Nhìn ra thế giới

Văn học thời Tần Hán [*]

Việc Tần Thuỷ hoàng thống nhất Trung Quốc đã kết thúc cục diện chư hầu phân tranh, văn học theo đó cũng bước vào một giai đoạn mới. Trong lịch sử văn học Trung Quốc, văn học thời Tần Hán là giai đoạn thứ hai của thời kỳ thượng cổ.

Tuy nhiên, việc kiến lập một nhà nước trung ương tập quyền đại thống nhất đã không đem lại cơ hội cho sự phát triển văn học mà trái lại, do triều đại nhà  Tần thực hiện một chính sách chuyên chế văn hoá cực đoan, đời sống sáng tác văn học đã suy thoái chưa từng thấy. Thêm vào đó, thời gian nhà Tần thống trị quá ngắn ngủi nên các tác phẩm được lưu truyền đến nay của thời đại này có thể đếm trên đầu ngón tay1. “Lã Thị xuân thu” do tập thể môn khách của Lã Bất Vi soạn thành sách vào năm thứ tám Tần vương Chính (239 trước CN). Bộ sách này thể hệ hoàn chỉnh, hấp thu  rộng rãi quan điểm của bách gia chư tử, đã phản ánh một cách  khách quan xu thế lịch sử đi đến thực hiện sự thống nhất đất nước ở những năm cuối thời Chiến Quốc.

Thời Tần chỉ có một văn nhân có tác phẩm còn truyền đến nay là Lý Tư .“Gián trục khách thư” (Thư can việc đuổi khách)  của ông bố trí lớp lang, nghị luận tung hoành, lôgich chặt chẽ, giàu chất văn chương. Các bài văn khắc bia đá ghi chép việc Tần Thuỷ hoàng đi tuần du phong thần đa phần do Lý Tư viết, ngoại trừ  bài văn bia “ Lang Da đài”, tất cả đều viết bằng thể thơ đặc thù ba câu một vần, chất thực, hùng tráng, có ảnh hưởng đến văn bia của các đời sau2.

Vương triều Lưỡng Hán tổng cộng hơn bốn trăm năm, là một thời kỳ thịnh vượng trong lịch sử Trung Quốc. Giai cấp thống trị thời Hán cẩn thận rút được bài học lịch sử từ việc nhà Tần bị diệt vong nhanh chóng, tuy vẫn theo nhà Tần về thể chế chính trị, nhưng có điều chỉnh khá lớn về chính sách văn hoá, áp dụng một loạt biện pháp có lợi cho sự phát triển của văn học; thêm vào đó là sự tăng cường sức mạnh đất nước, sự tiến bộ xã hội, tất cả khiến cho văn học thời Hán  đã xuất hiện một tình thế phát triển bồng bột.  Bất kể đó là sự tu dưỡng văn học  của tác giả hay số lượng và chủng loại tác phẩm văn học, mức độ sâu sắc của tư tưởng và trình độ nghệ thuật, tất cả đều rất đáng chú ý. Văn học thời Hán xét về các mặt định hướng giá trị, về quan điểm thẩm mỹ, về hình thức văn thể, trên nhiều phương diện  đều đã xác lập  điển phạm  cho hậu thế.

 

Tiết thứ nhất: Sự hình thành đội ngũ tác gia thời Hán

Phong trào đọc chú giải điển tịch văn học; Không khí hiến nạp từ phú, Nhạc phủ, Đông Quan, Thiết lập Hồng Đô môn học, Sự hưng thịnh của “du quan du học” 

Thời kỳ Chiến quốc vốn coi Khuất Nguyên một tác gia xuất hiện trên đất Sở làm đại biểu, đã sản sinh một loại văn nhân lấy sáng tác văn học  ký thác cuộc đời mình và thực hiện giá trị nhân sinh. Sau khi trải qua một thời kỳ trầm lắng thời Tần và đầu thời Hán, đến đời Tây Hán (Hán Văn đế và Hán Cảnh đế), trên văn đàn đội ngũ tác gia lại sinh thành, từ đó theo sự biến  đổi của thời gian mà  sinh sôi không ngừng, nhân tài liên tục xuất hiện.

Sự sinh thành đội ngũ tác gia là một quá trình vận động, cần có  điều kiện về nhiều mặt. Xã hội thời Hán đã cấp cho sự sinh thành liên tục của quần thể tác gia điều kiện “khí hậu và thổ nhưỡng” thích hợp.

Quan học và tư học thời Hán đều lấy việc truyền thụ kinh điển nho gia- Ngũ Kinh- làm chủ, trong đó có “Kinh Thi” là một tác phẩm văn học.  Do đó  trong quá trình tụng đọc Ngũ Kinh, thầy và trò tự nhiên đã hấp thụ dần dần ảnh hưởng về mặt văn học, đề cao sự tu dưỡng văn học bản  thân. Trên thực tế, phạm vi sách đọc của sĩ nhân thời Hán không hề hạn chế trong Ngũ Kinh mà khá rộng  rãi, đặc biệt là có phong trào xã hội “giải độc từ phú” (đọc và giải thích từ phú) . Điều đó đã có tác dụng thúc đẩy  sự hình thành và phát triển của đội ngũ tác giả thời Hán. Thời Tây Hán, đọc và giải thích Sở từ đã là một loại học vấn chuyên môn. Nghiêm Trợ đã tiến cử với Hán Vũ đế người đồng hương của mình là Chu Mãi Thần “ Vua triệu kiến, bàn về Kinh Xuân Thu, nói chuyện Sở từ, nhà vua rất thích, phong cho Mãi Thần là Trung đại phu, cùng Nghiêm Trợ hầu hạ công việc bên trong” (Hán thư. Chu Mãi Thần truyện). Chu Mãi Thần  đồng thời đã dâng lên Hán Vũ đế bản giải thích Kinh Xuân thuSở từ, nhân đó được cất nhắc. Vũ đế còn giao cho Hoài Nam vương Lưu An chú giải Ly tao, “lúc đầu Lưu An vào triều, dâng lên “Nội thiên” do ông mới soạn, được vua đem lòng yêu quý, giữ kín, sai soạn Truyện Ly tao (Hán thư. Hoài Nam vương truyện). Hán Tuyên đế tu chỉnh câu chuyện của Vũ đế, “Vời những người có thể giảng nghĩa Sở từ, Cửu giang, triệu kẻ biết tụng đọc”. Hán phú và Sở từ có mối quan hệ nguồn cội rất sâu xa, từ sau khi thể loại văn học mới này được xác lập, nó đã cùng với Sở từ trở thành sách tụng đọc của giới quí tộc trí thức. Thời Hán Tuyên đế còn diễn ra tình hình sau: bọn Vương Bao dùng phương pháp tụng đọc các áng văn chương lạ và tác phẩm do chính mình sáng tác để trị bệnh giải sầu cho thái tử của Tuyên đế, tức là Hán Nguyên đế sau này, trong đó kỳ văn là  loại tác phẩm như Sở từ.  Hiệu quả  của liệu pháp điều trị tinh thần này đã rõ ràng, không chỉ Thái tử được bình phục mà còn đã làm hình thành một phong trào tụng đọc phú của Vương Bao nhờ việc thái tử đề xướng trong hậu cung. ( Xem Hán thư, Vương Bao truyện). Đến thời Đông Hán, hứng thú đọc từ phú của mọi người vẫn rất nồng đượm, thậm chí phụ nữ quý tộc cũng chủ động tham gia 3 . Đã xuất hiện loại trước tác chuyên khảo như “Sở từ chương cú” của Vương Dật. Việc tụng đọc từ phú ở thời Tây Hán là một dạng hoạt động cao nhã, là tiêu chí tu dưỡng văn hoá của sĩ nhân. Tuy không phải tất cả những người tụng đọc từ phú đều trở thành tác gia từ phú nhưng thời Hán có  nhiều người lúc đầu nhờ đọc từ phú mà đã đi vào con đường văn chương một cách vững vàng. Dương Hùng nhỏ mà hiếu học, “giỏi thưởng thức từ phú” (Hán thư, Dương Hùng truyện), ông đọc “Ly tao” của Khuất Nguyên, phú của Tư Mã Tương Như  đồng thời mô phỏng thêm, bản thân ông  đã trở thành một tác gia trọng yếu của thời Hán. “Sở từ chương cú” do Vương Dật viết lưu hành ở đời, ngoài  ra ông còn sáng tác nhiều thiên thi phú nữa. Phong trào xã hội đọc giảng từ phú thời Hán đã bồi dưỡng làm cho xuất hiện các tác gia hết lớp này đến lớp khác, do đó, văn nhân thời Hán nhiều người đã trở thành nhà từ phú.

Thời Hán áp dụng biện pháp lục dụng nhân tài bằng cách kết hợp tiến cử và khảo thí, điều đó đã tạo cho sự sinh thành của đội ngũ tác gia văn học nhiều cơ hội. Triều đình Tây Hán gọi và cất nhắc người hiền lương phương chính, các châu quận cất nhắc bậc hiếu liêm, tú tài. Thời Đông Hán lại tăng thêm các khoa mục như đôn phác, hữu đạo, hiền năng, trực ngôn, độc hành, cao tiết, chất trực, thanh bạch, thu nạp rộng rãi nhân tài. Việc tuyển chọn và đề bạt nhân tài thời Lưỡng Hán chú trọng đến học vấn, phẩm hạnh, không bài xích việc lục dụng những người có tài sáng tác văn học. Nhiều tác gia  có tài năng nhân đó mà xuất hiện, chủ yếu không phải vì họ thông hiểu kinh sách, tu dưỡng hạnh kiểm mà   do văn tài của họ.  Trong chế độ sử dụng người thời Lưỡng Hán việc hết sức dùng văn tài mà thu nạp kẻ sĩ tuy không chiếm địa vị chủ đạo mà chẳng qua là một thủ đoạn bổ sung,  nhưng đối với sự sinh thành đội ngũ tác gia đã có tác dụng thúc đẩy phát triển. Thời Hán, không chỉ triều đình trung ương, các bậc vương chư hầu, cho đến cả một số bậc ngoại thích giữ các chức vụ quan trọng đều “dĩ văn tài thủ sĩ” (dựa vào tài văn chương tuyển kẻ sĩ ).

