Đọc sách là một quá trình tiếp nhận thông tin, tri thức. Quá trình đó nếu tiếp nhận và phát huy được vai trò của thông tin, của sách báo, biến nó thành một giá trị mới thì đó chính là văn hóa đọc.
Văn hóa đọc là thành tựu của một quá trình tự giác của người đọc. Người đọc phải hướng đến sách như một nhu cầu tự thân để làm phong phú trí tuệ và tâm hồn mình, biết tôn trọng sách, tôn trọng những người sáng tạo nên sách, nên các giá trị mà sách truyền tải. Và người đọc phải biết làm cho những thông tin, những giá trị của sách sống động trong tâm hồn và đời sống của mình và cả cộng đồng.
Văn hóa đọc là một thành tựu tuyệt vời nhất, là động lực để phát triển của nhân loại. Các dân tộc – quốc gia muốn phát triển đều phải dựa vào nền tảng tri thức có được từ văn hóa đọc. Trong xã hội hiện đại, mặc dù phương tiện truyền tin đã phát triển và khác xa so với trước đây nhưng xét đến cùng, văn hóa đọc vẫn là chìa khóa của mọi sự phát triển.
Dưới sự tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ tin học và truyền thông, cùng với nhiều lĩnh vực, phương diện khác của đời sống văn hóa cộng đồng, văn hóa đọc đang có sự chuyển động sâu sắc cả về cấu trúc, tính chất, chức năng cũng như các mối quan hệ tương tác của nó với chủ thể và với môi trường tồn tại. Văn hóa đọc truyền thống đang bị, và là được, các phương tiện, phương thức nghe nhìn công nghệ cao cạnh tranh, chèn lấn. Phương tiện mang tin, sách báo thay đổi, công nghệ số thay thế dần sách báo in giấy; Số lượng người đọc sách ngày càng ít hơn, cách đọc, mục đích đọc, chuẩn mực đọc cũng có nhiều thay đổi theo hướng thực dụng, chú trọng nhiều đến cách đọc chức năng hơn cách đọc nội dung; Người đọc tại gia nhiều hơn đọc tại thư viện; Người đọc sách báo điện tử nhiều hơn sách báo in giấy…
Đó là báo hiệu sự chuyển đổi phương thức đọc, cấu trúc văn hóa đọc và đồng thời là một sự xuống cấp của văn hóa đọc nếu xét từ cảm hứng đọc và mục đích đọc của người đọc hiện nay.
Sự chuyển đổi là tất yếu bởi đó là quy luật. Vấn đề là nhu cầu, tâm thế đọc của người đọc và vai trò của nhà quản lý xã hội đối với văn hóa đọc. Nhà quản lý phải biết cách quản lý để có được những sản phẩm tốt nhất cả về nội dung và hình thức, phải đáp ứng ở mức độ cao nhất cho nhu cầu đọc của cộng đồng, phải biết hướng dẫn cho người đọc đến được với những giá trị tốt đẹp nhất của sách vở và sự đọc, phải tạo ra nhu cầu và niềm hứng khởi đọc sách cho mọi người, phải làm cho cả cộng đồng nhận thức được vai trò nền tảng và là động lực của văn hóa đọc đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Đó là điều chúng ta chưa làm được hoặc làm chưa tốt. Trong một thời gian dài, ở quá nhiều nơi, quá nhiều lúc, chúng ta vẫn đang làm chiếu lệ, chú trọng hình thức, chưa có sự hiểu và quan tâm đúng mức đến văn hóa đọc. Sách báo đối với nhiều người là vật trang sức, không phải là vật mang tin để nâng tầm vóc trí tuệ và nhân cách của chính họ và cả cộng đồng.
Lỗi đó có ở nhiều người, do nhiều người, do cả cách tổ chức và quản lý xã hội, quản lý văn hóa cộng đồng.
Văn hóa đọc không thể mất đi khi mà xã hội loài người còn chữ viết. Để thích nghi với điều kiện công nghệ và cách quản lý xã hội mới, văn hóa đọc phải tự điều chỉnh về cả cấu trúc, chức năng và các mối quan hệ tương tác để kiến tạo nên những giá trị mới phù hợp và có ích thúc đẩy cộng đồng xã hội phát triển. Trong sự vận động phát triển đó, vai trò của thể chế, của các nhà quản lý là vô cùng quan trọng.