Tuệ Trung Thượng sĩ đã ảnh hưởng đến Thiền phái Yên Tử như thế nào? Ảnh hưởng này bắt nguồn từ mối quan hệ giữa ông với Trần Nhân Tông ngay từ rất lâu trước khi nhà vua xuất gia tu hành. Là anh vợ của Trần Thánh Tông, với kiến thức và sự thể hội Phật học uyên súc của mình, Tuệ Trung Thượng sĩ từng được vua Trần Thánh Tông rất kính trọng, gọi bằng sư huynh, và ký thác Trần Nhân Tông cho ông dạy dỗ. Một lần, Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, vợ Trần Thánh Tông, mời ông anh Tuệ Trung vào cung ăn tiệc. Trên bàn tiệc có cả cỗ mặn lẫn cỗ chay. Thấy anh mình trong bữa ăn quên cả kiêng khem mà nhúng đũa cả vào cỗ mặn một cách phóng túng, Hoàng hậu khẽ nhắc ông: “Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được ?”. Tuệ Trung Thượng sĩ cả cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh ; anh không hề muốn làm Phật, Phật cũng không hề muốn làm anh. Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát, đó sao?”. Trần Nhân Tông bấy giờ cũng có mặt trong bữa tiệc, lần đầu tiên một cách lý giải khoáng đạt như vậy đã in sâu vào tâm trí còn rất non trẻ của ông vua Trần. Thế rồi một thời gian sau, vào tháng Hai năm 1287, Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm qua đời, Vua Trần Thánh Tông cúng chay cho Hoàng hậu, cho con là Trần Nhân Tông đi mời Tuệ Trung đến dự. Lúc này Trần Nhân Tông đã lớn, đã lên ngôi báu được 9 năm. Nhưng từ lâu nhà vua vẫn có một điều tâm niệm thành kính là tham bác sâu vào những điều huyền cơ của Phật giáo. Ông đề nghị Thượng sĩ giúp đỡ. Tuệ Trung bèn trao cho nhà vua hai bộ kinh Tuyết đậu và Dã hiên để vua xem những lúc rảnh rỗi việc công. Nhớ lại câu chuyện đàm thoại giữa Thượng sĩ và mẹ mình hồi nọ, lại có chút băn khoăn về hành vi gọi là “hòa quang đồng trần” của vị Thượng sĩ nổi tiếng khắp trong triều ngoài nội mà mình chưa hiểu rõ, vua làm bộ ngây thơ hỏi ông: “Bạch Thượng sĩ, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu thì làm thế nào thoát khỏi tội báo ?”. Tuệ Trung liền trả lời vua: “Nếu có người đang đứng quay lưng lại, thình lình vua đi qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì ném ra phía sau trúng nhầm vào vua. Thử hỏi: người ấy có sợ không ? Ông vua có giận không ? Phải biết, hai việc ấy không dính líu gì với nhau vậy”.
Rồi ông đọc hai bài kệ sau đây cho vua nghe:
Vạn pháp đều biến diệt,
Tâm ngờ tội liền sinh.
Xưa nay không một vật
Mầm mống hỏi đâu thành ?
Hàng ngày khi đối cảnh,
Mọi cảnh từ tâm sinh.
Cảnh tâm không có thật,
Chốn chốn ba-la-mật [1]
Nhân Tông thưa với Tuệ Trung rằng mình đã hiểu lời dạy của ông về “tội phúc”. Nhưng Tuệ Trung biết ông chưa thật hiểu. Ông bèn đọc tiếp bài kệ sau đây:
Ăn thịt và ăn cỏ,
Chúng sinh từng loài đó.
Xuân về cây cỏ sinh
Họa phúc nào đâu có?
Nhân Tông nhân đấy liền hỏi ông câu hỏi vốn đã chất chứa trong tâm khảm nhà vua từ lâu: “Như vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì ?”. Tuệ Trung cười không đáp. Vua cố nài. Ông bèn thong thả đọc cho vua nghe một bài kệ có tính cách khai phóng cho nhãn giới của nhà vua, mà trước khi đọc ông còn cẩn thận dặn vua đừng bảo cho người không ra gì biết:
Trì giới và nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn vượt qua tội phúc,
Ðừng trì giới nhẫn nhục.
Như người khi leo cây,
Ðang yên bỗng tìm nguy.
Không trèo lên cây nữa,
Trăng gió làm được gì?
Một lần gặp gỡ khác, Trần Nhân Tông còn căn vặn Tuệ Trung rằng: Tông chỉ của Thiền phái mà Thượng sĩ theo đuổi là gì. Ý của Nhân Tông là muốn tìm hiểu bí quyết sự giác ngộ của Tuệ Trung khi ông nhận y bát từ tay Thiền sư Tiêu Dao để rút ra cho mình một kinh nghiệm trên đường giác ngộ. Những lời đáp của vị Thượng sĩ làm nhà vua đột nhiên bừng sáng về yếu chỉ của Thiền đạo: “Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, chứ không thể đạt được ở một ai khác”.
Ðấy, những ảnh hưởng tư tưởng sâu đậm của Tuệ Trung Thượng sĩ đối với vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bước đầu là như thế đấy ! Có thể nói thông qua Trần Nhân Tông, ông đã đưa lại cho Phật giáo đời Trần một tinh thần phóng nhiệm, một thái độ dấn thân mạnh bạo, đóng góp phần tích cực vào giải quyết các yêu cầu chính trị của đất nước trong giai đoạn, phá bỏ được những giằng kéo, chấp nê trong hình thức và danh từ. Trong cuộc đời hoạt động Phật giáo của mình, các vị Tổ Trúc Lâm còn được Thượng sĩ chỉ bảo nhiều lần. Cho nên, dù không được Tuệ Trung trực tiếp truyền y bát, Nhân Tông vẫn nhận ông là vị thầy đã khai sáng cho tâm linh mình. Sau ngày ông mất, bộ Thượng sĩ ngữ lục của Tuệ Trung đã được chính tay Pháp Loa biên tập, trông nom khắc ván tại Yên Tử, và Trần Nhân Tông đã viết phần Thượng sĩ hành trạng.
Nhưng có một vấn đề lâu nay vẫn chưa sáng tỏ: Tuệ Trung Thượng sĩ là ai ? Dựa vào nhiều nguồn tài liệu quen thuộc, nhiều người trong chúng ta chắc có thể trả lời ngay: đó là Trần Quốc Tảng, con thứ Trần Hưng Ðạo. Sự thật, không phải như vậy. Trước đây hơn bốn mươi năm, bản thân chúng tôi cũng đinh ninh Trần Quốc Tảng là tác giả Thượng sĩ ngữ lục không có gì phải bàn cãi. Nhưng chỉ một thời gian sau đó khảo sát kỹ hơn mới biết rằng mình đã lầm. Những tìm tòi tư liệu trong hai năm 1973-1974 mà sau này chúng tôi có dịp công bố vắn tắt trong Thơ văn Lý-Trần tập I (1977), đã đưa chúng tôi đến một giả thuyết mới: Người thầy của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không phải là Trần Quốc Tảng mà là Trần Tung. Sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi được biết, một nhà nghiên cứu Thiền học nổi tiếng hiện ở Pháp là Nguyễn Lang, cũng có những phát hiện thống nhất với chúng tôi trong bộ Việt Nam Phật giáo sử luận (Tập I, 1973) mà năm 1978, ông có nhã ý gửi tặng. Tuy vậy, cho đến nay, dư luận bạn đọc vẫn nửa tin nửa ngờ về phát hiện đã nói. Có người còn cho đó là những ý kiến quá táo bạo và lạ lẫm. Chúng tôi rất hiểu tình thế khó khăn của chúng tôi là phải làm sao chiến thắng được một tâm lý quen thuộc vốn đã gắn quá chặt bộ Thượng sĩ ngữ lục cũng như những sợi dây tinh thần giữa Thiền phái Trúc Lâm với cái tên Trần Quốc Tảng. Vì vậy, trong bài này, trước hết xin hãy minh định lại một cách cặn kẽ những nhầm lẫn giữa Trần Quốc Tảng và Trần Tung.
BẮT ÐẦU NHẦM TỪ BÙI HUY BÍCH
Không phải chúng ta mà chính Bùi Huy Bích [2] mới là người khởi đầu của mọi sai lầm. Nói thế, e không khỏi gây nên trong bạn đọc ít nhiều ngờ vực. Chẳng phải ngót 200 năm nay, ông Hoàng giáp họ Bùi vẫn nổi danh là một học trò giỏi của Lê Quý Ðôn, một người cầm bút thận trọng và chững chạc ? Nhưng quả tình là vậy ! Không có ai cùng thời với Bùi Huy Bích, và cũng chưa thấy ai trước Bùi Huy Bích, đề cập đến vấn đề phức tạp này.
Khi biên soạn Hoàng Việt văn tuyển, một trong hai bộ hợp tuyển có tiếng của mình, Bùi Huy Bích đã chọn vào đây bài Phóng cuồng ca, ghi tên tác giả Trần Quốc Tảng. Gần đây, một vài bộ hợp tuyển thơ văn cũng bắt chước họ Bùi in lại bài văn ấy, vẫn dưới cái tên Trần Quốc Tảng không có gì nghi vấn. Nhưng Phóng cuồng ca chính là bài Phóng cuồng ngâm, một tên gọi có trước, được in trong bộ Thượng sĩ ngữ lục, tập hợp tác phẩm của Tuệ Trung Thượng sĩ. Thượng sĩ ngữ lục không biết được khắc in đích xác năm nào nhưng được tái bản khá nhiều lần, và bản in xưa nhất còn lại đến nay là bản “trùng san” năm Chính Hòa thứ tư (1683) do sư Tuệ Nguyên ở chùa Long Ðộng, núi Yên Tử, đề tựa [3].
Xuất trình bài Phóng cuồng ca với tên Trần Quốc Tảng phải chăng Bùi Huy Bích muốn khẳng định Trần Quốc Tảng chính là Tuệ Trung thượng sĩ ? Ðúng thế ! Cũng trong Hoàng Việt văn tuyển ông viết về tiểu sử Trần Quốc Tảng như sau: “Trần Ninh vương Quốc Tảng, là con cả Hưng Ðạo, hai lần chống giặc Mông Cổ, được ban cho coi giữ quân dân lộ Hồng, sau lui về sống ở phong ấp Tịnh Bang (nay là xã An Quảng, huyện Vĩnh Lại), đổi tên là thôn Vạn Niên. Tự đặt hiệu là Tuệ Trung Thượng sĩ. Thường cưỡi thuyền rong chơi ở khúc Cửu Giang, ngâm thơ và sáng tác Phóng cuồng ca” [4].
Có thể thấy, chính là vì mấy lời trên đây mà nhiều nhà nghiên cứu về sau đã dứt khoát coi Trần Quốc Tảng là một tác gia văn học thời Lý - Trần, cũng như đã mạnh dạn đem Thượng sĩ ngữ lục bổ sung vào khối lượng tác phẩm vốn quá nghèo nàn mà họ Bùi đăng ký cho Trần Quốc Tảng.