Thời Hán sơ, các vua chư hầu lấy việc chiêu tập văn sĩ mà nổi danh có Ngô Vương Lưu Tỵ, Lương Hiếu vương Lưu Vũ, Hoài Nam vương Lưu An. “Nhà Hán hưng thịnh, con trai của anh Cao Tổ  là  Lưu Tỵ ở đất Ngô  vời gọi bọn con em thích du chơi trong thiên hạ, các môn đồ của  Mai Thừa, Trâu Dương, Nghiêm Phu Tử, việc rất thịnh hành ở thời Hán Văn đế, Hán Cảnh đế” ( “Hán thư. Địa lý chí” ). Những văn sĩ theo đến cửa  Ngô vương Lưu Tỵ làm môn khách có Mai Thừa, Trâu Dương, Nghiêm  Kỵ, bọn họ đều rất sở trường về từ phú. Về sau Ngô vương mưu làm phản, bọn Mai Thừa, Trâu Dương thấy Lưu Tỵ không chịu nghe lời can gián nên đồng lòng bỏ đi, rời đất Ngô mà theo Lương Hiếu vương. Lương Hiếu vương tiếp đãi họ như thượng khách, còn Tư Mã Tương Như  cũng  bỏ chức quan cũ,  đến nước Lương, chủ khách rất là tương đắc, đã cùng nhau  sống cuộc đời làm văn, uống rượu, họp mặt. Các văn nhân tham gia xướng hoạ ở vườn nước  Lương  còn có bọn Dương Thắng, Lộ Kiều Như, Công Tôn Quỷ, Hàn An Quốc. “Còn Hoài Nam Vương cũng đóng đô ở Thọ Xuân, chiêu tập tân khách viết sách”  ( “Hán thư. Địa lý chí”). Sách “Hoài Nam tử” còn lưu truyền đến nay chính là do các tân khách của Lưu An làm ra. “Hán thư. Nghệ văn chí” đã trước lục 82 thiên phú của Hoài Nam vương , 44 thiên phú của các quần thần của Hoài Nam vương. Hiển nhiên là quần thần của Hoài Nam vương không chỉ làm sách, lập thuyết mà còn là một đội ngũ theo đuổi việc sáng tác từ phú. Thời Hán sơ một số vị vương hầu lấy văn tài để chọn kẻ sĩ, các nhà làm từ phú tập hợp quanh họ đều dùng văn chương họp bạn, họ đặt tiệc rượu để gặp gỡ, vui  chơi  xướng hoạ. Đội ngũ tác giả thời Hán sơ đã sinh thành trước hết là ở mấy vị vương chư hầu ấy.

Các ông vua đời  Hán như Vũ đế, Tuyên đế, Nguyên đế, Thành đế đều là những người yêu thích văn học, trong số họ Hán Vũ đế còn có thơ phú truyền lại cho đời. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, xuất phát từ hứng thú bản thân họ đã hào hiệp chiêu nạp các văn sĩ, nhiều người  đã nhân có văn tài mà được bổ nhiệm chức vụ tại triều đình. Các tác gia nổi danh do có sở trường về văn chương, từ phú mà được lục dụng ở  triều Hán Vũ đế có bọn Tư Mã Tương Như, Đông Phương Sóc, Mai Cao, triều Hán Tuyên đế có bọn Vương Bao, triều Hán Thành đế có bọn Dương Hùng. Tuy có nhiều người không thể nhờ vào tài năng sáng tác văn học để bước lên hoạn  đồ nhưng  sau khi họ trở thành mệnh quan của triều đình, dưới sự khởi xướng của thiên tử họ đã gia nhập vào đội ngũ sáng tác từ phú. Từ thời Vũ đế, sáng tác từ phú đã trở thành một việc cực kỳ cao nhã của triều đình Tây Hán, nhiều quan lại cao cấp đều có tham dự, do đó đã hình thành chế độ dâng lên thiên tử từ phú. Quang Vũ đế, Minh đế thời Đông Hán đều không thích từ phú song phong tục dâng lên vua từ phú thời Tây Hán vẫn được tiếp tục ở thời Đông Hán, về căn bản đã giữ được tính chất liên tục nhất quán, nhiều văn nhân nhờ văn tài xuất chúng vẫn được trọng vọng.

Chính quyền Đông Hán  trong một  thời gian dài do bọn ngoại thích thao túng. Giữ những địa vị hiển quý, bọn họ hào phóng chiêu nạp tân khách. Nhiều tác gia nổi danh thời Đông Hán đều đã trải qua dưới trướng của họ. Đỗ Bưu từng nhận chức Tòng sự Trung lang dưới trướng Xa kỵ tướng quân Mã Phòng  và bị  chết  trận ở  Xạ Cô sơn; Phó Nghị giữ chức Quân Tư mã, được Mã Phòng lấy lễ sư hữu đối đãi ( Hậu Hán thư. Văn uyển liệt truyện). Mã Dung trước sau nương nhờ Đại tướng quân Đặng Chất, Lương Ký ( Hậu Hán thư. Mã Dung liệt truyện). Trong số các ngoại thích hiển đạt ấy, có Đậu Hiến thu hút văn  nhân nhiều  nhất  “ Vĩnh Nguyên năm đầu, Xa Kỵ tướng quân Đậu Hiến lại mời Phó Nghị  làm chủ “ký thất”, Thôi Nhân làm chủ sổ bạ. Đến khi Hiến đổi làm chức Đại Tướng quân lại lấy Nghị làm Tư mã, Ban Cố làm Trung Hộ quân. Sự thịnh vượng của văn chương nơi phủ đệ họ Đậu chiếm bậc nhất thời ấy” (Hậu Hán thư. Văn uyển liệt truyện). Thời đó, phàm các tác gia nổi danh đều giữ chức  vụ tại phủ đệ Đậu Hiến, làm thành một sự  kiện tốt đẹp trong lịch sử.

Thời Hán, việc các vương chư hầu, thiên tử và ngoại thích chiêu nạp, sử dụng giới văn nhân đã tạo nên sức hút to lớn đối với đông đảo kẻ sĩ, khiến cho giới kẻ sĩ  chọn việc sáng tác văn chương như một loại phương tiện để  đạt được công danh, đồng thời nhờ quyền thế của giới quý tộc lớp trên mà tập hợp lại. Sự sinh thành nối tiếp của đội ngũ tác giả thời Hán ở một mức độ lớn là nhờ vào điều này.

Sự  thiết lập một số cơ cấu văn hoá của thời Lưỡng Hán khiến cho đội ngũ tác giả vốn đã hình  thành vững chắc phát huy được tác dụng tích cực. Nhạc phủ là cơ quan đã được thiết lập trong suốt thời kỳ nhà Tây Hán mà chức năng của nó  là sưu tầm nhạc khúc, ca dao  của các vùng, đồng thời cũng là tổ chức cho văn nhân  sáng tác thi ca. Bọn Tư Mã Tương Như  khoảng mấy chục tác giả nổi tiếng đã từng làm thi phú cho nhạc phủ. Đông Quan ở thành Lạc Dương thời Hậu Hán chính là nơi tụ hội của văn nhân, nhiều tác giả nổi tiếng từng làm việc  tại đó. Đông Quan  là nơi văn nhân hướng về :“ Thời ấy các học giả gọi Đông Quan là “tàng thất” của Lão tử, là núi Bồng Lai của Đạo gia” ( “Hậu Hán thư. Đậu Dung liệt truyện”. Công việc chủ yếu của các nhân viên làm việc tại Đông Quan là hiệu thù (so sánh đính chính) kinh sách, có điều, do tập hợp nhiều tác giả lại một nơi, tất nhiên  không thiếu những hoạt động như xướng hoạ thi văn. “Hồng Đô môn học” là trường học  hoàng gia được thiết lập tại Lạc Dương đời Hán Linh đế năm  Quang Hoà nguyên niên ( 178), chuyên môn học  tập từ phú thư hoạ. Học trò do các châu quận tuyển chọn, có lúc đông hàng nghìn người. Vua Linh Đế hạ chiếu vẽ chân dung, làm bài tán khen ngợi bọn Nhạc Tùng, Giang Lãm 32 người từng tựu học tại Hồng Đô môn  nhằm khích lệ người đến học. Loại trường học chuyên môn bồi dưỡng nhân tài về văn học nghệ thuật như thế  xuất hiện lần đầu trong lịch sử, là một sự kiện trọng đại của quá trình sinh thành đội ngũ tác gia thời Hán 5.

Phong trào “du hoạn” (rời nước đi tìm quan chức-ND)  khi đứt khi nối của thời Hán đã truyền  sinh lực cho sự hình thành của đội ngũ tác gia. Thời kỳ đầu nhà Tây Hán,  hoạt động “du hoạn” của văn sĩ chủ yếu tiến hành trong phạm vi các vương chư hầu. Từ triều Vũ đế đến thời kỳ đầu nhà Đông Hán, phong trào “du hoạn” suy giảm. Giữa và cuối thời Đông Hán, “du hoạn” lại trở thành thời thượng trong xã hội .“ Từ thời Hán Hoà đế, Hán An đế trở về sau  người đời vụ về “du hoạn”, người người đang làm quan càng tiến cử lẫn nhau” ( Hậu Hán thư. Vương Phù liệt truyện). Có một số văn nhân thông qua việc “du hoạn” mà bước vào con đường quan lại, cũng như thế, một bộ phận trở thành “thị tòng văn nhân”, “ mạc liêu văn nhân” ( các văn nhân ở dưới trướng của các bậc công hầu- ND). Các văn nhân không thể làm quan triều đình chiếm số lượng lớn, tuyệt đại đa số không để lại tính danh của bản thân, bọn họ hoặc đình trệ ở  nhà Thái học, hoặc sống nghèo khó nơi thôn dã, là một chân đỉnh đứng cùng với những “thị tòng văn nhân”  và “mạc liêu văn nhân”, đó là các thành phần trọng yếu của đội ngũ tác gia thời Hán.

