Tự thuật được hình thành trong hư cấu bởi vì ở đó tác giả biểu lộ mong muốn nói sự thật về bản thân. Tinh thần tìm kiếm sự thật này cũng là điều căn bản của công ước tự thuật. Ở đây ta tìm thấy một điểm chung giữa Philippe Lejeune và Alain Robbe-Grillet, dù rằng vẫn có sự khác biệt giữa nỗ lực tìm kiếm tính đích thực và tinh thần tìm kiếm sự thật .
Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ : tinh thần vì sự thật đối với Robbe-Grillet chính là mong muốn nói lên sự thật bất khả về bản thân ; đối với Lejeune, nó được xem như là cam kết nói sự thật về bản thân. Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh trách nhiệm pháp lý của người viết tự thuật và nhấn mạnh tính hợp pháp của việc kiểm tra văn bản. Theo ông, tự thuật là văn bản có thể dùng để tham chiếu, là hình ảnh của thực tế. Nó cần phải được kiểm tra. Vì lý do này mà công ước tự thuật cũng chính là công ước về tham chiếu. Và tác giả buộc phải tuyên bố : « Tôi thề sẽ nói sự thật, toàn bộ sự thật, không có gì khác ngoài sự thật. »[1]
Ngược lại, ngay từ phần mở đầu của bộ ba tác phẩm có tính tiểu thuyết Robbe-Grillet đã từ chối trách nhiệm pháp lý, từ chối tính có thể kiểm tra của các sự kiện được kể lại, nhất là khi chúng là những sự kiện hư cấu. Chúng ta thử xem xét một ví dụ : cảnh Henri de Corinthe tìm thấy chiếc gương trên mặt biển là một cảnh hoàn toàn hư cấu. Tấm gương, mặt biển, cái chết, tình yêu… Henri de Corinthe đối diện với tất cả những thứ đó, đối diện với cả nỗi sợ hãi của con ngựa cuối cùng đã hất ngã ông ta và buộc ông ta phải tự xoay xở một mình với cái vật huyền bí mà ông ta sẽ soi vào đó để thấy không phải hình ảnh của mình. Sau những nỗ lực tuyệt vọng, Henri de Corinthe cũng lôi được tấm gương vào bờ và nhìn thấy trong đó gương mặt của vị hôn thê, Marie-Ange, người chết đuối trên biển Đại Tây Dương. Cơ thể đã biến mất giờ lại xuất hiện trong đáy gương. Tấm gương mang hình ảnh của cái chết. Sjef Houppermans[2] có lý khi nói rằng hình bóng của một kẻ khác đã mất có thể được diễn giải như là sự phản chiếu của dục vọng vẫn tồn tại dai dẳng. Tấm gương trong trường hợp này có thể hiểu như là nơi cất giữ các kỷ niệm, kỷ niệm về thiếu nữ đã chết, có thể là bị nhân vật giết chết. Nhân vật, kẻ đánh mất hình bóng mình trong gương, thực ra nhìn thấy mình qua người khác, chính xác hơn, qua hình ảnh của người khác, qua kỷ niệm về người khác. Tấm gương là một đồ vật của thế giới bên ngoài, nhưng khi nó mang hình bóng của người khác thì nó có thể dẫn chủ thể vào nội tâm của chính mình. Ta có thể nói một cách khác : chủ thể xuất phát từ chính mình để nhận ra người khác. Rốt cuộc, đó chính là sự thật bản thân xuất hiện trong người khác. Hình ảnh của người khác cũng là hình ảnh của chính mình. Henri de Corinthe tìm thấy trong tấm gương tội ác mà có lẽ anh ta đã phạm phải. Và với tình huống hư cấu này, anh ta trở thành hình phản chiếu của tác giả trong tấm gương văn bản. Tình huống này có thể khiến cho hư cấu thành ra có tính tự thuật, có nghĩa là cái sự thật không thể kiểm tra của Corinthe có thể là sự thật của tác giả, một cách gián tiếp : một tội ác mà ông có thể phạm phải trong giấc mơ, do vậy, đó có thể là một tham chiếu tưởng tượng của sự kiện được miêu tả trong truyện. Robbe-Grillet cần đến tự thuật để khẳng định « sự thật » này : cuộc đời ông đã được kể từ lâu, bằng một cách thức chính xác hơn và thuyết phục hơn, trong những tác phẩm hư cấu. Cuối cùng ông đã sử dụng hình thức tự thuật truyền thống nhưng là để tạo điều kiện cho một kiểu tự thuật mới và để củng cố nhận xét của François Mauriac : « Chỉ có hư cấu là không nói dối ; nó hé mở trên cuộc đời một con người cánh cửa bí mật qua đó phần tâm hồn mà anh ta chưa biết lén nhập vào, ngoài mọi kiểm soát. »[3] Robbe-Grillet cũng không thể nói khác : hư cấu thành thực hơn là những lời thú nhận cố ý. Vậy nên tự thuật của ông không thể tách rời khỏi hư cấu.
