Suy cho cùng, bóng đá là một hình thức sinh hoạt văn hoá bởi nó đem lại cho cộng đồng rất nhiều giá trị vật chất và tinh thần. Trong bóng đá, qua bóng đá, vận động viên, huấn luyện viên, những ông chủ và người hâm mộ đã tạo nên những giá trị riêng của bóng đá. Có thể nhìn thấy, chiêm ngưỡng và chiêm nghiệm bóng đá từ văn hoá, kinh tế, chính trị và các vấn đề xã hội. Bóng đá đem lại cho người hâm mộ những thang bậc cảm xúc rất khác nhau từ đam mê cuồng nhiệt đến giận dữ mất khôn. Bóng đá tôn vinh cái đẹp và bóng đá cũng là tiền đề của nhiều cái xấu, nhiều tệ nạn khác nhau từ bạo lực đến gian lận, cá cược, bán độ. Từ trước đến nay đã có rất nhiều người đam mê bóng đá, yêu bóng đá một cách chân thành và trong sáng nhưng cũng không ít kẻ lợi dụng bóng đá vì các mục đích chính trị, kinh tế…
V- league 2010 mới đi chưa được nửa chặng đường nhưng nạn bạo lực đã nổi lên như muốn che phủ những nét đẹp của bóng đá. Cầu thủ cố tình đá rắn, đánh nóng, đánh nguội lẫn nhau, coi thường và xúc phạm trọng tài…Cổ động viên gây rối, ném vật cứng xuống sân động, xúc phạm cầu thủ, trọng tài …Thậm chí ở giải U19 năm nay có huấn luyện viên còn bóp cổ trọng tài…Có thể nói đã bắt đầu có dấu hiệu một tình trạng hỗn loạn trật tự, một tệ nạn bạo lực trong bóng đá Việt Nam. Tất cả các thành phần từ cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên, các nhà quản lý điều hành và cổ động viên, tuỳ vào từng trường hợp, vụ việc cụ thể, trong thời gian qua đều có trách niệm về tình trạng bạo lực trong bóng đá.
Bạo lực trong bóng đá Việt nam không phải bây giờ mới có nhưng trong mấy năm vừa qua đã gia tăng và trở nên trầm trọng hơn rất nhiều.
Bóng đá Việt nam đã có lịch sử hơn 100 năm nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một nền bóng đá chuyên nghiệp. Đó là nguyên nhân thứ nhất của tình trạng lộn xộn, tiêu cực và bạo lực trong bóng đá hiện nay. Thứ hai, Quy chế của Liên đoàn bóng đá Việt Nam chưa hoàn thiện và thực hiện chưa nghiêm, thậm chí theo cảm tính. Thứ ba, trong cơ chế thị trường chưa đầy đủ, còn lộn xộn hiện nay, bóng đá đã và đang bị các lợi ích kinh tế - xã hội khác chi phối, thậm chí bóng đá đang bị lợi dụng vì các mục đích khác nhau ngoài thể thao.
Bóng đá có văn hoá bóng đá. Chủ nhân văn hoá bóng đá là tất cả những ai tham gia sinh hoạt bóng đá. Đó là các cầu thủ, huấn luyện viên, các ông chủ, các nhà lãnh đạo, quản lý bóng đá và các cổ động viên. Văn hóa bóng đá chỉ có thể có được bằng sự nỗ lực của tất cả các thành phần này. Và muốn vậy, tất cả mọi người đều phải hướng đến một định hướng giá trị của bóng đá. Đó là phải tôn vinh nghệ thuật và tài năng đá bóng, trung thực, cao thượng và nhân văn trong bóng đá. Đá giỏi chưa đủ, phải đá hay, đá đẹp. Có tinh thần đồng đội nhưng phải có tính nhân văn, tinh thần cao thượng trong thi đấu.
Bóng đá phải là bóng đá và chỉ là bóng đá. Đối phương trong bóng đá không phải là kẻ thù mà là bạn. Phải như thế mới hy vọng có một thứ bóng đá sạch và đẹp để thăng hoa và trở thành nghệ thuật, đạt đến tầm văn hoá.