Thế nhưng, sự tình lại không giản đơn như thế ! Chỉ vì sơ ý, chúng ta đã không nhận thấy trong mấy lời khẳng định của Bùi Huy Bích những ý kiến có phần mâu thuẫn với các tài liệu ra đời trước ông. Trước hết là Ðại Việt sử ký toàn thư. Ðây là bộ sử tổng hợp của nhiều nhà viết sử triều Lê, trong đó, phần lịch sử thời Trần do Phan Phu Tiên chấp bút. Nghĩa là những điều Ðại Việt sử ký toàn thư nói về Trần Quốc Tảng ít ra cũng đã có trước Bùi Huy Bích gần 4 thế kỷ. Ðại Việt sử ký toàn thư nói về Trần Quốc Tảng thế nào ? Có hai điểm về căn bản khác với học giả họ Bùi. Ðó là: Trần Quốc Tảng là con thứ Trần Quốc Tuấn chứ không phải con đầu. Và Trần Quốc Tảng có tước hiệu Hưng Nhượng vương, chứ không phải Ninh vương hay Hưng Ninh vương.
Một giả thuyết từng được nêu ra: phải chăng Ðại Việt sử ký toàn thư chép lầm, và vì lầm nên Bùi Huy Bích đã sửa đi ? Giả thuyết này rõ ràng không ổn. Chúng ta đều biết Trần Quốc Tuấn có con trai là Hưng Vũ vương Nghiễn, Hưng Hiến vương Uy, Hưng Nhượng vương Tảng và Hưng Trí hầu Nghiện (ông này về sau cũng được phong vương). Chức tước, tên tuổi và trật tự đó được Ðại Việt sử ký toàn thư nói đến nhiều lần. Nhiều bộ sử khác như Việt sử thông giám cương mục, Trần triều thế phả hành trạng... cũng đều xác nhận điều này. Hơn nữa, khi Trần Quốc Tuấn mất (1300), Ðại Việt sử ký toàn thư nhân đấy có kể lại tấn kịch bất hòa trong gia đình ông mà một trong những vai chính của tấn kịch lại là “người con thứ Hưng Nhượng vương”. Chuyện kể như sau: “Khi Yên Sinh vương (Trần Liễu) sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn và giối giăng rằng: “Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt”! Quốc Tuấn để bụng thôi nhưng không cho thế là phải. Ðến khi đã trở thành vị tổng chỉ huy quân đội, nắm trong tay một quyền lực rất lớn, Quốc Tuấn liền đem lời cha dặn hỏi ý kiến Yết Kiêu, Dã Tượng và con trai là Hưng Vũ vương. Lời can ngăn của cả ba người làm ông rất đẹp lòng. Một hôm khác, “Quốc Tuấn đem câu ấy hỏi con thứ là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng. Quốc Tảng nói: “Tống Thái Tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ dấy vận cũng được thiên hạ”. Quốc Tuấn rút gươm kể tội rằng: “Kẻ làm tôi phản loạn là do ở đứa con bất hiếu”. Ý muốn giết Quốc Tảng. Hưng Vũ vương nghe tin ấy vội vàng chạy đến khóc xin lỗi hộ, Quốc Tuấn mới tha. Ðến đây, Quốc Tuấn bảo Hưng Vũ vương rằng: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào” [5].
Chắc rằng những ai thích đọc sử nước nhà đều không mấy người quên được câu chuyện xúc động kể trên. Trật tự chặt chẽ của các tình tiết và vai trò cũng như tính cách khác nhau của hai người con trai Trần Quốc Tuấn ở đây được thể hiện rõ đến mức khó có thể nghĩ rằng nhà chép sử đã tùy tiện đảo lộn trước sau, đem con thứ gán cho con trưởng, và ngược lại. Là người có vốn kiến thức chắc chắn là rất rộng, lẽ nào Bùi Huy Bích lại không hề biết đến quốc sử, hoặc lầm lẫn ở ngay chỗ mà người bình thường cũng ít lầm ? Lẽ nào những điều sử chép rành rẽ đến thế mà vẫn không đủ cho ông tin, đến mức phải tùy tiện sửa chữa ?
Vậy thì, chỉ còn một khả năng, là trong khi viết tiểu sử Trần Quốc Tảng, Bùi Huy Bích đã sử dụng một nguồn tài liệu khác với chính sử. Ðó là một khả năng thực tế. Nghiên cứu kỹ bản Thượng sĩ ngữ lục trùng san vào năm thứ tư niên hiệu Chính Hòa (1683), chúng tôi có xu hướng tin rằng, văn bản này hoặc một văn bản tương tự được trùng san ít lâu trước hay sau đó, chính là nguồn tài liệu mà họ Bùi sử dụng, khác với Ðại Việt sử ký toàn thư. Ở cuối văn bản này có một bài Thượng sĩ hành trạng, ghi chép tiểu sử của Thượng sĩ Tuệ Trung. Bài hành trạng nói rõ: Thượng sĩ vốn là con trưởng trong gia đình, là anh ruột của Hoàng hậu, và là người được vua Trần Thái Tông phong tước Hưng Ninh vương. Tất nhiên bài hành trạng không hề nói Hưng Ninh vương hay Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Quốc Tảng, cũng không cho biết tên thật của ông là gì. Cho nên trước sau, những lời mập mờ này vẫn là một câu đố bí hiểm, kích thích rất mạnh trí tò mò của người đọc. Bùi Huy Bích hẳn đã bị lời đánh đố này hấp dẫn. Nhận thấy trong bài Thượng sĩ hành trạng có nhắc tới chiến công hai lần chống giặc “Thát Ðát” của Tuệ Trung Thượng sĩ ; nhận thấy chức Tiết độ sứ Thái Bình mà Tuệ Trung Thượng sĩ được phong cũng giống chức Tiết độ sứ mà Ðại Việt sử ký toàn thư ghi cho Trần Quốc Tảng ; lại nhận thấy trong tước hiệu Hưng Ninh vương có chữ Hưng đứng đầu là chữ vẫn dành riêng cho tước hiệu của mấy bố con Trần Quốc Tuấn ; đặc biệt khi xét tiểu sử Trần Quốc Tảng, thấy lời đối đáp “ngông cuồng” của ông với Trần Quốc Tuấn có vẻ gì như là gần với khái niệm “phóng cuồng” trong các tác phẩm của Tuệ Trung Thượng sĩ (thực ra thì không có gì là giống nhau cả), họ Bùi liền đoán ngay Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Quốc Tảng. Và từ một ức đoán, ông đã vội vã dựng lên cả một bảng tiểu sử, trong đó, những nét chủ yếu thì mượn của bài Thượng sĩ hành trạng (thậm chí có chỗ mượn nguyên cả câu văn trong bài Thượng sĩ hành trạng) [6], bài Phóng cuồng ca thì mượn của Thượng sĩ ngữ lục, còn con người thật, tức cái tên Trần Quốc Tảng, thì mượn của Ðại Việt sử ký toàn thư. Thành thử, từ một Tuệ Trung Thượng sĩ chưa có hình dáng rõ ràng trong Thượng sĩ ngữ lục, qua bàn tay nhào nặn của Bùi Huy Bích đã nghiễm nhiên trở thànhTrần Quốc Tảng, một con người bằng xương bằng thịt trong lịch sử. Từ một Trần Quốc Tảng tướng lĩnh thuần túy trong sử, qua sự vay mượn của Bùi Huy Bích đã trở thành một Trần Quốc Tảng thi sĩ, tác giả bài ca Phóng cuồng.
CĂN BẢN KHÁC NHAU GIỮA TRẦN QUỐC TẢNG VÀ TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ
Bùi Huy Bích quả đã phạm phải một sai lầm. Ông cố gò gẫm để đồng nhất cho được hai con người mà lý lịch có một vài điểm giống nhau. Nhưng trên thực tế đấy vẫn là hai con người hoàn toàn khác biệt. Một bên, Tuệ Trung Thượng sĩ là con đầu; một bên, Trần Quốc Tảng là con thứ. Một bên được phong tước Hưng Ninh vương; một bên được phong tước Hưng Nhượng vương. Trong quá trình tìm hiểu, đối chiếu tiểu sử giữa hai con người đó, chúng tôi ngày càng tìm thêm được nhiều điểm khác biệt giữa họ với nhau mà điểm khác nhau cơ bản nhất là ở chỗ: Nếu Tuệ Trung Thượng sĩ là người sau kháng chiến chống Nguyên thắng lợi đã dứt khoát từ bỏ mọi tước vị của Triều đình ban tặng, lui về ở ẩn ở ấp Tịnh Bang và tu Phật, trở thành ông thầy có uy tín của Trúc Lâm tam tổ, thì Trần Quốc Tảng lại là con người hoàn toàn “trần thế”, con người tích cực “tham chính” và chưa một lúc nào rút lui vào cửa Thiền.
Ðể chứng minh điều này, hãy kiểm tra lại các tài liệu lịch sử có liên quan. Hãy chỉ tính từ năm 1287 trở đi, là năm đất nước bước ra khỏi cuộc xâm lược cuối cùng của giặc Mông Cổ. Theo Ðại Việt sử ký toàn thư, trong kỳ bình công khen thưởng vào cuối năm đó Trần Quốc Tảng được phong chức Tiết độ sứ. Còn Tuệ Trung Thượng sĩ thì Ðại Việt sử ký toàn thư tuyệt không nhắc gì tới, nhưng qua bài Thượng sĩ hành trạng, có thể đoán ông cũng được phong chức Tiết độ sứ Thái Bình vào dịp này. Hãy cho đi rằng đây vẫn là một điểm nhập nhằng, một điểm “chập” làm cho người ta vẫn phải lấn cấn khi cần đoán định giữa Trần Quốc Tảng và Trần Tung là một hay hai người. Tuy nhiên, vì họ đều có công lao trong kháng chiến chống Nguyên Mông nên được khen thưởng trong cùng một đợt cũng là điều không có gì lạ. Nhưng nếu cả hai người cùng nhận chức Tiết độ sứ một lần thì lại cũng là điều thuận lợi, vì chắc chắn họ sẽ thôi chức kẻ trước người sau, chứ không thể ngẫu nhiên cùng thôi một lần. Mà như bài Thượng sĩ hành trạng cho biết thì người nào thôi chức sớm hơn, người ấy ắt là Tuệ Trung Thượng sĩ. Vậy ai là người thôi chức sớm hơn ? Hiển nhiên người đó không thể là Trần Quốc Tảng, bởi lẽ mãi cho đến năm 1297, sau khi nhận chức Tiết độ sứ mười năm, sử còn chép rằng Trần Quốc Tảng vâng mệnh vua Trần Anh Tông cầm quân đi đánh sách Sầm Tớ (ở miền núi Thanh Hóa ngày nay) [7]. Cùng một chuyến ra quân với ông, Trần Nhật Duật cũng được vua phái đi đánh sách A Lộc. Hẳn không cần nhà chép sử giải thích thêm thì chúng ta cũng đoán được là Trần Quốc Tảng vẫn còn giữ chức Tiết độ sứ từ 1287 cho đến tận 1297, hoặc đã được phong một chức cao hơn, chứ có ai lại giao việc cầm quân cho một người đã về ở ẩn và khoác áo nhà sư, dù cho là người đó chỉ “tu tại gia” và dù cho xưa kia người đó đã từng ở trong hàng tướng lĩnh.
