Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Phần hai: Mạc phủ Muromachi và Edo)[4]

4-Xã hội thời Muromachi:

4.1 Nông nghiệp dưới thời Muromachi:

Sau khi đã điểm qua một vòng chân trời chính trị, ngoại giao, chúng ta thử bàn về hoàn cảnh xã hội đương thời.

Ưu tiên ta phải để mắt tới hoạt động nông nghiệp. So với thời trước, nông nghiệp Muromachi có các đặc điểm là tập trung hóa, đa dạng hóa và nhân đó, làm cho sức sản xuất tăng mạnh.

Về kỹ thuật nông nghiệp, trước tiên. vào thời này, việc sử dụng các nông cụ bằng sắt như cuốc, bừa và liềm cũng như sức làm việc của bò ngựa trong nông canh đã phổ cập hơn hồi thời Kamakura. Chúng ta biết rằng có bộ tranh cuộn Hônen Shônin eden (Pháp Nhiên thượng nhân hội truyện) mô tả cuộc đời của vị giáo chủ Tịnh Độ Tông. Bộ tranh này tuy bản chính đã mất nhưng vẫn có nhiều bản sao chép suốt trong giai đoạn Nanbokuchô (Nam bắc triều) và Muromachi. Qua đó, ta thấy như sống lại bằng tranh vẽ phong cảnh người Nhật canh tác ruộng nước với sự hổ trợ của bò và ngựa. Bên cạnh đó là tranh miêu tả lễ hội dengaku (điền nhạc, bắt nguồn tự thời Heian) ở nông thôn với những người nông dân đang nhảy múa vui vẻ.

Thứ đến, giống lúa cũng đã được cải thiện. Người ta đã phân biệt được cái loại wase (tảo đạo), nakate (trung đạo) và okute (vãn đạo) theo thời kỳ thu hoạch chúng sớm hay muộn. Chẳng hạn wase là loại sớm ra bông, kết hạt nhất. Tuy đến thời Sengoku (1467-1568) điều đó mới thực sự trở nên thuần nhất và rộng rãi nhưng nhờ đó mà vào thời ấy, các vùng đã bắt đầu biết tùy theo điều kiện thiên nhiên của mình mà chọn lựa giống lúa thích hợp và canh tác sao cho năng suất thu hoạch đạt mức tối đa.

Ba là sự phát triển và phổ cập của các loại guồng dẫn nước (suisha = thủy xa), trong đó có loại ryuukossha (long cốt xa) phát xuất từ Trung Quốc, gồm những mảnh ván kết nối với nhau như bộ xương của rồng. Do đó việc tưới tiêu đã được cải thiện rất nhiều.Vào thời Kamakura, chỉ có vùng Kinai gần kinh đô mới được xem là tiên tiến vì có thể làm 2 vụ trong năm (nimôsaku = nhị mao tác) là lúa gạo và lúa mì. Đến lúc này thì kỹ thuật  hầu như đã lan rộng ra khắp các vùng, Còn như trong vùng tiên tiến là Kinai thì vào thời Muromachi, nông dân Nhật Bản có thể làm được đến 3 vụ (tam mao tác = sanmôsaku). Năm Ôei 27 (1420) tức năm sau khi xảy ra cuộc biến loạn ngoại khấu năm Ôei (Ôei no gaikô) (xin xem bên trên), để cải thiện mối bang giao Triều Tiên Nhật Bản, người Triều tiên đã gửi đoàn sứ giả sang Nhật đáp lễ gọi là kaireishi (hồi lễ sứ).Người sứ giả lúc đó là Tống Hy Cảnh (biệt hiệu Lão Tùng Đường) đã viết cuốn sách nhan đề “Lão Tùng Đường Nhật Bản hành lục” (Ghi chép về chuyến đi Nhật của ông Lão Tùng), trong đó ông đã trình bày rõ ràng về việc canh tác ở Nhật. Sứ giả họ Tống, ngoài việc mô tả về tình hình trên đảo Tsushima (Đối Mã) mà người ta vẫn cho là bản doanh của giặc cướp biển Wakô (Nụy khấu), còn quan sát cả tình hình phía bắc đảo Kyuushuu, miền tây đảo Honshuu cũng như vùng xung quanh kinh đô Kyôto. Ở Amazaki trong vùng Settsu chẳng hạn, ông đã ngạc nhiên khi thấy nông dân làm 3 vụ: luá gạo (rice), lúa mì (wheat) và soba (kiều mạch, buckwheat) trong cùng một năm và điều đó khiến ông đặt bút viết mấy vần thơ tức sự .

