Những góc nhìn Văn hoá

Lý Thương Ẩn - Hoa lan trong rừng vắng (3)

QUAN NIỆM VỀ THƠ CA

Người xưa sáng tác thơ ca như một kiểu giãi bày tình cảm, giải tỏa tâm sự của chính mình, đôi khi không cần người để hiểu, để san sẻ. Điều này đúng với trường hợp của Lý Thương Ẩn. Ngô Kiều đời Thanh nói về thơ của Lý Thương Ẩn như sau: “Thơ như lan trong rừng vắng (không cốc u lan), chẳng cầu người để thưởng thức. Người đời Đường làm thơ chỉ cốt thỏa cái ý của mình mà không cốt để người ta biết cái ý mình, cũng không cần tìm người để giãi bày… Ôi, lòng người là chỗ ẩn khúc sâu kín, đã không thể nói được bằng lời lại chẳng muốn để người ta rõ nên mới phát ra ngâm vịnh. Trong ba trăm bài thơ (kinh Thi) không ít kiểu như vậy, người đời Đường biết thế nên không để mất cái ý ấy vậy.” (Vi lô thi thoại).[1]

Trịnh Chấn Đạc từng cho rằng thơ của phái Ôn, Lý chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” phần nào đó cho thấy được quan niệm về thơ ca của Lý Thương Ẩn. Thế nhưng nếu đơn thuần cho rằng Lý Thương Ẩn chỉ chú trọng đến hình thức nghệ thuật thì tôi e điều đó chưa đúng. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này ngay khi đi vào tìm hiểu quan niệm thơ ca của Lý Thương Ẩn qua những bài mang tính phát biểu và từ thực tế sáng tác của ông.

Từ những thành tựu có được của ông, hẳn nhiên Lý Thương Ẩn phải có một quan niệm về thơ ca nghệ thuật khá hoàn chỉnh và đúng đắn. Đời Đường sự giao hoà và phát triển của ba dòng tư tưởng lớn Nho, Phật, Đạo, nên Lý Thương Ẩn cũng chịu ảnh hưởng và hấp thu những tư tưởng văn nghệ khác nhau, đặc biệt là tư tưởng văn nghệ của Lão Trang, vào trong quan niệm thơ ca của mình. Theo Du Hạo Mẫn, tư tưởng văn nghệ Lão Trang chú trọng đến quy luật nội tại của văn nghệ, ngược lại, tư tưởng văn nghệ Nho gia lại chú trọng đến những quy luật bên ngoài văn nghệ, tức là chú trọng đến mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị, văn nghệ với hiện thực, tác dụng xã hội của văn nghệ…[2].

Ngoài ra, ta còn thấy ông kế thừa và học hỏi rất nhiều từ các nhà thơ tiền bối khác. Từ Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lý Hạ, Hàn Dũ, Giả Đảo… đến cả phong cách thơ thời Tề, Lương, ca dao dân ca… đều được ông hấp thu và làm nên phong cách thơ đa dạng phong phú, phức tạp. Ở đây người viết chỉ muốn nêu lên vài nét về quan niệm thơ ca nghệ thuật của ông để từ đó thấy rằng, Lý Thương Ẩn hoàn toàn không phải là người chỉ chú trọng vào hình thức nghệ thuật.

 

1. Chuộng tính tự nhiên

(Nhất phiến quỳnh anh giá động thiên)

Một tác phẩm thơ ca đặc sắc, bao giờ cũng mang tính tự nhiên thiên thành. Để đạt được tính tự nhiên, thi nhân phải có nội lực tu dưỡng và cảm xúc nghệ thuật thâm hậu. Tự nhiên ở đây hoàn toàn không phải là sự dung tục tầm thường, mà ngược lại nó có được khi người nghệ sĩ đạt đến cảnh giới cao trong nghệ thuật. Đỗ Phủ, tập đại thành thơ ca cổ điển Trung Quốc, từng nói: “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” (Lời chẳng kinh người chết chẳng thôi) hay như trường hợp của Giả Đảo với câu chuyện “thôi xao”… đều cho thấy vấn đề dụng công trong nghệ thuật. Nhưng một khi tác phẩm hình thành thì bao giờ cũng mang tính tự nhiên như “thanh thuỷ xuất phù dung” (nước trong nở đoá hoa sen).

Bởi vậy, người xưa khi đánh giá một bài thơ bao giờ cũng đặt yếu tố tự nhiên thiên thành lên trên. Tính tự nhiên là tiêu chí hàng đầu trong việc sáng tác cũng như  bình thơ, thẩm thơ. Thơ ca nghệ thuật càng có được tính tự nhiên thì càng hồn hậu, sâu sắc. Sáng tác một bài thơ cũng giống như người hoạ sĩ vẽ tranh thuỷ mặc. Chỉ vài nét phác hoạ, nhưng thâu tóm được linh hồn của cảnh vật trong bức tranh. Người xem trông những nét vẽ rất đơn giản, nhưng để đạt được trình độ nhuần nhuyễn tự nhiên như thế thì phải trải qua thời gian hàm dưỡng nghệ thuật rất lâu dài thậm chí có người phải mất gần cả cuộc đời. Làm thơ cũng thế. Các nhà thơ hay xưa nay đều luôn đặt yếu tố tự nhiên lên đầu.

