.jpg)
Oda Nobunaga dưới nét vẽ của giáo sĩ Jesuit Giovanni Niccolo
-
Trận Okehazama (1560):
Trận đánh đã đưa danh tiếng của Nobunaga lên cao là trận Okehazama vào năm 1560 (Eiroku 3). Năm đó ông đánh tan đạo quân của Imagawa Yoshimoto (Kim Xuyên, Nghĩa Nguyên, 1519-1560), lãnh chúa vùng Suruga (miền trung Shizuoka bây giờ). Yoshimoto bại tử. Kể từ ấy ông không còn e sợ dòng họ Imagawa, một lãnh chúa vốn có lãnh địa Suruga nằm ở phía đông lãnh địa Owari của mình. Điều này có nghĩa là Nobunaga từ lúc đó có thể tiến về kinh đô Kyôto (thực hiện được chính sách jôraku hay thượng Lạc) mà không phải sợ ai tập kích từ sau lưng. Danh từ “thượng Lạc” (jôraku) có nghĩa là tiến về thành Lạc Dương, cách nói bóng bẩy của việc “vào kinh đô tham dự quốc chính”. Lên Kyôto là có cơ hội tiếp xúc với Thiên Hoàng, mà một khi đã là con nhà samurai thì điều đó được coi như là một vinh dự cùng cực vì biểu dương được thực lực của mình.
-
Tấn công Mino và thượng kinh:
Tiếp theo, vào năm 1567 (Eiroku 10), Nobunaga trên thực tế mới bắt đầu tiến về miền Tây. Trước tiên, ông diệt họ Saitô (Trai Đằng) ở vùng Mino, đặt vùng đồng bằng Nôbi trù phú dưới quyền kiểm soát của mình. Chiếm được một vùnh đất đai phì nhiêu sản xuất nhiều lúa gạo như thế, Nobunaga đã có thể bảo đảm về mặt kinh tế và đồng thời phát triển thế lực quân sự. Ông bèn đổi tên ngôi thành Inabayama mà họ Saitô đã chiếm giữ cho đến lúc ấy thành Gifu, đồng thời cũng sử dụng quả ấn có mấy chữ Tenka fubu (Thiên hạ bố vũ) đóng trên các công văn để nói rõ ý chí của mình là muốn dựa vào vũ lực để thống nhất lãnh thổ.
Oda Nobunaga trên đường thống nhất lãnh thổ:
Năm
|
Sự kiện
|
Chi tiết
|
1560
|
Trận Okuhazama
|
Tiêu diệt Imagawa Yoshimoto
|
1567
|
Chiếm vùng Mino
|
Đuổi Saitô Tatsuoki đi, đổi tên thành Inabayama ra thành Gifu
và dựng căn cứ địa, xem vùng Kanô thuộc Mino như khu vực buôn bán tự do (rakuichi).
|
1568
|
Nhập kinh
|
Phụng mệnh Shôgun Ashikaga Yoshiaki lên kinh đô Kyôto.Cho thực hiện việc đo đạc kiểm soát cựu lãnh địa của họ Rokkaku ở quận Gamô.
|
1569
|
Bố cáo lệnh chọn tiền tức Erizeni-rei (Soạn tiền lệnh)
|
Bố cáo lệnh này trước xóm buôn bán Tennôji ở Kyôto để lọc tiền tốt khỏi tiền xấu (sứt mẻ hay kém chất lượng).
|
1570
|
Trận Anegawa
|
Phá tan liên quân của hai họ Azai và Asakura. Trụ trì đời thứ 11 chùa Honganji là tăng Kennyo (Hiển Như) cử binh chống Nobunaga (chiến tranh Ishiyama kéo dài 11 năm).
|
1571
|
Đốt chùa Enryaku
|
Nobunaga đốt phá Enryakuji (Diên Lịch Tự) trên núi Hieizan
|
1573
|
Phế Shôgun
|
Đuổi Shôgun Ashikaga Yoshiaki (Túc Lợi Nghĩa Chiêu). Mạc phủ Ashikaga diệt vong.
|
1574
|
Bình định giáo đồ Ikkô (Nhất Hướng)
|
Bình định cuộc nổi dậy của giáo đồ theo tông Nhất Hướng (Ikkô Ikki) vùng Ise Nagashima.
