Hội thảo được nghe tham luận của Giám đốc Viện Triết học Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Viện sĩ A.A.Gusheinov, Giám đốc chính trị tạp chí “Polis”, Cộng tác viên chính Viện Triết học Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giáo sư I.K.Pantin, Giáo sư Đại học Tổng hợp Tự do Tây Berlin E.Altvater, Tổng Biên tập tạp chí “Classe politique” V.T.Tretijakov, Phó Giám đốc Viện Toàn cầu hoá và Phong trào xã hội, Cộng tác viên chính Viện Triết học Viện Hàn lâm Khoa học Nga A.G.Glinchikova, Phó trưởng Ban Viện Triết học Viện hàn lâm Khoa học Nga, Giáo sư A.A.Kara-Murza, Phó trưởng Khoa Viện Triết học Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Phó Giáo sư chính trị học M.M. Fedorova, Chủ nhiệm Bộ môn Lí luận chính trị, Đại học Quan hệ quốc tế Quốc gia Moskva thuộc Bộ Ngoại giao Nga, Giáo sư T.A.Alecsieva, Lãnh đạo Trung tâm lịch sử Nga, Ukraina, Belorussia thuộc Viện Lịch sử Đại cương Viện Hàn lâm Nga A.V.Subin, Giám đốc Viện Toàn cầu hoá và Phong trào xã hội B.Ju.Kagarlitski, Cộng tác viên Khoa học Viện Triết học Viện Hàn lâm Nga S.L.Chizkov, Phó Giáo sư Trường Cao đẳng Kinh tế - Đại học Tổng hợp Quốc gia P.M.Kudiukin, Cộng tác viên chính Viện Kinh tế học Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giáo sư I.M.Klijamkin, Cộng tác viên chính Viện Triết học Viện hàn lâm khoa học Nga, Phó Tiến sĩ Triết học V.L.Symburski, Giáo sư Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva A.G.Sytin, Giáo sư Đại học Quan hệ quốc tế Quốc gia Moskva thuộc Bộ Ngoại giao Nga V.I.Pantin, Giáo sư Đại học Quan hệ quốc tế Quốc gia Moskva thuộc Bộ Ngoại giao Nga G.G.Vodolazov.
Những người tham gia Hội thảo đã bàn luận về các vấn đề sau đây:
1. Chúng ta hiểu thế nào về dân chủ, “khái niệm” dân chủ và “mô hình” của nó với thực tế có quan hệ thế nào?
2. Có thể dừng lại ở mức độ nào thì hợp lí, khi chúng ta nói về sự phù hợp giữa “mô hình dân chủ phương Tây” với quan niệm về dân chủ, với dân chủ theo ý nghĩa đích thực của nó?
3. Quan niệm của chúng ta về “mô hình dân chủ phương Tây” liệu có phù hợp với các tiến trình hiện thực đang diễn ra trong xã hội phương Tây hiện nay? Toàn cầu hoá có ảnh hưởng thế nào tới sự khủng hoảng của các thiết chế và các giá trị dân chủ?
4. So với phương Tây, từ bình diện phát triển các thiết chế dân chủ, đặc thù của Nga là ở đâu?
5. Tiến trình dân chủ ở nước Nga hiện đại có triển vọng thế nào?
Ban tổ chức chân thành cảm ơn Quỹ Rosa Luxemburg đã trợ cấp để Giáo sư Elmar Altvater có thể tham dự cuộc Hội thảo này.
A.A.Gusheinov. Xin chào mừng các vị khách đã tham gia và hưởng ứng cuộc hội nghị bàn tròn của chúng tôi. Xin gửi lời cảm ơn tới các tạp chí “Polis” và “Classe politique”, tới Tổng Biên tập V.T.Tretijakov, Tổng Biên tập S.V.Chugrov và các biên tập viên của ông đang có mặt tại đây vì sự cộng tác của quý vị. Xin nhiệt liệt chào mừng vị khách quý đến với chúng ta từ Berlin, Giáo sư E. Altvater và các đồng nghiệp tham dự hội thảo. Hội nghị bàn tròn lần này là một phần trong dự án khảo sát khoa học lớn của Viện Triết học Viện Hàn lâm khoa học Nga, có tên là “Vấn đề chủ quyền trong bối cảnh dân chủ”.
Mục đích của dự án này là gắn kết lí luận chính trị của chúng ta, trước hết là triết học chính trị, với việc nghiên cứu các quá trình phát triển dân chủ thực tế ở nước Nga và trên thế giới. Về vấn đề này, hiện vẫn tồn tại nhiều hướng tiếp cận khác nhau, thậm chí đối lập, loại trừ nhau. Trong một loạt trường hợp, lí luận trình độ cao với những phương án nổi bật nhất đang được ứng dụng vào thực tế và thực tế thì được đánh giá từ góc độ về mức độ phù hợp giữa nó với các kiểu mẫu và mô hình được lí luận vận dụng. Ở một loạt trường hợp khác, các quá trình phân tích hiện thực đang được chuyển sang ngôn ngữ khoa học để qua đó nâng sự nhận thức về chúng lên tầm cao lí thuyết. Tôi có cảm giác, hướng tiếp cận vấn đề ở cả hai trường hợp nói trên đều không có hiệu quả. Chúng tôi tiếp cận vấn đề theo một hướng khác - dừng lại trong giới hạn lí thuyết để phát triển lí thuyết và tìm kiếm những kiến giải phù hợp nhất với các tiến trình hiện thực đang diễn ra trên đất nước chúng ta và trên thế giới hiện nay. Theo chúng tôi, chính hướng tiếp cận này sẽ mang lại khả năng nhận ra hiện thực ở các khuynh hướng và viễn tượng sâu sắc nhất của nó, nhận ra những gì thường trượt ra ngoài cái nhìn trực quan, mang tính mẹo luật chính trị. Ý tôi muốn nói về sự nghiên cứu khám phá nhằm tìm hiểu, nhận thức các tiến trình chính trị - xã hội nói trên đang diễn ra ở đất nước chúng ta từ phương diện lí luận. Đề tài cuộc hội thảo hôm nay được xác định từ góc độ như thế. Tên đề tài có tính khái quát, nhưng cái mà chúng tôi muốn hội thảo tập trung nghiên cứu và tìm hiểu trước hết là sự độc đáo, là các bài học, là giá trị của kinh nghiệm Nga và bản chất nền dân chủ Nga của chúng ta.
I.K.Pantin. Nếu ở Tây Âu trước kia, nhiệm vụ của nền dân chủ lúc nó sinh ra là giải phóng xã hội mới thoát khỏi sự trói buộc của thiết chế chính trị và pháp luật của “chế độ cũ”, thì ở Nga, quá trình dân chủ hoá ngay từ đầu đã nhắm tới một nội dung lớn hơn - ấy là tạo dựng, với sự hỗ trợ của dân chủ, những điều kiện chung (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá) giúp các dân tộc trên đất nước chúng ta phát triển theo hình mẫu của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đi theo con đường ấy, nền dân chủ Nga đã gặp hàng loạt vấn đề từng diễn ra, theo “đúng” tiến trình, trước những biến đổi chính trị. Trong thực tế, nước Nga vào những năm 1990 hoàn toàn chưa có những tiền đề kinh tế (thị trường cạnh tranh tự do), xã hội (các nhóm ảnh hưởng có khả năng nắm giữ vị trí của “giai cấp trung lưu”), lẫn những tiền đề tâm lí - lịch sử (kiểu nhân cách phù hợp) để chuyển qua thể chế dân chủ theo cách hiểu của phương Tây. Nếu trong mô hình phát triển tư sản mang tính cổ điển, rất khó nhận ra sự khác nhau giữa tư bản với tư cách là “quan hệ sản xuất kinh tế” với tư bản như là “quan hệ sản xuất xã hội mang tính tổng thể” (K.Marx), thì ở phiên bản phát triển tư sản kiểu Nga, sự khác nhau ấy vô cùng sâu sắc.
Công cuộc tái thiết dân chủ xã hội ở Nga làm nẩy sinh nhu cầu lịch sử rất khác so với đa số các quốc gia Tây Âu. Ở Nga, sự xuất hiện của các tư tưởng dân chủ, và sau đó, bước quá độ chuyển qua chế độ dân chủ luôn gắn chặt với sự mở rộng và gia tăng mâu thuẫn mang tính hệ thống của quá trình phát triển theo kiểu rượt đuổi - giữa tầng lớp có học thức cần thanh toán sự lạc hậu về mặt kĩ thuật - quân sự của Nga so với phương Tây, và hệ thống quản lí của chế độ chuyên chế (trong đó có cả hệ thống quản lí của thời kì cộng sản chủ nghĩa). Do được tiếp xúc với nền giáo dục châu Âu, tầng lớp mới xuất hiện này bắt đầu phát triển theo hướng ngày càng xa lạ với tinh thần của chế độ chuyên chế. Chính mâu thuẫn giữa nền văn hoá phát triển ở các tầng lớp trên cao của xã hội theo kiểu phương Tây và phương thức hiện thực hoá quyền lực theo kiểu cộng sản chủ nghĩa (cộng với cuộc khủng hoảng hệ thống vào cuối những năm 80 của thế kỉ XX bao trùm toàn bộ nền kinh tế và xã hội Xô viết) là tiền đề của công cuộc cải tổ do Gorbachev khởi xướng và những thay đổi quyết liệt sau này. Có một đặc điểm nổi bật: cuộc chính biến tháng Tám năm 1991 đánh dấu sự cáo chung của chế độ cộng sản và bắt đầu công cuộc xây dựng chế độ dân chủ ở nước Nga đã diễn ra mà không có sự tham gia của phong trào quần chúng đấu tranh đòi dân chủ. Trên đất nước hoàn toàn thiếu vắng một lực lượng chính trị có khả năng thống nhất nguyện vọng của các nhóm xã hội khác nhau cùng đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản, đưa sự cuồng nộ của họ vào khuôn khổ của hoạt động chính trị tỉnh táo.
Phương thức “Âu hoá” đất nước mang tính đặc thù của Nga, gọi là kiểu “phát triển rượt đuổi”, bắt đầu hình thành từ thời Piot Đại đế, khi mà dưới sự tác động của các lực lượng ở quy mô châu Âu, hay rộng hơn, quy mô thế giới, quyền lực nhà nước đã phá huỷ toàn bộ lối sống truyền thống của cư dân để cấy ghép một cách giả tạo những hình thức quan hệ kiểu mới phù hợp với phương Tây trong kinh tế và đời sống xã hội. Lợi ích phát triển của đất nước khi ấy bị tách ra khỏi phạm vi quyền hạn của xã hội và buộc nó phải chấp nhận vì sản phẩm hoạt động của giới cầm quyền. Nền đại công nghiệp đã hình thành như thế trong hàng chục năm thời tiền cách mạng và giai đoạn cầm quyền của Stalin. Những cuộc cải cách kinh tế của phái tự do vào những năm 1990 cũng đã được thực hiện như thế.
Quá khứ lịch sử của các dân tộc Tây Âu đã tạo ra kiểu mẫu người công dân hiện đại, kiểu mẫu con người xuất thân từ quần chúng nhân dân nhưng giàu lòng tự trọng và vì thế giới cầm quyền buộc phải tôn trọng họ. Ở Nga, trong suốt nhiều thế kỉ, nhà nước chuyên chế trước kia và chế độ toàn trị sau này đã kiên trì nhổ tận gốc mọi dấu hiệu dân chủ trong dân chúng, tạo nên tâm tính người thường dân với những đặc điểm tiêu biểu như bạo liệt, nghiệt ngã, căm ghét người giàu, người có học vấn cao một cách mù quáng, thù địch với luật pháp và với người cầm quyền. Thói quen chuyên quyền độc đoán, sự hoài nghi đối với sức mạnh của luật pháp đúng là đã nảy nở trong tâm hồn người Nga. Xin nhớ lại những lời thú nhận đầy cay đắng của Tsecnysevski: “Việc bao giờ cũng đem quan niệm độc đoán của mình áp đặt vào mọi chuyện đã trở thành niềm tin huyền thoại của chúng ta, thành tri thức căn cốt của chúng ta. Với chúng ta, các hình thức pháp lí và những nỗ lực cá nhân đều trở nên bất lực, thậm chí nực cười…, chúng ta muốn làm mọi chuyện bằng sức mạnh của sự tuỳ tiện, của quyết định nằm ngoài sự kiểm soát…” (Toàn tập, T.7, tr. 616). Cho nên, lần nào cũng vậy, quá trình dân chủ hoá đất nước bao giờ cũng dẫn tới tình trạng phá huỷ mọi giới hạn pháp lí, mà kẻ phá hoại luật pháp lại chính là hàng ngũ quan chức chứ chẳng phải là ai khác (quan chức Sa hoàng, quan chức cộng sản, quan chức theo phái tự do hay chủ nghĩa yêu nước thì cũng thế cả thôi). Thực trạng quan toà và công chức của các cơ quan bảo vệ luật pháp bị mua chuộc, sự thiếu công bằng, minh bạch trong bầu cử, tình trạng khám xét, bố ráp, việc thay đổi thường xuyên các văn bản dưới luật…khiến những người Nga bình thường hiện nay cảm thấy không được pháp luật bảo vệ, và vì thế, họ tìm mọi cách để tránh né luật pháp.