 

Tiết thứ hai. Tình hình cơ bản của văn học thời Hán   

Bao quát vũ trụ, Gồm nắm Trời, Người, Quán thông truy cầu nghệ thuật cổ kim, Lựa chọn giá trị lập công dương danh và lý tưởng vua thánh tôi hiền; Cảm khái đối với cơ hội và vận mệnh, Phê phán và  ca tụng chuyển đổi nhau, Sự độc lập và phụ thuộc của văn nhân, Từ lãng mạn đến hiện thực, Tác động qua lại giữa sáng tác dân gian và sáng tác của văn nhân  

   

 Văn học thời Hán bộc lộ  xu thế phát triển đa nguyên hoá.

Sự phồn vinh của kinh tế triều Hán, sự tăng cường sức mạnh đất nước, sự mở rộng cương vực đã khiến cho tác gia thời ấy tràn trề niềm vui sướng thắng lợi và  cảm xúc hào mại. Phản ánh trong văn học đó là sự tái hiện bằng nghệ thuật thế giới xưa nay, vạn vật vạn sự trong cõi Trời và cõi Người đều nằm dưới sự quan sát phân tích của bản thân. Tư Mã Tương Như  từng nói “ Phú gia chi tâm, bao quát vũ trụ, tổng lãm nhân vật” ( Tâm của nhà làm phú bao quát vũ trụ, gồm nắm thế giới người vật- “Tây kinh tạp ký”, quyển 2). Tư Mã Thiên nói tôn chỉ của “Sử ký” do ông soạn là “ Cứu thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biến, thành nhất gia chi ngôn” (Nghiên cứu mọi sự trong khoảng trời người, quán thông lẽ  biến đổi xưa nay, làm thành lời của một nhà- “Báo Nhậm An thư”). Tư Mã Tương Như và Tư Mã Thiên một người là nhà sáng tác từ phú lớn, một người là bậc cự phách về truyện ký văn học, họ thuộc về những lĩnh vực khác nhau trong sáng tác văn học  nhưng chẳng hẹn mà cùng đề xuất  chủ trương cơ bản tương đồng nhau. Đối với tác phẩm họ đều truy cầu dung lượng lớn, khí thế hùng tráng, đều chiêm ngưỡng  cái mỹ lệ hoành tráng khiến con người  sinh ra cảm xúc tôn sùng cái cao cả. Trong bài đại phú, phàm các sự vật được đưa  vào tả ở tác phẩm, đều phải giúp bao quát cái toàn thể, không một vật lớn vật nhỏ nào bị bỏ sót, không một nơi xa xôi nào lại không tới được. Trong văn học sử truyện, nào thiên văn địa lý, nào trung thổ hay ngoại vực, các mặt kinh tế văn hoá đều được đề cập, xa cho đến tận đời Hoàng đế, gần cho đến đương thời, từ đế vương tướng sĩ cho đến người dân mọn chốn thành thị, nào tam giáo cửu lưu, chư tử bách gia, các loại nhân vật trùng trùng điệp điệp. Ngay cả bài “giao tự ca ( Bài ca tế giao)  khuôn khổ hạn hẹp vẫn có tính chất kiêm dung bao quát.  Cái đẹp mỹ lệ hoành tráng của văn học thời Hán thể hiện sự khẳng định hoàn toàn đối với sự nghiệp lớn lao, huy hoàng của công cuộc đại thống nhất đế quốc,  xét về các mặt đối tượng, lĩnh vực, phạm vi  biểu hiện đều đã đạt được mức độ rộng lớn trước đây chưa từng có. 

Thời Hán là một thời kỳ phát đạt trong lịch sử Trung Quốc, trong đó có một thời gian tương đối dài được thái bình thịnh vượng. Trong một giai đoạn lịch sử có đặc điểm như thế, đời sống của văn nhân thời Hán phổ biến một  tinh thần tiến thủ khí thế ào ạt,  nguyện vọng lập công danh sự nghiệp mạnh mẽ. Họ theo đuổi sự bất hủ của đời người, hy vọng có thể được lưu danh vào sử xanh.   Văn nhân thời Hán  quý việc lưu hành tên tuổi, vì việc thực hiện  lý tưởng đời sống của bản thân mà họ có thể chịu đựng nhẫn nhục để gánh vác việc lớn, xông pha nơi nước sôi lửa bỏng, thậm chí không quản hy sinh thân mình.  Chính vì thế mà trong sáng tác của văn nhân thời Hán tràn ngập một tinh thần tích cực vươn lên , không ngừng nghỉ, bảo trì một phong cách hiên ngang, hăng hái. Tác phẩm của thời kỳ Tây Hán thịnh trị hẳn là không cần phải nói, ngay cả đến thời kỳ suy vong của triều Đông Hán, điều mà giới văn nhân vẫn tâm niệm như cũ là lập công danh sự nghiệp, lưu danh đến đời sau. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối đời Tây Hán đã có những kẻ sĩ ngẩng cao đầu đối với tư trào lựa chọn con đường làm quan hay không làm quan, thậm chí xuất hiện một loại ẩn sĩ lánh đời, tất cả đều được phản ánh trong văn học, nhưng  chiếm một tỷ trọng không lớn, không phải là trào lưu chính. “Đến  khoảng đời Hoàn đế, Linh đế, vua hoang dâm, chính sự sai lầm, vận mệnh đất nước  nằm trong tay bọn hoạn quan, sĩ tử  hổ thẹn không ra làm quan. Vì vậy các bậc đại phu phẫn nộ phản kháng, các bậc xử sĩ hiên ngang nghị luận, nêu cao danh giáo, cùng nhau phê phán, bình luận phẩm hạnh của hàng công khanh, phán xét việc chấp chính, cái phong khí cương trực  phổ biến ở thời gian này” ( Hậu Hán thư. Đảng Cố liệt truyện). Tinh thần nhập thế tích cực của văn nhân thời Hán, cái phẩm cách yêu thích nghĩa cử cao thượng, coi thường cái chết, trân trọng khí phách  ở cuối đời nhà Hán lại đạt đến tầm cao khác thường, đồng thời cũng đã sản sinh ra nhiều tác phẩm ưu  thời mẫn thế được bộc lộ một cách chói lọi.  

Sự hiển đạt về hoạn lộ của sĩ nhân thời cổ là có mối liên hệ nhất trí với quyền lực của bậc vua chúa, văn học thời Hán trong khi biểu hiện tinh thần tiến thủ của kẻ sĩ lại đã kết hợp coi thánh chúa hiền thần là lý tưởng của mình. “Thánh chúa hiền thần tụng” ( Ca tụng thánh chúa hiền thần) của Vương Bao là một sáng tác tiêu biểu cho phương diện này. Vận mệnh của sĩ nhân và thời đại trong đó họ sống có tương quan mật thiết. Đối với mối quan hệ giữa vận mệnh cá nhân và cơ hội do thời đại mang lại, văn học thời Hán đã có những công trình luận thuật rất sâu sắc và sáng tỏ, mang tính hình tượng. “Sử ký” và nhiều bài phú trữ tình biểu hiện phương diện quan hệ giữa hai yếu tính, tính tất nhiên của sự phát triển lịch sử và tính ngẫu nhiên của số phận cá nhân, đều có mức độ sâu sắc đáng kể.  Nói về các bậc sĩ nhân thời cổ, trên con đường làm quan, kẻ thành công thì ít mà kẻ thất bại thì nhiều. Kẻ thành công cố nhiên có niềm vui sướng của thành công, còn kẻ thất bại khó tránh khỏi cảm khái suy sụp tinh thần. Trong khi thổ lộ sự uất ức và không bằng lòng, văn học thời Hán đã thể hiện rõ đặc điểm của một thời kỳ lịch sử văn học phát triển. Các tác phẩm này tuy đã biểu đạt sự oán hận và bất bình của chủ thể sáng tác nhưng hiếm khi rơi vào tình điệu bi quan thất vọng. Đương nhiên, theo sự thay đổi của thời gian, nội dung cảm khái của văn nhân thời Hán cũng đã xuất hiện những biến đổi. Trong thời kỳ thịnh vượng đời Tây Hán, các văn nhân bất như ý cảm thán về nỗi sinh bất phùng thời như  Đổng Trọng Thư với “Sĩ bất ngộ phú” ( Phú về kẻ sĩ không gặp thời), Tư Mã Thiên với “Bi sĩ bất ngộ phú” ( Phú kẻ sĩ buồn vì không gặp thời), họ đều lấy “ngộ” ( gặp thời ) và “bất ngộ” ( không gặp thời ) làm chủ đề.  Bắt đầu từ cuối thời Tây Hán, sự than thở phẫn uất của văn nhân lại tập trung nhiều hơn vào phương diện vận mệnh, như Dương Hùng nói “ngộ bất ngộ mệnh dã” ( gặp thời hay không gặp thời, đó là chuyện số mệnh) (Hán thư. Dương Hùng truyện) là do sự chuyển biến từ chỗ,  ở thời kỳ thịnh trị Tây Hán, coi trọng tình thế và cơ hội bên ngoài, sang  việc quan tâm vận mệnh của bản thân. Đến thời kỳ suy vong của nhà Đông Hán, các văn nhân lại vì chưa lập được công danh mà than thở sự ngắn ngủi của vận mệnh, một tác phẩm trong “ Cổ thi thập cửu thủ” ( Mười chín bài cổ thi) thuộc loại hình tác phẩm như vậy.

