Sự thông minh của người Trung Quốc dường như không phải nghi ngờ gì. Nhưng chí ít, chúng ta cũng phải hỏi một chút: liệu có phải ở bất kỳ phương diện nào người Trung Quốc đều thông minh cả hay là chỉ thông minh ở một số lĩnh vực nào đó, còn ở một số lĩnh vực nào đó lại không thông minh? Hoặc là tại một số lĩnh vực nào đó có vô số khôn vặt(tiểu thông minh) nhưng lại không có trí tuệ lớn ? Nếu người Trung Quốc tại các mặt đều thông minh tuyệt đỉnh, đại trí đại giác thì vì sao người Trung Quốc đã bị động, bị đánh trong một thời gian dài thời cận đại, vì sao mãi không ra khỏi được quái đồ tuần hoàn lúc trị lúc loạn tràn đầy bạo lực và tanh mùi máu? Vì sao trải qua năm ngàn năm lâu dài, đến nay Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển? Hơn nữa về tổng giá trị trung bình sản xuất quốc dân tính theo đầu người còn bị các nước có mấy trăm năm lịch sử thậm chí có nước mới chỉ có mấy chục năm lịch sử bỏ lại phía sau rất xa? Từ những điều trình bầy trên, có thể thấy đồng thời với việc người Trung Quốc thông minh, nhất định là cũng không đủ thông minh ở một số mặt, thiếu đại trí tuệ, thậm chí rất hồ đồ. Nếu như tìm ra được những lĩnh vực đó, chí ít cũng vô cùng có lợi cho việc người Trung Quốc nhận thức lại sự thông minh của mình.
Khó có thể kể ra đây từng lĩnh vực, nhưng cũng có thể từ trong cái mạch danh nghĩa cá nhân, ăn uống, đến sự chuyển biến tự do, quyền lợi mà tìm được một số manh mối. Không khó phát hiện trong giao dịch dùng cái ăn đổi lấy quyền lợi, dùng danh phận đổi lấy tự do, là việc không hiếm thấy; những người bình thường Trung Quốc thường tham lợi nhỏ, giỏi khôn vặt, bị hố lớn, mắc mưu to mà một thời gian dài vẫn không tự biết. Cá nhân tôi cho rằng, phần lớn sự thông minh của người Trung Quốc được thể hiện trong sinh hoạt riêng tư, trong cầm, kỳ, thi, hoạ, trong thơ từ, ca hát, trong chế biến ăn uống, trong giao tiếp hàng ngày. Trong những lĩnh vực này có một số lúc, một số việc nếu bảo là thông minh không bằng nói là đồ khuyển nho; nếu bảo là thông minh chẳng bằng nói là không có viễn kiến, thiếu trí tuệ lớn. Mặt khác trong lĩnh vực công cộng, tài thông minh và trí tuệ của người Trung Quốc cũng có thiếu sót nghiêm trọng. Có lúc hèn kém đến mức coi mình không phải là người. Ngay những phần tử tri thức trong quan hệ giữa cá nhân và quốc gia đã tự nguyện coi mình là “nô tài” để người khác sử dụng chứ không hề nghĩ đến việc coi mình là người chủ, tự mình chi phối số phận của mình, tự mình là mục đích của mình, mình là một cá nhân vì cá nhân mình mà sống.
Hai mươi năm trước Trung Quốc khôi phục thi vào đại học với lý do “nhân tài giữa hai thế hệ không có sự nối tiếp, đất nước cần nhân tài”, tôi đã cảm thấy kiêu ngạo vì có cơ hội được đứng ra để quốc gia lựa chọn, cảm thấy phải cám ơn vô cùng vì được đất nước coi là nhân tài; và không hề có bất cứ nghi ngờ gì về quan niệm “nhân tài”. Hai mươi năm sau khi từ TV một lần nữa được nhìn thấy, được nghe thấy cùng lý do đó về việc khôi phục thi vào đại học, tôi bỗng đột nhiên nẩy sinh nghi ngờ: nếu đất nước không cần nhân tài, thì có thể không khôi phục thi vào đại học ư? Không cần thanh niên đi học, chịu giáo dục ư? Hoặc là nói, nếu lý do đó là đúng, nếu như chịu giáo dục không phải là quyền lợi mà mỗi thanh niên độc lập với nhà nước, nếu như quốc gia cảm thấy nhân tài đầy đủ hoặc là quá thừa, hoặc là nhân tài bồi dưỡng có vấn đề, thế thì, sẽ giống như điều đã xẩy ra trong quá khứ, việc thi vào đại học sẽ bị chấm dứt một cách đường hoàng à? Một câu ví dụ rất được lưu hành đương thời là “Bá Nhạc và thiên lý mã”. Chẳng lẽ mục đích sống của mỗi thanh niên là làm “con ngựa tốt” trong chuồng ngựa của nhà nước ư? Nếu nhà nước không cần “ngựa” nữa thì cơ hội để thanh niên thành “ngựa”cũng mất đi. Nếu tự mình coi mình là ngựa thì người khác căn bản không cần phải coi bạn là người. […]
Cũng có thể người Trung Quốc thông minh, trí tuệ thật. Thế nhưng điều đáng tiếc là, lâu nay, rất ít người tập trung một cách đại qui mô loại thông minh và trí tuệ đó vào việc thăm dò con đường thiết lập chính phủ hữu hạn. Cũng có thể tại một số địa phương, người nước ngoài còn xa mới tinh nhanh được như người Trung Quốc. Thế nhưng họ biết dùng cái trí tuệ thiếu hiếm nhất ấy vào nơi quí báu nhất. Ngay từ thế kỷ trước công nguyên, đã phát hiện ra trí tuệ cổ Hy Lạp, chính phủ được hưởng quyền lực tuyệt đối là chính thể biến thái, cách nghĩ dựa vào sức mạnh của chính phủ để tiêu diệt tài sản tư nhân là ý niệm ngu xuẩn. Ngay từ thế kỷ 13 đã biết dùng pháp luật để hạn chế vương quyền; tại thế kỷ 17 và 18, một số nước ở lục địa cũ và lục địa mới thực hiện kinh tế thị trường cũng như chính phủ hữu hạn đồng bộ với nó. Còn thế kỷ 21 hôm nay, chúng ta vẫn còn vì chuyện liệu có thực hiện kinh tế thị trường hay không mà tranh luận không thôi. Ngay những người ủng hộ kinh tế thị trường một cách kiên định, khi cổ xuý kinh tế thị trường cũng không thể không lúng ta lúng túng, ngập ngà ngập ngừng khi nói đến quyền sở hữu tài sản và tự do kinh tế, nói gì tới dám đứng thẳng lưng, khí thế hùng tráng. Do người Trung Quốc trên một số lĩnh vực không thể hiện được trí tuệ lớn, nên sự ngượng ngập giữa người Trung Quốc lạc hậu và người Trung Quốc thông minh không hề làm cho người ta ngạc nhiên.
