Tạp chí Hồn Việt có đăng 2 bài báo của TS Bùi Kha (California):“Nguyễn Trường Tộ và vấn đề chủ hoà” số 30 (12-2009) trích dẫn một số báo cáo của các tướng viễn chinh Pháp gửi về nước phản ánh tình hình khó khăn bi đát của quân đội chúng để kết luận rằng đề nghị chủ hoà của NTT là sai lầm nghiêm trọng, những lời khuyên và nhận xét hoàn toàn sai lạc về tình thế về lịch sử mà NTT viết trong bản Điều trần, giả sử ông không có hậu ý giúp Pháp thì ông cũng nên được lịch sử phê phán cho đúng mức vì đề nghị sai chỉ có lợi cho Pháp mà thôi; bài “Nguyễn Trường Tộ và kế hoạch “làm cho dân giàu nước mạnh”” số 31(1-2010) phân tích những ý kiến đề xuất của NTT trong Lục lợi từ là sai nên chúng ta có thể đổi tên bản Điều trần Lục lợi từ của NTT thành Lục hại từ .
Trước hết rất cảm ơn TS Bùi Kha đã có công phu sưu tầm tài liệu về NTT để giúp ta đánh giá đầy đủ hơn về nhân vật này. Song xin phép TS chúng tôi có vài ý kiến trao đổi thêm một số suy nghĩ của mình về sự đánh giá của TS.
Trước hết phải thấy rằng NTT là một người công giáo gốc nên nặng tư tưởng về tôn giáo và ý thức về tôn giáo chi phối những suy nghĩ của NTT (như ý kiến của TS) là điều chắc chắn và đó là những hạn chế của ông. Nhưng cho rằng “NTT khéo léo lồng tư tưởng tôn giáo vào hầu hết những bản Di thảo (nên gọi là bản Điều trần, từ Di thảo là sau này ta gọi) để một mặt thì hăm doạ, mặt khác thì an ủi chấp nhận số phận” như TS đã viết, là không thoả đáng! Tất nhiên với trình độ một người từ Hán học chuyển qua Tây học được thời gian có 3 năm (1858-1861) khi qua Singapore, Hồng Kông, Malaixia...,1 năm qua Pháp và ý (từ tháng 1-1867 đến tháng 2-1868) và chỉ là học mót chứ không qua trường lớp chính quy thì tất nhiên là sự hiểu biết còn nông cạn, chắc chắn là chưa đầy đủ, nhưng không vì thế mà ta sổ toẹt tấm lòng ưu dân, ái quốc của NTT và thất bại của triều đình nhà Nguyễn không phải là do nghe lời của NTT vì những bản Điều trần lúc đầu của ông không hề được triều đình để ý gì, các bản về sau có được xem xét nhưng cũng chẳng ăn thua gì. NTT có chủ hoà trong thời gian đầu khi thấy so sánh lực lượng của quân đội triều đình với quân Pháp quá chênh lệch, với mục đích là để có thời gian củng cố lực lượng, xiết chặt hàng ngũ của ta trước một đội quân xâm lược có vũ khí tối tân hơn và ông luôn luôn quan tâm đến việc tu chỉnh võ bị. Rất nhiều những bản điều trần về sau NTT đề xuất về việc tu chỉnh võ bị như: Kế hoạch vay tiền để dùng vào việc binh (Di thảo số 44);Về việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng (Di thảo số 50). Hơn nữa lúc đầu ông hiểu nhầm là bọn Pháp chỉ yêu cầu được tự do giảng đạo, xin mở bến tàu, lập phố xá, thông cửa bể để buôn bán, nhưng về sau thấy rõ dã tâm của chúng cố tình đánh chiếm nước ta thì ông đã có những đề nghị khác như Kế hoạch thu hồi sáu tỉnh Nam Kỳ (Di thảo số 39) và Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định (Di thảo số 40). Do đó cho rằng NTT trước sau đều chủ hoà là không đúng.
Về ý kiến: “NTT và kế hoạch “làm cho dân giàu nước mạnh”, TS có nhắc đến một mục trong bản điều trần là “Làm hột nổ và khai thác mỏ than”(Di thảo số 5) và chỉ trích “không hề thấy trong bài ông trình bày phương pháp nào cả!”. Tôi nghĩ: có sai là ở chỗ NTT nêu đề mục không phù hợp thôi, chứ một bản điều trần gửi lên triều đình ông chỉ nêu lên nguyên lý khái quát: “Điều cốt yếu để thực hiện các phương pháp trên, trước hết phải có khí cụ (...).Nói tổng quát thì phương pháp đúc súng đạn và chế hột nổ cần nhất ở cơ học, và có cả quang học giúp vào. Còn phép đúc kim loại và khai thác mỏ than thì cần nhất về cơ học và có hoá học giúp vào. Về phép lái tàu thì cốt ở quang học và có trắc lượng học, toán học giúp vào...”. Thiết nghĩ, đây không phải là giáo trình để dạy cho kỹ sư hay công nhân mà phải trình bày cách làm cụ thể đầy đủ như yêu cầu của TS. Ông chỉ nêu như thế để có thể đề nghị nhà vua cho mở các trường dạy kỹ thuật mà sau này ông đã trình. Còn về sáu điều lợi mà TS nêu ra trong bài thì có chỗ sai như sau: Điều thứ 5. Thông hiếu với giáo hoàng: “Ngày nay nếu ta biết qua lại giao thiệp với các nước lớn phương Tây...Rồi ta lại qua nước La Mã thông hiếu với Giáo hoàng...Nếu Giáo hoàng cho việc giúp ta là phải, thì mọi người đều vui lòng thực hiện, ta không lo người Pháp không nghe...”.Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bản Di thảo này(trang 135-151) ở trong cuốn NTT con người và Di thảo của Trương Bá Cần, thì thấy những dòng TS đã viết chỉ ở 6 dòng cuối Điều thứ 4: “Thứ tư là nhờ nước khác lấy danh nghĩa mà áp chế họ” dài 32 dòng. Sáu điều lợi NTT trình bày chính là chủ trương ngoại giao đa phương do NTT đề xuất, việc mà hiện nay đảng ta cũng chủ trương như vậy, chứ không phải như TS võ đoán là: “Bang giao với Vatican. Đây là một trong hai chủ đích chính trong bản Điều trần này của NTT, còn 5 đề nghị kia chỉ là hoa lá cành, là củ cà rốt rỗng ruột không ăn được, nhằm che đậy hậu ý khuyên triều đình thoả hiệp với Pháp và bang giao với Vatican để thực hiện sách lược tôn giáo hoá Việt Nam(TS BK cho in đậm). Điều đó cũng có nghĩa là để cho Pháp dễ cai trị Việt Nam”. Đó là thái độ “không ưa đổ thừa cho xấu”, “nói lấy được” của người viết có ác ý!
