Nhìn ra thế giới

Biển Đông: Nút thắt khó gỡ trong quan hệ Mỹ - Trung

 Báo Liên hợp Buổi sáng của Xingapo số ra ngày 19/8 đăng bài cho biết tranh chấp chủ quyền hải đảo và vùng biển ở Biển Đông không ngừng diễn ra, từ cuộc khẩu chiến năm 2010 đến việc chặn bắt tàu cá của đối phương năm 2011 và đối đầu giữa Trung Quốc và  Philippin ở đảo Hoàng Nham/bãi cạn Scarborough cùng việc Việt Nam thông qua Luật Biển và Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa trong năm 2012 này. Ngay cả Mỹ, nước nằm ở một cực khác của Thái Bình Dương cũng bị cuốn vào cuộc khẩu chiến liên quan tới Biển Đông.

Dư luận Trung Quốc cho rằng tiếng nói ủng hộ của Mỹ đã khích lệ các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Mục đích của Mỹ là nhằm đưa trọng tâm quân sự trở lại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với lý do tình hình nơi đây mất ổn định. Mỹ biện hộ rằng do căng thẳng ở Biển Đông gia tăng, nhằm bảo vệ tự do hàng hải có lợi cho Mỹ cũng như cho lợi ích kinh tế của các bên, Mỹ đành phải can dự vào vấn đề Biển Đông. Ở một góc độ nào đó, trên thực tế, Biển Đông đang dần trở thành đấu trường của Trung Quốc và Mỹ và các nhà quan sát chính trị cho rằng trong tương lai gần, vấn đề Biển Đông sẽ trở thành nút thắt khó gỡ trong quan hệ giữa hai nước này.

Theo báo trên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ nhiều lần bày tỏ công khai rằng phải phá vỡ logic truyền thống trong lịch sử về sự đối kháng và xung đột lẫn nhau giữa các nước lớn, tìm kiếm câu trả lời mới cho con đường chung sống hòa bình giữa nước mới trỗi dậy và cường quốc hiện có. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào tình hình Biển Đông thì có thể thấy một điều rất rõ ràng rằng câu trả lời trên vẫn chưa xuất hiện và cũng không dễ để tìm được nó.

Trước khi Trung Quốc và Mỹ xây dựng được quan hệ mới giữa các nước lớn, e rằng tình hình Biển Đông khó có được một ngày bình yên theo đúng nghĩa.

Giống như định luật về lực và phản lực của nhà bác học Newton, các nước tranh chấp rầm rộ áp dụng các biện pháp phòng – chống lại nhau, khiến tình hình liên tục leo thang. Phe cứng rắn ở các nước thường kêu gào phải tiến hành chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Khi trả lời phỏng vấn báo chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn nói: Nam Hải (Biển Đông) vừa là vấn đề địa chính trị vừa là vấn đề quyền đi lại trên biển. Trong tương lai, ai khống chế được Biển Đông, người đó sẽ nắm trong tay chủ quyền và tài nguyên Biển Đông. Ngoài Mỹ, các nước lớn khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ đều nối tiếp nhau can dự vào vấn đề Biển Đông thông qua các phương thức như khai thác tài nguyên dầu khí hay điều chỉnh chiến lược ở Biển Đông”.

Biển Đông dần trở thành đấu trường giữa Mỹ và Trung Quốc

Biển Đông được coi là “con đường tơ lụa” trên biển với khoảng 50% lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường biển đi qua. Hàng năm, kim ngạch thương mại của Mỹ đi qua “con đường tơ lụa” này lên tới 1.200 tỉ USD. Ngoài ra, Biển Đông còn được biết đến là nơi có lượng tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên phong phú.

Do liên quan tới lợi ích thiết thân, nên dù không phải là nước tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, nhưng Mỹ vẫn cao giọng bày tỏ sự quan tâm chú ý chặt chẽ đối với tình hình nơi đây. Ở một góc độ nào đó, trên thực tế, Biển Đông đang dần trở thành đấu trường của Trung Quốc và Mỹ: Một bên nỗ lực củng cố sức ảnh hưởng của mình trong khu vực; một bên tìm cách đẩy đối phương ra bên ngoài cửa nhà mình hoặc chí ít là không để đối phương bao vây mình.