Làm hai vụ hay ba vụ mùa cần có một hệ thống tưới tiêu tốt và nông cụ thích hợp. Nông nghiệp thời Muromachi như vậy đã đạt đến một trình độ kỹ thuật khá cao. Đó là chưa nói đến kiến thức của họ trong việc cải tiến phân bón ruộng.Ngoài phân xanh như karishiki (phân từ cây cỏ cắt ra (kari = cát) và rải phủ (shiki = phu) vào ruộng) cũng như  phân tro thực vật (sômokubai = thảo mộc hôi), họ còn dùng cả phân chuồng gọi là shimogoe ( hạ phì = chất thải từ tiểu và đại tiện của động vật) giúp cho chất lượng của đất được nâng cao và thu hoạch đều đặn hơn.

Riêng nói về các đặc sản địa phương thì vào thời này, người nước đã biết trồng trọt và sản xuất những mặt hàng có tiếng của địa phương mình. Nguyên liệu dùng trong thủ công có tơ gai (karamushi, hemp plant), dâu tằm (kuwa, mulberry), cây dó (kôzo, paper mulberry), cây sơn (urushi, lacquer tree), cây cho màu lam (ai, indigo plant) và cây chè (cha, tea). Những hoạt động gia công cũng bắt đầu phát đạt ở nông thôn và biến các loại thực vật này thành sản phẩm phân phối đi khắp nơi.

Sản xuất đi lên như thế làm cho thu nhập của người nhà nông dồi dào hơn, vật tư cũng đầy đủ hơn. Nhu cầu lưu chuyển hàng hóa cũng vì đó đã bắt đầu trở nên bức thiết.

4.2 Chế độ Za và sự phát triển công thương nghiệp:

Vào thời đại này, những người sản xuất và đi buôn đã tìm cách họp lại thành Za (Tọa, Tòa) hay tổ hợp ngành nghề để tranh đấu cho những quyền lợi chung. Rồi đến khi công thương nghiệp phát triển thêm lên, số Za đã tăng nhiều lên hẳn so với lúc trước và lan rộng khắp toàn quốc.Những nhà sản xuất các mặt hàng đặc sắc ở địa phương mình cũng tổ chức thành Za. Có khi thì là Za nghề rèn (Kajiza), Za nghề mộc (Daikuza) như thể có bao nhiêu nghề là có bấy nhiêu Za.

Tìm hiểu thêm về Za[1]

Za (Tọa, Tòa) là một tổ chức đồng nghiệp thời trung cổ Nhật Bản có những người thợ, nhà buôn, con hát... tụ họp lại theo ngành nghề. Khởi đầu, vào cuối thời Heian, triều đình và các đền chùa có thần thế, mỗi khi tổ chức lễ lạc đều dành một số chỗ ngồi (zaseki = tọa tịch) cho những người bỏ công cung cấp lương thực hay chạy việc cho họ, vốn xuất thân từ các tổ hợp ngành nghề gọi là bemin (bộ dân). Vinh dự “góc chiếu giữa làng” này còn kèm theo một số quyền lợi như khỏi phải đóng thuế và làm phu dịch. Về sau những người có đặc quyền có chỗ ngồi gọi là hôshi no za (hôshi = phụng sĩ, tức phụng sự) bán những sản phẩm hay dịch vụ dư thừa ra bên ngoài để kiếm ăn thêm nhưng vẫn nhận được sự che chỡ của cửa quyền (honjô = bản sở).Tùy gốc gác, họ có những tên gọi riêng:

1)       Các jinin (thần nhân) gốc là thuộc hạ đền thần. Họ được các đền như Iwashimizu, Hachimanguu che chở. Họ chuyển sang buôn dầu, cá, muối...