Ngay từ đầu cuốn Tấm gương trở về, Robbe-Grillet đã giải thích rõ là tác phẩm này hình thành từ nhu cầu cần phải xem lại khái niệm tác giả và công việc viết. Với ông, công việc này là một trò chơi kết hợp, một trò chơi vô danh. Cuốn sách là một dịp để ông tự đối diện với mình, để trực tiếp nói về bản thân, để trực tiếp xem xét mình không qua trung gian của nhân vật người kể chuyện. Và đó là lúc câu hỏi ẩn ngầm « làm thế nào để nói sự thật về bản thân ? » trở nên quyết liệt.
Nếu như nghệ thuật cổ điển có nhiệm vụ « cứu vãn những gì mà nó chạm tới »[4], thì Robbe-Grillet viết để hoàn tất rồi phá huỷ những gì mà ông có quan hệ. Thông thường, ông chạm vào nội tâm, chạm vào « cái tôi » của ông. Trong tự thuật truyền thống, hình ảnh tác giả dần dần hình thành cùng với sự tiến triển của tác phẩm. Khi đọc xong cuốn sách độc giả sẽ có một chân dung của tác giả, một hình dung tổng thể về đời sống gia đình, xã hội, tâm lý… Độc giả tin rằng đó là một chân dung trung thành, chính xác, ổn định với những yếu tố cố kết vững chắc. Độc giả cũng có thể tìm thấy những diễn giải nhằm làm sáng tỏ lô gic và quá trình hình thành tác giả trong tư cách là tác giả. Tự thuật mới không nhằm vẽ một chân dung chính xác và trung thành với hình ảnh tác giả như trong cuộc đời thực, nghĩa là theo mẫu tác giả ở ngoài văn bản (modèle hors-texte), theo cách phân loại của Lejeune. Tự thuật mới xoá bỏ cái ảo tưởng có thể xây dựng một hình ảnh đồng nhất với con người thật, nó làm tăng các khả thể về chân dung tác giả nhờ lối viết chứa đựng xung đột. Tác phẩm của Robbe-Grillet càng phát triển càng phá huỷ hình ảnh tác giả đang hình thành. Chẳng hạn, nếu độc giả dừng lại ở trang 47 của cuốn Tấm gương trở về, anh ta sẽ hoài nghi những gì đọc được trong những đoạn trước đó, liên quan đến nghiệm sinh của tác giả (kinh nghiệm về nước Đức vào thời kỳ ông làm công việc của thợ tiện trong nhà máy Maschinenfabrik-Ausgsburg-Nürnberg, kinh nghiệm về cuộc chiến tranh ở nước Pháp, v.v…), vì tác giả tiết lộ rất hào phóng : « Nhưng từ góc độ tự thuật khiêm tốn của tôi, tôi cần nói rõ là, kinh nghiệm sống của tôi không mấy trùng hợp với những hình ảnh này » (TGTV, 47). Sự thú nhận này có thể khiến cho một số hình dung của độc giả tan thành mây khói.