Triều đình Tây Hán chính là do sau khi nhà Tần diệt vong, trải qua cuộc tương tranh ngắn ngủi Hán- Sở mà được lập nên. Phê phán nền chính trị bạo ngược của nhà Tần, tổng kết bài học diệt vong nhanh chóng của nó, tiến hành suy tư lại về lịch sử trên tầm cao mới, đó là nội dung chủ yếu của văn học thời Hán sơ. Từ văn chính luận của Giả Nghị, “Ai Nhị Thế phú” ( Phú thương cảm đời Tần Nhị Thế)  của Tư Mã Tương Như  đến “Sử ký” của Tư Mã Thiên đều  nhất quán một tinh thần  phê phán đối với lịch sử.  Bắt đầu từ thời Hán Vũ đế, giới tư tưởng từ chỗ phê phán lịch sử chuyển sang xây dựng hệ thống lý luận của chính triều đại mình và tương ứng với điều này, văn học đã từ sự phê phán lịch sử chuyển sang chú trọng vào hiện thực, ca công tụng đức, trau chuốt sự nghiệp vĩ đại, làm thành sứ mệnh chủ yếu của văn học thời Tây Hán thịnh trị; đại phú chính là thể loại gánh vác đắc lực sứ mệnh lịch sử ấy. Bắt đầu từ thời Đông Hán, trào lưu phê phán của văn học giới lại dâng lên. Từ văn chính  luận của những người như  Vương Sung, Vương Phù đến thơ phú của những tác giả như Lịch Viêm, Triệu Nhất,  Thái Ung, Nễ Hành, tinh thần phê phán ngày một mạnh mẽ hơn. Đối tượng phê phán bao gồm thần học mục đích luận, sấm ký túc mệnh luận, mê tín quỉ thần, sự đen tối và thối nát của xã hội  và các quan niệm truyền thống về nhân sinh, về giá trị.  Văn học thời Hán lấy việc phê phán lịch sử  để khởi phát, kinh qua việc ca công tụng đức phồn thịnh một thời, cuối cùng  lại lấy việc phê phán hiện thực mà kết thúc, đã hoàn thành một vòng tuần hoàn.  Tuy nhiên, so với việc phê phán lịch sử ở thời kỳ đầu, việc phê phán hiện thực ở thời kỳ sau xét về mức độ là sâu sắc hơn, rộng rãi và mạnh mẽ hơn.

Cùng với con đường phát triển phê phán- tụng ca- phê phán mà văn học thời Hán đã kinh qua thì địa vị của văn học thời Hán cũng diễn biến theo một quá trình  từ độc lập đến phụ thuộc và rồi lại độc lập. Các nhà văn thời Hán sơ như Mai Thừa, Trang Kỵ, Trâu Dương đi  du thực trong các nước chư hầu, làm thượng khách của nước lớn, họ đi về tự do, đều có nhân cách độc lập, mà cũng  có cả phẩm chất của bậc văn nhân và tung hoành gia. Từ thời Vũ đế, triều đình đề xướng việc nuôi dưỡng văn nhân, những thị tòng văn nhân ( văn nhân theo hầu- ND) trên một mức độ rất lớn đã lựa theo khẩu vị của thiên tử mà sáng tác. Thời kỳ Đông Hán, những mạc liêu văn nhân (văn nhân làm chức phận hầu hạ chốn phủ đệ  - ND) được bọn ngoại thích chiêu nạp có lúc đã phải hy sinh nhân cách bản thân vì chủ nhân mà  ca tụng, so với cánh thị tòng văn  nhân  cùng một duộc, đều là những kẻ không có tự do. Những tác giả a dua theo thiên tử và ngoại thích này, đa số là loại hình văn nhân kiêm học giả; Vương Bao, Dương Hùng, cha con Lưu Hướng, Ban Bưu đều là những người như vậy. Bắt đầu từ những năm cuối thời Tây Hán, tinh thần hướng đến sự coi trọng nhân cách độc lập lại manh nha trong đội ngũ văn nhân. Các văn nhân như Dương Hùng, Ban Cố, Trương Hành, một cách tự giác hoặc bất tự giác, ở trình độ không giống nhau đã thoát khỏi tình trạng phụ thuộc của hạng thị tòng văn nhân và mạc liêu văn nhân mà nỗ lực dựa vào lý tưởng của bản thân để tiến hành sáng tác. Các nhà văn thuộc hậu kỳ Đông Hán như Triệu Nhất, Nễ Hành tự do tự tại, ngay thẳng cao ngạo, căn cứ vào chính bản thân họ cũng có thể thấy khá nhiều dấu ấn của một đảng phái. Từ Hán sơ bọn Mai Thừa, Trâu Dương có lối ứng xử ngạo nghễ đối với bọn vương hầu  cho đến bọn Triệu Nhất, Nễ Hành  thời Hán mạt có nét gần với cuồng sĩ, các  văn nhân thời Hán sau khi trải qua một thời gian phụ thuộc lại hướng về sự độc lập cá tính xưa, mà lại đạt đến một trình độ cao hơn.

Văn học thời Hán và văn học đất Sở thời kỳ Tiên Tần có mối quan hệ cội nguồn rất sâu sắc cho nên văn học thời Hán ngay từ đầu đã có sắc thái lãng mạn đậm đà. Văn nhân thời Tây Hán một mặt đối với thế giới hiện thực có thái độ  hết sức khẳng định, mặt khác lại ảo tưởng vào thế giới thần tiên mà đi ngao du, cùng nhau thụ hưởng cảnh hoan lạc ở thế giới ấy; trong nhiều tác phẩm đã xuất hiện cảnh tượng người thần cùng du ngoạn, người thần cùng vui chơi, sinh hoạt nhân gian và  thế giới  thần linh thông nhau mà có được vẻ đầy sinh khí. Bước vào thời kỳ cuối Đông Hán trở đi, sắc thái lãng mạn của tác phẩm văn học dần dần mờ nhạt  mà tinh thần lý tính ngày một mạnh lên. Lấy từ phú của Tư Mã Tương Như, Dương Hùng và lấy tác phẩm cùng loại của Ban Cố, Trương Hành  mà so sánh với nhau, lấy “Sử ký” và “Hán thư” mà so sánh với nhau, đều có thể thấy sự sai dị giữa lãng mạn và hiện thực. Đương nhiên, thời Đông Hán có một số tác phẩm không thiếu sự tưởng tượng kỳ ảo, thậm chí có thần linh xuất hiện, nhưng nhìn tổng thể thì khí chất lãng mạn của văn học Đông Hán kém xa của văn học Tây Hán. Sự hưng khởi của Đạo giáo và sự truyền nhập của Phật giáo không hề khiến cho văn học Đông Hán đi theo hướng hư ảo mà trái lại, theo qui luật tự thân phát triển hướng về phía trước, tính hiện thực của tác phẩm được tăng cường thêm một bước. Trong sáng tác từ phú, đã xuất hiện những tác phẩm có tính hiện thực rất mạnh như Bắc chinh phú của Ban Bưu,  Đông chinh phú của Ban Chiêu, Thuật hành phú của Thái Ung, Thích thế tật tà phú ( Bài phú phê phán thói đời, căm ghét tà nguỵ) của Triệu Nhất v.v...  Sáng tác thi ca của giới văn nhân ít khi thấy thành phần hư ảo, Nhạc phủ thi “cảm vu ai lạc, duyên sự nhi phát” ( cảm xúc ở chuyện vui buồn, theo sự mà phát lộ) đã phát triển đạt đến đỉnh cao. Cho đến loại văn chính luận lấy việc “tật hư vọng” (căm ghét thói trống rỗng sai lầm) như  Luận hành của Vương Sung ở thời Đông Hán cũng đã ra đời. 

Sáng tác dân gian và sáng tác của các tác giả trong văn học thời Hán đều cho thấy một cảnh tượng phồn vinh, cả hai cùng tác động lẫn nhau, đã có sức tác động mạnh mẽ  đến sự phát triển của văn học thời Hán.  Sự thẩm thấu và tác động qua lại giữa sáng tác dân gian và sáng tác của tác giả được thể hiện hết sức rõ nét  trong sáng tác thơ ca thời Hán. Thời Lưỡng Hán tồn tại chế độ thái thi ( sưu tầm thơ), thông qua việc sưu tập ca dao dân gian  dùng bổ sung cho nhạc chương của nhạc phủ, có thời kì lại dùng để khảo cứu chỗ được, chỗ hỏng của chính trị và khảo cứu dân phong dân tục. Ca dao ngũ ngôn một phần lớn nhập vào nhạc phủ trở thành ca từ của nhạc phủ. Dạng thức thi ca kiểu mới như thế có một sức hấp dẫn rất lớn đối với các văn nhân, trong sáng tác của bản thân họ đã  mô phỏng một cách có ý thức, do đó mà xuất hiện ngũ ngôn thi của các văn nhân, trong thơ nhạc phủ còn truyền đến nay có tác phẩm của các văn nhân. Thơ ngũ ngôn dân gian dưới ảnh hưởng của  thơ ngũ ngôn do văn nhân sáng tác ngày càng trở nên thành thục. Ngoài  thi ca ra, văn học sử truyện thời Hán đã lưu lại dấu ấn của sự thâm nhập qua lại giữa sáng tác của văn nhân và sáng tác dân gian. Sử ký, Ngô Việt xuân thu đều lấy khá nhiều truyền thuyết dân gian đưa vào sách đã làm tăng thêm sắc thái truyền kỳ của  hai bộ sách này.

 

Tiết thứ ba TÁC ĐỘNG QUA LẠI CỦA KINH HỌC VÀ VĂN HỌC THỜI HÁN

Nho sĩ là bậc thầy về kinh sách trong đội ngũ tác gia . Văn phong đề cao lối phô trương và phong cách giải thích kinh sách tỉ mỉ, vụn vặt  .  Sự chú trọng mô phỏng và bảo vệ sư pháp, gia pháp của Kinh học trong văn học.  Từ chỗ phồn tạp  đến chỗ giản dị của Kinh học và văn học . Kinh học và tư trào văn học thời Hán

Thời Lưỡng Hán là thời đại thịnh vượng của Kinh học. Kể từ Hán Vũ đế bãi truất bách gia, độc tôn nho thuật về sau, các bác sĩ Kinh học nối tiếp nhau thiết lập,  các bậc thầy lớn  về Kinh học xuất hiện nhiều vô tận, tôn Kinh trở thành phong khí xã hội một thời của nhà Hán. Văn học thời Hán và Kinh học có mối quan hệ dây mơ rễ má chằng chịt, quan hệ giao lưu của chúng là quan hệ tương hỗ, Kinh học có tác động đến văn học mà văn học cũng ảnh hưởng đến Kinh học , cả hai có tác động tương hỗ, làm nổi bật nhiều đặc trưng tương tự.

