Từ sau đó, tư tưởng Phật giáo chuyển hoá thành một thứ "cảm quan" bàng bạc trong truyện cổ tích và một số tác gia văn học tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Gia Thiều[1], Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm và vở chèo khuyết danh Quan Âm Thị Kính; đồng thời hoà đồng vào các hình thức văn hoá khác như lễ hội, hội chùa, lễ chùa, lễ Phật, điêu khắc tượng Phật, xây dựng chùa chiền... Nói riêng loại hình tiểu truyện các thiền sư vẫn tiếp tục được duy trì qua các ghi chép, sao chép, hệ thống hoá tư liệu của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú; qua việc biên soạn và khắc in văn bản của Hụê Nguyên, Chân Nguyên, Như Sơn, Phúc Điền... Mặc dù Nho giáo thắng thế trên phương diện tổ chức xã hội nhưng về mặt tâm linh thì Phật giáo vẫn là dòng chảy ngầm, có sức sống hết sức lâu bền. Bằng cứ là ngay các nhà nho vẫn thường xuyên bộc lộ cả hai tư chất trong một con người: tính chất qui phạm quan phương và con người cá nhân thế tục, thậm chí tìm đến tư tưởng Phật giáo, Lão-Trang, nhất là khi thất thế, khi lui về ở ẩn, khi về già. Phương thức tư duy này thể hiện tiềm tàng trong ý thức ngưỡng vọng "cõi Phật", trong đời sống và văn hoá dân gian, trong sự phổ cập của văn hóa chùa làng: "Đất vua - chùa làng - phong cảnh Bụt"...
Tác phẩm Thiền uyển tập anh thuộc loại hình văn xuôi trung đại và có mối quan hệ chặt chẽ với văn hoá dân gian, nhuần thấm không khí văn hoá dân gian. Đây là mối quan hệ có tính phổ biến, đúng như cách khái quát của Phương Lựu: "Trên bình diện quan niệm, cũng tất nhiên, mối quan hệ giữa văn học bác học với văn học dân gian trong nội bộ một dân tộc là hai chiều, là tác động qua lại... Vấn đề ở đây là, nếu tìm được sự tương đồng nào đó về quan niệm văn học bác học và văn học dân gian, bất kể cái nào có trước, cái nào có sau, thì điều đó vẫn chứng tỏ những quan niệm đó có cơ sở dân tộc sâu sắc"[2]. Với tác phẩm Thiền uyển tập anh, chúng tôi chú trọng tới mối quan hệ này vì đó là những đặc điểm nghệ thuật đích thực và tồn tại ngay trong chính văn bản. Nhận thức về điều này, Thượng tọa Thích Thanh Tứ khẳng định: "Đây là tác phẩm không những có giá trị về lịch sử Phật giáo mà còn là một tác phẩm truyện ký có giá trị về mặt văn học, triết học và văn hóa dân gian"[3]; Ngô Đức Thọ cũng thống nhất viết: "Các nhà sư có đức vọng được vua phong làm quốc sư, đại sư như Viên Thông, Minh Không, Thông Biện, Mãn Giác... Họ là những người đã góp phần thực hiện những chủ trương chính trị hợp lòng dân trong các đời vua đầu triều Lý, có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành và phát triển nền văn hóa văn minh Đại Việt thời đại Lý-Trần. Không chỉ riêng tín ngưỡng đã ăn sâu hàng nghìn năm trong dân gian, mà cả tâm lý, phong tục, tập quán, văn học bác học, văn học dân gian cũng mang những dấu ấn không thể phai mờ của Phật giáo"[4]. Nhấn mạnh đặc trưng văn học dân gian, Kiều Thu Hoạch xác định: "Khoảng cuổi thế kỷ XIII, có tập Thiền uyển tập anh, cũng do giới tăng lữ biên soạn. Nội dung sách kể chuyện hơn 60 nhà sư ưu tú, là một tập chân dung văn học có tính chất dã sử và giai thoại dân gian"[5]. Đến gần đây, khi xác định những xu hướng phát triển của văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại, Nguyễn Đăng Na đã xếp Thiền uyển tập anh vào "xu hướng lịch sử", nghĩa là loại tác phẩm "Sưu tầm, ghi chép chuyện về nhân kiệt địa linh đất Việt, bao gồm các nhân vật lịch sử (người, thần) và các sự kiện lịch sử"[6], hiện diện bên cạnh hai "xu hướng dân gian" và "xu hướng thế tục". Điều đáng