Những góc nhìn Văn hoá

Nho giáo với lịch sử Việt

Hiện diện trong nhiều thế kỷ như một mô hình tổ chức và quản lý xã hội mang tính chất chính thống, một phương thức hoạt động và phát triển văn hóa đóng vai trò chủ đạo, Nho giáo đã để lại ảnh hưởng sâu đậm của nó trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, những ảnh hưởng vẫn tiếp tục tác động tới đời sống xã hội Việt Nam sau thế kỷ XIX. Là một giá trị ngoại sinh được tiếp nhận và vận dụng như một học thuyết chính trị để xây dựng và bảo vệ đất nước, một hệ thống chuẩn mực để tổ chức và quản lý xã hội, Nho giáo sau thời Bắc thuộc cũng được khuôn nắn lại về nội dung và cơ cấu rồi trên cơ sở đó trở thành một yếu tố vừa góp phần thực hiện vừa góp phần phản ảnh tiến trình lịch sử Việt Nam. Tìm hiểu Nho giáo với con đường phát triển và ảnh hưởng văn hóa của nó trong lịch sử Việt Nam do đó có thể góp thêm nhiều dữ kiện vào việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói riêng cũng như lịch sử Nho giáo nói chung.

Sau hàng ngàn năm bị đô hộ, xã hội Việt Nam bước ra khỏi thời Bắc thuộc với một di sản nặng nề trong đó nổi bật là tình trạng chưa toàn diện và đồng bộ của hệ thống quản lý xã hội. Tầng lớp trí thức còn mỏng manh về số lượng, phân tán về học vấn và chưa có kinh nghiệm quản lý chưa đảm trách được vai trò người dẫn đạo tinh thần và điều hành đất nước, tình hình này bộc lộ qua nhiều biến động chính trị dưới các triều Ngô Đinh và Tiền Lê. Trong khi đó các chính quyền ở Trung Hoa từ thời Đường mạt Ngũ đại đến thời Tống đều lăm le áp đặt lại ách thống trị của người Hán ở khu vực này, đồng thời những xung động từ tình trạng phân tranh ở Trung Quốc trước đó cũng để lại dư âm của nó ở một Việt Nam vừa giành độc lập, với không ít trường hợp sự thống nhất quốc gia bị coi nhẹ hơn các lợi ích địa phương. Không phải ngẫu nhiên mà các vua khai sáng bốn triều Ngô Đinh Lê Lý đều là những người xuất thân võ tướng. Nhu cầu khách quan trong hoạt động bảo vệ chính quyền và quản lý xã hội đương thời đòi hỏi xác lập một mô hình chính trị, nhưng từ nhà nước tam giáo hòa đồng thời Lý Trần tới nhà nước thế tục Nho giáo thời Lê thì lịch sử pháp quyền và lịch sử tư tưởng ở Việt Nam đã không song hành suốt mấy trăm năm. Sự phát triển quanh co của Nho giáo sau thời Bắc thuộc đến thế kỷ XV do đó ngoài ý nghĩa là kết quả của quá trình đấu tranh với phong kiến Bắc phương để gìn giữ sự độc lập chính trị và quyền tự quyết văn hóa của dân tộc Việt Nam còn là bằng chứng về quá trình đấu tranh trong xã hội Việt Nam để xác định mô hình phát triển của quốc gia phong kiến Đại Việt. Song mặc dù đã có một Trần Nghệ tông phê phán lối rập khuôn thể chế Trung Hoa của “bọn học trò mặt trắng” (1), một Hồ Quý Ly chê bai những cây đại thụ của Tống nho Trung Quốc là “học rộng nhưng ít tài” (2), chính quyền cũng như giới trí thức Việt Nam thời Lý Trần và cả Hồ sau đó vẫn không đưa ra được một học thuyết chính trị nào hoàn toàn độc lập với mô hình phương Bắc. Như một dòng chảy ngầm, sự khủng hoảng tư tưởng ấy đã liên tục đặt xã hội Việt Nam vào tình trạng bất ổn định về chính trị, kể cả sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh. Cho nên sau những xáo trộn chính trị buổi đầu, nhà Lê đã dứt khoát chọn Nho giáo như lý thuyết độc tôn, mô hình chính thống. Dĩ nhiên hệ quả tất yếu của việc tiếp nhận Nho giáo là việc cải tạo xã hội để tiếp nhận Nho giáo, điều này vô hình trung cũng tạo ra những khoảng cách mới giữa giữa tư tưởng chính thống với văn hóa truyền thống, giữa xã hội và chính quyền. Học thuyết chính trị của Khổng Tử chính là đặt vấn đề bổ sung và hoàn thiện mô hình xã hội tông pháp chế định hình ở Trung Quốc từ thời Ân Thương, nhưng xã hội người Việt thời cổ không hề có chế độ tông pháp với quy định nghiêm ngặt về dòng đích dòng thứ như truyền thuyết bánh chưng bánh dày đã ít nhiều cho thấy. Việc tiếp nhận Nho giáo do đó cũng vấp phải những trở ngại từ phía văn hóa truyền thống, chẳng hạn thiết chế làng xã cổ truyền Việt Nam với những tàn dư dân chủ nguyên thủy đã chặn nhiều yếu tố Nho giáo chính thống lại ngoài lũy tre làng. Quá trình dân tộc hóa như vậy khiến hệ thống Nho giáo quan phương thiên về hoạt động quản lý của chính quyền trở thành chỗ hội tụ nhiều mâu thuẫn xã hội và chính trị trong đất nước, nơi phản ảnh nhiều xung đột quyền lợi và nhận thức của xã hội, mà bằng chứng điển hình là sự phân hóa phức tạp của tầng lớp nho sĩ sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Cho nên cuộc đảo chính của Mạc Đăng Dung năm 1527 mặc dù mang cái hình thức chính trị ít nhiều ngẫu nhiên cũng là một hệ quả tất yếu trên con đường phát triển của văn hóa dân tộc: sau Trần Thủ Độ – Trần Cảnh rồi Hồ Quý Ly, các lực lượng chính trị trong quốc gia Đại Việt từ Mạc Đăng Dung rồi nhiều chúa Trịnh và chúa Nguyễn sau đó đã liên tục kế tiếp nhau phủ nhận lý thuyết chính trị thiên mệnh của Nho giáo chính thống, đưa lịch sử chính trị Việt Nam thời phong kiến trở về quỹ đạo phù hợp với cơ cấu xã hội và hiện trạng đất nước đương thời. Cùng với việc mở rộng về phía nam của bản đồ Đại Việt và sự phát triển của kinh tế thương nghiệp từ thế kỷ XVI, tình hình này là tiền đề xã hội cho một giai đoạn phát triển khác, phong phú mà cũng phức tạp hơn của Nho giáo ở Việt Nam.