Nhà trường giáo dục thời Tây Hán từ triều Hán Vũ đế trải qua việc đề xướng và hướng dẫn của Công Tôn Hoằng trở về sau đã đạt đến sự phát triển bồng bột. Triều đình đặt ra chức quan Bác sĩ, lập nhà Thái học, cấp quận đặt chức Ngũ Kinh suất sử. Thời Hán Thành đế, con em học nhà Thái học có đến 3000 người, cuối thời Đông Hán số Thái học sinh đạt đến 30 000 người. Không kể đến học hiệu do nhà nước lập, các nhà học tư nhân mở ra phổ biến khắp nơi đã chiêu tập một số lượng lớn sinh viên.  Mục đích của giáo dục Kinh học thời Hán là bồi dưỡng các thầy dạy kinh học và đào tạo quan lại các cấp, không hề có ý đào tạo người học trở thành người sáng tác nhưng trong số đó  một bộ phận khá đông lại có năng lực theo đuổi việc sáng tác văn học. Từ khi Công Tôn Hoằng khởi xướng và hướng dẫn việc giáo dục Kinh học trở đi “các bậc công khanh đại phu, sĩ lại đa phần là những kẻ sĩ có văn học” ( Hán thưNho lâm truyện). Đa số tác gia thời Hán đã tiếp nhận nền giáo dục Kinh học, họ trở thành nhân vật môi giới quan trọng cho sự liên thông giữa văn học và Kinh học. Sự thâm nhập lẫn nhau giữa Kinh học và văn học thời Hán được hiện thực hoá chủ yếu thông qua họ.

Văn học thời Hán nổi tiếng về lối văn khoa trương, bất kể là từ phú, thi ca hay tản văn,  bất kể sáng tác của các văn nhân hay dân ca nhạc phủ,  tất cả đều có tồn tại khuynh hướng này, từ đó mà hình thành nên trào lưu duy mĩ của văn học thời Hán. Văn học thời Hán đối với  toàn bộ hiện thực đều có một hứng thú cực lớn khi tiến hành miêu tả, biểu hiện, hơn nữa lại còn phô trương, khuyếch đại một cách tràn lan, không giới hạn. Khi tiến hành trình bày la liệt, không ngại rườm rà, chẳng quản trùng lặp,  trong quá trình miêu tả, kể chuyện đầy sự khoa trương, thừa thãi mĩ lệ,  nhiều từ ngữ to tát không cần thiết, khá nhiều tác phẩm do đó bộc lộ sự thô vụng, cứng nhắc. Cùng với phong cách phô trương quá mức của văn học thời Hán, có ảnh hưởng lẫn nhau thành một xu hướng là  phong cách giải thích quá tỉ mỉ vụn vặt của Kinh học thời Hán, bàn một Kinh có tới hơn trăm vạn lời, giải thích có năm chữ trong Kinh Thư mà phải dùng đến hai, ba vạn chữ. Thậm chí Tần Cận Quân giải thích nghĩa của hai chữ trên nhan đề Thượng thư. Nghiêu điển đã dùng tới mười vạn lời. Văn học và Kinh học thời Hán trong khi vận dụng ngữ ngôn văn tự đều không chán sự phồn tạp, càng nhiều càng tốt, từ ngữ ùn ùn kéo về.  Điều này khiến cho khuôn khổ của một số tác phẩm nào đó quá dài, hệt như sách từ điển , khiến cho người ta không  thể nào đọc hết được. Chính Kinh học vì quá mức tế toái, phiền phức, gán ghép khiên cưỡng nên không thể nào cứu vãn được sự suy vong tiếp theo.

Tác phẩm văn học thời Hán thường xuyên xuất hiện cảnh tượng thế giới thần tiên, người và thần linh có thể tự do đi lại, nhiều tác phẩm bộc lộ ảo tưởng về trường sinh bất tử. Văn học thời Hán đều có tính cách lãng mạn, Kinh học thời Hán cũng mang tính hư ảo cực lớn. Kinh học thời Hán lấy thuyết âm dương và điềm tai dị để giải thích thời sự, chính trị, về sau lại có một giai đoạn hưng khởi cái học sấm vĩ, “ở đó Ngũ Kinh là ngoại học, thất vĩ là nội học, tạo nên phong cách một thời” 6. Nghĩa lý của Ngũ Kinh đều lấy sách sấm để phán quyết, đem đồ hình của sấm ký gán ghép cho việc của con người. Kinh học thời Hán ở một mức độ lớn đã bị thần học hoá, đó là cái học hư huyễn kiến lập trên cơ sở thuyết thiên nhân cảm ứng. Cơ chế tư duy Kinh học và văn học thời Hán có điểm tương thông, đều lấy sự tưởng tượng về sự liên thông người và trời  để bắc cây cầu nối giữa đời sống hiện thực và thế giới thần linh ở bờ bên kia. Lưu Hiệp gọi sấm vĩ là “kinh điển vô ích mà có trợ giúp cho văn chương” (Văn tâm điêu long. Chính vĩ ), câu nói này có một ý nghĩa nhất định. Kinh học bị thần bí hoá ở thời Hán đối với văn học lãng mạn đã cung cấp cho văn học nguồn tài liệu và động lực còn Kinh học thần bí hoá lại đã học tập tinh thần và thủ pháp biểu hiện của văn học lãng mạn.

Văn học thời Hán trọng mô phỏng, thiếu tính sáng tạo, nhiều văn nhân chẳng những  mô phỏng các tác phẩm thời đại trước mà còn mô phỏng các văn nhân cùng thời. Có sự mô phỏng về mặt đề tài, có mô phỏng về thể loại, thậm chí về biện pháp bố cục cũng có nhiều điểm tương đồng. Các thể đại phú, tao thể phú, thất thể, cửu thể, thiết từ lưu hành ở thời Hán trước sau đều đã để lại dấu vết vay mượn 7. Trong quá trình  mô phỏng người khác văn nhân thời Hán cũng có sáng tạo mới, nhưng sự tuân thủ cái cũ xét trên cấu trúc chỉnh thể là rõ ràng dễ thấy. Kinh học thời Hán trọng kế thừa, thời Tiền Hán trọng sư pháp ( phép tắc của thầy), Hậu Hán trọng gia pháp, đều là cường điệu  lời truyền thụ  của bậc tiên sư. Không dựa vào lời của tiên sư mà quyết theo ý riêng mình đều bị xem  là khinh thường đạo thuật, bị học giới chê trách. Phương pháp truyền thụ của Kinh học thời Hán đã tạo thành sức ỳ bảo thủ, khư khư thói cũ, khiến người ta bị trói buộc rất lớn. Phong khí mô phỏng của văn học thời Hán và tập tục trọng sư pháp, gia pháp của Kinh học có ảnh hưởng qua lại, về bản chất là tương đồng. Chỉ có những kẻ sĩ thông kim bác cổ, trong Kinh học không câu nệ chương cú, không ôm gia pháp, sư pháp thì trong sáng tác văn học mới có cái riêng mà xác lập; văn nhân có năng lực sáng tạo thời Hán quả thực đều đã đột phá truyền thống lỗi thời trong việc truyền thụ Kinh học.

Nhìn chung, văn học thời Hán đã trải qua  một quá trình phát triển từ phồn ( rườm rà phức tạp- ND) đến giản ( giản dị-ND). Là từ phú của bầu trời Đại Hán, đến giữa thời Đông Hán, đại phú bộc lộ xu thế suy vi, tiểu phú trữ tình xuất hiện và thay thế nó. Các tác phẩm văn học sử truyện chính thống cũng đã bộc lộ xu thế đi từ phồn đến giản. So sánh Hán thư với Sử ký, sách của Ban Cố đã bỏ đi lối miêu tả và tự sự tinh tế tuyệt vời của Tư Mã Thiên, khuôn khổ cũng giảm bớt đáng kể. Nhìn từ thể loại văn học, thơ ngũ ngôn ngắn gọn tinh luyện từ địa vị chư hầu phụ thuộc đã biến thành nước lớn, cuối cùng  chiếm địa vị bá chủ trên văn trường mà thay thế từ phú. Diễn biến của Kinh học thời Hán và văn học là tương đồng, bắt đầu từ sơ kỳ Đông Hán, Kinh học giới buồn bã dấy lên phong cách cắt gọt bớt những gì rườm rà 8 để thuận tiện  cho sự truyền thụ. Có sách cắt gọt đi cắt gọt lại, những sách có khuôn khổ lớn giải thích kinh sách, văn tự được tinh giản, điều này có sức mạnh sửa chữa phong cách rườm rà của quá khứ.