Tác giả làm « phá sản » chính mình và tự xây dựng lại trên những đổ nát này để rồi lại tự huỷ diệt sau đó, quá trình này tiếp tục cho đến hết tác phẩm. Độc giả không có một hình ảnh đầy đủ và cố định về tác giả, mà chỉ có những mảnh, những mẩu nổi trôi trên dòng sông từ ngữ. Tự thuật mới phân biệt với tự thuật ở tính chất phân rã của cái tôi. Nhưng tự huỷ diệt chính mình bằng hành động viết là một cách để đi vào vĩnh cửu : viết là những gì còn lại của một ai đó, của một cái tôi, những gì sẽ giúp nó tiếp tục tồn tại sau khi chết : « … cái chết… kể một câu chuyện, đó có lẽ là –theo một cách thức ít nhiều có ý thức - nhằm chống lại nó.» (TGTV, 27)
Thái độ như vậy đối với bản thân thực ra cũng giống với thái độ mà Robbe-Grillet có đối với các tác giả khác. Thế giới tiểu thuyết của ông được xây dựng trên đống mục nát của thời đại ông : những đổ nát của tư tưởng, của các hình thức văn học, sự đổ nát của cả một nền văn minh suy sụp cùng với những cuộc đại chiến, với chủ nghĩa phát-xít…Tuy nhiên thực tế mục nát đó đòi hỏi một cái gì đó mới mẻ phải ra đời. Chính vì thế mà tiểu thuyết mới được gọi là tiểu thuyết của thời kỳ « hậu diệt chủng »[5]. Những chiếc tẩy là một ví dụ giúp chúng ta thấy rõ Robbe-Grillet đã làm Sophocle và nhân vật của ông sụp đổ như thế nào. Có thể xem Wallas như là bản sao của Œdipe. Những ám chỉ về huyền thoại này hết sức phong phú và rõ ràng đến mức ta có thể nói nhân vật của Robbe-Grillet thoát thai từ nhân vật của Sophocle. Tiểu thuyết của Robbe-Grillet, với nhân vật Wallas, đã đem lại Œdipe một cuộc đời hoàn toàn khác với cuộc đời anh ta đã có trong tác phẩm của Sophocle, và bằng cách đó giết chết « cha đẻ » của anh ta, và đồng thời lại làm cho người « cha đẻ » ấy sống lại một lần nữa. Trong trường hợp này, « kẻ giết cha » thực sự chính là văn bản. Trong sự hình thành của tác phẩm Những viên tẩy, tác giả của Œdipe đóng vai trò người cha cần phải giết chết. Tuy nhiên, « vụ giết cha » này có thể được hiểu như là một cách tôn vinh : người cha bị giết chết nhưng đồng thời nhờ vậy mà lại nổi tiếng thêm.
Dĩ nhiên, việc sử dụng lại văn bản cũ như chất liệu để xây dựng một văn bản mới, không có nghĩa là tác giả hiện đại thêm cái gì đó vào văn bản cũ. Văn bản mới, được viết trong tinh thần hiện đại, không lấp đầy, không hoàn thiện văn bản cũ, trái lại chứa đựng những lỗ hổng, những chỗ khiếm khuyết…Kỹ thuật này cũng áp dụng cho cả tự thuật mới.
Tự thuật mới không có mục đích trình bày lại một cách trung thành các sự kiện của quá khứ, mà tìm kiếm những kết cấu hở hoác (organisation des béances) dựa trên đó mà hình thành lối viết tự thuật mới. Như đã nói, Robbe-Grillet đối xử với bản thân cũng giống như cách mà ông đã đối xử với Sophocle. Ông tự huỷ và tái lập từ những lỗ trỗng, những chỗ thiếu khuyết. Thiếu khuyết trở thành một phương thức tồn tại : « Vậy là tôi được tạo nên từ các mảnh không thể tìm thấy một tổng thể chặt chẽ, xác định và có vẻ ổn định. Các mảnh này cơ động và thiếu chắc chắn ; hơn nữa, khi chúng xuất hiện với một sự rõ ràng nhất định, chúng trở nên vô nghĩa »[6]. Như vậy tự thuật mới không miêu tả để chỉ ra và soi sáng chân dung của người viết mà để che khuất. Sự việc xuất hiện ở đó để bị giấu đi. Chúng hiện lên và lẩn trốn giữa những khoảng trống. Các mảnh không kết nối nhằm mục đích tạo thành một tổng thể, chúng luôn luôn ở trong trạng thái thiếu mạch lạc, rời rạc. Văn bản được tạo dựng theo cách này giống như một thứ đồ thêu. Robbe-Grillet giải thích rằng công việc của nhà tự thuật giống với công việc của chị thợ thêu, anh ta thêu câu chuyện từ các lỗ, các mảnh, và nhờ đó mà mạng lưới các chỗ khiếm khuyết sẽ dệt nên cấu trúc hữu hình của văn bản. Tác giả đưa vào tác phẩm những chi tiết đời tư, những đồ vật thân thuộc, những nhận xét về bố mẹ, những kỷ niệm, những bình luận, những giải thích về nghề nghiệp, về tác phẩm, những bình luận văn học, và đặc biệt là mối bận tâm của ông về nghề văn. Tất cả được đặt trong sự hỗn độn, đứt quãng, rời rạc, nhưng không phải là không lô gíc. Sự hỗn độn có lô gíc của nó : lô gíc của trí nhớ và nỗ lực phân tích.