Sự tan rã của chế độ cộng sản vào năm 1991, quá trình giải thể sự gán ghép mang tính cưỡng bức đã tạo điều kiện cho quảng đại quần chúng quay về với tinh thần tự nhận thức sâu sắc, giúp họ nhận ra vực thẳm ngăn cách giữa mệnh lệnh của thời văn minh hiện đại với nếp nghĩ bán thủ cựu. Trong bối cảnh như thế, điều phải “tính” đến không hẳn chỉ là đặc thù tôn giáo hay đặc thù dân tộc, mà còn là yêu cầu điều khiển các quá trình phát triển dẫn tới chế độ dân chủ, nhưng không phải là sự dân chủ hoá theo nghĩa riêng của từ ấy. Công việc điểu khiển này là một vấn đề chính trị độc lập có trình tự thời gian và lô gíc riêng của nó. Nước của các nước (Nga chính là một đất nước như thế) là tập hợp của rất nhiều tạo tác không chỉ khác nhau về văn hoá, truyền thống, tín ngưỡng, mà còn khác nhau về khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, khác nhau ở thái độ với lao động, với sở hữu, với quyền lực. Đất nước ấy không thể không cảm thấy bức bối chật chội nếu phải phát triển theo một khuôn mẫu duy nhất, độc nhất, phải làm mọi chuyện theo một kiểu cách nhất định. Nó cần phải có một mô hình phát triển theo kiểu tích phân, định hướng cho sự khác biệt, cho những cách tiếp cận đa dạng, cho những điều kiện cục bộ - thiếu một khả năng như thế, sẽ không thể xoa dịu mức độ căng thẳng xã hội và không thể tránh cho xã hội thoát khỏi những tổn thất trong công cuộc xây dựng nền dân chủ của nước Nga. Cần phải có những nền tảng cho sự liên kết toàn thể nước Nga mới, giống như sự liên kết của châu Âu, một sự liên kết mà trong các bước đi của nó, nền văn minh Đại Âu đã ra đời. Trong sự thống nhất mới, có thể tìm thấy phương thức cốt yếu tạo nên sự tiến bộ cho đất nước.
A. Altvater. Bàn về dân chủ bây giờ, ở năm 2008 này, chúng ta không thể không nói tới quá trình toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá đã dẫn tới sự khủng hoảng của thiết chế nhà nước - dân tộc mà dân chủ từng phát triển trong khuôn khổ của nó, và, đến lượt mình, cuộc khủng hoảng ấy lại làm xói mòn tiến trình dân chủ. Mặc dù toàn cầu hoá kinh tế đã mang lại khả năng toàn cầu hoá các khuôn mẫu chính trị hình thức, nhưng cũng chính nó đang làm tổn hại bình diện xã hội, cốt tử, thực chất của dân chủ. Để có được dân chủ xã hội và nhà nước xã hội, những thể chế cho phép các công dân tham gia vào việc tái phân phối của cải xã hội, phải đổ vào đó rất nhiều tiền và trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt, chúng đang ngày càng bị thu hẹp dần. Chỉ còn lại thứ dân chủ mang tính hình thức, lễ nghi. Thế cũng không phải là ít, bởi nó tạo ra khuôn khổ cho tự do cá nhân, nhưng nó không mang lại sự bình đẳng xã hội và bình đẳng trong tái phân phối xã hội, vì thế, bản thân nền dân chủ hình thức thường xuyên bị nhiều nguy cơ đe doạ. Mâu thuẫn giữa bình diện thực chất và bình diện hình thức của dân chủ ngày càng trở nên căng thẳng. Nền dân chủ hình thức rất giống với cơ chế thị trường, nên nhiều đại biểu của trường phái tân tự do đã đề xướng quan niệm, theo đó, quá trình dân chủ cần được tổ chức theo hình thức thị trường. Ngay từ năm 1940, trong cuốn Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và dân chủ, Joseph Alois Schumpeter[1] đã đưa ra quan niệm như thế: trong thể chế dân chủ, người tiêu dùng “biểu quyết” ngoài thị trường bằng đô la. Ông cho rằng, “thị trường chính trị” cũng có thể tổ chức giống như thế - theo kiểu biểu quyết để ủng hộ đảng phái, ủng hộ cương lĩnh và các ứng cử viên của nó. Nhưng trong thể chế dân chủ, nơi người ta biểu quyết bằng đô la, chỉ những ai có đô la (hoặc euro) mới có quyền biểu quyết. Những ai không có ngoại tệ, quyền biểu quyết sẽ bị hạn chế. Nếu cho rằng, trong thể chế dân chủ, mọi công dân phải có quyền như nhau, thì quyền biểu quyết không thể phụ thuộc vào tài sản. Nhà nước xã hội hiện đại được xác lập chính là nhờ có quan niệm về sự tất yếu phải có sự bình đẳng trong quyền hạn. Chỉ khi nào mọi thành viên xã hội được tham gia vào việc tái phân phối các sản phẩm do xã hội sản xuất, thì họ mới được phép tham gia vào việc thông qua các quyết sách xây dựng xã hội. Cho nên thiếu nhà nước xã hội, dân chủ không thể tồn tại.
Nhưng toàn cầu hoá thị trường, áp lực cạnh tranh và nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ dẫn tới việc hạn chế chi phí xã hội, giảm thiểu trợ cấp và tư nhân hoá các phúc lợi xã hội (ý tế, giáo dục, giao thông v.v…), ấy là những gì có thể nhìn thấy ở hầu hết các nước, tức là nhìn thấy sự thu hẹp của nhà nước xã hội và chiều kích xã hội của dân chủ hiện đại. Toàn cầu hoá đang đặt dân chủ trước một song đề. Một mặt, nhờ có toàn cầu hoá kinh tế mà dân chủ hoá hình thức được truyền bá trên toàn thế giới. Nhưng mặt khác - toàn cầu hoá làm dân chủ xã hội ngày càng suy yếu và ngày càng thu hẹp sự tham gia thực tế của mọi người vào việc sử dụng các phúc lợi xã hội.
Toàn cầu hoá làm suy giảm vai trò của các mô hình xã hội - dân tộc đang tồn tại ở Tây Âu, khiến chúng trở nên rệu rã, bởi nó tuyên truyền cho việc thay thế vào đó các mô hình mang tính quốc tế nhiều hơn, nhưng tính xã hội lại ít hơn. Hôm nay, ở năm 2008 này, có thể nói, những mục tiêu do EU đặt ra từ năm 2000 trong cái được gọi là Chiến lược phát triển Lisbon - đến năm 2010 trở thành khu vực của thế giới có năng lực cạnh tranh và tạo ra một mô hình xã hội châu Âu mới về nguyên tắc - là chưa đạt được. Sự cạnh tranh quyết liệt từ các vùng miền khác của thế giới, tình trạng thất nghiệp gia tăng, nạn nhập cư lao động bất hợp pháp v.v… đã khiến mọi nỗ lực của EU hoá thành công cốc.
Những gì vừa nói ở trên vẫn chưa phản ánh đầy đủ mâu thuẫn giữa dân chủ và các chiến lược toàn cầu hoá. Xin dẫn một ví dụ thế này: có những thứ hàng hoá càng mất giá trị tiêu dùng, thì lại càng được sử dụng nhiều hơn. Ngay từ những năm 1950, nhà kinh tế học Harrod đã gọi loại hàng hoá như thế là “phúc lợi của bọn đầu sỏ”, và đến những năm 1970, nhà xã hội học Fred Hirsch gọi là “phúc lợi vị thế”, tức là loại phúc lợi không thể sử dụng cho tất cả mọi người ở một mức độ như nhau. Chẳng hạn, không thể để toàn bộ cư dân trên trái đất được sử dụng ô tô ở mức độ giống như cư dân của Mĩ và Tây Âu đang sử dụng. Ở những vấn đề như thế, câu chuyện dân chủ đụng chạm sát sườn tới những câu chuyện về môi trường xung quanh, về nền kinh tế và tài nguyên thiên nhiên. Mô hình dân chủ phương Tây chắc chắn không phải là mô hình cuối cùng được đặt trên nền tảng tiêu dùng thoải mái các tài nguyên thiên nhiên và nhu cầu tiêu dùng các tài nguyên ấy ngày một lớn hơn. Nhưng thái độ tiêu dùng đối với thiên nhiên cũng có giới hạn của nó: “lối sống kiểu Mĩ” - mà bản chất là tiêu dùng xả láng - không thể trở thành lối sống mang tính toàn cầu. Những nước giàu có đã kịp huỷ hoại thiên nhiên hết sức nặng nề mà không quan tâm tới các thế hệ sau, nay đã đến lúc họ phải học cách điều chỉnh việc sử dụng tài nguyên của Đất Mẹ theo tinh thần dân chủ. Nhưng làm thế nào để có thể mở rộng khuôn khổ dân chủ cả về thực chất lẫn hình thức, nếu như những khả năng thông qua các quyết định lựa chọn luôn luôn bị giới hạn bởi những khả năng thiên nhiên đảm bảo cho nhu cầu của nhân loại?
Còn một vấn đề nữa, ấy là một phần chủ quyền dân tộc không hề nhỏ của những quốc gia hiện đại đã bị mất đi trong quá trình toàn cầu hoá. Các thị trường tài chính toàn cầu đang có ảnh hưởng to lớn tới chính trị, và nếu theo dõi hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ nước Mĩ, đến bây giờ đang lan ra toàn thế giới, ta sẽ thấy quyền uy của những thị trường ấy đã trở thành sức mạnh hiển nhiên. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề nhất kể từ năm 1930, và cứ nhìn vào cách phản ứng của quyền lực chính trị với khủng hoảng thì sẽ rõ, rằng không hề tồn tại một thứ chủ quyền chính trị của giới cầm quyền độc lập với các thị trường tài chính. Ngày nay, thực thi chính sách kinh tế của EU không phải là chính phủ hay nghị viện của các nước - thành viên EU, mà là ECB (Ngân hàng trung tâm châu Âu), một ngân hàng chịu sự định hướng bởi nhu cầu của các thị trường tài chính, chứ không phải bởi nhu cầu của con người. Mấy chục năm trước đây, khi phân tích hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 1930, Karl Polanyi[2] đã chỉ ra một cái gì tương tự như thế: các thị trường vượt ra ngoài giới hạn xã hội, tồn tại độc lập, không lệ thuộc vào xã hội và môi trường chính trị - nhà nước. Nhưng khi mà các thị trường tài chính đứng cao hơn dân chủ, khi mà, như có lần Brauner, người đứng đầu Ban Giám đốc “Deutsche Bank” từng nói, chúng “kèm cặp” các cơ quan dân chủ, thì cũng có nghĩa là nền dân chủ hợp thức đã cáo chung. Cho nên, học theo Polanyi, tôi muốn kết luận bài phát biểu của mình như thế này: điều chỉnh các thị trường là điều kiện tất yếu để có được dân chủ xã hội chân chính.
A.G.Glinchikova. Phát triển theo kiểu “tân gia trưởng” (“neopaternaliste” - ND) phi dân chủ, nước Nga đang đang gặp những mối nguy nào? Nhìn từ các vấn đề nội tại của đất nước, cần xem xét hàng loạt nguy cơ sau đây.
Nguy cơ xung đột xã hội không thể kiểm soát. Bước vào con đường phát triển theo tư bản chủ nghĩa, chúng ta chạm trán với xung đột xã hội ở mức độ cao.