Trong Thi phẩm, Chung Vinh cũng nhấn mạnh đến tính tự nhiên của thơ ca: Toại nãi cú vô hư ngữ, ngữ vô hư tự, câu luyến bổ nạp, đố văn dĩ thậm. Đãn tự nhiên anh chỉ, hãn trị kỳ nhân (… câu nào cũng dùng điển, chữ nào cũng dùng điển, gò bó chắp vá, làm hại thơ ca quá lắm. Nhưng thơ ca vốn nên tinh tuý, đẹp đẽ tự nhiên thì lại ít người được như thế). Thang Huệ Hưu nhận xét thơ của họ Nhan và họ Tạ rằng: Tạ thi như phù dung xuất thuỷ, Nhan như thố thái lũ kim (Thơ của Tạ (Linh Vận) như sen mọc trên nước, mà của Nhan (Diên Chi) lại như tô vẽ thêu thùa”). Nhan Diên Chi suốt đời ôm hận vì lời nói đó, cũng cho thấy tính tự nhiên đối với thơ rất quan trọng.

Chịu ảnh hưởng từ tư tưởng văn nghệ Lão Trang đến tư tưởng lý luận thơ ca của những nhà thơ thời trước cùng đương thời, Lý Thương Ẩn cũng cho rằng thơ ca phải tự nhiên, phản đối việc kiểu làm thơ chắp vá, gọt giũa như khối ngọc quỳnh tự nhiên, không nên mài giũa tỉ mỉ, mài giũa chạm trổ chỉ tốn công tốn sức mà không được ích gì, lại khiến cho khối ngọc bị phá hỏng sự hoàn mỹ:

Nhất phiến quỳnh anh giá động thiên,

Liên thành thập nhị tích hư truyền.

Lương công xảo phí chân vi lụy,

Chử diệp thành lai bất trị tiền.

Nhất phiến

(Một khối ngọc quỳnh giá động trời,

Chuyện xưa đem mười hai thành đổi lấy viên ngọc đã mài

chỉ là hư truyền.

Thợ lành khéo léo mài giũa thật chỉ nhọc công phí sức,

Mài xong lá dó ngọc, chẳng đáng bao nhiêu tiền!)

Vương Đạt Tân trong Lý Thương Ẩn thi tạp khảo có nhận xét, Lý Thương Ẩn “tuy chuộng đối ngẫu, dùng điển cố, nhưng ông luôn chủ trương lấy tự nhiên làm cơ sở, ông từng nói một khối ngọc hoàn mỹ, hơn là ngọc bích đáng giá liên thành, nếu cứ uổng phí tâm sức mà mài giũa tạo thành những chiếc lá dó chi li vụn vặt chỉ phá hoại sự hoàn mỹ của khối ngọc thôi”.[3]

Tuy những phát biểu của ông không nhiều, nhưng với bài thơ này, Lý Thương Ẩn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, chuyện thơ ca nghệ thuật và bày tỏ quan niệm: thơ ca phải tự nhiên. Có thể coi đây là một phần trong tuyên ngôn nghệ thuật của Lý Thương Ẩn. Lý Bạch, nhà thơ đại diện cho phong cách thơ lãng mạng, phóng khoáng cũng có quan niệm “thi quý thiên chân” (thơ quý chuộng tính tự nhiên):

Nhất khúc phỉ nhiên tử,

Điêu trùng táng thiên chân.

Cức thích tạo mộc hầu,

Tam niên phí tinh thần.

Công thành vô sở dụng,

Sở sở thả hoa thân.

Cổ phong ngũ thập cửu thủ

(Một khúc hát ngôn từ trau chuốt,

Sự đẽo gọt làm mất cả tính tự nhiên.

Dùng cành gai nhỏ để đẽo con khỉ tắm,

Ba năm phí mất biết bao nhiêu tinh thần, sức lực.

Khi đẽo xong rồi không biết dùng vào việc gì,

Chỉ đạt được cái hoa lệ bề ngoài mà thôi.) [4]

Chẳng có gì lạ nhưng lại ngạc nhiên đối với trường hợp Lý Thương Ẩn vì ông có quan niệm này. Nếu không chúng ta cứ mãi nói về ông như một nhà hình thức chủ nghĩa trong thơ ca.

