Nhìn ra thế giới

Một bước lùi, hai bước tiến: Xã hội và nhà nước Nga trong không gian văn hoá thế giới (Phần II)

Kinh tế Nga

Trong không gian văn hoá thế giới, kinh tế vận hành tương tự như là la bàn đặt ở vùng cực,- nó sẽ mất hết các phương hướng.

Có hai sự kiện trong lịch sử kinh tế Nga hiện đại buộc phải chú ý kĩ lưỡng như nhau - sự dễ dàng đến kì quái trong việc phù phép, biến sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân chỉ trong vòng mấy năm, và sự sững sờ xuất hiện ngay sau đó, khi nền kinh tế của đất nước sụp đổ.

Sau những thành công kinh hoàng trong các cuộc cải cách của Gaidar[2], tức là sau khi những hình thái mới của các quan hệ kinh tế giữa vô khối những “chủ thể hoạt động kinh doanh” chẳng biết đến từ đâu lần lượt đua nhau xuất hiện như có phép thần thông quảng đại, bắt đầu giai đoạn trì trệ sâu sắc, đôi khi cũng có sự ngắt quãng bởi những cuộc giao chiến cục bộ để giành giật những nguồn dự trữ không thể chia chác. Chắc những nhà khởi xướng cải cách dân chủ không định vẽ ra cho chúng ta viễn cảnh của việc tư hữu hoá trong đời sống của nước Nga như thế.

