Văn minh Đông Sơn tàn tạ và suy vong khó cứu vãn như một lẽ đương nhiên. “Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương”. Tích Quang, Nhâm Diên là người của thời kỳ đó. Cày ruộng, làm nhà, hôn nhân, tế lễ … người phương Bắc dạy cho người phương Nam, giúp các cộng đồng dân cư Âu Lạc làm nên một thời đại mới. Chữ Nho cũng được gọi là chữ Hán và đạo Khổng (Nho giáo) thấm vào cộng đồng cư dân vẫn được thư tịch chép là Lạc Việt.
Như chúng ta đều biết, để cứu vãn sự rã đám của các Công quốc, xây dựng một quốc gia nhất thống, vào giữa thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, Khổng Khâu về sau được đời tôn vinh là Khổng Phu Tử đã chế ra một loại “keo” hàn gắn. Ấy là học thuyết Khổng Tử. Học thuyết này được Mạnh Tử bổ sung trở thành học thuyết Khổng – Mạnh. Càng về sau, con người nhận thức mình rõ hơn, vũ trụ rõ hơn tiếp tục chỉnh lý bổ sung làm nên học thuyết nhân nghĩa vừa có Nho vừa có Giáo hiến dâng nhân loại. Nhà Hán từ trung nguyên mở rộng dần thành Trung Hoa. Nho là một thứ ký tự - chữ viết. Giáo là một thứ tín ngưỡng. Dùng ký tự truyền bá triết lý cũng cố niềm tin “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” cho các bậc chính khách và “Nhân, nghiã, lễ, trí, tín” cho bàn dân. Mối quan hệ “tam tài” Thiên – Địa – Nhân (Trời – Đất – Người) không những được thiết lập mà còn được xác định là “tương dữ”. Con người đứng giữa Trời – Đất lệ thuộc và chịu sự chi phối của Trời – Đất là một lẽ đương nhiên. Trời cho ánh sáng, cho mưa thuận gió hòa. Đất cho cơm áo, nước uống và chổ cư trú. Con người cảm nhận được vũ trụ và ý thức được thân phận mình. Tam cương (quân, phu, phụ hay quân, sư, phụ) được xác lập. Trung với vua, hiếu với cha mẹ, thủy chung giữa vợ chồng (lễ nghĩa với thầy) là thước đo nhân cách của con người được xã hội thừa nhận. Từ đó xã hội Trung Hoa từng bước đi vào thế ổn định và phát triển. Biên giới quốc gia vươn xa ra bên ngoài Vạn Lý Trường Thành để hhiện thời đã có số dân gần bằng một phần tư nhân loại. Cho đến nay tính hữu ích vĩ đại của học thuyết Khổng Phu Tử đời vẫn chưa hiểu hết. Và, bản thân người Trung Hoa ở quê hương sinh thành học thuyết được coi là tài sản trí tuệ nhân văn đó cũng không biết vin theo lời dạy có một không hai này mà vươn lên.
“Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”
Chỉ riêng luận điểm đầy ắp tính nhân loại cao cả rất Trung Hoa này lẽ ra đã đưa Trung Quốc đứng trên ngọn tháp hùng cường không chỉ về dân số mà còn tất cả các lĩnh vực. Tiếc thay các thế hệ cầm quyền Trung Hoa vì quá nôn nóng nên không “như” + “tâm” để “thứ” theo THÁNH KINH châu báu này. Tham vọng với thất vọng làm nên sự luẩn quẩn trường kỳ.
