Nhìn ra thế giới

APEC-20: Mưu cầu phát triển, thúc đẩy phồn vinh

 Chủ đề Tuần Hội nghị Cấp cao APEC-20 năm nay từ 2-9/9 là “Hội nhập mưu cầu phát triển – Sáng tạo thúc đẩy phồn vinh”. Chương trình nghị sự lần lượt là: tự do hóa thương mại, đầu tư/nhất thể hóa kinh tế khu vực, tăng cường an ninh lương thực, xây dựng chuỗi cung ứng tin cậy, thúc đẩy sáng tạo và hợp tác.

Ngày mai, 21 nhà lãnh đạo của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tề tựu đông đủ tại thành phố Vladivostok (Nga) để bắt đầu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 20 (8-9/9). Mục đích chính của Thượng đỉnh lần này là nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng của 21 nền kinh tế nằm trên vành đai Thái Bình Dương, từ Trung Quốc qua Chile và vươn dài tới nước Mỹ.

Tự do hóa thương mại có bị ảnh hưởng?

Tuy nhiên, khác với các APEC trước đây, năm nay, tình hình căng thẳng bùng phát giữa một số thành viên chủ chốt đang đe dọa thành công của Diễn đàn. Các vụ khẩu chiến giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines về các tuyên bố liên quan đến chủ quyền từng kéo dài và có lúc khá dữ dội. Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trên các vùng biển, từ Hoa Ðông đến Nam Hải (Biển Đông) là những vấn đề nổi cộm trên nghị trình của bà Clinton trong tuần qua. Ngoại trưởng Mỹ Clinton vừa kết thúc chuyến công du 10 ngày tại 6 quốc gia Châu Á – TBD.

Ngày 3/9, trước khi bà Clinton đến Bắc Kinh, Trung Quốc lại một lẫn nữa lên tiếng cảnh báo Mỹ tránh can dự vào các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 4/9 còn lên tiếng đòi Mỹ “phải đưa ra các biện pháp cụ thể để chứng minh rằng, Mỹ trở lại Châu Á với tư cách là người kiến tạo hòa bình chứ không phải là một yếu tố gây nhiễu” (!). Tuy nhiên, các nhà quan sát tình hình khu vực, trong đó có Giáo sư Carl Thayer (từ Đại học Ốtxtrâylia) đã ngay lập tức bác bỏ lời cáo buộc này. Theo ông Thayer, Biển Đông trở nên căng thẳng khá lâu trước khi chiến lược quốc phòng mới của Mỹ được hình thành. Sự thật là do sự lấn lướt của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trên các vùng biển các khu vực, quan hệ Trung-Mỹ gần đây xấu đi khá nhanh.

Chuyến thăm của bà Clinton tới Bắc Kinh là bằng chứng cho thấy, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đã không thể trì hoãn được các cuộc đàm phán cho đến thời gian khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh ở Vladivostok. Cả Washinton và Bắc Kinh đều nhận thức rằng, căng thẳng leo thang giữa hai đại cường sẽ không phục vụ cho lợi ích cả hai bên. Vì vậy, ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã mời bà Clinton đến Bắc Kinh để hai bên có thể thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Nhưng xem ra, quá trình tìm kiếm sự cân bằng hợp lý giữa các mâu thuẫn chính trị-quân sự sâu sắc và sự phụ thuộc lẫn nhau về tài chính-thương mại vẫn còn ở phía trước.

Theo Giám đốc Trung tâm Thương mại Temasek (Đại học Công nghệ Nanyan ở Singapore), “Căng thẳng vừa qua chắc chắn sẽ khiến các cuộc họp chính thức kém phần thân thiện và nồng ấm. Tuy nhiên, không quốc gia nào lại muốn các vấn đề liên quan đến lãnh thổ lại lây lan sang lĩnh vực kinh tế tại thời điểm hiện nay và làm “trật hướng” chương trình nghị sự của APEC”. Giám đốc điều hành APEC Muhamad Noor cho biết: “Các nhà lãnh đạo có quyền thảo luận với nhau về những chủ đề mà họ cho là quan trọng và thích đáng”. Được biết, tại APEC-20 này, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế sẽ vượt ra khỏi chương trình nghị sự chính thức để thảo luận các vấn đề địa-chính trị cấp thiết.

Cánh cửa dẫn tới Thái Bình Dương của Nga

Cấp cao APEC-20 là cơ hội có một không hai để Nga chứng tỏ trước thế giới về tầm nhìn Châu Á – Thái Bình Dương của mình. Trước đây, Nga chưa tỏ ra sốt sắng trong các vấn đề của APEC. Nhưng kể từ đầu 2012, Nga tham dự hàng loạt hoạt động của các nhóm và các ủy ban APEC. Nga đã đề xuất vào bốn trọng tâm: hội nhập khu vực, an ninh lương thực, lập chuỗi cung ứng và cải thiện vận tải. Một thành tích quan trọng nhưng ít được chú ý là các tiến bộ của Nga trong việc thực hiện thỏa thuận “Thẻ đi lại cho doanh nhân APEC”. Thẻ này cho phép các doanh nhân ngoại quốc không cần xin thị thực khi xuất nhập cảnh Nga.

Đằng sau động thái đăng cai APEC-20 của bộ đôi quyền lực Putin-Medvedev là tham vọng làm hồi sinh nền kinh tế vùng Viễn Đông, vốn thưa dân và chưa công nghiệp hóa. Vladivostok hiện là nơi trở thành địa chỉ đầu tư công nhiều chưa từng có để phát triển cơ sở hạ tầng. Giai đoạn 2008-2012, đầu tư rót vào khu vực này lên tới 22 tỷ Usd. Vladivostok được coi như hình mẫu để thuyết phục công chúng ở đây rằng, chính quyền Moskow thực sự coi trọng công cuộc phát triển ở khu vực Thái Bình Dương. Bên cạnh việc coi Vladivostok như một dự án thí điểm phát triển vùng, Nga còn theo đuổi một sáng kiến hội nhập riêng, với tên gọi “Liên minh thuế quan” với Belarus và Cadắcxtan. Liên minh này được trông đợi sẽ phát triển thành Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Chủ tich nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn Việt Nam dự APEC-20. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình “Nước Nga 24”, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế và chính trị thế giới. Trong quá trình này, phải kể đến vai trò của các nền kinh tế mới đang phát triển năng động, trong đó có Việt Nam. Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định: “Việt Nam tin tưởng rằng, cùng với việc thực hiện chính sách hội nhập với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, vai trò của Nga ở đây sẽ ngày một phát triển mạnh”. Chủ tịch nước cũng thông báo dự định Việt Nam sẽ ký một thỏa thuận về thương mại tự do với các quốc gia thuộc “Liên minh thuế quan”. Thỏa thuận này sẽ dẫn tới bước tiến đáng kể trong quan hệ tiền tệ và hàng hóa./.

Bản tác giả gửi cho VHNA

 

 

 

 

                                                                              

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570330

Hôm nay

279

Hôm qua

2287

Tuần này

279

Tháng này

228854

Tháng qua

129483

Tất cả

114570330