|
1575
|
Trận Nagashino
|
Liên minh với họ Tokugawa đánh tan quân Takeda Katsuyori (Vũ Điền Thắng Lại) và bình định loạn Ikkô Ikki vùng Echizen.
|
1576
|
Xây thành Azuchi
|
Kiến thiết thành Azuchi bên bờ hồ Biwa (tỉnh Shiga) gần Kyôto rất kiên cố làm cư thành cho mình.
|
1577
|
Mở chợ búa ở Azuchi
|
Dưới chân thành Azuchi lập khu sinh hoạt kinh tế tự do (rakuichi)
|
1580
|
Kết thúc cuộc chiến tranh Ishiyama
|
Chùa Ishiyama Honganji chịu thần phục Nobunaga
|
1582
|
Trận Tenmokuzan và biến cố ở chùa Honnôji
|
Tiêu diệt thế lực dòng họ Takeda ở trận Tenmokuzan. Bị cận thần Akechi Mitsuhide mưu phản, vây ở chùa Honnôji. Nobunaga chết.
|
Năm sau, Oda Nobunaga được mời đến kinh đô Kyôto. Lý do là Shôgun mới, Yoshiaki (Nghĩa Chiêu) em của cựu Shôgun Yoshiteru (Nghĩa Huy) đã dựa vào sức Nobunaga để được đặt vào chức đó. Khi phụng mệnh Yoshiaki nhập kinh thì trên mặt danh nghĩa, Oda đã được xem như công thần chính thống. Nói cách khác, Yoshiaki cũng đã bị Nobunaga lợi dụng như ông ta từng lợi dụng Nobunaga. Yoshiaki đã trở thành vị Shôgun đời thứ 15. Thế nhưng một quan hệ chỉ dựa trên sự lợi dụng nhau như thế sẽ khó lòng bền vững. Thật vậy, chẳng bao lâu, hai bên không còn thuận thảo như trước nữa.
-
Trận Anegawa (1570) - Đốt phá chùa Enryaku (1571):
Năm 1570 (Genki nguyên niên), Oda Nobunaga phá tan liên quân hai họ Azai (Thiển Tỉnh) và Asakura (Triêu Thương) trong trận Anegawa, tên một con sông thuộc địa phận Ômi. Năm sau đó (1571), nhân gặp sự phản kháng của các tăng nhân chùa Enryaku (Diên Lịch Tự) trên núi Hieizan (Tỉ Duệ Sơn, ngoại ô Kyôto), ông đốt rụi nó và thành công trong việc khuất phục một tập đoàn truyền thống có sức mạnh tôn giáo, chính trị và kinh tế rất lớn ở Nhật.
-
Phế bỏ và đuổi Shôgun Yoshiaki - Mạc phủ Ashikaga diệt vong (1573):
Năm 1573 (Tenshô nguyên niên), nhân vì Yoshiaki muốn hồi phục thế lực của chức Shôgun nên đã xung đột với Nobunaga. Ông bèn trục xuất Shôgun này ra khỏi thành Kyôto. Điều đó có nghĩa là trên thực tế Mạc phủ Ashikaga không tồn tại nữa.
-
Trận Nagashino (1575):
Liên quân của ông với họ Tokugawa đã phá tan cường địch Takeda Katsuyori ở Nagashino (tỉnh Aichi, gần Nayoya bây giờ). Đặc biệt trong trận này, Nobunaga sử dụng đội khinh binh pháo thủ (ashigari teppôtai) của mình để giành lấy phần thắng đội trước bộ đội kỵ binh chủ lực của địch. Thế rồi, năm sau, ông đã cho khởi công xây dựng thành Azuchi (An Thổ thành) với năm tầng nhà bảy vòng rào (ngũ tằng thất trùng) rất kiên cố để làm bản doanh và cũng dể bề kiểm soát sự động tĩnh của chính quyền Kyôto.
