Những góc nhìn Văn hoá
Vẫn còn đọng lại …
Không hiểu sao mỗi lần cầm bút định viết vài dòng kỷ niệm về anh Nguyễn Đăng Mạnh, tôi lại thấy ngại ngùng, như có gì day dứt trong lòng. Có lẽ đúng thế, tôi sống ở Huế thường lấy sự thu mình trong yên tĩnh, làm điều xử thế, trong khi anh Mạnh sống và làm việc ở Hà Nội, là giáo sư của nhiều trường đại học vào tận Nam Bộ, đồng nghiệp và môn sinh của anh là một lực lượng đang lên men nồng của trí tuệ Việt Nam. Nói về tuổi tác tôi chỉ đáng là lớp đàn em của anh Mạnh. Như thế tôi làm sao có một chút gì đáng gọi là “tâm huyết” để trao đổi với anh Mạnh?
Đằng khác đây lại là lời mời mọc của một nhóm bạn bè ở Hà Nội muốn có một chút gì “làm quà” cho anh Mạnh mừng anh lên tuổi thượng thọ. Làm sao tôi đành lòng từ chối? Ngày thường tôi ít có dịp tiếp xúc với anh Mạnh, trừ những dịp tôi có việc phải xa Huế, tiện đường qua Hà Nội. ở đó, tôi được dịp nghe anh em bàn tán kể lại những việc làm khá thú vị của anh trong đời sống. Có một mẩu chuyện nhỏ có lẽ anh ít thích nhắc lại, nhưng sáng chói một niềm tin khí tiết của người trí thức, vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của tôi.
Đó là chuyện biên tập sách giáo khoa văn cấp trung học. Tôi nghe nói anh Mạnh không đồng ý đưa bản Tuyên ngôn Độc lập vào phần giảng văn nghệ thuật; vì trước hết văn bản ấy là một bài chính luận mang nội dung sử liệu, đáng đưa vào phần Làm văn nghị luận xã hội, chính trị hay in vào tập giáo khoa Lịch sử mới phù hợp. Thứ nữa, chính văn bản ấy thật sự đã được in vào sách giáo khoa lịch sử. Trường hợp này anh Mạnh quả có lý, chính tôi cũng nhất trí với quan điểm của anh.
Nhưng vì chuyện này, anh đã phải mang vạ. Việc làm của anh tuy rất đúng, vậy mà tôi biết, anh đã vì thế mà từng bị phê phán như mắc một trọng tội. Thậm chí người ta còn đưa cả vào chương trình họp Quốc hội để lên án.
Tôi nghe nói hơn đâu hết đất Thăng Long là nơi quy tụ những trí thức lỗi lạc, những kẻ chịu khó học chữ nghĩa, đọc sách vở của thánh hiền đã tạo nên một truyền thống có từ lâu đời. Thậm chí người ta có thể soi vào đó cho đúng với lẽ thiện. Người trí thức, một khi đã nhận ra cái đúng thì cương quyết dẫn theo ý tưởng và hành động của mình, không bao giờ sợ hãi và né tránh. Tôi có nghe truyền thống từ ngàn năm xưa của trí thức Thăng Long, có tên ông Chu Văn An. Ông đỗ tiến sĩ và làm quan đời Trần, khẳng khái dâng vua bài “thất trảm sớ” xin vua chém đầu bảy tên gian nịnh. Không được vua nghe theo, ông bèn xin từ chức, về ở ẩn và mở trường dạy học ở núi Phượng Hoàng (gần núi Côn Sơn nơi ở của Nguyễn Trãi)
“Thất trảm sớ” chấn động cả giới trí thức của Thăng Long, sử gọi là “Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn”, thúc đẩy ý thức bản ngã của giới trí thức phát triển lên một bước mới. Với Chu Văn An, dạy không chỉ là thông hiểu hết ý nghĩa của chữ và lời của người xưa; dạy còn là “nhất quán” hết nội dung của cái học đạo làm người, là cách rèn dũa một lối sống đầy nhân cách của một con người ở trước xã hội ngày càng bị suy thoái trước đồng tiền và quyền lực.
Cái học nhân nghĩa của Chu Văn An bao hàm sự trau dồi nhừ nhuyễn đầy tích cực về một truyền thống đạo lý và một lý tưởng hành động phù hợp với nhân cách thật sự, nhân cách trong từng hơi thở.
Kẻ sĩ rèn luyện bản thân, khởi đầu từ nhân cách và kết thúc cũng ở tại nhân cách trong truyền thống của một ngàn năm Thăng Long, lịch sử khuôn mặt của con người chính là lịch sử về nhân cách. Gần gũi nhất trong tâm trí của tôi là hình ảnh của một người học trò nghèo thành Thăng Long quyết cản mũi thuyền của vua Trần. Sử gia Trần Trọng Kim chép rằng, khi mới nghe tin quân Nguyên sẽ vào chiếm thành Thăng Long, vua Trần đâm ra hoang mang, định cùng hoàng tộc chạy vào Thanh Hóa lánh nạn. Cả thành phố xôn xao dậy lên lời can ngăn xin vua đừng đi. Nhưng có gì lay chuyển được quyết định sắt thép của tể tướng Hồ Quý Ly, muốn trước mắt đưa triều đình vào ở tạm tại Thanh Hóa để tránh mũi nhọn của quân địch. Đến nỗi buổi sáng đoàn thuyền lên đường, Hồ Quý Ly rút sẵn gươm cầm tay, thị chúng rằng sẽ ra lệnh chém đầu bất cứ kẻ nào còn dám nói đến chuyện không rút khỏi Thăng Long. Ngay lúc ấy, từ giữa dòng có một người học trò nghèo bơi lên trước mũi thuyền của Hoàng gia, dang rộng cánh tay can ngăn, khóc lớn mà bảo rằng: “Nếu nhà vua quyết định vào Thanh Hóa thì xã tắc, dân chúng bỏ lại cho ai?”. Hồ Quý Ly tức giận nhưng cuối cùng cũng đành phải nghe lời can ngăn. Sử gia Trần Trọng Kim gọi người học trò nghèo đó là “kẻ sĩ”.
Anh Nguyễn Đăng Mạnh kính mến, đất Thăng Long bao giờ cũng có kẻ sĩ. Tôi đã nhìn thấy cuối dòng truyền thống vô tận ấy có bóng dáng nhỏ nhắn của một người mà tôi hy vọng, đó chính là anh. Thời gian hạn chế của cuộc giao lưu giữa tôi và anh không thể giành cho tôi cơ hội may mắn nào để có những kỷ niệm đáng gọi là “không thể nào quên”, mà chỉ là một ấn tượng kiểu ấy.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Tổng kết, trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Về miền di tích, danh thắng xứ Nghệ” và Trại sáng tác mỹ thuật về con người văn hóa Nghệ An
Một nước Nhật quá xa xôi!
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Thống kê truy cập
114512789
2326
2400
2726
219662
121356
114512789