Còn sau năm 1297 thì sao ? Chúng ta đều biết, vào năm 1299, vua Trần Nhân Tông (bấy giờ đã làm Thượng hoàng được 7 năm) cũng bỏ ngôi báu, lên núi Yên Tử tu hành [8]. Nhân Tông là học trò của Tuệ Trung Thượng sĩ, do ảnh hưởng trực tiếp của Tuệ Trung mà tìm đến đạo Thiền. Trong trường hợp Tuệ Trung là Trần Quốc Tảng thì một điều khó có thể chấp nhận được là việc Nhân Tông - học trò có thể bỏ đi tu trong khi Quốc Tảng - ông thầy thì vẫn ở lại tham gia triều chính. Cho nên, trước sau thế nào Quốc Tảng cũng phải trở về và “nhập Thiền” chậm nhất là trong khoảng 1297-1299. Thế nhưng, điều đáng lạ là nhiều sự kiện lại như muốn chứng tỏ, sau năm 1299 rất lâu Quốc Tảng còn có mặt ở giữa Triều đình. Chẳng hạn, từ 1300 đến năm 1313, năm ông mất, Ðại Việt sử ký toàn thư vẫn còn mấy lần nhắc đến ông. Trong phương pháp chép sử biên niên của thời xưa, phần lớn sự việc đều được chép theo trật tự ngày tháng. Không thể nói thời gian đó Trần Quốc Tảng không còn có mặt nữa nhưng sử vẫn cứ nhắc đến. Hơn nữa, từ sau 1300, sử gia lại còn gọi ông bằng một tước hiệu mới: Hưng Nhượng đại vương. Mặc nhiên ai cũng hiểu ông đã được gia phong. Vì sao vào những năm này Trần Quốc Tảng được nhận thêm tước hiệu cao quý kia nếu chẳng phải là do ông có nhiều công trạng ? Do ông vẫn trực tiếp tham gia việc triều chính ? Do uy tín của ông ở trong triều ngày càng lớn, và do chỗ là bố vợ của Hoàng đế nên ông được vua Trần Anh Tông tin cậy, trao cho mọi quyền hành (nên nhớ Trần Nhật Duật đến năm 1329 mới được phong đại vương) ?
Một đoạn ghi chép sau đây của Ðại Việt sử ký toàn thư cũng cho phép ta thừa nhận uy quyền của Trần Quốc Tảng lúc bấy giờ lớn như thế nào. Ðại Việt sử ký toàn thư chép rằng năm 1307, Ðỗ Khắc Chung được lệnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông, đem thuyền vào Chiêm Thành cứu Công chúa Huyền Trân bấy giờ sắp bị lên dàn lửa để chết theo chồng. Nhưng cứu được Huyền Trân về thì giữa đường, Khắc Chung lại cùng nàng gian díu. Việc làm đó làm cho nhiều người ghét và bực, song dường như không ai tiện nói gì cả, vì Khắc Chung là người có công lao lớn, được các vua nhà Trần tin cậy, được giao những chức vụ trọng yếu chưa từng giao cho người ngoài dòng họ Trần. Duy có Trần Quốc Tảng thì không như người khác. Ông mắng Khắc Chung khá gay gắt, và lần nào gặp mặt cũng nói thẳng không chút kiêng nể. Ðến nỗi Khắc Chung thường phải lẩn tránh [9].
Về phía Ðỗ Khắc Chung, nếu chỉ vì Quốc Tảng “là nhạc phụ của thiên tử” mà thôi thì chưa dễ gì ông đã chịu lép đến thế. Chả phải sau này Trần Quốc Chẩn cũng có địa vị không khác gì Quốc Tảng [10], mà rốt cuộc vẫn chết vì tay Khắc Chung đấy sao ? Chúng tôi nghĩ chắc chắn phải có lý do gì sâu hơn, như là quyền lực và uy tín thực sự của Quốc Tảng ở giữa Triều đình lúc bấy giờ, khiến cho Khắc Chung e dè vì nể. Còn về phía Quốc Tảng cũng vậy, nếu quả đã xuất gia đầu Phật, chỉ biết hai chữ “sắc không” mà gác ra ngoài tai tất cả mọi sự, thì đối với ai chắc cũng coi như nhau, đối với việc gì cũng coi thường cả, và do đó không hơi đâu bực bội với Khắc Chung làm gì.
Ðó là sự việc xảy ra vào năm 1307. Sau đó một năm, ở trên núi Yên Tử Trần Nhân Tông qua đời. Thiết tưởng, ta không cần tính đến khả năng tu hành của Trần Quốc Tảng kể từ năm này về sau, vì dù cho từ đây ông có bắt đầu theo đạo “sắc không” thì điều kiện để cho nhà Thiền học Trần Quốc Tảng làm thầy Trần Nhân Tông cũng không có nữa. Mà không có điều kiện đó cũng tức là không thể có sự trùng hợp giữa Trần Quốc Tảng và Tuệ Trung Thượng sĩ.
Tuy nhiên, ngay cả cái khả năng Trần Quốc Tảng lui về và đi tu từ sau 1307 cũng không thể nào xảy ra. Lý do là vào năm 1314, đúng một năm sau ngày ông mất, nhân dịp Trần Minh Tông lên ngôi, triều đình đã truy tặng cho ông chức Thái úy “là chức quan tổng thống việc binh” [11]. Thử đặt câu hỏi: có một triều đại nào có hành động kỳ cục là đem một phẩm trật thuộc hàng quan trọng bậc nhất về võ mà truy tặng cho một người từ lâu đã không còn dính líu gì đến công việc binh bị của nhà nước hay không, chưa nói người đó lại là nhà tu hành, là người đã thoát ly xã hội thế tục ? Ngay như ở thời kỳ đầu nhà Lý, một vài ông sư có tham gia vào việc triều chính như Khuông Việt, Pháp Thuận... mà cũng chỉ được phong những danh hiệu Quốc sư, Ðại sư là cùng, huống chi là vào thời kỳ nhà Trần, không còn thấy một ông sư nào thực sự tham gia triều chính nữa. Theo nghiên cứu của Phan Huy Chú thì đời Trần, chức Thái úy tuy là thuộc hàng võ, nhưng chức ấy thường chỉ dùng để “gia thêm cho các thân vương trong tôn thất”. Và “người ở chức ấy phần nhiều vẫn giữ chức quan của mình mà kiêm hàm Tể tướng phụ chính” [12]. Có lẽ Trần Quốc Tảng đã được truy phong Thái úy vì trong nhiều năm dưới triều Trần Anh Tông, ông đã được nhà vua trọng dụng - như truyền thống của vua Trần vẫn trọng dụng nhạc phụ - và có lúc về thực chất đã đóng vai trò gần như là Tể tướng phụ quốc trong triều.
Ðem cái tên Trần Quốc Tảng thay cho cái tên Tuệ Trung Thượng sĩ, Bùi Huy Bích ngỡ đã tìm được đáp số quan trọng của một câu đố ly kỳ. Có ngờ đâu, cuộc đời thực của bản thân nhân vật Trần Quốc Tảng lại không chấp nhận bất kỳ một sự thay thế giả tạo nào cả, và vô tình, họ Bùi đã rơi vào cưỡng bức lịch sử. Và khi mà sự cưỡng bức đã lộ rõ tính chất phi lý của nó thì câu hỏi đặt ra từ đầu lời đánh đố lại hiện trở lại, ám ảnh chúng ta: Tuệ Trung Thượng sĩ kỳ thực là ai?
TỪ BÀI THƯỢNG SĨ HÀNH TRẠNG ÐI TÌM NHỮNG TIA SÁNG MỚI VỀ TÁC GIẢ THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC
Muốn hiểu rõ Tuệ Trung Thượng sĩ là ai không thể không đi sâu vào bài Thượng sĩ hành trạng. Bài này viết: “Tuệ Trung Thượng sĩ là con thứ nhất của Khâm Minh Từ Thiện Ðại vương và là anh cả của Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu. Xưa, lúc Ðại vương mất, Thái Tông Hoàng đế vì cảm nghĩa mà phong cho ông là Hưng Ninh vương” [13]. Mở Ðại Việt sử ký toàn thư ra, lần theo niên kỷ các đời vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, cũng có thể lập được một lý lịch khá chính xác của Khâm Minh Từ Thiện Ðại vương và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu. Khâm Minh Từ Thiện Ðại vương chính là tước hiệu mà các đời vua trên ban cho Trần Liễu, bố Trần Quốc Tuấn. Sử chỉ chép tước hiệu của ông là Phụng Càn vương, nhưng Trần triều thế phả hành trạng ghi rõ tước hiệu đầy đủ nhất của ông là Khâm Minh Từ Thiện Ðại vương [14]. Còn Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu chính là con gái thứ năm của Trần Liễu, được Trần Thánh Tông cưới làm phi năm 1258, sau sách phong làm Thiên Cảm Hoàng hậu, rồi khi Trần Nhân Tông lên ngôi (1278) lại tôn làm Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu.
Như vậy, lần lượt cởi bỏ những chỗ rối do sự dài dòng về chức tước gây nên, bài Thượng sĩ hành trạng cho ta một giải đáp bước đầu sáng rõ: Tuệ Trung Thượng sĩ là con thứ nhất của Trần Liễu và là anh ruột của Hoàng hậu Nguyên Thánh, vợ Trần Thánh Tông. Thật là một tư liệu lạ lùng ! Không những ông không phải là Trần Quốc Tảng mà còn đứng vào hàng bác ruột Trần Quốc Tảng ; ông không phải là con trai Trần Quốc Tuấn mà lại là anh ruột Trần Quốc Tuấn !
Chắc Bùi Huy Bích cũng đã tra cứu sử sách tìm ra được điều đó. Nhưng cái kết quả đó quá đỗi mới lạ và khó tin đối với ông, nên ông đã bác nó đi, thay nó bằng một giả thuyết dễ tin hơn. Bởi vì con thứ nhất của Trần Liễu là người ra sao ? Sử sách chả một cuốn nào chép đến. Hẳn ai cũng nhớ trong nội bộ gia đình Trần Liễu có một bi kịch lớn: ông lấy Công chúa nhà Lý là Thuận Thiên, sinh một con trai là Doãn, được phong tước Vũ Thành vương. Năm 1237 khi Thuận Thiên đang mang thai đứa con sau thì bị Trần Thủ Ðộ bắt ép phải bỏ Trần Liễu mà lấy Trần Thái Tông. Thế rồi bà được lập làm Hoàng hậu và đẻ ra Trần Quốc Khang, Trần Thánh Tông v.v... Trần Liễu vì việc này đã khởi loạn, và có phần chắc Vũ Thành vương Doãn cũng tán đồng hoặc có trực tiếp góp sức với cha trong vụ khởi loạn đó. Mặc dầu việc gây biến của họ sớm bị dập tắt và cha con Trần Liễu được Thái Tông tha tội, nhưng những uất ức bực bội bên trong thì vẫn cứ tiếp diễn ngấm ngầm. Vì thế, đến năm 1256, chỉ một thời gian sau khi Hoàng hậu Thuận Thiên và Trần Liễu đều mất, Doãn “thất thế” phải đem cả nhà trốn sang phương Bắc [15].