Lý Thương Ẩn cũng là người mạnh dạn nhận định lại nội dung và hình thức nghệ thuật thơ ca của Sơ Đường tứ kiệt Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn, Lạc Tân Vương, Dương Quýnh… Theo ông, đương thời người ta (trong đó có ông) khen thơ của những người ấy, tôn vinh họ, nhưng ngày nay chỉ thấy giỏi đối ngẫu mà thôi:

Thẩm Tống tài từ căng biến luật,

Vương Dương lạc bút đắc lương bằng.

Đương thì tự vị tông sư diệu,

Kim nhật duy quan đối chúc năng.

Mạn thành ngũ chương, bài 1

(Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn đặt lời khoe là biến luật,

Vương Bột, Dương Quýnh hạ bút làm thơ được bạn giỏi.

Thời ấy tôi cũng cho là tuyệt, mà tôn học,

Ngày nay nhìn lại chỉ thấy giỏi đối câu.)

Nếu đã biết giai thoại Vương Bột khi chết rồi hồn vẫn còn hiện lên hỏi người đi đường hai câu thơ “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc” của ông có đủ hay không, thời biết ông là người tài hoa mà cũng chuộng hình thức rất lắm. Lời nhận xét của Lý Thương Ẩn về Tứ kiệt mà nghe như cũng đang nói về mình. Bởi Lý Thương Ẩn vẫn không thể thoát ra khỏi thi pháp của thơ Đường. Có điều một khi nhận thấy chính là một kiểu liễu ngộ thơ ca.

Nhiều bài thơ của ông, tuy hình thức chặt chẽ, nhưng nội dung hồn thành một mạch, tự nhiên như không. Những bài vô đề nhiều người đã dịch, đã biết, nay xin dẫn một bài khác của ông để ví dụ. Bài Tân mùi thất tịch tuy gởi ý sâu nhưng thơ thành tự nhiên kỳ tuyệt:

Khủng thị tiên gia hiếu biệt li,

Cố giao điều đệ tác giai kỳ.

Do lai bích lạc ngân hà bạn,

Khả yếu kim phong ngọc lộ thì.

Thanh lậu tiệm di tương vọng cửu,

Vi vân vị tiệp quá lai trì.

Khởi năng vô ý thù ô thước,

Duy dữ tri thù khất xảo ti.

(E rằng tiên nhân thích chuyện chia cách,

Nên khiến chia lìa xa xôi để có giai kỳ gặp nhau.

Dòng sông ngân vắt ngang chia cách hai phương trời,

Những muốn lúc sương ngọc gió vàng nổi lên (thu sang).

Thời khắc dần trôi, ngóng trông nhau mãi,

Đám mây nhẹ bay chậm chạp chưa nối liền bờ.

Há là không có ý đền ơn quạ bắt cầu,

Đâu chỉ biết xin lũ nhện giăng tơ để cầu khéo tay không thôi.)

 

2. Coi trọng vấn đề cấu tứ

(Thục tẩm sơ đồng hạc)

Cấu tứ là một yếu tố để có được một tác phẩm hay. Thi thoại loại biên của Vương Xương Tằng đời Minh, chép: “Điều kỵ nhất trong thơ là tình và chuyện thẳng tuột mà không uyển chuyển”[5]. Để tình và chuyện không thẳng tuột, đòi hỏi nhà thơ phải khéo léo trong cấu tứ. Viên Mai trong Tuỳ Viên thi thoại cũng từng bàn đến vấn đề cấu tứ, cho rằng văn chương không nên bằng phẳng mà phải gồ ghề khúc khuỷu, nhưng phải đạt được tính tự nhiên, tình cảm chân thành. Những nhà phê bình thơ ca đời trước như Chung Vinh, Lưu Hiệp… rất xem trọng tình cảm chân thành trong thơ. Đọc thơ như thấy được tính tình của thi nhân. Tuy nhiên họ vẫn chú ý đến yếu tố cấu tứ kỳ lạ, lời đẹp, thơ ca phải như một khúc nhạc, đọc lên nghe thuận miệng êm tai. Cấu tứ góp phần vào việc làm cho bài thơ trở nên hay hơn, giàu ý vị hơn.

Diệp Tiếp đời Thanh, khi bàn về thơ của Lý Thương Ẩn đã nói: “… Thơ thất tuyệt của Lý Thương Ẩn, ý đã sâu xa mà lời lại uyển chuyển, thực là trăm đời không ai bì kịp” (Nguyên thi)[6]. Ở đây, Diệp Tiếp dường như nói đến vấn đề cấu tứ trong thơ của Ngọc Khê mà chúng ta đang đề cập.

Nhiều bài thơ cho thấy, Lý Thương Ẩn rất khéo léo trong cách cấu tứ. Như:

Hồi vọng cao thành lạc hiểu hà,

Trường đình song hộ áp vi ba.

Thủy tiên dục thướng lý ngư khứ,

Nhất dạ phù dung hồng lệ đa.

Bản Kiều hiểu biệt

(Ngoảnh lại thành trì cao cao, sông Ngân sà xuống thấp,

Bên song cửa đình tạ ven sông, sóng nước lăn tăn như bị đè sát.