Liệu chúng ta có thể tìm thấy cách hoá giải các xung đột ấy trong khuôn khổ đối thoại mang tính xây dựng, trong phạm vi pháp luật hay lại đem dấu kín trong bí mật như trước kia. Lịch sử trường kì của nước Nga đã chứng minh, rằng nếu mâu thuẫn không được thể chế hoá, sớm hay muộn nó sẽ chuyển sang hình thái không thể kiểm soát. Những biện pháp đang được vận dụng nhằm tạo nhiều kênh cho xã hội tham gia vào việc tiếp thu các quyết sách chính trị, rõ là vẫn chưa đủ mạnh.
Nguy cơ về tính hợp thức rất thấp của quyền lực. Kiểu hợp thức hoá quyền lực theo tinh thần dân chủ, tôn trọng pháp luật và sự minh bạch trong thể chế bầu cử trên nền tảng cạnh tranh là sự đảm bảo lí tưởng, tuyệt đối để có được sự tán thành của xã hội đối với quyền lực, để xã hội ủng hộ và phục tùng quyền lực với thái độ sẵn sàng, tự nguyện. Mọi ý đồ hợp thức hoá quyền lực dựa vào cái được gọi là các giá trị truyền thống, dù đó là chính thống giáo, là chủ nghĩa cộng sản hay thậm chí là chủ nghĩa yêu nước, đều không có tiền đồ vững chắc trong một xã hội từng trải qua hai cuộc khủng hoảng của sự hợp thức hoá quyền lực theo nguyên tắc gia trưởng (cả phương án tôn giáo, lẫn phướng án cộng sản chủ nghĩa). Khác với Trung Hoa và Mĩ - Latinh, xã hội Nga từng có kinh nghiệm vô cùng thấm thía, đầy máu và nước mắt về những thất vọng với mô hình gia trưởng.
Nguy cơ chia rẽ xã hội và văn hoá mới. Không có các thiết chế và thực thi dân chủ một cách thực tế, rất khó khắc phục tình trạng một bộ phận rất lớn của xã hội Nga bị gạt ra khỏi các tiến trình chính trị, kinh tế và văn hoá trọng đại. Trong giai đoạn phát triển trước kia, sự “gạt bỏ” tương tự như thế có hình thức của chế độ nông nô, thực chất là nó chia nước Nga thành hai nền văn minh và biến thành xung đột cách mạng. Sự phục hồi khuynh hướng nguy hiểm này, chỉ hình thức là đã đổi khác, có thể dẫn xã hội Nga tới sự chia rẽ mới trầm trọng hơn bởi sự tấn công dồn dập của cạnh tranh toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt.
Nguy cơ tụt hậu kinh tế. Mọi câu chuyện về sự chuyển qua mô hình phát triển mang tính đổi mới sáng tạo sẽ trở nên vô nghĩa, nếu xã hội Nga không học cách bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình trong khuôn khổ các thể thức dân chủ. Chỉ có sự “ương ngạnh” của xã hội trong lĩnh vực kinh tế mới buộc được giới kinh tế và chính trị tinh hoa phải đến với loại hình tích luỹ sản xuất và tích luỹ sản phẩm - xã hội nhiều hơn. Chỉ có dân chủ mới cho phép xã hội ngăn chặn những hình thức mở rộng tư bản không gắn với sự phát triển của cải xã hội và , bằng cách ấy, nó kích thích loại hình phát triển đổi mới sáng tạo.
Những nguy cơ to lớn của chủ nghĩa “tân gia trưởng” luôn luôn đi kèm với hàng loạt vấn đề đối ngoại gai góc. Chẳng hạn, bây giờ để bào chữa cho quan niệm vể sự “không cần thiết” phải có dân chủ, người ta thường dựa vào đường lối đối ngoại theo kiểu toàn trị đang được thực thi ở Mĩ. Người ta nói rằng, nếu các “nhà dân chủ của Mĩ” xử sự như thế, thì chính chúng tôi cũng có những “truyền thống” của mình, huống chi là cần thiết và có thể hạn chế thứ dân chủ mị dân và hành động “từ quan điểm sức mạnh”. Nhưng vấn đề là ở chỗ, sức mạnh ấy, chúng ta không có nữa. Không có, chẳng phải vì Liên Xô và hệ thống công nghiệp - quốc phòng đã sụp đổ, mà bởi vì sự ủng hộ của nhân dân thế giới dành cho nước ta được dựa vào sự lựa chọn của nhà tư tưởng và ảnh hưởng của những lựa chọn ấy luôn quyết định sức mạnh và uy tín quốc tế của chúng ta. Thế mà sự lựa chọn của nhà tư tưởng đã khiến chúng ta mất hết uy tín! Tất cả thất bại trong đường lối ngoại giao của chúng ta - từ việc biến các nước cộng hoà trong liên bang cũ thành vòng vây của những khu vực thù địch bao bọc xung quanh nước Nga, cho đến cảm giác của những kẻ bị quốc tế xua đuổi mà mọi công dân Nga, không trừ một ai, từng cảm nhận thấm thía khi nhận thị thực xuất cảnh - đều gắn với hình ảnh về chính trị lèm nhèm của nước Nga hôm nay. Những quan hệ quốc tế hiện nay của chúng ta rõ ràng là chưa đáp ứng được những thách thức mà quá trình toàn cầu hoá đang đặt ra trước chúng ta. Kế sách duy nhất giúp phục sinh nước Nga thành một đấu thủ tầm cỡ trên sân chơi quốc tế là làm thế nào để trở thành người bảo vệ các nguyên tắc dân chủ đang điều khiển nền chính trị thế giới. Nhưng để đạt được điều đó dứt khoát phải học cách làm việc với xã hội, phải phát triển và ủng hộ đường lối ngoại giao nhân dân, kiên quyết chống lại nguyên tắc “ngoại lệ”, phải biết xác định vị trí của mình trên cơ sở tính toán lợi ích không chỉ của bộ phận tinh hoa (như bây giờ người ta đang làm), mà còn của các tổ chức xã hội năng động khác. Tất nhiên, một chiến lược đối ngoại như thế không thể phát huy hiệu quả, nếu nó không hài hoà và không được nâng đỡ bởi chiến lược đối nội nhắm tới sự bảo vệ các giá trị dân chủ.
Tóm lại, muốn hợp thức hoá quyền lực, muốn thành công trong việc phát triển kinh tế theo hướng đổi mới, sáng tạo, muốn chiếm lĩnh vị trí xứng đáng trong hệ thống thế giới toàn cầu và muốn tránh sự phân rẽ nội bộ sâu sắc về xã hội và văn hoá, nước Nga dứt khoát phải có dân chủ.
Vậy cái gì đang cản trở sự phát triển dân chủ ở nước Nga và đâu là nguyên nhân làm bùng phát các khuynh hướng “tân gia trưởng”?
Những mâu thuẫn và sự phức tạp nảy sinh trong tiến trình quá cảnh dân chủ của các quần hệ phi phương Tây thường gắn với, thứ nhất,cuộc khủng hoảng chung của nền dân chủ truyền thống, của nhà nước - dân tộc cùng các loại thiết chế đại diện, và thứ hai, sự thiếu vắng ở các nước ấy một hành trang đầy đặn các truyền thống dân chủ. Xin đặc biệt lưu ý ba điểm quan trọng, rất tiêu biểu cho các nước phi phương Tây nói trên, tức là những nước đang cản trở quá trình dân chủ hoá. Đó là (1) vấn đề chứng lí biện hộ cho chủ quyền của cá nhân và sự cá thể hoá cá nhân. Đó là (2) vấn đề nội tâm hoá luân lí, một vấn đề được thực hiện ở châu Âu trong quá trình Cải cách, nhưng hoàn toàn không được thực hiện ở Nga. Đó là (3) tính chất dở dang của tiến trình tính dục hoá trong thực tế, tức là biến quyền lực của chủ thể tiến trình chính trị thành công cụ hiện thực hoá các lợi ích xã hội. Tiếc là trong quá trình cải tạo cách mạng ở thế kỉ XX, những nhiệm vụ quan trọng ấy vẫn chưa được giải quyết đến cùng. Sự chậm trễ của việc thay đổi dân sự đối với cá nhân, sau đó, với luân lí, và sau nữa, với hệ thống chính trị dẫn tới hệ quả là những kênh tác động xã hội hữu hiệu tới các tiến trình chính trị vẫn mãi mãi chưa thể hình thành.
Chúng ta đã tìm thấy con đường độc đáo giúp khắc phục di sản gia trưởng nói trên. Nhưng điều quan trọng là phải chỉ ra sự khác nhau về loại hình giữa con đường đặc biệt dẫn tới dân chủ của chúng ta và kiểu phát triển phi dân chủ với ý nghĩa đích thực của nó. Để có thể nghiên cứu vấn đề này một cách chi tiết trong các lần hội thảo tiếp theo, tôi xin lưu ý ba điểm có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với nước Nga. Cái được gọi là dân chủ vào những năm 1990 đã chỉ ra rằng, đem một xã hội đang bị đè nặng bởi di sản của chế độ cộng sản - toàn trị mà đặt vào quá trình dân chủ hoá là cực kì nguy hiểm. Để thích nghi với những thay đổi, cần phải có một giai đoạn quá độ đủ để tạo ra những điều kiện thuận lợi làm chín muồi các hình thức liên kết mọi quan hệ xã hội nội tại. Xin kể mấy điều kiện như sau: (1) hình thành những cơ chế hợp thức hoá xung đột xã hội và các hình thức giải quyết xung đột trong khuôn khổ của thể thức dân chủ, (2) duy trì những điều kiện kinh tế - xã hội có khả năng kìm hãm sự bùng phát của tình trạng bất bình đẳng, (3) bảo vệ quyền lợi và tự do của công dân, ủng hộ các sáng kiến xã hội nhằm bảo vệ trật tự pháp luật, (4) bảo đảm cho công dân Nga những điều kiện tiếp cận tối đa với các tiến trình thông tin, kinh tế và văn hoá toàn cầu, và, cuối cùng, (5) hình thành và ủng hộ các cơ chế thực tế và thực hành ngoại giao dân sự. Nhưng trong trường hợp này, có lẽ điều kiện cơ bản là cần khắc phục sự khủng hoảng sâu sắc niềm tin từ bên trong mà cả xã hội đang trải qua. Có lẽ nên bắt đầu ngay từ điểm này.
V.T.Tretijakov. Dân chủ chẳng qua chỉ là sự tự do tranh đua - có thể nhiều hay ít - của những hình thức toàn trị được cơ chế hoá hay không cơ chế hoá ở mức này hay mức kia, giữa các hình thức ấy thỉnh thoảng (khi lợi ích của chúng trùng hợp với nhau) vẫn có thể có sự thoả hiệp - dễ nhất là ở những vấn đề không quan trọng, còn ở những vấn đề quan trọng, thoả hiệp là vô cùng hiếm hoi. Hiểu dân chủ như thế, theo tôi, là cách hiểu tỉnh táo. Phải nhanh chóng xây dựng những gì thiết thực, có thể triển khai trong thực tế để khỏi bị mê hoặc bởi những thứ phù phiếm mà trong thực tế, đằng nào ta cũng không triển khai. Tôi tin rằng, hệ thống chính trị trong tương lai của nước Nga sẽ không phải là hệ thống dân chủ theo ý nghĩa mà ở ta, mọi người đều sử dụng, tức là phỏng lại từ các kiểu mẫu của phương Tây. Đó sẽ là hệ thống chính trị của Nga, bao giờ cũng rất truyền thống, bao giờ cũng cần hiện đại hoá và bao giờ cũng dở dang, rất khác với lí tưởng trong sách vở, không giống phương Tây, mà cũng chẳng gần với phương Đông. Tờ “Zapadnhik” nhận định, trong hệ thống ấy, mối quan hệ giữa toàn trị và dân chủ là 9/1, trên thực tế, có lẽ là 49/51, hoặc 64/36 - những tỉ lệ Nga thuần tuý nào đó.
Khuynh hướng toàn trị, nói chung, đang mạnh lên không chỉ ở Nga, mà cả thế giới đang bước vào kỉ nguyên của chủ nghĩa toàn trị mới. Và, tất nhiên, chẳng có dân chủ nào cả trong các quan hệ quốc tế, trước kia không có, bây giờ cũng không có. Cả châu Âu đang chiến đấu cho “dân chủ của toàn nhân loại”, còn Hợp chủng quốc Hoa Kì thì thậm chí đang trực tiếp “xuất cảnh” dân chủ - nhưng không hiểu vì cơn cớ gì mà về cơ bản, bao giờ cũng được trợ giúp bởi sự chiếm đóng các nước mà họ xuất cảnh dân chủ, hoặc châm ngòi gây ra những cuộc bạo loạn “tự phát” được gọi là mhững cuộc “cách mạng màu”. Chỉ riêng điều đó đã tạo nên sự khó chịu, bực bội cùng cực về tâm lí trong các quan hệ quốc tế, cũng như đời sống chính trị của các nước riêng lẻ (nhất là những nước bị áp đặt thứ “dân chủ cưỡng bức”), thậm chí, nó khiến những ai đang muốn thực hành dân chủ trở nên chán ghét những tư tưởng dân chủ.