Trong Tấm gương trở về, Robbe-Grillet đặt câu hỏi về tính chất đánh bẫy của lối viết. Tại sao lại có ý muốn làm độc giả lạc hướng như vậy ? Câu trả lời là : ông viết để chống lại chính ông, và do đó chống lại công chúng. Viết, đó là theo đuổi một ẩn ngữ, ẩn ngữ này xuất hiện dưới hình thức một sự thiếu khuyết làm đứt quãng dòng chảy của đời sống, nó hình thành trong những mâu thuẫn và không thể nói về nó một cách đơn giản. Sự đụng độ vĩnh viễn giữa thế giới bên ngoài và những con quỷ trong cơ thể người đòi phải được biểu đạt bằng ngôn ngữ, thậm chí kể cả khi ngôn ngữ không đủ để đáp ứng. Tiểu thuyết hiện đại chấp nhận mâu thuẫn này như yếu tố tổ chức hư cấu. Thiếu khuyết trở thành trung tâm của trò chơi có khả năng đánh lừa và làm độc giả thất vọng[7]. Lối viết thiếu khuyết đặt bẫy cho mọi khuynh hướng diễn giải, thậm chí cho cả những « người yêu thích cấu trúc không có ý nghĩa ». Robbe-Grillet không phủ nhận rằng ông khao khát hiểu và khao khát tặng cho văn bản một ý nghĩa. Nghệ thuật có lẽ không phải hoàn toàn « vô tư » nếu nó tiến hành cuộc tìm kiếm bản thể đầy lo âu, cuộc tìm kiếm từ chối sự đơn giản (bao gồm cả sự « vô tư »), và làm cho cấu trúc tự sự trở nên phức tạp.
Một lối viết tự thuật như vậy cho phép nhà văn thiết lập một quan hệ mới với chính mình, một quan hệ vĩnh viễn dang dở. Nó không bao giờ được lấp đầy, ngược lại lúc nào nó cũng ở trong trạng thái thiếu khuyết với những lỗ hổng trên đó nhà văn thực hiện cái công việc mà ông so sánh với công việc của người thợ thêu. Giữa mình và mình không có sự trùng khít. Luôn luôn có một khoảng cách, và chính trong khoảng cách này xuất hiện những gì cần được viết ra. Như vậy viết chính là để bắc một cây cầu nối liền mình và mình, nhưng đôi khi, thay vì kết nối hai bờ của vực thẳm, nó lại nới rộng thêm khoảng cách.
Trong tiểu luận Nhị hoá và tính hai mặt trong những « tác phẩm có tính tiểu thuyết » của Robbe-Grillet, Roger-Michel Allemand đối chiếu những gì Robbe-Grillet đã làm trong hai cuốn Tấm gương trở về và Angélique hay là điều kỳ diệu[8] với lý thuyết của Philippe Lejeune. Đối chiếu này cho thấy rằng sự đồng nhất về tên tuổi giữa tác giả, người kể chuyện và nhân vật không còn giá trị đối với Robbe-Grillet, khi mà Henri de Corinthe – không phải tác giả, cũng không phải người kể chuyện – là nhân vật trung tâm và là bản sao của Robbe-Grillet, và như vậy câu hỏi của nhà tự thuật : « Tôi là ai » được thay thế bằng câu hỏi « Henri de Corinthe là ai ? ». Trong khi truy tìm sự thật về chính mình, tác giả đi tới chỗ gặp gỡ với bản sao của mình. Dự định tự thuật hướng tới việc xây dựng một thế giới của những thực thể phân đôi và hai mặt : Henri de Corinthe, bản sao của ông bố - Gaston Robbe-Grillet -, bản sao của chính tác giả - Alain Robbe-Grillet -, bản sao của ông bố cũng tồn tại trong sự nhị hoá của Gaston Robbe-Grillet và Henri Robin Robbe-Grillet. Tác giả gọi hai người này là « bố tôi », trong thực tế họ là sự nhị phân hư cấu của hình ảnh người cha, bởi vì họ không phải là một, ngày sinh của họ chứng tỏ điều đó.
Nhị hoá và tính hai mặt khiến cho chân dung tự hoạ của tác giả trở nên thiếu chính xác và đáng ngờ, và khiến cho bản sắc và sự thật về bản thân trở nên bất khả. Trong tình huống này, sự đồng nhất về tên không có nghĩa, bởi vì :
Khi tôi nói về tuổi thơ, tôi luôn sợ là sẽ kể lại một tồn tại mơ hồ và đáng ngờ mà tôi đã trải qua, vào lúc nào tôi không rõ, ở đâu tôi không rõ, một ai đó có tên giống như tôi, có thể cũng có khuôn mặt giống tôi, nhưng đó có lẽ không phải là tôi. (AHLĐKD, 28)
Truy tìm chính mình để rồi thấy bản sao của mình, bởi vì sự thật về bản thân là bất khả. Điều này không loại trừ việc bản sao này là một trong những sự thật mà ta tìm kiếm.