900 năm kể từ khi Mã Viện kéo quân sang đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến năm 938, Ngô Quyền làm nên chiến công Bạch Đằng khai sáng thời kỳ độc lập tự chủ, đã có hàng vạn Thứ sử, Thái thú, dân binh từ phương Bắc tràn xuống nước ta. Quan, Tướng đi theo công lệnh đến hạn thì về hoặc không về bởi sự mệnh lớn hơn. Ví như Thái thú Hồ Hưng Dật né tránh Ngô Quyền, né tránh Thập Nhị Sứ Quân âm thầm lui vào phía trong khai cơ lập ấp đã làm nên cả một dòng họ lớn. Dân binh, người tị nạn, kẻ lưu đày … thì ở đâu no ấm đấy là quê hương. Tất cả các lớp người đó ban đầu được cư dân bản địa gộp chung lại trong một đại từ nhân xưng : Khách. Khách không phải chủ nghĩa là không phải con cháu các vua Hùng. Nhưng ở quá lâu lại thành chủ. Văn minh Trung Hoa theo các lớp người Nam tiến bén rễ nẩy mầm làm nên văn minh Đại Việt sau thời kỳ Đông Sơn. Và, cư dân Lạc Việt không còn ròng như thuở Hai Bà Trưng. Đinh Bộ Lĩnh mà biểu tượng là “Ngọn cờ lau” làm nên tính bản địa đã tập hợp được lực lượng xóa bỏ nguy cơ phân liệt “Thập nhị Sứ quân” xây dựng Nhà nước Đại Cồ Việt mang đầy đủ tính chính thống của một quốc gia. Lẽ ra ai cũng mừng. Đáng tiếc là cộng đồng dân cư đã mất tính thuần nhất nên ngôi vua không nằm yên với Vương triều Đinh. Mất ngôi, mất con rồi mất vợ diễn ra quá chóng vánh. Lê Hoàn dẹp được đội ngũ trung thần của Nhà Đinh, viết tiếp chiến công Bạch Đằng nhưng hình như lòng người không phục. Lê Ngọa Triều trả giá làm dấu chấm kết thúc nhà Tiền Lê không lấy gì làm vẻ vang. Lý Công Uẩn lên ngôi trước nhu cầu trăm họ nhận biết xã hội Đại Cồ Việt đang rơi vào thế “canh hẹ” rối ren. Ra khỏi “căn cứ địa” Hoa Lư như một yêu cầu về tính quảng đại. Kinh đô Thăng Long được khai sáng. Vương triều Lý với khát vọng dân yên nước ổn, người người lấy tình thương yêu mà đùm bọc nhau đã nhanh chóng chọn cửa Từ Bi mà độ. Phật giáo được xiển dương dưới sự tỏa sáng của Lý Quốc Sư và ngôi chùa cùng tên. Nhưng quản lý một đất nước chỉ hô hào cổ xúy Từ Bi Hỉ Xã không thôi thì chưa đủ. Lẽ đó Vương triều Lý đã phải viện đến Lão giáo, Nho giáo. “Tam giáo đồng nguyên” góp sức vun đắp triều đại mới. Những câu đồng dao được tác giả khuyết danh thức thời vừa có tầm chiến lược vừa có tầm trí tuệ phải chăng đã xuất hiện từ thời kỳ này:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy là khác giống nhưng chung một giàn”.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Rõ ràng bầu khác bí nhưng đã leo chung một giàn thì nhường nhau để cùng tồn tại như một lẽ hiển nhiên. “Nhiễu điều” “giá gương” cũng vậy. Đã “trong một nước” (chứ không còn trong một gia tộc, một bộ lạc) phải thương nhau thôi. Không thương nhau thì nhà tan nước vở.