Thủy tiên sắp cỡi cá chép ra đi (khách sắp lên thuyền),

Suốt đêm hoa sen rỏ lệ hồng đầy vơi.)

Không có lấy một chữ “sầu” nhưng cái buồn như tràn ngập không gian bởi cách dùng điển mà như không của nhà thơ. Người bước lên thuyền, dường như không kẻ đưa tiễn, lữ khách chỉ kịp ngoảnh lại nhìn. Trong cảnh tờ mờ sáng của đất trời, thành trì cao cao, sông Ngân mờ nhạt, sóng xô lớp lớp. Cái tâm trạng dùng dằng nửa ở nửa đi của nhà thơ biểu hiện ở một chữ “dục” (muốn). Người đưa tiễn hoàn toàn vắng bóng trong cuộc chia li. Nhưng lại hiện diện mãi trong ký ức của kẻ đăng trình. Có cái gì đó níu kéo người đi. Phải chăng là những giọt lệ hồng của kiều nữ rỏ suốt đêm qua làm day dứt lòng li khách? Cách cấu tứ của bài thơ đưa người đọc vào một trường liên tưởng vô bờ bến. Đó là chỗ diệu của ông.

Nói chuyện Dương Quý phi và Đường Minh hoàng, nhưng nhà thơ chỉ viết:

Thử nhật lục quân đồng trú mã,

Đương thì thất tịch tiếu Khiên ngưu.

Mã ngôi

(Sáu quân hôm ấy cùng dừng ngựa,

Thật nực cười cho chàng Khiên ngưu trong đêm thất tịch).

Cái lối cấu tứ của Thương Ẩn kín đáo nhưng rất gợi. Người đọc thắc mắc không hiểu cớ gì “nực cười cho chàng Khiên ngưu trong đêm thất tịch”. Đêm thất tịch ô thước bắt cầu cho đôi tình nhân Ngưu lang và Chức nữ gặp gỡ, thế nhưng cũng trong đêm ấy, lại có một đôi tình nhân chia lìa thảm thiết. Chàng Khiên ngưu trong bài Mã ngôi là bóng dáng của vua Đường Minh hoàng, bất lực trước yêu cầu của quân sĩ  đòi giết Dương Quý phi.

Như hà tứ kỷ vi thiên tử,

Bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu.

(Cớ sao bốn chục năm làm thiên tử,

Mà không bằng nhà họ Lư (hạnh phúc vì) có nàng Mạc Sầu).

Rõ ràng những câu thơ như thế khiến người đọc phải chiêm nghiệm thấm thía về tình yêu và cuộc đời. Một loạt sáng tác thơ vô đề càng chứng tỏ tài năng nghệ thuật của ông trong cách cấu tứ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những bài thơ vô đề mới tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật và tư tưởng của ông. Điều đó không có gì đáng nghi ngờ khi có dịp đi vào những sáng tác vô đề của Lý Thương Ẩn, mà ở đây người xin không bàn thêm nữa.[7]

Vấn đề cấu tứ là một trong những yếu tố tạo thành một bài thơ hay. Vì vậy Lý Thương Ẩn rất xem trọng vấn đề dụng công trong cấu tứ. Quan niệm này được ông phát biểu trong một bài thơ làm lúc ông trên đường về quan xá:

Xuân vịnh cảm khinh tài,

Hàm từ nhập bán bôi.

Giang đình tán tịch tuần Liễu lộ ngâm quy quan xá

(Vịnh cảnh xuân nào dám cẩu thả đặt lời,

Vừa nâng chén, lại vừa trầm ngâm.)

Tuy chú tâm đến vấn đề cấu tứ, nhưng rất xem trọng thần tình, một khi linh cơ máy động, thần tình đến thì lời thơ nhập vào chỗ vi diệu. Đó là cái kiểu “thơ nghĩ lâu công mới nảy tài”:

Hiểu dụng vân thiêm cú,

Hàn tương tuyết mệnh thiên,

Thục tẩm sơ đồng hạc,

Hàm tê dục tịnh thiền,

Đề thì trường bất triển,

Đắc xứ định ưng thiên.

Tạ tiên bối Phòng ký niệm chuyết thi thậm đa, dị nhật ngẫu hữu thử ký

(Sáng làm thơ lấy mây thêm vào câu,

Trời chiều lạnh đem sương tuyết đặt vần thơ,

Khi cấu tứ suy nghĩ thì như hạc ngủ,

Lúc ngâm nga thì như ve kêu dằng dặc không dứt,

Có khi hạ bút làm thơ giống như không giãi bày được nỗi lòng,

Lúc nhập thần, linh tính đến, lời thường đạt đến chỗ tinh vi.)