2)       Các yoriudo (ký nhân) từng là trang dân làm việc cho các chủ trang viên.Các chùa Kôfukuji, Ichijôin là nơi che chở cho họ. Chuyên môn buôn nông cụ như bừa.

3)       Các kunin (công nhân) trước là thuộc hạ của triều đình và đền chùa. Sở samuraidokoro của Mạc phủ Muromachi che chở họ.Họ buôn đồ vải vóc.

4)       Các sanjô (tán sở) là nhân viên phụ giúp cho các nhân viên chính thức trong gia đình quyền môn. Được đền thần Kamo che chở.Buôn bán cá và đồ biển.

Ích lợi việc tổ chức thành Za là được miễn thuế, khỏi đóng phí giao thông khi qua các trạm kiểm soát, được độc quyền mua vào và bán ra.Nghĩa vụ của Za (gọi là zayaku = tòa dịch) là làm lao dịch, đóng tiền Za (zakin = tòa kim) và nạp phẩm vật cho các honjô đã che chở mình. Za là một tổ chức khép kín với bên ngoài, nên trở thành nguyên nhân của sự tăng giá quá độ các mặt hàng và gây tắc nghẽn trong hoạt động thương mãi. Từ đời Muromachi trở đi đã xuất hiện những honjô không có Za và có những con buôn độc lập không phụ thuộc vào Za nào cả. Đến thời Sengoku thì đặc quyền của Za bị bãi bỏ sau khi Lệnh buôn bán tự do (Rakushirei = Lạc thị lệnh) được ban ra nhằm xúc tiến lưu thông kinh tế.

Chúng ta cũng có thể mường tượng sinh hoạt của những người thợ cả (shokunin) các ngành nghề đương thời khi xem bộ tranh cuốn có nhan đề hóm hỉnh là Shichijuuichi ban shokunin uta-awase (Cuộc bình thơ của các thợ cả lần thứ 71). Bộ tranh đó trình bày một hội thơ theo phong cách kyôka (cuồng ca) tức thơ waka nhưng không mấy đứng đắn, mô tả cảnh làm việc của đủ mọi thành phần thợ thuyền và con buôn từ anh thợ cả ngành mộc (banjô) đến các anh thợ cả ngành đúc (imoji), ngành rèn (kajishi), ngành sơn (nushi), ngành mài dao (togishi), ngành chép kinh (kyôji), ngành chế giấy (kamisuki), ngành đóng áo giáp (yoroishi) vv... Nhờ bộ tranh đó mà ta hiểu sự phân công các ngành nghề của xã hội thời Muromachi đã đa dạng hóa đến mức độ nào.    

Nếu so sánh các tổ hợp ngành nghề (Za) được thành lập vào thời Muromachi với các tổ hợp ngành nghề có mặt cho đến lúc đó thì ta thấy Za có nhiều đặc sắc. Dĩ nhiên chữ Za (tọa, tòa) có nghĩa là “chỗ ngồi” như trong từ zaseki (tọa tịch = chỗ ngồi). Ở đây nó ám chỉ người nào đã có được một chỗ đứng (chỗ ngồi) trong nghề nghiệp của mình.Sau đó tiến xa hơn nữa, nó ngầm chỉ một tập đoàn của những người chuyên nghiệp nghĩa là kẻ đã xác định chỗ đứng (ngồi) của mình trong lãnh vực chuyên môn nào đó.

Cho đến lúc ấy, các Za được đặt dưới sự bảo hộ nên tùy thuộc vào các honjo (bản sở) tức là các gia đình công khanh, đại tự viện hay đền thần đạo vốn nắm thực quyền lãnh đạo trang viên thái ấp. Thế nhưng đến đời Muromachi dần dà họ đánh đổi sự bảo hộ ấy bằng cách trả một thứ thuế doanh nghiệp thành ra độc lập hơn chứ không chịu hoàn toàn sự chi phối của các chủ nhân ông kia nữa. Họ bắt đầu tự mình sản xuất theo đòi hỏi của thị trường để cung ứng cho nó.

