Rời Tổ quốc với chí hướng “… muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào tôi sẽ trở về cứu giúp đồng bào ta”[1], Nguyễn Tất Thành đã thực hiện cuộc hành trình qua nhiều châu lục khác nhau, và trên quãng đường dài đó, Người đã chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc và tận mắt thấy những lầm than cơ cực mà người dân lao động nghèo khổ gặp phải, từ đó Người đi đến kết luận: “Dù màu da có khác nhau trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[2]. Kết luận này là sự khởi đầu tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh, để từ đó về sau, trong mọi hoạt động của mình, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh luôn kêu gọi nhân dân thế giới hãy đoàn kết lại để đấu tranh cho bình đẳng, tự do, bác ái; ủng hộ, giúp đỡ cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa trong đó có nhân dân Việt Nam.
Đầu năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Thời gian này, trước những diễn biến phức tạp của chiến tranh thế giới lần thứ hai, với tầm nhìn sâu rộng, Người dự đoán chiến tranh sẽ kết thúc trong vòng 4 hoặc 5 năm, chủ nghĩa phát xít sẽ bị tiêu diệt, các lực lượng dân chủ sẽ thắng, nhiều nước xã hội chủ nghĩa sẽ ra đời, phong trào giải phóng dân tộc sẽ phát triển mạnh ở Á, Phi và Mỹ Latinh. Từ nhận định sắc sảo đó, Hồ Chí Minh đã thành lập Mặt trận Việt Minh, đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Đến năm 1945, khi thời cơ cách mạng mở ra, ngoài việc kêu gọi toàn dân đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực tự cường, “hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, Hồ Chí Minh đã thực hiện chiến lược tranh thủ đồng minh, thêm bạn cho cách mạng Việt Nam để giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Và thực tế lịch sử đã chứng minh, chính sự ủng hộ về tinh thần của lực lượng dân chủ thế giới chống phát xít đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.
Tuy nhiên, nền tự do mà nhân dân Việt Nam được tận hưởng thật ngắn nủi, với dã tâm xâm lược của mình, thực dân Pháp đã nhanh chóng quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, nhân dân ta một lần nữa đứng trước nhiều gam go, thử thách. Giải quyết khó khăn này, ngoài việc lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành kháng chiến, kiến quốc, kiên quyết bảo vệ nền độc lập bất khả xâm phạm của dân tộc mình, Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới. Trên tinh thần Việt Nam muốn “là bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán một ai”[3], Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư và điện văn đến Liên Hợp quốc, đến những người đứng đầu Chính phủ Pháp, đến Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đến Thống chế Tưởng Giới Thạch, đến nhân dân và chính phủ nhiều nước trên thế giới. Trong Tuyên bố với Chính phủ Pháp tháng 11 năm 1946, Hồ Chí Minh đã bày tỏ rõ quan điểm: “Mong quốc dân Pháp hiểu rằng chúng tôi không thù hằn gì dân tộc Pháp. Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ quốc chúng tôi, đưa chúng tôi vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Pháp- Việt. Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hợp tác thân ái”[4]. Tiếp đó, ngày 10 tháng 1 năm 1947, trong lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và người Việt Nam ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”[5],v.v…
Bằng những lời lẽ có lý có tình, thông qua nhiều phương tiện khác nhau, những thiện chí của Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã đến được với nhân dân yêu chuộng hòa bình Pháp, qua đó họ hiểu được dã tâm của những kẻ xâm lược trên đất Việt Nam và họ đứng lên đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành. Từ năm 1950 trở đi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp, nhân dân Pháp đã liên tiếp tiến hành những cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1950, Lêôphighe, Ủy viên Trung ương Đảng và là chủ bút tờ báo Đội Cận vệ Thanh niên theo sự ủy nhiệm của Đảng Cộng sản Pháp đến thăm Việt Bắc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Hồ Chí Minh đã nhiệt liệt hoan nghênh phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Pháp và chúc nhân dân Pháp thắng lợi. Chuyến thăm của Lêôphighe đã góp phần thắt chặt thêm quan hệ hiểu biết giữa hai Đảng Cộng sản và nhân dân hai nước Việt- Pháp. Đến cuối năm 1953, cuộc chiến tranh kéo dài làm cho kinh tế- xã hội Pháp lâm vào tình trạng khó khăn, từ đó phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Pháp ngày càng lan rộng.
