Những góc nhìn Văn hoá

Bàn thêm về công tác lý luận

 Từ lâu lắm rồi, chúng ta đã thừa nhận rằng trong toàn bộ hoạt động văn hóa tinh thần của chúng ta, thì công tác lý luận là mặt yếu kém nhất. Cho đến ngày nay, hơn 30 năm sau ngày giải phóng đất nước, 20 năm sau ngày mở đầu công cuộc đổi mới, chúng ta lại vẫn nói rằng công tác lý luận của chúng ta còn quá lạc hậu so với thời đại và thực tiễn đất nước. Trong khi đó, tầm quan trọng của công tác lý luận đối với sự nghiệp phát triển và xây dựng đất nước, nhất là trong giai đoạn thực tế có nhiều diễn biến phức tạp này, là điều không thể chối cãi. Ai cũng biết rằng lý luận, đúng với tên của nó, trước hết chính là kết quả của sự tổng kết thực tiễn, thực tiễn này không chỉ được nhìn nhận ở tầm ngắn hạn, thời sự trước mắt, mà ở cả tầm rộng lớn ngoài biên giới quốc gia và có thể thoát ra ngoài phạm vi thời đại để đi suốt chiều dài lịch sử. Chính từ sự tổng kết thực tiễn này, ta có nội dung thứ hai của lý luận là tìm ra những nguyên lý cơ bản chỉ đạo cho công tác thực tiễn. Đồng thời, không nên nghĩ một cách chật hẹp rằng lý luận chỉ là vấn đề của chính trị, của công tác cách mạng. Mọi lĩnh vực hoạt động của loài người đều có phần lý luận và yêu cầu lý luận của nó. Chẳng hạn, văn hóa là một địa hạt trên đó có rất nhiều vấn đề lý luận có ý nghĩa cơ bản như lý luận về bản sắc văn hóa, về phát triển văn hóa, về sự hình thành tính cách con người v.v... Hơn thế, văn hóa chính là cơ sở để xây dựng lý luận ở mọi lĩnh vực. Không có văn hóa, không có lý luận.