Chủ nhiệm Cao cấp Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới, ông Patrick Cronin chỉ rõ: Sở dĩ hải quân Trung Quốc thể hiện năng lực tại vùng biển bên ngoài Trung Quốc, một mặt là muốn cho thấy năng lực bảo vệ lãnh hải, nhưng mặt khác dường như còn muốn đẩy sức mạnh của hải quân Mỹ ra cách xa bờ biển của Trung Quốc. Cronin nói “Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hải quân Mỹ luôn là lực lượng trên biển chủ yếu trong khu vực này. Nếu như Mỹ rút hoặc giảm bớt quân lực trong khu vực, quyền lực mới sẽ được bố trí  ra sao? Từng quốc gia trong khu vực sẽ tính toán chiến lược như thế nào? Các nhân tố không xác định này khiến các nước phải cạnh tranh và ai cũng đều muốn làm người chi phối quy tắc hành vi trong khu vực để nắm chắc diễn biến của tình hình Biển Đông”.

Theo Cronin, việc Mỹ công khai chỉ trích Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa làm gia tăng căng thẳng khu vực và lên tiếng ủng hộ nước đồng minh Philippin, chính là nhằm mục đích gây sức ép với Trung Quốc, bảo đảm việc xử lý tranh chấp Biển Đông sẽ dựa trên căn cứ luật pháp quốc tế. Cũng đúng vào lúc này Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược quân sự sang phía Đông. Sự trùng hợp về thời gian đã khiến Mỹ bị cholaf “kẻ đầu têu” làm tình hình Biển Đông leo thang.

Tiếng nói ủng hộ của Mỹ đã khích lệ thái độ cứng rắn của các nước tranh chấp

Dư luận Trung Quốc phổ biến cho rằng tiếng nói ủng hộ của Mỹ đã khích lệ thái độ cứng rắn của các nước tranh chấp khác. Mục đích của Mỹ là nhằm đưa trọng tâm quân sự trở lại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với lý do tình hình nơi đây mất ổn định. Điều này cũng đảm bảo cho Mỹ không bị bỏ rơi khi kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cất cánh.

Ngô Sĩ Tồn thẳng thắn nói rằng cho dù Mỹ thực sự giữ thái độ trung lập, vấn đề Biển Đông cũng sẽ không thể giải quyết ngay tức khác. “Muốn giải quyết triệt để cần phải có thời gian. Nhưng nếu không có sự can dự của Mỹ, vấn đề Biển Đông sẽ không leo thang, trở nên phức tạp như hiện nay, từ điểm nóng khu vực biến thành điểm nóng toàn cầu. Mỹ luôn nói rằng họ không có ý kiềm chế Trung Quốc, nhưng theo tôi, đúng là Mỹ muốn bao vây Trung Quốc. Những từ mà Mỹ thường dùng như ngăn chặn và phòng chống rủi ro chỉ là sự khác nhau trong cách dùng từ tiếng Anh. Chính xác hơn là Mỹ đang ngăn chặn Trung Quốc”.

Mỹ phủ nhận đã can thiệp vào tình hình Biển Đông

Cronin cho rằng do tình hình căng thẳng ở Biển Đông gia tăng, nhằm bảo vệ tự do hàng hải có lợi cho lợi ích của Mỹ cũng như cho lợi ích kinh tế của các bên, Mỹ đành phải can dự vào vấn đề Biển Đông. Theo Cronin, trong quá trình bày tỏ sự quan tâm chú ý của mình đối với vấn đề Biển Đông, có lúc Mỹ cho thấy sự cứng rắn quá mức, có lúc Mỹ thiên về biện pháp quân sự, nhưng việc người dân Trung Quốc nói bất hòa là do Mỹ gây ra là không có căn cứ. “Quan hệ ngoại giao giữa hai nước lúc lên lúc xuống, luôn bất ổn định. Trong hoàn cảnh đó, thái độ ngoại giao mà mỗi nước đưa ra chắc chắn không phải là lần nào cũng chính xác”.

