Diễn đàn

Cần nhận thức đúng mối quan hệ văn hóa và du lịch khi bảo tồn các di tích LSVH

 Trong hai thập kỷ vừa qua, một điều không thể phủ nhận là Nhà nước và  nhân dân ta đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Nhờ đó, rất nhiều di sản văn hóa của dân tộc được bảo tồn và phát huy giá trị vào đời sống đương đại của cộng đồng. Ý nghĩa lớn nhất của sự phục sinh các di tích là đảm bảo tính liên tục, không bị đứt gãy của truyền thống văn hóa dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của cộng đồng phong phú, sâu sắc và trở thành một thành lũy của các giá trị truyền thống, bản sắc trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Mặt khác, giá trị của hệ thống các di sản, di tích văn hóa đã trở thành tài nguyên du lịch và đem lại nguồn lợi kinh tế lớn. Cho đến hiện nay, du lịch văn hóa là một trong những loại hình du lịch đem lại giá trị kinh tế cao nhất của du lịch Việt Nam. Mối quan hệ văn hóa kinh tế được thể hiện sinh động nhất ở lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trên cả nước nói chung, công việc này đã bộc lộ nhiều sai lầm không đáng có và để lại hậu quả không hề đơn giản, thậm chí nặng nề. Trong nhiều trường hợp trùng tu và tôn tạo di tích, các chủ đầu tư, do chú trọng và ưu tiên cho mục tiêu khai thác du lịch nên đã ứng xử với các di tích chỉ như một tài nguyên du lịch chứ không phải là một di sản văn hóa. Bởi vậy họ đã không tôn trọng tính nguyên gốc của di tích, làm biến dạng, méo mó các di tích với rất nhiều cách thức khác nhau từ làm mới, tân trang đến phá cũ, làm lại mới, thay đổi triệt để cả về quy hoạch, cấu trúc, chất liệu, kỹ thuật chế tác của di tích. Có những di tích rất nổi tiếng là chùa cổ, là đền thờ danh nhân tiêu biểu của dân tộc đã bị "hóa" để xây mới. Không gian nhiều khu di tích nổi tiếng cũng đã và đang bị biến đổi theo hướng đô thị hóa, công viên hóa. Một số các di tích khác đã và đang bị “tư duy dự án” chi phối khi quy hoạch lên đến hàng trăm hecta và dự toán kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng với chiêu thuật "gắn với phát triển du lịch" hoặc "di tích văn hóa du lịch"... Nhiều trường hợp cho thấy càng đầu tư nhiều tiền thì càng hủy hoại nhiều các giá trị đích thực của di tích, di sản lịch sử - văn hóa.

Giá trị văn hóa của các di tích là tự thân nó mang chứa và phát tỏa vào đời sống cộng đồng chứ không cần phải đợi đến những đầu tư vật chất vô hồn đem lại. Chùa Một Cột vẫn có giá trị Lịch sử và Văn hóa cao vời vợi mặc cho tầm vóc và quy mô kiến trúc rất khiêm tốn. Nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch hay nếp nhà gianh của gia đình Người ở làng Kim Liên vẫn cuốn hút hàng triệu, hàng triệu người hẳn không phải vì đường rộng, nhà cao.

Sự tỏa sáng giá trị của các di sản văn hóa là một tài nguyên du lịch chứ không thể quan niệm và xác nhận sự làm mới hoặc các điều kiện hạ tầng mới được đầu tư gắn vào di tích là tài nguyên du lịch. Bởi vậy, từ nguyên lý và thực tiễn cho thấy, chúng ta cần phải có sự nhận thức lại một cách đúng đắn mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch để có ứng xử thích hợp trong việc khai thác giá trị các di sản văn hóa nói chung, các di tích LSVH nói riêng vào mục đích du lịch. Điều đó cần thể hiện trước tiên trong việc xây dựng quy hoạch, thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Lịch sử không chấp nhận sự hi sinh với bất cứ giá nào các giá trị văn hóa dân tộc cho mục tiêu kinh tế trước mắt.

                                                                 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513289

Hôm nay

275

Hôm qua

2315

Tuần này

21226

Tháng này

220162

Tháng qua

121356

Tất cả

114513289