-
Chiến tranh Ishiyama kết thúc (1580):
Kẻ địch sừng sỏ nhất của Oda Nobunaga không gì khác hơn các chùa chiền phái Tịnh Độ Chân Tông (Jôdô Shinshuu) mà cứ điểm quan trọng nhất của họ là Ishiyama Honganji (Thạch Sơn Bản Nguyện Tự). Nó kiên cố, giống như một pháo đài nằm ở vùng Ishiyama, trong thành phố Ôsaka ngày nay. Ngoài họ ra, còn có các giáo đồ Ikkô (Nhất Hướng), một tên gọi khác của Tịnh Độ Chân Tông, đã trụ lại trong các “xóm chùa” (jinaichô) để khởi loạn ikki chống lại Nobunaga. Nói chung, Tịnh Độ Chân Tông vốn có liên hệ với các lãnh chúa như Takeda và Mori từ trước. Trụ trì đời thứ 11 của chùa Honganji là tăng Kennyo (Hiển Như, 1543-1592) kêu gọi giáo đồ đứng lên chống lại Nobunaga. Cuộc chiến giữa hai bên đã kéo dài dai dẳng đến 11 năm trời. Trả lời sự chống đối của tông Tịnh Độ, năm 1574 (Tenshô 2), Nobunaga đã dẹp loạn Ikkô Ikki ở Ise Nagashima (tỉnh Mie) và năm sau bình định được những người đi theo phái ấy ở vùng Echizen (phiá đông tỉnh Fukui bây giờ). Qua đến năm 1580 chùa Honganji ở Ishiyama mới chịu qui hàng. Như thế, ta đã thấy thế lực tôn giáo của Honganji với mạng lưới trên toàn quốc là một địch thủ gan lì cứng cõi đã cản trở bước tiến của Nobunaga trên con đường thống nhất Nhật Bản.
-
Biến cố chùa Honnôji (1582):
Nobunaga chế ngự được kinh đô Kyôto, lại đặt các xứ Kinki, Tôkai, Hokuriku dưới quyền kiểm soát của mình. Sự nghiệp thống nhất hầu như đã ở trong tầm tay. Đến giai đoạn này, ông bèn phái các bộ hạ thân tín về các địa phương để triển khai những cuộc chiến tranh cục bộ nhằm thanh toán nốt vài ổ kháng cự. Trong số những cận thần nói trên có danh tướng Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Cát). Ông này được gửi xuống vùng Chuugoku để giao tranh với họ Môri (Mao Lợi).
Tuy nhiên, toán quân của Hideyoshi trên đường viễn chinh đã gặp trở ngại ở khu vực thành Takamatsu xứ Bicchuu khi tướng Shimizu Muneharu (Thanh Thủy Tông Trị, 1537-1582), chủ nhân của thành, thuộc phe Môri, dũng cảm truy cản bước tiến. Trận Hideyoshi dùng thủy công (mizuzeme)[1] để phá thành Takamatsu mà thời sau hay nhắc đến đã xảy ra vào lúc này. Không sao hạ nổi thành Takamatsu, Hideyoshi đành xin Nobunaga phái quân tiếp viện. Do đó Nobunaga mới tự mình xuất quân từ thành Azuchi. Năm 1582, trong khi đang tạm trú tại ngôi chùa Honnôji (Bản Năng Tự) ở Kyôto, Nobunaga đã bị cận thần là Akechi Mitsuhide (Minh Trí Quang Tú, ? - 1582) , người vốn nuôi hiềm khích từ trước với ông - phản bội và tập kích. Nobunaga bại tử. Có thuyết cho rằng ông tự sát.
Lý do khiến Akechi Mitsuhide mưu phản có thể có rất nhiều nhưng không lý do nào đủ sức thuyết phục các sử gia. Điều duy nhất được nhận thức rõ ràng là Nobunaga đã “giữa đường đứt gánh, không đạt được chí nguyện bình sinh” (kokorozashi nakaba) là thống nhất nước Nhật.