Nói như thế thì quá trình tổng kết thực tiễn để hình thành lý luận và quá trình sử dụng lý luận đó để chỉ đạo cho thực tiễn, không phải là một quá trình đơn giản, muốn làm là được, ai làm cũng được, và hễ có thực tiễn ắt đẻ ra lý luận. Khác hẳn thế, đó là một quá trình được tiến hành một cách có ý thức, có trách nhiệm, và nhất là dựa trên một nền tảng tri thức, khoa học, tiên tiến, và cố nhiên phải do sự tham gia của những trí tuệ ưu tú nhất của một cộng đồng, một thời đại.
Chúng tôi nhắc lại mấy điều nhận thức cơ bản trân đây, không có gì mới, cũng để chúng ta một lần nữa thấy được tầm quan trọng sống còn của công tác lý luận, và từ đấy bàn đến nhiệm vụ thực hiện công tác lý luận trên cơ sở phục vụ lý tưởng cách mạng của toàn dân ta trong thời đại ngày nay.
Chúng tôi cũng không tách bài viết ra làm một phần dành để phân tích nguyên nhân và một phần dành để đề xuất những biện pháp bổ cứu cho tình trạng non kém về lý luận hiện nay. Thực ra, trong khi tìm nguyên nhân, chúng ta thường nghĩ đến những phương hướng bổ cứu nhất định, và ngược lại, trong khi đi tìm những phương hướng bổ cứu, chúng ta nhất thiết phải cho thấy những nguyên nhân vốn là điểm xuất phát của tư duy bổ cứu.
Chúng tôi xin nêu một số ý kiến như sau:
1. Mạnh dạn nhận ra, xác định và đi vào những vấn đề lý luận quan trọng của thời đại
 Phải nói rằng, trên đất nước ta, thời gian vừa qua, do những biến động thực tế, không ít vấn đề lý luận cơ bản gắn liền với các khoa học xã hội, trở nên chao đảo và mập mờ; nói là một sự khủng hoảng lý luận cũng không quá đáng. Đồng thời, ta lại thấy, ở ngay một số cán bộ lãnh đạo, quản lý khoa học và bản thân người trí thức có một khuynh hướng làm ngơ hay quay lưng với những vấn đề đó. Có thể có ý nghĩ cho rằng đó là những vấn đề quá hóc búa, quá phức tạp, động đến như động vào tổ kiến lửa, im đi còn hơn. Cũng có thể có quan niệm rằng trước hết hãy tự xác định những mục tiêu thực tiễn, rồi tìm những biện pháp cụ thể để giải quyết và lý luận sẽ hình thành dần dần, còn bây giờ suy nghĩ, trao đổi, hay tranh luận về những vấn đề lý luận lớn đều chẳng có ý nghĩa gì. Thực ra, đó đều là những thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm về một địa hạt hoạt động tinh thần rất quan trọng. Những bậc tiền bối cách mạng đều nói với chúng ta rằng không có lý luận dẫn đường thì sẽ như đi trong đám mây mù và rồi không tránh được vấp ngã đau đớn. ở đây cần nhắc lại câu ngạn ngữ “chạy nắng không thoát khỏi trời”. Hơn thế, lý luận là một địa hạt luôn luôn có những cọ xát và tranh đấu, không tiến lên, không xác định cho mình một vị thế, một lập trường thì nhất định sẽ bị những thế lực khác đẩy lùi, đánh ngã.Trên đất nước ta, trong giai đoạn hiện nay, đang tồn tại không ít vấn đề lý luận hoặc có ý nghĩa khái quát, hoặc có ý nghĩa quan trọng đối với từng lĩnh vực hoạt động, nhưng nói chung đều gắn liền với sự nghiệp chung, mà chúng ta không thể vô tình hay cố ý bỏ qua. Chúng tôi chỉ xin nêu một số thí dụ.
