Bài viết nhỏ của chúng tôi chỉ lưu ý vài khía cạnh về hình thức.
Từ điều 7 của Luật giáo dục đại học,ta có thể hiểu đại họclà cơ sở giáo dục đại học. Song điều 8.1 lại cho đại học quốc gia là trung tâm, khi giải thích: Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.
Rõ ràng, về nội dung thì không sai nhưng về hình thức diễn đạt, người viết đã thể hiện một cách tư duy thiếu rành mạch, nhất quán - điều tối kỵ đối với một văn bản luật.
Ai cũng biết, đại học quốc gia là đại học. Và đại học, đã được điều 4.8 giải thích, "là cơ sở giáo dục đại học bao gồm tổ hợp các trường cao đẳng, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học". Ở Việt Nam chỉ có hai loại đại học là đại học quốc gia và đại học vùng. Vậy thì, khi xác định nội dung khái niệm đại học quốc gia, ta đưa nó về khái niệm chung là đại học (đã được xác định ở trên), rồi chỉ thêm những dấu hiệu tiêu biểu để phân biệt nó với đại học vùng là đủ; đưa về khái niệm trung tâm làm gì, vì đây là một khái niệm chưa được giới thuyết trong bộ luật này.
Lại nữa, ở chương VIII (Giảng viên), điều 54 ghi: 1. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe... (trích), thế nhưng ở chương IX (Người học), điều 59 lại ghi: Người học là người đang học tập và nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục đại học... (trích).
Như vậy, câu đầu tiên ở trên thì nói về điều kiện, tiêu chuẩn để làm giảng viên, còn câu đầu tiên ở dưới lại là một khái quát mang tính định nghĩa về người học. Theo tôi, để cách trình bày ở hai chương này ăn nhập với nhau, nên thêm một dòng vào đầu điều 54, và diễn đạt:Giảng viên là người làm nhiệm vụ giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học. (Tương xứng với: Người học là người đang học tập và nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục đại học).
Tương tự, điều 7 (Cơ sở giáo dục đại học), trước khi ghi những câu "1. Cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: a) Trường cao đẳng; b) Trường đại học, học viện; c) Đại học (đại học vùng và đại học quốc gia); d) Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ" (sắp xếp của tác giả PTH), nên thêm câu: Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục mà ở đó hoạt động giáo dục đại học được thực hiện.
Nói tóm lại, theo thiển ý của người viết, trong một văn bản luật, khi trình bày một khái niệm cơ bản nào đó nên tiến hành theo hai bước:
- Đặc trưng của nó là gì?
- Nó bao gồm những đối tượng nào?
Đáng tiếc là trong bộ luật này, thao tác thứ nhất khi có khi không. Tính rõ ràng, chặt chẽ của văn bản vì thế mà bị sụt giảm.
Xin nhắc lại, trên đây chỉ là những khái quát mang tính định nghĩa, còn nếu như yêu cầu một định nghĩa chuẩn xác thì không chỉ các khái niệm vừa nói mà ngay cả khái niệm "nhà giáo", trong Luật giáo dục cũng còn đôi chỗ phải tiếp tục bàn./.