Sau đây là những Za hay tổ hợp ngành nghề có tầm cỡ đáng lưu ý vào giai đoạn đó.

Có 4 tổ hợp quan trọng. Trước hết, ta phải nói đến Ôyamazaki-aburaza một tổ hợp buôn dầu vừng để đốt đèn. Abura có nghĩa là dầu và Ôyamazaki là địa danh ở vùng Kyôto. Đó là địa điểm đền thần đạo Hachimanguu thuộc ly cung (biệt điện nhà vua) ở vùng Ôyamazaki. Aburaza này độc quyền việc thu mua nguyên liệu dầu thắp đèn (tôyu) lấy từ cây vừng dầu (egoma-abura) trong mười tiểu quốc của các xứ Kinai, Mino, Owari, Awa, Higo.Sau đến Kôji-za thuộc đền thần Kitano chuyên buôn mầm mạch nha (kôji, malt), Wata-za đền Gion chuyên về bông vải (wata, cotton), Aoso-za nhà công khanh Sanjônishi chuyên về tơ bóc từ vỏ cây gai (aoso). Những đền chùa và công khanh đều là các honjo tức kẻ nắm quyền cai quản cho nên đối với họ, các Za phải cung cấp sức lao động hay đóng một món tiền khoán gọi là zayaku (tọa dịch, còn gọi là zasen hay tọa tiền). Để đánh đổi, các honjô bảo đảm độc quyền mua đi bán lại cho họ và tha các thứ thuế khác như thuế buôn, thuế chợ, thuế đi đường (khi qua các cửa ải). Ngoài ra, riêng ở Kyôto, người ta thấy có Shifukayochô-za. Za này như cái tên của nó (Shifukayôchô = tứ phủ giá liễn đinh) là một tập đoàn trực thuộc tứ phủ (4 phủ = 2 phủ tả hữu thành ra là 4) của triều đình tức là Konoe-fu (Cận vệ phủ, hay phủ ngự lâm quân) và Hyôe-fu (Binh vệ phủ) và lo việc khiêng kiệu thần vào dịp lễ lạc và xa giá cho thiên hoàng. Bởi vì Za này được độc quyền làm ăn một số nghề cho nên các con buôn và thợ ở vùng Kamijô (Kinh thượng, tên gọi vùng phiá bắc thành phố Kyôto chung quanh cung điện), tham gia rất đông đảo. Chùa Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) ở Nara cũng thế. Chùa bao trùm nhiều Za khác nhau. Hai phân viện của chùa là Đại thừa viện và Nhất thừa viện đều làm kinh tế. Họ cai quản nghề buôn tơ lụa (Kinu-za) và cả nghề bán cá (Uo-za)

Ngay cả trong lãnh vực văn hóa văn nghệ, chúng ta vẫn thấy kiểu tổ chức theo Za. Văn hóa Kitayama mà điển hình là tuồng Nô (Năng nhạc) sở dĩ được phát triển mạnh là nhờ có tổ chức Yamato Sarugaku-shiza (Đại hòa viên nhạc tứ tòa) hay là 4 rạp hát tuồng trong vùng Yamato (khu vực kinh đô và chung quanh).Bốn rạp hay bốn gánh hát ấy (shiza, tứ tọa, tứ tòa) là Kanze-za (Quan Thế), Hôshô-za (Bảo Sinh), Konbaru-za (Kim Xuân) và Kongô-za (Kim Cương).Từ Kanze-za đã xuất hiện hai tên tuổi lớn là cha con Kan.ami (Quán A Di, 1333-1384) và Zeami (Thế A Di, 1363 ? -1443). Các ông vừa là soạn giả, vừa là diễn viên, được Shôgun Yoshimitsu bảo hộ, yên tâm sáng tác và đã cho ra đời rất nhiều kịch bản tuồng Nô (gọi là yôkyoku hay dao khúc), đưa sarugaku-nô (viên nhạc năng) vốn là một loại tuồng sơ khai dành cho lễ hội ở nông thôn đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của nó.Chúng ta lại biết thêm là Zeami đã để lại cho hậu thế một bí kíp trứ danh giải thích cái hay của Nô (hana = hoa) mang tên Fuushikaden (Phong tư hoa truyền = Cách truyền lại tinh hoa nghệ thuật diễn xuất). 