Thời gian gần đây, một số không ít người, kể cả trí thức, nói ra hay không nói ra, vẫn cho rằng học thuyết Mác - Lênin, kể cả về mặt triết học và chính trị kinh tế học, là một học thuyết đã lỗi thời. Có người nhận thấy, trong thực tiễn một số nước đang tuyên bố cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, kể cả nước ta, có không ít chủ trương đường lối không còn ở trong quỹ đạo của học thuyết Mác - Lênin. Trong khi đó, trên các diễn đàn chính thức, ở các trường đào tạo chính trị chính thức, về cơ bản, học thuyết Mác - Lênin vẫn được giảng dạy như cách đây mấy chục năm. Tình trạng này tồn tại thật không ổn chút nào, và gây nên những đợt sóng ngầm trong tư tưởng - lý luận, ảnh hưởng đến phương hướng tư duy của cả một thế hệ. Theo chúng tôi, nên có đầu tư và tổ chức việc nghiên cứu, nói là nghiên cứu lại cũng được, học thuyết Mác - Lênin với tư cách là một học thuyết khoa học, bằng tất cả tinh thần nghiêm túc, trên cơ sở, một mặt hiểu đúng mọi luận điểm cơ bản của học thuyết Mác - Lênin, và mặt khác, nhận định đúng những đặc điểm của thời đại và đất nước có thể ảnh hưởng đến sự phát triển những luận điểm lý luận của học thuyết Mác - Lênin.
Xin nêu một vấn đề khác: Trước đây, trong một thời gian dài, các lý luận triết học và kinh tế chính trị học Phương Tây bị chúng ta coi thường hoặc coi nhẹ. Ngày nay, lại có khuynh hướng cho rằng đó là một gia tài lý luận phong phú và quý giá mà chúng ta cần nhanh chóng tiếp thu để bù lại sự thua thiệt trước đây. Có thật thế chăng? ở đây, cần có sự nghiên cứu khoa học công phu, tránh mọi thiên kiến, để tìm ra lời giải đáp có tính chất lý luận xuất phát từ nền tảng tri thức và truyền thống văn hóa của chúng ta.
Có thể nhắc tới một vấn đề có tính chất bộ phận hơn: lý luận văn học. ở đây, cũng có không ít người cho rằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa từng một thời là phương pháp luận sáng tác độc tôn của chúng ta, bây giờ chẳng có ý nghĩa gì nữa. Có thật thế chăng? Vậy bây giờ chúng ta đánh giá chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như thế nào, có những yếu tố nào vẫn có thể tồn tại được không? Hiện nay, chúng ta đang đi theo những khuynh hướng lý luận văn học nào? Và,hãy coi chừng, nếu không có lý luận, chúng ta dễ dàng rơi vào một số khuynh hướng văn học của Phương Tây mà chính giới văn nghệ sĩ Phương Tây đã vứt bỏ.
Còn nhiều lắm những vấn đề lý luận quan trọng không thể kể hết được. ý kiến của chúng tôi là trên bình diện chủ thuyết tư tưởng chung cho sự nghiệp cách mạng của chúng ta, cũng như trên bình diện từng mặt hoạt động của sự nghiệp chung đó, chúng ta cần phải và có thể nêu lên những vấn đề lý luận có tầm quan trọng chỉ đạo để giải quyết, trên tinh thần không e ngại đạt đến chân lý, vì một mục đích chung của sự tiến bộ nhận thức tư tưởng, cũng có nghĩa là sự tiến bộ của sự nghiệp cách mạng.
2. Khích lệ, tạo điều kiện cho sự trao đổi, tranh luận trên hành trình đi tìm chân lý
Mọi người đều thấy rằng, trên sách báo và các phương tiện thông tin của chúng ta hiện nay, sự trao đổi và tranh luận về lý luận còn quá ít, nếu không nói là có những lúc hầu như không có. Nhưng mọi người đều biết rằng, hiện nay, phải có tranh luận mới có được lý luận. Nhất là với những vấn đề lý luận mới mẻ như của chúng ta hiện nay, không có sự đối chiếu, sự cọ xát giữa những ý kiến khác nhau, thì chúng ta không thể nào tiến lên được. Có người tưởng lầm một cách ngây thơ rằng, sự thiếu vắng tranh luận hiện nay là kết quả của một tình hình nhất trí tư tưởng, một sự đồng thuận tư duy rất sâu sắc. Chúng tôi đang nghĩ ngược lại. Trong hoàn cảnh hiện nay, với những vấn đề mới đang hàng ngày, hàng giờ nảy sinh trong cuộc sống, đặt ra những câu hỏi, nếu không có tranh luận thì chỉ có nghĩa là mọi người không muốn nói, mọi người lười suy nghĩ, mọi người thụ động buông xuôi và thậm chí không một chút bận tâm về con đường đi của đất nước, trong đó có mình. Tuy vậy, để cho mọi cuộc tranh luận về bất cứ một vấn đề lý luận nào cũng được diễn ra trong không khí lành mạnh, thực sự cầu thị và đạt hiệu quả cao, chúng tôi cũng đề nghị mấy điểm:
