Lần đầu tiên tôi biết anh Nguyễn Đăng Mạnh là nhân có một đoàn kiểm tra cấp trên đến làm việc ở trường cấp III Lương Ngọc Quyến ( Thái Nguyên), nơi tôi dạy học. Thời bấy giờ , chỉ có trưởng đoàn là nổi đình nổi đám, những người tháp tùng là những cái bóng.
Qua giới thiệu, tôi biết là có một cái tên Nguyễn Đăng Mạnh gắn với một cái bóng nào đó. Thuở ấy Nguyễn Đăng Mạnh là giáo viên cấp II, một “giáo khổ” tỉnh lẻ. Và theo tôi, “giáo khổ” sau Cách mạng – về thân phận con người – không khác mấy “giáo khổ” trước Cách mạng, có mặt đỡ hơn, có mặt khổ hơn. Sáng tác văn học cũng như nghiên cứu, giảng dạy văn học ở ta thường hời hợt vì không quan tâm đến những “nét vĩnh cửu” ở “giáo Thứ” và “giáo Mạnh”.
Năm 1964, làm xong phó tiến sĩ ở Nga, tôi trở về nước. Tôi cố chạy ở lại Hà Nội, nhưng cuối cùng bị đẩy vào Đại học Sư phạm Vinh. Không hiểu sao thời bấy giờ, tôi có định kiến là những cán bộ giảng dạy bị “đẩy” (hoặc “đầy”) vào trường Vinh là “không ra gì”. Và trong đám kẻ sĩ “không ra gì” này, tôi thấy một bộ mặt quen quen, hoá ra Nguyễn Đăng Mạnh, không hiểu bằng cách nào, cái bóng Thái Nguyên ấy lại rơi đúng vào cái xứ này để bán chữ. Thời gian đầu với anh em khoa văn trường Vinh, tôi chan hoà trong sinh hoạt, nhưng tránh bàn luận về những vấn đề học thuật. Tôi hầu như không nói chuyện với Nguyễn Đăng Mạnh. Có khi tôi thấy anh ấy xa xẩn, muốn hỏi điều gì đó, nhưng rồi lại thôi. Câu hỏi đầu tiên của anh Mạnh là trong một chuyến đi thực tế, anh nói với tôi mấy câu lòng vòng và cuối cùng đặt câu hỏi: “Tình yêu là cái gì nhỉ ?”. Câu hỏi này đúng vào “tủ” của tôi. Trong luận án của tôi về Maiacôpxki có một chương viết về đề tài tình yêu. Tôi giảng cho Nguyễn Đăng Mạnh về tình yêu, dẫn một câu trứ danh của Hêghen, đại khái “tình yêu là quên mình vì một người khác và chính trong sự quên mình này lần đầu tiên phát hiện ra bản thân mình”. Đây là một câu “rắc rối”, đến giờ tôi cũng không hiểu thật rõ nghĩa, nhưng Nguyễn Đăng Mạnh nghe có vẻ phục. Tôi bèn hỏi: “cậu thấy thế nào?”. Anh chỉ trả lời bằng một cái nhoẻn cười. Lần thư hai trong một dịp nào đó, câu hỏi của anh Mạnh khá bất ngờ: “Nước pha trà sau 15 phút thì uống có hại, vì sao?” Tôi chưa bao giờ nghe nói đến hiện tượng này. Đối với tôi, trà pha sau 5 phút, 15 phút, nửa buổi, nửa ngày…là như nhau. Có lần tôi tu một ấm trà thiu, phải có người nói với tôi đấy là trà thiu, tôi mới biết uống phải nước trà thiu. Nhưng có người hỏi thì phải trả lời, tôi lại đường đường là một phó tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Thế là tôi giảng cho Nguyễn Đăng Mạnh vì sao trà pha sau 15 phút uống rất độc hại. Tôi cứ nói huyên thuyên: nào là chất ta-nanh, nào là “nấm” chè rất độc, nào là “men” của chè phát triển rất nhanh (cái thuyết này tôi bịa ra)… Anh Mạnh nghe tôi nói không biểu lộ một xúc động nào cả. Anh là một người tinh quái: anh biết tôi đang nói xằng xịt. Sau khi nghe tôi giảng về “trà”, anh không nói gì cả, chỉ nhoẻn cười. ở Nguyễn Đăng Mạnh, cái nhoẻn cười khâm phục và cái nhoẻn cười trước những điều xằng xịt, bịp bợm in hệt nhau. Tôi chú ý đến Nguyễn Đăng Mạnh sau câu hỏi của anh về “trà”. Tôi thấy những người có đầu óc nghiên cứu không bao giờ coi thường những điều nhỏ nhặt trong cũng như ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ. Những học giả lúc nào cũng xúng xính những điều chuyên môn của mình, bàn những vấn đề to tát theo tôi là những người đáng ngờ.