Quan niệm cấu tứ làm thơ dụng công khắc khổ ở Lý Thương Ẩn cũng chính là điều mà Đỗ Phủ từng nói “ngữ bất kinh nhân tử bất hưu”. Nhưng cũng có khi làm thơ một cách tự nhiên, khi hứng khởi thì ý tự nảy ra “hạ bút như hữu thần” (đặt bút làm thơ như có thần). Điều này cũng rất hợp với câu của Lục Phóng Ông:

Văn chương bản thiên nhiên,

Diệu thủ ngẫu đắc chi.

(Văn chương vốn bởi thiên nhiên,

Người tài tình tự nhiên được câu hay).[8]

Tuy Lý Thương Ẩn tự nhận mình là người làm thơ khắc khổ: “Ngã hữu khổ hàn điệu” (Tôi có nỗi khổ làm thơ lạnh lẽo vất vả) (Hý đề Xu Ngôn thảo các tam thập nhị vận), kiểu làm thơ dụng công khắc khổ như Mạnh Giao, Giả Đảo, nhưng những bài thơ hay của ông (và của những nhà thơ xưa nay) đều nằm ở chỗ thần tình. Như:

Hoa minh liễu ám nhiễu thiên sầu,

Thướng tận trùng thành cánh thướng lâu.

Dục vấn cô hồng hướng hà xứ,

Bất tri thân thế tại du du.

Tịch Dương lâu

(Hoa nở rực rỡ, liễu xanh thẳm, buồn vương trời,

Ta dạo hết thành cao, còn muốn lên lầu cao hơn.

Muốn hỏi cánh chim hồng đơn chiếc bay về đâu,

Chẳng biết thân mình cô lẻ, buồn dằng dặc.)

Câu thơ được nhiều người thuộc nhất:

Xuân tàm đáo tử ti phương tận,

Lạp cự thành hôi lệ thủy can.

Vô đề

(Tằm xuân đến chết tơ còn vướng,

Ngọn nến thành tro lệ mới khô)

Và:

Xuân tâm mạc cộng hoa tranh phát,

Nhất thốn tương tư nhất thốn hôi.

Vô đề

 (Tấm lòng thương nhớ chớ tranh cùng hoa nở,

Một tấc lòng tương tư thì một tấc buồn đau.)

...

Những bài vô đề và nhiều sáng tác khác của Lý Thương Ẩn đa số đều được cấu tứ rất kỳ công, tình sâu ý kín, chính vì thế mà trở nên khó xác định cái ý tình thật sự của tác giả. Ngô Kiều nhận xét: “Con đường ý tứ (tứ lộ) của ông đã thâm sâu, ảo diệu mà ông còn đặt lời để chẳng cần ai biết được ý ông. Bởi thế, thơ ông đến nay đã trải bảy trăm năm rồi vẫn ít người biết đến” (Vi lô thi thoại).[9] Lời nói này vừa nói đến vấn đề cấu tứ của thi nhân, mà cũng vừa nói đến việc chọn lời đặt chữ. Có thể lý giải được vì sao như thế. Thời Vãn Đường, tình hình chính sự nhiễu loạn hơn các giai đoạn trước. Vua bị quản chế, hoạn quan chuyên quyền, chia bè kéo phái, giết hại triều sĩ trung lương, tàn hại dân lành… thế nên ông cũng có điều khó thổ lộ thẳng thắn như những thi nhân thời Sơ, Thịnh, Trung Đường. Đã không nói thẳng được thì nói kín đáo. Mà nói kín đáo thì phải dùng tỷ hứng, ắt lời lẽ bóng bẩy, xa xôi, mơ hồ. Thế nhưng Lý Thương Ẩn chưa bao giờ là một nhà thơ từ bỏ hiện thực, xa rời hiện thực. Trong ông luôn bùng cháy ngọn lửa của lòng nhiệt thành phò vua giúp nước, cải thiện xã hội, giúp đỡ nhân dân. Bi kịch của ông là bi kịch của thời đại, của những người tài tử đương thời và muôn thuở. Vì vậy thơ ông luôn chứa chan tình cảm, dạt dào nỗi niềm, và ngổn ngang tâm sự mâu thuẫn…

 

3. Đề cao tình cảm trong sáng tác

(Lương thần đa tự cảm)

Tính tự nhiên trong tác phẩm luôn đi đôi với cảm xúc hứng thú làm thơ. Một khi hứng khởi thì thơ đến. Đó cũng là chỗ nhập thần. Cảm xúc chân tình của người nghệ sĩ là một yếu tố quyết định một bài thơ hay. Nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca, là tiếng nói của tình cảm, là địa hạt khá màu mỡ để nghệ sĩ giãi bày cảm xúc, nỗi niềm, tâm sự, mọi cung bậc của tâm hồn, suy nghĩ, cả những hạnh phúc, khổ đau… của bản thân người nghệ sĩ và của mọi người. Nhà thơ là nghệ sĩ của tâm hồn hẳn cũng mang ý nghĩa đó.