Là động lực tư tưởng dẫn tới cuộc chiến tranh trung hưng của nhà Lê sau khi bị nhà Mạc cướp ngôi, lý thuyết chính trị Nho giáo cũng chịu tác động của cuộc chiến tranh này như một động lực phản hồi tương ứng. Cho nên mặc dù thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền thống trị với nhà Mạc, nhà Lê trung hưng vẫn không thể quay về với mô hình Nho giáo đời Lê Thánh tông. Xung đột Lê Mạc chưa chấm dứt thì mâu thuẫn Trịnh Nguyễn đã nảy sinh, và tình hình không song hành giữa lịch sử pháp quyền với lịch sử tư tưởng trước kia lại tiếp tục trình hiện qua sự phát triển của Nho giáo. Như một sản phẩm bất khả kháng của thực tế lịch sử, tổ chức quân chính lồng vào bộ máy quan liêu của các chính quyền từ Mạc, Lê Trịnh, họ Nguyễn Đàng Trong rồi Tây Sơn, Nguyễn Ánh và cả nhà Nguyễn đến đầu đời Minh Mạng luôn bộc lộ tính chất chông chênh trên đường hướng trị đạo Nho giáo, còn với các ông vua không ngai trong vương tộc họ Trịnh từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Tùng, Trịnh Tráng…, thiết chế “đã có vua lại có chúa” quái gở của chính quyền Lê Trịnh đã thật sự là một báng bổ đối với chuẩn mực chính trị Nho gia. Chính tình hình nói trên đã làm dấy lên trào lưu thực học mà thật ra là sự đối phó học thuật trong cuộc đấu tranh không cân sức với lực lượng phong kiến quân phiệt của một bộ phận nho sĩ quan liêu ở Đàng Ngoài thế kỷ XVIII. Không lạ gì mà sau Nguyễn Bỉnh Khiêm, các bậc đại nho Việt Nam từ Lê Quý Đôn tới Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục… hầu như đều là các sử gia, các nhà bách khoa chứ không có mấy người chuyên về triết học. Nguyên lý Nho giáo được vận dụng một cách nửa vời đã hạn chế giới trí thức Nho học Việt Nam đi sâu vào các vấn đề triết học và phương pháp luận, trong khi thực tiễn đồ vương tranh bá lại khiến các tập đoàn phong kiến đều đề cao đạo đức hiếu trung. Dưới áp lực chính trị ấy, các chuẩn mực xã hội Nho giáo cũng tán phát sâu rộng hơn vào sinh hoạt xã hội ở Việt Nam, dĩ nhiên cũng dễ chuyển hóa thành tín điều hay sai lệch về nội dung vì không xác lập được mối quan hệ vững chắc với lý luận. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục khoa cử đã bình thường hóa sự hiện diện của Nho giáo trong đời sống xã hội, tầng lớp nho sĩ đông đảo hơn trước trở thành lực lượng phổ biến Nho giáo trong sinh hoạt làng xã, nên khác với giai đoạn trước được tiếp nhận chủ yếu bởi chính quyền và trí thức, từ thế kỷ XVI trở đi Nho giáo đã thấm sâu hơn vào nhiều cơ tầng của văn hóa dân gian. Các bản hương ước ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thế kỷ XVII – XVIII cũng như nhiều truyện Nôm khuyết danh thế kỷ XVIII – XIX cho thấy điều này. Chính trên cơ sở đó mà hệ thống Nho giáo nhân dân hóa ở Việt Nam đã hình thành, hệ thống có thể coi như một dòng phái sinh không hoàn chỉnh trong ý nghĩa là một hệ thống chuẩn mực xã hội đồng thời không thuần nhất trên phương diện là một hệ thống học thuật – lý luận song lại có vai trò cũng như tác dụng xã hội phổ biến hơn so với loại Nho giáo quan phương của giai cấp phong kiến. Quá trình nhân dân hóa kế tiếp quá trình dân tộc hóa đã góp phần xác lập diện mạo của Nho giáo ở Việt Nam, nhưng khác với Đàng Ngoài mà các quá trình xã hội luôn bị kìm chế bởi nền kinh tế tự cấp tự túc kiểu tiểu nông, quá trình này lại diễn ra một cách sinh động ở Đàng Trong, trạm trung chuyển quan trọng đưa con người Việt Nam bước vào không gian Đông Nam Á.