Nhưng dù Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông một cách chủ đọng hay bị động, có một điều không thể phủ nhận được là cuộc chiến giành giật Biển Đông của hai lực lượng lớn – Trung Quốc và Mỹ – trở thành nhân tố then chốt quyết định việc bố trí quyền lực biển ở Biển Đông có phải sắp xếp lại hay không. Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể loại bỏ được sự nghi kỵ của đối phương về mục đích chiến lược của mình ở Biển Đông, quy tắc ứng xử của khu vực này sẽ khó đạt được nhận thức chung.

Tương lai tình hình Biển Đông không lạc quan

Cả Cronin và Ngô Sĩ Tồn đều cho rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ không vì Biển Đông mà khai chiến với nhau, nhưng trong tương lai gần, vấn đề Biển Đông sẽ là một nút thắt không thể tháo gỡ.

Ngô Sĩ Tồn nói: Việc dùng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông xem xa thì dễ, nhưng trên thực tế không phù hợp với lợi ích của bất cứ bên nào. Do vậy, chỉ cần không đụng vào giới hạn của Trung Quốc, Bắc Kinh nhất định sẽ kiên trì cam kết giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, vì vấn đề Biển Đông liên quan tới lợi ích và sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ cho nên hai bên nhất định sẽ không nhượng bộ nhau. Cuộc đấu địa chính trị chắc chắn sẽ tiếp tục và cục diện tương lai của Biển Đông là không thể lạc quan, các nước chỉ có thể ra sức tìm cách ứng phó ổn thỏa, nhưng khó tìm kiếm biện pháp giải quyết triệt để.

Cronin cho rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác, nhưng quan hệ cạnh tranh giữa hai bên vẫn tồn tại, các nước trong khu vực cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm sự cân bằng kiểm soát về mặt quân sự ở một mức độ nào đó. Lý thuyết cân bằng kiểm soát và răn đe lẫn nhau đã xuất hiện cách đây vài thế kỷ 21 vốn đã trở nên phức tạp hơn này, lý thuyết này vẫn không thay đổi.

Vấn đề Biển Đông nới rộng hố ngăn cách giữa Trung Quốc và ASEAN

Bên cạnh việc trở thành nút thắt khó gỡ trong quan hệ Trung – Mỹ, vấn đề Biển Đông còn làm nới rộng hố ngăn cách giữa Trung Quốc và ASEAN. “Mô hình sinh tồn” – muốn hợp tác kinh tế thì tìm tới Trung Quốc, muốn hợp tác an ninh thì tìm tới Mỹ – đang dần hình thành trong các nước ASEAN. Vì thế, các học giả đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc mang đến cho ASEAN cảm giác an toàn hơn.

Nghiên cứu viên Ian Storey đến từ Viện Nghiên cứu Nam Á của Xinhgapo cho rằng là một tổ chức khu vực, ASEAN luôn cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước đối tác. Tuy nhiên, 10 nước thành viên ASEAN  vẫn có những tính toán riêng của mình và không thống nhất lập trường trong vấn đề Biển Đông. Trong các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, xu hướng dựa vào Mỹ của Việt Nam và Philippin là tương đối rõ ràng. Hai nước này còn tiến hành diễn tập chung và tổ chức đối thoại cấp cao với Mỹ. Do đó, vấn đề Biển Đông không chỉ làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền Biển Đông, mà còn khiến ASEAN tiếp tục bị chia rẽ. Đây là một chướng ngại đối với việc xây dựng niềm tin lẫn nhau và phát triển quan hệ lâu dài giữa Trung Quốc và ASEAN. Thực tế cho thấy tháng 7 vừa qua, chính vì không thể ký được thỏa thuận về vấn đề Biển Đông, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đã không thể ra được thông cáo chung. Dù sau đó các nước ASEAN đã bổ khuyết bằng việc ra nguyên tắc 6 điểm giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng cá biệt có một số nước thành viên vẫn tiếp tục vạch mặt và chỉ trích lẫn nhau.