Tuy vậy, do sự phát triển của thương nghiệp, kể từ thế kỷ 15 trở đi, đã có những nhà buôn mới nổi lên. Đặc điểm của họ là đứng ngoài các Za. Khi biết rằng sở dĩ giới sản xuất và buôn bán họp nhau lại thành Za vì lý do bảo vệ quyền lợi cho phe nhóm cho nên dĩ nhiên là sự xuất hiện của các nhà buôn mới nổi lên chỉ làm rầy rà hoạt động của họ.Giữa hai bên không ngừng nẩy sinh ra những sự cố vì đối nghịch, phân tranh trong vấn đề bảo vệ quyền mua bán. Thương nghiệp nhân đó bị đình đốn. Đến thời Sengoku (Chiến Quốc) trong đám các lãnh chúa (daimyô) ở các tiểu quốc, có những người thấy rằng cần phải phế bỏ đặc quyền của các Za nên đã hành động trong chiều hướng đó. Chủ đích của họ có thể nắm được qua tiêu đề gồm bốn chữ là Rakuichi rakuza (Lạc thị lạc tọa) mà chúng ta sẽ mổ xẻ tường tận về sau.

Sau đây, hãy thử trình bày những vấn đề đã xảy ra trong sự trao đổi thương mại thời bấy giờ. Ví dụ các vấn đề địa điểm, hóa tệ và lưu thông hàng hóa.

Trước tiên, về địa điểm trao đổi hàng hóa thì kể từ thời Kamakura, người ta đã tổ chức những phiên chợ định kỳ. Tùy theo việc chợ họp bao nhiêu lần trong một tháng mà nó có tên là sansai-ichi (tam trai thị, chợ họp mỗi tháng 3 lần), rokusai-ichi (lục trai thị, chợ họp mỗi tháng 6 lần). Sau loạn Ônin (cuộc đại loạn kéo dài từ niên hiệu Ứng Nhân đến Văn Minh, 1467-77), chợ hầu như họp 6 lần một tháng (rokusai-ichi). Trong số các chợ, thường có những ngôi chợ chuyên bán một số mặt hàng đặc biệt, chẳng hạn chợ Kyôto Sanjô và Shichijô (khu vực đường số 3 và số 7 ở Kyôto) chuyên bán gạo và chợ Yodo chuyên bán cá. Trên các bức tranh bình phong Rakuchuu rakugaizu byôpuu vẽ cảnh bên trong (Rakuchuu) và bên ngoài (Rakugai) thành phố Kyôto, ta có thể nhìn thấy cảnh tượng cuộc sinh hoạt rất sống động trong các chợ đương thời, các cửa tiệm với những mặt hàng bày bán trên quầy và cả bóng dáng những người làm nghề bán dạo.  

 “Lạc trung lạc ngoại đồ”, tranh vẽ cảnh phố phường Kyôto của Kano Eitoku

Việc ở vùng trung tâm các đô thị có những ngôi chợ mọc lên như vậy chứng tỏ kinh tế lưu thông hàng hóa đã được phát triển. Tuy nhiên trong chợ có các sạp chợ (ichiza = thị tọa, thị tòa) nghĩa là “chỗ ngồi” mà người đi buôn nếu không đóng thuế doanh nghiệp thì không có quyền sử dụng để buôn bán.    

