Thói vô liêm sỉ được sinh ra từ đó, sự phóng đãng và bệnh hời hợt lười biếng cùng góp phần tạo nên một bức tranh thật buồn. Trên cái nền ấy, nhiệt tình yêu nước điên điên khùng khùng của một vài cá nhân hay nhóm người riêng lẻ nào đấy thỉnh thoảng rộ lên khiến dân chúng hoảng sợ nhiều hơn là hy vọng. Tất cả những điều ấy hợp lại với nhau tạo ra ấn tượng về một xã hội mắc bệnh hiểm nghèo, nơi người ta không chỉ mất hết hy vọng vào ngày mai, mà ngay cả niềm tin đối với chiều hôm nay cũng đã hoàn toàn tiêu tán.
Một thế giới bị thất lạc
Chấn động tâm lí làm kinh ngạc cả giới ưu tú lẫn thường dân chính là tai hoạ cơ bản của nước Nga, một tai hoạ nằm trong cốt tuỷ căn bệnh bại liệt bao trùm toàn xã hội Nga. Nhưng điều ngạc nhiên nhất là không thấy cả trong chính trị, lẫn kinh tế những nguyên nhân đầy đủ và rõ ràng của sự xuất hiện tình trạng trầm uất mang tính bệnh lí của dân tộc như thế.
Tuy vậy, những nguyên nhân hình thức thì ai cũng nói bô bô ngoài cửa miệng. Công thức hai “Đ” nổi tiếng bây giờ được đổi thành nguyên tắc hai “B”. Trước kia, trong mọi việc, kẻ có lỗi là “đu-rắc-ki và đa-rô-ghi” (tiếng Nga: “дураки и дороги”, nghĩa là “những thằng ngu và những con đường”,- ND), còn bây giờ, là “bed-nớt và bureaucrate” (tiếng Nga: “бедность и бюрократия”, nghĩa là “nghèo và quan liêu”.- ND). Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế.
Bây giờ nghèo là một tệ nạn. Người ta thấy đó là gốc rễ của tội ác và xem việc khắc phục nó gần như là tư tưởng chủ đạo của dân tộc. Đây là luận điểm gây nhiều tranh cãi. Có thể nói, chẳng riêng gì Nga, mà ngay cả toàn thế giới, không ở đâu, chưa bao giờ, tham vọng làm giàu cá nhân trở thành động lực sáng tạo. Chí ít là vì, nhờ vào sức lao động của người khác để làm giàu bao giờ cũng dễ hơn so với việc dùng chính sức lao động của mình. Huống chi, nghèo còn là một phạm trù định giá. Chuyện này bao giờ cũng có nhiều sắc thái: ai nghèo, nghèo thế nào, có nghèo thật hay không…
Thứ nhất, chúng ta không nghèo “hoàn toàn”, mà chỉ “tương đối”. So với 20 - 30 nước giàu nhất thế giới, đúng là chúng ta nghèo. Nhưng so với những nước còn lại, chúng ta thậm chí rất giàu.
Tất nhiên, đời sống ở Nga chưa phải là mật mỡ gì, chúng ta không ganh đua với Tây Âu hay Nhật Bản. Nhưng chúng ta bao giờ cũng nghèo hơn họ, và dầu sao đi nữa thì cũng chưa bao giờ bất hạnh như thế. Có nghĩa, vấn đề không phải là chuyện nghèo, mà là sự thương cảm xót xa. Thương mình, thừa nhận mình tội nghiệp, muốn ướm lên người mình chiếc áo caftan của người khác. Có thể, kẻ mắc lỗi ở đây là thời đại kĩ nghệ thông tin, chứ không phải là bản thân sự nghèo túng. Sự giàu có của người ta đập vào mắt, làm ta hư hỏng, gợi dậy sự đố kị. Trong cái đầu kẻ tội nghiệp, nhất là của người Nga, không nảy sinh ý nghĩ về mối liên hệ giữa lao động và sự giàu có. Ở đây, chẳng liên can gì tới kinh tế.