Nói là con đầu của Trần Liễu thì phải tính đến người này. Nhưng Tuệ Trung Thượng sĩ hẳn không thể là Vũ Thành vương Doãn rồi. Một người là Vũ Thành vương một người là Hưng Ninh vương. Một người chạy sang đất Bắc, một người lại có công hai lần chống giặc Bắc. Là con đầu của Trần Liễu mà lại không phải là Vũ Thành vương Doãn thì thật là lạ. Bùi Huy Bích chắc đã không thể giải đáp được điều mắc mớ đó.
Chúng tôi nghĩ Hưng Ninh vương không phải là Vũ Thành vương Doãn mà cũng không nhất thiết là anh em cùng mẹ với Vũ Thành vương Doãn. Nhưng có nhiều khả năng ông là anh cùng mẹ với Trần Quốc Tuấn và nhất là với Hoàng hậu Nguyên Thánh như bài Thượng sĩ hành trạng đã nhấn mạnh. Chúng ta để ý rằng sau khi Hoàng hậu Thuận Thiên mất, Vũ Thành vương Doãn phải bỏ chạy mà Hưng Ninh vương và Trần Quốc Tuấn thì vẫn được tin dùng. Vì sao ? Vì trong vụ khởi loạn của Trần Liễu hai ông còn nhỏ nên đã không dự vào ? Có lẽ ! Nhưng cũng rất có thể còn vì một lý do máu mủ: Cả Hưng Ninh vương lẫn Trần Quốc Tuấn đều không phải là con đẻ của Thuận Thiên mà là do một người vợ khác của Trần Liễu sinh ra. Và mấu chốt của vấn đề lại chính là ở đấy. Ðại Việt sử ký toàn thư cũng như Việt sử thông giám cương mục đều lưu ý người đọc về cái lý do trực tiếp làm cho Doãn chạy, là Doãn chính là “con đẻ của Hiển Từ” [16]. Con đẻ của Hiển Từ thì không đồng tình với việc người khác cướp mẹ là chuyện rất bình thường. Không phải con đẻ của Hiển Từ thì ít bị nghi ngờ có tư tưởng phản loạn cũng là chuyện bình thường.
Chúng ta cũng để ý rằng giữa hai loại tước hiệu nhà vua phong cho Trần Quốc Tuấn và Doãn thì tước hiệu của Tuệ Trung Thượng sĩ cũng mở đầu bằng chữ Hưng như của Quốc Tuấn: Hưng Ninh vương. Có thể là những người con cùng một mẹ đã được phong tước mở đầu bằng một chữ: Hưng / Hưng Ninh vương, Hưng Ðạo vương v.v... cũng như những người con của Quốc Tuấn sau này cũng sẽ được phong tước giống nhau ở chữ Hưng đó: Hưng Vũ vương, Hưng Nhượng vương v.v... Và nếu tính trong anh em cùng một mẹ, thì gọi Hưng Ninh vương hay Tuệ Trung Thượng sĩ là người con thứ nhất cũng là điều có thể chấp nhận. Con thứ nhất ở đây là “đệ nhất tử”, khác với con cả là “trưởng tử”. Hoặc giả, sau khi Vũ Thành vương Doãn chạy, bị bắt, và có thể bị giết, thì không còn được ai tính đến nữa; người ta chỉ còn tính đến người con thứ nhất còn lại là Hưng Ninh vương. Ðằng nào cũng thỏa đáng thôi.
Nhưng Hưng Ninh vương tên thật là gì ? Nếu không tìm được điểm này thì có thể coi như những điều đã nói trên đây chỉ mới là một giả thuyết. Giả thuyết dù hay đến đâu vẫn chưa phải là hiện thực. May thay trong quá trình tìm tòi, chúng tôi đã tìm được tên thực của ông. Trong Ðại Việt sử ký toàn thư, phần niên kỷ về Minh Tông Hoàng đế, có một lời bình luận của Ngô Sĩ Liên về Trần Minh Tông: “Vua vốn là người hậu với thân thuộc trong họ. Ðối với người vai trên mà quý hiển thì lại càng tôn kính lắm. Phàm kẻ hạ thần người nào cùng tên “với thân thuộc nhà vua” tất đổi cho tên khác, như người tên là Ðộ đổi làm Sư Mạnh vì cùng tên với Thượng phụ Trần Thủ Ðộ ; người tên là Tung 嵩đổi làm Thúc Cao vì cùng tên với Hưng Ninh vương, con trưởng An Ninh vương” [17].
Một lời bình luận thoáng qua nên không mấy ai để ý. Nhưng giá trị “thông báo” của nó về các vấn đề mà ta đang bàn giải thì quý vô chừng ! Ðây là lần duy nhất, tên Hưng Ninh vương xuất hiện trong Ðại Việt sử ký toàn thư. Và chỉ cần chừng ấy thôi cũng đủ cho ông trở thành nhân vật thực có trong lịch sử. Ông tên là Tung, và dĩ nhiên là một người khác với Trần Quốc Tảng. Có điều Ngô Sĩ Liên nói ông Tung là con trưởng An Ninh vương thì tước hiệu đó lại không phải là của Trần Liễu, cho nên vẫn còn phải tiếp tục tìm hiểu thêm.
Gần đây, khi đọc sách An Nam chí lược của Lê Thực (trước đây chúng ta vẫn quen đọc theo mặt chữ 黎崱 là Lê Trắc nhưng Ðại Việt sử ký toàn thư, Quyển V tờ 46b đã chú rõ cách đọc: 土力切thổ lực thiết = thực) [18], chúng tôi đã thanh toán nốt được những mắc mớ của mình. Trong An nam chí lược, Quyển IV, “Chinh thảo vận hướng”, nói về cuộc xâm lược Ðại Việt lần thứ ba của giặc Nguyên - Mông có chỗ chép rằng: “Tháng Hai (năm Mậu tý, 1288) Thế tử [nước Ðại Việt] phái người anh con bác ruột là Hưng Ninh vương Trần Tung nhiều lần tới ước hẹn việc đầu hàng, cốt làm cho quân ta mệt mỏi, rồi ban đêm cho quân cảm tử đến cướp doanh trại”[19].
Ta phải hiểu thế tử ở đây là Trần Thánh Tông vì đối với nhà Nguyên, cho đến lúc đó ông vẫn là ông vua đương kim mà các ông vua đương kim theo chính sách ngoại giao khôn khéo bấy giờ, đều phải gọi vua Nguyên là “đại hoàng đế ” và xưng mình là “Thế tử” - mặc dầu đối với trong nước ông đã lên ngôi Thượng hoàng [20]. Truy tìm kỹ trong các bản thế phả của nhà Trần để liệt kê đầy đủ tên họ những người bác ruột của Trần Thánh Tông tức là anh của Trần Cảnh, ta cũng chỉ kể được có một người độc nhất, đó là Trần Liễu. Vậy đích xác Trần Tung, hay Hưng Ninh vương, hay Tuệ Trung Thượng sĩ, là anh ruột Trần Quốc Tuấn, và là con đẻ Trần Liễu tức người có tước hiệu An Sinh vương. Mấy chữ An Ninh vương trong lời bình luận của Ngô Sĩ Liên, chung quy chỉ là do một bản khắc nào đó, có thể là bản khắc đời Nguyễn, đã nhớ nhầm chữ sinh生ra chữ ninh宁và đã khắc nhầm.
Hưng Ninh vương Trần Tung [21] quả là một võ tướng có công trong hai lần chống giặc. Theo Nguyên sử, trong cuộc xâm lược lần thứ hai của quân Mông Cổ, vào ngày 10 tháng Sáu năm 1285, khi Thoát Hoan núng thế bắt đầu rút khỏi bờ Bắc sông Hồng thì Hưng Ðạo vương và Hưng Ninh vương lập tức đem hơn hai vạn quân đến đón đánh, kịch chiến với tướng giặc là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt [22]. Còn trong cuộc kháng chiến lần thứ ba thì chính An Nam chí lược cũng đã nói rõ, Trần Tung là một nhà ngoại giao đắc lực, nhiều lần tới lui nơi trại giặc, một công việc thời đó xem là không dễ dàng.
Vấn đề cuối cùng phải nghĩ tới: vì sao Ðại Việt sử ký toàn thư lại tuyệt không nói gì đến công lao của Trần Tung ? Kể cũng khó hiểu. Nhưng theo chúng tôi, vấn đề này liên quan đến thái độ bài Phật của người viết sử. Ðại Việt sử ký toàn thư chủ yếu được hoàn thành ở thế kỷ XV, là thế kỷ độc tôn của Nho giáo. Ngòi bút sử gia nói chung hết sức nghiêm khắc với những nhân vật, những trào lưu tư tưởng đi ra ngoài quỹ đạo của nhà nho. Lẽ tự nhiên một người tôn thất nhà Trần mà kháng chiến thành công không nhận chức tước, bỏ tất cả để theo đạo “sắc không” đối với họ là điều không tha thứ được. Và để biểu hiện thái độ chê trách của mình, phương pháp thông thường của sử bút thời xưa là gạt hẳn ra, không nói đến. Ngay như Trần Nhân Tông, ông vua anh minh mà không sử sách nào không ca ngợi, mà đối với mấy năm về cuối ông bỏ ngôi báu đi tu, người ta còn dám hạ những câu lên án rất nặng, huống hồ là Trần Tung, một người tôn thất ở vào hàng còn kém quan trọng hơn nhiều.