- Bảo đảm đến mức cao nhất có thể dân chủ và tự do trong tranh luận. ở đây, phải nhắc lại một phương châm: “Đã biết thì phải nói, đã nói thì nói cho hết lời”. Một mặt, người có ý kiến không nên sợ nếu nói ra sẽ gặp những thành kiến, những quy chụp, và mặt khác, người nghe, bất kể người nghe ở cương vị nào, đều không nên dễ dàng nghĩ đến những động cơ tư tưởng, chính trị này nọ, để rồi quy kết một cách hồ đồ. ở đây tôi nghĩ, trong địa hạt lý luận chân chính, người ta không khó khăn lắm để nhận ra những tấm lòng chân thành và những động cơ tốt đẹp. Những quy kết sai lầm, cũng như những ý đồ đen tối đều không có chỗ đứng trên mảnh đất cọ xát lý luận.
- Chống mọi biểu hiện cơ hội, ích kỷ, tị hiềm và vụ lợi trong tranh luận. Chúng ta đã từng chứng kiến một ai đó phê phán hay phản phê phán một cách gay gắt, nhưng thực chất lý luận của những lời phát biểu không đáng là bao, trong khi người phát biểu lại để lộ rõ sự cố tình mạt sát cá nhân, bới móc vô lối, và cũng có khi là một thái độ cơ hội chủ nghĩa, vơ đóm ăn tàn, muốn chứng tỏ mình là thế này thế kia trong khi chĩa mũi nhọn ngôn từ vào một nhân vật hay một tác phẩm nào đó.
- Chúng ta cũng tránh sự chính trị hóa quá đơn giản đối với quá trình tranh luận lý luận. Xét ở bề sâu và về lâu dài, thì rất nhiều vấn đề lý luận sẽ tác động đến chính trị hay có ý nghĩa chính trị, nhưng không phải vì thế mà bất cứ một luận điểm lý luận nào đưa ra cũng gắn liền với những khuynh hướng chính trị hay những ý đồ chính trị. Chúng tôi lấy thí dụ nếu chúng ta nêu những vấn đề của học thuyết Mác - Lênin để tranh luận, thì có thể có những ý kiến vạch ra những bất cập của học thuyết Mác - Lênin đặt trong bối cảnh thời đại ngày nay như vấn đề đánh giá chủ nghĩa tư bản, vấn đề chuyên chính vô sản, vấn đề bạo lực cách mạng v.v... Nhưng không phải vì thế mà quy cho người phát biểu đi ngược lại mục tiêu cách mạng mà Mác đã vạch ra là giải phóng loài người, trước hết giải phóng những người bị bóc lột. Hoặc giả, khi nhìn nhận lại di sản văn hóa Phương Tây, có thể có người đề cao ở một mức nào đấy phân tâm học của Frued, như thế không có nghĩa là tán thành sự đề cao một chiều nhu cầu xác thịt, sự sa đọa về lối sống. Ngoài ra, trong khi đi tìm chân lý mới, có thể có những ý kiến phê phán một số sai lầm lý luận của thời đã qua, nhưng như thế không có nghĩa là coi thường công lao của những lãnh tụ tiền bối, hay đánh giá thấp quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng.