Tuy chú trọng vấn đề cấu tứ, nhưng Lý Thương Ẩn luôn đặt tình cảm trong thơ lên hàng đầu. Thi nhân muôn đời vẫn dùng thơ để bày tỏ nỗi niềm, giãi tình gởi ý, mà cũng cần lời đẹp đẽ và trau chuốt. Nhà thơ không bao giờ gò câu ép chữ để có thơ mà khi nỗi lòng muốn giãi bày, bộc lộ tâm chí, hay như Tô Thức nói khi “lòng mình chẳng đặng đừng” vậy. Với quan niệm đó, một mặt Lý Thương Ẩn yêu cầu tình cảm của nhà thơ phải chân thành, một mặt hình thức phải hợp với nội dung:

Lương thần đa tự cảm,

Tác giả khởi giai nhiên?

Tạ tiên bối Phòng ký niệm chuyết thi thậm đa, dị nhật ngẫu hữu thử ký

 (Cảnh đẹp nhưng thường do cảm xúc chân tình của mình,

Nhưng những người làm thơ thời nay há đều như vậy?)

Nếu đúng như câu của Lý Thương Ẩn nói ở trên thì thời Vãn Đường cũng có nhiều kẻ chạy theo lối thơ sáo rỗng. Tác giả gián tiếp chỉ trích những người làm thơ không có tình cảm chân thành, chỉ cốt chọn lời ghép chữ cho hoa mỹ; đồng thời nói lên quan điểm thơ ca của mình: đề cao tình cảm trong sáng tác. Thơ ca là khoảng trời nương náu cho mọi nỗi niềm, mọi tâm sự của nhà thơ.

 Những bài thơ được người ta thuộc đọc ngâm nga, phần nhiều cũng đều do yếu tố tình cảm, do tiếng nói đồng cảm, đồng tình. Họ Tạ thuộc nhiều bài thơ của Lý vì tâm tư của Tạ giống của Lý, dường như Lý đã nói hộ tâm sự mình, hoàn toàn không phải vì kiểu làm thơ bí hiểm:

Phù quân tự hữu hận,

Liêu tá thử trung truyền.

(Anh cũng có nỗi sầu hận (nên mới thuộc nhiều thơ của tôi),

Đó chẳng qua là mượn thơ để truyền đạt nỗi lòng đó thôi.)

Bài Cẩm sắt, tác giả dùng khá nhiều điển cố, nhưng bởi ông dùng “tài và tình” để điều khiển chứ không phải cố ý nhồi nhét điển cố vào thơ như Viên Mai đã nhận xét về thơ ông, nên người đọc như lạc bước vào cõi thơ huyền nhiệm chan chứa tình yêu của Lý, cùng nghe tiếng đàn nỉ non réo rắt âm ngắn tình nồng, bồi hồi rung động cõi lòng đáy tim. Tưởng tiếng đàn se sắt hơi sương, thánh thót như giọt lệ trên má người kiều nữ, rồi mơ màng trong tiếng đàn ấm áp như khói ngọc Lam điền… Sự liên tưởng ấy có được nơi độc giả là bởi nhờ cách cấu tứ đã kỳ mà lời lời chữ chữ chân tình tha thiết quá. Đọc hết bài thơ, độc giả còn nghe dư âm vang vọng trong lòng, xúc chạm đến nỗi niềm cô độc trong mỗi góc tim người lẻ bạn:

… Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,

Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên

Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,

Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên…

Cẩm sắt

(… (Tiếng đàn êm ái, hớn hở) như Trang Sinh

lầm mình là bướm trong giấc mộng sớm.

(Có lúc buồn não nuột như) lòng xuân của Vọng đế

gởi vào tiếng kêu thê thảm của chim đỗ quyên.

(Lúc thì trong trẻo, thánh thót) như ánh trăng sáng,

ngọc lấp lánh như hàm lệ trong lòng biển xanh.

Có lúc nồng nàn ấm áp như nắng ấm rọi vào ngọc

trên núi Lam Điền tỏa khói… )

Rồi những câu thơ giản dị, buồn thăm thẳm, nhưng đầy tin yêu của người đa tình:

Thâm tri thân tại tình thường tại,

Trướng vọng giang đầu giang thủy thanh.

Mộ thu độc du Khúc giang

(Còn người vẫn biết còn tình,

Buồn trông sông nước đầu ghềnh reo vang.)

Hay là:

Tây đình thúy bị dư hương bạc,

Nhất dạ tương sầu hướng bại hà.

Dạ lãnh

(Tây đình chăn thuý vương hương cũ,

Suốt đêm sầu ngỏ cùng sen tàn.)

Rõ ràng, Lý Thương Ẩn đề cao tình cảm trong thơ ca hơn là chỉ chú trọng đến hình thức câu thơ như người đời thường nghĩ về ông. Với ông, thơ ca là phải thể hiện tình cảm tự nhiên của con người dù là tình yêu hay nỗi đau về thời thế. Bởi vậy thơ ông tràn ngập những nỗi yêu, những nỗi đau, những nghĩ suy và mơ mộng. Có phải vì thế mà người đời cho rằng thơ ông uỷ mị ướt át chăng?