Trong chính sách đối nội của Nga, tất nhiên, chủ nghĩa toàn trị bao giờ cũng lớn hơn so với ở Pháp hoặc ở Đức. Chí ít thì đó cũng là điều được thấy qua cái nhìn từ phía bên ngoài. Ở đây, có thực tế của không gian Nga và những truyền thống lịch sử tương ứng. Nhưng trên cơ sở ấy, cho phép tôi nói thế này, một bộ phận quan trọng trong tầng lớp chính khách của chúng ta đã sa vào trạng thái điên rồ chính trị học.
Chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa gia trưởng là những khuynh hướng phát triển đã trở thành thâm căn cố đế của xã hội chúng ta. Nước Nga không phải là một thể thống nhất, không thể điều khiển nước Nga theo một mô hình, và một trong những nhược điểm của hiến pháp hiện nay chính là ở chỗ đánh đồng tất cả các vùng miền của đất nước. Đối tượng điều hành càng đa dạng, nếu như các đối tượng ấy không bị xé lẻ, mà nhập vào một hệ thống, thì nhu cầu xuất hiện của chế độ toàn trị càng lớn. Trong khi đó, do áp lực của không gian và lịch sử, nước Nga dứt khoát phải trở thành một nhà nước liên bang, và khi thế giới lưỡng cực chuyển thành hệ thống đa cực, nó cần phải giữ được vị trí của mình để cầm đầu một đẳng cấp liên bang quốc tế kiểu mới nào đó. Nếu không, nước Nga hoặc là buộc phải tan rã, hoặc là buộc phải nhập vào một cực khác nào đó và phải lệ thuộc vào nó. Nước Nga đã mang trên mình năm thế kỉ có chủ quyền. Chính vì thế, giống như đường lối đối ngoại toàn trị của Mĩ, chính sách đối nội của Nga tất yếu cũng có những nét toàn trị.
Giờ xin nói tới những vấn đề bên trong, về nền dân chủ của chúng ta. Xây dựng hệ thống tự trị địa phương là điều chúng ta không thể làm nổi. Đó chính là thiết chế đặc biệt và, tất nhiên, quan trọng nhất của dân chủ. Thiếu thiết chế ấy thì chỉ có một thứ dân chủ đặc biệt, dân chủ không hẳn là dân chủ. Nhưng nếu có một cái gì đó không thể xây dựng được, thì cũng đáng phải nghĩ xem, vì sao lại có chuyện như thế?
Cuối cùng là về hệ thống đảng phái của chúng ta, một hệ thống, tất nhiên, đã hình thành, nhưng không rõ nó sẽ như thế nào trong tương lai. Điều kiện khách quan có đủ nền móng và cơ sở cho sự tồn tại của bốn - năm đảng phái, trong đó có cả đảng quốc gia - dân tộc. Xin đặc biệt lưu ý, rằng quyền lực chính trị hiện nay đang bóp nghẹt chủ yếu là các đảng viên dân tộc chủ nghĩa, trước hết là chủ nghĩa dân tộc Nga, chứ không phải bóp nghẹt đảng viên phái tự do hay đảng viên cộng sản. Đó có phải là dân chủ? Vậy mà những người đang đấu tranh cho dân chủ ở Nga hăng hái nhất lại cổ vũ cho một tiến trình như thế, thậm chí họ còn chỉ trích điện Kremlin đã nương tay trong việc đè nén chủ nghĩa dân tộc.
Nước Nga phải từ bỏ việc thực nghiệm, chủ yếu là thực nghiệm tư tưởng
phát triển rượt đuổi, điều đó đồng nghĩa với sự xoá bỏ mục tiêu xây dựng nền dân chủ ở Nga. Tất nhiên, cần phải xây dựng, phát triển, hoàn thiện các cơ chế dân chủ ở mức độ có thể được. Nhưng không cần phải biến điều đó thành mục tiêu chính yếu và thường nhật. Ngược lại, tôi cho rằng, muốn bảo vệ nước Nga, nước Nga cần thực hiện tiến triển cách mạng từ trong bản chất. Nếu không làm thế, thì bạo loạn, hoặc liên tiếp những cuộc bạo loạn lại sẽ nổ ra.
A.A.Kara-Murza. Trong số những nội dung có thể đưa ra bàn luận trong Hội thảo của chúng ta, xin chọn chủ đề mà ở đây, vào thời điểm này, tôi cảm thấy là có ý nghĩa cấp bách nhất: dân chủ như một vấn đề chính trị - triết học.
Không thể nói chuyện về dân chủ theo kiểu nhà nghề mà trước tiên lại phải thoả thuận với nhau về chính những nguyên tắc trò chuyện, vì làm như thế chúng ta có nguy cơ rơi vào cái bẫy chủ quan mà Thomas Hobbes[3] đã giải thích một cách hài hước trong chương XIX của kiệt tác Leviathan[4]: “Tất cả những ai từng bị dân chủ làm đau lòng sẽ gọi dân chủ là sự hỗn loạn, vô chính phủ… Không nên nghĩ rằng, sự cai trị chỉ có một hình thức, khi ta thích nó; và vẫn còn có hình thức khác, khi ta không ưa nó…”. Chúng tôi cũng biết rằng, trong lịch sử tư tưởng xã hội, bản thân khái niệm dân chủ từng được sử dụng, vừa tuỳ thuộc vào những bối cảnh xã hội khác nhau, lại vừa dựa trên những căn cứ khác nhau. Chẳng hạn, với Platon, dân chủ là hiện tượng hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực, bởi vì “quyền lực thuộc về nhân dân” tất yếu sẽ dẫn tới chỗ dùng bản năng thay cho lí trí chính trị. Khác với Platon, Aristotle cho rằng, về nguyên tắc, quyền lực số đông có thể chứa thiện căn (giống như “quyền lực của một người” dưới chế độ chuyên chế và “quyền lực thiểu số” trong giới quý tộc cũng có thể chứa thiện căn như thế). Nhưng, ta biết, Aristotle gọi “quyền lực số đông” chứa thiện thiện căn như thế là chính thể, còn dân chủ chỉ là bản sao đã bị xuyên tạc của nó, thứ bản sao (khác với bản gốc) không có khả năng giữ được vị trí ưu tiên hàng đầu của cả nước và tự hạ thấp xuống mức biểu hiện tổng số lợi ích của những người nghèo khó”. Về phần mình, Hobbes sẵn sàng thừa nhận sự thích hợp của thuật ngữ dân chủ, thậm chí, thừa nhận nội dung đích thực của những hiện tượng ở phía sau thuật ngữ ấy (loại nhà nước trong đó chủ quyền tối cao tập trung một cách tuyệt đối vào tập hợp của những ai tán thành nó), nhưng theo ông, hình thức ưu việt không thể chối cãi có thể chung đúc chủ quyền toàn vẹn nói trên chính là nhà nước chuyên chế. Cuối cùng, Rousseau xem dân chủ là phương thức đúng đắn duy nhất để hiện thực hoá ý chí tập thể, nhưng ông cũng thừa nhận, bản thân ý chí tập thể này mang tính đồng nhất và không thể chia tách.
Tóm lại, nói về dân chủ, với tư cách là một hiện tượng, hay, ứng với nó, một thuật ngữ, Platon luôn luôn khẳng định tính tiêu cực của nó. Aristotle xem dân chủ về cơ bản là hiện tượng tích cực, nhưng ông lại gọi nó bằng một thuật ngữ khác. Hobbes thừa nhận sự tinh tế của cả thuật ngữ, lẫn hiện tượng ở phía sau thuật ngữ dân chủ, nhưng trong quan niệm của ông, thực chất nó cũng chỉ là cái hũ dùng để chưng cất chủ quyền, một loại hũ cũng chẳng lấy gì làm tiện lợi. Ngược lại, Rouseau thần thánh hoá cái hũ ấy, có điều, cách lập luận của ông lại cung cấp chứng lí để các nhà phê bình buộc tội nó có thiên hướng nhắm tới những mục đích toàn trị và phản dân chủ. Một câu hỏi tất yếu sẽ nẩy ra: những cách hiểu dân chủ có nhiều khác biệt lớn đến như thế (những ví dụ về sự khác biệt có thể kể thêm nhiều và rất nhiều) liệu có chứng tỏ, rằng không thể thảo luận về dân chủ nói chung, bởi những cuộc thảo luận này thường bị xé vụn một cách vô vọng thành những mảnh riêng lẻ rất khó ráp nối với nhau.
Theo tôi, vẫn có thảo luận về dân chủ nói chung với một điều kiện tất yếu là phải tìm được một giới hạn phổ quát nhất và, tuỳ vào khả năng, có tính trung hoà nhất về giá trị. Tức là cần khoanh vùng hết sức nghiêm túc, chí ít là ở hai điểm sau đây.
Thư nhất, cần tránh xa thuyết mục đích luận, tức là tránh xa ý đồ tạo ra một trật tự nghĩa lí nào đó mà mục đích cuối cùng là tiến tới quan niệm về một nền “dân chủ chân chính”. Hướng tiếp cận như thế thường tích nạp tối đa sự thiên vị nghiêng về giá trị, mà kết cục là trên đỉnh chóp (hay nói cách khác, ở “điểm cuối của lịch sử”) bao giờ cũng có những thứ “dân chủ” hoàn toàn khác nhau: khi thì dân chủ tự do, khi là dân chủ Xô viết, có khi lại là dân chủ theo tinh thần “đại dân quốc” Libya. Vì cuộc hội thảo của chúng ta thể nào cũng bế tắc bởi sự thiên vị giá trị, nên, với tinh thần chủ động của cá nhân, tôi sẽ bắt đầu phê phán thuyết mục đích luận của phái tự do. Xin dẫn một ví dụ ai cũng biết để làm rõ nhược điểm của nhãn quan nghiên cứu cũ, mà cụ thể là trường hợp Karl Popper phê phán Platon trong Xã hội mở[5]của ông. Theo tôi, nhiều câu thoá mạ được Popper nhắm vào Platon đã trượt đích. Chiến sĩ bảo vệ “xã hội mở”, tín đồ của chủ nghĩa bình đẳng Popper không chỉ nhìn thấy ở Platon một người phủ định quyền bình đẳng của nhân loại, mà còn xem Platon là thủ phạm “bít kín xã hội” - tức là kẻ phản đối hệ hình của mình, là người mở đường cho các mô hình toàn trị ở thế kỉ XX. Rõ ràng, Popper đã không không đếm xỉa tới một sự thật, ấy là sự biện hộ cho bất bình đẳng và ý đồ “bít kín xã hội” của Platon chỉ là phương thức nhằm đạt một mục đích tối quan trọng đối với ông: loại đám đông dân chúng ra khỏi chính trị. Mà chế độ toàn trị ở thế kỉ XX là cái gì vậy? - Đó chính là kết quả của những cuộc “nổi dậy của đám đông dân chúng”, tức là kết quả của sự “lột trần lịch sử” không được kiểm soát một cách văn minh mà sự “bít kín” đã thế chỗ của nó. Cho nên, Popper chẳng những đánh trượt đích, mà còn tỏ ra thiếu công bằng đối với Platon. A.F.Loshev[6] có lí khi nói: “Platon thuộc loại vấn đề có vẻ như là muôn đời của lịch sử văn hoá nhân loại mà hiện nay ta không thể hình dung nó sẽ được giải quyết thế nào, và khi nào, trong điều kiện ra sao, vấn đề ấy sẽ được giải quyết triệt để”.
Và đây là điểm thứ hai: kết cục hội thảo của chúng ta cần phải tiến tới phân định giới hạn của khái niệm dân chủ với các khái niệm khác, bởi vì, khi nói về mình với tư cách là những nhà dân chủ và về đất nước mình với tư cách là những nền dân chủ, không phải ai cũng có thái độ khách quan; mọi sự tự quyết như thế bao giờ cũng tích nạp giá trị.