Dù không thực hiện được điều mình mong muốn nhưng trên quá trình ấy, ông đã thành công khi đưa ra nhiều chính sách đặc sắc. Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng cũng cần đồng ý với nhau về một điểm: Nobunaga là một nhá chính trị có quan điểm cách tân, dám thách thức trật tự và quyền uy chính trị và kinh tế truyền thống. Điểm này có lẽ là sự khác nhau cơ bản giữa Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi, người kế nghiệp ông. :
Cụ thể mà nói thì về mặt kinh tế, Nobunaga đã đề ra chính sách buôn bán tự do rakuichi rakuza (lạc thị lạc tọa) trứ danh. Nó phủ nhận độc quyền của các Za tức các tổ hợp ngành nghề thời trung cổ, vốn đã gây chướng ngại cho các hoạt động công thương nghiệp. Nobunaga đã ban bố lệnh rakuichi rakuza ở hai vùng Kanô (thuộc Mino) và Azuchi là những cứ điểm của ông. Lý do là ông muốn khuyến khích thương mại ở các jôkamachi (xóm dưới chân thành) và dĩ nhiên nó có mục đích mang thu nhập dồi dào về cho mình.
Chính sách thứ hai cũng rất táo bạo. Ông đã phế bỏ những trạm gác để tránh việc ngăn sông cấm chợ. Sở dĩ các trạm gác (sekisho = quan sở) được dựng nên là để cho chính quyền thu thuế thông hành nhưng nó đã gây ra tắt nghẽn giao thương. Dẹp bỏ các trạm gác như thế, Nobunaga đã bài trừ được chướng ngại cho sự giao dịch hàng hóa.
Ngoài ra, ông đã dùng vũ lực để khuất phục thành phố Sakai, vào thời đó là một trung tâm thương mại tự trị và phồn vinh. Đặt nó dưới quyền quản hạt của mình, ông đã tập trung được sức mạnh kinh tế của cả vùng Kinai quanh kinh đô vào trong tay. Chính là nhờ sức mạnh kinh tế đó mà ông đã có đủ ngân quĩ để mua được rất nhiều súng ống, giữ thế thượng phong rồi đi đến thắng lợi trong các cuộc giao tranh với các lãnh chúa Chiến Quốc khác.
Oda Nobunaga, mẫu người thời thế tạo anh hùng [2]
Gia đình Oda trước kia giữ chức đại diện cho quan Shugo xứ Owari là họ Shiba. Riêng cha của Nobunaga, Nobuhide, chỉ là một trong 3 quan chấp chính (bugyô), thuộc hạ của chủ thành Shimizu, một ngôi thành nhỏ trong tiểu quốc. Năm 18 tuổi, Nobunaga trở thành gia trưởng (nắm quyền katoku), đã nổi tiếng vì kỳ hình dị tướng và tính tình thô bạo. Đám gia thần vẫn gọi chủ mình là “kẻ điên rồ” (ôbakamono). Thế nhưng con người đó chỉ trong vòng 8 năm sau đã thành công trong việc loại hai ông anh khác mẹ và một cậu em ruột của mình cũng như trừ khử được nhiều địch thủ bên ngoài khác để thống nhất địa phương Owari.Năm 1560, ông dùng kỳ binh phá vỡ quân đội của Imagawa Yoshimoto, một lãnh chúa có thế lực trong miền, trong trận Okehazama.Sau đó ông phá tan lực lượng họ Saitô ở Mino, dời căn cứ về thành Gifu rồi đúc ấn có 4 chữ Tenka fubu (Thiên hạ bố vũ) nghĩa là ra tuyên ngôn sẽ dùng võ lực để bình định đất nước. Ông lập Shôgun Yoshiaki để trung hưng dòng họ Ashikaga nhưng lúc nhà chúa mưu tính với thế lực Asakura Yoshikage và Azai Nagamasa để loại trừ ông thì liền bị đuổi đi sau khi ông toàn thắng liên quân Azai và Asakura trong trận Anegawa. Ông lại đánh bại Takeda Katsuyori bằng ưu thế của pháo binh rồi từ đó, áp chế tất cả các lãnh chúa từ miền Đông đến vùng Kinai quanh kinh đô.