Tính bất khả của sự thật về bản thân cũng biểu hiện ở chỗ tự thuật mới có thể được viết vào thời điểm tác giả mới chỉ ở giữa đường đời, khi mà, theo quan điểm của tự thuật truyền thống, anh ta chưa thể có một cái nhìn hồi cố đầy đủ bao quát. Vào lúc đó, có thể nói rằng tác giả vẫn còn chưa có toàn bộ sự thật về bản thân. Philippe Lejeune nhận thấy rằng những nỗ lực tổ chức tác phẩm tự thuật trong một trật tự khác với trật tự tuyến tính của Faulkner, Butor, Simon… hầu như không gây được sự quan tâm của các nhà tự thuật. Khi tìm cách giải thích hiện tượng này, ông phát hiện ra rằng thông thường, tự thuật bắt đầu vào thời điểm lúc tất cả đều đã diễn ra trong cuộc đời của các tác giả. Vì thế nhu cầu về một hình thức mới không còn là đòi hỏi thiết yếu đối với họ. Tại sao tự thuật chỉ có thể bắt đầu ở giai đoạn cuối cuộc đời của tác giả ? Vì : « Ta chỉ có thể viết tự thuật nếu ta đã hiểu rõ ý nghĩa của cuộc đời ta. » Câu này của Lejeune được Robbe-Grillet dẫn lại trong bài viết Một công ước tự thuật mới, dẫn lại để bác bỏ nó. Quy tắc hiểu cũng là bất khả đối với tự thuật mới, thể loại được viết ra chính là vì tác giả không hiểu :
Nếu tôi thoải mái đưa những kinh nghiệm riêng tư của tôi, dưới tên tôi, vào một cuốn sách như cuốn Tấm gương trở về, thì là vì tôi không hiểu. Không chỉ là tôi không hiểu thế giới, mà vì tôi không hiểu bản thân tôi nốt, và vì thế mà tôi tự nói với chính mình.[9]
Như thế, cái mới mà Robbe-Grillet mang đến cho thể loại không phải chỉ đơn giản là trật tự thời gian hỗn độn của các sự kiện được kể. Ông cho rằng tự thuật không chỉ là cái nhìn hồi cố hay là câu chuyện kể về một cuộc đời đã ở vào đoạn cuối, hay là bản tổng kết về các hành động ta từng có trong đời mình. Ngược lại, nó có thể là một cuộc phiêu lưu tươi mới của nội tâm, hoặc đúng như nhân vật giấc mơ trong Chính Gradiva gọi ngươi đó từng nói, nó có thể được viết bởi một tác giả còn trẻ, nhằm dự báo những gì sẽ diễn ra trong tương lai. Trong trường hợp này, ta viết tự thuật, không phải vì ta đã sống và vì ta đã thực hiện những dự định của đời mình ; mà vì ta sẽ sống và sẽ phát triển những dự định đã hình thành trong tác phẩm tự thuật.