Nói cách khác, thảo luận về dân chủ cần phải có sự thống nhất quan niệm, rằng đó không đơn giản là hiện tượng trực quan (hay một tập hợp các hiện tượng), mà là sự trình bày mang tính quan niệm một vấn đề gốc rễ trong đời sống cộng đồng của con người, một vấn đề có thể diễn đạt thông qua những nỗ lực chung, độc lập với các phương pháp được đưa ra để giải quyết. Điều gì có thể trở thành vấn đề gốc rễ như thế? Từ thời của những cuộc cách mạng vĩ đại ở châu Âu (trước hết là cách mạng Pháp), người ta thừa nhận, câu chuyện về dân chủ là câu chuyện phái sinh nằm trong hệ thống chủ đề về sự bình đẳng của con người. Gạt ra một bên cách dịch theo nghĩa đen khái niệm dân chủ (quyền lực nhân dân), câu chuyện thường tập trung vào chủ đề về sự bình đẳng như là quyền thực thi quyền lực ngang nhau của các công dân. Và nếu như cách tiếp cận có ý nghĩa quyết định này được chấp nhận, thì chiếc quạt của những vấn đề có thể được mở ra trước mắt chúng ta, không một chiếc xương quạt nào được phép bị bỏ rơi và bị loại ra ngoài câu chuyện chung về dân chủ. Ở đầu này của chiếc quạt là chế độ toàn trị (nơi không có quyền lực nhân dân); ở đầu kia là trạng thái ngả về phía hỗn loạn, nơi dân chủ tỏ ra không đủ sức tự kiểm soát bản thân.
Phải có được sự chấp nhận chung như thế, mỗi người mới có thể trình bày quan điểm cá nhân, quan điểm giá trị (chính xác là quan điểm đảng phái) của mình. Với một nhà dân chủ và là người theo phái tự do như tôi, thì tự do là vấn đề thuộc bản thể luận và có tính cách mệnh lệnh, còn dân chủ chỉ là vấn đề thực tiễn và mang tính kĩ thuật (cách tiếp cận này rất gần gũi với quan điểm của Boris Chicherin[7]). Tôi tin rằng, sẽ đến thời ở nước Nga, tự do cá nhân và dân chủ (như là sự bình đẳng đang tiến triển trong tiếp cận quyền lực) có thể và cần phải sánh đôi cùng đi - ngay từ đầu thế kỉ XX, Chicherin từng đưa ra kết luận như vậy). Trong điều kiện như thế, tôi cho rằng, sẽ rất có triển vọng, nếu phát triển khái niệm dân chủ được ở hai lĩnh vực nội dung sau đây. Thứ nhất, là lĩnh vực liên quan tới vấn đề cải cách dân chủ đối với quyền lực như là đối tượng kiểm soát của nhân dân (mang tính đại diện) - trước hết, theo tinh thần phát triển quan niệm về phân chia chia quyền lực trên cơ sở cứ liệu của Nga. Và thứ hai, là lĩnh vực nghiên cứu những vấn đề cốt tử đối với nước Nga, vấn đề “tự giới hạn dân chủ”,- chưa làm được như thế, không thể nói về sự chín muồi của xã hội công dân ở nước Nga.
T.A.Alekséeva. Ngày nay, dân chủ như một giá trị tiên nghiệm, được diễn đạt theo cách này hay cách kia, luôn hiện hữu trong mọi loại diễn từ. Với ý nghĩa như thế, tôi cho rằng, dân chủ - theo định nghĩa ai cũng biết, cùng tất cả những khuyết tật của nó - vẫn là hình thức cai trị tốt nhất (những hình thức khác - đều tồi tệ hơn).
Tiếp lời V.T.Tretijakov, trước tiên, tôi muốn nói về dân chủ trong các quan hệ quốc tế là lĩnh vực bộc lộ đầy đủ bản chất đặc thù của nó. Tôi đồng ý với A.G.Glinchikova: vâng, quả là phải quan tâm tới xã hội dân sự ở Ucraina, Gruzia và các nước cộng hoà trong liên bang cũ,- điều đó hoàn toàn đúng đắn. Đúng là dân chủ có thể trở thành công cụ quan trọng để bảo vệ và phát triển các mối quan hệ trong không gian hậu Xô viết. Nhưng chúng ta cũng sẽ không quên, rằng ngày nay chúng ta có quan hệ với những quốc gia có chủ quyền, những quốc gia đã khẳng định vị trí của mình trên diễn đàn quốc tế và với những nền dân chủ phát triển ở những trình độ khác nhau. Cho nên, việc sử dụng xã hội dân sự có thể trở thành vũ khí hỗ trợ, nhưng không phải là đường lối chính trị cơ bản của chúng ta. Chúng ta có thể thích hay không thích điều ấy, nhưng đối thủ chủ chốt của chúng ta hôm nay chính là nhà nước. Thế mà ở những nơi nước Nga hiện diện như một quốc gia, nó thường xuyên phải chạm trán với những quốc gia hậu Xô viết đã chuyển hướng thân phương Tây cùng với những cố vấn phương Tây của họ. Trong bối cảnh như thế, trên diễn đàn quốc tế, dân chủ đóng vai trò của ý thức hệ, có thể nói là chân lí ở bậc cao nhất, không thể bác bỏ và đã hoá thành quy phạm, tức là đóng vai trò của một thứ chuẩn mực cho sự thích hợp hay không thích hợp của quốc gia này hay quốc gia kia. Phương pháp đánh giá của nước Nga (và không chỉ của nước Nga) dựa trên nền tảng của một thứ chuẩn mực đã được định hình nghiêm ngặt như thế chưa chắc có thể được thừa nhận là dân chủ.
Trong khi đó, tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm giao tiếp ngược ngạo ở các hội nghị quốc tế. Mặc dù bị phê phán là thiếu dân chủ và thậm chí là toàn trị, thông thường, chúng tôi vẫn phát biểu những ý kiến mang tính đa nguyên, chúng tôi tranh luận với nhau và tranh luận với những cử toạ khác, nói tóm lại, chúng tôi đã thể hiện một cách tự nhiên mọi dấu hiệu của tinh thần đối thoại dân chủ. Ngược lại, những cử toạ nước ngoài, thường là người phương Tây, bao giờ cũng phát biểu theo một kiểu độc thoại nào đó, bởi họ ra sức chứng minh để chúng tôi thấy, rằng chúng tôi không hiểu bản chất của tiến trình dân chủ và chính vì thế, chúng tôi không theo kịp những chuẩn mực nhất định do ai đó, lúc nào đó, ở đâu đó đã đề xuất. Sự tế nhị chính trị liệu có làm mất đi bản chất đích thực của đối thoại khoa học như là sự trao đổi ý kiến một cách dân chủ? Vì sao chúng ta phải tin vào sự lựa chọn các định đề của ai đó, khi ta chưa thử suy ngẫm, chưa vận dụng vào thực tế riêng của mình. Khi thủ tiêu các nguyên tắc đối thoại khoa học, dân chủ sẽ bắt đầu được sử dụng như là tư tưởng hệ. Lại nữa, cách tiếp cận như thế hết sức nguy hiểm, vì nó cho phép chia các quốc gia thành loại “chân chính” có thể hợp tác, nhận được nhiều sự viện trợ, được tiếp nhận vào WTO và các tổ chức quốc tế khác mà không phải xếp hàng, và loại “không chân chính”, thiếu dân chủ theo quan điểm của một thứ luật lệ đã được định sẵn. Với những quốc gia “không chân chính”, người ta có thể tuỳ tiện xử sự theo đủ kiểu. Sự hiện diện của một kiểu tiếp cận như thế không chỉ là vấn đề trong sử dụng dân chủ nhằm các mục đích tư tưởng hệ, mà còn là vấn đề dân chủ như chính bản thân nó. Nếu nhìn vào những gì đang diễn ra trong môi trường khoa học, ta sẽ bắt gặp một hiện tượng hết sức thú vị. Thứ nhất, chí ít là ngay từ giữa những năm 1980 đã thấy xuất hiện tư tưởng - khi thì ầm ỹ, lúc lại lắng xuống, nhưng lúc nào cũng hiện diện - cho rằng, ngày nay, dân chủ không đơn giản chỉ là tư tưởng hệ, không chỉ là một chuẩn mực giá trị nào đó có thể dùng để cân đo mọi hình thái chế độ chính trị,- đó là một tôn giáo mới.
Xin trích dẫn một vài tác giả để khỏi mắc tội nói vu vơ. Chẳng hạn, một ông Caleb nào đó cho rằng, “dân chủ chẳng phải là cái gì khác mà chính là biểu hiện cực đoan nhất của đạo tin lành”. Nội dung toát lên từ bài phát biểu của ông ấy thế là đã rõ - trọng tâm ngữ nghĩa không dồn vào tiền sử của dân chủ và chủ nghĩa tự do, mà được nhấn vào tiền sử hình thành tôn giáo. Aleksandro Pizzorno, giáo sư trường Đại học Tổng hợp Turin, còn phát biểu rõ hơn: “Điều đó cho phép chúng ta xem xét dân chủ với tư cách là tôn giáo nhà nước, mà nhà nước ngay từ đầu đã có ý đồ kìm hãm tôn giáo. Giống như mọi hình thức tôn giáo khác, dân chủ cũng có những lễ nghi riêng: ngày bầu cử, truyền bá tín nhiệm cho các vị đại biểu của nhân dân, những bài ca chính thức, khánh tiết, biểu dương sự thống nhất… Dân chủ cũng có đội thập tự quân của mình. Người ta bảo chúng tôi, thập tự quân có sứ mệnh tiêu diệt sự hiện hữu của tội ác chính trị trên thế giới”. Chúng ta được biết qua lịch sử, quân thập tự chinh từng tuyên bố đã đạt được mục đích bằng việc hướng con người đến với niềm tin tôn giáo, ngày nay, lớp hậu bối của họ ở phương Tây lại nghĩ tới việc hướng con người đến với chế độ chính trị chân chính.
Còn một hướng tiếp cận khá nổi tiếng xem dân chủ là một thứ tôn giáo dân dụng của nước Mĩ cổ điển, giống như cái kẹp suốt hàng trăm năm nay có khả năng thống nhất xã hội đa sắc tộc, đa tôn giáo của Mĩ, và trong khuôn khổ của nó, các giá trị dân chủ bao giờ cũng đứng ở vị trí hàng đầu một cách tuyệt đối. Mặc cho chính thống giáo, thiên chúa giáo và các nhóm tôn giáo khác không ngừng lớn mạnh, thứ tôn giáo dân dụng nói trên đã thìm thấy được con đường khiến các tôn giáo thoả hiệp với nhau bằng cách đóng kín mọi giáo phái trong vòng vây của tư tưởng về dân chủ, về thị trường tự do và sự bao dung hỉ xả. Trong trường hợp như thế, dẫu không thành tôn giáo (chắc điều đó chỉ là một ẩn dụ), thì liệu dân chủ có hoá thành tư tưởng hệ chăng? Liệu dân chủ có lên đường tự làm một cuộc viễn du trên đại dương tư tưởng hệ khi đã có được những phẩm chất mới? Chúng ta thường xuyên được đọc và được nghe người ta nói rằng, việc đem tư tưởng hệ phân chia thành các các loại như trước kia, bây giờ đã trở thành lạc hậu, và rằng, ngày nay mà nói về chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa vô chính phủ và những thứ “chủ nghĩa” khác là điều hết sức khó khăn. Trên cái nền chạm khắc hậu hiện đại, không chỉ các hệ tư tưởng và mối quan hệ giữa chúng bị xé lẻ, mà ngay cả các quan niệm mới cách đây chưa lâu chỉ là ý thứ hệ cũng được giải phóng (như một phẩm chất mới). Do chưa có sẵn lời giải đáp cho câu hỏi này, nên tôi chỉ nêu vấn đề ra đây để thảo luận.
Thế này hay thế khác, hễ bắt đầu nói về những chuyện tương tự như thế, lập tức chúng ta buộc phải phát biểu trên một cơ sở triết học không mấy vững chắc với rất nhiều thứ còn mơ hồ. Nhưng vẫn có một điều dễ hiểu và tuyệt đối chính xác, theo tôi, được tất cả các nhà triết học đều thừa nhận, - rất có thể, bài học duy nhất và quan trọng nhất mà triết học chính trị đã đúc kết được qua sự phê phán bền bỉ đối với chủ nghĩa thực chứng, - không thể phát biểu ý kiến một cách đơn giản, mà ý kiến phải được biện giải, hay nói cách khác, phải được hợp thức hoá. Nhưng vấn đề là ở chỗ, không có một định nghĩa thống nhất về tư tưởng hệ, bởi thế, cũng không có những chuẩn mực chung được tất cả thừa nhận.