Nói về bản tính tàn ngược thì ai cũng nhớ giai thoại ông đã dùng đầu lâu của Asakura và Azai làm chén uống rượu khao quân. Azai Nagamasa trước đó là em rễ, đã cưới em gái ông là nàng O-ichi, người được truyền tụng như một trong 3 mỹ nhân đẹp nhất Nhật Bản. Nhà truyền giáo Luis Frois - kẻ có dịp gặp gỡ ông nhiều lần – đã ghi lại trong tác phẩm “Nhật Bản Sử” (Historia de Japam) của mình về ông như sau: “Ông vua xứ Owari này người gầy mà cao, râu thưa, giọng lanh lảnh. Ông yêu chuộng vũ nghệ, tính tình thô bạo, ngạo mạn và kiêu hãnh. Quyết đoán nhanh, giỏi chiến thuật. Ông không chú trọng đến luật pháp, hầu như chẳng nghe lời khuyên can của bộ hạ bao giờ. Mọi người xa gần đều tỏ ra kinh sợ ông”.
Không những nhà truyền đạo Luis Frois đã miêu tả rất rõ ràng về tính cách độc tài chuyên chế của Nobunaga mà ông còn cho chúng ta biết đó là một con người chẳng kính sợ Thần Phật chi cả mà cũng không hề tin có một đời sau. Vô thần đến mức ấy nên hễ là người có tội thì dù tăng nhân hay giáo sĩ đi nữa, ông cũng không dung tha. Do đó, đối với chùa Enryaku (Diên Lịch Tự) trên ngọn Hieizan (Tỉ Duệ Sơn) là thế lực đã ủng hộ Asakura và Azai để chống ông thì ông tỏ ra không nương tay. Không những ông cho đốt sạch điện đài, giết sạch sư sãi tăng binh từ chùa trên đến chùa dưới mà còn tàn sát thường dân bất kể trai gái già trẻ của thị trấn Sakamoto bên cạnh vì họ đã tiếp tay với nhà chùa. Cùng trong khoảng đó , vào năm 1574, khi đàn áp Ikki ở Ise Nagashima, ông đã cho lùa hai vạn giáo đồ tông Ikkô đã qui hàng vào trong vòng rào rồi đốt chết hết.Năm sau, ông cũng cũng đàn áp một cách tương tự những người tham gia vụ Ikki ở Echizen. Vì quá ngạo mạn, ông còn tự xem như thần thánh và bắt mọi người phải sùng bái, cho xây cả chùa Sôkenji (Tổng Kiên Tự) trong khuôn viên thành Adzuchi để hàng năm tổ chức cúng kiến mình. Có thể những điều quá lố đó đã làm cho - khi cuộc đời Nobunaga cáo chung vì mưu phản ở chùa Honnôji (Honnoji no hen, 1582) dưới bàn tay của bộ hạ tâm phúc là Akechi Mitsuhide[3] - người ta nghĩ rằng ông đã chịu quả báo nhãn tiền.
Về những điểm son thì ông được biết như một người thông minh, có tính hiếu kỳ và tinh thần thực dụng. Thường xuyên hỏi thăm tin tức trên thế giới qua các giáo sĩ, nhiều khi ông còn ăn uống và mặc quần áo kiểu Tây phương. Ông được biết đến là người đầu tiên ở Á châu đã biết dùng bộ binh trang bị súng ống để khống chế kỵ binh và gươm giáo, thay đổi hẳn hình thức chiến đấu cổ truyền. Với các nhà truyền giáo, ông tỏ vẻ rộng lượng, không phải vì ghét Phật giáo và có cảm tình với Thiên Chúa giáo nhưng có lẽ vì những người Tây phương đã cung cấp súng đạn, giúp ông tiến nhanh tiến mạnh đến thành công.
Tăng Ren.nyo và tông Ikkô[4]
Thế kỷ 15 bước qua thế kỷ 16 là cuối đời Muromachi, có tên là thời Sengoku nhưng cũng được mệnh danh là thời của những cuộc Ikki. Ikki thực ra là đồng tâm hiệp lực để làm một việc gì, kể cả việc làm thơ, uống trà chứ không riêng chi việc nổi loạn đòi thi hành chính trị tốt. Tôn giáo cũng đi làm Ikki. Mục đích của họ là chống lại sự bành trướng của các lãnh chúa và bảo vệ quyền lợi của tự viện. Điển hình là Ikkô Ikki (Nhất Hướng nhất quỹ, 1488) của giáo phái Phật giáo Jôdo Shinshuu (Tịnh Độ Chân Tông), cường địch của Oda Nobunaga, người mưu việc thống nhất thiên hạ.
