Tôi gặp anh Nguyễn Đăng Mạnh từ năm 1969, khi anh chuyển từ ĐHSP Vinh ra ĐHSP Hà Nội. Đó cũng là thời kỳ Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, khoa Văn chuyển từ nơi sơ tán ở Hưng Yên về Hà Nội. Anh em cán bộ trẻ chúng tôi và gia đình anh Mạnh cũng như nhiều thầy giáo khác như Đỗ Hữu Châu, Hồ Văn Nho, Đào Nguyên Tụ, Phương Lựu, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Thị Hoàng…được bố trí mỗi người một phòng hoặc một nửa phòng ở dãy nhà K là hai dãy nhà lá được dỡ từ một số lớp học ỡ khu sơ tán chuyển về dựng lại. Buổi chiều chúng tôi hay đá bóng trên sân nhỏ giữa hai dãy nhà, một số thầy đứng xem hay cổ vũ,nhiều khi còn hò hét rất vui. Căn nhà của anh Mạnh ở cuối dãy, hơi xa chỗ sân chơi, ít thấy anh ra nhìn ngó hay góp chuyện.
Về sau có dịp gần gũi nhau tôi mới hiểu đó là tính cách anh Mạnh. Anh không thích xuất hiện ồn ào, chỗ nào vui cũng chỉ ngồi lắng nghe, khi thật cần mới lên tiếng, thường là kể một chuyện gì đó theo cách nói của anh là “vô nghĩa lý” hoặc khôi hài. Dạo ấy khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội là nơi quy tụ nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học có tên tuổi của cả nước mà nhiều thế hệ sinh viên về sau vẫn còn tự hào là mình đã từng được học như các thầy Trương Chính, Huỳnh Lý,Lê Trí Viễn, Nguyễn Đức Nam, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Văn Hạnh…Những buổi họp khoa hoặc sinh hoạt khoa học đối với anh em trẻ chúng tôi thường rất thú vị vì chúng tôi được nghe các thầy đối đáp nhau vừa trí tuệ vừa dí dỏm. Chúng tôi gọi đùa đó là “khẩu chiến”. Nói là “khẩu chiến” nhưng thật ra ở đây không có sự gay gắt hoặc hằn học nào mà chỉ là tranh luận bình thường về những việc hay những vấn đề nào đó, có điều ai nói hình như cũng có một chút “diễn xuất”, chăm chút “diễn ngôn” của mình nên lời nói qua nói lại đâm ra có kịch tính,thu hút người nghe. Nếu có những người như thầy Nguyễn Hải Hà, Đỗ Bình Trị thường gây chú ý bằng những lý lẽ, lập luận khúc chiết,”nói lời ràng buộc” đâu ra đấy thì cũng có những thầy như Đỗ Hữu Châu, Đào Nguyên Tụ lại gây thích thú do chẳng để ý gì đến cái lý mà chỉ cốt nêu ra cái vô lý, khôi hài và nhờ vậy mà không khí cuộc họp trở nên thoải mái, mọi người có dịp cười nói vui vẻ. Trong những cuộc họp như vậy tôi nhớ anh Mạnh gần như không phát biểu bao giờ. Chỉ sau khi họp xong,lúc ngồi uống nước nói chuyện với nhau, nếu có ai hỏi anh mới nhận xét, và thường là sau một lúc im lặng, gật gù, anh đúc kết vài chữ theo cái cách nói cốt gây ấn tượng mà tôi nghĩ anh chịu ảnh hưởng của một người anh chơi thân và hâm mộ là anh Hoàng Ngọc Hiến.
Chính cái cách nói ấy là một ưu thế của anh Nguyễn Đăng Mạnh khi lên lớp. Không phải là người nói năng hùng biện, ăn nói bài bản, trích dẫn uyên bác nhưng anh vẫn hấp dẫn người nghe. Anh thường tạo ra sự chờ đợi và kết thúc sự chờ đợi ấy bằng một ý kiến, một nhận xét bất ngờ. Nhiều khi đó chỉ là do cách nói, nhưng trong nhiều trường hợp nó thực sự là những suy nghĩ riêng, độc đáo, thể hiện sự tìm tòi và bản lĩnh của người giảng.Thời gian sau này khi quen thân hơn, tôi càng nhận thấy điều đó.
