Nhìn ra thế giới

Những mối quan hệ láng giềng mong manh

Tranh chấp lãnh thổ trong ít nhất ba vùng biển lớn đã lôi cuốn hơn 10 quốc gia tham gia, và thổi bùng những xung đột đan xen tại một số trong những tuyến vận tải đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Các tranh chấp không có liên hệ với nhau, nhưng các nhà phân tích chỉ ra, một số quốc gia châu Á - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippine - những tháng gần đây đều đi theo một mô thức chung, biến các tranh chấp lịch sử thành những ưu tiên quốc gia, leo thang căng thẳng và sẵn sàng tính đến khả năng xung đột vũ trang quy mô nhỏ.

Những hòn đảo lớn nhỏ đang tranh chấp tại châu Á nhìn chung không tạo ấn tượng sâu sắc. Đa số đều là những mỏm đá nhô cao và lộng gió xa cách đất liền. Một đảo có ngọn hải đăng nhưng không có người ở.

Những lãnh thổ nhỏ bé này, trải từ Đông Bắc Á qua Đông Nam Á, đang bị tranh chấp quyết liệt giữa các nước mang trong mình tinh thần dân tộc cao và ngày càng khao khát nguồn tài nguyên thiên nhiên ở ngoài khơi. Khi mà Mỹ cam kết đóng một vai trò lớn hơn tại châu Á, một số chuyên gia an ninh cho rằng các vùng lãnh thổ này sẽ trở thành điểm nóng tiềm tàng nhất trong khu vực, bên cạnh bán đảo Triều Tiên.

Tranh chấp lãnh thổ trong ít nhất ba vùng biển lớn đã lôi cuốn hơn 10 quốc gia tham gia, và thổi bùng những xung đột đan xen tại một số trong những tuyến vận tải đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Các tranh chấp không có liên hệ với nhau, nhưng các nhà phân tích chỉ ra, một số quốc gia châu Á - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippine - những tháng gần đây đều đi theo một mô thức chung, biến các tranh chấp lịch sử thành những ưu tiên quốc gia, leo thang căng thẳng và sẵn sàng tính đến khả năng xung đột vũ trang quy mô nhỏ.

Những nước này có động lực tuyên bố chủ quyền với những lãnh thổ ở xa ngoài khơi một phần còn vì đang và sẽ rất cần các trữ lượng dầu khí tại các vùng biển quanh họ. Nhật Bản lo ngại một nguy cơ sự thiếu hụt năng lượng kéo dài sau khi quay lưng lại với điện hạt nhân, còn Trung Quốc, vốn đang đóng góp tới 1/5 tiêu thụ năng lượng toàn cầu, đang chạy đua tìm kiếm tài nguyên phục vụ cho quá trình hiện đại hóa.

Rory Medcalf, Giám đốc An ninh quốc tế tại Viện Lowy, Sydney, phân tích: "Tài nguyên năng lượng đang ngày càng trở thành vấn đề có tính quyết định tại đây. Đặc biệt từ quan điểm của Nhật Bản và Trung Quốc, họ cảm thấy cần phải đảm bảo an ninh năng lượng hơn nữa. Không quốc gia nào trong số này muốn từ bỏ hoàn toàn các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại nơi được cho là chứa đựng trữ lượng dầu khí rất lớn".

Những nước này còn bị chi phối bởi các phong trào dân tộc đang lên cao, dù đôi khi chỉ là những phong trào nhỏ. Chủ nghĩa dân tộc càng bị kích động hơn bởi truyền thông xã hội, đặc biệt tại Trung Quốc, nơi hàng trăm triệu người dùng internet có thể dễ dàng chia sẻ quan điểm dẫn đến việc các ý kiến cộng đồng càng khó bị bỏ qua hơn.

Các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc sắp diễn ra những sự thay đổi lãnh đạo vào cuối năm nay, khiến cho các quan chức chính phủ càng khó lùi bước trong tuyên bố chủ quyền và không thể thể hiện yếu đuối.

Nhà nghiên cứu thâm niên và chuyên gia về Đông Bắc Á tại Quỹ Heritage Foundation Bruce Klingner nhận xét: "Chúng ta đã thấy trong lịch sử các nước đi đến chiến tranh vì lãnh thổ như thế nào. Cho dù nghe có vẻ nhưng sẽ không hợp lý nếu các nước liều lĩnh đối đầu chỉ vì những tảng đá... nhưng đó thực tế đó lại là những gì đang diễn ra".

Những mối quan hệ mong manh

Những tranh chấp nổi bật nhất hiện nay có thể kể đến là tranh chấp giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, Trung Quốc với Nhật Bản, và Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á.

Trung Quốc, với chi tiêu quân sự và sức mạnh hải quân liên tục tăng, trong mắt các nhà lãnh đạo nước ngoài là kẻ chuyên đi ức hiếp trong khu vực, nhăm nhe mở rộng biên giới và đe dọa các nước láng giềng nhỏ hơn. Nhưng cũng có những nước khác phản ứng bằng việc thể hiện sức mạnh bản thân.