Với tư tưởng và khát vọng đó Phật giáo chiếm địa vị độc tôn từ những ngày đầu. Tuy nhiên Từ Bi Hỉ Xã góp phần ổn định xã hội nhưng không đề ra được mô hình và phương pháp quản lý xã hội. Nhất là không có chữ viết tương ứng phù hợp ngôn ngữ để chép kinh khả dĩ giúp chúng sinh khám phá sâu hơn thế giới tâm linh dưới gốc Bồ Đề. Chữ Hán của Nho giáo vừa tải tư tưởng “nhân chi sơ tính bản thiện” là nền tảng của Từ Bi lại đề ra được cơ cấu tổ chức xã hội. Nho giáo lấn sân dần. Tháng Tám mùa Thu năm Thần Vũ thứ 2 (Canh Tuất – 1070) nhà vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng Văn Miếu tại Kinh đô Thăng Long để thờ Đức Khổng Phu Tử , Chu Công, Tứ phối, Thập nhị hiền kết hợp làm nhà học dành cho Hoàng Thái tử. Nhu cầu học để làm vua trở thành cấp bách. Bởi “Nhân bất học bất tri lý”. Đúng quá! Tuyệt vời quá. Nho giáo xen dần vào cung cấm và đến năm Thái Ninh thứ 4 (Ất Mão – 1075) bắt đầu tổ chức thi cử và sang năm Anh Vũ nguyên niên (Bính Thìn – 1076) nhà vua Lý Nhân Tông lại cho xây dựng Quốc Tử Giám, là trường Đại Học Quốc Gia đầu tiên ở nước ta. Việc học cho con vua. Việc học cho con quan. Việc học cho con dân loang dần trong cộng đồng xã hội. Từ sự khởi đầu việc học ở triều Lý đã làm nên nô nức ở thời Trần. Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chủ đạo dưới triều Lê. Năm Hồng Đức thứ 15 (Giáp Thìn – 1442) qua sáng kiến tuyệt vời của nhà vua Lê Thánh Tông những người có học đạt được khoa bảng ở mức đại khoa trong các kỳ thi Hội, thi Đình được khắc tên lên bia đá đặt tại Văn Miếu Thăng Long. Sự biểu dương khích lệ bằng “Bảng vàng bia đá” này làm cả nước háo hức, tự hào về những ông Nghè “vinh quy bái tổ”. Văn Miếu Thăng Long (1070 – 1788) với 82 bia Tiến sĩ các thời đứng lại làm minh chứng cho một chặng đường đấu tranh xây dựng và củng cố nền độc lập tự chủ của nước nhà đã trở thành di tích quốc gia. Nhất là từ sau ngày ông Bin Clinton nguyên Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đến thăm, nhiều công trình nghiên cứu, giới thiệu về Văn Miếu và Quốc Tử Giám Thăng Long đã được phát hành rộng rãi. Văn Miếu Thăng Long được các cấp chính quyền quan tâm hơn. Nhà Thái học được khôi phục, Ban Quản lý Di tích được tăng cường, công tác tu sửa, tôn tạo được chú ý đặc biệt. Trung Tâm Hoạt Động Văn Hoá Khoa Học Văn Miếu Quốc Tử Giám được khuyến khích hoạt động. Nhờ vậy di tích Quốc Gia Văn Miếu Thăng Long đang làm sống lại một thời và được quảng bá rộng rãi. Nhất là chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. 719 năm qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Lê cho dù vật đổi sao dời, Văn Miếu ở Thăng Long vẫn tồn tại như một biểu tượng khuyến học đã trở thành “quốc bảo”.
Thế kỷ XVIII với những biến động không thường, đất nước lắm binh đao Quốc Tử Giám với Văn Miếu Thăng Long khép cửa thời gian trước lịch sử đất nước. Nguyễn Phúc Ánh thiết lập Vương triều Nguyễn chuyển Kinh đô vào Phú Xuân tiếp tục lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống đương nhiên phải xây dựng Văn Miếu và Quốc Tử Giám mới tại Kinh đô mới như là sự kế thừa truyền thống trọng văn khuyến học của ông cha. Như vậy là kể từ năm 1070 đến năm 1945 đã trãi qua một chặng đường lịch sử 875 năm Nho giáo từng bước chiếm địa vị độc tôn và trở thành hệ tư tưởng chính thống dưới các Vương triều Lê, Nguyễn. Trong gần 9 thế kỷ, các triều đại phong kiến Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn đều lấy Nho giáo làm khuôn vàng thước ngọc để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đất nước có khi thịnh khi suy nhưng việc học để vun đắp nhân tài theo hệ tư tưởng Nho giáo thì không hề thay đổi.