Phái Jôdo Shinshuu phát tích từ thời Kamakura, khai tổ là Shinran (Thân Loan, 1173-1262), một giáo phái có tinh thần phóng khoáng, chủ trương “ thê đới nhục thực” (lấy vợ, ăn thịt). Sau khi Shinran mất, họ chia năm xẻ bảy. Tăng Ren.nyo (Liên Như, 1415-1499) lãnh đạo một chi phái đóng ở một ngôi chùa Honganji (Bản Nguyện Tự). Thế nhưng chùa ấy chỉ bé nhỏ, nghèo nàn, không có bao nhiêu thiện nam tín nữ.Ren.nyo lấy vợ, đẻ con nhưng hầu như không nuôi nổi, đành cho nhà người khác nuôi hộ. Năm 1457, cha là Zon.nyo (Tồn Như) mất, ông trở thành pháp chủ đời thứ 8 của phái Honganji nhưng nghèo đến độ trong nhà phải pha loãng canh mà húp.
Tuy nhiên, vì Ren.nyo mang trong người dòng máu của khai tổ Shinran (Thân Loan) nên có uy tín của kẻ thừa kế chính thống. Đồng thời thực tế dạy ông hiểu được cái nghèo và cảnh đời chiến loạn nên Ren.nyo chủ trương hễ là tín đồ với nhau thì không còn phân biệt giai cấp quí tiện. Chẳng bao lâu ông đã có nhiều người theo, tạo nên được một giáo đoàn to lớn trong tinh thần “đồng bằng đồng hành” (dôbô dôkô, bè bạn chung một chí hướng). Ghen tức ảnh hưởng của ông, tăng nhân chùa Hieizan (Kyôto) đã đến đập phá Honganji làm Ren.nyo phải sống đời phiêu bạt về vùng Echizen, Hokuriku và lại tổ chức thành công giáo đoàn ở đây. Tuy thế, ông lại bị chức shugo ở Kaga là Togashi Masachika đánh đuổi, phải dời về vùng Yamashina (Kyôto) bố giáo. Năm 82 tuổi mới lập ra chùa Ôsaka Ishiyama Honganji (1496), một ngôi chùa pháo đài kiên cố. Nơi đây là cơ sở của Ikkô ikki và sau đó (1532), nó trở thành bản sơn của giáo phái dưới đời cháu Ren.nyo là Shô.nyo (Chính Như).
Tuy chùa Honganji đã bị đại tướng Shibata Katsuie, theo lệnh của Nobunaga, khuất phục năm 1580 sau 10 năm chiến đấu giằng co nhưng trước đó, phong trào Ikkô Ikki đã lan tràn suốt thời Sengoku trong toàn cõi Nhật Bản (Kaga, Mikawa, Ise Nagashima). Chẳng những Nobunaga mà cả Ieyasu (Mikawa,1563) cũng như các lãnh chúa địa phương đều phải chạm trán với họ mà không phải lúc nào phía các lãnh chúa cũng thu phần thắng lợi. Có lúc Nobunaga phải nhờ Thiên hoàng ban sắc lệnh giảng hòa. Ba năm sau lần đàn áp đẫm máu cuối cùng, trên nền cũ của Ôsaka Ishiyama Honganji, người kế nghiệp Nobunaga là Hideyoshi đã cho xây một ngôi thành vĩ đại là thành Ôsaka (1583) với hy vọng chôn chặt vĩnh viễn giáo phái ấy. Thế lực của tông Ikkô sở dĩ lan rộng và có sức mạnh khủng khiếp chỉ vì biết dựa trên tín ngưỡng niệm Phật (nenbutsu). Tín ngưỡng đó giúp cho người ta tìm được sự yên ổn trong tâm hồn trước giờ lâm chung vì đinh ninh rằng mình sẽ được cứu độ (lai thế vãng sinh = raisei ôjô). Ngoài ra, lý do thành công khác của họ là tín đồ được tổ chức thành đoàn thể gọi là kô (giảng) theo một hệ thống rất chặt chẽ.