Trong chiến lược tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các nước châu Á, Người khẳng định: “…thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em…”[6]. Xuất phát từ tư tưởng đó, tháng 1 năm 1947, Hồ Chí Minh đã gửi điện cho các vị lãnh đạo châu Á, kêu gọi họ ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, Người viết: “Các anh em châu Á hãy giúp anh em Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho độc lập và thống nhất”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam, những năm 1947- 1948, Chính phủ Thái Lan, Miến Điện ngoài việc bày tỏ sự ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta họ còn cử các đoàn thiện chí sang thăm Việt Nam. Thái Lan đã giúp đỡ chúng ta thành lập Phòng Thông tin tại thủ đô Băng Kốc. Tại hội nghị Liên Á và ở nhiều hội nghị khác, các nước trong khu vực đã bày tỏ tình cảm nồng nhiệt đối với Việt Nam. Đặc biệt, thanh niên và nhân dân Ấn Độ, Miến Điện đã có phong trào rầm rộ quyên góp tiền, thuốc men và đồ dùng y tế ủng hộ Việt Nam, thậm chí họ còn xin tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu vì tình đoàn kết quốc tế.
Là những người đồng chí, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc, sau khi Trung Quốc giành lại sự thống nhất đất nước, ngày 15 tháng 1 năm 1950, Chính phủ Việt Nam dân cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công nhận Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung hoa và tỏ ý sẵn sàng thiết lập đặt quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ. Đáp lại tình cảm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ngày 18 tháng 1 năm 1950, Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ với Việt Nam. Cũng trong năm này, Liên Xô và các nước dân chủ khác như Triều Tiên, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Rumani, Ba Lan, Hunggari, Bunggari, Anbani và Mông Cổ lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Thắng lợi ngoại giao trên đây đã nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế, phá thế bao vây của bọn đế quốc đối với nước ta. Đánh giá vấn đề này, Hồ Chí Minh khẳng định: “Mấy năm kháng chiến đã đưa lại cho nước ta một cuộc thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam, tức là hai nước lớn nhất thế giới Liên Xô và Trung Quốc dân chủ, và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nước ngang bằng trong đại gia đình dân chủ thế giới. Nghĩa là ta đã đứng hẳn về phe dân chủ và nhập vào khối 800 triệu nhân dân chống đế quốc. Chắc rằng cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này”[7].
Một hoạt động đoàn kết quốc tế quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của Hồ Chí Minh là góp phần xây dựng liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam- Lào- Campuchia. Ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến sự đoàn kết ba nước Đông Dương. Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người coi trọng việc lãnh đạo nhân dân ba nước cùng đứng lên đấu tranh để giải phóng, để mỗi dân tộc sẽ xây dựng nền độc lập của nước mình. Tiếp tục tư tưởng đó, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường tình đoàn kết ba dân tộc Việt- Lào- Campuchia đấu tranh chống kẻ thù chung. Nhiều lần Người khẳng định: “Giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình”. Người còn nói rõ: “Chúng ta kháng chiến, dân tộc bạn Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là kẻ thù của ta và của dân tộc Miên, Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào, giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào; và tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt- Miên- Lào”[8]. Từ tinh thần đoàn kết chiến đấu được hun đúc từ lâu đời, những năm chống Pháp, Hồ Chí Minh đã cử nhiều cán bộ, quân đội ta sang làm nhiệm vụ quốc tế ở hai nước Miên, Lào, giúp đỡ xây dựng cơ sở quần chúng, lực lượng vũ trang, tổ chức đảng, chính quyền và mặt trận của bạn ngày càng vững mạnh; ngược lại, hai dân tộc Miên, Lào cũng hết lòng ủng hộ, giúp đỡ của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đưa tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân Đông Dương tới thắng lợi cuối cùng.
Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ (21.7.1954), đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào xâm lược Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới, lần lượt tiến hành những chiến lược chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử loài người hòng dìm cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong bể máu. Những năm này, bằng tài thao lược của mình, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành chiến lược đối ngoại khôn khéo với mục đích cao nhất là phản đối sự xâm lược của đế quốc Mỹ, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Với nhân dân Mỹ, Hồ Chí Minh có nhiều sách lược quan trọng. Thực hiện phương châm đánh vào lòng người, Hồ Chí Minh đã tích cực thúc đẩy phong trào quần chúng Mỹ chống chiến tranh ở Việt Nam. Trong thư gửi nhân dân Mỹ tháng 1 năm 1962, Hồ Chí Minh nói rõ: “Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam không thù oán gì nhau… nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là một nước đầu tiên phất cờ chống chủ nghĩa thực dân và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn”. “Nhân dân Việt Nam biết ơn những tổ chức công nhân, thanh niên, sinh viên, phụ nữ và những nhân sĩ trí thức, nghị sĩ, linh mục tiến bộ ở Mỹ đã và đang dũng cảm lên tiếng, biểu tình vạch trần chính sách xâm lược đầy tội ác của Chính phủ Mỹ và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam… ”[9].
Tiếng nói chính nghĩa của Hồ Chí Minh đã tác động sâu sắc tới nộ bộ nước Mỹ, ngày càng được nhiều tầng lớp nhân dân Mỹ ủng hộ. Nói về phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh ở Việt Nam, Người đã nhận xét khi trả lời nhà báo Anh, Phêlích Gơrin ngày 18 tháng 11 năm 1965 như sau: “Chính vì yêu chuộng công lý và chính nghĩa mà nhiều tầng lớp nhân dân tiến bộ Mỹ, hàng chục vạn thanh niên, sinh viên, giáo sư, nhà khoa học, luật học, văn nghệ sĩ, các nhà tu hành và nhân dân lao động Mỹ đã dũng cảm lên tiếng phản đối, biểu tình rầm rộ chống chính sách xâm lược của Chính phủ Giôn-xơn ở Việt Nam, thanh niên Mỹ thì kiên quyết không chịu đi lính sang Việt Nam làm bia đỡ đạn cho đế quốc Mỹ.
Nhân dân chúng tôi đánh giá rất cao cuộc đấu tranh ấy của nhân dân Mỹ. Chúng tôi rất cảm động trước những tấm gương anh dũng hy sinh của cụ bà Henga, Hecdơ và của chiến sĩ hòa bình Norman Morixơn, Rôgiơ Lapotơ và Xilin Gancaoxki…”[10].
Song song với việc tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ Mỹ, Hồ Chí Minh còn tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc. Trên tinh thần anh em vô sản, những năm kháng chiến chống Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa đã cử nhiều đoàn chuyên gia, cố vấn sang giúp cách mạng Việt Nam. Để tỏ lòng đoàn kết chiến đấu với nhân dân Việt Nam, lãnh tụ Cu Ba- Phiđen Caxtơrô từng phát biểu, “vì nhân dân Việt Nam nhân dân Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Những hành động ngoại giao trên đây của Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn và tài năng xuất chúng của Hồ Chí Minh trong chiến lược tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn thế giới cho cách mạng Việt Nam. Đối tượng mà Hồ Chí Minh hướng tới là tất cả những ai có thiện chí với cách mạng Việt Nam, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Đó là chính sách ngoại giao mềm dẻo, thêm bạn- bớt thù, một nét đặc sắc trong tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh.