Thời Hán, Kinh học đối với tư trào văn học đã có ảnh hưởng rất sâu sắc, tư trào văn học Lưỡng Hán rất ít khi vượt qua những gò bó của Kinh học mà trên một mức độ lớn là sự tiếp nối và cụ thể hoá Kinh học, nhiều tác gia song trùng phân thân, vừa là nhà văn vừa là thầy dạy Kinh điển. Quan điểm cơ bản của việc trình bày Mao thi tự  trở thành  linh hồn và âm điệu chủ đạo của tư trào văn học thời Hán 9 . Mao thi tự chủ trương thi ca cần phải “phát hồ tình, chỉ hồ lễ nghĩa” (thi ca khởi phát ở tình cảm mà dừng lại ở lễ nghĩa) được dùng để biểu hiện quy phạm tính tình và luân lý đạo đức của nho gia. Nó cường điệu tác dụng giáo hoá, phúng gián của thi ca, đem qui kết công năng của thi ca thành ra “ kinh phu phụ, thành hiếu kính, hậu nhân luân, mĩ giáo hoá, di phong tục” ( định phép tắc vợ chồng, xây dựng đạo hiếu kính cha mẹ, làm cho nhân luân thuần hậu, khiến cho giáo hoá tốt đẹp, thay đổi phong tục), mang sắc thái “công cụ luận” rất đậm nét. Phê bình văn học thời Hán chủ yếu lấy quan điểm vừa nêu trên đây làm thước đo để phán quyết các hiện tượng văn học khác nhau. Đối với việc bình giá Khuất Nguyên và tác phẩm của ông, đối với việc đánh giá Hán phú, người thời Hán có những bất đồng sâu sắc 10 . Những bất đồng trong chuyện khen chê của các nhà đều bắt nguồn từ việc lập luận trên quan điểm Kinh học, lấy Kinh Truyện mà luận Ly tao của Khuất Nguyên, lấy Kinh Truyện mà luận Hán phú, về điểm này thì không có những sai biệt căn bản. Dẫu cho một nhà tư tưởng như Vương Sung vốn thuộc loại giàu tinh thần phê phán đi nữa thì trong khi bình luận các loại hiện tượng văn học vẫn phải lấy kinh điển nho gia làm căn cứ. Tư trào văn học thời Hán còn có một khía cạnh khác đáng được chú ý, đó là việc Tư Mã Thiên kế thừa thuyết “phát phẫn dĩ trữ tình” ( bộc lộ sự phẫn uất mà làm thơ tả tình) để đề xướng thuyết “phát phẫn trước thư ” ( phẫn uất mà viết sách )11 . Ông  xem sáng tác văn học là một phương thức bày tỏ nỗi niềm uất ức, là sự bùng nổ của tình cảm  khi gặp phải sự đè nén. Tuy nhiên, ở thời Hán vốn tràn ngập không khí Kinh học thì loại lý luận văn học như của Tư Mã Thiên khó mà phát triển được, bởi vì nó xung đột và, ở một mức độ lớn,  vượt qua tư tưởng Kinh học.

 

 

TIẾT THỨ TƯ. SỰ BIẾN CHUYỂN CỦA THỂ LOẠI VĂN HỌC THỜI HÁN VÀ PHÂN KÌ

            Tính chất đa nguyên của phú. Sự phân công và hợp lưu của từ phú. Từ Sử kí đến Ngô Việt xuân thu. Sự thai nghén thơ ngũ ngôn, thất ngôn. Phân kì văn học thời Hán

            Thời đại Lưỡng Hán là thời đại phát sinh và biến đổi rất to lớn về thể tài văn học, nhiều thể loại văn học quan trọng đã thai nghén và ra đời ở giai đoạn này, hình thành một bức tranh văn học phong phú, nhiều màu sắc. 

            Phú là một thể loại văn học có tính chất hết sức tiêu biểu cho văn học thời Hán, nó nằm trung gian giữa thi ca và tản văn, vần tản văn kiêm thể hành. Có thể nói đây là sự tản văn hoá của thơ, thơ hoá của tản văn.   Hán phú tiếp nhận tất cả  các thể văn  mà hình thành nên một thể thức mới. Nó vay mượn Sở từ, vay mượn hình thức chủ khách vấn đáp của lối văn tung hoành gia thời Chiến Quốc,  mô phỏng văn phong phô trương  phóng túng, lại hấp thụ thủ pháp tự sự của văn học sử truyện thời Tiên Tần, trong phú lại thường thấy sự dung nhập thi ca. Nếu xem xét các hình thức thi ca được thu dụng  thì đã có lối tứ ngôn ( bốn chữ) truyền thống, lại có thơ ngũ ngôn ( năm chữ ) và thất ngôn ( bảy chữ) mới hưng khởi. Nguồn gốc của văn thể Hán phú có nhiều phương diện, đó là một dạng thức văn học tổng hợp, dung lượng lớn và năng lực biểu hiện khá mạnh của nó ở một  mức độ rất cao chứng minh cho điều đó. Thất phát của Mai Thừa đánh dấu mốc cho sự hình thành chính thức của tân thể phú. Tác phẩm của Tư Mã Tương Như tiêu biểu cho thành tựu cao nhất của tân thể phú. Tác gia tân thể phú chủ yếu cuối thời Tây Hán là Dương Hùng. Lưỡng đô phú của Ban Cố, Nhị kinh phú của Trương Hành là hai thiên tân thể phú nổi bật thời Đông Hán. Đồng thời Qui điền phú của Trương Hành lại đột phá truyền thống cũ, mở đường khai sáng thể loại tiểu phú trữ tình.

            Việc sáng tác tác phẩm theo thể Sở từ ở thời Hán chưa có sự phát triển mới, nhiều tác phẩm về mặt nội dung và hình thức có ý thức mô phỏng Ly tao, Cửu chương của Khuất Nguyên, một số tác phẩm chỉ vay mượn hình thức của thể Sở từ. Lưu Hướng thời Tây Hán từng biên tập tác phẩm của Khuất Nguyên, Tống Ngọc và các sáng tác của người Hán mô phỏng, đặt tên là Sở từ. Những tác gia thời Hán có tác phẩm được sưu tầm trong đó có Giả Nghị, Hoài Nam Tiểu Sơn, Đông Phương Sóc, Nghiêm Kị, Vương Bao, Lưu Hướng. Vương Dật thời Đông Hán  làm sách Sở từ chương cú, lại phụ thêm Cửu tư của chính mình vào. Ngoài ra, bọn Dương Hùng, Phùng Diễn, Thái Ung, Triệu Nhất cũng có tác phẩm làm theo thể Sở từ được lưu truyền ở đời. Thời Hán thịnh hành phong trào đọc giải thích Sở từ, nhiều văn nhân có tình cảm sâu sắc với Khuất Nguyên, do đó nhiều tác phẩm thuộc loại Sở từ đều dựa vào Khuất Nguyên, và đã hình thành một sự phân công rõ ràng cho tân thể phú: tân thể phú chủ yếu dùng cho phúng dụ, tán tụng chính diện còn tác phẩm thuộc loại Sở từ chủ yếu chú trọng vịnh vật trữ tình, mà phần nhiều  phát lộ  cái tình uất ức, về cách điệu có chỗ gần với Ly tao. Trong quá trình phát triển, các tác phẩm loại Sở từ dần dà hợp lưu với tân thể phú, gọi gộp là từ phú còn tác phẩm loại Sở từ được gọi là tao thể phú, có lúc lại được mệnh danh bằng khái niệm phúĐiếu Khuất Nguyên phú của Giả Nghị thuộc loại như thế.

            Tản văn tự sự Lưỡng Hán về mặt văn thể cũng có sự phát triển khá mạnh. Sử kí của Tư Mã Thiên lấy nhân vật làm trung tâm để phản ánh lịch sử đã sáng lập dạng thức mới của sách về lịch sử theo thể kỷ truyện, cũng đã khai mở một kỉ nguyên mới của văn học truyện kí. Hán thư đã kế thừa thể lệ của Sử kí, lại còn làm cho nó thêm hoàn mĩ. Ngô Việt xuân thu lại tiến thêm một bước trong việc tăng cường tính chất văn học của tác phẩm sử truyện, đó là khởi đầu của tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử. Các văn bia xuất hiện phần lớn ở thời kì Đông Hán đó là một thể văn mới bình phẩm phong cách nhân vật đã đạt đến chỗ thành thục. Đến Phong thần nghi kí (Ghi chép về nghi thức phong thần) của Mã Đệ Bá có thể xem là loại du kí khá hoàn chỉnh cổ nhất hiện còn lưu giữ được. Văn chính luận thời Hán tiếp tục đầu mối của tản văn chư tử thời Tiên Tần, về mặt hình thức không có đột phá đáng kể. Loại tác phẩm theo thể từ lấy hình thức chủ khách vấn đáp làm cơ chế, trên bình diện phong cách gần với phú, người đời sau thường đem nhập nó làm một với thể loại phú.

            Dạng thức thi ca chủ yếu thời Tiên Tần đó là tứ ngôn,  loại thể tài này tại thời Hán vẫn được tiếp  tục sử dụng nhưng không còn đứng ở vị trí chủ đạo nữa. Thời Hán đã sản sinh ra một dạng thức thi ca mới- ngũ ngôn thi. Thể thơ này ở thời Tây Hán phần nhiều thấy ở ca dao và thơ Nhạc phủ, còn thơ ngũ ngôn của văn nhân  làm phần lớn xuất hiện từ Đông Hán trở đi. Đối với  sự phát triển của ngũ ngôn thi, bọn Ban Cố, Trương Hành, Tần Gia, Thái Ung đều có vai trò thúc đẩy tích cực và đều có sáng tác theo thể thơ này còn lưu truyền ở đời. Ngũ ngôn thi ở thời Đông Hán đã đạt đến độ thành thục, thơ tự sự có tác phẩm trường thiên  theo thể thơ này là Khổng tước đông nam phi , Cổ thi thập cửu thủ đó là điển phạm của thơ trữ tình thể ngũ ngôn, Nhạc phủ thi ngũ ngôn cũng có nhiều thiên nổi tiếng. Thời kì Tây Hán những câu thơ thất ngôn phần nhiều xuất hiện trên văn khắc, trong thể tài như sách khoá bản dạy chữ đã có những câu thơ thất ngôn tiêu chuẩn. Trong từ phú thời Hán thường có xen kẽ những đoạn hoặc những câu thơ thất ngôn, có  chỗ đã có thể thấy thơ thất ngôn thủ vĩ hoàn chỉnh 13. Thơ thất ngôn phụ thuộc vào Hán phú thông thường là những câu thơ dùng vần, đã phản ánh đặc điểm của thơ thất ngôn thời kì đầu, về sau, Yến ca hành của Tào Phi chính là đã dùng thể thơ này.

