc muốn sửa lại sai lầm vừa qua ở Campuchia, hay Trung Quốc muốn thiết kế thêm một vài mô hình Campuchia nữa? Không giấu diếm ý đồ chuẩn bị chiến tranh khi thành lập bộ chỉ huy quân sự tại “Tam Sa”, nhưng về tuyên truyền, Bắc Kinh luôn chống lại sự quan tâm của các nước khác (Hoa Kỳ, Nhật, Ấn, Úc…) đối với Biển Ðông. Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Không chỉ một mình muốn cưỡng chiếm Biển Đông, Trung Quốc còn muốn “cưỡng chiếm” cả truyền thông lẫn ngoại giao?

Bản tác giả gửi cho VHNA

 

 

 

                                                                              

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570289

Hôm nay

238

Hôm qua

2287

Tuần này

238

Tháng này

228813

Tháng qua

129483

Tất cả

114570289