Tình hình buộc các nước ASEAN phải lựa chọn đứng về bên nào

Kỳ thực, các nước ASEAN không luốn lựa chọn đứng về phía Trung Quốc hay Mỹ, nhưng theo Ngô Sĩ Tồn, tình hình hiện nay đã khiến một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippin, có xu hướng nghêng về một bên hoặc là Trung Quốc hoặc là Mỹ. Về mặt kinh tế, các nước này tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc, về an ninh lại tìm kiếm sự bảo vệ của Mỹ. Ngô Sĩ Tồn cho rằng đây là hiện tượng hai mặt mà mọi người không muốn nhìn thấy và cũng là vấn đề khiến Trung Quốc phải suy nghĩ lại.

Ngô Sĩ Tồn cho biết: “Mười năm qua, quan hệ kinh tế song phương giữa Trung Quốc và ASEAN phát triển rất nhanh. Nhưng không vì hợp tác kinh tế phát triển mà quan hệ an ninh giữa hai bên trở nên sâu sắc hơn, và ASEAN giảm nghi ngại cũng như lo lắng đối với Trung Quốc. Bắc Kinh luôn thông qua các phương thức khác nhau cam kết và chứng minh với ASEAN và các nước xung quanh rằng mình sẽ tuân thủ đường lối phát triển hòa bình, không tìm kiếm bá quyền, nhưng muốn để các nước xung quanh tin phục, cần phải có một quá trình. Ngô Sĩ Tồn kiến nghị Trung Quốc cần phải học theo “Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN” ký năm 2003, đề ra một hiệp ước tương tự, cam kết không dùng vũ lực giải quyết tranh chấp để căng cường niềm tin an ninh lẫn nhau và để một số quốc gia nêu trên không cần phải tìm đến sự bảo vệ của Mỹ. Biển Đông là một trong những vấn đề trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, nhưng không phải là toàn bộ. ASEAN là hàng xóm quan trọng của Trung Quốc, tạo nên mối quan trọng giữa Trung Quốc và các nước xung quanh, do đó, Bắc Kinh nên tìm biện pháp xóa bỏ sự nghi ngại của ASEAN cũng như khỏa lấp hố ngăn cách giữa Trung Quốc và ASEAN.

Nhận thức chung hóa giải tranh chấp Biển Đông khó thành hiện thực

Con đường hóa giải tranh chấp Biển Đông đứng trước rất nhiều thách thức. Các nước vẫn chưa thể đạt được nhận thức chung về con đường giải quyết vấn đề Biển Đông. Hiện nay, có hai biện pháp chủ yếu để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Một là đệ trình lên Tòa quốc tế để ra phán quyết. Hai là các bên tranh chấp trực tiếp đàm phán hiệp thương. Nhưng Storey cho rằng cả khả năng thực hiện hai biện pháp này ngày càng thấp.

Storey nói: “Việc đệ trình lên Tòa án quốc tế để ra phán quyết đòi hỏi phải có sự đồng ý của các bên, nhưng Trung Quốc thì luôn kiên quyết phản đối trọng tài quốc tế. Trong khi đó, do mấy năm gần đây lập trường về vấn đề Biển Đông của tất cả các nước tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông cũng ngày càng cứng rắn, nên dù muốn họ giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua hiệp thương thì cũng rất khó khăn”.

Ngoài ra, nếu sử dụng biện pháp hiệp thương thì nên áp dụng phương thức đàm phán song phương hay đa phương? Đây lại là một vấn đề gây tranh cãi nữa. Trong tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc luôn nhất quán chủ trương tiến hành đàm phán song phương với nước đương sự. Philippin, Việt Nam và Mỹ lại ủng hộ cơ chế đàm phán đa phương giải quyết vấn đề Biển Đông.