Xin lưu ý rằng một người bị triều đình và dân chúng thì nghi ngờ vì là người công giáo lại đã có thời gian làm việc cho Pháp nên dù có nhiều hiểu biết NTT cũng khó lòng bày tỏ được tấm lòng yêu nước của mình. Trước sau NTT đều thể hiện tâm sự lo lắng của một sĩ phu trước sự tồn vong của đất nước, theo lý tưởng của những tín đồ Khổng giáo: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Tâm sự đó ông đã nhiều lần bày tỏ, đặc biệt là trong bản Trần tình gửi cho triều đình (Di thảo số 3) ông đã từng gửi thư cho Phan Thanh Giản: Mặt trời cho dẫu không soi đến/ Hướng Dương xin vẫn nếp hoa quỳ.
NTT đã nói rõ tấm lòng mình đối với đất nước khi do vì cách phân biệt đối xử của nhà vua đối với người công giáo, ông buộc lòng phải sống với người ngoại bang: Nguỵ Tào sống gửi: Từ Nguyên Trực/ Tần Lã không thờ: Lỗ Trọng Liên
Một người dù bị triều đình đối xử bất công do chính sách sai đối với giáo dân; có điều kiện để có thể “vinh thân phì gia” nếu sẵn sàng cộng tác với giặc, nhưng vẫn quyết từ bỏ để về sống cực khổ ở quê nhà nhưng vẫn một lòng lo cho đất nước, vẫn vắt hết tâm can của mình suy nghĩ kế hoạch đề xuất với triều đình để làm cho dân giàu nước mạnh, chống được ngoại xâm; sẵn sàng giúp cho tổng đốc Nghệ An hoàn thành việc đào Kênh Sắt, công việc mà từ thời nhà Lê đã phải bỏ gián đoạn, giúp cho sau này phát huy tác dụng rất lớn trong công cuộc chống Mỹ cứu nước; nhiệt tình giúp cho dân xã Nghi Đồng (Nghi Lộc-Nghệ An) dời đến vùng đất khí hậu và đất tốt, tránh được hoạ diệt vong; tài giỏi trong việc giúp cho các họ đạo ở Sài Gòn, Xã Đoài xây dựng nhà thờ, nhà Chung...chỉ trong một thời gian ngắn (10 năm). Thử hỏi những người được đi du học chính quy, đầy đủ ngày nay đã mấy người đóng góp được như vây? Nếu NTT có ý hai lòng như TS viết thì vua quan Tự Đức đã xử ngay thời ấy rồi chứ không chờ đến nay phê phán. Nhân dân cả nước nói chung và Nghệ Tĩnh nói riêng, các học giả như các giáo sư Lê Thước, Nguyễn Lân..., nhà chí sĩ Phan Bội Châu chắc cũng không thể hiểu lầm được về con người NTT. Tôi nghĩ đến người phải từ giã cõi đời giữa lúc tuổi còn trẻ, còn nhiều hoài bão thiết tha giúp dân giúp nước, với tâm sự đau đớn “Nhất thất túc thành thiên cổ hận”(một lỡ bước đi muôn thuở hận) vì có thời gian sai lầm là làm việc cho Pháp (tuy mục đích của ông khi nhận làm cho chúng là để trung gian giúp cho triều đình trong việc thương lượng chuộc lại ba tỉnh) không thể có tâm địa như TS họ Bùi đã viết. Có thể có những đề nghị của NTT chưa đúng và đầy đủ do những hạn chế như đã nêu trên nhưng đại bộ phận đề nghị canh tân của ông về nông nghiệp, công nghiệp, tài chính, quốc phòng, giáo dục, văn hoá khoa học kỹ thuật...rất đáng trân trọng và có một tầm hiểu biết đi trước thời đại hàng trăm năm. Do đó đánh giá về NTT cần công bằng và thể tình, không nên có những nhận định quá quắt và ác ý.
Hoàng Kỳ-Cựu giáo chức
Thay mặt các giáo viên trường THPT Nguyễn Trường Tộ-TPVinh-Nghệ An