Mọi chuyện trên đời đều có thể giải thích. Trong trường hợp này, với chúng ta, điều quan trọng là chỉ có một lời giải thích chung cho cả hai sự kiện ấy - cả sự dễ dàng của chiến thắng lẫn sự trì trệ đều có nguyên nhân và được quyết định bởi khuynh hướng phát triển của nền kinh tế Liên Xô. Cuộc cách mạng kinh tế mà ngày nay người ta ghi nhận công lao thực hiện cho tất cả những ai không lười biếng là một huyền thoại. Những quan hệ kinh tế mới đã chín muồi từ các tầng vỉa của nền kinh tế xô viết, và các nhà cải cách chỉ còn phải làm mỗi một việc là bóc lớp vỏ khô ra khỏi trái hồ đào đã chín. Cho nên các cuộc cải cách mới tiến hành dễ đến thế! Nhưng tai hoạ là ở chỗ, mụ mị vì tự cao tự đại, các nhà cải cách đã dùng dao cắt nát trái hồ đào và định tạo cho nó cái hình hài giống những gì được hướng dẫn trong sách giáo khoa kinh tế dành cho sinh viên lớp trên ở một trường đại học loàng xoàng của Mĩ.
Nghe có vẻ phi lí, nhưng quả là cả những người phê phán này lửa, lẫn những người ngợi ca trung thành hệ thống kinh tế xô viết đều nhìn thấy ở đó một cái gì tựa như là “homunculus”[3]. Sự khác biệt chỉ là, những người phê phán thì ghi điểm nó bằng một dấu “trừ”, vì cho rằng, nó đã “đẩy” nước Nga trệch khỏi chính đạo, còn những người ngợi ca thì cho dấu “cộng, vì bảo rằng, nó đã “lái nước Nga vào con đường đúng đắn”. Cả những kẻ phê phán, lẫn những người ca ngợi, không một ai nghĩ ra rằng, câu chuyện chỉ liên quan tới một lát cắt nhỏ của một đại lộ xuyên qua thế kỉ của lịch sử Nga.
Vậy cái gì đang cản trở nền kinh tế xô viết hoà nhập vào kinh tế Nga, với kinh tế thế giới, để nó được ghi danh vào ngữ cảnh kinh tế của nhân loại? Trước hết, đó là sự hiểu biết không đầy đủ về bản chất của sở hữu nhà nước ở Liên Xô. Những kẻ phê phán chế độ xô viết đã trở thành vật hi sinh của chính tuyên truyền xô viết. Ngày nay chẳng ai còn nghi ngờ là ở Liên Xô từng tồn tại một hình thức sở hữu “xã hội chủ nghĩa” đặc biệt, chẳng giống cái gì, là đối cực của sở hữu tư bản chủ nghĩa và sở hữu tư nhân nói chung. Dựa vào sự đối lập này người ta xây dựng triết lí của những cuộc cải cách, mà thực chất là làm thế nào để khắc phục nhanh nhất “sự lệch lạc bệnh hoạn” so với chuẩn mực kinh tế mà nền “kinh tế mệnh lệnh - hành chính” xô viết đã mắc phải khi phủ định nguyên tắc sở hữu tư nhân.
 Ở Nga, rất thịnh hành một quan niệm ngây thơ, thô thiển về sở hữu, theo đó, sở hữu bị đồng nhất với chiếm hữu một cách giản đơn. Với người thô thiển thì sở hữu tư nhân đúng là không thay đổi. Nhưng trong thực tế, cơ chế sở hữu tư nhân cũng phát triển cùng với xã hội, và ở đây, nước Nga không phải là ngoại lệ. Biểu hiện bề ngoài của quyền sở hữu ở tất cả các thời đại đều được thâu tóm trong tam đoạn thức La Mã: chiếm hữu, sử dụng, phân phối. Nhưng những biểu hiện của cái quyền ấy lại được thay đổi từ thời đại này qua thời đại khác và chịu sự quy định bởi nội dung cụ thể - lịch sử của nó. Từ bên trong, các quan hệ sở hữu khiến ta liên tưởng tới một tinh thể kì diệu, trong đó, mọi mối liên hệ và quan hệ xã hội khác được phản ánh dưới dạng tập trung nhất.
Ở mỗi thời đại, mỗi xã hội, con người chiếm hữu, sử dụng và phân chia của cải theo cách riêng của mình. Điều đó lệ thuộc không ít vào tính chất của bản thân của cải. Ví như, có một sự khác nhau cơ bản trong việc chiếm hữu, sử dụng và phân phối giữa tài sản của dân cày thời cổ đại và cổ phần của doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại. Ở đây có mức độ tự do và sự hạn định khác nhau, cơ chế thực hiện quyền lợi và giải quyết tranh tụng khác nhau. Quan hệ sở hữu thường xuyên trở nên phức tạp theo quy luật lịch sử, hơn nữa, quá trình này diễn ra theo kiểu nhảy vọt, thông qua những bước nghỉ tiệm tiến, tạo thành những loại hình khác biệt với nhau về cơ bản, mà thường là gắn với một phương thức sản xuất nào đó.