Thứ hai, chúng ta không nghèo “hoàn toàn”, bởi vì, nhìn vào đâu trong lịch sử của nước Nga cũng thấy, gần như chỗ nào cũng tồi tệ hơn. Một nông trang viên thời Stalin được bao nhiêu của nả? Anh nông nô trong thơ Nhecrasov sống bằng gì? Nếu giàu có chắc người ta không kéo lê cỗ xe nông nô hàng mấy thế kỉ, giá như người ta trả tiền công cho những chuyện ấy. Chiến tranh liên miên, ấy lại là chuyện khác. Nhưng dẫu sao thì nhân dân vẫn không thấy mình khốn khổ như thế này. Vào những năm bảy mươi dưới thời Brejnev, nhân dân được no đủ hơn một chút so với bình thường. Nhưng số phận thật trớ trêu, chính họ bây giờ lại thường được nhắc tới trước tiên, khi người ta nguyền rủa sự “trì trệ”.
Trong sự hoan hỉ của chúng ta trước sự nghèo túng đổ sập xuống đầu mình có một cái gì đó thật bí hiểm. Nó cũng giống như tệ quan liêu. Mọi tai hoạ đều đổ ra từ đó. Và quả thật, chủ nghĩa quan liêu của Nga đang bóp nghẹt tất cả những gì sống động quanh mình, mọi thứ được ném qua ném lại, khắp nơi đều bày đặt khôn ngoan để kiếm lợi cho mình, chẳng có cuộc cải cách nào đụng tới nó - nó chỉ ngày càng mạnh hơn.
Nhưng ở nước Nga đã có lúc nào tình hình không phải như thế? Thời Pierre? Thời Nikolay? Thời Stalin? Tệ quan liêu bao giờ cũng ngự trị rất cao trên nước Nga giống như đỉnh Olympe trên nước Hy Lạp. Chỗ khác nhau duy nhất chỉ là, theo lẽ thường, trước kia nó mạnh hơn, có tổ chức hơn và tập trung hơn rất nhiều so với hiện nay. Hơn nữa, tất cả những gì có thể gọi là “đầu tư cơ bản” vào kinh tế và văn hoá Nga lại thường được tạo ra ở những thời đại cực thịnh của chủ nghĩa quan liêu. Cho nên, vấn đề không phải là ở tệ quan liêu, mà ngược lại, ở sự yếu ớt của nó. Chủ nghĩa quan liêu yếu ớt còn nguy hiểm hơn chủ nghĩa quan liêu mạnh mẽ.
Bởi vậy, không có mối liên hệ trực tiếp giữa chấn động tâm lí xã hội với hiện trạng kinh tế và chính trị Nga. Nhưng điều đó chỉ chứng tỏ, phải tìm các nguyên nhân gây ra sự chấn động ấy bên ngoài phạm vi của kinh tế và chính trị.
Tìm được chìa khoá mở cánh cửa bí mật của cú “shock tâm lí” đang bao trùm đất nước cũng tức là giải đáp được câu đố của vòng tròn lịch sử Nga hiện nay. Nhưng chỉ có thể làm được điều đó với điều kiện chuyển sang điểm nhìn 3 chiều đối với nước Nga, tạo ra một cách nhìn theo kiểu “modèle - 3D”, trong đó, bên cạnh kinh tế và chính trị, cần tính thêm cả chiều văn hoá. Bức tranh phẳng hai mặt không cho phép nhìn thấu những gì nằm bên ngoài phạm vi của thế giới “kinh tế - chính trị”, vì nó được cảm nhận như là sự biểu hiện phi lí của đời sống Nga. Nhưng cái có vẻ phi lí khi nhìn trên mặt phẳng có thể sẽ hoàn toàn hợp lí nếu miêu tả hình khối của nó.
Trong đời sống hiện thực, các quan hệ văn hoá, kinh tế và chính trị bao giờ cũng bện kết thành một khối của những liên hệ nhân - quả lịch sử. Chỉ trong tưởng tượng chúng ta mới có thể bóc tách lớp mô này ra khỏi lớp khác khi sử dụng năng lực phân tích mà tạo hoá ban tặng cho ta giống như bác sĩ ngoại khoa điều khiển con dao mổ. Bởi vậy, mọi sự phân chia tiến trình lịch sử thành các vỉa văn hoá, kinh tế và chính trị đều mang tính ước lệ và thô thiển. Tuy nhiên, do thiếu các phương thức nhận thức hữu hiệu khác, nên ta buộc phải tìm tới “món ăn lịch sử được chiết suất” như thế và đành phải chấp nhận toàn bộ những khiếm khuyết và hạn chế của nó.