Người Trung Quốc xưa nay nổi tiếng vì buôn bán giỏi. Xem xét từ lịch sử thấy, đầu óc chính trị của người Trung Quốc cũng không đơn giản, nhất là sở trường trong đi sâu kinh doanh và mặt dầy mày dạn. Thế nhưng đối với giá thành khác nhau của chế độ chính trị khác nhau thì chưa bao giờ dùng đầu óc thương mại để hạch toán một cách nghiêm túc chặt chẽ, nên từ đời này sang đời khác chịu hết nỗi đau khổ, và phải trả giá mà không tự biết. Tiên sinh Lâm Ngữ Đường tác giả cuốn “Kẻ sĩ của ta và dân ta” đã chỉ ra , người Trung Quốc chỉ mong chờ lãnh tụ nhân từ chứ không quan tâm xây dựng chế độ bảo vệ quyền lợi và tự do của mình dẫn tới có hàng ngàn hàng vạn sự việc như thế này: “Nhân dân vây quanh một vị trưởng quan vừa rời chức vụ, quì xuống đất, mắt tràn đầy những giọt lệ cảm kích. Đó là một chứng minh tốt nhất về sự cảm ơn, ghi nhớ công đức của người Trung Quốc, là ví dụ tốt nhất của quan lại Trung Quốc trong việc ban ơn. Nhân dân chỉ biết đó là ơn huệ, chứ không biết đó là việc quan lại phải làm.” Nếu người Trung Quốc thông minh, vì sao lại không quan tâm chính trị, không quan tâm chính nghĩa chính trị? Vì sao không để ý tới tự do và quyền lợi mà chỉ quan tâm đến việc không có tài sản và quyền lực? Giữa thông minh và ngu xuẩn, giữa người và chế độ có một số đi kèm quan trọng thường bị ngưòi ta coi nhẹ. Có sự kèm theo nhau giữa người ngu xuẩn và chế độ cao minh nhưng cũng có sự kèm theo nhau giữa con người thông minh và chế độ xấu kém. Tất nhiên tốt nhất là có sự kèm theo nhau giữa con người thông minh và chế độ cao minh, và xấu nhất là sự kèm theo nhau giữa con người ngu xuẩn và chế độ xấu kém. Ở Trung Quốc sự cùng kèm theo nhau giữa người và chế độ tuy không xấu nhất nhưng cũng quyết không phải là tốt nhất. Nếu như sự cùng kèm theo nhau xấu nhất dễ dàng tránh được thì sự cùng kèm theo nhau tốt nhất sẽ rất khó thực hiện; cá nhân người viết bài này cho rằng, thà có con người ngu xuẩn kèm theo chế độ cao minh còn hơn. Dùng thái độ đối xử với thông minh để đong đếm chế độ ngu xuẩn là những chế độ nào đó ép buộc sự thông minh tài trí của cá biệt người vào chế độ thông minh tài trí của mọi người, Trung Quốc có một câu nói có cách nhìn hình tượng thích hợp nhất với loại chế độ đó là: “Vũ Đại lang mở quán.”Chế độ cao minh là chế độ để cho những người phổ thông không cao minh lắm được phát huy một cách đầy đủ. Như thế xem ra, sự thông minh và ngu xuẩn của con người còn lâu mới quan trọng bằng sự cao minh và xấu kém của chế độ. Một dân tộc dù có thông minh nhưng một khi sự thông minh tài trí đó bị đàn áp hoặc là ở phương diện quan trọng nhất lại không thể hiện ra được thì loại thông minh ấy cũng chẳng có tác dụng gì.Còn ở dưới chế độ cao minh, bất kể là con người có thông minh hay không, chỉ cần động viên được hết tài trí vốn có thì cũng được coi là khả quan, thu lợi rất nhiều. Nếu người Trung Quốc thông minh thật thì phải đưa được chứng cớ quan trọng nhất ra. Thể hiện quan trọng nhất của sự thông minh là biết mài rũa cho khéo những cái còn yếu, còn thiếu về trí tuệ bằng chế độ.
Tam Dương(dịch)
Theo “Bách khoa tinh tuyển” số 10/2004