lưu ý ở đây là tác giả nhấn mạnh vào tính "xu hướng" của mỗi loại tác phẩm chứ không nhằm cô lập rạch ròi các đặc điểm nổi trội ấy: "Về cơ bản, tác giả của chúng bám sát lịch sử, lấy nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử làm đối tượng phản ánh. Dĩ nhiên, trong quan niệm của họ, nhân vật lịch sử có thể là người thực, có thể là linh hồn của người đã chết, là thần thánh, hoặc là hạo khí tự nhiên... tồn tại như một thực thể hiện hữu, nhưng điều không thể thiếu được là, những "nhân vật" ấy đã tác động đến lịch sử dân tộc và lịch sử dân tộc ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng: tất cả những gì liên quan đến cuộc sống người Việt. Bởi muốn tôn vinh công đức và tài trí, sức mạnh và sự diệu kỳ của nhân vật, tác giả của chúng bằng mọi cách đã thần thánh hoá họ, đặt họ vào nơi miếu điện linh thiêng hoặc những phù đồ nghiêm cẩn, khiến nhân vật của tác phẩm vốn là những con người thường nhật, nay mất đi những gì đời thường nhất và trở thành "cao cao tại thượng" cho mọi người cúng thờ và bái tưởng. Xu hướng trên đi theo hai con đường: thứ nhất là thần thánh hoá nhân vật theo quan điểm dân gian và tín ngưỡng dân gian; thứ hai là tôn giáo hoá nhân vật theo quan điểm Phật giáo và Đạo giáo", từ đó đi sâu phân tích loại tác phẩm tôn giáo hóa mà Thiền uyển tập anh được liệt vào: "Con đường thứ hai nằm trong khuôn khổ tôn giáo và tác phẩm của nó phần nhiều do những bậc trưởng lão của các giáo phái nắm giữ nên công chúng độc giả bị hạn chế. Do đó, số người tham gia vào việc tái tạo tác phẩm bị thu hẹp. Hơn nữa, khi viết về hành trạng các vị cao tăng, đạo sĩ, tác giả của chúng muốn "trung thành" với "hiện thực", muốn tỏ ra tác phẩm của mình chép đúng sự thực - thực lục (Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tam tổ thực lục...) thành thử, đôi cánh của trí tưởng tượng bị níu kéo, khó tung hoành, khiến truyện ít có điều kiện mở rộng, phát triển. Đã vậy, những nhân vật (cao tăng, đạo sĩ) mà hành trạng gắn với các sự kiện lịch sử dân tộc, như Pháp Thuận, Khuông Việt, Không Lộ, Minh Không... được văn học dân gian kéo về phía mình, bèn bị thần thánh hóa, truyền thuyết hóa theo con đường thứ nhất của Việt điện u linh tập. Bởi vậy, vào thế kỷ XVIII-XIX, thậm chí tới thế kỷ XX, các tác phẩm loại Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tam tổ thực lục... không được "tiểu thuyết hóa", "chương hồi hóa".
Mặt khác, nhìn nhận bao quát như một hiện tượng văn hoá-xã hội rộng lớn, Phan Đại Doãn cũng viết: "Phật giáo dân gian Luy Lâu, các Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông truyền bá rộng rãi trong các tầng lớp xã hội đã có ảnh hưởng lớn trong đời sống người Việt. Điều căn bản là Phật giáo khi vào Việt Nam (cũng như phần lớn các nước Đông Nam Á) đã gặp một môi trường thuận lợi. Các nhà truyền giáo đã khôn khéo lợi dụng những yếu tố tín ngưỡng cổ truyền của mảnh đất này để truyền bá đạo Phật, tạo ra một sự giao lưu văn hoá dân gian mà hầu như không có một sự chống đối nào"[7]. Ở đây, việc các nhà truyền giáo "khôn khéo lợi dụng những yếu tố tín ngưỡng cổ truyền" và ý thức "tạo ra một sự giao lưu văn hoá dân gian" hoàn toàn có thể bao gồm cả khả năng thực hành Mật tông, vận dụng bùa chú, phù phép nhằm hấp dẫn, lôi cuốn chúng sinh. Trong rất nhiều trường hợp, yếu tố Mật tông dường như đã được chuyển hóa, dung hợp trong tư duy và cốt truyện dân gian, trở nên sự đan xen hỗn hợp rất khó tách bạch, song rõ ràng đây là một thực tế không thể bác bỏ. Đặt trong mối liên hệ giữa đời sống tâm linh tôn giáo đương