            Sự phát triển của văn học thời Hán đại thể có thể phân chia làm bốn thời kì.

Từ Hán Cao tổ đến Hán Cảnh đế -  đó là thời kì sơ khai  của văn học thời Hán.  Phần lớn các thể loại văn học về cơ bản là kế thừa của văn học thời Chiến Quốc đồng thời lại có sự manh nha những nhân tố mới. Đã xuất hiện những tác phẩm thuộc loại xác lập cơ sở cho thể chế của Hán phú như  Thất phát . Văn chính luận thời Hán sơ tiếp thụ ảnh hưởng của lối thuyết từ và từ phú thời Chiến Quốc, đa số có khí thế hùng vĩ, gây xúc cảm  mạnh. Thi ca theo lối  Sở từ được truyền bá rộng rãi, lại được sử dụng vào việc tế lễ trong cung đình, trở thành ca khúc chốn miếu đường. Những tác gia tiêu biểu cho thời kì này là Giả Nghị và Mai Thừa, từ phú và văn chính luận của họ đều đạt thành tựu khá cao.

Từ Hán Vũ đế đến Hán Tuyên đế  là thời kì toàn thịnh của văn học Lưỡng Hán. Tân thể phú tiêu biểu cho thành tựu cao nhất của văn học thời Hán trong thời kì này đã định hình, thành thục, đã xuất hiện một loạt các tác gia từ phú mà Tư Mã Tương Như là người dẫn đầu. Văn học sử truyện đã phát triển đến đỉnh cao, danh tác văn học truyện kí bất hủ Sử kí do Tư Mã Thiên viết rất hoàn bị. Hán Vũ đế bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật, tư tưởng dần dần được đề cao. Do đó tản văn chính luận vượt qua tình trạng cao đàm khoát luận mà dựa vào kinh điển xác lập ý nghĩa, về mặt phong cách hướng tới phát triển coi trọng điển nhã thuần hậu, sự sâu rộng, phong phú. Cơ quan Nhạc phủ mạnh lên khiến một bộ phận lớn dân ca được sưu tập, ghi chép lại, giới văn nhân cung đình đua nhau sáng tác Nhạc phủ thi.

Từ Hán Nguyên đế đến Đông Hán Hoà đế là thời kì trung hưng của văn học Lưỡng Hán. Sáng tác từ phú dấy lên cao trào lần thứ hai, liên tiếp xuất hiện các tác gia từ phú nổi tiếng như Dương Hùng, Ban Cố. Hán thư của Ban Cố ra đời vào thời gian này là một tác phẩm văn học truyện kí trọng yếu kế tiếp Sử kí. Do sự thâm nhập lòng người ngày một tăng của Kinh học, phong khí mô phỏng trên văn đàn ngày càng thêm trầm trọng. Luận hành của Vương Sung mang tinh thần phê phán thói tật hư vọng, đối lập rõ rệt với khuynh hướng xấu mang tính bảo thủ cũ rích đương thời.

Từ Hán Yên đế đến Hán Linh đế là thời kì chuyển từ thịnh sang suy của vương triều nhà Hán, cũng là thời kì chuyển biến của văn học thời Hán. Trong văn tập của Trương Hành đã thể hiện sự chuyển biến lịch sử của văn học thời Hán. Từ sự khởi đầu của ông, đoản phú trữ tình theo nhau xuất hiện, thể đại phú ở kinh đô  cũng đã phát triển đạt đến đỉnh điểm. Từ phú của các tác giả như Triệu Nhất, Thái Ung, Nễ Hành  gia tăng tính tiếp cận hiện thực, tinh thần phê phán cực mạnh mẽ,  ngũ ngôn cổ thi đến giai đoạn thành thục mà Cổ thi thập cửu thủ tiêu biểu cho thành tựu cao nhất của ngũ ngôn thi do văn nhân sáng tác. Các tác gia trong thơ văn lại có phát hiện mới, suy nghĩ và tìm tòi đối với vấn đề sinh mệnh, vận mệnh và giá trị của con người,  xu thế ngày càng hoàn thiện hoa mĩ đã dự báo một thời đại văn học tự giác sắp đến.

Chú thích

1)  Toàn thượng cổ Tam đại, Tần, Hán, Tam Quốc, Lục triều văn. Toàn Tần văn do Nguyên Khả Quân biên tập, một quyển, tuyệt đại đa số là các bài sớ dâng vua Tần của Lí Tư và văn khắc đá.  Tiên Tần, Hán, Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều thi  do Đãi Khâm Lập biên tập chỉ sao lục một bài dân ca đời Tần Thuỷ Hoàng, tức Trường thành dao.

2) Các luận thuật về văn khắc đá thời Tần, có thể tham khảo Lý Tư Tần khắc thạch minh văn giải thuyết của Công Mộc, vốn đăng trên Cát Lâm đại học học báo kì 1- 1978, sau  được đưa vào Tiên Tần thi ca sử luận do Trương Tùng Như chủ biên, Cát Lâm giáo dục xuất bản xã, năm 1995, tr.403- 416.

3)Việc phụ nữ quí tộc thời Hán tụng đọc Sở từ có thể thấy trong Hậu Hán thư, q.10, Hoàng hậu kỉ: “ Minh Đức Mã Hoàng hậu huý mỗ, Phục Ba tướng quân nhận  làm con gái... có thể đọc Kinh Dịch,  thích đọc  Kinh Xuân Thu,  Sở từ, lại càng giỏi sách Chu Quan, sách của Đổng Trọng Thư” . Quyển 55, Chương đế bát vương truyện  viết : “ Vua có mẹ là Tả Cơ, tự Tiểu Nga. ...Tiểu Nga giỏi sử thư, thích từ phú”. Hậu Hán thư, Trung Hoa thư cục, 1973, các trang 407-409 và 1803.

4) Thòi Đông Hán kế tục dĩ văn thủ sĩ , điều này Hậu Hán thư, quyển 80, Văn uyển liệt truyện có nhiều đoạn ghi chép. Đỗ Đốc nhờ làm thể văn lỗi điển nhã mà được miễn hình phạt, lại được thưởng, Lưu Nghị, Truyền Nghị, Lí Vưu dâng văn được triều đình lục dụng. Hậu Hán thư, Trung Hoa thư cục, 1973, các trang 2595, 2613, 2616. 

5) Về Hồng đô môn học, thấy  Hậu Hán thư  quyển 60 Thái Ung liệt truyện có đoạn ghi chép như sau đây: “ Lúc đầu, vua hiếu học, tự làm ra Hoàng Hi thiên 50 chương, nhân đó hướng dẫn các sinh viên có khả năng làm văn chương. Vốn lấy Kinh học để chiêu tập họ, về sau những người  tài văn khéo viết chữ đều được dẫn triệu thêm, nên có vài chục người đến. Thị trung tế tửu Nhạc Tùng, Giả Hộ phần nhiều dẫn bọn đồ đệ không có đức hạnh, đều được đãi ngộ quan chế dưới Hồng đô môn, thích kể chuyện phong tục lặt vặt chốn hương thôn, Hoàng đế rất bằng lòng, đãi ở vị trí không phải thấp”.  “ Năm đầu niên hiệu Quang Hoà, bèn lập Hồng đô môn học, vẽ hình bảy mươi hai học trò Khổng Tử. Những môn sinh này đều do nhà vua sắc chỉ bọn tam công ở các châu quận vời đến cất nhắc sử dụng, hoặc xuất thân là Thứ sử, Thái thú vào triều làm Thượng thư, Thị trung, bèn phong hầu ban tước, bọn sĩ quân tử  đều thấy hổ thẹn với những người này”. Quyển  77 “Khốc lại liệt truyện” ( Truyện về quan lại tàn ác) chép: “Dương Cầu,..., tấu xin bãi bỏ Hồng đô văn học, nói rằng: “Bọn Phục Thừa có chiếu sắc gọi bọn Nhạc Tùng, Giang Lãm ba mươi hai người vẽ tranh, làm bài tán ca ngợi, để khuyến khích kẻ đi học. ...Nay xét bọn Tùng, Lãm đều xuất thân tầm thường hèn mọn, ỷ  vào thân thích, dựa dẫm quyền thế, dương dương tự đắc, may gặp thời thịnh. Hoặc dâng phú một thiên, hoặc viết chữ điểu triện đầy các thẻ tre mà thăng tới chức lang trung, được vẽ hình tượng. Cũng có kẻ bút không viết được văn bài, ngôn từ không thể diễn đạt được nội tâm, nhờ mượn người viết hộ, dối trá trăm điều, không ai không được đội ân, thật là cặn bã nhơ bẩn. Đó là do người hiểu biết che miệng, thiên hạ ta thán. Thần nghe nói sự bày đặt chuyện vẽ tranh tượng, lấy điều sáng tỏ khuyên ngăn, mong bậc quân vương xem xét chuyện được mất. Chưa từng nghe việc lập kẻ tiểu nhân, giả làm văn ca tụng mà lại có thể càn rỡ tiếm lập thiên cung, vẽ trânh tô tượng. Nay nền thái học, đông quan đủ để làm sáng tỏ sự giáo hoá của thánh nhân. Mong bãi bỏ việc tuyển Hồng đô, phế bỏ bọn gièm pha trong thiên hạ”. ( Hậu Hán thư, Trung Hoa thư cục, 1973, các trang 1991, 1998, 2499).      

6) Bì Tích Thuỵ.  “Kinh học lịch sử”, Trung Hoa thư cục, 1981, tr. 109. Thất vĩ tức là 7 loại sách bói  dựa vào bảy Kinh là Thi vĩ, Thư vĩ, Lễ vĩ, Nhạc vĩ, Dịch vĩ, Xuân Thu vĩ, Hiếu kinh vĩ.