Nhưng bản thân việc bỏ qua không ghi chép gì cả về Trần Tung, tự nó cũng là một lời chứng thầm lặng, rằng người tôn thất họ Trần này quả đã bỏ tất cả mà gia nhập cửa Thiền. Nho gia ghét bỏ ông chừng nào thì Phật gia tán dương ông chừng ấy, kết quả là từ ông Tiết độ sứ Hưng Ninh vương ông đã sớm trở thành Thượng sĩ Tuệ Trung, người thầy độc tôn của Trúc Lâm tam tổ. Thượng sĩ hành trạng nói Trần Tung mất năm Tân mão, Trùng Hưng thứ bảy, tức năm 1291. Lúc bấy giờ Trần Nhân Tông vẫn còn sống. Ðiều này phù hợp với một số bài thơ của Nhân Tông làm truy điệu Tuệ Trung Thượng sĩ mà trước đây, ta vẫn không giải thích được khi so sánh năm mất của Nhân Tông (1308) với năm mất của Trần Quốc Tảng (1313). Nhưng điều quan trọng hơn là cũng theo bài Thượng sĩ hành trạng, Tuệ Trung Thượng sĩ thọ 62 tuổi, tính trở ngược từ năm 1291 thì ông phải sinh năm 1230. So với năm sinh của Trần Quốc Tuấn là 1232 ? [23] thì ông hơn Quốc Tuấn hai tuổi, so với năm sinh của Trần Thánh Tông là 1240 thì hơn Thánh Tông mười tuổi, so với năm sinh của Trần Nhân Tông là 1258 thì hơn hai mươi tám tuổi. Tương quan so sánh đó rất đúng với cương vị của ông mà Thượng sĩ ngữ lục đã ghi lại: là anh Quốc Tuấn, là sư huynh Thánh Tông, là thầy Nhân Tông. Sinh năm 1230 còn rất đúng với lứa tuổi có thể làm học trò Thiền sư Tiêu Dao là người có phần chắc sống vào giai đoạn cuối Lý đầu Trần. Ðó cũng là những ưu thế hiển nhiên không thể nào có được đối với Trần Quốc Tảng.
Vậy, đưa nhân vật Trần Tung ra ánh sáng và xóa bỏ cái tên Trần Quốc Tảng khỏi cuốn Thượng sĩ ngữ lục và bài Phóng cuồng ngâm, chỉ là làm một việc thông thường, một việc không làm không được: trả lại cho César cái gì mà César đã có.
MỘT GƯƠNG MẶT LẠ TRONG LÀNG THƠ THIỀN THỜI LÝ TRẦN
Trần Tung đã đem cái gì mới đến cho văn học Lý - Trần ? Ðiều cần thống nhất với nhau là cái mới được xét ở đây không phải là trên tư cách một kho “Thiền luận”, mặc dầu ở mấy phần trên ta đã cố sức chứng minh rằng, từ cuộc kháng chiến chống Nguyên thắng lợi cho đến tận cuối đời, Trần Tung đã trở thành một nhà Thiền học chuyên nhất và trọn vẹn. Dĩ nhiên, trong một bộ lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam, những mặt đóng góp quan trọng đó của ông sẽ rất cần được tính đến. Nhưng người viết bài này chỉ mới dám khoanh lại trong phạm vi một sự tìm tòi văn học sử, hẹp hơn nữa là một việc cảm thụ thơ có phần ngẫu hứng, để bước đầu luận giải về sáng tác của họ Trần. Và trong giới hạn như đã tự cho phép thì yêu cầu trước hết là làm hiển lộ được ở Trần Tung tư cách một thi nhân ẩn trong một con người Thiền. Tất nhiên, ai cũng biết xưa nay cảm hứng Thiền thường vẫn gắn chặt với cảm hứng thơ, nhưng cái phần thi nhân mà chúng tôi muốn nói đến ở đây, ngoài nguồn cảm hứng Thiền ra còn bắt mạch một phần ở cảm hứng thế tục, có thế nó mới khiến cho thơ Trần Tung tuy đậm chất Thiền đấy mà lôgic của tư duy thế tục vẫn có thể tiếp cận được chúng, chứ chưa phải hoàn toàn là những “bí ngữ” của làng Thiền. Cóthống nhất với nhau điều này thì mới không sa vào bàn cãi về những vấn đề rắc rối không cần thiết, để sớm đi vào thực chất giá trị của thơ Thiền Trần Tung.
Ðiểm đặc sắc đầu tiên dễ nhận thấy trong thơ ca Trần Tung là chúng thể hiện khá đậm nét bản sắc con người nhà thi sĩ. Ðối với một nhà thơ, hiện tượng đó có lẽ không có gì lạ, nhưng đối với một nhà Thiền học thì kể cũng khá lạ. Bởi vì, nói đến Phật là nói đến vô tâm, là bình đẳng, là không sai biệt. Tu hành theo đạo Phật tức là nhằm xóa bỏ “ngã kiến” để đi tìm cái tâm chung nhất, cái mà Lục tổ Huệ Năng (638-713), người mở đầu dòng Thiền Nam phương của Trung Quốc gọi là “chân tâm” hay “tự tính” - cái đó đưa ta đến một trạng thái tĩnh lặng tuyệt đối không sinh không tử, tức là Niết Bàn. Ấy vậy mà một nhà tu hành người Việt trong quá trình cầu đạo lại dám thả lỏng cho bản ngã của mình tự do bộc lộ. Nội một điều đó thôi đã có ý nghĩa biết bao !
Tằng vi vật dục dịch lao khu,
Bài lạc trần hiêu, thế ngoại du.
Tát thủ na biên, siêu Phật tổ,
Nhất hồi đẩu tẩu, nhất hồi hưu.
(Xuất trần-Thoát trần)
Vật dục hành cho xác mệt nhoài,
Ruổi rong thoát quách chốn trần ai.
Buông tay sang đấy, ta “siêu” Phật,
Mỗi bước vươn mình, một chặng ngơi.
Ðã đành, không thể nào so sánh cái gọi bằng sự thể hiện “bản ngã” trong thơ văn Trần Tung với việc phơi bày cái “tôi” trong thơ văn từ sau thế kỷ XVIII, nhất là trong thơ văn hiện đại. Dù có bản lĩnh đến đâu thì họ Trần cũng vẫn chỉ là một vị Thượng sĩ, một người luôn luôn phải đè nén tình cảm để đối thoại với những nguyên lý “sắc không” trong suốt cuộc đời mình. Hơn nữa, ông lại là một người cầm bút vào thời kỳ đầu của văn học thành văn Việt Nam, khi mà sự đặc tả tâm trạng cá nhân dường như chưa một cây bút nào cả gan thể nghiệm. Cho nên, đòi hỏi sáng tác của ông cũng phải có sự hiện diện đầy đủ của con người chủ thể, với những góc cạnh tình cảm tinh tế, đa dạng e chỉ là không tưởng. Có điều, dẫu chưa phơi bày thật rõ những sắc thái tình cảm cá nhân như ta mong muốn, thì đọc thơ văn Trần Tung, vẫn thấy rõ một cái gì đấy mà các nhà thơ Thiền khác không có hay có chưa đầy đủ ; nó toát ra từ cách sử dụng từ ngữ, cách kết cấu ngôn bản làm nổi bật ngữ khí của người viết, hoặc phơi bày những ý tưởng có khi rất táo bạo:
Lõa quốc hân nhiên tiện thoát y
Lễ phi vong đã, tục tùy nghi.
(Vật bất năng dung-Vật không thể tùy
theo người)
Ðến nước cởi truồng, bỏ áo thôi,
Phải đâu quên lễ, sống theo người.
Ðặt chữ “lễ” vào hoàn cảnh oái oăm là một “lõa quốc” / nước cởi truồng để nhấn mạnh đòi hỏi phải cởi bỏ cách nhìn cứng nhắc về nó, thì dù có dùng lại một môtip trong thơ cũ, cốt cách ngang tàng của giọng điệu câu thơ, dễ cũng chỉ có một Tuệ Trung Thượng sĩ mà thôi. Là người dùng chữ rất bạo, Trần Tung đã làm cho những điều mình nghĩ trở thành độc đáo, đột xuất bằng cách sử dụng đúng chỗ cách nói thậm xưng:
Tinh tinh trước,
Trước tinh tinh.
Tứ lăng tạp địa vật khi khuynh.
A thùy ư thử tín đắc cập,
Cao bộ Tỳ lư đính thượng hành.
Hát !
(Phật tâm ca-Bài ca tâm và Phật)
Tỉnh tỉnh thức,
Thức tỉnh tỉnh.
Bàn chân dẫm đất đừng chống chếnh.
Ai người tin tưởng ở nơi đây,
Bước trên đầu Phật trèo lên đỉnh.
Hét !
Có khi cốt cách ngang tàng ấy có bị kìm nén lại chút ít, được người viết cố ý phủ lên một tấm màn triết lý bàng bạc, siêu hình, nhưng nó vẫn cứ lộ ra, không che giấu được :
Tiêu đầu lạn ngạch bị kim bào,
Ngũ thất niên gian thị xưởng tào.
Túng dã siêu quần kiêm bạt tụy,
Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao.
(Chiếu thân-Soi mình)
Cháy đầu bỏng trán mặc kim bào,
Xay giã bao năm ai biết nào.
Nếu thực siêu quần và xuất chúng,
Mỗi lần hạ xuống, một lần cao [24]
V.v và v.v...
Và bấy nhiêu biểu hiện cá tính khác nhau, nếu một mặt giúp chúng ta gần gũi hơn với con người Tuệ Trung Thượng sĩ, không thấy đó là một mẫu người quá ư xa cách nữa, thì mặt khác cũng giúp cho tư tưởng Tuệ Trung Thượng sĩ bớt phần thần bí, cao siêu mà trở nên cụ thể, rõ ràng.
Là một người quyết tâm đi tìm lối thoát bằng đạo Phật, song Trần Tung vẫn thường xuyên có ý thức về một sự tự do tự tại của tư tưởng mình. Vì sao vậy ? Chẳng phải là chính cái “bản ngã” mạnh mẽ của con người này đã đóng một vai trò quyết định, nó khiến cho ông không thật sự chịu ràng buộc vào một tín điều nào cả, kể cả cái tín điều thiêng liêng nhất là tu hành để thành Phật, như kiểu Phật Thích Ca. Như đã nói ở phần mở đầu, Trần Tung từng tuyên bố với em gái là Hoàng hậu Nguyên Thánh: “Phật là Phật, anh là anh ! Anh không hề muốn làm Phật, mà Phật cũng chẳng hề muốn làm anh !”. Một lời tuyên bố thật giản đơn nhưng bên trong nó là cả một quan niệm bị đảo lộn: tu Phật không có nghĩa là lúc nào cũng phải gắng sức đồng nhất mình với Phật. Mà đã không tìm mọi cách để đồng nhất mình với Phật thì theo cách hiểu xưa nay của thế tục, còn đâu là kết quả của tu hành ?
Cho đến cả việc “tọa Thiền”, một công việc không thể khinh suất chút nào với người khác - đến nỗi Trần Thái Tông đã từng phải tổng kết thành Lục thì sám hối khoa nghi, tức là nghi lễ của sáu khoảng thời gian sám hối trong một ngày - thì đối với Trần Tung, đấy lại cũng chỉ là một quá trình tập trung tư tưởng không hơn không kém. Chịu ảnh hưởng của Huệ Năng, ông chống lại việc “chấp trước” vào mọi hành vi khuôn sáo như ngồi Thiền, tụng niệm... nhưng ông còn dám nói toạc ra cái điều ít ai dám nói: tọa Thiền thực chất chỉ là làm cho dòng tư tưởng đang tuôn chảy trong đầu tắt lặng, chứ chẳng liên quan gì đến việc hướng tới Phật hay Thiền:
Ðường trung đoan tọa tịch vô nghiên,
Nhàn khán Côn Luân nhất lũ yên.