Theo Cronin, do giữa Trung Quốc và các nước xung quanh có sự chênh lệch về sức mạnh, nên việc lợi ích của nước nhỏ có được đảm bảo một cách công bằng hay không trong đàm phán song phương là vấn đề khiến người ta lo lắng. Trong cơ chế đàm phán đa phương, cái cần đạt được là những quy tắc mang tính lâu dài để giải quyết vấn đề mà các bên đều chấp nhận, nếu không các nước sẽ có cảm giác thiếu an toàn.

Nhưng Ngô Sĩ Tồn cho rằng trong cơ chế đa phương, thế lực bên ngoài khu vực sẽ thừa cơ tìm kiếm lợi ích, khiến mâu thuẫn phức tạp hơn. Lấy việc phân chia lãnh hải vịnh Bắc Bộ làm ví dụ, Ngô Sĩ Tồn nhấn mạnh sự thực đã chứng minh Trung Quốc sẽ không cậy lớn để ức hiếp bé, cộng đồng quốc tế nên có thêm niềm tin đối với Trung Quốc. Ngô Sĩ Tồn cho biết qua nhiều năm đàm phán, cuối cùng vào năm 2000, Trung Quốc và Việt nam đã dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển phân giới lãnh hải vịnh Bắc Bộ vốn tồn tại tranh chấp, theo đó, Việt Nam quản lý 53% còn Trung Quốc quản lý 47% diện tích.

***

TTXVN (Niu Yoóc 2/9)

Tạp chí “Chính sách Đối ngoại” của Mỹ ngày 27/8 nhận định các tuyên bố gần đây về tranh chấp chủ quyền Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) của phần lớn các nước Đông Nam Á và thậm chí cả Mỹ ngày càng nóng bỏng).

Đầu tháng 8/2012, Bộ Ngoại giao Mỹ áp dụng một biện pháp bất thường bằng cách công bố một thông cáo báo chí chỉ trích Trung Quốc thành lập một khu hành chính mới bao gồm hầu hết các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Ngay lập tức, các phương tiện truyền thông của Bắc Kinh đã đáp trả bản thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ bằng những lý lẽ công kích mạnh mẽ và làm tăng thêm tình cảm bức xúc trong công chúng Trung Quốc. Vấn đề xử lý các căng thẳng cũng như các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, mặc dù Oasinhtơn không có ý định làm cho tình hình tranh chấp Biển Đông trở nên xấu đi vào lúc này. Nhưng năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bỗng nhiên lên tiếng phản đối những hành động đơn phương ở Biển Đông và ủng hộ việc phát triển Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả để quản lý hoạt động của các nước tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Dư luận cho rằng đây là hành động cần thiết nhằm chỉ trích Trung Quốc chấm dứt thái độ do dự trong việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử và hạn chế những hành động quyết đoán của các ngư phủ cũng như các thợ khoan dầu khí của Trung Quốc. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ được kèm theo các tuyên bố cho rằng Oasinhtơn không quan tâm đến tranh chấp lãnh thổ cụ thể, nhưng nhấn mạnh quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế có nhiều tàu thuyền qua lại cũng như giải quyết các bất đồng một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trung Quốc không muốn Mỹ thúc đẩy vấn đề bất đồng ở thời điểm khi nền ngoại giao Trung Quốc đang thực hiện “các mục đích riêng” ở biển Hoa Đông (Trung Quốc gọi là Đông Hải) cũng như trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng cuối năm 2010, Trung Quốc đã cố gắng hơn để hợp tác với các nước láng giềng và lời cảnh báo của Ngoại trưởng Clinton dường như có tác dụng tốt. Gần đây hơn, Cố vấn An ninh Quốc gia của Mỹ Thomas Donilon đến thăm Bắc Kinh và được các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Chính phủ Trung Quốc tiếp đón và thảo luận các bất đồng giữa hai bên. Ngay sau chuyến thăm của Cố vấn An ninh Quốc gia Donilon, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ được coi như một cú sốc tại Bắc Kinh.