Những năm bom đạn Mỹ, trường Vinh sơ tán mỗi khoa một xã. Muốn đi nhờ xe của trường về Hà Nội phải đến tập trung ở khu Hiệu bộ, có khi ăn chực nằm chờ bốn năm ngày. Một lần anh Mạnh và tôi nằm chờ xe, tán gẫu mãi cũng hết chuyện, anh Mạnh rút từ ba lô ra mấy tờ bản thảo, nhờ tôi đọc góp ý kiến. Thời gian rỗi rãi, tôi đọc rất kỹ từng câu một. Trả bản thảo cho anh Mạnh, tôi không góp ý kiến về nội dung (như anh chờ đợi) mà bàn về từng câu phải sửa. Bản thảo trả xong, anh Mạnh không có ý kiến gì và cũng nhoẻn cười. Trong 5 năm học ở Liên Xô, điều quan trọng nhất mà tôi học được là trong văn học, khâu quan trọng nhất , khâu cuối cùng là viết, và trong viết văn quan trọng nhất là đặt câu. ở phương Tây, thời gian gần đây, nói đến văn học (literature), người ta nhấn mạnh phương diện “viết văn”. Trường viết văn Nguyễn Du được thành lập có sự mô phỏng Học viện văn học Gorki (của Liên Xô trước đây). Rất may là chúng ta không bắt chước cách đặt tên, chúng ta không gọi là trường văn học… mà đặt tên là trường viết văn… May mắn lớn cho tôi là ở Liên Xô tôi đã gặp được một người thầy hướng dẫn đặc biệt quan tâm đến “viết văn” và đặt câu. Những nhận xét của ông về bản thảo luận án chung quy lại là đánh giá câu: câu này tốt, câu này hay, câu này kém, câu này bẹt, câu này trẹo logic, câu này viết lười biếng… Có một bài học tôi nhớ đời. Đó là lần tôi đưa một tuỳ viên Sư phạm Việt Nam đến gặp ông để ông viết một thư đề nghị với Bộ Giáo dục Việt Nam cho phép tôi kéo dài thời gian học thêm một năm để hoàn thành luận án. Đây chỉ là một bức thư hành chính, nội dung đơn giản, rõ ràng, tôi cứ nghĩ ông chỉ ngoáy một phút là xong. Nhưng ông đã loay hoay gạch xoá, viết đi viết lại, nửa tiếng sau mới xong, nửa tiếng đồng hồ căng thẳng cho người viết cũng như người ngồi chầu. Nhưng, nửa tiếng quần thảo câu văn có sự màu nhiệm của nó. Tôi đọc bức thư hành chính này thấy lời văn rất hay, những câu văn tiếng Nga ngon lành, lời lẽ minh xác, giọng văn từ tốn. Học tập người thầy của tôi, làm nghiên cứu văn học, có ý, có tư tưởng, có nội dung… đối với tôi chưa là gì cả. Khâu quyết định và đến đây công việc mới thực sự bắt đầu là viết lên giấy những thứ đó, gia công những câu văn, làm từng câu một…Tôi chia giới nghiên cứu phê bình văn học thành hai loại: những người viết được và những người không viết được. Nguyễn Đăng Mạnh là người viết được .
Do nhu cầu của sự phát triển xã hội trong một thế giới hiện đại, ở nước ta đã hình thành một đội ngũ đông đảo tri thức, trong đó số đông áp đảo là những tri thức bình dân (tôi khác Nguyễn Huy Thiệp, không đặt chữ bình dân trong ngoặc kép). Tri thức bình dân có những nét dễ thương, những ưu điểm và nhiều nhược điểm. Tôi thử đưa ra một số đặc trưng:
- Giàu nhiệt tình hơn là tri thức
- Hăng hái có thừa, hiệu quả ít, nhiều trường hợp là âm
- Hay xúc động vặt, vui cũng như buồn thường hời hợt, chỉ có những lời phàn nàn là chân thành: phàn nàn về thời tiết, về bệnh tật, về xã hội đảo điên, về bọn trẻ hỗn láo, về cấp trên yếu kém không nhận ra được tài năng (bình dân) của mình…
- Thích nghe hơn là đọc, thích đọc báo hơn là đọc sách, có những người trí tuệ chủ yếu được nuôi dưỡng bằng sách báo bình dân.