Nếu nghiên cứu hoạt động văn hoá, kinh tế và chính trị của dân tộc như là những nhân tố tiến hoá lịch sử của nó, ta sẽ nhận ra, mỗi một nhân tố như thế đều có chức năng riêng của mình. Văn hoá vạch ra “hành lang những khả năng” của một xã hội cụ thể có thể có được. Kinh tế hình thành phương hướng, theo đó, xã hôi vận động trong khuôn khổ của hành lang ấy. Chính trị quyết định nhịp độ vận động trong phương hướng do văn hoá và kinh tế đặt nền móng.
Tất nhiên, bao giờ cũng tồn tại mối liên hệ theo chiều ngược lại. Chính trị có thể thúc lịch sử lồng lên như con ngựa của tay cao bồi say rượu, hoặc nhốt nó vào chuồng khiến nó sẽ chết vì béo phì và bất động. Kinh tế có thể mất các định hướng, buộc lịch sử vận động theo vòng tròn, và khi ấy “hành lang của những khả năng” được văn hoá mở ra sẽ rẽ vào ngõ cụt. Nhưng dẫu thế nào đi nữa, thì vận động lịch sử bao giờ cũng bị quy định bởi ý nghĩa của các đại lượng được đo lường theo những cái trục của ba toạ độ xã hội vĩ mô. Và, muốn xác định điểm tính đếm của lịch sử Nga hiện nay, cần tìm ra vị thế của nó trên mỗi cái trục riêng lẻ ấy.
Văn hoá Nga
Văn hoá Nga là một trong vô số những hòn đảo trên đại dương văn hoá thế giới, và, dẫu là một cảnh quan độc đáo, nó vẫn được hình thành theo những quy luật phổ quát cơ bản quyết định sự sinh thành, tiến hoá và tiêu vong của những hòn đảo và lục địa trên đại dương ấy.
Nhà sinh học vĩ đại người Nga N.Vavilov đã chỉ ra, trong sự tiến hoá của các loài thực vật thuộc những nhóm sinh học khác nhau bao giờ cũng tồn tại sự song trùng (được gọi là các “chuỗi đối ứng”) và sự chia tách của chúng thành các tiểu loài, thể, tiểu thể, luôn luôn chịu sự chi phối của những nguyên tắc chung nào đó mà kết quả là, ở những tiểu loài, thể, tiểu thể đối ứng với nhau, bao giờ cũng xuất hiện những dấu hiệu tương đồng. Có thể lần theo “các chuỗi đối ứng” tương tự như thế trong sự tiến triển của các nền văn hoá. Và tương tự những gì diễn ra trong thế giới hữu cơ, sự hiện diện của các giai đoạn và dấu hiệu chung không có nghĩa là nền văn hoá này đi theo dấu vết của nền văn hoá kia bằng cách sao chép kinh nghiệm lịch sử của nó, mà chỉ chứng tỏ những nền văn hoá ấy có họ hàng và phát triển song hành với nhau.
Văn hoá Nga hiển nhiên là có quan hệ họ hàng với văn hoá châu Âu (Tây Âu), trong khi vẫn gắn bó với những gốc rễ Byzantine của nó. Có thể nhìn thấy ngay sự phát triển song hành của những nền văn hoá ấy. Lịch sử Nga có tiền sử Hy Lạp - La Mã của nó là nước Nga Kiev, có thời trung đại của nó là vương quốc Moskva, có thời Hiện đại của nó là đế quốc Nga và thời hậu công nghiệp của nó là nền văn minh xô viết[2].