Trong số những quan niệm mới hiện nay, nhân tố được kì vọng sẽ đảm trách loại vai trò như thế, trước hết phải kể đến dân chủ và thuyết toàn cầu hoá. Tôi sẽ vận dụng những tiêu chí do Michael Freeden, nhà chính trị học người Mĩ, đề xướng để chứng minh luận điểm nói trên. Cũng xin nói rõ, tuy không tin dân chủ và và thuyết toàn cầu hoá sẽ chín muồi để vươn tới tầm mức của tư tưởng hệ, nhưng Freeden thừa nhận, tiềm năng của chúng sẽ được phát lộ rất nhanh chóng. Tiêu chí thứ nhất: sự biện giải khái niệm phải đạt tới mức kĩ lưỡng và tinh tế. Tiêu chí thứ hai: khả năng giải đáp những vấn đề chính trị quan trọng nhất đang xuất hiện hôm nay. Cả dân chủ lẫn toàn cầu hoá đều phù hợp với tiêu chí này. Cuối cùng, tiêu chí thứ ba: một hệ tư tưởng bất kì nào đó phải có khả năng kiến tạo ra cái gọi là “những mắt xích hiển nhiên”. Nếu chủ nghĩa tự do xem tự do là giá trị cơ bản, thì điều đó đã có nghĩa là sẽ không có bất kì sự nghiên cứu cụ thể nào khác về sự bình đẳng, về uy tín và về bản thân chế độ dân chủ ấy v.v…. Với chủ nghĩa xã hội, bình đẳng là giá trị cốt lõi được sử dụng để giải thích tất cả những gì còn lại; với chủ nghĩa bảo thủ - thì đó là uy tín và truyền thống v.v…Trong thực tiễn, mỗi loại lí luận chính trị hoặc một hệ tư tưởng chính trị đã diễn ra đúng như thế. Những “mắt xích” như vậy, tức là những công thức hay định đề được đại đa số tin tưởng, không ai tỏ ra nghi ngờ, sẽ tạo thành tư tưởng hệ.
Manfred Stacker từ Đại học Tổng hợp Illinois từng có ý đồ sắp xếp “chuỗi xích hiển nhiên” của thuyết toàn cầu hoá. Thứ nhất, trước khi xẩy ra vụ khủng bố tại Trung tâm Thương mại thế giới vào năm 2001, thuyết toàn cầu hoá xem hiện đại hoá là một giá trị then chốt. Thuyết toàn cầu hiện nay - loại chủ thuyết có thể được chúng ta gọi một cách ước lệ là của đế quốc - lại công khai chỉ ra sự cần thiết phải phổ biến những giá trị và các chuẩn mực phương Tây. Thứ hai, thuyết toàn cầu hoá khẳng định, rằng toàn cầu hoá mang lại lợi ích cho mọi người, chí ít là trong tương lai lâu dài. Thứ ba, thuyết toàn cầu hoá còn khẳng định, rằng toàn cầu hoá sẽ thúc đẩy dân chủ trên phạm vi toàn thế giới (lối thoát trực tiếp cho chủ đề của chúng ta). Cuối cùng, thứ tư, toàn cầu hoá sẽ khởi động một cuộc chiến toàn cầu chống lại chủ nghĩa khủng bố. Đây cũng là một chủ đề mới sau năm 2001. Theo Stacker, hệ tư tưởng của thuyết toàn cầu hoá được xây dựng trên nền tảng của bốn luận đề có mối liên hệ nội tại ấy. Ở “cánh hữu”, trường phái dân tộc - bình dân, chủ nghĩa cục bộ mới, các học thuyết khác nhau của chính thống giáo có màu sắc chính trị đậm nét đều khước từ toàn cầu hoá, ở “cánh tả”, chúng ta có thể tìm thấy phong trào nữ quyền toàn cầu, trường phái bình dân - quốc tế, các phe phái tư tưởng khác nhau gắn với phong trào đấu tranh vì sự công bằng trên toàn thế giới. Tức là bất kì một người quan sát vô tư nào đều có thể nhận ra, rằng ngày nay, tả và hữu lại đang đổi chỗ cho nhau.
Tóm lại, những khác biệt giữa dân chủ và toàn cầu hoá như một vấn đề triết học chính trị tất yếu sẽ trở thành đối tượng của những cuộc tranh luận chẳng bao giờ dứt. Mà tất yếu phải như thế, vì từ trong bản chất, triết học chính trị mang tính đối thoại, nó không thể chấp nhận sự độc thoại. Nhưng nếu chúng ta nói về dân chủ và thuyết toàn cầu hoá như những hệ tư tưởng, và trong bối cảnh của các quan hệ quốc tế, chúng cũng xuất hiện đúng như thế, thì sẽ không có bất kì sự tranh luận nào, vì, về nguyên tắc, tranh luận tư tưởng hệ là chuyện không thể có.
A.V.Subin. Trước khi đặt ra các mục tiêu cho đất nước, cần tháo gỡ mớ bòng bong vẫn tồn tại trong các thảo luận tư tưởng. Có ý kiến cho rằng, dân chủ đồng nghĩa với phương Tây. Lại có ý kiến cho rằng, dân chủ là quyền lực nhân dân. Nhưng giữa hai loại ý kiến như thế còn có vô khối những “học thuyết kí sinh chính trị”, khi mà nhiều người sống như tầm gửi bám vào tư tưởng về sự hợp nhất giữa quyền lực nhân dân và hệ thống chính trị tự do tư sản phương Tây. Tuy nhiên, đó là những thứ rất khác nhau. Chỉ dựa vào cách hành xử tồi tệ của Mĩ ở Iraq, thì không thể chứng minh rằng chẳng cần thiết phải tiến tới dân chủ, bởi không có gì chứng tỏ ở Mĩ có quyền lực nhân dân, nhất là, đường lối đối ngoại chẳng qua chỉ là bản sao cơ cấu bên trong của nhà nước. Tiện đây xin nói thêm, Athènes dân chủ theo đúng chuẩn mực cổ điển nhất thường vẫn hành xử vô cùng tồi tệ. Rõ ràng là có sự lẫn lộn lô gíc.
Vậy chúng ta cùng gỡ rối xem sao.
Ở Phương Tây có dân chủ hay không? Tôi nghĩ là có, nhưng cũng chỉ có các yếu tố thôi. Ngay cả ở Liên Xô cũng có dân chủ và cũng chỉ có các yếu tố như thế. Xin nói thêm, đó là những yếu tố hết sức cơ bản.
Thế thì ở phương Tây, liệu có tồn tại nền dân chủ như một hệ thống? Bất kì sự phân tích cụ thể nào đều chỉ ra, ở phương Tây, mọi quyết định thường nhật, và ngay cả những quyết định quan trọng nhất đều nằm trong tay tầng lớp ưu tú. Nhưng khác với thuyết toàn trị, ở phương Tây, còn có sự phát triển của đa nguyên luận. Trong những quan hệ khác hẳn với dân chủ như thế, tầng lớp ưu tú và toàn bộ cơ cấu chính trị bị chia tách thành nhiều mảng nhỏ, chúng vùng vẫy, bơi lội trong nồi “sup” cạnh tranh, mỗi mảng như vậy đều có sự độc lập nội tại, có mối quan hệ đặc thù với dân cư. Bản chất của những “mảng” ấy rất đa dạng - chúng vừa có thể là những yếu tố dân chủ, lại vừa là những khối chuyên quyền, - nhưng hệ thống phương Tây không thể trở thành độc tài, vì bao giờ nó cũng giữ được sự cạnh tranh như thế.
Nếu dân chủ là quyền lực nhân dân, thì nhân dân là dân cư năng động của xã hôi, chứ không phải chỉ là bộ phận ưu tú. Đó là những người không thuộc giới chuyên nghiệp trong việc chuẩn thuận những quyết sách trọng đại của xã hội. Nhưng họ có thể tham gia quyết định tập thể về những vấn đề liên quan tới họ, trước hết, bằng phương thức của những cơ chế tự quản. Ở nước Nga hiện nay, trong thực tế, chuyện ấy không thể xẩy ra: sự tự quản vừa mới ló ra, trở thành một hiện thực gì đó, người ta liền ập tới và bóp hầu chẹn cổ nó bằng nhiều lí do khác nhau. Nhưng từ kinh nghiệm của thế giới, chúng ta biết được nhiều ví dụ về sự tự quản có hiệu quả. Tuy nhiên, những ví dụ ấy đều mang tính cục bộ. Cho nên, cần tạo ra những cơ chế có tính liệu pháp phối hợp những quyết định cục bộ trong một quy mô rộng lớn hơn.
Các nhà tư tưởng cánh tả ở thế kỉ XIX đã thảo luận hai phương án về “thượng tầng kiến trúc” của cơ chế tự quản: chế độ đại nghị và chế độ uỷ quyền. Chế độ đại nghị từng hứng chịu những đòn phê phán chí tử từ quan điểm dân chủ của Proudhon, Bakunin và một số nhà Mac xit. Riêng Rosa Luxemburg còn nói rõ: trong khuôn khổ của chế độ đại nghị, thỉnh thoảng cũng có thể có dân chủ. Trong hoàn cảnh bình thường, nghị trường là tập hợp những người được đề cử của các bọc tiền và những cỗ máy đảng phái. Nhưng ở thời đại cách mạng, vào thời điểm xã hội bị phân rẽ và bị kích động thái quá, khi mọi vấn đề ai cũng nhìn rõ, mà giải quang phổ tư tưởng hệ lại được mở toang, sáng chói, thì chính nghị trường có thể đảm bảo một sự nhượng bộ hợp pháp cho những ý kiến đích thực của nhân dân. Tư tưởng của Quốc hội Lập hiến năm 1917 - 1918 mà Rosa Luxemburg từng viết chính là như thế. Là một yếu tố, dân chủ có thể có chỗ đứng ngay cả trong phạm vi chế độ đa nguyên, nhưng là một hệ thống, dân chủ phải trở thành một thứ khác.
Hệ thống dân chủ ấy có diện mạo thế nào và, nói chung, liệu có cần một hệ thống như vậy hay không? Dân chủ là mối liên hệ trở lại với dân cư. Thiếu dân chủ, xã hội hiện đại sẽ xơ cứng, yếu đuối và bấp bênh. Sẽ rất có ích, nếu các yếu tố dân chủ được tăng cường, chiếm giữ được những vị trí mới và gây áp lực lên hệ thống còn lại. Thông thường, những tiến trình như thế đồng nhất với các phong trào dân sự, với xã hội dân sự trong ý nghĩa đích thực của từ ấy. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì vẫn chưa đủ: xã hội dân sự bộc lộ không chỉ trong sự vận động từ dưới lên trên mà còn ở sự vận động được điều khiển từ trên xuống dưới, tự bản thân, nó không đơn nhất về loại hình và còn là hiện tượng mang tính thủ đoạn.
V.T.Tretijakov nói rằng, ở nước lớn, rất khổ vì dân chủ, vì nó lớn, nên rất khó
điều hành. Tôi sực nhớ tới Mĩ và Canada, những xứ sở cự tuyệt con đường quản lí khắt khe từ trung ương. Nếu có ý đồ cho mọi việc vận hành trên một phần tám lục địa trực tiếp từ trung tâm, thì sắp tới nước Nga sẽ trở thành “một phần hai mươi”. Dân chủ có ý nghĩa tích cực trước hết với một lãnh thổ rộng lớn, nơi thường xuyên bị đe doạ mạnh mẽ bởi thói chuyên quyền đế quốc và sự chống đối chuyên quyền ở những khu vực đầy sự phân liệt của quốc gia. Hơn nữa, ở quy mô lớn hơn so với sự tự quản đơn thuần, dân chủ quả là rất cần thiết để chống lại cả hai mối đe doạ nói trên.