Ai cũng thừa nhận, đ ặc điểm nổi bật của nền kinh tế Nga thời tiền xô viết là tính đa tằng hệ. Nhiều người, kể cả V. Lenin trong tác phẩm Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga[4], đã chú ý tới đặc điểm này. Bản chất của tính đa tằng hệ là ở chỗ, các hình thức sở hữu tư nhân mới, phức tạp hơn, được xuất hiện không phải để thay thế các hình thức cũ, mà cùng tồn tại bên cạnh chúng. Tình hình ấy về cơ bản phù hợp với những đặc điểm được miêu tả ở trên về sự phát triển của văn hoá Nga nói chung, với tính chất nửa vời, dở dang muôn thủa của nó. Cho nên, tận cuối thế kỉ XIX, nền kinh tế Nga vẫn khiến người ta liên tưởng tới tiệm đồ cổ, trong đó, trên một cái giá, có thể thấy cùng bày loại cuốc bàn của anh thợ cày Slave, cái hái của người nông dân trong thơ Nhecrasov và cả chiếc rìu mà các nhân vật của Tsekhov dùng để phá vườn anh đào.
Những hình thức sở hữu mới rất khó giành giật cho mình một không gian kinh tế, đành vớ lấy những xó xỉnh mà các hình thức cũ không chiếm giữ. Lần theo sự đa dạng của chúng, giống như dựa vào vòng tuổi ở lát cắt trên cây gỗ, có thể đoán ra lô gíc tiến hoá của nền kinh tế Nga. Không thể tìm thấy một cái gì trái tự nhiên trong lô gíc ấy. Sự phát triển đã diễn ra từ những hình thức thô sơ tới những hình thức phức tạp hơn. Chỉ khác là ở phương Tây, các hình thức cũ dần dần rơi vào quên lãng dưới áp lực của các hình thức mới, còn nền kinh tế Nga là cả một viện bảo tàng độc đáo giữa thanh thiên bạch nhật, nơi mà mọi nẻo trên cánh đồng bất tận thuộc quyền sở hữu gia trưởng của anh dân cày thời “đồ đã mới”, cùng chen chúc những ô kinh tế nông nghiệp và điền trang của các trang chủ, những âu thuyền buôn bán - đầu cơ tư bản và những cù lao bé xíu của các xí nghiệp tư bản hoàn toàn hiện đại (vào thời ấy).
Ý nghĩa của tính đa tằng hệ của nền kinh tế tiền xô viết và việc khắc phục hậu quả của nó vẫn chưa được thấu hiểu và đánh giá đúng phẩm chất của nó. Ngày nay đang có nhiều biện luận xung quanh đề tài về một “nước Nga mà chúng ta đã đánh mất”. Người ra dựa vào những dự đoán nào đó, vào những thành thựu theo phép ngoại suy ở khu vực tiên tiến của nền kinh tế trên toàn quốc để đưa ra kết luận, rằng, nếu không có bước ngoặt tháng Mười, nước Nga đã trở thành một cường quốc kinh tế vĩ đại. Hơn nữa, họ còn dựa vào cách tính toán máy móc nhịp độ trưởng thành được xây dựng trên giả định về sự phát triển tự do của các hình thức sở hữu tư bản chủ nghĩa và sự thay thế của chúng cho những hình thức cổ xưa[5].
Nhưng vấn đề là ở chỗ, đến đầu thế kỉ XX, ở Nga, sở hữu tư bản chủ nghĩa không thể tiếp tục phát triển tự do. Các quan hệ nội tại của nền kinh tế đa tằng hệ đã rẽ vào ngõ cụt. Chủ nghĩa tư bản ở Nga đã tìm được chỗ đặt chân mà xã hội thời ấy dành cho nó, và, do không có không gian rộng hơn để trưởng thành, nó bắt đầu mục nát, không thể phát triển, giống như cái bào thai nhiều khi chết trong bụng mẹ. Từ quan điểm kinh tế, “cuộc phẫu thuật tháng Mười” là một tất yếu, nó cần cắt đứt mọi hình thức sở hữu không người thừa kế và dọn chỗ cho những hình thức mới. Chuyện còn có thể tranh luận chỉ là vấn đề phương pháp can thiệp của phẫu thuật mà thôi. Nhưng chắc chắn không một ai dám quả quyết, rằng lịch sử khi ấy vẫn còn dành thời gian để chọn lựa cẩn thận bác sĩ ngoại khoa và bộ dao mổ. Người ta đã mổ bằng thứ có được ở trong tay. Trong tay lúc ấy chỉ có Bolsevich.
Và bây giờ chúng ta sẽ bàn về điểm mấu chốt nhất - bản chất kinh tế của cuộc cách mạng “xã hội chủ nghĩa” ở nước Nga. Đã một trăm năm trôi qua, nay có khả năng hi hữu để “đánh giá theo kết quả”, rốt cuộc, phải tách những gì mà cách mạng đã nói về mình với những gì nó đã làm được trong thực tế. Cách mạng đã quét sạch không gian kinh tế cho những hình thức sở hữu hiện đại đã và vẫn đang - theo những tham số cơ bản của mình cho đến lúc này - là những hình thức tư bản chủ nghĩa, tức là những hình thức dựa vào đầu tư vốn cho việc xây dựng những xí nghiệp sẽ sử dụng kĩ nghệ hiện đại với mục đích sinh lợi. Cuối cùng, ở Liên Xô đã xuất hiện một nền kinh tế đúng như vậy, nhưng với một bổ cứu cơ bản - chủ thể hoạt động tư bản duy nhất trong xã hội là nhà nước.
Trong ý nghĩa kinh tế, “chủ nghĩa xã hội” xô viết là chủ nghĩa tư bản với nhà nước là người đầu tư và nhà kinh doanh điều khiển tập đoàn dưới tên gọi “SSSR”[6].