Tự thị quyện thời tâm tự tức,
Bất quan nhiếp niệm, bất quan Thiền.
(Ngẫu tác-Chợt nẩy hứng thơ)
Giữa nhà không nói, chỉ ngồi yên,
Nhàn ngắm Côn Luân sợi khói lên.
Lúc mệt mỏi rồi tâm tự tắt,
Cần chi niệm Phật với cầu Thiền.
Không nghi ngờ gì nữa, bản sắc độc đáo của ngòi bút Trần Tung chủ yếu bắt nguồn từ thái độ tỉnh táo của nhà thơ, ngay trong cái thế giới huyền bí mà mình tự nguyện dấn thân, vẫn cố gắng làm chủ sự suy nghĩ, gắng đem đầu óc độc lập mà soi rọi, kiểm tra lại từng tín điều, từng thói quen, từng hành động, của người cũng như của mình.
Trần Tung là người cực lực phê phán việc mù quáng tin theo những giáo lý có sẵn mà ông giễu cợt bằng mấy chữ dí dỏm: “nương dựa cửa người”. Một khi phải nương dựa cửa người thì mình đâu có còn là mình, mình sẽ chỉ còn máy móc làm theo người khác, y như người mài gạch mài ngói, tốn rất nhiều công mà chẳng ích lợi gì cả. Nhưng chừng nào bỏ được tinh thần “nương dựa cửa người” đi thì chừng đó, ánh sáng trí tuệ trong mình sẽ tự nhiên bừng dậy, và cả một thế giới vốn lâu nay mờ mịt đối với mình bỗng trở thành một vườn hoa tươi thắm, được chiếu rọi dưới ánh sáng xuân:
Học giả phân phân bất nại hà?
Ðồ tương linh tích khổ tương ma,
Báo quân hưu ỷ tha môn hộ,
Nhất điểm xuân quang, xứ xứ hoa.
(Thị học-Gợi bảo cho người học đạo)
Học đạo mênh mang ai có hay,
Gạch đem mài gạch nhọc nhằn thay.
Cửa người anh hãy thôi nương dựa,
Một ánh xuân về hoa đó đây [25].
Chống lại sự rập khuôn, sự mù quáng trước tín điều kinh viện, lẽ tự nhiên phải có một chỗ dựa mới cho niềm tin của mình. Hầu hết thơ văn Trần Tung đều cho thấy: niềm tin sâu xa nhất mà ông dựa vào chính là sự sắc bén của tư tưởng, là cái khả năng của trí tuệ con người có thể tự mình kiểm nghiệm chân lý. Và nếu đem so sánh với phương pháp Thiền tông thì người ta phải lấy làm lạ ! Xưa nay, nói đến Thiền, ai cũng nghĩ trước tiên đến con đường giác ngộ đặc biệt của nó, con đường không thông qua sự thức tỉnh của lý trí mà thông qua quy luật “đốn ngộ”, tức là sự bừng tỉnh đột ngột của tâm linh. Người học đạo chỉ cần bị buộc phải đặt mình vào một trạng thái tâm lý căng thẳng, rồi thông qua việc tiếp xử với một vật cụ thể nào đó như là cây, lá, bông, hoa... là lập tức có thể lóe bừng ánh sáng mà trở thành đắc đạo. Con đường giác ngộ này của Thiền bắt nguồn từ Thiền tông phương Nam, có mặt tích cực là giảm bớt nhiều điều kiện phiền toái cho người tu Phật, thậm chí rút ngắn cả thời gian tu hành. Nhưng mặt khác, nó lại có một hạn chế căn bản là không khỏi rơi vào bí hiểm. Nó không thức tỉnh dần lý trí của người ta để đi đến tận cội nguồn của nhận thức, mà cứ bắt người ta phải chờ đợi trạng thái “xuất thần”. Là một nhà Thiền học, Trần Tung trước sau cũng chủ trương con đường “đốn ngộ” nói trên. Trong phần “công án” của bộ Thượng sĩ ngữ lục, ta thấy ông đã thường khai phóng cho học trò bằng tiếng quát, bằng cách nói khó hiểu của Thiền, để hối thúc học trò tự tìm ra chân lý. Tuy vậy, ngoài phần này ra, vẫn còn những phần khác mà mạch lạc tư duy không kém sáng rõ. Với những phần đó, sự nhận thức chủ yếu lại là bằng suy nghiệm thấu đáo chứ không bằng trực cảm hay một giác quan nào khác hơn. Có thể nói, ở Tuệ Trung Thượng sĩ vẫn luôn luôn có một nhà duy lý ẩn náu trong một con người Thiền. Trong khi con người Thiền bác bỏ hiểu biết và đòi hỏi sự bừng chiếu của tuệ giác tức những tri thức “tiên nghiệm” thì nhà duy lý lại lớn tiếng yêu cầu sự kiểm chứng bằng lý trí. Và sự xung đột đã nổ ra. Nhà duy lý đã nhiều phen chiến thắng. Ðó là những lúc Trần Tung vô tình đi đến bác bỏ xuất sắc nhiều mệnh đề kinh điển của Phật giáo, kể cả những mệnh đề mà các vị Thiền sư đời Lý “nói ngang nói dọc như lửa tóe trong đá” cũng chỉ dám thừa nhận hay phát triển tý chút chứ không làm được gì. Nhưng Trần Tung đã thẳng tay gạt bỏ trước mắt học trò, gạt bỏ mà chẳng ai thấy là phi lý, vì ông bắt lý trí của người nghe phải kiểm nghiệm ngay sự gạt bỏ ấy. Chẳng hạn mệnh đề “sắc không” trước nay vẫn là một mệnh đề nổi tiếng của kinh Phật, và đã được nhiều nhà tu hành nhắc lại:
Sắc thị không, không tức sắc
Không thị sắc, sắc tức không
(Lê Thị Ỷ Lan : Sắc không)
Ðể bác bỏ mệnh đề đó, Trần Tung hỏi học trò: “Sắc” là cái hiện hữu, thân anh có phải là “sắc thân” không ? Học trò đáp: “phải”. Thầy Tuệ Trung hỏi thêm: “Vậy anh có thể nói quyết rằng “sắc thân” ấy là không có gì cả hay không ?” Lý trí cố nhiên không cho phép học trò khẳng định điều này.
Trần Tung lại tiếp tục hỏi: “Anh có thấy cái “không” có hình thù như thế nào không ?”. Câu hỏi thực là nan giải. Ông liền dồn luôn: “Vậy anh có thể nói cái “không” ấy là hiện hữu - sắc - được ư ?”. Một lần nữa lý trí cũng lại buộc học trò phải phủ nhận. Thế là cả hai lần, sự bác bỏ của Trần Tung đã có hiệu lực. Ông đi đến một mệnh đề mới: “Sắc bản vô không, không bản vô sắc” - Sắc không phải là không, không không phải là sắc ! Có thể gọi đây là một mệnh đề mới của một nhà Phật học thời Trần tên tuổi mà nhìn trên câu chữ hai năm rõ mười lại là sự đối lập với kinh điển Phật giáo !
Thực ra không phải Trần Tung chủ tâm xa lìa nguyên lý của nhà Phật. Ông chỉ muốn thức tỉnh những ai theo Thiền mà chưa thấm nhuần đến chỗ cốt tủy của Thiền học, nhắc nhở cho họ biết rằng một tông phái đã lấy việc “bất lập văn tự” làm nguyên tắc thì ý nghĩa cao sâu của nó là không bao giờ để cho tư tưởng sống động của mình bị mô thức hóa, xơ cứng hóa trong một phương án cố định nào đó của văn bản dù đó là lời Phật dạy ; nói cách khác trong từng trường hợp cụ thể phải biết tùy cơ ứng biến chứ không được phép vận dụng những công thức giáo điều.
Bên cạnh đầu óc duy lý, thơ văn Trần Tung còn đưa lại cho ta một điều thú vị khác. Ấy là sự gặp gỡ, ảnh hưởng giữa nhiều học phái tư tưởng khác nhau. Ðây cũng là một biểu hiện không cố chấp của con người nhà thơ, nó tạo nên trong tình cảm, tư tưởng của ông những màu sắc đa dạng. Tuy là một nhân vật trong làng Thiền, Trần Tung thường khi vẫn có cái thoải mái tự nhiên của một kẻ sĩ ngao du phóng lãng ; con người thơ thoát ly không gian trần tục, nhập vào một không gian “đạo” bàng bạc chất thơ:
Thanh phong minh nguyệt sinh nhai túc,
Lục thủy thanh sơn hoạt kế đa.
Hiểu quải cô phàm lăng hãn mạn,
Vãn hoành đoản địch lộng yên ba.
(Giang hồ tự thích-Vui thích giang hồ)
Gió mát trăng thanh, sinh kế đủ,
Non xanh nước biếc thú vui đầy.
Giương buồm, sáng sớm băng mù thẳm,
Nâng sáo chiều hôm giỡn khói mây.
Lại có khi ông coi mình là một xử sĩ không phải chỉ biết quan tâm đến cái “vô” cái “hữu” mà vẫn dành một chút tâm sự sâu kín cho cuộc đời thanh trọc quanh mình:
Ða tàm thân trọc phùng thời trọc,
Tiểu tại tâm thanh ngộ quốc thanh.
(Thoái cư-Ẩn cư)
Thân đục thẹn sinh thời buổi đục,
Lòng trong may gặp nước nhà trong.
Có lúc hào hứng lên, ông còn tự ví mình như một “gốc thông xanh” có khả năng làm rường cột cho đất nước - một sĩ đại phu vào hàng khả kính ; nhưng vì trót yêu cái đẹp của tạo vật nên còn nhẩn nha ở lại bên triền núi, chưa tiện về triều:
Tối ái thanh tùng chủng kỷ niên
Hu ta địa thế sở cư thiên.
Ðống lương vị dụng nhân hưu quái,
Dã thảo nhàn hoa mãn mục tiền.
(Giản để tùng-Cây tùng đáy khe)
Mấy năm yêu dấu gốc tùng xanh,
Ðừng thở than rằng đất vắng tanh.
Rường cột chưa dùng, người chớ lạ,
Hoa nhàn cỏ nội khắp chung quanh [26].
Rồi còn hơn thế nữa, tiếng nói của Trần Tung trong thơ đột nhiên mang tư thế một nhân vật siêu phàm, vượt quá tầm cỡ cuộc đời chật hẹp mà vươn mình ra giữa khoảng trời đất. Ðó là kiểu người trong Tiêu dao du của Trang Tử ; không gian ở đây mới đích thực là không gian “ảo” - không gian vũ trụ, và con người ở đây cũng không còn chút gì là chất “phàm” nữa:
Thiên địa diếu vọng hề hà mang mang,
Trượng sách du du hề phương ngoại phương.
Hoặc cao cao hề vân chi sơn,
Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương.
Cơ tắc xan hề hòa la phạn,
Khốn tắc miên hề hà hữu hương...