Sự giống nhau ấy của các giai đoạn phát triển đã đánh lạc hướng nhiều người, và cho đến nay vẫn khiến họ quẫn trí, từ đó nẩy sinh ý nghĩ về sự lạc hậu muôn đời của nước Nga so với phương Tây. Lí luận về “phát triển rượt đuổi” ra đời từ chính ý nghĩ ấy. Nói chung, mắt xích yếu nhất của lí thuyết này không phải là định đề cho rằng, nước Nga tụt hậu so với phương Tây (ở một khía cạnh nào đó, đây là sự thật hiển nhiên, nhưng ở những góc độ khác, cần bàn luận thêm), mà là quan niệm cho rằng, nước Nga phải biến thành phương Tây. Chuyện không phải như thế. Nước Nga đi theo con đường lịch sử riêng của mình, phương Tây có đường riêng của họ, mặc cho những con đường ấy có cùng những khúc ngoặt và hai bên đường có thể bắt gặp những bức tranh phong cảnh giống nhau. Muốn miêu tả chính xác bước đi của lịch sử Nga cần đặt nó vào khuôn khổ của quan niệm về sự phát triển “song hành”, chứ không phải là sự phát triển “rượt đuổi”.
Nước Nga là một nền văn hoá còn rất trẻ. Con đường lịch sử mà phương Tây từng có hơn hai nghìn năm được nó vượt qua nhanh gấp hai lần. Nhưng vì sự phát triển nhanh chóng ấy, nó phải trả những cái giá rất lớn. Những cú thúc chạy mau lại thường là yếu. Chưa có giai đoạn phát triển nào, nước Nga đạt tới độ phát lộ toàn bộ tiềm năng của mình. Nó kéo lê những xung đột chưa được giải quyết từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, chất đầy hành trang lịch sử của mình. Do đó, ở đây, ranh giới giữa các thời đại hiện lên không rõ ràng, lở lói, và toàn bộ lịch sử Nga hoá thành lịch sử của một xã hội quá độ, một xã hội không sao có được một hình thái hoàn kết, vững chắc nào đó. Nước Nga đời đời là cậu thiếu niên của nền văn hoá thế giới.
Sẽ hiểu được sự ấu trĩ này, nếu ta chú ý tới những điều kiện hình thành của lịch sử Nga. Vấn đề ở đây không chỉ là sự khác nhau giữa Ki Tô giáo phương Đông và phương Tây. Vấn đề là ở chỗ, nơi mà phương Tây có những tên dã man Germany, thì ở Nga cũng có lũ hung bạo Horde[3]. Với lịch sử Nga, điều này có thể có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với sự khác biệt của hai nhánh Ki Tô giáo. Văn hoá Nga và nhà nước Nga là sản phẩm kiến tạo có quan hệ tương hỗ giữa những yếu tố Slave với những yếu tố Mongol. Chỉ những ai nhìn lịch sử qua cặp kính tư tưởng hệ mới không trông thấy điều đó.
Sau khi tưới máu mình lên cánh đồng Hy Lạp - La Mã, nếu các dân tộc Germany có thể gieo lên đó những hạt giống dân chủ thuần chủng làm thành nhân tố quyết định vai trò chủ đạo của xã hội công dân trong lịch sử phương Tây, thì người Horde lại ban cho nước Nga loại siêu vi trùng quốc gia phương Đông. Với người Mông Cổ, cuộc chinh phạt Trung Hoa không biến mất vô tăm tích. Tinh thần của văn hoá cổ đại phương Đông được phản ánh trong tổ chức nhà nước, thậm chí trong cả tâm linh của người Horde. Những người Mông Cổ đã đưa văn hoá Trung Hoa tới phương Tây như muỗi mang theo bệnh sốt rét. Tinh chất Trung Hoa được chế thêm tinh thần thượng võ Mông Cổ đã bù cho sự bất lực từ thời xa xưa của dân Slave trong việc hình thành nhà nước thiếu sự trợ giúp từ phía bên ngoài. Nhưng cùng với những điểm ưu việt, nó buộc phải hấp thụ cả những khiếm khuyết. Ở Nga, nhà nước bao giờ cũng đứng cao hơn xã hội và biến thành nhân tố chủ đạo trong sự phát triển văn hoá của nó. Trong văn hoá Nga có nhiều khớp, đốt phản tự nhiên. Một trong số những đốt như thế là sự kết nối giữa một xã hội ngả theo kiểu phương Tây với nhà nước theo kiểu phương Đông.