          Có một sự tương đồng rõ nét đập ngay vào mắt giữa chính sách đối nội trong Tập đoàn đa quốc gia với mô hình lãnh đạo xô viết, ví như sự ảnh hưởng quá mức của chủ nghĩa quan liêu trong nội bộ tập đoàn, việc hướng toàn bộ hệ thống vào mục đích đạt những chỉ tiêu hình thức, đôi khi vì thế mà gây thiệt hại cho công việc thực tế, trì hoãn một cách giả tạo quá trình thông qua những quyết định chiều theo sự ngạo mạn cá nhân v.v… Về phần mình, những vụ bê bối liên miên ở các tập đoàn “Enron”, “Parmalat”, “Arthur Andersen”, “Taiko” và nhiều mẫu hạm khác của nền kinh tế thế giới đã chỉ rõ, rằng “chẳng có thứ gì của chủ nghĩa xã hội xa lạ” với chủ nghĩa tư bản.
          Hình thức sở hữu “xã hội chủ nghĩa” thực chất chỉ là huyền thoại, là ảo tưởng, là sự tuyên truyền. Cách mạng tháng Mười dẫu có trương lên những khẩu hiệu gì đi nữa, thì trong thực tế nó vẫn là cú hích tác động tới sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga. Nó đã dùng phương pháp đổ máu và cướp bóc để giải quyết vấn đề đa tằng hệ của nền kinh tế Nga, huỷ diệt triệt để mọi nề nếp cổ xưa, xéo nát cánh đồng sở hữu gia trưởng về mặt ruộng đất, kết liễu sự tồn tại của giai cấp nông dân thời “đồ đã mới”. Một câu hỏi khác cần tìm lời giải đáp: Trên cánh đồng ấy, nó đã gieo cái gì?
          Đó là chủ nghĩa tư bản không người thừa kế - chẳng có giai cấp tư sản, vai trò của giai cấp này đã được đám quan chức giành lại cho mình; chẳng có giai cấp nông dân, vì nông dân bị biến thành tầng lớp “vô sản làng” sống trong các hãng nông nghiệp, chẳng có tầng lớp trung lưu, vì nó được thay bằng tầng lớp trí thức. Tuy nhiên, đó vẫn là một doanh nghiệp tư bản hiện đại, có khả năng cải tạo đất nước, xây dựng một nền tảng công nghiệp hùng manh trong vòng chưa đầy một trăm năm. Chủ nghĩa tư bản thời tiền cách mạng chưa bao giờ có thể giải quyết được nhiệm vụ này. Không thể giải quyết, chẳng phải vì nó kém cỏi, mà vì, trong nền kinh tế Nga không có chỗ dành cho sự phát triển của nó. Và dẫu chúng ta có tranh luận thế nào đi nữa về vấn đề, nước Nga đã kiếm được gì từ cách mạng, thì vẫn không thể phủ nhận điều hiển nhiên: nó đánh mất không quá nhiều giống như bây giờ người ta viết trong sách vở và báo chí.
          Sau gần 80 năm tồn tại, hệ thống tư bản nhà nước ở Nga đã tạo ra một sự tiến triển vô cùng lớn lao. Trong phạm vi của sự tiến hoá ấy, có thể thấy rõ hai khuynh hướng: tan rãtha hoá.
Khuynh hướng tan rã lập tức xuất hiện ngay sau khi hệ thống tư bản nhà nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử đầu tiên là triệt tiêu tính đa tằng hệ của nền kinh tế và trước mặt nó nổi lên trọng trách chuyển từ chế độ “điều hành kịch biến” sang chế độ “điều hành linh hoạt” ổn định. Chủ nghĩa độc quyền, trong những điều kiện khủng hoảng đã góp phần đạt được những kết quả chưa từng thấy trong lịch sử, đến giai đoạn này trở thành vật cản phanh hãm sự phát triển. Do thiếu sự cạnh tranh trong thị trường nội địa, nền kinh tế xô viết, được tổ chức tương tự theo kiểu công hội tư bản quốc tế, đánh mất các nhân tố tối thiểu buộc phải đổi mới giống như các tập đoàn đa quốc gia hiện nay có được. Những khuyết tật ấy không thể sửa chữa bằng các biện pháp tư tưởng và chính trị.
Trong thực tế, khuynh hướng tha hoá xuất hiện đồng thời cùng với khuynh hướng tan rã. Trước hết, nó đụng chạm tới các vị “hạm trưởng” của nền kinh tế xô viết, những người lấy danh nghĩa nhà nước để hoạt động, nhưng chỉ theo đuổi các lợi ích tư hữu (cá nhân và cục bộ). Tình trạng biệt lập cục bộ và sự tư nhân hoá trên thực tế nắm tay nhau cùng tiến, khiến việc lãnh đạo các hệ thống kinh tế - xã hội thường xuyên vượt qua ranh giới chia tách điều hành sở hữu nhà nước với điều hành sở hữu tư nhân. Và người ta càng nhắc nó nhiều hơn về sự tồn tại của ranh giới ấy, càng làm tăng thêm sự kích thích chống lại chế độ. Chủ nghĩa quan liêu có tham vọng trở thành giai cấp tư sản, không chỉ theo chức năng của nó trong xã hội, mà còn cả định chế, trong đó có pháp chế.