Với tình yêu, đó là nỗi đau vì yêu nhau muộn màng:

Kết ái tằng thương vãn,

Đoan ưu phục chí kim.

Dao lạc

(Yêu nhau hận quá muộn,

Buồn bã đến bây giờ.)

Cũng có khi là nỗi đau tột cùng khi sinh li tử biệt với người mình yêu:

Quy lai dĩ bất kiến,

Cẩm sắt trường vu nhân…

… Sầu đáo thiên địa phiên,

Tương khán bất tương thức.

Phòng trung khúc

(Lúc ta về đã không gặp lần cuối,

Chỉ thấy cây đàn gấm vẫn còn đó…

… Buồn đau đến đất trời nghiêng ngửa,

Nhìn nhau nhưng chẳng nhận ra nhau.)

Ký ức hoài niệm và hiện thực đau đớn cứ đan xen, xoắn lấy nhau trong tâm hồn người cô lẻ:

Viễn thư quy mộng lưỡng du du,

Chỉ hữu không sàng địch tố thu…

Đoan cư

(Thư nhà và giấc mộng về quê đều mịt mờ,

Chỉ trơ chiếc giường trống đối cùng mùa thu...)

Nỗi tương tư ấy có khác gì với chàng thi tiên Lý Bạch tương tư mỹ nhân:

Mỹ nhân tại thì hoa mãn đường,

Mỹ nhân khứ hậu dư không sàng.

Sàng trung tú bị quyển bất tẩm,

Chí kim tam tải văn dư hương...

Ký viễn

(Người đẹp còn đây hoa ngập phòng,

Người đẹp đi rồi giường bỏ không.

Trên giường chăn gấm không nằm đến,

Nay đã ba năm hương còn nồng…)[10]

Những khúc ca về tình yêu muộn màng ngang trái với những kiều nữ, những nỗi yêu nỗi hận về cuộc tình duyên thơ mộng mà ngắn ngủi, những trăn trở về cuộc đời, những dằn vặt về cuộc sống phiêu linh “tài cao phận thấp” như bao người tài tử khác… cứ dồn nén trong lòng để rồi một lúc bật thành tiếng ca hát, khóc than. Lý Thương Ẩn không phải là “con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hát chơi”, mà chính là một người đau mình, đau đời phải cất giọng nên “một lời xướng ba lời than”:

Vận khứ bất phùng Thanh Hải mã,

Lực cùng nan bạt Thục Sơn xà.

Vịnh sử

(Vận hết không gặp ngựa sinh ở Thanh Hải,

Lực cùng khó bắt được rắn núi Thục.)

Tiếng thơ của ông nhiều khi vang vọng nỗi niềm chua chát ẩn trong lời cật vấn cuộc đời mà như tự vấn, tự nhủ chính mình. Để rồi sau cùng thành tiếng thở dài thườn thượt nghe mủi lòng quá đỗi:

Ích Đức oan hồn chung báo chủ,

A Đồng cao nghĩa trấn hoành thu.

Nhân sinh khởi đắc trường vô vị,

Hoài cổ tư hương cộng bạch đầu.

Vô đề

(Oan hồn của Ích Đức cũng báo đền ơn chúa,

A Đồng nghĩa khí còn  át cả hơi thu.

Đời người há cứ phải vô dụng mãi,

Nỗi hoài cổ và nhớ quê hương cùng khiến khách bạc đầu.)

Sống đời lưu lạc, như số phận vốn thế của người tài tử, thi nhân cất lời oán than, mơ tưởng ánh nắng (triều đình) chiếu đến nhà của người phiêu bạt để mong có dịp trổ tài “luận binh thi phú” mà chưa chỗ dùng, hay “vung gươm bốn phía” cho thoả cuộc bình sinh. Thế nhưng:

Tam niên khổ vụ Ba Giang thủy,

Bất vị li nhân chiếu ốc lương.

Sơ khởi

(Ba năm buồn khổ sương mù nơi sông nước Ba Giang,

Nắng chẳng vì người chốn xa mà rọi vào xà nhà!)

Đến những năm cuối đời, trong cảnh chiều tàn bóng xế, bệnh tật suy yếu, ông vẫn còn uất nghẹn tự vấn:

Cấp cảnh thốc vân mộ,

Đồi niên tẩm dĩ suy…

… Như hà khuông quốc phận,

Bất dữ túc tâm kỳ?

U cư đông mộ

(Bóng ngày đưa thoăn thoắt đã về chiều,

Năm tàn tuổi tác dần tăng yếu ớt…

… Tại sao phận khuông phò đất nước,

Lại không như với tấm lòng ta?)