2.2 Toyotomi Hideyoshi gồm thâu thiên hạ:
Sau khi Nobunaga chết trẻ vì bị cận thần bội phản, sự nghiệp thống nhất đất nước được chuyển qua tay bộ hạ của ông là Toyotomi Hideyoshi. Sau đây, chúng ta hãy thử tóm tắt hoạt động của Hideyoshi trong quá trình thực hiện ước nguyện đó:
.jpg)
Toyotomi Hideyoshi
-
Trận Yamazaki (năm 1582, Tenshô 10):
Sở dĩ có biến cố ở Honnôji đưa đến cái chết của Nobunaga là vì quân của lãnh chúa Môri đã thành công trong việc cầm chân Hideyoshi khiến cho viên tướng này phải xin Nobunaga cứu viện. Trong khi đang vây thành chợt nghe hung tin của chủ tướng, Hideyoshi bèn giảng hòa với Môri rồi kéo quân về. Sử gọi là “cuộc hồi quân lớn từ vùng Chuugoku” (Chuugoku ôgaeshi). Hideyoshi chuyển quân một cách hết sức thần tốc về phía Kyôto. Kịp khi vừa tới vùng Yamazaki, cửa ngõ của kinh đô, ông đã đụng độ và tiêu diệt đạo binh của Akechi Mitsuhide, kẻ phản chủ. Đó là trận Yamazaki vậy.
-
Trận Shizuka-ga-take (năm 1583, Tenshô 11):
Sau trận Yamazaki một năm, ở trận Shizuka-ga-take, Hideyoshi phá quân của Shibata Katsuie (Sài Điền Thắng Gia, 1522-1583), một viên tướng trên danh nghĩa và thực lực có nhiều khả năng kế vị Nobunaga nhất. Nhờ đó, Hideyoshi đã trở thành người có tiềm năng nối nghiệp cố chủ. Vào năm đó, ông hạ lệnh xây thành Ôsaka. Thành này nằm ở một địa điểm xung yếu kể cả hai mặt thủy lục mà cho đến lúc ấy là một dịa điểm buôn bán quan trọng nằm trong vòng ảnh hưởng (jinaichô) của chùa Ishiyama Honganji. Kiến trúc thành quách của thời điểm này tượng trưng cho văn hóa Momoyama (Đào sơn văn hóa)[5] mà những ngôi thành nổi tiếng nhất chính là thành Ôsaka và thành Fushimi. Qua cung cách hùng tráng và hoa lệ của chúng, Hideyoshi muốn biểu dương uy thế của một quốc gia thống nhất. Về nội thất thì các bức tường, cửa kéo, bình phong... đều được các họa sư phái Kanô (Thú Dã) như Kanô Eitoku (Thú Dã Vĩnh Đức, 1543-1590) tô vẽ bằng tranh damie (nồng hội) với màu sắc diêm dúa và nét bút mạnh mẽ, tương xứng với tinh thần của thời đại.
-
Trận Komaki, Nagakute (năm 1584, Tenshô 12):
Đến năm 1584, Hideyoshi (lúc đó còn mang tên là Hashiba Hideyoshi) đánh nhau với liên quân Oda Nobukatsu (Chức Điền Tín Hùng, 1558-1630, con thứ của Nobunaga) và Tokugawa Ieyasu (Đức Xuyên Gia Khang, 1542-1616) ở vùng Komaki và Nagakute trong xứ Owari. Đây cũng là một trong những trận đánh tranh dành ngôi kế vị của Nobunaga. Tokugawa mới là người có thực lực trong khi cậu ấm Nobukatsu chỉ là một cái bung xung. Tuy phe Tokugawa được lợi thế lúc đầu nhưng chiến cuộc không ngã ngũ, cuối cùng ông ta buộc lòng giảng hòa và chấp nhận phận thần tử trước Hideyoshi. Dù sao, từ đó về sau, liên hệ giữa hai nhà không ngớt căng thẳng. Sự hòa thuận ngoài mặt chỉ để che dấu những âm mưu hãm hại nhau ngầm bên trong. Tuy nhiên, gỡ được một cái gai lớn như thế bằng phương tiện ngoại giao, công việc thống nhất của Hideyoshi đã có nhiều thuận lợi hơn.