Những nhà phê bình chế độ đại nghị ở thế kỉ XIX đã đề xướng mô hình dân chủ trên nền tảng của sự đồng thuận, sự tổng hợp các lợi ích cơ sở: chế độ uỷ quyền, hiệp hội của các hiệp hội mà mắt xích cơ sở của nó là sự tự trị. Tuy không biết về điều đó, ở giai đoạn 1905 - 1917, các vị “thủ lĩnh của đám tiện dân” đã tổ chức một hệ thống dưới dạng những hội đồng như thế. Cuộc khởi nghĩa đại chúng này (mà khởi nghĩa của quần chúng chính là cách mạng, chứ không phải là sự độc tài) không thu được thắng lợi, đảng chuyên quyền của tầng lớp chóp bu đã chiến thắng. Nhưng ngay ở thời điểm hiện tại, với mọi thứ giới thuyết, tư tưởng Hiệp hội của các hiệp hội (Liên đoàn của liên đoàn) dựa trên sự tự quản như là nền tảng vẫn là con đường chính yếu duy nhất để phát triển bản thân dân chủ. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhà nước dân tộc cổ điển không thể gánh vác chức năng xã hội, dẫu chỉ là ở mức độ của nửa sau thế kỉ XX. Thêm vào đó, trong tư tưởng toàn cầu hoá, đang thấy gia tăng nhiều nét đặc trưng của chủ nghĩa độc tài mới - mang tính thủ đoạn. Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của sự thay đổi tằng hệ, vì tiềm năng của xã hội công nghiệp đã bị vắt gần như cạn kiệt. Hệ tằng mới có thể xuất hiện trong những phiên bản hết sức khác nhau (chẳng hạn, xin nhắc lại, xã hội công nghiệp - pháp quyền ở thế kỉ XX từng được hiện thực hoá theo cả phương án Stalin, lẫn phương án Roosvelt). Mối quan hệ giữa các yếu tố độc tài, toàn trị và dân chủ trong hệ tằng ấy có thể khác nhau. Giờ thì đã nhìn thấy rõ, sư biến dạng đang nghiêng về phía mánh khoé, thủ đoạn, cho nên, cần hướng mọi sức lực vào việc củng cố mặt đối lập - những yếu tố dân chủ: mạng lưới dân sự, cơ chế tự quản, sự phối hợp các yếu tố ấy với sự hỗ trợ của chế độ uỷ quyền phù hợp với việc cải tạo các cấu trúc chính trị - xã hội ở những nước không muốn trở thành tỉnh nhỏ của đế chế toàn cầu. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay không phải là mơ mộng về một sự hoá kiếp đổi đời của đế chế Nga, mà là tạo ra giải pháp thay thế dân chủ cho sự thống trị của tầng lớp siêu ưu tú mới.
B.Ju.Kagarlitski. Nói điều này ở Viện Triết có thể là khiếm nhã, nhưng tôi hoàn toàn không thể hiểu, thế nào mà người ta lại có thể tổ chức một hội thảo về dân chủ nói chung, về nước Nga nói chung. Dẫu sao thì vẫn tồn tại xã hội với cấu trúc của nó, với tầng lớp ưu tú v.v…Vả lại, các chiều kích của nước Nga thật ra chỉ trung bình thôi. Tôi lo rằng mọi câu chuyện về sự loại biệt của nước Nga đều là chuyện rỗng tuyếch, chẳng có nội dung gì, trong khi đó, chúng ta đang có những vấn đề bội phần nghiêm túc. Đã có sự đánh tráo về nguyên tắc trong một luận đề cũ, được nhiều người biết - “nhà nước mạnh lên, thì xã hội yếu đi”: trong thực tế, xã hội và nhà nước bao giờ cũng ăn khớp với nhau. Vấn đề của nước Nga không phải là ở sự yếu kém của xã hội dân sự, mà là ở chỗ, xã hội dân sự không thích hợp với xã hội Nga, do xã hội ấy chỉ phản ánh một bộ phận nhỏ của nó. Xã hội dân sự không đơn giản chỉ tồn tại tách rời xã hội theo nghĩa rộng, mà trong một mức độ đáng kể, còn thù địch với nó, miêu tả nó như đám “dân đen”, “tiện dân” v.v… Với ý nghĩa như thế, mục đích chính trị của cánh “tự do” và đám người được gọi là “nhà dân chủ kiểu Nga” là sau khi chiếm được nhà nước, sẽ dùng nhà nước để chống lại xã hội theo nghĩa rộng. Cho nên, chừng nào xã hội dân sự ở nước Nga chưa có thất bại lớn trong cuộc chiến chống lại xã hội theo nghĩa rộng, chừng ấy ở đây vẫn chưa có dân chủ.
S.L.Chizkov. Cái mà chúng ta gọi là dân chủ hiện đại, thực ra vẫn chỉ là dân chủ tự do. Sự gắn kết này xem ra rất lạ, vì sao lại có chuyện như thế? Các nhóm đối lập chính yếu ở cả phái tự do, lẫn cánh dân chủ đang hiểu rất khác nhau. (…) Các nhà dân chủ với sự hỗ trợ của những quy phạm pháp quyền tán thành chỉnh đốn lĩnh vực đạo đức; với cánh tự do, quyền tư trị đạo đức của chủ thể nhất quyết không cho phép làm điều đó. Trong nền dân chủ tự do, tất cả những thứ đó được bện kết với nhau, hơn nữa, có thể thấy rõ, ở các nước phương Tây, các quan điểm dân chủ thường xuyên được củng cố: ngày càng có thêm nhiều vấn đề được thảo luận công khai, vậy mà vẫn có phạm vi bị đóng kín đối với công chúng, trong đó có cả phạm vi thông qua các quyết sách. Nếu quan điểm truyền thống cho rằng, dân chủ và quan liêu là hai cực đối lập, cực sau bóp nghẹt cực trước, thì theo chính những cánh đối lập cơ bản ấy, quan liêu và dân chủ hoá ra cùng đứng chung một phía. (…) Dân chủ hoàn toàn có thể sử dụng nhà nước, trong đó có cả việc sử dụng để hiện thực hoá các nhiệm vụ phát triển xã hội mà đối với người theo phái tự do thì điều đó là không thể được và không thể hiểu (vì cái gì mà điều đó trở nên cần thiết?). Tiếp lời I.K.Pantin, tôi muốn lưu ý, rằng hầu hết các vấn đề dân chủ của nước Nga đều nằm ở chỗ, trên đất nước ta, chủ nghĩa tự do, các giá trị cá nhân, quyền tự do, luật pháp đều chưa được phát triển; những khái niệm ấy thường được chúng ta tiếp nhận qua lăng kính của lợi ích cá nhân, chứ không phải như những nền tảng bản thể luận nào đó.
P.M.Kudiukin. Tôi xin phát biểu vài ý kiến về sự suy giảm tính nội dung, về tình trạng khủng hoảng và sự vứt bỏ không thương tiếc mọi ý nghĩa vốn có của nền dân chủ rất hạn hẹp, thực chất là dân chủ của giới tinh hoa đang tồn tại ở phương Tây. Trong nền dân chủ ấy, tất cả đều được quy về thị trường, đều dẫn tới marketing hoá xã hội và chính trị. Chính trị trở thành hàng hoá gắn với người tiêu dùng (gắn với cử tri), cũng giống như người ta gắn bột giặt với các chỉ số kĩ thuật và hiệu quả của nó. Giải pháp lựa chọn đã rời bỏ chính trị. Các đảng lớn luôn luôn cố gắng bao quát toàn bộ khu vực lợi ích của “cử tri trung gian” (điều này thể hiện rất rõ ở Nga). Công nghệ thông tin tỏ rõ ưu thế của nó qua hình thức được gọi là tù mù hợp lí của loại cử tri mà để tiết kiệm sức lực, anh ta không thâm nhập vào bản chất các cương lĩnh được người ta giới thiệu, mà tin vào kẻ quan liêu, vì cho rằng kẻ quan liêu ấy biết các chi tiết rõ hơn mình. Sự thay thế các tầng lớp tinh hoa đang diễn ra thực chất chẳng thay đổi được gì cả. Công nghệ mới của giao tiếp mạng không chỉ tạo ra những khả năng mới cho sự phát triển dân chủ, mà còn làm nảy sinh những thách thức mới, những vấn đề mới.
G.G.Vodolazov. Xin nói vắn tắt về phương pháp luận xác định khái niệm dân chủ và triển vọng phát triển của hiện tượng này. Phương pháp luận có cái gì đó gần gũi với mấy điểm A.A.Kara-Murza vừa nói. Thứ nhất, dân chủ là khái niệm đang phát triển và là hiện tượng chưa biết đến bao giờ mới mới có thể hoàn hảo, xong xuôi. Thứ hai, định nghĩa ban đầu của dân chủ - là quyền lực nhân dân, là sự tham gia của nhân dân vào việc điều hành các công việc xã hội v.v…Nhưng theo trình độ phát triển của xã hội, sự tham gia ấy được hiện thực hoá ở những mức độ và quy mô khác nhau. Vì thế, thứ ba, dân chủ là xu thế phát triển của lịch sử toàn cầu, nó đã được phản ánh một cách thực tế trong các hình thái phụ thuộc vào những điều kiện phát triển của thế giới và của dân tộc, vào trình độ văn hoá chính trị của nhân dân, vào đặc điểm của nó. Dân chủ thực tế là sự tham gia quản lí của nhân dân ở mức độ tối đa có thể có đối với những điều kiện cụ thể. Rất tiếc, ở nước Nga hiện nay, sự tham gia quản lí của nhân dân, sự tham gia của nhân dân vào những công việc đặc biệt đang bị hạn chế nghiêm trọng và ngày càng bị hạn chế nhiều hơn.
I.K.Kljamkin. Khi nói “nước Nga chưa sẵn sàng đến với dân chủ”, thường người ta muốn ám chỉ bộ phận dân cư, hoặc theo cách diễn đạt truyền thống, thì đó là nhân dân. Tôi nghĩ, hơn một trăm năm nay, đã diễn ra nhiều thay đổi tới mức, nếu trước kia có thể nói dân chúng không cần dân chủ, thì bây giờ chẳng có bất kì một cơ sở nào để đưa ra nhận xét như thế. Dân chủ chưa bao giờ cản trở ai đó thiết lập chế độ cạnh tranh chính trị, chưa có bất kì sự phản đối nào về điều đó, cũng chưa có bất kì một cuộc trưng cầu dân ý nào đó về việc thiết lập một chế độ như thế được ấn định. Việc nhân dân không có tiềm lực phản kháng, ấy lại là chuyện khác. Còn chuyện nước Nga sẽ đến với với dân chủ theo con đường riêng nào đó, thì câu trả lời đã quá rõ: tất cả các nước đều đi bằng đường riêng, nếu nói về những đặc điểm trong cơ cấu thể chế hoá.