Tính song hành trong sự phát triển văn hoá của Nga và phương Tây không chỉ bộc lộ trong đời sống thế tục, mà còn thể hiện trong đời sống tinh thần. Dù theo đạo Ki Tô một cách hình thức, nước Nga Kiev vẫn là xã hội dã man, đa thần giáo. Phải rất muộn sau này, Ki Tô giáo mới trở thành một lực lượng đáng kể, và theo năm tháng, quá trình này diễn ra cùng lúc với sự ra đời của nhà nước Slave-Tartare mới được thể hiện lần đầu trong đế chế Moskva. Từ đây, chính thống giáo trở thành một trục của văn hoá Nga giống như một nhánh khác của Ki Tô giáo với văn hoá phương Tây.
Sau này, chính chính thống giáo đã trải qua quá trình phân rẽ, tạo thành “giáo hội nhà nước” và cùng với nó là những người ly giáo, không theo quốc giáo. Tương tự như thế, Ki Tô giáo phương Tây đã nuôi dưỡng trong lòng mình phái tự do (“Libéralisme”.- ND), còn chính thống giáo lại sinh ra loại chủ nghĩa cộng sản, lúc đầu là vô thần, có chiến đấu tính, sau đó mới lại quay về nhận thức gốc rễ tôn giáo của mình. Điều duy nhất không tìm thấy trong lịch sử tinh thần Nga, ấy là những cuộc cải cách tôn giáo. Cải cách tôn giáo vẫn chỉ là khả năng không thể biến thành hiện thực ở Nga, chính điều này giữ vai trò quyết định số phận - đầy bi kịch - của nước Nga. Sự sa sút của tín ngưỡng mà chúng ta nhìn thấy trong những năm gần đây không phải là chuyện xẩy ra lần đầu trong lịch sử Nga. Nước Nga đã trải nghiệm một cái gì tương tự như thế vào thời loạn lạc từng trở thành tiên triệu của Đế chế, hoặc thời của những cuộc chiến tranh và cách mạng mở đường cho sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng có một sự khác biệt hết sức cơ bản. Trước kia, khi những biểu tượng truyền thống của tín ngưỡng sắp sụp đổ, hoặc chúng chuẩn bị có sự thay thế, sau sự kinh hoàng đẫm máu, nhân dân bao giờ cũng tuân phục quyền lực của một tín ngưỡng mới được nuôi dưỡng dần dần trong các tầng vỉa của xã hội cũ.
Tư tưởng xem nhà nước quân chủ chuyên chế là Thượng đế của loại quyền uy biểu hiện gốc rễ Ki Tô giáo của xã hội chính thống giáo được sinh ra từ rất lâu, trước khi có phong trào li giáo, và ở thời đại của dòng họ Romanov[4], nó chỉ được xem là tư tưởng trung tâm của thế giới Nga. Chủ nghĩa Bolsevich chín muồi trong các tầng vỉa của Đế chế suốt thế kỉ XIX, trước khi trở thành thế giới quan thống ngự gần một trăm năm. Bây giờ chúng ta chỉ có thể nhìn thấy tình trạng suy sụp, chứ không bắt gặp sự cất cánh. Trong không gian tinh thần của nước Nga, không thể nom thấy bất kì một trào lưu nào có tham vọng nắm giữ vai trò biểu tượng mới của tín ngưỡng.
Trên khoảng trống, nơi cần vươn lên toà nhà của chủ nghĩa tự do Nga, hiện chỉ có “những cột cao hoác miệng”. Hệ tư tưởng của cánh tự do chưa làm tròn sứ mệnh ở nước Nga đã đổ sập xuống đất giống như chiếc tàu bay không hợp với độ vút cao thẳng đứng vì động cơ không đủ sức mạnh.
Bây giờ có thể thường nghe người ta nói, rằng không có và chưa bao giờ có những tiền đề tạo nên sự phát triển của chủ nghĩa tự do. Nhưng chuyện không hoàn toàn là như thế. Chủ nghĩa tự do đã rục rịch ra đời trong suốt cả thời kì xô viết. Thứ nhất, sau khi thủ tiêu nền tảng nông nô gia trưởng của đời sống nông thôn và chọc ngoáy vào việc công nghiệp hoá, chủ nghĩa cộng sản đã tạo đà phát triển cho chủ nghĩa cá nhân, hoặc chí ít là nó đã tạo ra mảnh đất dành cho sự phát triển như thế. Thứ hai, sau thế chiến lần thứ hai, xã hội xô viết đã chủ động, dù chỉ là gián tiếp, hấp thụ những giá trị của chủ nghĩa tự do phương Tây. Bắt đầu thực hiện chuyên chính vô sản, chủ nghĩa Bolsevich đã tiến tới sự suy đoán tính vô tội, tới nhà nước pháp quyền, trật tự pháp chế xã hội chủ nghĩa, hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi và rất nhiều “uyển ngữ tự do chủ nghĩa” khác. Cuối cùng, điều có thể xem là quan trọng nhất, vào giữa những năm 1970, ở bộ phận ưu tú của xã hội xô viết đã hình thành một lí tưởng xã hội mới - lí tưởng tự do cá nhân.
