Nhìn ra thế giới

Một số tư liệu về phát xít Nhật (III)

 4.     Mỹ ném bom Tokyo

Từ cuối 1941, cả nước Nhật say sưa mừng chiến thắng. Đại tướng Yamamoto chỉ huy hạm đội Liên hợp được tôn vinh là “Chiến Thần”, được Thiên Hoàng khen thưởng. Nhưng Yamamoto hiểu rõ tiềm lực của Mỹ cực lớn, Nhật không thể nào thắng được; ông chủ trương chỉ đánh sao cho Mỹ chịu giảng hoà, không cản trở Nhật chiếm Trung Quốc và Đông Nam Á. Yamamoto lo nhất là máy bay Mỹ có thể ném bom Nhật để trả thù trận Trân Châu Cảng. Nếu Mỹ ném bom Tokyo, người Nhật sẽ vô cùng khiếp sợ, vì họ lo nhất về sự an toàn của Thiên Hoàng mà họ coi là đại diện của đất nước.

Ngay sau trận Trân Châu Cảng, Tổng thống Roosevelt đã thúc giục các cố vấn quân sự lập phương án ném bom Nhật Bản để đánh dập khí thế hung hăng của địch. Trưởng ban tác chiến Hải quân Mỹ King quyết tâm lập kế hoạch ném bom đất Nhật; ý đồ này được Nimitz, Tư lệnh mới của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và Arnold Tư lệnh Hàng không của lục quân tán thành. Nimitz chủ trương “Phòng ngự trong thế tấn công” để dần dần chiếm lại thế cân bằng. Khó khăn lớn nhất là Mỹ không có căn cứ nào gần Nhật để máy bay Mỹ có thể từ đó ném bom đất Nhật. Máy bay hải quân cất cánh từ tầu sân bay có bán kính tác chiến quá ngắn, mà cho tầu sân bay đến gần Nhật sẽ vô cùng nguy hiểm. May sao một sĩ quan hải quân có sáng kiến: dùng máy bay ném bom của lục quân cất cánh từ tầu sân bay đi ném bom Nhật, sau đó không trở về tầu mà bay thẳng đến đỗ xuống các sân bay của Trung Quốc, như vậy có thể giữ cho tầu sân bay ở ngoài phạm vi tác chiến của máy bay Nhật.

Trung tá Jimmy Doolittle được giao thực hiện nhiệm vụ này – ông là một phi công tài ba có học vị tiến sĩ hàng không, đã ra quân nhưng lại tái ngũ. Doolittle tập họp được 80 phi công tình nguyện, huấn luyện họ dùng máy bay ném bom B-25 đã cải tiến tập cất cánh từ đường băng ngắn mà hẹp trên tầu sân bay. Việc này rất khó, vì máy bay có trọng lượng cất cánh tới 13 tấn, do phải mang thêm thùng dầu phụ và bom. Sau hơn 1 tháng tập luyện gian khổ, ngày 2.4.1942, một tàu sân bay chở 16 chiếc B-25 có 6 tàu hộ tống lặng lẽ rời cảng Chicago tiến về phía Tây. Đáng tiếc là khi gần tới vùng biển Nhật thì hạm đội bị Nhật phát hiện. Để bảo đảm an toàn cho tàu sân bay, các máy bay phải cất cánh sớm hơn, xa hơn và sẽ chỉ có thể ném bom vào ban ngày. Như vậy mức độ nguy hiểm tăng lên rõ rệt, vì khi đó Nhật đã biết trước.

8 giờ sáng ngày 18.4, Doolittle nhận lệnh cất cánh. Anh nói với các đồng đội: “Bây giờ ta còn cách Nhật 700 dặm, xa hơn hành trình dự định 200 dặm. Chúng ta buộc phải ném bom ban ngày mà không có máy bay yểm trợ. Có ai sợ không ? Nên nhớ là các phi công dự bị sẵn sàng trả giá 100 USD để được bay thay chúng ta.” Tất cả đều hô lớn: “Có trả 1000 USD chúng tôi cũng không để ai thay thế ! Mau cất cánh đánh cho vỡ mặt bọn khốn kiếp ở Tokyo !