- Cần phải thấy rằng, trong tranh luận lý luận, mọi người đều bình đẳng. Chúng ta từng mắc sai lầm là nếu ý kiến được phát ra từ một cấp bậc, một nhân vật, một cơ quan nào đấy thì hầu như không có lý do để bác lại. Sự áp đặt tư duy này xảy ra như một thói quen hành xử trong đời sống học thuật và trí thức mà ít người nhận ra rằng đó là một sự kìm hãm tư tưởng gây tổn thất rất lớn cho sự sáng tạo và sự chủ động trong đời sống tinh thần. Phải thấy rằng, mọi người đều có quyền tham gia vào cuộc tranh luận, và trong cuộc tranh luận đó, giá trị cao nhất là ở bản thân những lập luận khoa học đưa ra, còn địa vị, quyền lực, danh hiệu, bằng cấp, kinh nghiệm quá khứ nữa, đều không có ý nghĩa gì, và nếu cần lắm thì cũng chỉ để tham khảo. (Vả chăng, trong tranh luận khoa học - lý luận, chỉ nên lấy tư cách cá nhân người tranh luận, chứ không phải đại diện cho một tập thể, một tổ chức nào cả).
3. Đầu tư thích đáng vào công tác lý luận, về vật chất cũng như về tinh thần
Nhận ra những vấn đề lý luận cần thiết, và mở đường cho mọi người tham gia vào công tác lý luận, tất cả cũng chỉ mới là sự chuẩn bị, cần phải có đầu tư thích đáng về vật chất cũng như về tinh thần, hay đúng hơn, cần phải có kế hoạch và biện pháp biến kế hoạch đó thành hiện thực. Chúng tôi xin nêu mấy điểm gợi ý:
- Trước hết, cần quan niệm rằng công tác lý luận là một sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi một sự đầu tư toàn diện và kiên nhẫn. Chúng ta nói cần tiến hành một cách khẩn trương là để không tỏ ra chậm trễ, chờ đợi, chứ không phải để cho rằng cứ đầu tư vào là sớm thu kết quả, cứ tiến hành làm là thấy được sản phẩm đáng giá. Lý luận là sự kết tinh của rất nhiều quan sát, đánh giá, suy tư, trăn trở, chọn lọc, giả thiết và khẳng định. ở đây không có con đường tắt cho bất cứ sự vội vã nào. Chỉ biết rằng, nếu không bắt đầu thì chẳng bao giờ đạt tới đích. Nhưng kế hoạch hóa theo kiểu xây dựng một nhà máy, thu hoạch một vụ mùa là điều không thể được.
- Điều quan trọng trước tiên của đầu tư là phải đào tạo một đội ngũ những người làm lý luận. Có thể nói không ngoa rằng, trong tất cả những người làm các nghề nghiệp khác nhau, thì nghề nghiệp lý luận đòi hỏi một quá trình đào tạo công phu và nghiêm túc nhất. ở đây có thể có sự thông minh, sở trường, năng khiếu, và cả sự đam mê nữa, nhưng tất cả đều không vượt được ra ngoài một quá trình đào tạo có bài bản. Hiện nay, ở nước ta, có thể nói số người định hướng cho mình đi vào công tác lý luận là quá ít, một mặt vì chúng ta chưa có cơ chế khuyến khích, một mặt vì ai cũng nhìn thấy đó là một lĩnh vực quá phức tạp, quá chông gai, chưa nói rằng không đem lại thu nhập vật chất tối thiểu để sống. ở các trường đại học, các khoa triết học, xã hội học là những khoa vắng người nhất, còn ở những khoa không chuyên lý luận thì giờ học lý luận là giờ học buồn chán nhất. Đây là cái gốc của tình trạng hiện nay. Chúng ta phải cải tạo tình trạng này bằng cách tuyển mộ và nuôi dưỡng những người ngay từ tuổi trẻ đã học tập để trở thành những chuyên gia nghiên cứu lý luận trong các khoa học xã hội. Họ phải là những người được cấp đầy đủ điều kiện vật chất để học tập, và sau khi học tập ở trường, tiếp tục nghiên cứu mà không rơi vào một tình trạng bi đát về vật chất. Chỉ lấy một thí dụ nhỏ: trong việc học ngoại ngữ hiện nay, người ta chỉ muốn học và đào tạo những người có thể giao tiếp giỏi trong kinh doanh, một ít nữa là trong công tác ngoại giao, vì những việc này có thể sớm đem đến công ăn việc làm và thu nhập khá, chứ không mấy ai chú ý đào tạo nên những người có đủ trình độ uyên thâm về một ngoại ngữ ở mức có thể đọc được sách lý luận và diễn đạt được những vấn đề lý luận (không nên quên rằng về mặt lý luận, việc tiếp cận những sản phẩm trí tuệ của nước ngoài, kể cả rất nhiều sản phẩm chưa được dịch, là cực kỳ quan trọng).
- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận thực sự toàn tâm, toàn ý với công tác lý luận. Theo chúng tôi, hiện nay, những cán bộ như thế còn rất ít, kể cả ở các cơ quan khoa học và lý luận. Một số không ít người mang danh là làm công tác lý luận, nhưng không ít thì giờ phải dành để làm những việc khác nhằm kiếm sống, làm lý luận một cách sự vụ, đối phó, không có chiều sâu, không có đam mê; hoặc giả, bằng cách này hay cách khác xoay xở để có một bằng cấp khoa học (thạc sĩ, tiến sĩ...) rồi sau đó, tồn tại lay lứt với cái danh chứ không phải cái thực của một người công tác khoa học. Một số nữa được bổ nhiệm làm công tác quản lý khoa học (chủ tịch hội đồng, viện trưởng, trưởng phòng...) thì hầu như chỉ chú trọng vào việc quản lý, hay tìm cách để lên cao hơn trong nấc thang quản lý mà họ coi như có điều kiện tốt hơn cả để tiến thân trong tình hình hiện nay. Có những nhà khoa học đã mấy chục năm trời làm công tác quản lý, đến tuổi về hưu lại chạy chọt để tiếp tục giữ chức vụ quản lý chứ không hề muốn tranh thủ những năm còn lại của cuộc đời để nghiên cứu khoa học như họ vẫn hằng tuyên bố.
- Hiện nay, trên thị trường, nói chung sách lý luận có rất ít khách hàng, và không đem lại mấy lợi nhuận cho nhà xuất bản, nếu không phải là lỗ vốn. Các tạp chí lý luận cũng rất khó tiêu thụ, còn các tờ báo hay tạp chí không có chức năng chuyên về lý luận, nếu đăng một đôi bài lý luận cũng không có độc giả. ở đây, quy luật lợi nhuận của thị trường đang chi phối quá trình xuất bản sách báo. Chưa nói rằng nhuận bút trả cho những công trình lý luận đòi hỏi nhiều trí tuệ cũng còn quá ít ỏi. Chẳng hạn, một quyển sách lý luận dày năm bảy trăm trang, được chuẩn bị và thực hiện công phu trong vài năm trời, cũng chỉ thu về một số tiền nhuận bút bằng tiền dạy thêm vài tháng của một giáo viên bộ môn trung học. Đó là trường hợp được trả nhuận bút. Còn theo chúng tôi được biết không ít tác giả sách lý luận hiện nay phải tự mình tìm cách bù lỗ cho chính mình. Tình hình này buộc chúng ta phải nghĩ đến việc hỗ trợ kinh phí cho việc in và xuất bản sách lý luận hay những bài viết lý luận. Theo chúng tôi, cùng với những nhà xuất bản chuyên về lý luận, thì các nhà xuất bản khác, tùy theo chức năng và yêu cầu, nhất định phải có phần sách lý luận của mình. Phần sách lý luận này chủ yếu phải được bù lỗ, hoặc phải được nhà nước bao cấp toàn bộ kinh phí không tính đến hoàn lại. Các tạp chí và báo cũng vậy, cần phải có tỷ lệ thích đáng cho những bài lý luận. Bên cạnh đó, nhuận bút trả cho sách và bài viết lý luận phải được tính ở mức tương đối cao so với các thể loại viết khác, mà không tính đến lỗ lãi về tiền bạc.
Vấn đề cuối cùng cần nói ở đây là nhà nước phải dành một số tiền thích đáng để đầu tư cho sự thai nghén và thực hiện những công trình lý luận, coi đó như sự đầu tư vào khoa học cơ bản. ở đây, chúng tôi muốn nói có những người nghiên cứu lý luận, ấp ủ các công trình lý luận, cần phải được hỗ trợ một cách thích đáng về vật chất để có thể tiến hành dự án lý luận của mình trong những điều kiện không vất vả đến mức phải trì hoãn, thậm chí, từ bỏ công trình vì những lo toan vật chất thường nhật.
