Nhìn ra thế giới

Một số tư liệu về phát xít Nhật (V)

Ba vật thiêng của Hoàng tộc Nhật Bản

Theo giáo sư Komori ở đại học Tokyo, lý do chủ yếu nhất của việc trì hoãn chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam là Thiên Hoàng Hirohito chỉ lo làm sao “giữ được thể chế Thiên Hoàng” (“quốc thể”) và giữ được “3 vật thiêng” của Hoàng tộc. 3 vật thiêng đó là: một tấm Gương Bát Xích (vật tượng trưng cho tinh thần của Hoàng tộc, được thờ ở đền Ise), một thanh Thảo Thế Kiếm (tức gươm trừ cỏ, còn gọi Thiên Tùng Vân Kiếm) và một viên Ngọc Bát Xích Quỳnh Câu thờ ở 2 ngôi đền khác. Đây là 3 vật báu có tính thần thoại của Nữ thần Mặt Trời Amaterasu, tổ tiên dân tộc Nhật Bản. Thiên Hoàng lo các vật thiêng này bị phá mất, vì hôm 24 tháng 7, bom Mỹ suýt rơi trúng đền Ise. Cố vấn của nhà vua là Koichi Kido nhớ lại ông đã “tấu” lên Thiên Hoàng như sau:

Hiện nay phía quân đội đề xuất bản thổ quyết chiến, kêu gọi đánh một trận quyết chiến thật lớn để xoay chuyển tình hình, nhưng theo kinh nghiệm thời gian qua, mọi người khó có thể tin vào chủ trương này. Nếu trận này thất bại, kẻ địch sẽ nhảy dù xuống khắp nước, Bộ Thống soái tối cao sẽ bị bắt làm tù binh. Cho nên vấn đề cần thận trọng xem xét hiện nay là làm gì để giữ gìn chu toàn 3 vật báu. Nếu không, sẽ để mất biểu tượng Hoàng tộc 2600 năm nay, cuối cùng thể chế Thiên Hoàng cũng khó có thể giữ được. Cho nên thần tin rằng việc hoà giải là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. (“Nhật ký của Kido”, 1966. Sđd3)

 Ngày 31. 7, nhà vua nói với Kido:

Sau khi cân nhắc nhiều mặt, cuối cùng Trẫm cho rằng vẫn cứ nên chuyển các vật thiêng về bên cạnh Trẫm. Có điều, khi ta động đến các báu vật ấy tất sẽ ảnh hưởng đến lòng người. Cho nên Trẫm nghĩ là cứ nên thận trọng thì hơn. Ngày nào Trẫm cũng nghĩ đến việc nếu chỉ dựa vào chủ ý của một mình Trẫm mà động đến các vật thiêng ấy thì hậu quả sẽ ra sao ? Cho nên Trẫm đang nghĩ, nên chuẩn bị thế nào về tinh thần để có thể làm tốt việc di chuyển các vật ấy đến Shinsu (một vùng núi thuộc huyện Nagano). Việc này mong ngươi bàn kỹ với Chánh văn phòng Hoàng cung. Cũng nên bàn với Chính phủ rồi hãy quyết định. Trầm nghĩ: nếu có gì bất trắc thì Trẫm đành kiên trì bảo vệ và cùng sống cùng chết với các vật thiêng ấy. (Sđd3)

Quyết định tối hậu của Truman

Đến lúc này, một tuần đã qua mà không thấy phía Nhật có phản ứng gì về Tuyên ngôn Potsdam, Tổng thống (TT) Truman vô cùng đau đầu. Ông muốn Nhật đầu hàng nhưng lại do dự chưa dám đổ quân lên đất Nhật, cho dù lúc này hàng nghìn tầu chiến và cả triệu lính Mỹ đã sẵn sàng.

Truman biết rõ đánh từ biển lên đất liền sẽ bị thương vong cực nhiều và chưa biết bao giờ mới thắng nổi 3,5 triệu quân Nhật cố thủ trong các công sự ngầm trên 4 đảo chính của nước này, chưa kể cùng từng ấy quân Nhật đóng ở các nước châu Á và các đảo Thái Bình Dương. Truman nhớ lại những sự thật tàn nhẫn: trận đổ bộ đảo Iwo Jima nhỏ tý đầu năm nay, quân số Mỹ gấp 3 Nhật, thế mà cũng mất gần 40 ngày mới chiếm được đảo, 21 nghìn lính Nhật đánh đến chết gần hết, chỉ còn lại 1038 thương binh; Mỹ thương vong 31 nghìn người. Trận đảo Okinawa vừa rồi, với ưu thế tuyệt đối 183 nghìn lính, 1500 tầu chiến mà cũng mất 2 tháng Mỹ mới chiếm được; máy bay tự sát của Nhật lao vào tầu chiến Mỹ, lính Nhật đánh đến chết không hàng; Mỹ thương vong 48 nghìn quân.