thời với những gì được thể hiện trong tác phẩm Thiền uyển tập anh, Giáo sư Hà Văn Tấn xác định: "Mật tông tiếp cận với Đạo giáo, chú trọng đến các nghi lễ tôn giáo thần bí... Sách Thiền uyển tập anh cho chúng ta biết nhiều về điều này"[8]. Chừng ba chục năm sau, dựa trên cơ sở cứ liệu mới, ông tiếp tục xác nhận và hoàn chỉnh các ý kiến sâu sắc trước đó: "Khi nghiên cứu cột kinh Hoa Lư thứ nhất, chúng tôi đã viết: "Tuy ở Hoa Lư và thế kỷ X có những kinh điển Mật giáo, chúng tôi vẫn nghĩ rằng bấy giờ không hẳn đã có những nhà sư Mật tông mà chính các nhà sư Thiền tông đã dùng những kinh điển đó. Theo chúng tôi, Thiền giáo chịu ảnh hưởng của Mật giáo, tiếp thu các yếu tố Mật giáo chính là một đặc điểm của Phật giáo Việt Nam"... Cột kinh thứ hai tìm thấy ở Hoa Lư lại lần nữa xác nhận những kết luận trên"[9]. Nhận rõ đặc điểm này, sau khi dẫn chứng về thiền sư Từ Đạo Hạnh là một nhân vật được miêu tả với những nét kỳ dị, hoang đường, Đinh Gia Khánh đi đến kết luận: "Qua một đoạn sự tích trên đây có thể thấy ảnh hưởng của Mật tông trong cách tu hành của các thiền sư. Các thiền sư nhiều khi cũng là những thầy phù thuỷ. Không khí mê tín dị đoan khá nặng nề trong xã hội các đời Lý - Trần thể hiện trong sự tích này cũng như trong nhiều sự tích khác của Thiền uyển tập anh. Các thiền sư không e ngại lợi dụng tâm lý mê tín ấy để gây ảnh hưởng đối với cả vua chúa"[10].
Đây cũng là vấn đề được Nguyễn Lang quan tâm và tìm hiểu kỹ lưỡng trong các mục "Yếu tố Mật giáo" của Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi và ở mục "Ảnh hưởng Mật giáo" trong Thiền phái Vô Ngôn Thông[11]... Tuy nhiên, ngay cả khi có sự tham dự của yếu tố Mật giáo chăng nữa thì xu thế "tạo ra một sự giao lưu văn hoá dân gian" vẫn là đặc điểm nổi trội, vừa tương đồng vừa là sự vận dụng - kết nối - hòa nhập vào đời sống văn hóa dân gian và đã được tích hợp vào cả các tiểu truyện thiền sư.
Đặt trong bối cảnh văn học trung đại có thể thấy tác phẩm Thiền uyển tập anh có mối quan hệ chặt chẽ với văn hóa - văn học dân gian. Trên thực tế, vấn đề này đã được đề cập đến từ nhiều năm, thậm chí từ nhiều chục năm trước đây, trong các công trình nghiên cứu của Trần Văn Giáp[12], Nguyễn Đổng Chi[13], Ngô Tất Tố[14], Mật Thể[15], Đinh Gia Khánh[16]... với nhiều khía cạnh, ý nghĩa khác nhau (đặc điểm các dòng thiền, vai trò sấm ký, sự chuyển hóa truyện thiền sư trong truyện cổ tích, hiện tượng đảo vũ và chữa bệnh lạ, môtip thác thai, môtip giấc mơ gặp thần nhân, v.v...). Ở đây có một điểm cần lưu ý là trong khi có nhiều truyện cổ tích có nguồn gốc xa xưa, có tích truyện xuất hiện trước thời Thiền uyển tập anh ra đời thì cũng lại có nhiều truyện sinh sau đẻ muộn hơn, và như thế thì sự so sánh không phải ở những tình tiết, chi tiết, cốt truyện mà chính ở sự tương đồng, đồng dạng của kiểu tư duy trong văn học dân gian. Mặt khác cũng cần phải thấy thêm rằng trong toàn bộ hệ thống văn hóa - văn học dân gian đã có rất nhiều yếu tố, môtip, cốt truyện vốn hình thành từ trước khi Thiền uyển tập anh ra đời (như hệ thống thần thoại và các tàn dư, hệ thống tín ngưỡng và các quan niệm bái vật giáo, hệ thống nhiên thần (thần cây, đá, thần sông, nước) và nhân thần, thổ thần, phúc thần sơ khai (An Dương Vương, Cao Lỗ, Hai Bà, Chử Đồng Tử, Trương Hống, Trương Hát...)[17]. Điều này cho phép chúng ta tin rằng có nhiều yếu tố, môtip folklore đã được vận dụng, chuyển hóa và tích hợp vào nhiều truyện thiền sư trong tác phẩm Thiền uyển tập anh, trở thành đối tượng để con người thời hiện đại cùng quan tâm tìm hiểu.
