Diễn đàn

"Giá trị" của "hy vọng táo bạo"

   Trong một bài viết đăng trên Kiến thức Ngày nay tháng 10.2008, trước khi cuộc bầu cử TT Mỹ diễn ra, tôi đã nhận định rằng Barack Obama sẽ thất bại. Tiếc thay, đó là lần nhận định sai đầu tiên của tôi qua 5 lần bầu cử TT Mỹ. Sai lầm đó buộc tôi phải tìm hiểu vì sao mình đã sai? Thì ra, điều giản dị của vấn đề là ở chỗ, tôi đã nghĩ và viết về Obama khi chưa hiểu gì về ông. Tệ hơn, tôi đã làm ngược lại điều Khổng Tử đã dạy “ Tư bất học tắc đãi” (Nghĩ mà không đọc thì vô cùng nguy hiểm). Đây là điều tối kỵ của một “lều” sử học như tôi. Chính vì lẽ đó, tôi đã sửa chữa lẫn lầm của mình bằng cách đọc thật nhiều về Obama. Cuốn sách “Hy vọng táo bạo” do NXB Trẻ ấn hành năm 2008 đã cho tôi lời giải về Bài học Obama. Cuốn sách gồm 9 chương, trong đó, chương II (Giá Trị) là chương mà tôi tâm đắc nhất...