Tự thuật như là các mảnh của một cách nhìn thế giới đang hình thành, chưa cố định lại thành một ý kiến chắc chắn, còn tiếp tục thay đổi và tự làm mới. Nó không chỉ đơn giản là việc kể lại một cuộc đời có thực, mà cùng với nó nhà văn xây dựng và sẽ xây dựng cuộc đời ông ta, một cuộc đời giấy, cũng như bản thể giấy của ông ta, sẽ là vĩnh cửu. Robbe-Grillet viết Tấm gương trở về năm 1976, và tác phẩm cuối cùng của ông xuất bản năm 2007. Như vậy tự thuật được bắt đầu viết vào giai đoạn giữa chứ không phải cuối cuộc đời, ông không cần có một cái nhìn hồi cố. Ông cũng không viết để tìm ý hiểu ý nghĩa đã có của đời mình. Ông viết để tổ chức nó, điều này biểu lộ trong hai câu hỏi cơ bản mà ông không ngừng nhắc lại : « tôi là cái gì vậy ? », « tôi đang làm cái gì vậy ? »
Trong cuộc truy tìm sự thật về bản thân luôn xuất hiện dấu vết của kẻ giết cha, của các tội phạm, của những vụ giết người, của bạo lực… Điều đó có thể khiến ta nghĩ rằng cái sự thật mà tác giả miệt mài tìm kiếm là sự thật về tội lỗi. Nếu từ góc độ tự thuật mà nghĩ rằng cần phải tìm những tham chiếu trong cuộc đời thực của tác giả thì dĩ nhiên sẽ không bao giờ tìm thấy dấu vết của những tội ác như vậy. Và sự thật này sẽ là sự thật không thể kiểm tra, vì thế trở thành sự thật bất khả. Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy. Vì các tham chiếu có thể tồn tại trong đời sống tâm lý :
Tôi viết để tiêu diệt những con quỷ ban đêm, những con quỷ đe doạ xâm chiếm đời tôi lúc tỉnh thức, bằng cách miêu tả chúng cụ thể. Nhưng […] mọi thực tế đều không thể miêu tả được, và tôi biết điều đó nhờ bản năng : ý thức được cấu trúc giống như là ngôn ngữ của chúng ta […] nhưng thế giới và vô thức thì không giống như vậy ; với các từ và các câu tôi không thể tái hiện cả những gì tôi thấy trước mắt, lẫn những gì ẩn dấu trong đầu tôi, hoặc trong giới tính của tôi […] Vậy nên văn học là cuộc truy tìm một tái hiện bất khả. (TGTV, 17-18)
Tính bất khả của sự thật về bản thân nằm trong chính sự tái hiện bất khả này. Càng không thể tìm thấy nó, càng phải tìm kiếm nó. Công việc nhà văn có thể được coi như là một dạng thức của sự bận tâm về bản thân (souci de soi), một vấn đề của triết học phương tây mà Michel Foucault phân tích trong cuốn Thông diễn học về bản thể[10]. Foucault suy nghĩ về mối quan hệ giữa chủ thể tính và sự thật, về lịch sử phát triển của các quan hệ giữa hai yếu tố này. Chúng tôi xin giới thiệu, trong vài nét tóm tắt ngắn gọn, các ý tưởng mà ông đã phát triển, chỉ những ý tưởng liên quan đến vấn đề đang được bàn ở đây. Ông tập trung vào khái niệm « bận tâm về bản thân », vào việc « chăm lo cho bản thân », và « lo lắng cho bản thân ». Khái niệm này có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp : epimeleia heautou ; và nó thường bị bỏ qua nếu so với mệnh đề nổi tiếng về chủ thể trong lịch sử triết học mà tất cả mọi người đều biết : « hãy tự biết mình » (gnôti seauton). Foucault nói rõ rằng câu này được khắc trên tấm đá của đền thờ Delphes, khởi thuỷ nó không có ý nghĩa triết học. Tất cả mọi ý nghĩa, như là : sự hiểu biết về bản thân, sự hiểu biết về bản thân như là cơ sở của đạo đức, sự hiểu biết về bản thân như là nguyên tắc của quan hệ với thần linh…, đều là nhờ những diễn giải khác nhau mà có.
Hai mệnh đề này, theo Foucault, sóng đôi với nhau, nhưng « hãy biết mình » xuất hiện như là vế bổ sung cho « bận tâm về bản thân ». Nếu mệnh đề sau được hiểu như là nguyên tắc chung, thì mệnh đề trước sẽ là một hình thức áp dụng cụ thể hoá nguyên tắc chung này và biểu hiện như là đỉnh điểm của nỗi bận tâm này.