Sau khi 16 chiếc B-25 đã cất cánh, hạm đội lập tức quay mũi trở về căn cứ. Biên đội của Doolittle bay cực thấp để tránh bị phát hiện. Sau 3 giờ bay, họ trông thấy đất liền. Trên đường họ gặp một biên đội máy bay Nhật, nhưng vì bay rất thấp nên không bị phát hiện. Thậm chí gặp cả máy bay chở Thủ tướng Nhật. Dân Nhật tưởng đây là máy bay mình, ai nấy đều vẫy tay chào. Trong nửa phút, biên đội Doolittle đã hoàn thành nhiệm vụ rải bom xuống các nhà máy thép, nhà máy đóng tàu, bom rơi trúng cả 1 tàu tuần dương đang sửa chữa trên ụ. Họ thấy rõ Hoàng cung Nhật, nhưng lệnh trên nghiêm cấm ném bom nơi này vì sợ kích động tinh thần liều chết của người Nhật. Đồng thời 6 thành phố khác cũng bị họ chia nhau ném bom. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, biên đội Doolittle bay về phía Trung Quốc. Sau 13 giờ bay gian khổ, tối hôm ấy khi dầu đã cạn, họ nhảy dù xuống vùng Triết Giang và Giang Tây. Sáng ngày 20, Doolittle tìm thấy 4 chiến hữu, sau đó họ đề nghị quân đội Quốc Dân Đảng Trung Quốc giúp tìm kiếm các bạn của họ.

Từ đó ngày 18 tháng 4 trở thành ngày hội của không quân Mỹ. Trong 80 phi công bay trên 16 chiếc B-25 ném bom Nhật, có 1 người chết khi nhảy dù, 2 người mất tích, 8 người bị Nhật bắt (trong đó 3 bị hành quyết, 1 chết trong tù, 4 còn sống trở về sau chiến tranh), 1 máy bay lạc sang Vladivostock (Liên Xô) bị giữ lại nhưng 13 tháng sau cả 5 người đều được về Mỹ. 64 người nhảy dù xuống Trung Quốc an toàn, sau đó đều trở về Mỹ. Mới đầu Doolittle tin chắc khi về nước sẽ bị đưa ra toà án binh vì tội không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không ngờ anh lại được Quốc Hội tặng huân chương và thăng vượt cấp lên chuẩn tướng rồi trung tướng. Ngày 18.4.1967, 55 người còn sống sót đã gặp mặt nhau trên một tầu sân bay để kỷ niệm 25 năm chiến thắng vẻ vang này.

Trận ném bom ngày 18 tháng 4 đã làm rung chuyển nước Nhật. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật Bản bị ném bom ! Mặc dù đài phát thanh Tokyo ngày nào cũng ra rả nói nước Nhật bất khả xâm phạm, thế mà bây giờ chính người Nhật thấy máy bay Mỹ ném bom Tokyo, tâm lý họ rất hoang mang. Mấy ngày sau, Nhật liên tiếp báo động nhầm. Chính phủ Nhật lập tức họp, trừng trị các cấp chỉ huy bộ đội phòng không. Nhật phải rút từ lực lượng Nam Tiến 4 đại đội máy bay chiến đấu và 2 tầu sân bay lớn cùng một số tầu khác giữ lại bảo vệ trong nước. Kế hoạch Nam Tiến bị tạm hoãn vì Nhật thấy sự đe doạ từ phía Đông mới là quan trọng. Do đó Nhật vội vã tấn công đảo Midway và phải trả giá đắt cho sự vội vã đó. Quân Nhật đã càn quét 2 tỉnh Triết Giang và Giang Tây, giết 250 nghìn người Trung Quốc để trả thù việc họ giúp các phi công Mỹ nhảy dù.

 5.    Trận đấu tầu sân bay lớn nhất trong lịch sử

Sau vụ Tokyo bị Mỹ ném bom, Bộ Chỉ huy Tối cao Nhật quyết định tăng cường phòng thủ nước Nhật, vì thế không đề ra nhiệm vụ đánh chiếm Australia nữa, nhưng nhất thiết phải cắt được tuyến tiếp viện từ Mỹ sang Australia, như vậy Mỹ sẽ không có điều kiện phản công nữa. Muốn vậy Nhật phải đặt được một căn cứ không quân trên đảo thuộc New Guinea để máy bay Nhật có thể thường xuyên quấy nhiễu Australia.

Đầu tháng 5.1942, một hạm đội hùng mạnh của Nhật do phó Đô đốc Shigeyoshi chỉ huy tiến xuống biển Coral ở phía Bắc châu Úc với ý định chiếm các đảo vùng này nhằm cắt đứt tuyến liên lạc giữa châu Úc với Mỹ. Trước hết Nhật cần chiếm được Tulagi thuộc quần đảo Solomon và cảng Moresby ở bờ biển phía Đông New Guinea. Hạm đội Nhật gồm 3 tầu sân bay, 6 tầu tuần dương và 7 tầu khu trục cùng 146 máy bay trên tầu, ngoài ra còn hơn 90 máy bay trên đảo Rabaul hỗ trợ. Hồi ấy hải quân Nhật có 10 tàu sân bay mà riêng hạm đội này đã có 3 tàu, gồm hai tàu loại lớn là Shokaku và Zuikaku và một tàu loại nhẹ là tàu Shoho, điều đó chứng tỏ hạm đội hành quân xuống biển Coral rất mạnh.

