Nhìn ra thế giới
Cái tát của Putin
Trong dịp Kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng chủ nghĩa Fascio vừa qua, Thủ tướng Nga Putin đã giáng một đòn vô tiền khoáng hậu khi cùng lúc gạch bỏ khỏi danh sách mời cả Phó TT Mỹ Joe Biden và Thái tử Anh Charles – người sẽ kế vị ngai vàng nước Anh(!) Cần nhấn mạnh rằng Lễ kỷ niệm này được tổ chức rất khác thường: Cuộc duyệt binh (biểu dương sức mạnh và kỹ thuật quân sự hiện đại) lớn nhất kể từ hàng trăm năm nay với sự tham gia của 10.500 lính Nga, và hàng ngàn binh lính của các nước Đông Âu và cả binh lính đến từ Mỹ, Anh, Pháp(!)
Lý do để giải thích cho sự kiện có một không hai này là Putin đã bực bội vì nước Anh không dẫn độ nhà tài phiệt Boris Berezovski – người phê phán quyết liệt chính phủ Nga. Không những thế, Thủ tướng Anh đã không thèm thông báo với phía Nga về việc đã trao quy chế tỵ nạn cho Berezovski từ năm 2003. Còn về phía Hoa Kỳ, Putin không hài lòng với Biden vì chính Phó TT Mỹ là người rất gần gũi với TT Gruzia (Georgia), Mikhail Saakashvili – kẻ thù của Putin kể từ khi cuộc chiến Nga – Gruzia bùng nổ năm 2008.
Nếu xét trên góc độ ngoại giao thì hành động của Putin là độc nhất vô nhị kể từ... chiến tranh thế giới thứ hai(!) Lịch sử ngoại giao thế giới chưa bao giờ chứng kiến cú “đánh vỗ mặt” cùng lúc vào hai á nguyên thủ ở hai cường quốc là Mỹ và Anh như thế. Các nhà phân tích chính trị trên khắp các diễn đàn dường như đang “bất lực” khi giải mã sự ngang ngược của Thủ tướng Putin? Quả thật, trong một thế giới vừa nghiêng, vừa phẳng, vừa có vô vàn sợi dây ràng buộc, liên kết (uẩn – uppasaka trong Phật giáo có nghĩa là”vô số sợi dây được kết với nhau”), thì để hiểu cho đúng một sự việc có hình thức là “mở” nhưng thực ra lại đóng kín một cách bí ẩn là điều không dễ một chút nào.
Trước hết, ta phải gạt bỏ suy nghĩ cho rằng Putin đã hành động “vì động cơ cá nhân” – như một số ý kiến trên mạng, sang một bên. Đồng ý là các nguyên thủ hay gần với tước vị, cấp độ nguyên thủ cũng là con người nên cũng có những lúc giận hờn, cảm tính như bất kỳ ai sống trên mặt đất này. Tuy nhiên, hắt cả bát soup Nga vào mặt hai cường quốc như Putin đã làm thì không thể lý giải đó là chuyện cảm tính hay là cơn nóng giận bất thường. Vì vậy, cái lý thứ nhất chính là ở chỗ: Putin muốn tái khẳng định vai trò cường quốc của Nga với ngầm định rằng vị trí lép vế, cái bóng mờ của nước Nga trên bàn cờ chính trị thế giới từ nay chấm dứt. Tất cả mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, phải từ 9.5.2010, định vị lại cách nhìn nhận của mình để đối xử với Nga cho đúng cách. “Thông điệp của sự từ chối Phó TT Biden và Thái tử Charles” của Putin cảnh báo rằng nước Nga đủ mạnh để khước từ mọi quyền lực muốn áp đặt nhãn quan chính trị và cả “nguyên tắc” đối nhân xử thế. Nói cách khác, nước Nga có thể làm những gì họ muốn: Giai đoạn suy thoái (tính từ thời điểm Nga gỡ bỏ lá cờ búa liềm để thay bằng lá cờ hiện nay, trong đêm tối lạnh giá của ngày 25.12.1991) đã chính thức chấm dứt vào ngày 9.5.2010. 20 năm là quãng thời gian mà người Nga tin rằng đã đến lúc họ đủ khả năng sắp xếp lại bàn cờ.