Khi phân tích những văn bản của Socrate trong Tự biện có đề cập đến sự bận tâm về bản thân, Foucault nhấn mạnh một vài điểm quan trọng. Trước tiên đó là vai trò quan trọng của Socrats trong việc khích lệ con người biết tự chăm sóc bản thân, một vai trò mà thần linh giao phó cho ông. Vì thế số phận ông phải được tham dự vào hàng thần thánh. Ngoài ra nó được đặc trưng bởi sự hi sinh : khi chăm lo cho người khác, ông phải hy sinh những quyền lợi công dân, tài sản, sự nghiệp chính trị của ông… Cuối cùng, Foucault nhận xét rằng mối bận tâm về bản thân được xem như là thời điểm thức tỉnh đầu tiên lúc ta từ giấc ngủ bước vào ánh sáng, nó cần thiết cho con người vì nó kích thích con người bằng cách khiến họ phải day dứt, và day dứt là nguyên tắc của mọi thái độ duy lý. Ông khảo sát sự phát triển của khái niệm này trong toàn bộ lịch sử phát triển của triết học, từ cổ đại đến thời kỳ cơ đốc giáo, với Platon, Epicure, Sénèque, Epictète, Plotin, Grégoire de Nysse…
Foucault thử giải thích vì sao khái niệm « hãy tự biết mình » rất được ưu tiên, trong khi « bận tâm về bản thân » lại bị thờ ơ. Lý do thứ nhất là vì « bận tâm về bản thân » chứa đựng trong nó một cái gì đó khiến người ta phải bối rối : một loạt những công thức khác xuất phát từ đó : « chăm sóc bản thân », « chăm chút cho bản thân », « tìm thấy niềm vui trong bản thân », «tôn trọng bản thân », tất cả gợi lên cho con người hiện đại một cảm giác tiêu cực. Hoặc họ cho rằng những lối biểu đạt này tạo thành « một kiểu thách thức và ba hoa, một mong muốn đoạn tuyệt đạo đức học, một kiểu công tử bột về tinh thần, sự khẳng định – thách thức của cả một giai đoạn thẩm mỹ, một giai đoạn cá nhân không thể nào vượt qua nổi »[11] ; hoặc là ta thấy ở chúng một cái gì đó u sầu. Đó là trong trường hợp những mệnh đề này khêu gợi liên tưởng đến : « thu lại trong chính mình », « ẩn náu trong chính mình », « trú ngụ trong bản thân như trong một pháo đài »… một mẫu hình yếu đuối, cách biệt, tách rời khỏi đạo đức tập thể. Điều này khiến cho khái niệm có phần nghịch lý trong khi đó thì với Socrate, nó là một nguyên tắc tích cực. Tiếp theo, lý do thứ hai được biểu hiện như một nghịch lý về đạo đức : nguyên tắc tích cực này của Socrat bị coi nhẹ trong bối cảnh luân lý ki tô giáo với những quy tắc rất nghiêm khắc đòi hỏi một thứ đạo đức không ích kỷ và quên mình. Sự quên mình này, trong bối cảnh hiện đại của luân lý phi ki tô giáo, trở thành « nghĩa vụ đối với người khác – dù đó là người khác, là đoàn thể, là giai cấp, hay là tổ quốc »[12]. « Thời điểm Descartes » là lý do thứ ba khiến cho công thức « hãy biết mình » được ưu tiên so với « bận tâm về bản thân », ngoài ra theo Foucault đây là lý do căn bản. « Thời điểm Descartes » đóng vai trò quan trọng trong việc phế truất mệnh đề « bận tâm về bản thân » và thẩm định lại mệnh đề « hãy tự biết mình ». Sự thẩm định lại này được biểu hiện ở chỗ phương pháp của Descartes, dựa trên ý thức về bản thân, đã biến mệnh đề của Socrate thành « một cách thức chủ yếu để tiếp cận sự thật ». Tuy nhiên phương pháp này cũng khiến cho nguyên tắc của Socrate bị loại khỏi tư tưởng triết học hiện đại
Khi khảo sát lịch sử triết học và khi định nghĩa triết học như là một hình thái tư duy nhằm tìm hiểu cách thức tiếp cận sự thật của chủ thể, tiếp cận những điều kiện của sự thật cũng như những giới hạn của nó, Foucault nhận thấy rằng, trước « thời điểm Descarte » có một quan niệm cho rằng để có thể tiếp cận sự thật, con người không thể làm gì khác hơn là tiến hành hoạt động « tinh thần ». Xuất phát từ định đề là con người không có khả năng đạt tới sự thật nếu nó luôn luôn là chính nó, và để trở thành một chủ thể có khả năng nhận biết sự thật, nó cần phải thay đổi, với mục đích tạo ra sự thay đổi này, đời sống tinh thần làm nảy sinh những hình thái khác nhau của hoạt động tinh thần : hoạt động phát triển của chủ thể, hoạt động tình yêu, lao động khổ hạnh để tìm hiểu bản thân. Một lao động cực nhọc như vậy cần được ban thưởng, và phần thưởng chính là sự thật. Sự thật, trong khi làm thay đổi chủ thể, sẽ góp phần hoàn thiện nó và đặt nó vào trạng thái hạnh phúc và thanh tĩnh.
« Thời điểm Descartes » là thời điểm lúc lịch sử vấn đề sự thật bước vào giai đoạn hiện đại, lúc mà chỉ duy nhất nhận thức mới cho phép tiếp cận sự thật. Sự thật được tiếp cận nhờ hành động nhận thức của triết gia và hành động nhận thức của triết gia về chính mình. Chủ thể có khả năng nhận biết sự thật chính là nhờ có sự nhận thức. Và một khi sự thật không còn là phần thưởng đối với chủ thể, thì việc tiếp cận sự thật trở thành một hành trình vô tận của nhận thức, nó sẽ dẫn tới những tiến bộ không ngừng.