(Phóng cuồng ngâm-Thơ phóng cuồng)
Trời đất liếc trông chừ, sao mênh mang,
Chống gậy nhởn nhơ chừ phương ngoài phương.
Hoặc cao cao chừ, mây đỉnh núi,
Hoặc sâu sâu chừ, nước trùng dương.
Ðói thì ăn chừ, cơm tùy ý,
Mệt thì ngủ chừ, làng không làng...
Ta để ý đến phong cách trữ tình của nhà thơ. Trần Tung đã dựng lên những chủ thể trữ tình khác hẳn nhau, song ở bất kỳ kiểu người nào, ông cũng sống hết mình mà không gượng ép. Nghệ thuật ngôn từ đã được vận dụng đến tuyệt đỉnh để biểu hiện rõ tính cách. Với con người giang hồ tiêu sái thì dáng dấp thật ngang tàng qua những động từ cực đắt : băng mù thẳm / lăng mãn hạn ; giỡn khói mây / lộng yên ba. Còn với con người xử sĩ, nhà thơ lại dùng hai chữ thanh / trọc lặp đi lặp lại trong câu thơ theo thủ pháp điệp tự để làm nổi rõ tâm tư và cung cách xử thế của con người ấy. Riêng với tầm thước con người “phóng cuồng”, con người vũ trụ, thì tác giả dụng ý mở rộng dung lượng câu thơ, dùng thể thơ trường thiên tự do chủ yếu là 8 chữ, sắp đặt thành một chuỗi câu vần bằng liên tiếp nhau, mỗi câu đều có chữ hề và chữ chi hoặc một chữ thanh bằng lặp lại (mang/mang, phương/phương, cao/cao, thâm/thâm...), khiến cho âm hưởng dội vào tình cảm người nghe gợi lên được một cảm giác mênh mông, lan tỏa, như chính mình đang đứng giữa khoảng không trung không bờ bến mà nhìn xuống trần gian.
Tuy nhiên, con người vừa Nho, vừa Phật lại vừa Lão Trang kia trong thơ Trần Tung rốt cuộc lại là kiểu người gì ? Kể cũng khó nói một cách chính xác. Vì đúng ra thì như trên đã nói, chưa bao giờ Trần Tung chịu cột chặt tư tưởng mình vào một khuôn sáo cứng đọng nào cả. Ðó chính là điểm làm cho ông có sức hấp dẫn, làm cho hình ảnh của ông sinh sắc và biến hóa không ngừng. Ông là người luôn luôn đi tìm bản thể của vũ trụ (cần nói thêm cho rõ, trong thơ văn Lý-Trần, thuật ngữ bản thể được Trần Tung dùng đầu tiên và cũng là duy nhất, trong bài thơ Họa Hưng Trí thượng vị hầu - Bản thể như như chỉ tự nhiên, có nghĩa là: Bản thể tròn đầy bất biến mãi mãi là điều tự nhiên thôi), và ở bất kỳ đâu, kết quả tìm ra cũng cho ông một đáp số thống nhất: cái không. Bản thể của vũ trụ này hoàn toàn là không. Ðó chính là cốt lõi của tư tưởng Phật giáo. Tất nhiên, đã quy vạn vật về “không” thì về phương pháp tư tưởng, lại rất cần gạt bỏ cách nhìn đối lập cực đoan đối với các hình thức tồn tại của hiện hữu, bởi vì các hiện tượng khác nhau đó trước sau đều chỉ là một “thằng người gỗ” đang múa may trong khoảnh khắc chuyển mình của không-thời gian của Ðại thiên thế giới mà bản chất cuối cùng của mọi sự “múa may” nhất thời này rốt cuộc vẫn là thống nhất - là “không”. Ðành rằng xét trong hạn hữu của đời người, sự khu biệt giữa các hình thức tồn tại ấy là có thực và nhiều khi là hết sức cần thiết, chẳng hạn phải thừa nhận “không” không phải là “sắc” thì mới giải quyết nổi những nan giải mà con người thường vấp trong khi trải nghiệm thực tế, song nếu từ đấy mà nhất thiết dẫn tới chia cắt “sắc” và “không” một cách tuyệt đối, cũng như chia cắt “hữu” và “vô” một cách tuyệt đối, thì lại là sai lầm:
Tòng “vô” hiện “hữu”, “hữu” “vô” thông,
“Hữu” “hữu” “vô” “vô” tất cánh đồng.
Phiền não, Bồ đề nguyên bất nhị,
Chân như Vọng niệm tổng giai không.
Thân như huyễn kính, nghiệp như ảnh,
Tâm nhược thanh phong, tính nhược bồng.
Hưu vấn tử sinh, Ma dữ Phật,
Chúng tinh củng Bắc, thủy triều Ðông.
(Vạn sự quy như-Muôn việc đều về cõi Chân như)
Từ “không” hiện “có”, “có” “không” thông,
“Có” “có” “không” “không”, rốt cuộc chung.
Phiền não, Bồ đề nguyên chẳng khác,
Chân như, Vọng niệm thảy đều không.
“Thân” như gương ảo, “nghiệp” như bóng,
“Tâm” tựa gió lành, “tính” tựa bồng.
Ðừng hỏi tử sinh, Ma với Phật,
Muôn sao hướng Bắc, nước về Ðông [27]
“Ðừng hỏi tử sinh, Ma với Phật / Muôn sao hướng Bắc nước về Ðông” - chân lý tối hậu mà Trần Tung muốn đề cập sau khi đã mất công biện giải chỗ không sai biệt giữa “không” và “sắc”, giữa “hữu” và “vô” thì ra chính là ở đây. Ông nhắc người ta phải thuận theo quy luật tối cao của tự nhiên trong tư duy cũng như hành động chứ không nên bám vào những hiện tượng bề ngoài. Một chân lý có thể nói là đúng đến muôn đời. Có lẽ cũng nhờ đã đạt đến chỗ thâm hậu của công lực Thiền, lại biết tiếp thu nhiều trường phái tư tưởng khác và không chịu biến mình thành tên "hề đồng" của một hệ giáo lý cứng nhắc nào, mặt khác nhờ trực tiếp dấn thân vào mọi biến cố thăng trầm của lịch sử trong thời đại mình sống, Trần Tung đã có được quan điểm rộng rãi và tinh thần nhuần nhị như trên. Yếu tố biện chứng là điều dễ thấy ở ngòi bút của ông. Nếu vào thời Cổ đại Hy Lạp, Héraclite từng có một mệnh đề lừng danh: “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông”, thì vào thế kỷ XIII ở Việt Nam, trên mảnh đất phương Ðông ít truyền thống tư duy triết học nhưng lại rất giàu khả năng cảm nhận thực tiễn này, Trần Tung cũng đã nói được một câu tương tự :
Tây nguyệt trầm không nan phục ảnh,
Ðông lưu phó hải khởi hồi ba.
(Thế thái hư huyễn-Thói đời hư ảo)
Trăng lặn, bóng trăng khôn trở lại,
Sông trôi, sóng nước mãi trôi qua.
Nhìn một bông hoa nở, một mảnh trăng soi, một dòng nước chảy, Trần Tung chợt nghĩ đến sự vận động không ngừng của cái thế giới của muôn nghìn “sắc tướng”, bề ngoài có vẻ đứng im mà bên trong luôn luôn thay đổi, bề ngoài có vẻ khác nhau như nước với lửa mà bên trong thì lại có khuynh hướng tiến sát lại và đổi vị trí cho nhau. Trần Tung để tâm suy nghĩ về những hiện tượng đó rồi quy nạp chúng thành khái niệm trừu tượng. Ông hiểu một cách thâm thúy tất cả những cái đó là thuộc về tự nhiên, là sự “an định của thời tiết” (an bài của thiên nhiên), con người không làm sao chống được. Cũng giống như một ánh trăng, một ngọn gió không phải là những cái thuộc con người chi phối, cũng không phải là những hoạt động có ý thức của một đấng “chủ tể” nào cả:
Cổ nguyệt chiếu phi quan viễn cận,
Thiên phong xuy bất giản cao đê.
(Thị chúng-Gợi bảo mọi người)
Há quản gần xa trăng cứ dọi,
Lo gì cao thấp, gió đều xao.
Ở chỗ này vị Thượng sĩ họ Trần chắc có tiếp thu ít nhiều tinh hoa của Lão Tử. Chính ông đã sử dụng một mệnh đề biện chứng của Lão tử: “Dụy chi dữ a tương khứ kỷ hà” (Vâng và hứ khác nhau là mấy) để làm cho học trò thông suốt về sự cần thiết phải xóa bỏ những mặt đối lập cực đoan và giả tạo trong tư tưởng mà ta vẫn gặp hàng ngày [28]. Nhưng rồi ông không dừng lại ở Lão Tử mà còn đi xa hơn nhiều. Ông đi tới một thứ chủ nghĩa tương đối mà Thiền học gọi bằng “tiêu trừ nhị kiến”, một thứ chủ nghĩa tương đối không coi cái gì là thực sự khác biệt về chất nữa: phàm và thánh chẳng hơn gì nhau, chúng sinh với Phật là một, chân lý và sai lầm cũng đều thế cả... Và :
Vị giác ngộ trung chân giác ngộ,
Nan thương lương để diệu thương lương.
(Họa Huyện lệnh-Hoạ thơ quan huyện)
Chưa giác ngộ là chân giác ngộ,
Khó suy lường ấy diệu suy lường.
Cái chủ nghĩa tương đối này với hạt nhân hợp lý không thể chối cãi thấp thoáng ẩn hiện trong nhiều tác phẩm của Trần Tung, có lúc trở thành một thứ ám ảnh có khả năng đưa ông đến tận những bến bờ vi tế của tư duy, mở ra cho ông một chân trời vô hạn để sử dụng công cụ Thiền học như một nhà hùng biện bậc thầy, nói thế nào cũng có ma lực của nó (mà quả thật cuộc đời cũng còn ẩn chứa bao nhiêu dấu hỏi bất khả tri là nơi mà những chiêm nghiệm siêu nghiệm có thể tung hoành):
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,
Tân niên hoa phát cố niên hoa.
Tam sinh thúc hốt chân phong chúc
Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma.
Hoặc vấn như hà vi cứu cánh ?
Ma-ha bát-nhã tát-bà-ha.
(Ðốn tỉnh-Chợt tỉnh)
Trăng rọi tối nay : trăng tối trước,
Hoa cười năm mới : hoa năm qua.
Ba sinh gió thổi: đuốc lòe tắt,
Chín cõi cối vần: kiến nhẩn nha.
Muốn hỏi thế nào là cứu cánh ?
Ma-ha bát-nhã tát-bà-ha.