          Vào cuối những năm 1970, nền kinh tế xô viết, không cần bất kì sự can thiệp bên ngoài nào, tự nó đã chín muồi những điều kiện khiến hệ thống tư bản quốc gia buộc phải “bãi bỏ sở hữu nhà nước”. Một mặt, và đây là nguyên nhân chính, nó đánh mất nhịp độ phát triển do độc quyền tuyệt đối. Mặt khác, sự phát triển của hệ thống hạch toán kinh tế đã tiến tới giới hạn, mà nều vượt quá sẽ làm lộ ra diện mạo của sự tư nhân hoá. Trạng thái cân bằng đã lung lay tới mức, mọi cú huých bên ngoài đều có thể tạo ra một thay đổi cơ bản. Cho nên, chẳng cần phải phóng đại vai trò của các vị “thủ lĩnh cải tổ” trong việc đảm bảo thắng lợi cho “doanh nghiệp”. Nhưng ở việc làm biến dạng toà nhà kinh tế Nga ngay sau thời điểm khởi đầu các cuộc “cải cách”, thì công lao của họ quả là không nhỏ.
Mọi chuyện đều ở phương pháp, mà việc lựa chọn phương pháp lại phụ thuộc vào sự đánh giá chính xác. Nếu “sở hữu xã hội chủ nghĩa” là có thật, nếu sự thật đó là bệnh lí kinh tế học, thì việc xây dựng chủ nghĩa tư bản phải bắt đầu từ số không, và quá trình ấy phải đi đôi với sự thay đổi mang tính cách mạng của nền móng kinh tế cũ (điều này đã được làm trong thực tế). Nếu “sở hữu xã hội chủ nghĩa” chỉ là chuyện phù du được sử dụng để miêu tả hệ thống tư bản nhà nước, thì không cần phải xây dựng, mà cần tổ chứ lại, và ai cũng biết, công việc ấy rất tinh tế (và cũng rất tốn kém). Ở đây không cần đập vỡ, mà cần cẩn trọng tháo dỡ dầm xà của các kết cấu kinh tế để tạo dựng một không gian kinh tế mới.
Vấn đề kinh tế chính yếu không phải là tư hữu hoá, mà là thủ tiêu độc quyền kinh tế. Cần phục hồi cạnh tranh ở thị trường nội địa, chuyển từ chủ nghĩa tư bản nhà nước sang chủ nghĩa tư bản hiện đại với những tập đoàn công cộng khổng lồ. Tất nhiên, ở đây không loại trừ tư hữu hoá. Nhưng chỉ nên giao cho nó chức năng bổ trợ, chứ không phải chức năng chính yếu. Trước hết, nó có trách nhiệm giảm gánh nặng cho nhà nước trong việc vận hành thị trường tiêu dùng. Việc tư hữu hoá một cách nhanh chóng các kì hạm của nền kinh tế tạo thành bộ khung của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Nga, quả là không còn lời để nói. Quá trình tư hữu hoá ở đây chẳng nói thêm được gì cả ở mặt thực tiễn, lẫn bình diện lí thuyết.
Lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia là một quá trình phức tạp tới mức, chỉ những ông cố vấn từ đại học Harvard xa lạ với thực tại kinh tế và các bình luận viên kinh tế của mấy tờ tạp chí cộng sản mới có thể nói rằng, muốn hoạt động của chúng có hiệu quả cần phải có nhiệt tâm của chủ sở hữu tư nhân. Mỗi cổ đông sẽ bắt đầu điều hành xí nghiệp tư bản hiện đại giống như bà đầu bếp của Lenin lãnh đạo quốc gia. Ở đây, tư hữu hoá có thể mang lại lợi ích trong giai đoạn chót của những cuộc cải cách, như một phương thức thu hút đầu tư. Trong thực tế, nó đã trở thành phương thức cướp bóc và phá hoại các doanh nghiệp tư bản xô viết.
Từng có một sai lầm hi hữu do sự ngu xuẩn. Đặt ra nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa tư bản ở nước Nga, các vị “thủ lĩnh cải tổ” liền xem việc đầu tiên phải làm là kinh tế tư bản. Họ tiến hành tháo dỡ thay vì thủ tiêu độc quyền. Nhưng ai cũng biết, chốn linh thiêng, thường kkông bỏ trống. Cho nên, trên địa điểm của nền kinh tế, dù mang tiếng quốc gia, thực ra là tư bản, xuất hiện ngay một nền kinh tế khác mà chỉ những người lạc quan nhất mới dám gọi nó là tư bản.
Trên thực tế, việc tư hữu hoá miễn phí đã chuyển nền kinh tế xô viết vào tay những kẻ sẵn sàng chiếm đoạt toàn bộ tài sản “xã hội chủ nghĩa”, nhưng không sẵn sàng điều hành nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Kinh tế thương mại giữ vị trí ưu trội trong nền kinh tế Nga, có nghĩa về bản chất, nó là hình thái kinh tế tiền tư bản. Cốt lõi của đời sống kinh tế không phải là sản xuất, mà là mua đi bán lại của các chủ thể sở hữu. Cho nên, không phải dưới thời chủ nghĩa cộng sản, mà là bây giờ, lần đầu tiên sau mấy trăm năm, đang có một bước thụt lùi trong sự tiến hoá của nền kinh tế Nga. Những cuộc cải cách đã dẫn tới bước quá độ từ tư bản nhà nước sang các hình thái tổ chức tiền tư bản của đời sống kinh tế, sang tư bản thương mại và phiêu lưu (theo cách diễn đạt của Max Weber). Cho nên, hoàn toàn chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi theo sau chân họ là cơn đột truỵ và sự trì trệ kinh tế.