Sau khi cục diện Nam Bắc triều chính thức mở ra, các chính quyền phong kiến ở Việt Nam đều phát triển theo xu thế quân phiệt hóa. Nhưng ở Thuận Quảng thế kỷ XVI rồi Đàng Trong thế kỷ XVII trở đi thì sự khủng hoảng ấy của mô hình quân chủ Nho giáo lại được giải quyết trong những điều kiện khác. Được kích thích bởi kinh tế ngoại thương, văn hóa Đông Nam Á đương thời đã phát triển theo một quỹ đạo ngày càng xa lạ với mô hình Đông Á. Cho nên sau khi bước vào môi trường văn hóa Đông Nam Á trong hoàn cảnh biệt lập về chính trị với Đàng Ngoài, chính quyền Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII đã tiến tới thiết chế văn hóa – tư tưởng “Nho Thích song hành” (3), một thiết chế khá gần gũi với mô hình “chính trị – tôn giáo hợp nhất” phổ biến ở nhiều quốc gia trong khu vực đương thời nhưng khác hẳn nếu không nói là trái ngược với lý thuyết chính trị Nho giáo. Nhưng mô hình này lại đẩy mạnh xu thế nhân dân hóa của Nho giáo, vì vào thế kỷ XVII – XVIII thì Phật giáo đại thừa là tôn giáo phổ biến nhất trong xã hội người Việt ở Đàng Trong. Sự phát triển “lệch chuẩn” của bộ phận Nho giáo ở Đàng Trong vì thế đã đưa tới những kết quả tích cực khách quan đối với lịch sử vùng đất phía nam đất nước. Bởi vì nếu mô hình “quân bất quân thần bất thần” của Nho giáo ở Đàng Ngoài luôn tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ cung đình, nuôi mầm biến loạn thì yếu tố “vô thần” trong thiết chế Nho Thích hỗn dung của Nho giáo ở Đàng Trong lại giúp chính quyền và nhân dân Việt Nam ở vùng này nhất hóa chứ không đồng hóa nhiều nhóm cư dân có nguồn gốc văn hóa và lịch sử, phong tục và tín ngưỡng khác nhau thành một cộng đồng. Phương thức phát triển hội tụ của văn hóa Việt Nam ở Đàng Trong đã đưa tới cho Nho giáo ở vùng này một nguồn sinh lực mới, mà biểu hiện tập trung là quá trình nhân dân hóa qua thực tiễn xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tổ chức xã hội và bảo vệ biên cương. Đáng chú ý là sự tan rã của đế chế nhà Minh thế kỷ XVII đã đẩy nhiều di thần phản Thanh phục Minh Trung Hoa tỵ nạn chính trị xuống Đông Nam Á trong đó có Đàng Trong, và nhiều yếu tố văn hóa Hoa Nam trong đó có Nho giáo cũng được du nhập rồi tái tạo ở Đàng Trong trong những điều kiện mới, chẳng hạn phong khí nho cổ (thương nhân là nhà nho) rất thịnh hành từ thời Minh Thanh được du nhập đã ảnh hưởng tới Nho giáo ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII. Các nho sĩ Minh hương trong Sơn hội Gia Định như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Huỳnh Ngọc Uẩn đều là con nhà thương nhân, đều từng đi buôn trước khi tham gia chính quyền Nguyễn Ánh. Chính loại Nho giáo thương nhân tinh túy của hệ thống Nho giáo nhân dân hóa ở Đàng Trong này đã chiến thắng loại Nho giáo sĩ tộc đỉnh cao của hệ thống Nho giáo quan phương ở Đàng Ngoài trong nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh, giúp tập đoàn Nguyễn Ánh nhập thân vào trào lưu thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII để đưa ngọn cờ phục thù của mình về lại Phú Xuân rồi tiến tới Thăng Long.

Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh lâu dài giữa hệ thống Nho giáo nhân dân hóa với hệ thống Nho giáo quan phương thì việc thống nhất đất nước năm 1802 chỉ là một trong những kết quả. Sau 1832, những nỗ lực về chính trị của Minh Mạng đã ít nhiều đưa Nho giáo quan phương ở Việt Nam trở vào khuôn khổ Nho giáo chính thống, nhưng lúc bấy giờ thì hệ thống học thuật – lý luận Nho giáo đã không còn khả năng phản ảnh chính xác và toàn diện các quá trình xã hội trong đất nước nữa. Chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn với lý luận “dĩ nông vi bản” trong bối cảnh kinh tế thương nghiệp mà đặc biệt là ngoại thương ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX là một ví dụ. Hệ thống Nho giáo quan phương vừa lạc hậu về học thuật – lý luận vừa cực đoan về chuẩn mực xã hội của triều Nguyễn đã dẫn tới sự bế tắc của ý thức hệ chính thống. Trong khi đó, mặc dù không thể vươn tới chỗ trở thành một học phái thống nhất trên toàn quốc, hệ thống Nho giáo nhân dân hóa vẫn tiếp tục phát triển một cách tự phát với nhiều biến thái địa phương. Ở miền Bắc, nhà nho tiến bộ Cao Bá Quát nêu ngọn cờ “Bình Dương Bồ Bản không Nghiêu Thuấn, Mục Dã Minh Điền có Vũ Thang” để đấu tranh võ trang chống lại triều đình, còn ở miền Nam, nhà nho thương dân Nguyễn Đình Chiểu đề xướng việc cải tổ chính quyền “Thái sư cách chức về nhà làm dân” trong Lục Vân Tiên, đưa ra một chủ trương chính trị dung hòa hơn để giải quyết các vấn đề xã hội. Cuộc đấu tranh dằng dai giữa hai hệ thống này còn thể hiện qua nhiều hiện tượng, lãnh vực và quá trình xã hội khác, gây ra nhiều trở ngại cho việc ổn định xã hội cũng như thống nhất văn hóa sau 1802. Nhưng từ 1858 trở đi thì hệ thống Nho giáo nhân dân hóa lại từng bước vươn lên chiếm phần ưu thắng. Từ ngọn cờ chống Pháp “chẳng nghe Thiên tử chiếu” ở Nam Kỳ sau Hòa ước 1862 tới các cuộc vận động Minh tân, Duy tân, Đông du, Đông kinh nghĩa thục đầu thế kỷ XX, hệ thống này đã quy tụ được lực lượng nhân dân và sĩ phu yêu nước để tiến hành các hoạt động yêu nước và tiến bộ. Trong điều kiện bị giới hạn về phương tiện lý thuyết của toàn dân tộc trong cuộc đối đầu với phương Tây tư bản, hệ thống Nho giáo nhân dân hóa này đã thay thế Nho giáo quan phương của giai cấp phong kiến, góp phần kéo dài sự tồn tại của nhiều chuẩn mực xã hội Nho giáo trong sinh hoạt xã hội ở Việt Nam thế kỷ XX.