-
Bình định đảo Shikoku (năm 1585, Tenshô 13):
Năm 1585, Hideyoshi lại thành công trong việc đánh bại lãnh chúa Chôsokabe Motochika (Trường Tông Ngã, Nguyên Thân, 1538-1599) mà gia đình đã nhiều đời hùng cứ đảo Shikoku. Cũng vào năm ấy, Hideyoshi được triều đình bổ vào chức Kanpaku (Quan bạch), năm sau lại thăng Daijôdaijin (Thái chính đại thần) và ban cho họ mới là Toyotomi (Phong Thần) thay cho họ cũ Hashiba (Vũ Sài). Như thế, Thiên hoàng đã ủy quyền cho ông cai trị nước Nhật. Ông bèn ban bố lệnh Sôbuji (Tổng vô sự) ý nói “cả nước đã có hòa bình”. Theo đó, ông bắt buộc ai còn đang đánh nhau phải lập tức đình chiến, kẻ nào ương ngạnh không tuân theo sẽ chịu sự trừng phạt của chính quyền do ông chỉ đạo. Như thế, những cuộc tranh giành đất đai giữa các lãnh chúa Chiến Quốc cho đến lúc đó đã được đặt hoàn toàn dưới quyền tài phán, cắt đặt của Hideyoshi.
-
Bình định đảo Kyuushuu (năm 1587, Tenshô 15):
Shimazu Yoshihisa (Đảo Tân, Nghĩa Cửu, 1533-1611), lãnh chúa ở miền nam vì đang lăm le thống nhất đảo Kyuushuu nên không tuân theo lệnh Sôbuji. Do đó, Hideyoshhi bèn phái quân chinh phạt. Yoshihisa thua trận phải cắt tóc đi tu.Cũng vào năm này, ở vùng Kitano (Bắc Dã) thuộc Kyôto, ông đã khai hội thưởng thức trà có tên là Kitano ôcha no yu (Đại trà thang ở Kitano) do các trà sư nổi tiếng đương thời như Sen no Rikyuu (hay Sen Rikyuu, Thiên Lợi Hưu, 1522-1591) , Imai Sôkyuu (Kim tỉnh Tông Cửu, 1520-1593) và Tsuda Sôgyuu (Tân Điền Tông Cập, ? - 1591) đề xướng. Việc hội trà không phân biệt giai cấp giàu nghèo, quí tiện được xem như nét đặc sắc của thời buổi. Hideyoshi cũng là người rất hâm mộ trà đạo.
-
Bình định hai vùng Kantô và Ôshuu (năm 1590, Tenshô 18):
Năm 1590, Hideyoshi tiến công và tiêu diệt được Hôjô Ujimasa (Bắc Điều Thị Chính, 1538-1590), lãnh chúa vùng Odawara thuộc Kantô (Quan Đông) và thần phục được Data Masamune (Y Đạt Chính Tông, 1567-1636) vùng Tôhoku (Đông bắc Honshuu). Như thế, xem như ông đã hoàn thành công cuộc thống nhất Nhật Bản.
[1] Thủy công đánh thành thường có 2 cách: chận đường nước cho địch chết khát hoặc chắn đập ngăn sông điều nước vào thành cho địch khổ vì lụt.
[2] Nguồn: Oda Nobunaga của Fujimoto Hisashi (Shôgakkan) và Wakita Shuu (Chuô Shinsho)
[3] Lý do Mitsuhide nổi loạn và giết Nobunaga đến nay vẫn không ai rõ. Có người cho rằng Mitsuhide muốn có một đường lối chính trị khác, có người (như Danielle Elisseff ) chủ trương là do tư thù .Theo bà, Mitsuhide hay bị chủ sĩ nhục và mẹ ông, một con tin, đã chết dưới bàn tay của Nobunaga)
[4] Nguồn: Mori Tatsukichi trong Ren.nyo (Kôdansha Gendai shin sho)
[5] Đào sơn nghĩa là núi nhiều đào (peach). Nguyên do khu vực đồi núi quanh thành Fushimi có nhiều đào nên mới có dị danh như vậy. Văn hoá Momoyama ám chỉ văn hóa của thời kỳ Hideyoshi làm chủ nước Nhật. Đặc tính của nó là hoành tráng, lộng lẫy (của một anh nhà nghèo mới nổi, đó là Hideyoshi, người vốn xuất thân nông dân võ biền).