Dĩ nhiên, thời điểm diễn ra sự thay đổi không phải là một nhát cắt đột ngột ; sự thay đổi này đã bắt đầu từ trước đó rất lâu, cùng với môn thần học, và đặc biệt với xung đột giữa tinh thần luận và thần học trong suốt mười hai thế kỷ, từ thế kỷ V đến thể kỷ XVII ; và nó không phải là một nhát cắt dứt điểm. Những vấn đề liên quan đến quan hệ giữa triết học về nhận thức và tinh thần luận về sự chuyển hoá của chủ thể vẫn luôn được đặt ra ở mọi thời đại
Theo nhận xét của Foucault, nếu như trong quan niệm triết học trước « thời điểm Descartes », sự thật được nhìn nhận như là phần thưởng của hoạt động tinh thần, một công việc khổ hạnh để nhận thức chính mình, thì ta có thể nói rằng viết đối với Robbe-Grillet là một công việc mang lại nhiều khoái cảm để nhận thức bản thân, một công việc hướng tới khám phá sự thật bất khả về bản thân.
Trích từ cuốn “Alain Robbe-Grillet: sự thật và diễn giải”, Daivietbooks & NXB Hội Nhà Văn, 2009.
----
Chú thích:
- Phần này trích từ chương “ Tự thuật mới và không-sự-thật về bản thân”, trong đó chúng tôi xử lý vấn đề tự thuật trong sáng tác của nhà văn Robbe-Grillet, chủ yếu tập trung vào bộ ba tác phẩm mang tính tự thuật: “Tấm gương trở về”, 1985, “Angélique hay điều kỳ diệu”, 1988, và “Những ngày cuối cùng của Corinthe”, 1994. Ở đây, có lẽ tôi cần phải nhấn mạnh thêm một lần nữa, rằng, Robbe-Grillet trình bày tính chất bất khả của sự thật về bản thân không phải là để lẩn tránh sự thật về chính mình, mà để cố gắng truy đuổi nó, cố gắng nhận diện nó. Khi gợi lên tính chất bất khả này ông cảnh báo cho chúng ta về cái nguy cơ mà Sartre gọi là “nguỵ tín” (mauvaise foi): con người rất dễ tự lừa dối chính mình.
[1] Philippe Lejeune, Công ước tự thuật, sđd, tr. 36
[2] Sjef Houppermans, Alain Robbe-Grillet, nhà tự thuật, Rodopi, Amsterdam-Atlanta, Ga, 1993
[3] François Mauriac, Dẫn nhập của « Những khởi đầu của một cuộc đời», trong cuốn « Các tác phẩm tự thuật”, Gallimard, Pléiade, 1990, tr.67
[4] Alain Robbe-Grillet, kẻ lữ hành, sđd, tr. 295
[5] Alain Robbe-Grillet, kẻ lữ hành, sđd, tr. 294
[7] Người tình của Marguerite Duras cũng được viết theo cách này. Trong loạt bài phát biểu phát trên đài France Culture năm 2003, Robbe-Grillet đã dẫn tiểu thuyết này như ví dụ cho lối viết thiếu khuyết : câu chuyện của Người tình được xây dựng từ một tấm ảnh bị thiếu. Người tình của tác giả không ai khác ngoài một nhân vật tưởng tượng, một nhân vật đến từ những huyễn tưởng thuần tuý. Theo cách ấy khoảng trống trở thành yếu tố cấu thành của văn học hiện đại. (Xem : Xây dựng trên khoảng trống, in trong Alain Robbe-Grillet, lời tựa cho một cuộc đời nhà văn.)
[8] hai trong ba tác phẩm có tính tự thuật được công bố cho đến thời điểm Allemand viết tiểu luận này, năm 1991.
[9] Alain Robbe-Grillet, lời tựa cho một cuộc đời nhà văn, Seuil, 2005, tr. 159
[10] Cuốn sách này tập hợp các bài giảng của Michel Foucault năm 1982, được xuất bản từ các bản ghi chép của sinh viên của ông, do nhà xuất bản Seuil và Gallimard ấn hành năm 2001.
[11] Michel Foucault, Thông diễn học về chủ thể, Seuil/Gallimard, 2001, tr.14