1.Chữ viết là việc con người sử dụng các dấu hiệu nét để ghi lại lời nói. Với tiếng nói, con người giã biệt thế giới động vật để làm người. Với chữ viết, con người giã từ thế giới dã man để bước vào thời đại văn minh. Đó là giá trị tổng quát nhất của chữ viết. Khả năng chuyển thông tin đi xa và chính xác giúp con người tập hợp và mở rộng cộng đồng của mình cũng như quản trị xã hội. Khả năng lưu giữ thông tin lâu dài giúp con người tích lũy kinh nghiệm, tích lũy tri thức, tích lũy văn hóa. Với chữ viết, con người có thể ghi lại những dự định, những hiểu biết của mình: nó tăng cường khả năng độc lập sáng tạo, tức là dùng để tư duy.
Chữ viết dùng thay cho lời nói để thông tin, điều này là hẳn nhiên. Nhưng thông tin của chữ viết cũng đa dạng, ngoài ý nghĩa, nó còn là nghệ thuật, là tâm hồn, là dấu ấn cá nhân và cộng đồng khi thực hành viết. Thư pháp là phép viết chữ, dần dần nâng cao thành nghệ thuật viết chữ. Ở nghĩa rộng nhất, bất cứ một loại chữ viết nào cũng có thư pháp, tuy nhiên, có nơi thư pháp phát triển thành một nghệ thuật chứa đựng giá trị cao, có nơi thì nghệ thuật thư pháp phát triển vừa phải. Cái này tạo nên đặc sắc văn hóa ở các cộng đồng khác nhau.
2.Trang trí bằng chữ viết là một hình thức trình bày thư pháp cho một đối tượng thưởng lãm, tiếp nhận nào đó. Đối tượng có thể chính là mình, là một ít người khác và cũng có thể là tất cả mọi người. Hơn nữa đối tượng cũng có thể là những người ngoài văn tự đó, thậm chí là người ở một thế giới khác trong tưởng tượng: thế giới thần thánh hoặc ma quỉ. Với tư cách là một nghệ thuật, chữ viết trang trí cũng mang các phạm trù mĩ học như thiêng liêng (cao cả), đẹp, bi kịch, hài kịch như các nghệ thuật khác. Có chữ trang trí khiến người ta ngưỡng vọng, có chữ khiến người ta chan hòa thư thái, có chữ khiến người ta trầm mặc u hoài, có chữ thì vui cười giải tỏa. Mỗi một quốc gia, mỗi một cộng đồng trong quá trình phát triển, thường có tình trạng đa văn tự. Điều đó cũng tất yếu như là tiếp biến văn hóa vậy. Mỗi văn tự có vận mệnh, nội lực và vai trò văn hóa riêng của nó. Không phải loại chữ viết nào cũng như nhau về vai trò, giá trị trong một văn hóa. Hay nói cách khác, chữ viết không chỉ là thuần túy thông tin ngữ nghĩa.
3.Thờ tự là hành động của con người phục vụ việc giao tiếp với thế giới khác trong tưởng tượng, trong tâm linh. Nó thuộc về văn hóa tín ngưỡng và văn hóa tôn giáo.
Tính chất đầu tiên của hành động thờ tự là tính quá khứ. “Đã chết đâu mà lạy”, đó là câu nói thường xuyên. Thờ tự mang một cảm hứng ngược nguồn, hoài niệm, suy nguyên mạnh mẽ, hướng đến những biểu tượng đã thành giá trị từ quá khứ.
Tính chất thứ hai của thờ tự là tính thiêng. Khi bước vào không gian đó, con người kính ngưỡng tổ tiên thần thánh và những biểu tượng quá khứ, con người nghiêm trang thực hành các nghi lễ.
Tính chất thứ ba của thờ tự là tự nghiệm và bày tỏ thực trạng. Con người hành lễ tự kiểm điểm công việc, thành quả của mình, thổ lộ niềm tin, tâm trạng của mình, báo công hoặc sám hối trước thần thánh.
Tính chất thứ tư là cầu mong cho cá nhân và cộng đồng, trình bày những dự định, những mong muốn, những kì vọng và cầu xin thế lực siêu nhiên giúp đỡ.
Tính chất thứ năm của thờ tự là cố kết cộng đồng, là sự tập hợp lực lượng cùng gia tộc, cùng tín ngưỡng, cùng tôn giáo, cùng văn hóa.