Là những người đi sau, khi quan sát thế hệ những nhà nghiên cứu văn học đi trước tôi thấy anh Nguyễn Đăng Mạnh có cái hay là anh quen thân với nhiều nhà văn nhà thơ và có lẽ vì thế mà quan niệm về văn học của anh gần với những người trực tiếp sáng tác hơn là với những lý luận được trình bày trong các giáo trình đại học. Bản thân giới sáng tác cũng cảm tình với anh Nguyễn Đăng Mạnh vì thấy so với nhiều nhà lý luận phê bình quan phương và hàn lâm khác cách nghĩ, cách viết của anh dễ chịu hơn, gần gũi hơn với người cầm bút. Nhiều lần đưa anh Mạnh đến chơi nhà anh Nguyễn Khải, Nguyễn Duy hay gặp gỡ với một số anh em thân tình thường tụ họp uống bia nói chuyện chơi mỗi lần có người vào Sài gòn như Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi thấy anh Mạnh đều có quen và anh em đều quý anh Mạnh. Nhiều dịp nói chuyện với anh, tôi biết anh có quan hệ gần gũi với các nhà văn đàn anh như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng. Chính điều này không chỉ giúp cho những trang viết của anh về tác giả của “Vang bóng một thời, của “Bỉ vỏ” có sức thuyết phục, có hồn, mà còn làm cho cái nhìn của anh về văn học thực hơn, gần với người sáng tác hơn. Đó là một chỗ mạnh mà không phải ai làm nghiên cứu-phê bình văn học ở ta cũng có, nhất là đối với các giáo sư đại học.
Tôi cũng để ý thấy anh Nguyễn Đăng Mạnh là người ít quan tâm đến chuyện quan chức. Một vài năm trước khi về hưu hình như anh có làm Tổ trưởng tổ Văn học Việt Nam ở khoa Văn ĐHSP Hà Nội, nhưng có lẽ là do tình thế bắt buộc chứ theo tôi biết anh chẳng thích thú gì. Làm lãnh đạo đó không phải là việc của anh, có giao cho anh chưa chắc anh làm được.Việc mà anh làm một cách chuyên cần suốt đời là đi dạy, đọc sách, viết sách. Trong giới nghiên cứu văn học anh đúng là người làm nghề. Cả đời làm một nghề, vinh quang cũng ở đó mà đau khổ cũng ở đó.
Sự bền bỉ và chung thuỷ với nghề đã tạo cho anh tính kiên nhẫn mà tôi rất khâm phục. Kiên nhẫn ngồi đọc, kiên nhẫn ngồi viết, kiên nhẫn ngồi nghĩ, kiên nhẫn chịu đựng. Tôi nhớ một lần anh Mạnh từ Hà Nội vào Cà Mau dạy cho lớp đại học từ xa của Đại học Sư phạm Huế, không hiểu sao bị tai nạn, gãy chân, xe cấp cứu phải chở suốt đêm về Sài gòn.Tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy thăm, thấy anh nằm trên giường, một chân băng bó, treo ngược lên, có một đinh i-nốc dài đâm xuyên qua. Tôi nhìn anh ái ngại, nghĩ trong bụng người ở cái tuổi “cổ lai hi”, chân tay thế này còn làm gì được nữa. Anh Mạnh đã phải chịu đựng cái cảnh này khá lâu và tôi đoán từ nay anh sẽ bó chân ngồi ở Hà Nội thôi. Thế mà ít lâu sau tôi nghe nói anh đang ở Tây Nguyên hay Lâm Đồng gì đó, cũng là đi dạy học và người kể cho tôi nghe còn nói thêm bác ấy vẫn còn “hăng hái” lắm. Tôi không hỏi kỹ hăng hái là làm gì nhưng nghĩ mừng cho anh Mạnh và phục sự kiên nhẫn của anh. Về sau gặp anh tôi nói đùa là qua chuyện cái chân anh tôi thấy lạc quan hơn, nhiều việc tưởng như thế là hết mà hoá ra không phải, ở tuổi anh mà còn vượt qua được, chắc anh em chúng tôi sẽ không đến nỗi nào. Nghe vậy anh chỉ cười, gật gù.
Sự sống vốn khó khăn, đầy rủi ro, bất trắc. Bởi vậy nhiều khi sống được đã là hạnh phúc, chứ nói chi sống thọ, sống lâu. Mừng anh Nguyễn Đăng Mạnh 80, xin chúc Anh tiếp tục kiên nhẫn và tôi tin Anh còn vượt xa hơn cái tuổi 80 này nhiều.