Diễn đàn

Nông dân vẫn là trụ cột của đất nước

NƯỚC ta vẫn đang là nước nông nghiệp, nông dân vẫn chiếm trên 70% dân số. Nông dân, nông nghiệp và nông thôn vẫn đang là nền tảng văn hóa, chính trị và kinh tế của nước nhà. Nông dân và nông nghiệp nước ta đã thực hiện đổi mới trước Đổi mới. Sau hơn 20 năm Đổi mới, được giải phóng khỏi sự tù túng kìm hãm của cơ chế tập trung quan liêu, nông dân, nông nghiệp và nông thôn đã có nhiều khởi sắc, tạo tiền đề và làm nền tảng cho nền kinh tế đất nước phát triển; Người nông dân đã bớt cực, cuộc sống được cải thiện và nâng cao đáng kể. Song hiện nay nông nghiệp của chúng ta đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và đang phát triển trong tư thế bấp bênh, thiếu bền vững cả về môi sinh tự nhiên và môi trường xã hội; nông thôn đang có chiều hướng tụt hậu; đời sống của nông dân nhìn chung còn thấp, ở nhiều vùng chậm được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, còn phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.

Trong nhiều năm qua, với mục tiêu tăng GDP, các địa phương chú trọng phát triển công nghiệp, đô thị hóa. Việc thu hồi đất nông nghiệp không chỉ làm cho diện tích đất canh tác bị thu hẹp mà do quản lý, thực hiện không tốt nên tạo ra nhiều bất công, bức xúc đối với người nông dân. Rất nhiều đất đai của nông dân đã bị các nhà tư bản/địa chủ mới thâu tóm để biến thành các sân gôn, các khu dịch vụ, các khu đô thị mới và cả “đắp chiếu” đầu cơ. Không ít nông dân đã bị mất hết đất đai mà Cách mạng đã mang lại cho họ. Họ bị bần cùng hóa trên chính mảnh đất xương - máu - mồ hôi của mình. Đã có nhiều cuộc khiếu kiện của nông dân đòi công bằng trong việc đền bù đất đai làm cho đời sống xã hội phức tạp và nóng bỏng. Đất đai ngày càng ít, sự chuyển đổi nghề nghiệp thiếu hiệu quả, người nông dân ngày càng thiếu việc làm. Tỷ lệ thời gian lao động trong nông nghiệp đạt ở mức khoảng 60% - 65% buộc người nông dân phải tự phát đổ về các đô thị tìm kế mưu sinh. Những người trẻ khỏe và có kiến thức ra khỏi địa bàn nông thôn ngày càng nhiều làm cho lao động nông nghiệp tại nhiều địa phương chỉ còn lại chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi, ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng và tính bền vững của sự phát triển nông nghiệp và nông thôn. Kinh tế tụt hậu, xã hội nhiều bức xúc làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân ở nhiều nơi trở nên đơn điệu, trầm lắng, thiếu sinh khí. Nhiều tập tục lạc hậu của nông dân, nông thôn trỗi dậy. Cơ chế thị trường mở cửa, giao lưu văn hóa ồ ạt, thiếu chủ động và chọn lọc nên môi trường văn hóa nông thôn bị nhiều tác động tiêu cực, thậm chí có nơi, có mặt bị ô nhiễm, tha hoá. Tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng làm cho quan hệ cộng đồng, kết cấu xã hội ở nông thôn trở nên lỏng lẻo và phức tạp hơn.

Nhận thức rõ điều này, Đảng ta đã có Nghị quyết 7 (khoá X) về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cụ thể hóa quan điểm phát triển này, Nhà nước đã có chủ trương xây dựng Nông thôn mới. Quan điểm và chính sách của Đảng và nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân là đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển và thực tiễn của đất nước và đem lại những kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới có những nội dung còn thiếu tính thực tiễn cùng với cách triển khai giáo điều, rập khuôn ở nhiều nơi đã làm nảy sinh nhiều bất cập, bất đồng không đáng có. Tâm lý sĩ diện làng xã, bệnh thành tích tiểu nông của một số cán bộ cơ sở trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước cũng làm cho công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn gặp không ít khó khăn, phức tạp. Nông thôn vẫn đang tiềm ẩn nhiều phức tạp và người nông dân vẫn đang là bộ phận dân cư nghèo nhất, vất vả nhất trong xã hội của chúng ta hiện nay.

Ra trận nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất cho độc lập dân tộc, nghèo và chịu nhiều thiệt thòi nhất nhưng cho đến tận bây giờ, khi chúng ta đang quyết tâm xây dựng Việt Nam cơ bản thành một nước công nghiệp vào năm 2020 thì nông dân vẫn là trụ cột của đất nước. Người Việt Nam hôm nay và mai sau vẫn có tiên tổ là nông dân, có một chốn thiêng trong tâm thức là làng - quê và văn hóa của đất nước này vẫn sum suê từ cội nguồn sáng tạo của những người nông dân làm ruộng nước.

Và nếu có giặc xâm lăng đất nước này thì nông dân lại vẫn là những người ra trận trước tiên, nhiều nhất và kiên cường nhất.

Nhân ngày Nông dân Việt Nam (14.10) mong một tương lai tốt đẹp hơn cho bà con của chúng ta.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511903

Hôm nay

2229

Hôm qua

2337

Tuần này

22277

Tháng này

218776

Tháng qua

121356

Tất cả

114511903