Văn hoá học đường

Một câu hỏi cho chương trình truyền hình “10 vạn câu hỏi vì sao”

 11h 30, thấy thằng bé 6 tuổi đòi bật ti vi để xem chương trình “10 vạn câu hỏi vì sao”, tôi tò mò xem thử. Hay thật! Với sự góp mặt của 2 nhân vật hoạt hình Adi, Abu nhí nhảnh và chị Ong Vàng dễ mến, những màn đối thoại tung hứng đã chuyển tải một cách nhuần nhị những kiến thức về văn hoá, lịch sử, địa lý, thiên nhiên vũ trụ, khoa học…

Đúng như tên gọi của chương trình “10 vạn câu hỏi vì sao”. Người thiết kế chương trình quả là bậc kỳ tài về tâm lý, hiểu thấu những gì trẻ em thích (cần), tổ chức chương trình phối hợp đối thoại, đố vui, hình ảnh, âm thanh rất hấp dẫn, sinh động. Tri thức khoa học vốn khô khan đã được “chế biến” thành những món ăn (tinh thần) hợp khẩu vị trẻ em.

Thông qua chương trình, trẻ em có dịp mở rộng cánh cửa tâm hồn, trí tuệ tới những miền bao la của thế giới, kích thích niềm đam mê khám phá, tìm hiểu, nhen lên ngọn lửa nghiên cứu, sáng tạo khi trưởng thành. Chương trình quả là liều thuốc bổ tinh thần quý giá đối với trẻ.

Nhưng xem qua vài buổi phát sóng, tôi giật mình! Chương trình là sự “truyền hình hoá” cuốn sách “10 vạn câu hỏi vì sao” của Trung Quốc. Đây là bộ sách của tác giả người Trung Quốc (đã được xuất bản ở Việt Nam cách đây khoảng chục năm, và tái bản nhiều lần) nhằm phổ biến tri thức khoa học phổ thông dưới hình thức những câu hỏi “Vì sao” và nội dung giải đáp.
Bộ sách “10 vạn câu hỏi vì sao” đã cho tôi một câu trả lời về nguyên nhân sự phát triển nhanh chóng về nhiều mặt của Trung Quốc vài chục năm gần đây, khiến phương Tây phải kinh ngạc, lo lắng.
Dĩ nhiên đây chỉ là cuốn sách thuộc dạng khoa học thường thức, không phải là “thiên kinh động địa” gì. Cũng có thêm một lí do để buồn, khi Việt Nam là một trong những nước có nhiều giáo sư tiến sỹ nhất thế giới, nhưng chưa có được một bộ sách khoa học thường thức cho “ra tấm ra món”.
Dù sao việc xuất bản cuốn sách này cho trẻ em Việt Nam (và cả người lớn) tham khảo là cần thiết. Thôi thì mình chưa có thì đi mượn vậy, tri thức khoa học là của chung mà. Thế nhưng khi xây dựng thành một chương trình truyền hình dành cho trẻ em để phát sóng trên đài truyền hình quốc gia thì tôi lại rất băn khoăn.
Chương trình chỉ tập trung quanh những vấn đề về lịch sử-địa lý-văn hoá Trung Quốc (bởi vì đây là sách của người Trung Quốc phổ biến tri thức văn hoá cho giới trẻ của họ). Nào là di tích-danh lam thắng cảnh, những địa danh kỳ thú, cả những truyền ngôn như “Tam giang tịnh lưu”…Chương trình này dành cho trẻ em Trung Quốc thì miễn bàn, nhưng để “chiêu đãi” trẻ em Việt Nam thì…thật khó hiểu.
Đành rằng mở rộng cánh cửa nhìn ra thế giới là tốt, nhưng trẻ em nước nào thì trước hết phải hiểu rõ, hiểu sâu về lịch sử, văn hoá, địa lý nước ấy. “Dân ta phải biết sử ta…”, cũng giống như con cái trước hết phải thương yêu cha mẹ, người thân rồi mới nói chuyện yêu thương nhân loại. Đến đây tôi mới thấu hiểu minh triết sâu xa trong câu ca dao tưởng như giản dị: “Tu đâu lại bằng tu nhà-Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”. 
Có ai đó cho rằng chương trình này không phải do Việt Nam sản xuất, mà chỉ là dịch chương trình của người Trung Quốc ra tiếng Việt? Càng xem, tôi càng xác quyết điều này, bởi nội dung một số chương trình về danh thắng, di tích của Trung Quốc hết sức chi tiết, không chỉ là những di tích quốc gia, mà cả những di tích của địa phương. Để làm được chương trình đòi hỏi vốn hiểu biết vô cùng sâu sắc về địa phương học, văn hoá, lịch sử… lại phải đi rất nhiều nơi để thực hiện chương trình, những điều hầu như chỉ có người Trung Quốc mới làm nổi. Mà nếu người Việt Nam bỏ công bỏ của làm chương trình công phu và tốn kém như vậy, trong khi chưa có nội dung của văn hoá Việt Nam, thì lại hết sức vô duyên! 
Cùng với hiện tượng phim Trung Quốc chiếm lĩnh trên sóng truyền hình, nguy cơ trẻ em Việt Nam hiểu (ít ra là biết) lịch sử, văn hoá Trung Quốc hơn lịch sử, văn hoá Việt Nam đang là một thực tế nhãn tiền.    
Vì sao có hiện tượng thiếu vắng những kiến thức lịch sử-văn hoá-địa lý Việt Nam trong chương trình “10 vạn câu hỏi vì sao” của VTV3 (phát sóng từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần)? Đây là một dấu hỏi nhức nhối, xin trân trọng chuyển đến những người làm chương trình. 
Hi vọng trong thời gian tới, bên cạnh việc giới thiệu những danh lam, thắng cảnh, di tích của Trung Quốc, chương trình “10 vạn câu hỏi vì sao” sẽ có sự xuất hiện của hồ Ba Bể, vịnh Hạ Long, chùa Hương, núi Non Nước, động Phong Nha, núi Bà Đen…Những địa danh đã trở thành biểu tượng văn hoá-du lịch của Việt Nam làm biết bao du khách quốc tế đam mê. Nếu không làm được như thế, VTV3 đang đi theo xu hướng mà cha ông ta đã nói “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, lo quảng bá văn hoá nước ngoài mà lơ là việc vun trồng gốc văn hoá quốc gia cho thế hệ trẻ./.
                    
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515349

Hôm nay

227

Hôm qua

2367

Tuần này

2950

Tháng này

213288

Tháng qua

121009

Tất cả

114515349