Tuy vậy, nói đến đầu tư vật chất là phải nói đến phương thức đầu tư, cung cách sử dụng đầu tư như thế nào để tiền bạc của nhà nước không bị lãng phí, thất thoát, đồng thời, đến được địa chỉ cần phải đến. Đây là điểm thứ tư và là điểm cuối cùng trong bài viết này.
4. Phương thức đầu tư và tổ chức công tác lý luận
- Quan niệm đầu tiên chúng tôi muốn nêu lên ở đây: nếu toàn bộ nền lý luận của một cộng đồng, một đất nước là do sự đóng góp của tập thể, thì xét ở từng công trình lý luận và ở từng sản phẩm lý luận thành giấy trắng mực đen, đó phải là kết quả lao động của từng cá nhân, được hình thành chủ yếu trên lao động của cá nhân. Người ta có thể gây nên một phong trào rầm rộ ở bề mặt, với đủ thứ ủy ban, hội đồng, đoàn, hội, đủ thứ dự án chung, kế hoạch phối hợp v.v... nhưng nếu từng cá nhân không phát huy nỗ lực độc lập, chủ động, hết lòng hết sức của mình, thì vẫn không thể nào đẻ ra những công trình có giá trị. ở đây, cũng không thể nói đến những mệnh lệnh, những chỉ thị được ban hành từ một cấp bộ nào đó để rồi chờ đợi sự hưởng ứng của đội ngũ những người nghiên cứu. Công tác nghiên cứu là một nhiệm vụ nằm trong nhiệm vụ chung của khoa học, đặt trong sự nghiệp to lớn của thời đại và đất nước, nhưng khi thực hiện, ở từng công việc và công trình, lại đòi hỏi sự nhận thức tự nguyện, sự đam mê và hưng phấn của mỗi một cá nhân. Chúng ta đã chứng kiến có những trường hợp một số cá nhân nào đấy, không hề được sự giúp đỡ của nhà nước hay tập thể, thậm chí lâm vào những hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng do nhận thức trách nhiệm và khả năng của bản thân, đặc biệt, do quyết tâm và sự say mê, vẫn hoàn thành được những công trình lý luận có giá trị (rất tiếc số người như thế hiện nay chưa nhiều).
- Từ quan điểm trên đây, chúng tôi không tán thành phương thức hành chính hóa công tác nghiên cứu như hiện nay. Như chúng tôi được biết, hiện nay, từ quyết định của một cấp trên nào đấy có chức năng chỉ đạo chung, người ta đưa ra một số dự án nghiên cứu lý luận, mà mới nghe tên thì thấy khá phong phú và đa dạng. Sau đó, dự án được phân bổ dưới hình thức mời thầu và đấu thầu cho những cơ quan hoặc những nhóm người gắn liền với cơ quan (tất nhiên, không phải cơ quan nào cũng có quyền tham gia), và nếu cơ quan nào thắng thầu, thì nói chung, cán bộ chủ chốt của cơ quan đó được coi như chủ nhiệm công trình. Cơ quan thắng thầu sẽ được lĩnh số kinh phí dự trù cho dự án và tùy ý mình thực hiện việc chi tiêu kinh phí đó. Như thế, người ngoài nhà nước không thể đứng ra lập dự án và xin dự án với tư cách cá nhân. Người ta đã chứng kiến nhiều trường hợp các cơ quan và lãnh đạo cơ quan giành giật nhau các dự án chẳng khác gì các chủ thầu xây dựng giành giật nhau các công trình. Và điều tệ hại nhất là, khi kinh phí dự án được giao vào một số cán bộ lãnh đạo nhất định, thì không tránh được tình trạng tư túi, tham nhũng, lèo lái làm sao để số tiền rơi vào túi cá nhân càng nhiều càng tốt. Chúng tôi lại biết có nhiều dự án kéo dài, vẫn không đẻ ra được sản phẩm, cuối cùng, tiền nhà nước không cánh mà bay, còn thành quả lý luận thì không có, nhưng cũng chẳng ai bị truy cứu trách nhiệm về chuyện này. Trong khi đó, dám chắc rằng chỉ cần 1/5 số tiền của dự án đó đem hỗ trợ cho một cá nhân nào đó, nhất định sẽ có công trình nghiên cứu ra đời.