Đối với các dân tộc Đông Dương, vốn cùng uống chung một dòng nước Mê Kông, lại có nhiều điểm tương đồng về địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là cùng có chung một kẻ thù xâm lược nên Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng tình đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc. Trước những diễn biến phức tạp của cách mạng Lào, Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam đã chủ trương ủng hộ Mặt trận Lào yêu nước, động viên nhân dân Lào kiên quyết đấu tranh chống âm mưu can thiệp vào Lào của đế quốc Mỹ, tích cực giúp đỡ Pathét Lào xây dựng lực lượng và phối hợp chiến đấu chống Mỹ. Với Campuchia, Hồ Chí Minh tuyên bố ủng hộ chính sách hòa bình trung lập của Campuchia, lên tiếng ủng hộ Campuchia khi họ bị chính quyền ngụy Nam Việt Nam và Thái Lan uy hiếp, đồng thời làm cho chính giới Campuchia hiểu rõ hơn và ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam chống Mỹ. Chủ trương này được Hồ Chí Minh khẳng định trong Diễn văn khai mạc Đại hội Đảng III Đảng Lao động Việt Nam tháng 9 năm 1960: “Trong cuộc đấu tranh ở Đông Dương, nhân dân Việt Nam ta kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Lào hiện nay nhằm chống đế quốc Mỹ, đưa nước Lào lên con đường hòa hợp dân tộc, độc lập thống nhất và hòa bình trung lập. Chúng ta thành tâm mong rằng quan hệ hữu nghị giữa nước ta và các nước láng giềng, trước hết là Campuchia và Lào được xây dựng và phát triển tốt”[11]. Tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Việt Nam, trong khả năng của mình, nhân dân Lào và Campuchia cũng luôn làm hết sức mình ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Khi con đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh bị đế quốc Mỹ đánh phá, cô lập ở phía Đông, Đảng, Nhà nước Lào đã đồng ý cho Việt Nam lật cánh sang phía Tây chạy trên đất Lào. Nhờ sự ủng hộ chí tình, chí nghĩa của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, đường Trường Sơn đã nhanh chóng vươn dài tới các chiến trường, cung cấp nhân tài, vật lực cho miền Nam đánh Mỹ, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam.
Giữa lúc sự nghiệp cách mạng của Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết định thì Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta (9.1969), để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Khi ra đi, Người để lại một ước mong chưa thực hiện được là “Sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ của nhân dân ta”. Tâm nguyện của Hồ Chí Minh cũng là tâm nguyện của cả dân tộc Việt Nam. Mặc dù Người đã đi xa, nhưng tư tưởng và Di huấn của Người vẫn được Đảng ta tiếp tục thực hiện. Từ cơ sở mà Hồ Chí Minh gây dựng, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Việt Nam tiếp tục nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới. Trên 50 nước có phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam. Ở Pháp có những phong trào quyên góp 100 triệu Frăng ủng hộ Việt Nam, Một chiếc tàu cho Việt Nam. Ở Nhật có phong trào 100 triệu Yên cho Việt Nam. Ở Thụy Điển có phong trào 1 triệu Cuaron ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Ở Tây Đức đã diễn ra những cuộc triển lãm, biểu tình rước đuốc,v.v… Những cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam và biểu tình bãi công phản đối Mỹ xâm lược đã được tiến hành ở hàng trăm nước. Đã có tới 160 triệu người thuộc nhiều quốc gia ghi tên tình nguyện sang giúp Việt Nam và ngay trên nước Mỹ có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh,v.v… Đó là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn giúp nhân dân Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi quyết định và kết thúc sự nghiệp kháng chiến vĩ đại của mình vào mùa xuân 1975.
Theo độ lùi của thời gian, nhiều thứ có thể bị phai mờ, nhưng tư tưởng đoàn kết quốc tế, đặc biệt là chiến lược tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới cho cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Quán triệt và thực hiện tư tưởng của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 170 nước, là thành viên của hàng trăm tổ chức quốc tế, có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới… Thành tựu đó là kết quả của việc thực hiện chiến lược đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thực hiện.
[1] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Sự Thật, Hà Nội.1975, tr.13.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập1, Nxb CTQG, Hà Nội.1995, tr.266.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội.1996, tr.220.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội.1995, tr.18-19.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội.1995, tr.18-19.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội.1996, tr.136.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội.1995, tr.81-82.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội.1995, tr.174.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội.1996, tr.275.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội.1996, tr.545.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội.1996, tr.200.