Tình hình Biển Đông rất phức tạp do các tuyên bố chủ quyền mập mờ, đánh bắt cá bừa bãi, và cạnh tranh khai thác các nguồn dự trữ dầu lửa và khí đốt. Tấm bản đồ “đường đứt khúc chín đoạn”, trước kia 11 đoạn của Bắc Kinh nhằm hợp pháp hóa khoảng 80% Biển Đông và các vùng lãnh thổ của Trung Quốc. hai đoạn phân chia các tuyên bố của Trung Quốc và Việt Nam đã được hai bên giải quyết thông qua các cuộc đàm phán song phương cách đây nhiều năm. Điều này cho thấy đường đứt khúc chín đoạn còn lại có thể đàm phán tương tự. Nhưng Trung Quốc kiên quyết từ chối làm rõ cơ sở của các tuyên bố chủ quyền của họ hoặc dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) chấp nhận hoặc những bằng chứng lịch sử không được đa số dư luận chấp nhận. Việc từ chối làm rõ cơ sở tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh muốn phát huy tối đa đòn bẩy pháp lý và chính trị riêng của họ, khi tốc độ tăng trưởng của các tài sản quân sự và hàng hải của Trung Quốc đạt được sức mạnh đáng kể so với các nước láng giềng yếu hơn. Nhưng không chỉ riêng Bắc Kinh mà Hà Nội đã thuê các công ty nước ngoài tiến hành thăm dò dầu khí ở các lô thuộc các vùng biển tranh chấp và hiện nay Manila cũng đang tìm cách làm tương tự. Trong khi đó, các cuộc chiếm đóng thuộc địa trước đây của các nước thực dân để lại hồ sơ tuyên bố chủ quyền lịch sử không liên tục, khiến các nước hiện nay có xu hướng chủ yếu dựa vào UNICO để quản lý các nguồn tài nguyên tranh chấp. Bên cạnh đó, các nước tranh chấp cũng khuyến khích và muốn lôi kéo Mỹ đứng về phía họ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Đây là khu vực Mỹ cần hành xử một cách thận trọng và chỉ hành động sau khi cân nhắc nhiều biện pháp. Mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của Mỹ ở Châu Á là quản lý sự phát triển của Trung Quốc bằng nhiều biện pháp để không ảnh hưởng đến các lợi ích sống còn của Mỹ trong khu vực. Hướng tới giai đoạn chuyển tiếp đòi hỏi Mỹ phải có sức mạnh, nhất quán và công nhận những thực tiễn đang thay đổi. Các cuộc thử nghiệm nghiêm túc mối quan hệ Trung – Mỹ sẽ là: Oasinhtơn sẽ cố gắng thuyết phục Bắc Kinh chấp nhận các luật pháp quốc tế hiện hành và các nguyên tắc đã mang lại nền hòa bình lâu dài, ổn định và thượng vượng cho các bên tham gia, đặc biệt là Trung Quốc. Bắc Kinh có ý đồ khai thác sự khác biệt về sức mạnh nhằm chống lại chính sách của các nước có thái độ tích cực và tăng chi phí cho những nước có thái độ tiêu cực. Đây có thể là một toan tính dẫn đến lời cảnh báo gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với Bắc Kinh. Nhiều người ở Oasinhtơn không chấp nhận các chiến thuật mạnh tay của Trung Quốc tại cuộc họp của Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN tháng trước đã ngăn cản Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đưa ra một thông cáo chung sau khi kết thúc hội nghị hàng năm lần đầu tiên trong 45 năm qua. Hơn nữa, Trung Quốc đã tăng cường triển khai lực lượng hải quân và bổ sung lực lượng cho các đội tàu dân sự khác nhau của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. Tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa và đồn trú lực lượng quân sự tại khu vực tranh chấp của Chính phủ Trung Quốc dường như nhằm đẩy sự kiên nhẫn của Oasinhtơn vượt qua các giới hạn. Các quan chức Mỹ cho rằng các sĩ quan quân đội và những người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc cần phải được dạy cho một bài học rằng các chính sách của họ là phản tác dụng.

