Nhìn ra thế giới

Người ta nghĩ gì về Trung Quốc

Nếu có ai đó làm một cuộc thăm dò dư luận trên khắp hành tinh về đề tài: nhân loại nghĩ thế nào về Hợp chủng Quốc Hoa Kì với tư cách một đất nước, một cường quốc của thế giới, anh ta sẽ nhận được câu trả lời hết sức rõ ràng. Miền Nam hay phía Bắc, người giàu hay kẻ nghèo, đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, cánh tả hay cánh hữu, ai cũng có một ý kiến nào đó về nước Mĩ. Các ý kiến có thể khác nhau, thậm chí đối lập, trái ngược, từ trọng vọng một cách quá mức tới thù địch một cách cực đoan. Nhưng ai cũng cảm nhận rõ ràng tựa như họ hiểu rất rõ về những gì họ cần phải nghĩ về Hợp chủng Quốc Hoa Kì. 

30 năm về trước, ý kiến về Trung Quốc cũng sòng phẳng y như vậy. Nhưng bây giờ, tình hình không còn như thế nữa. Nhiều người, thậm chí, có thể là đại đa số nhân loại trên thế giới, không còn tin vào những gì mà họ nghĩ về Trung Quốc như một đất nước hay một cường quốc thế giới. Quả tình, bây giờ vấn đề này không chỉ gợi dậy một cái gì mù mờ, mơ hồ, mà còn kích hoạt cho những cuộc tranh luận nảy lửa. Có lẽ, sẽ rất bổ ích, nếu ta thử tìm hiểu xem, liệu ngoài phạm vi Trung Quốc, nhân loại thường thích luận bàn về những vấn đề nào khi người ta nghĩ về Trung Hoa? Có 3 loại vấn đề chính yếu như thế.

Vấn đề đầu tiên, và có lẽ đó cũng vấn đề rõ ràng nhất: phải xem Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa? Dĩ nhiên, bản thân Trung Quốc bao giờ cũng tuyên bố, họ là nước xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục lãnh đạo Trung Hoa. Nhưng mặt khác, rõ ràng, chính những nguyên tắc thị trường mới là nền tảng của các tiến trình trình hoạt động thương mại, nội thương, cũng như ngoại thương trên trường quốc tế, của Trung Hoa.

Có sự khác nhau trong quan điểm về vấn đề này giữa cánh tả và cánh hữu. Một số người theo phái hữu vẫn tiếp tục khăng khăng, rằng thị trường chỉ là cái mặt tiền nguỵ trang, che đậy những nhiệm vụ đích thực của chính phủ Trung Hoa, một chính phủ vẫn tiếp tục có tham vọng thực hiện những mục đích lịch sử của hệ tư tưởng Mác - Lênin - Mao Trạch Đông. Nhưng đại đa số những người thuộc phái hữu này lại tin rằng, Trung Quốc hiện nay đang bước vào giai đoạn quá độ chuyển qua nền kinh tế hoàn toàn dựa trên quy luật thị trường, và bởi thế, người ta xem cái tiền sảnh, cái mặt tiền là hệ tư tưởng, chứ không phải là tiến trình thị trường hoá.

Ở cánh tả, tình hình cũng đúng như vậy. Vẫn có những người thấy Trung Quốc là nước tiếp thục theo đuổi các định hướng xã hội chủ nghĩa và xem tiến trình thị trường, hoặc chỉ là sự nhượng bộ mang tính sách lược, hoặc là cái mặt tiền được sơn quét để nguỵ trang. Nhưng ở cánh tả này cũng có những người khác, những người hoặc là thể hiện một thái độ trơ tráo với đường lối của Trung Quốc, hoặc là bộc lộ sự thất vọng của mình với đường lối ấy một cách công khai.

Vấn đề thứ hai là vấn đề tạo nên sự phân hoá sâu sắc trong quan điểm của nhân loại toàn thế giới: Trung Quốc là một bộ phận của Nam bán cầu, hay đã trở thành một bộ phận của Bắc bán cầu? 30 năm trước, xung quanh vấn đề này chẳng có bất kì một nghi vấn nào cả. Trung Quốc từng tham gia hội nghị Á - Phi họp tại Bandung vào năm 1955. Tại đây, Trung Quốc tuyên bố họ là quốc gia đại diện cho các lợi ích địa - chính trị của Nam bán cầu. Nhưng ngày nay, Trung Quốc được xem là quốc gia nằm “ở giai đoạn hình thành”, đang vươn lên hàng mạnh nhất thế giới, và đứng vào hàng thứ hai của thế giới về quy mô của nền kinh tế. Truyền thông quốc tế không ngớt nói về G - 2 (Mĩ và Trung Quốc) và gọi đó là đại diện đích thực của trật tự thế giới. Điều này hoàn toàn khác xa với tình huống được định hình vào cuối những năm 1960, khi Trung Quốc nói về Mĩ và Liên Xô như hai siêu cường quốc mà tất cả các nước khác phải liên kết với nhau để chống lại.

