Trước hết, chính thể, mà đại diện là các chính khách, là người quyết định “phẩm chất” của không gian sáng tạo. Xã hội mà các chính khách lãnh đạo, quản lý là cội nguồn cảm xúc và là nguồn lực vật chất để người nghệ sĩ sáng tạo.
Thứ hai, các chính khách, trong thực tế là người quyết định việc ra đời hay không ra đời, tồn tại hay không tồn tại các công trình văn hóa có quy mô lớn có ảnh hưởng đến cộng đồng. Hoài bão chính trị, cảm hứng nhân văn của các chính khách có thể là tiền đề cho ý tưởng sáng tạo của nghệ sỹ. Phần nhiều, các chính khách là người "ra đề", cung cấp "giấy, bút, mực" cho các nghệ sĩ làm bài. Và vì vậy, các chính khách có thể áp đặt tư duy thẩm mỹ, thông điệp tư tưởng của mình đối với các công trình thông qua nghệ sỹ. Khi có sự đồng điệu về tư tưởng và cảm xúc, tầm nhìn văn hóa giữa chính khách và nghệ sĩ thì các khát vọng và ý tưởng nghệ thuật sẽ được thăng hoa và đất nước sẽ có những công trình văn hóa xứng đáng với thời đại và truyền thống dân tộc.
Nếu không có những vị vua - quan của các nhà Lý - Trần thì không thể có những công trình văn hóa của Văn hóa Lý - Trần rực sáng. Dấu ấn của họ để lại rất rõ ràng trên các công trình/tác phẩm văn hóa. Tứ đại khí của thời Lý là một ví dụ. Nếu không có Đào Tấn thì chưa chắc chùa Hương Tích ở trên núi Hồng Lĩnh đã được phục dựng sau trận hỏa hoạn năm 1885. Nếu không có Trịnh Sâm thì sẽ không có chùa Hương Tích ở Hà Tây/Hà Nội.
Chúng ta cũng có khát vọng sáng tạo nên những công trình văn hóa mang tầm vóc mới của thời đại. Khát vọng đó là chính đáng, là thiêng liêng. Những công trình đó, nếu có, bên cạnh dấu ấn tài năng nghệ thuật của các nghệ sỹ, còn có dấu ấn về tầm nhìn, cách tư duy của các chính khách. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình (xưa) là những công trình tiêu biểu thể hiện khát vọng và tầm nhìn văn hóa của các chính khách. So sánh là khập khiểng, nhưng ở Nghệ An, trong những năm vừa qua cũng có một số công trình văn hóa được người dân ủng hộ như đền thờ Vua Quang Trung dựng trên núi Dũng Quyết chẳng hạn.
Ngược lại, nếu các chính khách không nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện các yếu tố liên quan, sẽ có một cái nhìn hạn hẹp, phiến diện, chưa hoặc không phù hợp khi đưa ra quyết định về xây dựng các công trình văn hóa. Công trình bảo tàng Hà Nội, dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia, dự án công trình tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Quảng Nam, và nhiều công trình, dự án khác (mà hầu hết các tỉnh đều có) đang được dư luận quan tâm, và phản ứng, là những ví dụ điển hình. Các công trình dự án này không phải là không cần thiết nhưng với tư cách là một chính khách thì cần phải cân nhắc rất kỹ vì thực hiện lúc này là chưa phù hợp bởi đất nước còn có quá nhiều khó khăn. Là chính khách chân chính và tài năng cần biết phải làm gì và làm lúc nào để có lợi nhất cho đất nước và nhân dân. Tầm nhìn chính trị - văn hóa, tầm văn hóa chính trị của các chính khách thể hiện rất rõ ở những trường hợp này.
Tầm nhìn của một chính khách sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người, không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai./.