Từ ngày 1/10 - 15/10/2012 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (khóa XI) đã tiến hành Hội nghị lần thứ 6 . Tại Hội nghị này Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nhận lỗi trước Ban chấp hành Trung ương; Ban chấp hành Trung ương đã nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân vì “một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó. Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực (như chạy chức, chạy quyền, chạy tội...) và một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình. Trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của Trung ương, nhất là về doanh nghiệp nhà nước, còn lúng túng, buông lỏng; kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (điển hình là Vinashin, Vinalines) hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Một số hạn chế, khuyết điểm, chưa được làm rõ thực chất, mức độ, địa chỉ cụ thể, ai phải chịu trách nhiệm, như tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm…”.
Tại phiên khai mạc kì họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã “ nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế Nhà nước”.
Vậy là Đảng ta đã nhận ra vấn đề, đã chịu trách nhiệm trước nhân dân về tình trạng khó khăn hiện nay của đất nước. Đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta nhận lỗi và xin lỗi nhân dân. Sau cải cách ruộng đất (1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và chính phủ cũng đã nhận lỗi và xin lỗi nhân dânvề những sai lầm trong quá trình cải cách và thực hiện sửa sai. Hành động trung thực và dũng cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam đã quyết định việc khôi phục được niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, với Chính phủ, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc đã bị bào mòn và rạn vỡ trong bão táp cải cách ruộng đất. Nếu không có hành động sáng suốt này thì rất có thể lịch sử dân tộc ta đã phải trải qua những bước thăng trầm đầy gian khó, phức tạp và đau thương hơn những gì mà chúng ta đã từng trải trong suốt cuộc trường kì chiến tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Đất nước ta không còn giống như khi vừa bước qua bão táp cải cách ruộng đất. Thế và lực của chúng ta đã khác xưa nhiều. Cả chính trị lẫn kinh tế đều mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn. Nhưng lòng người và niềm tin bao giờ cũng là một ẩn số. Sự trung thực và dũng cảm là nơi khởi phát và neo đậu của niềm tin. Đảng ta đã dũng cảm nhận lỗi, đã có chương trình sửa lỗi. Với sự thành khẩn lần này, hy vọng Đảng ta sẽ lấy lại được niềm tin của nhân Nhân Dân, xốc lại đội ngũ để cùng toàn dân tộc tiến lên.
Điều cần nhất bây giờ là nói đi đôi với làm.