Cuộc thử nghiệm một sáng kiến như vậy của Mỹ liệu có hiệu quả để đạt được mục tiêu chiến lược chủ yếu. Đánh giá sự giận dữ của Trung Quốc sau khi Việt Nam và Philippin tiến hành các biện pháp để khai thác các nguồn tài nguyên ở vùng biển tranh chấp mà không bị chỉ trích, tuyên bố của Mỹ dường như không đạt kết quả như mong đợi. Chỉ vài tuần trước khi xu hướng căng thẳng tăng lên, Chính quyền Obama tổ chức thành công chuyến thăm của Tổng thống Philippin Benigno S. Aquino III mà Manila hy vọng sẽ lôi kéo Oasinh tơn hợp tác chặt chẽ hơn với Philippin trong các tuyên bố chủ quyền Biển Đông.Tổng thống Obama nhẹ nhàng khẳng định với ông Aquino rằng Oasinhtơn ủng hộ liên minh mạnh mẽ và ngày càng tăng, nhưng Manila phải tự mình hoặc cùng các nước tuyên bố chủ quyền khác xử lý các tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ sẽ ủng hộ các cuộc đàm phán mang tính chất nguyên tắc và một giải pháp hòa bình, nhưng không chỉ rõ các kết quả cụ thể. Hiện nay, bằng cách chỉ trích Bắc Kinh nhưng không chỉ trích các nước khác, các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng Mỹ đã đứng về phía các nước chống lại Trung Quốc. Điều này đã phá hủy các khẳng định của Mỹ theo đuổi cách tiếp cận mang tính nguyên tắc trên cơ sở luật pháp quốc tế do thể hiện quan điểm không vô tư.

Các lợi ích trực tiếp của Mỹ ở Biển Đông không phải không có giới hạn. Mỹ không có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Hiện nay các công ty và công dân Mỹ không bị rủi ro. Tự do hàng hải rất quan trọng và trung Quốc coi nhẹ UNCLOS nên đã tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông.

Hoạt động thu thập tình báo của Mỹ trong khu vực sẽ thường xuyên gặp khó khăn khi Trung Quốc kiên quyết không cho phép các hoạt động như vậy. Hiện nay, nguồn gốc xung đột này đang được giới lãnh đạo chính trị của hai bên quản lý nhằm ngăn ngừa xảy ra các sự cố nghiêm trọng để ảnh hưởng không tốt đến toàn bộ mối quan hệ Mỹ – Trung. Do những tác động tiêu cực gây nên bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như phản ứng của các nước láng giềng, hiện nay Mỹ quan tâm nhiều hơn đến giải pháp hòa bình. Hơn nữa, Mỹ thường chú trọng tăng cường các quy định của luật pháp quốc tế nhằm giảm bớt chi phí cho việc duy trì ổn định và quản lý sự thay đổi đang diễn ra trong khu vực. Hiện nay, Trung Quốc không quân sự hóa chính sách đối ngoại của họ và dường như không hành động như vậy trong thời gian dài. Hơn nữa, các nước láng giềng của Trung Quốc không thụ động và khi cần thiết họ có thể đoàn kết thành một khối để chống lại những hành động tiêu cực của Trung Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc và các nước láng giềng vẫn đang thúc đẩy các mối quan hệ thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác nhiều hơn bất đồng ở Biển Đông. Điều đó cho thấy tình hình Biển Đông có khả năng quản lý được, mặc dù các bất đồng đó không thể giải quyết trong một vài năm tới. Thực tế, các xã hội Châu Á khác nhau đã quen sống chung với các tranh chấp chưa được giải quyết trong nhiều thế kỷ. Từ thực tế đó, Mỹ sẽ hành động trên cơ sở quan điểm có nguyên tắc và ủng hộ một tiến trình công bằng cho tất cả các nước bất đồng cũng như các nước xung quanh bị ảnh hưởng. Để thực hiện điều đó, Oasinh tơn sẽ bảo vệ quan điểm không thiên vị và lập lại các tuyên bố gây hiểu lầm như tuyên bố vừa qua của Bộ Ngoại giao Mỹ./.

Nguồn: BS/TTXVN

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570321

Hôm nay

270

Hôm qua

2287

Tuần này

270

Tháng này

228845

Tháng qua

129483

Tất cả

114570321