Đặc trưng quan trọng nhất của trí thức bình dân là không có vấn đề nào hiểu biết đến nơi đến chốn, không có thói quen và kỹ năng học hỏi đến nơi đến chốn. Biển học mênh mông, một học giẳ lớn, một chuyên gia giỏi thì ban đầu nhiều lắm cũng chỉ biết đến nơi đến chốn một chút. Từ một chút này thì biết cách tìm hiểu đến nơi đến chốn một chút khác… Và dần dà với kinh nghiệm và thời gian thì hình thành tác phong học hỏi và nghiên cứu đến nơi đến chốn. Làm luận án tiến sĩ là một cơ hội để nghiên cứu sinh hiểu ra rằng biết đến nơi đến chốn một chút là rất khó, từ đó, may ra, bớt “ tài tử” và “ba hoa” trong nghiên cứu khoa học. Tôi có dự một cuộc hội thảo quốc tế có nhiều học giả Việt Nam tham gia. Tôi thấy những học giả nước ngoài thường đi vào đề tài nhỏ, xác định, và họ nghiên cứu đến nơi đến chốn, còn học giả Việt Nam khá nhiều người đưa ra những đề tài mênh mông và nói lan man “bể Sở mây Tần”. Bước vào con đường nghiên cứu văn học, Nguyễn Đăng Mạnh đã chọn Nguyễn Tuân và ông đã nghiên cứu tác giả này đến nơi đến chốn. Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn. Nhưng trong biển học mênh mông, đề tài Nguyễn Tuân chỉ là một chút, một “tý chút”. Từ sự nghiên cứu đến nơi đến chốn “tý chút” này, Nguyễn Đăng Mạnh có kinh nghiệm nghiên cứu một cách nghiêm túc những “tý chút” khác: Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng… Sự nghiệp nghiên cứu văn học của Nguyễn Đăng Mạnh đã hình thành như vậy. Và cuối cùng ông đã vượt ra ngoài khung trí thức bình dân. Đám trí thức bình dân chưa thành danh có cảm tình với ông, dường như họ thấy kỳ vọng của họ được hiện thân ở ông. Còn đám thành danh mà thưc sự vẫn là trí thức bình dân không mấy thiện cảm với ông. Nguyễn Đăng Mạnh tuy vậy vẫn còn vương vất gốc gác bình dân. Theo lời một người thân cận của ông, “học trò quấn quýt bên giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh rất nhiều”. Theo tôi “thích quấn quýt với nhau” cũng là một đặc trưng của đám bình dân.Tôi đánh giá cao việc Nguyễn Đăng Mạnh vượt khung trí thức bình dân. Tôi tin bạn đọc hiểu rằng tôi bàn về vấn đề này một cách nghiêm túc. Chẳng phải ai khác mà chính Vũ Trọng Phụng – thần tượng số một của Nguyễn Đăng Mạnh và nhà văn số một của thế kỷ vừa qua – giữa cao trào bình dân đã lớn tiếng cảnh báo công chúng và quốc dân, phải nhìn lại vấn đề bình dân một cách thật sự nghiêm túc. Ông có lời cảnh báo hết sức nghiêm khắc với tất cả những ai đùa dỡn với nó.
Một lần đề tặng sách cho Nguyễn Đăng Mạnh, tôi phong cho bạn tôi cái tên “Julien Mạnh”. Vì tôi biết anh rất mê nhân vật Julien Sorel trong tiểu thuyết Đỏ và đen của Stendhal. Tôi nói với anh : “Có khi đây là danh hiệu “sang trọng” nhất cậu được phong”. Nguyễn Đăng Mạnh không thuộc thành phần bình dân nhưng vị thế vào đời của anh là vị thế bình dân (một “giáo khổ” tỉnh lẻ) và vị thế này với người có đọc sách cũng đau đớn lắm. Nguyễn Đăng Mạnh cũng có những bi, phẫn, tủi, nhục…và kiêu hãnh của Julien Sorel. Standhal đã giúp tôi hiểu Nguyễn Đăng Mạnh. Không đọc “Đỏ và Đen” chưa chắc tôi đã để ý đến Nguyễn Đăng Mạnh. Cuộc đời của Julien Sorel kết cục bi thảm. Hậu vận của Julien Mạnh khá hơn nhiều. Tôi không nói đến những “tước hàm” và danh hiệu anh được phong tặng. Thành đạt lớn nhất của anh là bằng con đường tự đào tạo từ một trí thức bình dân anh đã trở thanh một tri thức thực học. Và đây cũng là con đường đi của số lớn tinh hoa tri thức nước ta thế kỷ vừa qua.
Một mâu thuẫn oái oăm trong cõi “cõi người ta” là mâu thuẫn giữa “có” và “là”. Có thể có vợ nhưng không thể là một người chồng, có thể có con nhưng không thể là một người cha, có thể có học hàm nhung không là một người thầy, có thể có học vị nhưng không là một tri thức…có thể có tất cả nhưng không là gì cả. Nguyễn Đăng Mạnh không phải là không có gì: có học hàm cao nhất, có danh hiệu trong ngành cao nhất, có chân trong hội này, hội kia, có tuyển tập bìa cứng và dày cộp… Nhưng Nguyễn Đăng Mạnh trước hết là một người thầy yêu văn học và nửa thế kỷ này, anh không ngừng truyền tinh hoa và tình yêu văn học cho nhiều thế hệ sinh viên.