Một điểm cuối cùng khác nữa là nếu chỉ quan tâm đến bộ phận thơ ca được tàng trữ trong Thiền uyển tập anh thì rất khó nhận ra sự hiện diện của yếu tố folklore cũng như mối quan hệ nội tại của tác phẩm Thiền uyển tập anh với văn hoá-văn học dân gian. Ở đây, với quan niệm coi Thiền uyển tập anh thuộc một loại hình tác phẩm văn học bao gồm nhiều tiểu truyện thiền sư, trong mỗi tiểu truyện thiền sư lại bao gồm phần "truyện - tiểu sử" và phần "tàng trữ giá trị thi ca" thì vấn đề đã nêu trở nên rõ ràng hơn. Từ đây chúng tôi tiếp tục khảo sát trên cả hai nội dung: khả năng tích hợp các yếu tố folklore trong tác phẩm Thiền uyển tập anh và mối quan hệ lịch đại giữa cốt truyện thiền sư trong Thiền uyển tập anh với thư tịch cổ và truyện cổ tích Việt Nam.
[1] Nguyễn Hữu Sơn: - Cảm quan Phật giáo trong sáng tác của Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều, trong sách Tiếng khóc Nguyễn Gia Thiều-tiếng khóc nhân loại. Sở Văn hoá - Thông tin và Thể thao Hà Bắc xuất bản, 1992, tr. 107 -116.
- Về cảm quan Phật giáo trong thơ Nguyễn Trãi. NCPH, số 11-1993, tr. 75-78; Chỉnh lý. In trong TCVH, số 6-2000, tr. 75-80.
[2] Phương Lựu: Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học Trung đại Việt Nam. NXB Giáo dục, H, 1997, tr. 259.
[3] Thích Thanh Tứ: Lời tựa, trong sách Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch, chú). NXB Văn học – Viện Nghiên cứu Phật giáo, H, 1990, tr.3.
[4] Ngô Đức Thọ: Lời giới thiệu, trong sách Thiền uyển tập anh. Sđd, tr. 5-22.
[5] Kiều Thu Hoạch: Truyện Nôm - nguồn gốc và bản chất thể loại. NXB KHXH, H, 1993, tr. 87.
[6] Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại - Truyện ngắn, Tập I. NXB Giáo dục, H, 1997, tr.37.
[7] Phan Đại Doãn: Phật giáo thời Đinh-Lê, trong sách Thế kỷ X - những vấn đề lịch sử. NXB KHXH, H, tr.269.
[8] Hà Văn Tấn: Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư. Nghiên cứu Lịch sử, số 76, tháng 7-1965; trong sách Theo dấu các văn hoá cổ. NXB KHXH, H, 1997, tr.809-810.
[9] Hà Văn Tấn: Về ba yếu tố của Phật giáo Việt Nam: Thiền, Tịnh, Mật, trong sách Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam. Viện Triết học xuất bản, H, 1986, tr.81-96.
[10] Đinh Gia Khánh: Chương VI -Văn tự sự, truyện ký đời Trần, trong sách Văn học Việt Nam (Thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII). Tái bản lần thứ năm. NXB Giáo dục, H, 2001, tr.124.
[11] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập I. In lần thứ tư. NXB Văn học, H, 1994, tr.153-164, 215-217.
[12] Trần Văn Giáp: Phật giáo Việt Nam, từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII (Tụê Sỹ dịch). Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn, 1968, 146 tr.
[13] Nguyễn Đổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử. Hàn Thuyên xuất bản cục, H, 1942, 460 tr.
[14] Ngô Tất Tố: Việt Nam văn học - Văn học đời Lý. Mai Lĩnh xuất bản, H, 1942, 132 tr.
[15] Mật Thể: Việt Nam Phật giáo sử lược. Sđd, 290 tr.
[16] Đinh Gia Khánh: Chương II- Văn học đời Lý và những truyền thống của dân tộc, trong sách Văn học Việt Nam (Thế kỉ X -nửa đầu thế kỉ XVIII). In lần thứ năm. NXB Giáo dục, H, 2001, tr.46-70.
[17] Tạ Chí Đại Trường: Thần, người và đất Việt. Văn nghệ xuất bản, California, 1989, 397 tr.