          

Tái tạo hình ảnh Ôharame, các cô gái bán củi và than thời xưa qua lễ hội

Ngoài các chợ còn có một hệ thống buôn bán song song do những người bán dạo (gyôshô = hành thương, gyôshônin = hành thương nhân) phụ trách.Những người bán dạo mỗi ngày một đông, họ thường đeo cái rương bằng gỗ gọi là renjaku (liên tước, liên xích) giống như sạp hàng nhỏ trên lưng. Từ đó mà ta có được renjaku shônin, cái tên để gọi người bán dạo. Những ai bán dạo mà gánh hàng bằng đòn gánh, vừa đi vừa rao thì được gọi là furiuri (chấn mãi) có thể vì động từ furu (chấn à furi) trong tiếng ấy hàm ý chuyển động. Hạng người bán dạo tiêu biểu của giới này là các cô các bà bán than, bán củi trong thành phố Kyôto, vốn có tên là Oharame (Đại Nguyên nữ, vùng Ôhara phía bắc Kyôto là khu vực núi non có thể lấy củi, than), cũng như các Katsurame (Quế nữ, sông gọi là Katsuragawa ở Kyôto lắm cá) phụ nữ đội thúng lên đầu đi bán cá ayu (cá hương, sweetfish) bắt được bằng chim ugai (chim cốc, cormorant). Ngoài ra trong giới bán dạo còn có các cô các bà bán cá, quạt, vải vóc, đậu hủ. Cũng thấy cả bóng dáng phụ nữ đi buôn những loại tiền bạc.

Thế rồi dần dần các tiệm được đặt ở một nơi ổn định, việc mà ngày nay không ai lấy làm ngạc nhiên nhưng xưa kia, phải mất nhiều thời gian người ta mới thực hiện được điều đó.Trên thực tế, hình thức tiệm đã có từ cuối thời Heian. Tuy vậy đến gần hết thời Kamakura người ta mới biết bày mặt hàng trên quầy hàng (misedana). Đến đời Muromachi thì mới có danh từ tiệm phố (tenpo) và hàng hóa được bày bán bên trong tiệm và khái niệm tiệm (mise) mới chính thức hoàn thành.

                       

Gyôshônin, anh hàng rong thời trung cổ Nhật Bản

Thứ đến, đề cập đến hóa tệ vào thời điểm này thì ta biết sự sử dụng của nó đã khá phổ cập.Bối cảnh của sự phổ cập ấy là người ta đã chuyển đổi các sản phẩm tuế cống sang kim tiền nghĩa là thay vì nộp đồ vật thì người ta nộp tiền.Hơn nữa, hóa tệ rất tiện lợi một khi việc thương mãi với các vùng xa xôi được mở mang. Từ đó người đi buôn tích cực dùng hóa tệ và những phương tiện thanh toán khác như chứng thư hối đoái để thay thế tiền mặt (kawase = vi thế hay saifu = cát phù) trong các cuộc đổi chác.

Hóa tệ được sử dụng trong giai đoạn này là các loại tiền đời Tống, Nguyên và Minh. Bởi vì khi chế độ luật lệnh suy thoái, công việc đúc các thứ hoá tệ gọi là “hoàng triều thập nhị tiền” của người Nhật đã cáo chung với đồng tiền cuối cùng có tên là Kengen Taihô (Càn Nguyên đại bảo). Do đó, tiền nhà Minh (Minh tiền) được xem như công cụ đã giúp xúc tiến mậu dịch khám hợp (kangô bôeki, hình thức mậu dịch chính thức của nhà nước đã giải thích bên trên) giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Xin nhắc lại những loại tiền đó là Vĩnh Lạc thông bảo, Hồng Vũ thông bảo và Tuyên Đức thông bảo, đặt theo niên hiệu của ba hoàng đế nhà Minh.