Đã xuất hiện một hiện tượng kì lạ có thể gọi là “chủ nghĩa tự do xô viết”. Vào đầu những năm 80, chính nó có đủ nguồn dự trữ tạo nên sự bền vững để ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ thống xô viết. Nguồn dự trữ này đã đủ để làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng vào những năm 1990, nhưng nó lại chưa đủ sức mạnh để bảo vệ thắng lợi ấy. Thất bại của chủ nghĩa tự do Nga theo kiểu mẫu xô viết được quyết định bởi hàng loạt nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về mặt khách quan, nó rất yếu đuối, giống như đứa trẻ được hoài thai và nuôi dưỡng theo kiểu nhân tạo. Nhìn chung, chủ nghĩa tự do không tách được ra khỏi những gốc rễ Ki Tô giáo của mình. Ở phương Tây, nó là kết quả tiến hoá của Ki Tô giáo, là sự thăng hoa của thời đại đại công nghiệp. Phương Tây đã tiến tới sự thăng hoa ấy thông qua cải cách tôn giáo. Ở nước Nga, chủ nghĩa cộng sản với Khrusev[5] và Brejnev[6] đã thay Luther[7] và Müntzer[8] nhận về mình trọng trách cải cách tôn giáo. Không thể xem sự thay thế như vậy là có giá trị hoàn toàn. Cho nên, bởi thường biện minh cho thuyết cứu thế bất tận, đầy tính gây hấn, “chủ nghĩa tự do xô viết” không được đốt lên bởi ngọn lửa tín ngưỡng vô thức, ngọn lửa lúc nào cũng âm ỷ hiện diện trong mỗi tín niệm của chủ nghĩa tự do phương Tây.
Thế thì sự khác biệt của những ngả đường lịch sử trước kia từng không cho phép chính thống giáo thể nghiệm một cuộc cải cách riêng của mình đã “nổ súng” ở đâu? Ở ngã ba lịch sử, nơi vẫn còn nguyên sự lựa chọn giữa chủ nghĩa xã hội Ki Tô giáo và chủ nghĩa Bolsevich. Nước Nga đã băng qua trở ngại, và “con tàu triết học” chở các nhà tư tưởng tôn giáo Nga đã cập bến phương Tây để trở thành đài tưởng niệm “một khả năng lịch sử bị bỏ lỡ” ở đó. Bất luận được sinh ra từ cành nhánh nào của Ki Tô giáo, nếu không có Cải cách tôn giáo, chủ nghĩa tự do vẫn thiêú khả năng sinh tồn.
“Chạy vù” qua cải cách tôn giáo như một giai đoạn phát triển, chính thống giáo đã đánh mất hi vọng được hiện thân trực tiếp trong chủ nghĩa tự do Nga. Nằm chắn ngang giữa chúng là chủ nghĩa cộng sản đã thâu tóm về mình toàn bộ năng lượng. Cho nên, chẳng có gì ngạc nhiên, khi chủ nghĩa tự do, cuối cùng, sau khi chọc thủng vỏ bọc bên ngoài, vẫn chỉ là cái bóng thảm hại của người anh em phương Tây, không đủ khả năng gìn giữ ngọn lửa trái tim người Nga.
Sự can thiệp của “nhân tố chủ quan” vào mọi việc đã đẩy các tai hoạ lên tới điểm chót của nó. Ý đồ đem thứ chủ nghĩa tự do suy nhược ấy áp vào đời sống được thực hiện ở nước Nga nhiệt tình đến nỗi, tựa như xã hội Nga chỉ ngóng đợi một cơ hội trời cho như thế. Kết quả là, những tư tưởng tự do chủ nghĩa nhanh chóng mất hết uy tín, nội dung đích thực của nó bị vứt bỏ và bắt đầu hình thành nền văn hoá quyền uy - vô chính phủ kì quái với chủ nghĩa tự do sơn quét ở mặt tiền.