Vì tình trạng như trên, và xin nhắc lại, vì công tác nghiên cứu lý luận chủ yếu được tiến hành bằng những nỗ lực cá nhân, chúng tôi đề nghị nhà nước cần quan tâm đầu tư cho những cá nhân thực sự có trình độ, có tâm huyết và có dự án nghiên cứu. Về những cá nhân cần nhận được đầu tư này, tiêu chuẩn hàng đầu không phải là chức vụ, địa vị, thế lực, cũng không phải là các bằng cấp và các danh hiệu, mà hơn hết cả, là trình độ khoa học thực sự của họ thể hiện ở quá trình làm công tác khoa học, những công trình thực sự do cá nhân họ đã hoàn thành. Về mặt này thì người ta có thể đặt lên bàn một cách sòng phẳng chứ không thể dùng phương thức “cửa trước cửa sau”, “cả vú lấp miệng em”. Những đầu tư như thế so với đầu tư cho những dự án tập thể sẽ giảm đi rất nhiều. Chính là khi có được những thành quả cá nhân như thế rồi, chúng ta sẽ tập họp lại để có thành quả tập thể, chứ chúng ta không hề coi thường tập thể. ở đây, có một điều tế nhị không thể không nói đến, là ý muốn của Đảng và Nhà nước lãnh đạo và quản lý toàn bộ công tác lý luận. Nhưng theo chúng tôi, việc đầu tư và tiến hành các dự án theo phương thức cá nhân vẫn không ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng, trái lại, Đảng càng dễ dàng nắm bắt được tư tưởng và diễn biến khoa học trong những người làm khoa học. Điều quan trọng là ở đây, Đảng có được những cán bộ quản lý vô tư, trong sáng, có trình độ, bảo đảm được sự liên hệ chặt chẽ, cởi mở, đầy thiện chí với các nhà khoa học. Mặt khác, cũng cần phải có lòng tin vào những nhà nghiên cứu, những trí thức có trách nhiệm và có lương tâm. Không ai bày ra một dự án với những mục tiêu phóng đại hay bịa đặt để lấy tiền của nhà nước, và nếu có kẻ làm như thế thì cũng chỉ được một lần và trở thành trò cười cho thiên hạ (trong khi đó, những dự án mang danh tập thể, không đạt được kết quả gì, rốt cuộc cũng là sự thất tín với nhà nước, sao không ai dè chừng và phê phán?). Đồng thời, không thể bỏ qua đặc trưng của lao động tri thức, của công tác nghiên cứu khoa học và lý luận: ở đây, không thể có sự lãnh đạo hay kế hoạch hóa kiểu hành chính, trái lại, phải dành không gian lớn nhất cho những suy tư và sáng tạo cá nhân. Những suy tư và sáng tạo đó không phải lúc nào cũng là chân lý, nhưng qua một quá trình trao đổi, cọ xát, nhất định chân lý sẽ được phát hiện.
Trên đây chỉ là một số ý kiến mạo muội của chúng tôi. Có thể chúng tôi chưa nói hết những điều muốn nói, nhưng cũng là bước đầu lần gỡ những khó khăn và rối rắm của công tác lý luận, một địa hạt mà từ lâu chúng ta vẫn coi như mình đang non kém nhưng lại chưa thoát ra được khỏi tình trạng non kém đó. Cuối cùng, điều chúng tôi muốn nói là trách nhiệm của người trí thức đối với công tác lý luận. Người trí thức hiện nay, chúng tôi muốn nói những trí thức chân chính, có thể chưa có được những điều kiện mong muốn để tiến hành nghiên cứu lý luận, nhưng trên nhận thức chức năng, vị trí của mình, từng cá nhân người trí thức cần mạnh dạn đưa ra dự án nghiên cứu, và trong khi chờ đợi, vẫn tự mình huy động mọi điều kiện có thể để tiến hành dự án đó. Những thành quả khoa học lý luận sẽ là biện minh tốt nhất cho sự chính đáng của những đòi hỏi vật chất và tinh thần để phục vụ lao động của người trí thức.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512717

Hôm nay

2254

Hôm qua

2400

Tuần này

2654

Tháng này

219590

Tháng qua

121356

Tất cả

114512717