Tâm trạng của một người có tài không thực thi được tài năng và hoài bão của mình được khắc hoạ rõ nét trong những vần thơ cuối đời càng làm tăng tính chất nghiệt ngã của số mệnh tài tử trong lòng đại dương quan hoạn. Bài thơ kết bằng một lời hỏi cùng hư vô, nhưng xoáy sâu vào lòng thời đại và người đọc. Tấm lòng dằn vặt trăn trở và tình cảm sâu sắc ấy ắt không bao giờ là của một con người xu thời, phản trắc và không có phẩm hạnh như Lệnh Hồ Đào từng nói về ông. Cuộc đời đã run rủi và đưa ông trôi dạt dẫu đến đâu, và dẫu thế nào đi nữa, thì trong thơ ca, vẫn chứa chan những tình cảm chân thành, nồng nàn, sâu sắc…

Ngoài ra, Lý Thương Ẩn không phải không nhìn thấy mối quan hệ giữa thơ ca và xã hội. Nhưng nếu Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị hướng ngòi bút miêu tả đời sống cơ lực lầm than của nhân dân thời bấy giờ để mong “thấu tai quân vương”, “dâng lên nhà vua rõ”, thì với Lý Thương Ẩn ông lại hướng ngòi bút để miêu tả đời sống hoang dâm xa xỉ của giai cấp phong kiến thống trị qua một loạt những bài thơ vịnh sử, vịnh vật, vịnh các nhân vật lịch sử… một mặt mong thức tỉnh nhà vua, một mặt muốn nhà vua trọng dụng.

Từ những phát biểu đến những sáng tác thơ ca thực tế của ông, có thể nói, quan niệm về thơ ca của Lý Thương Ẩn, tựu trung là chuộng vẻ đẹp tự nhiên, lời phải đẹp, ý phải sâu, cấu tứ phải kỳ và thơ phải có tình cảm chân thật.

Những quan niệm về thơ ca nghệ thuật như thế, rõ ràng đã thoát khỏi những quan niệm chỉ chú trọng đến hình thức, hay chỉ chú trọng đến nội dung giáo hóa mà không có tình cảm chân thật trong thi ca. Từ đó cũng cho thấy, Lý Thương Ẩn có sự tiếp nối và vận dụng sáng tạo những quan niệm thơ ca của những nhà thơ, những nhà phê bình ở các đời trước và đương đại vào quá trình sáng tác thơ ca, sáng tạo “nhào nặn cái đẹp”. Tiếc là, người đời sau học cái chỗ dùng điển kỳ bí của ông, chỉ chú trọng đến hình thức cầu kỳ mà không có nội dung tình cảm sâu xa cùng cái cốt tuỷ, tinh thần như Lý Ngọc Khê. Điều đó một phần khiến người ta hiểu lầm về thơ của Lý Thương Ẩn, mà cũng từ đó, thơ ông ít được người đời biết đến.

Sáng tác của Lý Thương Ẩn vẫn như lan trong rừng vắng. Dẫu bao mùa đi qua, những cánh lan vẫn ngát hương âm thầm dâng hiến cho thiên nhiên núi rừng như có người đã nói về thơ ông. Với riêng tôi, thơ ca của ông sẽ còn lấp lánh tựa những viên ngọc trong dòng khe suối, như đúng tên gọi Ngọc Khê của ông, đang chờ những khách thơ tìm đến thưởng lãm…


 



[1] Diệp Thông Kỳ, Lý Thương Ẩn thi tập sơ chú, tập hạ, Nhân Dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh , 1998, tr. 756.

[2] Xin xem thêm Hoàng Bảo Chân, Nho gia văn học tư tưởng đích chủ yếu quan điểm thị thập ma? Và Du Hạo Mẫn, Lão Trang văn nghệ tư tưởng hữu hà đặc điểm? Đối hậu thế hữu hà ảnh hưởng trong Cổ điển văn học tam bách đề, sđd., tr. 717-723.

[3] Dẫn theo Lục Vĩnh Phẩm, sđd., tr.192.

[4] Dẫn theo Khâu Chấn Thanh, Lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Mai Xuân Hải dịch, Nxb. Văn học, 2001, tr.123.

[5] Chuyển dẫn theo Diệp Thông Kỳ, sđd., tr. 752.

[6] Chuyển dẫn theo Diệp Thông Kỳ, sđd., tr. 762.

[7] Xin xem thêm Trần Bá Hải, sđd., 260-263.

[8] Dẫn theo Viên Mai, Tuỳ Viên thi thoại, Trương Đình Chi dịch, Nxb. Văn nghệ, TP.HCM, 2002, tr.109.

[9] Chuyển dẫn theo Diệp Thông Kỳ, sđd, tr. 756.

[10] Bản dịch của Trần Trọng San.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114563891

Hôm nay

2187

Hôm qua

2314

Tuần này

2832

Tháng này

222415

Tháng qua

129483

Tất cả

114563891