Bên cạnh đó, tuy sau khi Minh Mạng xóa bỏ chế độ quân chính, bố trí các văn quan vào vị trí chủ chốt trong bộ máy hành chính từ trung ương tới địa phương thì cuộc đấu tranh dằng dai giữa hai lực lượng phong kiến quân phiệt và phong kiến quan liêu từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX đã bắt đầu ngã ngũ, nhưng được sử dụng chủ yếu như một công cụ chính trị của các lực lượng quân phiệt trong một thời gian dài như vậy, Nho giáo quan phương ở Việt Nam đã đi lệch khỏi quỹ đạo lý thuyết chính trị thiên mệnh của Nho giáo chính thống, điều này tô đậm thêm tình trạng phát triển không đồng bộ giữa hệ thống học thuật – lý luận và hệ thống chuẩn mực xã hội của Nho giáo ở Việt Nam. Nho học quan phương thời Nguyễn mà đặc biệt là từ đời Minh Mạng lại hướng hoạt động giáo dục vào con đường đào tạo đội ngũ cán bộ thừa hành, nên đã xảy ra tình hình áp đặt các chuẩn mực chính trị vào đạo đức và mỹ học. Cho nên tìm hiểu Nho học ở Việt Nam, dễ nhận ra sự phiến diện về nội dung và nghèo nàn về sắc thái. Dường như ở Việt Nam, Nho học chỉ mới là lý thuyết về một khuôn mẫu chính trị chứ chưa thực sự là một hệ tư tưởng, một thế giới quan. Thiếu một căn bản vững chắc về triết học và phương pháp luận, nó không phản ảnh được các hiện tượng, lãnh vực và quá trình của hiện thực đời sống, của tiến trình lịch sử một cách chính xác và toàn diện, và do đó cũng dễ dàng trở thành một loại ý thức hệ tán dương. Ngoại trừ một số lãnh vực có quan hệ trực tiếp với chính trị như sử học và văn chương, ảnh hưởng của Nho học đối với nhiều lãnh vực sáng tạo tinh thần khác ở Việt Nam cũng mờ nhạt và phiến diện, chẳng hạn ngoài một số nho sĩ Đàng Trong thế kỷ XVIII và Minh hương Nam Bộ thế kỷ XIX như Ngô Nhơn Tịnh, Trịnh Hoài Đức, Trương Hảo Hiệp giỏi cả cầm kỳ thư họa, nho sĩ Việt Nam hầu như không có một truyền thống hội họa bác học. Tương tự, các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như âm nhạc, điêu khắc, biểu diễn… dường như cũng không được tổng kết và nâng cao bằng các chế định mỹ học của Nho giáo chính thống, đây chính là nguyên nhân lịch sử dẫn tới tình trạng ít nhiều giống như bị tách rời với truyền thống của nhiều bộ môn nghệ thuật khi Việt Nam chính thức bước vào thế giới hiện đại một cách bị động từ thế kỷ XX.

***

Khó mà tưởng tượng rằng nếu không có Nho giáo thì lịch sử và văn hóa Việt Nam đã phát triển ra sao, nhưng sự cố kết xã hội chung quanh một hệ thống quan niệm bên ngoài đưa tới như vậy tất yếu cũng dẫn tới việc cải tạo xã hội truyền thống. Bản thân sự cải tạo ấy mang một tính chất hai mặt, nên kết quả của sự cải tạo ấy cũng mang một ý nghĩa hai mặt. Việc tìm hiểu Nho giáo với lịch sử Việt Nam do đó vẫn còn là một đề tài nghiên cứu lớn, bởi vì như người ta đã thấy, các yếu tố Nho giáo mà đặc biệt là trong hệ thống chuẩn mực xã hội của nó vẫn tiếp tục song hành với sự phát triển lịch sử và những biến động xã hội ở Việt Nam sau 1945 rồi sau 1975. Hơn thế nữa, quan sát việc tiếp thu chủ nghĩa xã hội khoa học với việc tiếp thu Nho giáo, cũng dễ nhận ra những nét tương đồng: Việt Nam không có chế độ tông thân pháp nhưng vẫn tiếp nhận Nho giáo, cũng như không có giai cấp vô sản công nghiệp nhưng vẫn tiếp thu chủ nghĩa Marx. Nho giáo là lý thuyết tổ chức xã hội nhưng được tiếp nhận để khẳng định chính quyền, chủ nghĩa Marx là học thuyết đấu tranh giai cấp nhưng được tiếp thu để giải phóng dân tộc. Sự tương đồng trong việc chuyển hóa chức năng ở hai trường hợp này cũng đáng được tìm hiểu trên nhiều phương diện, và trong ý nghĩa ấy, việc tìm hiểu Nho giáo với lịch sử Việt Nam trong quá khứ cũng có thể góp phần soi rọi nhiều khía cạnh trong hiện trạng và xu thế của lịch sử hiện đại Việt Nam.

(1) (2) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr. 151 và 185

(3) Xem thêm Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 22 – 28

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512720

Hôm nay

2257

Hôm qua

2400

Tuần này

2657

Tháng này

219593

Tháng qua

121356

Tất cả

114512720