Rốt cuộc, sau tiếng vỗ oàm oạp ngắn ngủi của năng lượng xã hội vào đầu những năm 1990, ở Nga đã xẩy ra cơn đột truỵ văn hoá. Cùng với niềm tin leo lét vào chủ nghĩa cộng sản, mọi niềm tin, bất luận là tin gì, đều biến mất, và nước Nga rơi vào “cạm bẫy mang sức hút” của văn hoá. Vì dầu sao tín ngưỡng vẫn là cái trục của văn hoá, ngay cả khi đó là sự tín mộ vào sự thiếu vắng của tín ngưỡng. Trong trường văn hoá “không có thuốc nổ”, “hành lang của những khả năng” bị xô lệch, tạo thành vòng tròn đóng kín. Mọi người chạy theo vòng tròn ấy với tham vọng đuổi kịp “nhân loại tiến bộ” và không nhận ra dưới chân mình chỉ là dải băng thiết bị tập luyện thay cho con đường trong sân vận động.
Vào những năm gần đây, người ta thường nói về nước Nga như một xã hội quá độ. Kì thực, có nhiều cơ sở hơn để gọi xã hội Nga hiện nay chẳng phải là xã hội “quá độ”, mà là xã hội “lửng lơ”. Điều đó không chỉ đẩy chúng ta đứng về phía thiểu số, mà còn rất phù hợp với thực tế.
Chúng ta bàn về văn minh và con đường văn minh hoá nhiều tới mức có cảm giác tựa như con người không thể tồn tại ngoài văn minh. Rất tiếc là điều đó không chính xác. Tất nhiên, theo thông lệ, văn minh thường sống lâu hơn con người. Nhưng cũng có trường hợp, nhiều người lại thọ hơn cả nền văn minh của mình. Chính “diễm phúc” này đã rơi vào thế hệ người Nga hiện nay.
Trong lịch sử của nhiều nền văn hoá, các nền văn minh lần lượt thay thế nhau tạo thành những thời đại lớn được nối kết lại giống như những hạt cườm trong một sợi chỉ thống nhất của sự phát triển lịch sử. Trung Quốc hiện nay chí ít là dựa trên nền tảng của ba tầng văn minh. Châu Âu, cũng như nước Nga từng là cái nôi của một số nền văn minh. Nhưng nói chung, kết thúc một nền văn minh này, không có nghĩa là tiếp theo đó sẽ có một nền văn minh khác tự động xuất hiện. Điều này vẫn cần được nghiên cứu. Có thể xẩy ra trường hợp, thời đại mới sẽ hoàn toàn không xuất hiện. Mà cũng có thể, bản thân sự chờ đợi thời đại mới sẽ làm thành một thời đại riêng. Một số dân tộc đã chờ đợi mòn mỏi như thế hàng nhiều thế kỉ.
Buộc phải tồn tại ở những nơi giao cắt và những khúc gẫy của các nền văn minh tương tự, con người toan tính, tìm cách nào đó để tổ chức cho mình một cuộc sống “lửng lơ”. Kết cục là xuất hiện xã hội “lửng lơ” - một xã hội, mà nhờ hoàn cảnh, đã tách ra khỏi một trường văn hoá (văn minh) này, nhưng vẫn chưa nhập vào một trường văn hoá (văn minh) khác. Đó là sự cố kết giữa những con người được hợp nhất lại bởi một quá khứ văn hoá chung, nhưng ở thời điểm hiện tại, họ không gắn bó với nhau về mặt tinh thần. Đó сhính là đám “cư dân” vẫn cư ngụ trên miệng ngọn núi lửa đã tắt.
Nếu gặp may, xã hội “lửng lơ” có thể được tổ chức nhà nước ít nhiều bền vững tậu làm nơi sinh cơ lập nghiệp[9]. Nhưng tổ chức nhà nước này sẽ giống hệt xã hội đã sinh ra nó. Là sự gắn kết hỗn tạp của những cơ chế và mực thước không có sự thống nhất bởi tư tưởng chung, thiếu khả năng duy trì ổn định xã hội một cách hiệu quả, tổ chức nhà nước ấy buộc phải trải qua thử thách của thời gian về sự bền vững trước áp lực của mhững sức mạnh xã hội tự phát mà nó không thể kiểm soát.