                         

Đồng tiền Vĩnh Lạc

Kinh tế trao đổi dựa lên việc sử dụng hoá tệ như công cụ được gọi là kinh tế hoá tệ. Tuy nhiên, nếu kinh tế hóa tệ này phát triển, không phải là nó không đẻ ra vấn đề, mà còn  đẻ ra một vấn đề lớn nữa là khác. Đó là việc tiền do tư nhân trong nước đứng ra đúc (shichuuzen = tư chú tiền) vậy. Những loại tiền này thường có chất lượng xấu, nhiều khi là tiền không được lành lặn (kakezeni = khuyết tiền) hay tiền vụn vỡ (phá tiền = warezeni). Chúng mang một cái tên chung là bitazeni (bita viết chữ Hán lá ác với bộ kim), người đi buôn thường tránh loại tiền xấu này. Hiện tượng này được gọi là chọn lựa tiền (erizeni = soạn tiền). Nó làm mất nhiều thời giờ của người đi buôn, làm cho sự trao đổi bị đình đốn và đưa kinh tế đến chỗ rối loạn.

Do đó, mạc phủ và các lãnh chúa thời Sengoku (Chiến Quốc) mới đặt ra điều lệ để ấn định cách thức đổi tiền xấu (ác tiền) ra tiền tốt (lương tiền). Họ định tỷ lệ giữa chúng và còn đưa ra Erizenirei (Soạn tiền lệnh) để cấm lưu hành một số loại tiền xấu.

Khi kinh tế hóa tệ phát triển mạnh thì hoạt động của giới buôn bán, cho vay tiền cũng mạnh ra. Những thương gia hay nhà sản xuất có thế lực như các nhà nấu rượu hay buôn rượu (và cả quán rượu, sakaya) mới làm thêm một nghề phụ gọi là dosô (thổ thương, nguyên nghĩa là nhà kho) [2]nhưng bản chất là cung ứng tư bản để lấy lãi cao. Bắt đầu từ thời Kamakura, lối làm ăn này trở nên rất thịnh vượng dưới thời Muromachi. Tính ra vào thế kỷ 15, trong thành phố Kyôto đã có khoảng 350 nhà buôn rượu có nhà kho (sakaya-dosô) như thế. Ngay cả Nara cũng có khoảng 200. Thế mới thấy lúc đó kinh tế hóa tệ đã phát triển đến mức độ nào!

Yếu tố thứ ba đã trở thành động lực cho sự trao đổi hàng hóa lúc đó là hệ thống giao thông. Trên bộ, trên sông, trên biển, nhiều tuyến đường được mở mang để giúp cho việc chuyển hàng về các vùng sâu vùng xa được dễ dàng.Việc vận chuyển đường biển thời trung đại đã được ấn định bằng luật lệ như đạo luật Kaisen shikumoku (Hồi thuyền thức mục). Nhờ đó mà chúng ta biết cách thức thuyền bè ngày xưa chuyển vận một cách định kỳ qua bến cảng của các địa phương như thế nào. Một văn bản khác, Hyôgo Kitaseki Irifune Nôchô (Binh Khố bắc quan nhập thuyền nạp trương) có nghĩa là sổ sách về việc thu nạp của thuyền bè đi qua trạm kiểm soát ở phía bắc Hyôgo (Binh Khố, vùng Kobe ngày nay) cho ta thấy đã có 1960 chuyến thuyền đi từ các hải cảng ven Thái Bình Dương của vùng biển nội địa và đảo Shikoku chở hàng về Kyôto vào năm Bun.an thứ 2 (1445). Con số thuyền bè vừa nói chứng tỏ cách đây 500 về trước, sự vận chuyển đưòng biển ở Nhật đã có một qui mô rất đáng lưu ý. Ở những cứ điểm quan trọng trên tuyến đường, giới buôn sĩ (toiya) đều đặt nhà kho và sự có mặt của các cơ sở ấy đã gắn liền với quá trình hình thành các đô thị địa phương. Hơn nữa, ở những địa điểm nằm trên tuyến đường đem hàng hóa về Kyôto, đã xuất hiện rất nhiều người thuộc giới chuyển vận hàng hóa. Họ đặt hàng trên lưng ngựa (bashaku = mã tá) tức là thồ bằng ngựa hay chuyển vận bằng xe do bò hoặc ngựa kéo (shashaku = xa tá). Hai thành phố Sakamoto và Ôtsu của vùng Ômi (gần hồ Biwa) là điểm chuyển tiếp của những tuyến đường thủy lục nên nghề chuyển vận bằng sức ngựa hết sức phát đạt.