Một số quốc gia Đông Nam Á đã thắt chắt quan hệ đồng minh với Washington và tiến hành nhiều cuộc tập trận chung. Nhật Bản sắp xếp lại Lực lượng tự vệ với mục tiêu bảo vệ tốt hơn các vùng biển tranh chấp. Tháng 7, tổng thống Philippine Benigno Aquino III đề nghị quốc hội nước này thông qua chương trình nâng cấp quân sự lớn bao gồm mua thêm nhiều máy bay và chiến đấu cơ mới có thể được sử dụng để bảo vệ những khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Ông Aquino lên tiếng: "Nếu kẻ nào đó bước vào sân nhà chúng ta và nói mảnh sân này là của anh ta, chúng ta có cho phép điều đó? Chúng ta có thể nhượng bộ những gì mà chính đáng thuộc về chúng ta hay không"?

Việc quản lý các tranh chấp lãnh thổ đang trở thành vấn đề nan giải cho các nhà lãnh đạo châu Á. Một động thái của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hôm 10/8, trong nỗ lực nâng cao tỷ lệ ủng hộ vốn đang rất thấp, đã nhận được rất nhiều sự chỉ trích khi ông đáp máy bay tới thăm hòn đảo Dokdo/Takeshima, nơi cũng được Nhật Bản tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản.

"Dokdo đích thực là lãnh thổ của chúng ta", ông Lee Myung-bak phát biểu khi đang ở trên hòn đảo, nơi ông đã đặt hoa trước đài tưởng niệm những người Hàn Quốc đã hy sinh để bảo vệ vùng lãnh thổ này.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba lập tức lên tiếng ngay sau đó: "Tại sao ông ấy lại tới thăm nơi đó ở vào thời điểm mà chúng ta cần phải xem xét các vấn đề từ quan điểm rộng hơn? Đó là một điều vô cùng đáng tiếc".

Các chuyên gia an ninh nói tranh chấp Nhật Bản - Hàn Quốc ít có nguy cơ leo thang thành xung đột bởi hai nước - những đồng minh thân cận nhất của Washington tại châu Á - là những đối tác kinh tế tương đối hợp tác, bất chấp những thù hận còn kéo dài dai dẳng kể từ sau 35 năm chiếm đóng của Nhật Bản.

Những tranh chấp với Trung Quốc

Nhưng cũng còn những khu vực rắc rối hơn, đặc biệt là những nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Một báo cáo mới đây của tổ chức International Crisis Group có trụ sở tại Brussels miêu tả các cuộc tuần tra Biển Đông của Trung Quốc giống như hoạt động của "chín con rồng", bao gồm lẫn lộn các cơ quan chính phủ xung đột nhau, nhiều trong số đó đang cố gắng củng cố sức mạnh và ngân sách.

Báo cáo viết, Hải quân Quân đội giải phóng nhân dân có xu hướng đảm nhận vai trò trung tâm trong các tranh chấp biển, cho phép họ có nhiều tiếng nói hơn trong các cơ quan thực thi pháp luật dân sự và đơn vị bán quân sự. Ngày càng nhiều các tàu Trung Quốc giả mạo tàu cá cũng đang hoạt động tại những khu vực tranh chấp, như đã thấy trong cuộc đối đầu hồi tháng 4 giữa Bắc Kinh và Manila bắt đầu khi các ngư dân Trung Quốc bị phát hiện đánh bắt trái phép gần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp.

Washington đã cố gắng trung lập trong nhiều tranh chấp nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải. Trong cuộc gặp với Aquino hồi tháng 6, Tổng thống Obama đã hối thúc các quốc gia châu Á giải quyết các tranh chấp dựa trên "những quy định và chuẩn mực quốc tế chặt chẽ về giải quyết tranh chấp hàng hải trong khu vực".

Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo khu vực đã chưa thể đi đến một bộ quy định thống nhất nào, và tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 7 diễn ra ở Campuchia, xung đột về Biển Đông đã khiến các nhà lãnh đạo rời khỏi cuộc họp mà không đạt được thậm chí chỉ một bản thông cáo chung.

Một đề xuất do Lầu Năm Góc ủy nhiệm Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington soạn thảo, chỉ ra, "rủi ro đang tăng lên" trong khu vực bởi những hoạt động quả quyết của Trung Quốc trên biển.

Trong đề xuất của tổ chức này đối với chiến lược của Mỹ tại châu Á đặt ra khả năng đưa một tàu sân bay chạy nhiên liệu hạt nhân tới đồn trú tại bờ biển Australia, cho phép Mỹ có một Lực lượng xung kích hàng không mẫu hạm thứ hai trong khu vực.

Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Australia sau đó đã từ chối ý tưởng với lý do đã được các nhà phân tích Australia chỉ ra là nước này không muốn đối đầu với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Nguồn: tuanvietnam

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570293

Hôm nay

242

Hôm qua

2287

Tuần này

242

Tháng này

228817

Tháng qua

129483

Tất cả

114570293