Biển Coral (Coral Sea) là một phần của Thái Bình Dương, rộng 4,8 triệu km2, bao bọc bởi các đảo Solomon, New Hebrides (Vanuatu), New Caledonia, là biển rộng nhất thế giới. Điểm độc đáo của biển này là các cấu tạo san hô cực kỳ phát triển, do đó còn gọi là biển San hô.

Lần này, do nắm được mật mã của Nhật nên quân đội Mỹ đã có chuẩn bị tốt chứ không bị bất ngờ như ở Trân Châu cảng. Đó là nhờ chiến công hồi tháng 1.1942, một tàu khu trục Mỹ cùng 3 tàu săn tầu ngầm của hải quân Australia bắn chìm một tầu ngầm của Nhật ở vùng biển nông gần châu Úc; sau đấy Mỹ vớt tầu này lên và lấy được cuốn sổ mật mã trên tầu; nhờ đó tình báo Mỹ giải được các mật điện trao đổi của địch và nắm được ý đồ của Nhật là muốn chiếm cảng Moresby.

Tướng Nimitz Tư lệnh mới của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương lập tức đưa một hạm đội hỗn hợp do đô đốc Fletcher chỉ huy tiến vào biển Coral phục sẵn. Hạm đội gồm gồm 2 tầu sân bay Lexington và Yorktown, 5 tầu tuần dương, 9 tầu khu trục cùng 143 máy bay.

Ngày 3.5, Nhật chiếm Tulagi thuộc quần đảo Solomon. Ngay hôm sau, máy bay Mỹ từ tầu sân bay Yorktown cất cánh ném bom Tulagi, đánh chìm 1 tầu khu trục, phá huỷ 5 máy bay Nhật.

Ngày 7, máy bay Mỹ phát hiện và đánh chìm tầu sân bay Shoho cùng hơn 600 lính Nhật trên đường về Moresby.

Máy bay Nhật cũng đánh chìm 1 tầu tuần dương và 1 tầu chở dầu của Mỹ. Đêm hôm đó, 27 máy bay Nhật đi tìm tầu sân bay Mỹ để ném bom nhưng bất ngờ bị máy bay Mỹ tấn công, 9 máy bay Nhật bị bắn hạ. Xảy ra một chuyện nực cười chưa từng có trong lịch sử: vì trời tối, số máy bay Nhật còn lại đã nhầm lẫn xin hạ cánh xuống tầu sân bay Mỹ, kết quả thêm 6 chiếc nữa tan xác bởi pháo cao xạ trên tầu sân bay Mỹ bắn lên. 

 Sáng ngày 8.5, hạm đội hai bên cách nhau 175 hải lý và phát hiện nhau. Lập tức máy bay hai bên cất cánh tấn công tầu sân bay của đối phương. Đây là trận đấu tầu sân bay lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Kết quả phía Nhật tầu sân bay Shoho và một tầu khu trục bị đánh chìm, tầu sân bay Shokaku bị hỏng nặng, 77 máy bay bị bắn rơi. Phía Mỹ tầu sân bay Lexington và một tầu khu trục bị chìm, tầu sân bay Yorktown bị thương, 66 máy bay bị bắn hạ.

Có thể nói thiệt hại của 2 bên là tương đương, thậm chí Mỹ thiệt hại nhiều hơn Nhật, nhưng đây là lần đầu tiên hải quân Nhật bị thiệt hại nặng, bị hạm đội Mỹ ngăn không cho chiếm cảng Moresby và các đảo Solomon, do đó Nhật không thực hiện được mục tiêu quấy nhiễu Australia và cắt đường tiếp viện từ Mỹ sang châu Úc. Như vậy về chiến lược là Mỹ thắng, Nhật thua. Trận chiến trên biển Coral đánh dấu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương đã chuyển sang giai đoạn cầm cự. Từ đó tinh thần quân đội Mỹ và Đồng minh lên cao dần, kết quả họ đã giáng cho hải quân Nhật một đòn nhớ đời tại đảo Midway.

Gọi là đảo Midway (“Giữa đường”) vì đảo này nằm ở gần chính giữa hai bờ Đông và Tây của Thái Bình Dương, cách Trân Châu cảng về phía Tây 1828 km./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114571306

Hôm nay

2152

Hôm qua

2308

Tuần này

21055

Tháng này

229830

Tháng qua

129483

Tất cả

114571306