Trong nghệ thuật thơ cổ việt Nam, thủ pháp tượng trưng phi thời gian và trung hòa “hữu / vô”, “động / tĩnh” được thể hiện như trên đây tưởng cũng là tuyệt bút. Dù sao, một cái nhìn tương đối chủ nghĩa nếu đã trở thành phương pháp luận của mọi suy nghĩ, trước sau thế nào cũng chứa đựng một ẩn số bất khả giải nó sẽ là sự thách thức đối với thiên bẩm trí tuệ sắc bén của vị thượng sĩ họ Trần. Và từ cách nhìn tương đối “phi chân phi vọng” đến cái thái độ có chút hơi hướng hư vô trước thực tại tưởng cũng không xa cách bao nhiêu:
Ngã nhân tự lộ diệc tự sương,
Phàm thánh như lôi diệc như điện.
Công danh phú quý đẳng phù vân,
Thân thế quang âm nhược phi tiễn
(Phàm thánh bất dị - Phàm thánh không khác gì nhau)
Ta, người tựa móc cũng tựa sương,
Phàm, thánh như sấm cũng như điện.
Công danh phú quý: mây bồng bềnh,
Tia nắng đời người: tên bay biến.
May thay, nếu như một mặt, những ảo tưởng “bất nhị” muốn kéo Trần Tung ngày càng bước sâu vào thế giới không cùng của sự suy nguyên trừu tượng, thì hiện thực cuộc sống mà ông từng trải và gắn bó vẫn có một sức mạnh nâng đỡ bước chân ông. Và cuộc đấu tranh giằng co giữa hai mặt đối lập trong tư tưởng nhà thi sĩ cứ diễn ra âm thầm mà dai dẳng. Bài thơ sau đây, theo chúng tôi, phản ánh cuộc vật lộn lâu dài thầm lặng đó. Tinh thần kiên định của tác giả lộ ra ở hai câu kết cho phép ta dự đoán cái khả năng chấm dứt mọi ảo tưởng còn rơi rớt của họ Trần. Bài thơ mang phong cách của một lời tuyên ngôn, trong đó hình ảnh cây gậy - có người đoán là cây gậy Thiền - được mô tả như một sức mạnh, một người dẫn đường trung thành, giúp Trần Tung bước những bước vững vàng và đúng hướng:
Nhật nhật trượng trì tại chưởng trung,
Hốt nhiên như hổ hựu như long.
Niêm lai khước khủng sơn hà toái?
Trác khởi hoàn phương nhật nguyệt lung.
Tam xích Song Lâm hà xứ hữu?
Lục hoàn Ðịa Tạng khoái nan phùng.
Túng nhiêu thế đạo kỳ khu thậm,
Bất nại tòng tiền bột tốt ông!
(Trụ trượng tử-Chiếc gậy)
Ngày lại ngày qua tay vững gậy,
Thoắt nhanh như cọp, dẻo như rồng.
Vung lên, sông núi e tan nát,
Dựng dậy trời trăng sợ mịt mùng.
Ba thước Song Lâm tìm chẳng thấy,
Sáu vòng Ðịa Tạng kiếm hoài công.
Dẫu cho đường tục chông gai mấy,
Lão chẳng như xưa bước ngại ngùng!
*
* *
Suốt cả cuộc đời tu hành, Trần Tung đã hoài công đi tìm những hình ảnh vốn chỉ là ảo ảnh: một vị thần Ðịa Tạng hay một mảnh đất Song Lâm, nơi từ đó Phật đi về cõi Niết Bàn. Và ông đã không bao giờ tìm thấy. Ðiều đáng ngạc nhiên là tuy không tìm thấy, Tuệ Trung Thượng sĩ vẫn không thất vọng. Trong tình cảm của ông không hiểu có gì đổ vỡ hay không nhưng biểu hiện ra ở thơ văn thì lại là những nét khỏe nhất: một thái độ tỉnh táo, một ý thức về bản ngã, một sự lựa chọn dứt khoát chỗ đứng ở giữa cõi trần. Quả như Trần Nhân Tông ca ngợi, Trần Tung là con người biết hòa cái siêu phàm với cái thế tục, là người “hòa quang đồng trần” (dùng chữ Lão Tử). Phải chăng, đó chính là tư tưởng thâm thúy nhất mà cũng sắc sảo nhất của ông, là kết quả của một đầu óc chưa bao giờ thôi hoài nghi một cách bén nhạy ? Và người đọc Trần Tung, phải chăng sau khi đã nghiền ngẫm tất cả những mệnh đề thâm diệu của Phật giáo, những lối nói, lối nghĩ siêu hình mang hàm lượng triết lý sâu xa vi tế trong thơ ông, cũng cần tinh ý mà nhận cho ra cái kết luận âm thầm mà thiết thực ấy ?
Hà Nội, tháng 6-1977
Sửa lại, tháng 6-2004
* Giáo sư, Viện Văn học, Hà Nội, Việt Nam
Chú thích
[1] Chúng tôi tạm dịch. Dưới đây các bài dịch không chú tên người dịch đều là của chúng tôi.
[2] Bùi Huy Bích: (1744-1818), tự Hy Chương, hiệu Tồn Am, người xã Ðịnh Công, huyện Thanh Trì, Hà Nội, sau di cư sang xã Thịnh Liệt cùng huyện, đỗ Hoàng giáp, làm đến chức Hộ bộ tả thị lang hành tham tụng; là tác giả hai tuyển tập Hoàng Việt thi tuyển và Hoàng Việt văn tuyển.
[3] Ký hiệu Thư viện KHXH: A.1932.
[4] Hoàng Việt văn tuyển; ký hiệu: A.203.
[5] Ðại Việt sử ký toàn thư, Tập II; Bd. của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội; in lần thứ hai; Hà Nội, 1971. Tr. 89-90.
[6] Hết thảy những chức tước và đất đai mà Tuệ Trung Thượng sĩ được phong, Bùi Huy Bích đều lấy từ bài Thượng sĩ hành trạng.
[7] Ðại Việt sử ký toàn thư; Bd. đã dẫn; Tr.82
[8] Ðại Việt sử ký toàn thư; Bd. đã dẫn; Tr.103-104.
[9] Trần Quốc Chẩn là em ruột Trần Anh Tông và là bố vợ của Trần Minh Tông, năm 1328 bị Minh Tông giết vì tội mưu phản. Thực ra đây chỉ là chuyện bịa đặt của một phe cánh đối lập, đứng đầu là Văn Hiến hầu, trong đó Đỗ Khắc Chung tham gia với tư cách cố vấn cho Hoàng đế. Xem Ðại Việt sử ký toàn thư ; Bd. đã dẫn ; Tr.134.
[10] Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, “Quan chức chí”, tập II ; Bd. của Viện Sử học ; Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961, Tr. 27. Cần phân biệt chức Thái úy về quân sự và chức Phụ quốc thái úy tức là chức Tể tướng. Ðời Trần, chức Phụ quốc thái úy đã đổi thành Tả hữu tướng quốc.
[11] Lịch triều hiến chương loại chí; Bd. đã dẫn, Tr. 27.
[12] Thượng sĩ ngữ lục, Sđd.
[13] Thượng sĩ ngữ lục, Sđd.
[14] Trần triều thế phả hành trạng ; Ký hiệu A 663.
[15] và [16] Ðại Việt sử ký toàn thư; Bd đã dẫn, Tr.28. Hiển Từ là tên truy phong cho Hoàng hậu Thuận Thiên. Việt sử thông giám cương mục, Tập V; Bd. của Viện Sử học, Nxb. Văn sử địa, Hà Nội, 1958, tr. 33 thì không gọi là Hiển Từ mà gọi là Lý thị.
[17] Ðại Việt sử ký toàn thư, Bd. đã dẫn, tr. 115. Những đoạn in nghiêng là chúng tôi nhấn mạnh.
[18] Chi tiết này do nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát chỉ giúp. Xin bày tỏ ở đây sự biết ơn của chúng tôi. Trong một cuộc trao đổi mới đây, Giáo sư Lê Mạnh Thát còn cho biết: nếu đọc theo Khang Hy tự điển thì 崱phiên âm là士力切(sĩ lực thiết) = sực. Chúng tôi nghĩ, có lẽ hiện tượng biến đổi s > th là một quy luật ngữ âm lịch sử của tiếng Việt mà hiện nay còn để dấu vết trong một số cách đọc phương ngữ như sưa > thưa ; sàm > thàm; sèm > thèm... Vậy xưa kia, chữ thực người Việt vốn phát âm là sực chăng.
[19] Nguyên văn: “Nhị nguyệt, Thế tử khiển tòng huynh Hưng Ninh vương Trần Tung lũ lai ước hàng, cố lão ngã sư, dạ nãi khiển kỳ cảm tử giả kiếp chư dinh” 二月世子遣從兄興寧王陳嵩屢來約降故老我師夜乃遣其感死者劫諸營.
[20] Xin xem thêm các bức thư do vua Nguyên “gửi Thế tử An Nam” vào các năm 1277, 1286, 1288 trong An Nam chí lược, Quyển II, mục “Ðại nguyên chiếu chế”.
[21] Có thể là Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung mà An Nam chí lược đã bỏ bớt chữ lót ở giữa, giống như phần lớn trường hợp tên những quý tộc nhà Trần được sách này ghi chép.
[22] Xin xem Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ XIII; Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, Tr. 237-238.
[23] Trần triều thế phả hành trạng ghi năm sinh của Trần Quốc Tuấn là Nhâm tý tức 1252, nhưng lúc này Trần Liễu đã mất được một năm (Tân hợi, 1251). Cũng trong năm Tân hợi, Đại Việt sử ký toàn thư chép việc Trần Quốc Tuấn chủ động cướp người yêu của mình là Công chúa Thiên Thành - vốn được Trần Thái Tông quyết định gả cho Trung Thành vương - ngay vào hôm cưới của nàng (Bản kỷ, Quyển V, tờ 17a-17b). Lại năm Đinh tỵ (1257), cuộc kháng chiến chống xâm lươc Nguyên - Mông lần thứ nhất nổ ra, cũng Đại Việt sử ký toàn thư chép: Triều đình xuống chiếu lệnh cho toàn bộ quân lính thủy và bộ kéo lên các miền biên giới chống giặc dưới quyền tiết chế của Trần Quốc Tuấn (Bản kỷ, quyển V, tờ 22b). Có thể suy đoán: năm 1251, Trần Quốc Tuấn đã trưởng thành nhưng tính khí còn ít nhiều xốc nổi, còn đến năm 1257 ông đã ở cái tuổi chín chắn khiến cho Triều đình nhà Trần tin cậy. Vì thế, chúng tôi ngờ hai chữ Nhâm tý壬子trong Trần triều thế phả hành trạng vốn là hai chữ Nhâm thìn壬辰chép nhầm. Nhâm thìn tức năm 1232, theo cách tính âm lịch đến 1251 là 19 tuổi , và đến 1257 thì đã 25 tuổi.
[24] Ðỗ Văn Hỷ dịch. Trích từ Thơ văn Lý – Trần Tập II, Quyển thượng; Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989. Các bài dịch khác đều rút từ bộ sách này.
[25] Ðỗ Văn Hỷ dịch.
[26] Ðào Phương Bình dịch.
[27] Trúc Thiên dịch.
[28] Công án số 12.