Với tư cách là nhân tố tổ chức một cách tự nhiên đời sống của các xã hội “lửng lơ”, những cuộc cách mạng chính trị không đủ sức thay đổi bản chất của chúng. Cho nên, dẫu có bao nhiêu cuộc nổi loạn “màu” thì cũng không thể lay chuyển được Ukraina, Gruzia, Kirgizia…, và chỉ cần bụi đất cách mạng vừa lắng xuống, tệ quan liêu thời tiền cách mạng tất yếu sẽ lại trỗi dậy từ mọi “xó xỉnh”. Chừng nào thời đại “lửng lơ” chưa kết thúc bằng cách này hay cách khác, mọi chuyện sẽ tiếp diễn mãi như thế.
Xã hội “lửng lơ” cũng tồn tại trong trạng thái vận động vĩnh cửu, nhưng sự vận động ấy không có nghĩa là phát triển. Khác với sự vận động thông thường có thể duy trì bằng kinh tế và chính trị, sự phát triển chỉ có thể được đảm bảo bằng văn hoá, mà trong một xã hội như thế, văn hoá chỉ tồn tại như cái vỏ bề ngoài, như cái bóng của quá khứ. Muốn xã hội “lửng lơ” tìm lại cho mình năng lực phát triển và tiến bộ, phải có một trận cuồng phong của nền văn minh mới bao phủ lấy nó.
Loại thể thao mang tính dân tộc của chúng ta hôm nay, ấy là dậm chân tại chỗ. Trong điều kiện ấy, hoạt động sống của xã hội dẫu năng động đến đâu cũng không thể dẫn tới sự lớn mạnh của văn hoá. Mà thiếu “tư bản hoá” văn hoá, nước Nga sẽ chỉ là chú sóc chính trị trong bánh xe kinh tế thế giới. Muốn trượt khỏi bánh xe ấy, trước hết chúng ta phải kéo văn hoá Nga thoát khỏi “hố đen” của không gian văn hoá thế giới.
[1] Pastukhov Vladimir Borisovich (sinh: 22.4.1963): Phó tiến sĩ Luật học (1988), Tiến sĩ Chính trị học (1996), hiện là Viện Trưởng khoa học Viện Công pháp và Chính sách công, Liên Bang Nga (IP&PP).
[2] Tất nhiên, khái niệm “thời đại hậu công nghiệp” được sử dụng ở đây chỉ mang tính ước lệ. Trong thực tế, thời đại này gần như được chia thành hai giai đoạn: “tiền công nghiệp” (vì một lí do nào đó giai đoạn này vẫn chưa kết thúc) và sự hình thành xã hội hậu công nghiệp, khi khoa học trở thành bộ phận liên kết của nền sản xuất. Vào những năm sau chiến tranh, sự xuất hiện của những Tổ chức phi chính phủ chỉ ra rõ nhất đặc điểm của xu hướng phát triển ấy.
[3] Tiếng Nga: “Орда”, có nguồn gốc từ ngữ hệ Tuyếc, chỉ những cư dân du mục.- ND
[4] Một dòng họ quý tộc lâu đời của Nga (Romanov chính thức trở thành tên của dòng họ này từ giữa thế kỉ XVI) và sau này là triều đại của nhiều Sa hoàng và Hoàng đế Nga.- ND.
[5] Khrusev Nikita Sergeevich (1894-1971): Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ 1953 đến 1964, Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng Liên Xô từ 1958 đến 1964.- ND
[6] Brejnev Leonid Ilich (1907 – 1982): Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ 1964 đến 1982.- ND
[8] Müntzer Thomas (1490-1525): Nhà cách mạng người Đức, nhà Cải cách tôn giáo, lãnh tụ khởi nghĩa nông dân trong cuộc Chiến tranh nông dân 1524 – 1526 ở Đức.- ND
[9] Nếu không thế, nó sẽ bị nhấn chìm trong những cuộc bạo loạn, và những ông láng giềng sẽ nuốt chửng nó.