Những lý do của sự khước từ như đã nói ở trên chỉ là phần nổi của một tảng băng. Cái gốc lõi của nó là ở chỗ, một lần nữa Nga muốn nhấn mạnh rằng họ là nước có vai trò quyết định nhất trong việc đánh bại chủ nghĩa Fascio. 27 triệu người Nga đã chết vì chiến thắng ấy – nhiều hơn rất nhiều con số người Mỹ, Anh đã chết trong chiến tranh (342.000 và 300.000 người). Đó là chưa nói chuyện Hoa Kỳ chỉ chạy vòng quanh cuộc chiến ở Bắc Phi, ở Sicile và mãi đến ngày 6.6.1944 mới chính thức tham chiến bằng cách đổ quân lên bờ biển Normandie (6.6 = Land Day – Ngày Đổ bộ). Quả thật, những tổn thất về người, về của cải của Liên Xô cũ, nước Nga ngày nay là hết sức khủng khiếp. Thế nhưng, các nhà sử học phương Tây ít chú ý đến “chi tiết” này mà họ chỉ tính số lượng hàng chục ngàn xe tăng, máy bay, đại bác, xe vận tải mà Hoa Kỳ đã cung ứng cho Nga cũng như hai trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagazaki. Lâu nay người Nga vẫn tức giận một cách ngấm ngầm vì sự thiếu khách quan của các nhà sử học Mỹ. Đây chính là cơ hội để chính giới Nga “hỏa táng một lần, nhiều nghĩa” mọi nhận xét mà họ tin là cách đánh giá một chiều, phiến diện của phương Tây. Hãy thử nghĩ xem. hậu duệ của hai trong ba nhân vật chính của Đồng minh chống chủ nghĩa fascio là W. Churchill, F. Roosevelt, J. Stalin, đã bị loại bỏ một cách thẳng thừng? Địa vị “độc tôn” (?) của Nga được thể hiện rất rõ bằng cuộc duyệt binh của 10.500 quân lính Nga và quân lính của các nước Đồng minh!
Lịch sử luôn có những bước đi của sự ỡm ờ. Ngoại giao là người đàn bà lươn lẹo nhất của mọi thói ỡm ờ đó (Rossia – Nước Nga, thuộc giống cái). Putin đã khẳng định vị thế mới bằng một cú knock out giáng liên tiếp lên đầu cả Anh và Mỹ. Đây có thể được coi là sự kiện bất ngờ nhất của ngoại giao thế giới năm 2010. “Thông điệp” của Putin hàm súc rất rõ khi nó muốn nhắn gửi đến mọi quốc gia Đông Âu như Ucraina, Belorussia, Ba Lan, Bulgaria... rằng, hãy coi chừng cái việc mua chị em xa bằng cách vội vã và thiển cận khi bán láng giềng gần! Nước Nga vẫn là một thực thể hùng cường như cách đây vài năm nó đã tự chứng minh bằng cuộc chiến tranh chớp nhoáng với Gruzia! Dù muốn hay không, các nước XHCN cũ ở Đông Âu vẫn phải ngầm lượng định lại cái sức mạnh của con gấu có thể điên khùng, có thể bất chấp; miễn là, bảo đảm tối đa quyền lợi và sự an toàn của cái hang gấu. Phải chăng người Nga đang học theo cách của Trung Hoa: Người Trung Hoa đã “dám làm” điều thế giới không ai dám bằng việc thành lập thành phố Tam Sa mà hai đầu của “thành phố” đó cách nhau hàng ngàn km (trên biển) và bao gồm lãnh thổ của một nước khác là Việt Nam khi ngang ngược giành chủ quyền ở cả Hoàng Sa, Trường Sa(!)? Người Nga hình như đã học được rất nhanh sự ngang ngược đó với việc cùng lúc phủ định cả Mỹ và Anh, tức là trực tiếp khẳng định vai trò của mình trong thế kỷ XXI?
Bàn cờ chính sự thế giới trong thế kỷ này đang đầy rẫy những bất trắc và hết sức khó lường. Giống như hiểm họa đang nóng lên của cả địa cầu, người Trung Hoa, người Nga và cả Ấn Độ nữa đang muốn xóa bài chia lại tầm ảnh hưởng của sức mạnh và tham vọng. Nếu đúng như thế thì hiểm họa mà loài người đang và sẽ phải đối mặt là rất lớn. Chưa thấy B. Obama tỏ thái độ cụ thể nhưng chúng ta hoàn toàn đủ cơ sở để đoan chắc rằng nước Mỹ sẽ không ngồi yên. Còn Trung Quốc? Họ đã nhấp nhổm tự lâu rồi...
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511063
Hôm nay
262
Hôm qua
2359
Tuần này
21437
Tháng này
217936
Tháng qua
121356
Tất cả
114511063