Phương án “Chiến dịch Coronet” tấn công chính quốc Nhật Bản do Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ dự thảo ước tính thương vong phía Mỹ sẽ là 1,2 triệu người. Truman biết rằng nhân dân Mỹ không bao giờ cho phép hy sinh con em họ nhiều như vậy. Cuối cùng TT Mỹ đành chọn cách dùng bom nguyên tử để Mỹ không cần đổ bộ lên đất Nhật mà vẫn buộc Nhật phải đầu hàng. Khi bom nguyên tử gây thương vong lớn đe dọa sự tồn vong của dân tộc Nhật, vua Nhật không thể không quyết định đầu hàng đẻ cứu quân đội và dân chúng nước này, cũng như cứu chính nhà vua cùng Hoàng tộc.

8h15 sáng ngày 6 tháng 8, chiếc máy bay ném bom kiểu B-29 có tên Enola Gay từ độ cao 10 nghìn mét thả một quả bom Urani 235 xuống Hiroshima, nơi có trụ sở Bộ Tư lệnh miền Nam và nhiều nhà máy quân sự Nhật. Đây là một trong số ít đô thị chưa bị Mỹ ném bom (nghe nói đó là Mỹ cố ý làm thế để khi ném bom nguyên tử mới theo dõi được chính xác kết quả), dân chúng nơi này khá chủ quan chưa thực sự coi trọng việc trú ẩn, vì thế thương vong nặng nề. Bầu không khí thành phố bị đốt nóng đến 70000C. Hơn 200 nghìn dân bị chết.

TT Truman ra tuyên bố nói Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima.

Thủ tướng Suzuki nhớ lại:

Sự việc đã đến nước này, tôi đành quyết định: không còn cách nào khác, chỉ còn cách duy nhất là chấm dứt chiến tranh. Sau khi nghe tin thảm hoạ ở Hiroshima, cuối cùng Bệ Hạ thở dài nói: nếu cứ tiếp tục cuộc chiến tranh không có hy vọng thắng lợi này thì sẽ chỉ gia tăng sự hy sinh của quân đội, đây là một việc bi thảm trong lịch sử văn minh của nhân loại. Tôi và mọi người đau khổ nhận thấy tâm trạng của Bệ Hạ vô cùng nặng nề..... Thế nhưng Chính phủ vẫn ra lệnh tổng động viên các nhà khoa học quân đội, đốc thúc họ đến Hiroshima điều tra thực địa, xác nhận bom nguyên tử là thật hay giả. Ngày 8 tháng 8, sự thật đã rõ: đúng là bom nguyên tử thật. Do đó ai nấy càng lo sợ uy lực của nó. (“Tự truyện của Suzuki”, 1966. Sđd4)  

Khi biết tin ấy, Thiên Hoàng thở dài : “Nếu cứ tiếp tục cuộc chiến tranh không có hy vọng thắng lợi này thì sẽ chỉ làm tăng sự hy sinh của quân đội, đây là một việc đau lòng trong lịch sử văn minh của loài người.” (Sđd4) Thực ra, nhà vua chỉ lo cho số phận của mấy triệu lính Nhật còn lại lúc ấy chứ đâu có nghĩ gì đến sinh mạng dân chúng! Chính phủ Nhật thì chưa tin Mỹ có bom nguyên tử. Sáng hôm sau họ cử các nhà khoa học đến Hiroshima khảo sát.

Trên thực tế, sự xuất hiện bom nguyên tử hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của mọi người. Có người nghi ngờ đó là trò lừa bịp của Mỹ, đề nghị trước tiên nên đến điều tra tại chỗ rồi hãy nói...... Tối ngày 8, tiến sĩ Niko nước mắt ròng ròng báo cáo tôi: Rất tiếc, đúng là bom nguyên tử.... Nhận được báo cáo, Thủ tướng Suzuki chỉ thị tôi sáng mai họp ngay Nội các, ông sẽ tự nói ra ý định chấm dứt chiến tranh. (Sđd1)

Nhưng phái chủ chiến lại nêu ý kiến: Mỹ chỉ có một quả bom nguyên tử thôi, không có gì đáng sợ cả !

6 giờ sáng hôm sau, lại có tin Liên Xô đã tuyên chiến chống Nhật. 11 giờ 2 phút, quả bom nguyên tử thứ 2 (bom Plutoni) rơi xuống Nagasaki. Khoảng 120 nghìn người chết. Tổng cộng hơn 300 nghìn dân Nhật bỏ mạng chỉ vì Chính phủ chần chừ chưa tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam với lý do “chưa dự kiến đầy đủ” tình hình.

 Việc Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử và Liên Xô tham chiến chống Nhật đều được giải thích bằng lý do “Nhật từ chối tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam”. Chính phủ Nhật đã chần chừ, chậm trễ. Tất cả chỉ vì họ muốn giữ bằng được chế độ Thiên Hoàng họ coi là thiếng liêng bất khả xâm phạm ! Điều 1 Hiến pháp Minh Trị 1889 viết: “Đế quốc Đại Nhật Bản là một khối thống nhất do Thiên Hoàng cai trị”. Điều 3: “Thiên Hoàng thiêng liêng bất khả xâm phạm”, và điều 4: “Thiên Hoàng là nguyên thủ đất nước, nắm toàn bộ quyền thống trị”. Vì thế mà họ chỉ lo giữ “quốc thể” (thể chế Thiên Hoàng)./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114563187

Hôm nay

2128

Hôm qua

2299

Tuần này

2128

Tháng này

221711

Tháng qua

129483

Tất cả

114563187