4.Thực trạng thờ tự ở nước ta rất phong phú tùy theo tín ngưỡng hoặc tôn giáo, tùy theo tộc người, tùy theo vùng miền, tùy theo mục đích, đối tượng, tùy theo điều kiện sống của cá nhân và gia đình. Bởi vậy, việc sử dụng chữ viết trang trí trong thờ tự cũng phong phú theo. Với người Kinh, chữ trang trí thường dùng trên đòn nóc, hoành phi, mộ chí, cột trụ, bàn thờ, liễn thờ, bia đá…ở các không gian đền chùa, miếu mạo, phủ điện, gia đình, thánh đường, đình quán… Ở đây, người ta thấy rõ ràng sự lấn át của chữ Hán so với chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Cũng có những vùng, những nơi người ta sử dụng chữ Quốc ngữ nhưng nhìn chung là thiểu số. Đã có nhiều ý kiến khác nhau bàn bạc về vấn đề này: có ý kiến ủng hộ đa số, có ý kiến cho rằng phải cải tiến phù hợp để bảo vệ chữ viết Quốc ngữ.
Nhìn trên thực trạng, chúng ta có thể thấy các nguyên nhân của nó. Ngoài yếu tố truyền thống, thì 5 tính chất của thờ tự như ta nói ở trên phù hợp với chữ Hán hơn là chữ Quốc ngữ:
a, Về tính quá khứ, rõ ràng là chữ Hán là thứ chữ sớm nhất mà người Kinh sử dụng, nếu suy nguyên thì nó là đích xưa nhất của tâm cảm hoài niệm.
b, Về tính thiêng, chữ Hán, theo quan niệm cổ xưa là chữ thánh hiền, chữ của kinh Phật (chúng ta xưa cực ít học kinh Phật qua chữ Phạn). Hơn nữa, tính thiêng còn hàm chứa sự khó hiểu. Mĩ học cho rằng, một biểu tượng cao cả là biểu tượng khiến cho người tiếp xúc có cảm giác không bao giờ làm chủ, khống chế được nó. Còn nếu như hoàn toàn làm chủ được, thì nó sẽ chuyển sang cái đẹp chứ không còn là cái thiêng nữa. Các nhà dân tộc học thấy rằng, khi xưa người Thái hay mời ông mo Mường và ngược lại, người Mường lại mời ông mo Thái là vì vậy. Ở đây, nghĩa thông tin của kí tự chỉ đóng một vai trò rất nhỏ.
c, Vì tính thiêng đó mà người ta thành kính khi bày tỏ, tin tưởng khi cầu mong, tức là nó đạt đến mấy chữ Nghiêm, Kính, Tín, Thành. Đồng thời, khi vào một không gian cần cố kết cộng đồng, cần hứa hẹn sự đồng tâm hiệp lực, sự tôn trọng và cố gắng, thì không gian trang nghiêm cũng sẽ hữu hiệu hơn.
Vậy, ta nên hiểu thực trạng đó trước khi có những đề xuất về cải cách hoặc thay đổi.
5. Đề xuất:
a. Tín ngưỡng và tôn giáo là quyền tin và không tin của từng con người. Cảm quan thẩm mĩ cũng vậy, cần tôn trọng con người. Tuy nhiên, trên tổng thể, khuyến khích sự phát triển văn hóa theo hướng chân, thiện, mĩ. Không gian tâm linh, tín ngưỡng có cái chân, thiện, mĩ của nó, khác với không gian thực tiễn như công sở, nhà máy, doanh trại, khu tập thể, phố phường…
b, Trong không gian thờ tự, cũng tùy theo tín ngưỡng, tôn giáo, tùy theo mục đích thờ tự, đối tượng thờ tự, vật thể trang trí mà trang trí loại chữ nào.
Cụ thể như sau: Chữ bùa dán trong nhà nên là Hán. Đại tự nên là Hán. Câu đối thuộc không gian tín ngưỡng hoặc tôn giáo Nho Phật Đạo nên mặt ngoài Hán, mặt trong đối diện Quốc ngữ. Danh ngôn ở Thánh đường Thiên chúa giáo nên mặt ngoài La tinh, mặt trong Quốc ngữ. Bia đá làm mới tùy với đối tượng: những anh hùng, nhà văn hóa hiện đại nên là bia chữ Quốc ngữ; trùng tu, tôn tạo di tích cổ mà làm bia mới nên mặt ngoài Hán, mặt trong Quốc ngữ. Thờ tự trong nhà thì tùy để gia chủ lựa chọn.
Vấn đề nên tránh là, một câu đối cổ lại đắp thêm chữ quốc ngữ nhỏ vào dưới từng chữ, hoặc làm các biển giải thích gắn vào hiện vật cổ. Như thế là xâm phạm hiện trạng di tích. Vì sự “hiểu nghĩa” mà vá víu để phủ định cái thiêng, cái đẹp.
Tóm lại là, chữ viết có một chức năng rộng lớn, quan trọng, trong đó chữ trang trí trong không gian thờ tự chỉ là một công năng đặc biệt của chữ viết. Nó phải phù hợp với tính chất, đặc điểm của công năng đó. Lấy cái tổng thể chức năng của chữ viết để soi xét nó mà không tính đến cái đặc thù của chữ trang trí nơi thờ tự sẽ không lí giải được thực trạng và không đề xuất cách thức được cho thực tế văn hóa./.