Thật lạ lùng là chính sự độc quyền, gót chân Achilles của nền kinh tế xô viết, lại ít phải chịu đau đớn nhất. Môi trường cạnh tranh không được mở rộng. Chỉ mỗi chủ thể hoạt động độc quyền là thay đổi. Trước kia, đó là dàn kèn trống inh ỏi được tổ chức chặt chẽ lớp lang duy nhất của nhà nước; còn bây giờ, là “tập đoàn những yêú nhân được quyền sử dụng nguồn tài nguyên dân tộc”, là liên minh phức tạp của những tổ chức móc nối theo chiều dọc của những tay đầu sỏ các ban ngành, ràng buộc với nhau bởi hệ thống nhà nước nằm trong bóng tối, nhưng không chịu chầu rìa. Cơ chế độc tài mới không tạo ra bất kì nguồn kích thích mới nào cho sự phát triển kinh tế, bởi vì nó dựa vào những nguyên tắc bóp nghẹt cạnh tranh, giống hệt như sự độc tài cũ. Cho nên, sự độc quyền mới đã thua sự độc quyền cũ rất đậm trong văn hoá kinh tế.
Tác dụng duy nhất có thể cảm nhận một cách thực tế của việc tư hữu hoá đại trà theo kiểu Nga là sự biến mất hoàn toàn tính trong suốt của kinh tế. Bạo lực đi kèm với các quá trình tư hữu hoá đã thấm vào xương tuỷ, máu thịt của hệ thống mới được tạo ra. Kết cục là từ bụi bặm của nền kinh tế xô viết, sự lũng đoạn độc quyền không chống lại nạn quan liêu đã già nua từ thời xô viết, mà chống lại tư bản thương mại tiền tư bản chủ nghĩa - tham lam, hoài nghi, cướp bóc.
Độc quyền đầu sỏ không có khả năng tạo ra sự lớn mạnh và phát triển về chất. Sự trì trệ “xã hội chủ nghĩa” đã được thay thế bằng trộm cắp. Nền kinh tế xô viết sống bằng sự phân phối, nền kinh tế trộm cướp sống bằng tái phân phối. Các hình thức tái phân phối càng ngày càng văn minh hơn. Nhưng hình thức không thay đổi bản chất: khi vẫn giữ các luật chơi như cũ, tư bản xuất hiện nhờ dùng bạo lực để tước đoạt tài sản của người khác sẽ tăng lên bằng chính cách ấy. Nhưng luật chơi thì vẫn không thay đổi: cả pháp lí, lẫn tư tưởng hệ.
Chuyển động Brown của nền kinh tế tạo ra ở Nga một hình thức bề ngoài của đời sống kinh tế có tổ chức. Các thiết chế kinh tế hoạt động, các doanh nghiệp nhập vào tách ra, các sản nghiệp mua đi bán lại, nhưng hoàn toàn không thấy rõ sự tăng trưởng kinh tế. Không thể có sự tăng trưởng như thế, vì không có quá trình tư bản hoá. Sở dĩ không có tư bản hoá, vì không có chủ nghĩa tư bản đích thực và văn hoá sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chỉ có sự đầu cơ bao trùm toàn bộ đất nước - đầu cơ các giá trị vật chất và tinh thần, đầu cơ của cải và quan hệ giữa người với người,       buôn bán lẻ diễn ra trong gia đình và ngoài xã hội, ở cả nhà lẫn nơi làm việc. Chính sự đầu cơ quyết định tinh thần của xã hội Nga hiện nay, nhưng đó không phải là tinh thần của chủ nghĩa tư bản, hay kinh tế thị trường. Bản thân sự đầu cơ chỉ đẻ ra sự đầu cơ. Hoa thơm quả ngoạt của hoạt động kinh tế ngày nay đang đội nón ra đi giống như nước thấm qua cát để vào các ngân hàng nước ngoài, các biệt thự, các vật dụng xa hoa, vào đâu tuỳ thích, chỉ trừ mỗi một chỗ, ấy là tư bản hoá nền kinh tế của đất nước. Tư bản thương mại không biết, không thể và không muốn phát triển ở Nga một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại.
Bị tư hữu hoá sập xuống, nền kinh tế Nga đánh mất phương hướng phát triển. Nó lăng xăng bên lề đường của tiến trình kinh tế thế giới và không thể tự mình quay lại một phần lộ trình đã đi qua. Muốn làm được điều đó, phải có một cỗ xe kéo chính trị. 
                                                                                                                                        Lã Nguyên dịch
                                                                                                                        Nguồn: Tạp chí “Polis”, số 6/2005. (http://www.politstudies.ru/fulltext/2005/6/5.htm).