7) Chu Huân Sơ “ Vương Sung và văn phong thời Lưỡng Hán” là một bài viết đối với quan hệ của phong cách mô phỏng của văn học thời Hán và Kinh học có đi sâu luận thuật, lại phụ lục thêm ở cuối “Lưỡng Hán mô nghĩ nhất lãm biểu” ( Bảng liệt kê phong cách mô phỏng thời Lưỡng Hán). Xem “ Cổ đại văn học lý luận nghiên cứu” (tập 2), Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1980, tr.122-140.

8) Về việc Kinh học thời Đông Hán xuất hiện từ xu thế phồn tạp chuyển sang sự dị giản, sách “Hậu Hán thư” đã có nhiều đoạn ghi chép, đơn cử như sau: quyển 32, “Phàn Hồng liệt truyện” viết “ ( Phàn) nhanh chóng san định chương cú “ Công dương Nghiêm thị Xuân thu”, đời gọi là Phàn hầu học, môn đồ thụ giáo trước sau có tới trên ba ngàn người”. Quyển 36 “ Trương Bá liệt truyện” chép: “ ( Trương) Bá thấy Phàn Hồng san định “ Nghiêm thị Xuân thu” vẫn dùng  nhiều ngôn từ, bèn  giảm đi còn hai chục vạn lời , do đó được gọi là Trương thị học”. Quyển 37 “Hoàn Vinh liệt truyện” chép : “ Lúc đầu ( Hoàn) Vinh thụ học Chu Phổ chương cú bốn mươi vạn lời,  ngôn từ rườm rà, dài dòng, phần nhiều xa sự thực. Đến khi Vinh truyền  thụ cho Hiển Tông, giảm đi còn hai mươi ba vạn lời. ( Hoàn) san định còn hai mươi vạn lời, do đó mà có “ Hoàn quân đại tiểu thái thường chương cú”. Quyển 79 “ Nho lâm liệt truyện” chép:  “ Phục Cung...lúc đầu chương cú của Phụ Ảm rườm rà, Cung bèn tỉnh lược bớt những từ phù phiếm, còn hai mươi vạn lời”. “ Chung Hưng,... Hán Quang Vũ cho vời đến gặp, hỏi kinh nghĩa, đối đáp tất cả mọi điều hết sức rõ ràng. Vua rất thích, cho làm lang trung, sau đó đổi làm Tả trung lang tướng. Xuống chiếu lệnh san định chương cú “ Xuân Thu”, bỏ bớt những chỗ phiền phức, trùng lặp, truyền thụ cho hoàng thái tử”. ( Hậu Hán thư, Trung Hoa thư cục, 1973, tr. 1125, 1242, 1256, 2571, 2579).

9) Cũng gọi là “Thi đại tự”. Thời Hán, có bốn nhà giải thích Kinh thi là Tề, Lỗ, Hàn, Mao. Về sau ba nhà đầu tiên thất truyền, chỉ còn lại Mao thi ( bản giải thích Kinh thi của họ Mao). Bản Mao thi ở bên dưới  các thiên  đều có lời dẫn giải thích nghĩa bài thơ. Thiên mở đầu Quan thư có một bài tổng luận, bàn luận một cách khá toàn diện tính chất, tác dụng, thể tài và phương pháp biểu hiện của thi ca. “ Kinh điển dịch văn” dẫn một thuyết cũ : “ Từ đây đến “Dụng chi bang quốc yên”, tên  “Quan thư tự”, gọi là Tiểu tự. Từ “phong, phong dã” cho đến hết, gọi là Đại tự”. Lại dẫn thuyết của Thẩm Trọng: “ Căn cứ vào ý của Trịnh Huyền trong “Thi phổ” thì  Đại tự là do Tử Hạ viết còn Tiểu tự là do Tử Hạ và họ Mao cùng viết.  Bốc Thương ( Tử Hạ) chưa nói hết ý nên họ Mao bổ sung cho đầy đủ mà thành”. Lại dẫn một ý kiến : “ Tiểu tự là sáng tác của Tiết Kính Trọng ở Đông Hải ”.  “Mao thi chính nghĩa” mà “Thi phổ” ghi chép hiện còn không nói Tự  là do ai sáng tác. “Hậu Hán thư. Nho lâm truyện” chép : “Buổi đầu,  Tạ Mạn Khanh ở Cửu Giang rất giỏi Mao thi, dùng  thi để dạy học. Hồng ( Kính Trọng) theo học Mạn Khanh, nhân đó làm “Mao thi tự”. Liên quan đến vấn đề tác giả Mao thi tự có rất nhiều thuyết khác nhau, có thể tham khảo “Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu” và “Thông luận Thi tự” của Thôi Thuật ( xem “Tùng thư tập thành”, bản “ Độc Phong ngẫu thức”, quyển 1. “Mao thi tự” là trước tác của ai, hiện tại vẫn chưa xác định được.

10)  Vấn đề người đời Hán đối với Khuất Nguyên và việc bình luận tác phẩm của ông, chủ yếu xem “ Sử ký. Khuất Nguyên liệt truyện”, “ Hán thư. Dương Hùng truyện”, “Sở từ” quyển thứ nhất chép  “Ly tao tự” của Ban Cố, “Ly tao tán tự”, tập ( Tứ bộ tùng san), “ Sở từ chương cú” của Vương Dật. Còn về việc luận thuật của người đời Hán đối với Hán phú chủ yếu xem “Pháp ngôn. Ngô tử” của Dương Hùng , xem “Vương Bao truyện” “ Nghệ văn chí. Thi phú lược luận”, “Tư Mã Tương Như truyện”  trong “Hán thư”. “Lưỡng đô phú tự” của Ban Cố, bản “Tứ bộ tùng san”, “Văn tuyển”  quyển 1.

11) Thuyết “Phát phẫn trước thư” của Tư Mã Thiên chủ yếu xem trong “Khuất Nguyên liệt truyện”, “ Thái sử công tự tự” trong Sử ký, “Báo Nhậm An thư” được sao lục trong “ Hán thư. Tư Mã Thiên truyện”.

12) Văn nhân đời Hán phần nhiều có tình cảm với Khuất Nguyên, đơn cử chuyện sau: “Khuất Nguyên Giả Sinh liệt truyện” trong Sử ký, quyển 84 viết: “ Thái sử công nói: “ Ta đọc Ly tao, Thiên vấn, Chiêu hồn, Ai Sính mà thương cho chí của ông. Đến Trường Sa, xem quãng sông nơi Khuất Nguyên tự trầm, không thể cầm được nước mắt, tưởng như nhìn thấy người”. “ Giả Sinh  đọc từ, bèn đi , nghe nói Trường Sa ẩm thấp, tự cho rằng tuổi thọ của mình không được dài. Lại ra đi, ý không được thoả mãn. Đến lúc qua sông Tương, làm bài phú điếu Khuất Nguyên”. ( Xem lời của Lung Xuyên (Nhật Bản) “Sử ký hội chú khảo chứng”, Văn học cổ tịch san hành xã, 1955, tr.3872, 3859, “Hán thư”, quyển 57, “Dương Hùng truyện” : “ Dương Hùng kinh ngạc vì Khuất Nguyên văn vượt xa Tương Như, lâm vào cảnh không được dung nạp, làm thiên “Ly tao”, tự nhảy  xuống sông chết, thương cho chí của ông, đọc Ly tao thường  không cầm được nước mắt. ...Bèn làm sách, dần dần góp nhặt văn Ly tao rồi làm bài văn đối lại Ly tao, từ ngọn Dân Sơn theo các dòng sông mà điếu Khuất Nguyên, gọi là “Phản Ly tao”; lại dựa vào “Ly tao” làm một thiên  gọi là “Quảng tao”. Lại dựa vào “Tích tụng” cho đến “Hoài sa” làm một quyển gọi là “ Bạn lao sầu”- . “Hán thư”, Trung Hoa thư cục, 1975, tr. 3515, “Hậu Hán thư”, quyển 34 “ Lương Thống liệt truyện”: “ ( Lương) cung kính...về sau ngồi cùng người anh làm việc..., cùng em là Cung chuyển đến Cửu Chân. Khi đã sang đất phương Nam, Lịch Giang, Hồ, Tế Nguyên, Tương,  cảm xúc truy điệu  Tử Tư, Khuất Nguyên vô tội mà phải tự trầm, làm  bài “Điệu Tao phú”, buộc vào đá đen ném xuống nước”. Quyển 48 “Ứng Phụng liệt truyện” chép: “ Đến khi việc bè phái nổi lên, ( Ứng ) Cử bèn cảm khái, cáo bệnh rút lui. Xót thương truy điệu Khuất Nguyên, nhân đó tự thương mình, viết “ Cảm Tao”, ba mươi thiên, có tới vài vạn lời”. Quyển 64 “ Diên Đốc liệt truyện” chép: “( Diên Đốc) sau gặp chuyện bè phái mà bị giam cầm, đến năm Vĩnh Khang nguyên niên, mất tại nhà. Dân làng vẽ hình ông đem thờ trong miếu Khuất Nguyên”. “Hậu Hán thư”, Trung Hoa thư cục,1973, tr. 1609, 2108.

13) Lấy thơ thất ngôn dung nhập với  Hán phú chủ yếu có  “ Trúc phiến phú” của Ban Cố, “Tư huyền phú” của Trương HànhTrường địch phú” của Mã Dung, “Mộng phú” của Vương Diên Thọ, để phân biệt xin xem “Toàn Hán phú” do Phí Chấn Cương, Hồ Song Bảo, Tôn Minh Hoa biên tập, hiệu khảo, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 1993, tr. 352, 398, 534. Phần  còn lại  của  “Trúc phiến phú” của Ban Cố trong sách này phần lớn là các câu thất ngôn./.                                                 

Trần Nho Thìn dịch

Nguồn: Trung Quốc văn học sử (Viên Hành Bái chủ biên), Bắc Kinh, Cao đẳng giáo dục xuất bản xã, 1999, tái bản 2002, quyển 1, thiên thứ 2.

         

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114560126

Hôm nay

2146

Hôm qua

2334

Tuần này

21444

Tháng này

227669

Tháng qua

122920

Tất cả

114560126