V.L.Symburski. Đồng nghiệp Kagarliski của tôi đã đối lập rất chính xác xã hội công dân với xã hội theo nghĩa rộng như hai lực lượng tiềm ẩn sự thù địch ở nước Nga. Luận điểm này này có ý nghĩa rất giống với điều tôi đã viết ngay từ năm 1995 về sự tồn tại ở nước Nga một xã hội dân sự phản dân tộc. Dân chủ là chế độ mà ở đó, không chỉ đơn giản là mọi người chẳng phải vâng lệnh quyền lực, mà còn phải có một số lượng nhất định nào đó những người có khả năng - được thể chế hoá và không thể chế hoá - ảnh hưởng tới những quyết sách được thông qua ở cấp cao. Những người này được gọi là nhân dân, là công dân. Nhưng vấn đề là ở chỗ, trong trường hợp này, những ai sẽ là nhân dân của nước Nga bây giờ? Đó là câu hỏi vô cùng quan trọng, xung quanh câu hỏi này, tôi nghĩ, chỉ mấy năm nữa thôi, sẽ nổ ra những cuộc tranh luận rất lớn, rất nghiêm túc và quyết liệt. Ai đây sẽ đích thực là nhân dân ở chỗ này? Khái niệm “nhân dân” trong quá khứ lịch sử có biên độ giãn nở rất lớn. Trong bài Chủ nghĩa tự do và khai sáng, B.G.Kapustin viết rất hay, rằng trước năm 1830, ở Anh, dưới chế độ đại nghị, nhân dân là những chủ sở hữu giàu có, chỉ chiếm 2 % cư dân, trong khi đó, ở nước Nga Bolsevich, nhân dân là vô sản và giai cấp nông dân nghèo túng…
A.G.Sytin. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, vấn đề cơ bản là thế này: liệu dân chủ có thể sống sót được hay không? Rõ ràng là hiện nay, những quyết sách quan trọng đều đang được thông qua ở cấp độ siêu dân tộc. Ở cấp độ ấy, những cơ chế kiểm soát xã hội liệu có tồn tại hay không? Ở thế kỉ XX, đã có rất nhiều ý đồ giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề dân chủ, biến nó thành những vấn đề có tính cục bộ nào đó. Nhưng vấn đề về dân chủ - dĩ nhiên là vấn đề về tương quan giữa quyền lực thực tế với nhân dân đích thực, và liệu nhân dân đích thực có ảnh hưởng được tới quyền lực thực tế hay không? Nhân dân có hay không những khả năng kiểm soát quyền lực, khả năng buộc mọi quyết sách của chính quyền đều phải tính đến lợi ích, ước mơ, tinh thần, tư tưởng và nguyện vọng của nhân dân? Nói chung, trực cảm mách bảo tôi rằng, dân chủ (như là quyền lực nhân dân) chưa bao giờ có. Chưa có ở Athènens, chưa có ngay cả bây giờ, khi mà mọi quyết sách đều được thông qua ở cấp độ quốc tế thiếu sự tham gia của các cơ chế đại diện cho nhân dân. Thực chất của vấn đề là ở đó. Cho nên, vấn đề dân chủ và nước Nga hiện đại cần được nghiên cứu trong ngữ cảnh của vấn đề dân chủ trá hình, tức là, trong khi vẫn có tất cả các thiết chế cần thiết, có hiến pháp, có mọi loại đảm bảo với đủ thứ quyền, thế mà quyền lực thực tế vẫn được thực thi bằng những đường khác. Mối nguy đối với dân chủ đang tiềm ẩn trong thực tế ấy, một thực tế làm mất giá các hình thức dân chủ mô phỏng, qua đó, làm mất giá bản thân tư tưởng về dân chủ. Sáng kiến trong chính quyền ở nước Nga hiện nay hoàn toàn xuất phát từ nhà nước, và, khi giải quyết vấn đề về sự hiện diện của dân chủ ở đây, có thể sử dụng một chuẩn mực đơn giản được đưa ra trong khuôn khổ của các lí thuyết phương Tây: có thể xem dân chủ là một hệ thống mà ở đó, dẫu chỉ một lần, quyền lực chuyển qua phái đối lập theo cách hợp pháp. Chuyện ấy, dẫu chỉ một lần, đã có ở nước Nga hay chưa? Tôi nghĩ, ngay cả trong tương lai, cũng không thể nhìn thấy điều ấy đâu.
M.M.Fedorova. Tôi cho rằng, trong thế giới toàn cầu hoá hiện đại, khái niệm dân chủ không thể xác định thuần tuý bằng các thuật ngữ về tương quan lực lượng. Là con đẻ của hiện đại, khái niệm ấy chứa đựng những yêu cầu phổ quát, bởi vì nó được đặt trên nền tảng của các đòi hỏi về bình đẳng và tự do của những công dân luôn tự tạo ra cho mình một hình thái nhà nước và hình thái đời sống. Ý tôi muốn nói về một khái niệm dân chủ hợp chuẩn. Dĩ nhiên, không thể sử dụng các nguyên lí quy phạm để miêu tả bất kì nền dân chủ thực tế nào. Khi miêu tả dân chủ, phải tính đến lịch sử và tương quan giữa các lực lượng kinh tế và xã hội. Vả lại, cũng chỉ có cách tiếp cận như thế đối với khái niệm dân chủ mới cho phép phân biệt các quan niệm khác nhau của hệ hình dân chủ.
V.I.Pantin. Trong thế giới toàn cầu hiện đại, mọi chuyện đều có quan hệ chặt chẽ với nhau. Không thể hiểu những khó khăn của nước Nga chúng ta, nếu chưa nghiên cứu những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng của nền dân chủ phương Tây. Trong một cuốn sách viết chung với V.V.Lapkin, ngay từ đầu những năm 1990, tôi đã nói rằng, sau năm 2000, sẽ có một “làn sóng suy giảm” (thuật ngữ của Huntington[8]), thoái trào của dân chủ. Tôi nghĩ, điều tiên đoán đó đã được khẳng định. Nguyên nhân của các làn sóng dân chủ hoá nằm ở chỗ, sức sống của mỗi mô hình dân chủ bao giờ cũng có giới hạn thời gian của nó. Một trong những mô hình như thế là mô hình dân chủ Roosevelt. Đây là mô hình đã đưa nước Mĩ thoát khỏi khủng hoảng, sau đó giúp nước nước Mĩ chiếm ưu thế trên phạm vi toàn thế giới cho tới tận ngày nay. Mô hình dân chủ xã hội - tự do này tuy được tu chính, nhưng bây giờ, tiềm năng của nó thực tế đã bị vắt kiệt. Tất yếu phải thay đổi mô hình chủ chốt điều hành chính trị, đó là điều ta thường thấy trong thực tiễn lịch sử. Chúng ta đang sống đúng vào thời điểm thay thế mô hình: chế độ dân chủ tự do, tuồng như đã chiến thắng khắp mọi nơi, gần như tuyệt đối, nhưng những phẩm chất ưu việt của nó đã bị chắt cạn. Vấn đề là phải tạo ra một mô hình dân chủ kiểu mới. Và khi mà nhiệm vụ đó chưa được giải quyết, thì sẽ không có bất kì một cao trào dân chủ mới nào cả. Ngược lại, chúng ta sẽ trở thành chứng nhân của cuộc khủng hoảng dân chủ. Dấu hiệu khủng hoảng đã hiện rõ (vấn đề hiến pháp châu Âu, cuộc khủng hoảng của hệ thống quan hệ quốc tế). Nguyên nhân thứ hai dẫn tới suy thoái dân chủ là tiến bộ khổng lồ của công cuộc toàn cầu hoá. Cuối cùng, cần phải nói tới những hạn chế ở bình diện văn hoá của nền dân chủ tự do từng xuất hiện và tác động bền bỉ chủ yếu ở phương Tây. Mô hình mới phải có được khả năng khắc phục những hạn chế về mặt văn hoá ấy, vì dẫu sao, phần lớn nhân loại không cư trú ở phương Tây.
A.G.Glinchikova (thay lời kết). Gạt sang một bên sự đa dạng của các ý kiến phát biểu, các quan điểm tiếp cận và các tư tưởng được trình bày tại cuộc thảo luận này, có thể tóm lược một số điểm đưa chúng ta xích lại gần nhau trong việc tìm lời giải đáp cho những vấn đề đã được đặt ra. Dân chủ là một hiện tượng đang phát triển và vì thế, ý niệm về nó cũng đang phát triển. Hiện tượng này chứa đựng trong bản thân cả những nhân tố cơ bản (quyền lực nhân dân, sự tham gia của xã hội vào giải quyết những vấn đề xã hội và chính trị, vào điều hành công việc xã hội), lẫn những nội dung nhất thời - gắn với các hình thức và cơ chế tham gia nói trên (dân chủ trực tiếp, đại diện nghị trường, tự quản, các hội đồng v.v…). Nếu bình diện thứ nhất có tính quyết định đối với dân chủ, thì bình diện thứ hai lại có thể thay đổi tuỳ vào trình độ phát triển của xã hội, vào truyền thống của nó và loại hình văn hoá chính trị, vào những thách thức lịch sử, thách thức địa chính trị cụ thể này khác. Bình diện quan trọng nhất của dân chủ còn là tính chất tự do của sự tham gia vào đời sống chính trị. Cho nên, mọi ý đồ hiện đại hoá dân chủ xã hội chỉ thành công và bền vững tương ứng với mức độ mà xã hội sẽ trở thành chủ thể cơ bản của nó đến đâu. Mô hình dân chủ phương Tây là một trong những phương án phát triển hệ thống chính trị thành công nhất, nhưng sẽ sai lầm nếu đồng nhất phương án ấy với dân chủ như chính bản thân nó. Cũng không chỉ bởi vì trong bất kì hệ thống chính trị cụ thể nào, ngay cả những hệ thống dân chủ nhất, bao giờ cũng có những yếu tố độc đoán và truyền thống, mà còn bởi vì, bản thân hình thái quyền lực nhân dân luôn luôn chịu sự quy định bởi đặc thù của xã hội. Với nước Nga, dân chủ là một thách thức nhân đôi, vì rằng trong phần lớn lịch sử hiện đại của mình, đất nước này đã tiến hành các quá trình hiện đại hoá trong những khuôn khổ của cái gọi là phát triển rượt đuổi, theo đó, xã hội hiện lên như một khách thể thụ động của hiện đại hoá, hơn là một chủ thể đích thực của nó. Trong khi cho phép giải quyết các nhiệm vụ địa chính trị cấp bách, sự phát triển như thế, mặt khác, đã kìm hãm và phá vỡ sự ổn định của quá trình chín muồi chính trị xã hội, gây ra những chấn động cách mạng hết sức nặng nề.
Ngày nay, trong những điều kiện của giai đoạn quá độ, việc “bóc trần lịch sử” một cách không khoan nhượng tiềm ẩn một nguy cơ đặc biệt lớn lao. Trong khi chưa quen với tự do mang tinh thần trách nhiệm công dân, chưa phát triển những truyền thống tự kiềm chế một cách ý thức, xã hội có nguy cơ biến quyền lực nhân dân thành sự hỗn loạn và thế là sẽ đánh mất cả tự do lẫn bình đẳng. Mặt khác, việc hạn chế xã hội tham gia vào chính trị - với lí do đề phòng các nguy cơ đối với dân chủ bắt nguồn từ một xã hội chưa chín muồi - có thể trở thành bức bình phong thuận lợi cho đường lối quay lại với chế độ toàn trị. Rõ ràng, nước Nga phải tìm được một công thức đối phó tối ưu đối với cả hai nguy cơ ấy. Trong đó, việc nâng cao tính tích cực công dân của quần chúng sẽ trở thành nhân tố quan trọng nhất tạo nên sinh khí cho hệ thống xã hội, đảm bảo cho nó sự mềm dẻo và bền vững.
Hà Nội, 2/9/2009
Người dịch: Lã Nguyên
[1] Schumpeter, Joseph Alois (1883 - 1950): Nhà kinh tế học, xã hội học, lịch sử tư tưởng kinh tế học người Áo và Mĩ, gốc Đức. Một số công trình chính: Theorie der wirtschaftlichen Entwicklung(1912); Business Cycles: a Theoretical, Historical, and Statistical Analysis of the Capitalist Process (1939); Capitalism, Socialism and Democracy (1942), Ten Great Economists (1951).- ND.
[2] Polanyi, Karl (1886-1964): Nhà kinh tế học, xã hội học, lịch sử tư tưởng kinh tế học Anh - Mĩ, gốc Hungary. Một số công trình chính: The Great Transformation (1944), Dahomey and the Slave Trade: an analysis of an archaic economy (1966), Primitive, Archaic and Modern Economies: Essays of Karl Polanyi (1968).- ND.
[3] Hobbes, Thomas (1588 - 1679): Nhà triết học người Anh, công trình cơ bản của ông là bộ ba Elementa philosophica: De Cive (1642), De Corpore(1655), De Homine(1658) – ND.
[6] Loshev, A.F. (1893-1988) - Nhà triết học, nhà ngữ văn học người Nga. Một số công trình chính: Triết học tên gọi (1927), Phép biện chứng của hình thức nghệ thuật (1927), Phép biện chứng của huyền thoại (1930), Bút kí về chủ nghĩa tượng trưng cổ đại và huyền thoại học (1930), Mĩ học cổ đại (8 tập, 1963-1988).- ND.
[7] Chicherin, Boris Nikolaevich (1828 -1904) - Nhà triết học, lịch sử học, cây bút chính luận, nhà hoạt động xã hội Nga. Công trình chính: Lịch sử các học thuyết chính trị (5 tập, 1869-1902), Tư hữu và nhà nước (2 tập, 1882 - 1883), Triết học pháp quyền (1900), Những vấn đề triết học (1904).- ND
[8] Huntington, Samuel Phillips (1927 - 2008 ): Nhà xã hội học, chính trị học xuất sắc người Mĩ, tác giả của những cuốn sách nổi tiếng, như: The Soldier and the State: The Theory and Politics of Civil-Military Relations (1957), The Common Defense: Strategic Programs in National Politics (1961); Political Order in Changing Societies (1968); American Politics: The Promise of Disharmony (1981); The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (1991); The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order (1996); Who Are We? The Challenges to America's National Identity (2004). - ND.
Tư liệu Hội thảo bàn tròn liên tịch
giữa IF RAN với các tạp chí “Polis” và “Classe politique”