Thấy việc lưu thông thịnh vượng như thế, các giới chức của mạc phủ, tự viện, đền thần cũng như gia đình công khanh bèn kiếm cách chấm mút. Họ lập những trạm kiểm soát (sekisho) ở những nơi hiểm yếu hòng trưng thu các loại thuế má có tên là tsuryô (tân liệu = thuế bến) hay kansen (quan tiền = thuế quá quan). Đó là những sự cố đã ngăn trở việc vận chuyển hàng hóa và giao thông không ít. Vì vậy nó đã làm bùng nổ các vụ tạo phản tức ikki của dân chúng. Tsuchi-ikki xảy ra vào năm Shôchô chẳng hạn là do giới bashaku châm ngòi thuốc súng.

4.3 Sản vật đặc biệt của các vùng:

Sau đây xin liệt kê một số sản vật đặc biệt địa phương vào thời Muromachi:

-          Hàng tơ sợi: các vùng Kaga, Tango, Hitachi.

-          Giấy: Harima (giấy Suibara), Mino (giấy Mino), Echizen (giấy Torinoko).

-          Đồ gốm: Mino, Obari.

-          Cuốc: Izumo, đao kiếm: Bizen, lò đun: Noto, Chikuzen, nồi chảo: Kawachi.

Trong những mặt hàng này thì có đao kiếm (Nhật) là vật dụng người trong nước ưa chuộng mà cũng là món hàng xuất khẩu quan trọng cho mậu dịch Nhật Minh. Do đó đao kiếm đã được sản xuất với một số lượng cực lớn. Kể từ nửa sau đời Heian, thời có nhiều cuộc chiến loạn, đao kiếm của Nhật đã được cải tiến và đạt đến chất lượng tốt. Chúng không còn được chế theo lối thẳng băng (chokutô =trực đao) như từ trước đến lúc đó mà là theo hình cung (wantô = loan đao), lưỡi có rìa bên ngoài (sotozori) nên chém rất ngọt, không sợ gảy hay bị cong queo. Ngoài ra, vùng Kyôto lại sản xuất loại gấm cao cấp gọi là Nishijino-ori. Nishijin hay Tây trận ý muốn nói được sản xuất ở địa điểm từng là nơi đạo binh miền Tây của lãnh chúa Yamana đóng quân khi ông kéo bộ hạ  lên kinh đô để thư hùng với quân miền Đông của họ Hosokawa trong cuộc đại loạn năm Ứng Nhân (Ônin no ran, 1467-77). Nghề nấu rượu của các vùng Kawachi, Yamato và Settsu, không xa Kyôto bao nhiêu, cũng nổi tiếng và tạo ra được thương hiệu cho địa phương mình.

                                 

Rèn đao kiếm

Mặt khác, về muối ngon thì phải nói đến vùng Yugeshima ở Iyo (tỉnh Ehime bây giờ) và Shiakushima thuộc Sanuki (trên đảo Shikoku). Đó là loại ruộng muối (agehama) thiên nhiên. Người ở đấy chế muối bằng phương pháp cổ điển nghĩa là đắp đê chắn bãi cát lấy nước biển do thủy triều đưa lên.

Như trên, chúng ta đã đi hết một vòng trong việc quan sát tình hình xã hội thời  Muromachi để biết rằng, lúc đó, không chỉ nông nghiệp mà cả thương và công nghiệp đều đã có những bước tiến đáng kể.


[1] Nguồn Nihonshi Zuroku (trang 123)

[2] Những tiệm rượu vì có nhà kho lớn nên có thể giữ hàng hóa và cho thương nhân vay tiền.Trong trường hợp này, tiệm rượu(sakaya) được gọi là sakaya dosô.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511074

Hôm nay

273

Hôm qua

2359

Tuần này

21448

Tháng này

217947

Tháng qua

121356

Tất cả

114511074