[1] Pastukhov Vladimir Borisovich (sinh: 22.4.1963): Phó tiến sĩ Luật học (1988), Tiến sĩ Chính trị học (1996), hiện là Viện Trưởng khoa học Viện Công pháp và Chính sách công, Liên Bang Nga (IP&PP).
 
[2] Gaidar Ego Timurovich (1956-2009): Nhà hoạt động quốc gia, hoạt động chính trị, nhà kinh tế, một trong những nhà lãnh đạo các cuộc cải cách kinh tế cấp tiến vào đầu những năm 1990 ở Nga.-ND
[3] “Humunculus”: Theo quan niệm của các nhà giả thuật kim cổ đại, thì đó là bản thể giống như người, có thể tạo ra bằng cách nhân tạo (tiếng La tinh: “humunculus” có nghĩa là “người”).-ND.
[4] Tác phẩm được viết in báo từ năm 1896 đến 1899, lần đầu tiên in thành sách riêng vào cuối tháng 3 năm 1899, hiện nay in trong V.I.Lenin.- Toàn tập, Xb. lần thứ 5, tập III (tiếng Nga).- ND
[5] Còn một sai lầm phổ biến khác, ấy là quan niệm về người nông dân Nga như một anh thợ cày tự do, gần như người tư bản được độc lập điều hành sản nghiệp của mình trong thời cách mạng Pháp. Thực tế chứng tỏ, phần lớn giai cấp nông dân Nga bị kìm hãm trong lề lối gia trưởng, vĩnh viễn là đám đông thời “đồ đã mới”, không được văn minh tách ra, theo cách diễn đạt của Toynbee.
[6] Tiếng Nga: “СССР”, chữ viết tắt của “Союз Советских Социалистических Республик”, nghĩa là “Liên Bang Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết”.- ND.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511062

Hôm nay

261

Hôm qua

2359

Tuần này

21436

Tháng này

217935

Tháng qua

121356

Tất cả

114511062