Bởi vây, hiện nay, nhiều người ở cả miền Bắc và miền Nam bán cầu xem Trung Quốc là bộ phận hợp thành quan trọng của phía Bắc trái đất. Nhưng vẫn tồn tại một ý kiến khác, ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu, nhiều người vẫn xem Trung Hoa chỉ là cái loa chính yếu của Nam bán cầu. Họ nói, rốt cuộc, đại bộ phận dân cư của Trung Quốc vẫn cực kì nghèo khổ, mức sống của họ vẫn cực kì thấp kém.

Vấn đề cuối cùng, có lẽ là vấn đề chứa đựng nhiều mâu thuấn nhất: nên xem Trung Quốc là nước thực thi đường lối phản đế, hay phải xem Trung Quốc là nước đế quốc chủ nghĩa? So với Nam bán cầu, ở Bắc bán cầu người ta ít bàn luận luận về vấn đề này hơn. Nhiều người nghĩ rằng, Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trọng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc của Mĩ, một quốc gia luôn tuyên bố sẽ mãi mãi trụ cột đế quốc chính yếu của thế giới.

Ngoài ra, những người chủ trương quan điểm xem Trung Quốc là địch thủ của chủ nghĩa đế quốc thường đưa ra lí lẽ, rằng nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa lúc nào cũng thực hiện chương trình hỗ trợ kinh tế cho các nước ở châu Á, châu Phi và châu Mĩ La Tinh, đồng thời, Trung Quốc lại thiếu những điều kiện khiến người Mĩ và người châu Âu cũng giúp đỡ họ như thế. Trung Quốc, như họ tuyên bố, luôn luôn bày tỏ thái độ sẵn sàng trợ giúp kinh tế một cách thiết thực nhất cho miền Nam bán cầu, và đó là ví dụ rõ ràng về sự hợp tác xã hội chủ nghĩa.

Nhưng nhiều người ở phía Nam bán cầu lại có quan điểm hoàn toàn khác. Họ cho rằng, sự giúp đỡ của Trung Quốc chẳng qua là phương cách đảm bảo cho quốc gia này chiếm đoạt những nguồn nguyên liệu dự trữ quan trọng nhất, mà lại chiếm dụng bằng các hình thức không cần phải thoả mãn những đòi hỏi và nhu cầu tối ưu của các nước ấy. Và cũng không thể bỏ qua quan điểm của những người luôn luôn thể hiện tâm trạng lo lắng, bất an trước sự thâm nhập ngày càng tăng của giới tiểu thương Trung Quốc vào các nước này. Họ khẳng định, hoạt động của đội ngũ tiểu thương Trung Quốc là hình thức thuộc địa hoá theo kiểu di dân, làm tổn hại tới vị thế của giới tiểu thương bản địa.

Hiện nay, những chuyện tranh cãi vẫn còn mập mờ, và đường ranh giới phân chia các quan điểm khác nhau cũng không rõ ràng. Tình hình này chưa chắc là có thể kéo dài. Có thể, mười, hoặc hai mươi năm nữa, chắc chắn cả thế giới lại sẽ biết, họ nghĩ gì về Trung Quốc. Mọi ý kiến (“phản đối”, hay “tán thành”) lại sẽ trở nên rõ ràng.

                                                                               Lã Nguyên dịch

            Nguồn: “Russian Journal”(http://www.russ.ru/Mirovaya-povestka/CHto-dumat-o-Kitae)

 

 

 



[1]Immanuel Maurice Wallerstein (Sinh 28.9.1930 tại New York): Nhà xã hội học người Mĩ, theo phái tư tưởng xã hội cánh tả, một trong số những người đặt nền tảng cho lí thuyết phân tích hệ thống - thế giới (world-systems theory).

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511058

Hôm nay

257

Hôm qua

2359

Tuần này

21432

Tháng này

217931

Tháng qua

121356

Tất cả

114511058