 
            1. Không kể đến tuổi thơ vật vã, nghèo khổ; thì những gì mà Obama đã nói về thời gian đầu tiên khi ông “bước vào đời” làm chính trị, là bài học đáng giá với tất cả mọi người, dẫu không làm chính trị. “Bại không nản” chính là nguyên tắc đầu tiên của thành công. Thất cử trong lần tranh cử vào Thượng viện năm 2000, 4 năm sau, Obama lại quyết tâm ra tranh cử lần nữa. Obama đã từng nhiều lần tổ chức họp báo mà không có ai đến dự; đã từng tham gia diễu hành và, được xếp đi sau cùng - chỉ đi trước đoàn dọn dẹp vệ sinh(!); đã từng diễn thuyết trước hai, ba người quanh chiếc bàn ở phòng bếp của một gia đình bình dân nào đó... Tất cả những điều đó vẫn không thể nào lay chuyển niềm tin của ông, rằng một khi ông đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết, rằng khi ông biết lắng nghe tiếng nói của mọi người, rằng ông thấu hiểu tâm tư của những người bình thường nhất, nghèo khổ nhất; thì chắc chắn cử tri sẽ hiểu ông. Những nguyên tắc đó không mới nhưng nó chưa cũ bao giờ! Sự hiểu biết, tự tin và đồng cảm là phẩm chất thứ nhất của một nhà chính trị mà những người dân bình thường, dẫu không diễn đạt được điều mình muốn nói, luôn luôn biết một cách rõ ràng. Đó là điều mà rất nhiều nhà chính trị trên thế giới này đã quên hoặc cố tình quên..
            2. Những điều Obamađã nghĩ, đã viết; giống như ông đã “đọc được thế giới”, bởi nó đúng với mọi quốc gia chứ không phải riêng Hoa Kỳ. Obama cho rằng nền giáo dục đã quan liêu, vô cảm khi dạy cho trẻ em “một mớ các bài giảng” (tr.13). Cách làm đó của giáo dục, của chính phủ “sẽ để lại một quốc gia yếu ớt và rạn nứt”. Trong cách nhìn về chính trị, Obama đã tóm tắt rất đơn giản rằng “đó là một thứ hàng hoá công” (tr.17 – chúng tôi nhấn mạnh, HVT). Có lẽ, đây là cách định nghĩa sát, đủ và nhiều ẩn dụ nhất về chính trị. Nếu các nhà chính trị hiểu rõ họ đang làm ra một thứ “hàng hoá” thì chắc chắn họ phải hiểu rằng người dân là “thượng đế”. Rất tiếc là hầu hết các nhà chính trị và các nền chính trị trên thế giới không hiểu nguyên tắc này. Chính vì lẽ hiểu ngược lại, coi có quyền, cầm quyền là ban phát cho dân nên mới tự tung, tự tác, hành dân thê lương ở nhiều nơi... Làm chính trị là tự đặt mình vào bẫy, sau khi đã đương đầu với cạm bẫy. Do đó, luôn phải là “một bóng mờ trong một bức tranh thật sáng”. Lời khuyên của TT Bush với Obama (năm 2005): “Tương lai của anh tốt lắm. Rất sáng sủa. Nhưng ... nếu anh thu hút sự chú ý vào mình thì mọi người sẽ chĩa mũi dùi vào anh... Ai cũng chờ anh trượt chân...” (tr.57); là một chân lý nghiệt ngã, đắng cay của cuộc đời. Hiểu được nó vẫn là chưa đủ. Biết cách để vận dụng nó mới là điều thực sự khó khăn.
            3. Mục đích sống của con người là gì? Obama trả lời: “Chính ngôn ngữ của giá trị là cái tạo nên thế giới riêng của mỗi người”.Giá trị của một cuộc đời, nghĩa tổng quát được hiểu theo cách giống như Benjamin Franklin (1706-1790) đã viết trong thư gửi mẹ: “Sau khi con chết, con muốn mọi người nói về con là ‘Ông ta đã sống có ích’, chứ con không muốn họ nói rằng ‘Ông ta đã chết trong giàu có’, mẹ ạ”. Giá trị, trong cách nghĩ của Obama, có nhiều tiêu chí lắm. Thứ nhất, những người cầm quyền phải biết rằng hành động của họ gây ra những hậu quả to lớn nhưng ‘đó là cái giá mà họ lại không bao giờ phải trả(!)”. Thứ hai, tham nhũng và tham lam sẽ triệt tiêu giá trị của con người bởi đó là hai trong ba thách thức lớn nhất đối với loài người (thách thức thứ ba là ‘nuôi dạy con với những giá trị đúng đắn’) (tr. 72). Thứ ba, không được lừa dối. Obama viết: “Nhưng nếu cả xã hội chúng ta vờ tưởng rằng những đứa trẻ nghèo vẫn phát huy được hết tiềm năng của chúng ở những ngôi trường xập xệ... và giáo viên không được đào tạo đúng môn học mà họ dạy thì rõ ràng chúng ta đang lừa dối bọn trẻ và lừa dối chính bản thân chúng ta. Khi đó chúng ta đang phản bội lại chính giá trị của mình” (tr.73-74). Câu này đúng với thực trạng của toàn thế giới. Sự dối lừa, theo Obama – là “phẩm chất” của các nhà chính trị; tuy ông ta đã diễn đạt rất hay rằng ‘sự thành thực là phẩm chất khó nắm bắt nhất’. Thứ tư, giá trị là phải biết rằng chúng ta ít thấy những đứa trẻ 5 tuổi có tính tự lập (tr. 69) và nếu những năm đầu đời ấy bị đói, thất học thì tất nhiên sẽ là gánh nặng của nhà nước. Thứ năm, giá trị là phải biết tự phát triển, tự chấp nhận rủi ro, tiết kiệm và tự chịu trách nhiệm cá nhân. Thứ sáu, giá trị tức là biết rằng nền dân chủ không chỉ là một ngôi nhà đang xây mà phải là “một cuộc đối thoại” (tr. 104); trong đó, những ý kiến ngược chiều luôn đem đến cơ hội cho sự “tăng cường thảo luận và cẩn trọng” (tr. 99). Thứ bảy, giá trị là phải biết cách tư duy. Phải đặt câu hỏi là chúng ta nghĩ như thế nào?; chứ không phải là nghĩ gì? (tr. 101); để, chỉ có như thế, mới tự quyết định và tự đánh giá chính bản thân mình. Thứ tám, giá trị phải được hiểu như là chủ nghĩa cá nhân luôn bị giới hạn bởi hệ giá trị cộng đồng - chất kết dính, nền tảng của một xã hội lành mạnh. Thứ chín, giá trị là phải hành động vì dân chúng dựa trên sự “thấu cảm”, cần hành động chứ không cần lời nói và, nó tồn tại, bất biến, bất kể chủng tộc, tôn giáo hay thời đại. Thứ mười, giá trị tức là phải biết rằng “sự táo bạo khi hy vọng” (tr. 368) là cần thiết, là nguyên tắc để sống với tinh thần lạc quan, tự tin vô tận trước mọi thử thách, khó khăn.
            Những “tiêu chí’ về “giá trị sống”, giá trị của một con người hay một xã hội mà Obama đã nói trên đây, có nhiều điều đáng bàn. Thế nhưng, trước khi nghĩ rằng tranh luận là cần thiết, chúng ta tin chúng đã có một giá trị nhất định nào đó đối với cách tiếp cận triết lý sống của mỗi người.
 
            Obama đang trải qua ‘tuần trăng mật’ rất dài với chiếc ghế TT . Ít khi ai nghĩ rằng trước khi trở thành TT, Obama là vị TNS có thâm niên xếp thứ 99/100 của Thượng viện Hoa Kỳ. Chỉ riêng điều đó đã nói lên rằng việc Obama trở thành TT là một trong những sự kiện đặc biệt đáng kể nhất của lịch sử thế giới đương đại. Sự ủng hộ đối với TT thứ 44 của người dân Mỹ là lớn nhất kể từ năm 1945 đến nay. Trên TTCT 15.3.2009, có in hình Obama, trước và sau gần hai tháng làm TT: Dù chỉ mới ‘đến’ với Nhà Trắng gần 50 ngày nhưng tóc Obama đã bạc thấy rõ. Có lẽ, cần phải đưa thêm một tiêu chí nữa về ‘giá trị’ đối với các nhà chính trị là: Tóc không thể đen khi đất nước còn đòi hỏi nhiều ở cái lẽ cần thiết của sự ‘trắng’ đầu?
           
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511033

Hôm nay

232

Hôm qua

2359

Tuần này

21407

Tháng này

217906

Tháng qua

121356

Tất cả

114511033