Hiện nay trên cả nước đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh có nhiều sự kiện mới khá gay gắt về đất đai.Không ai phủ nhận ý tưởng và mục đích tốt đẹp được đề ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, trong thực tiễn, bên cạnh những kết quả khả quan, đangbộ lộ ra rất nhiều sự bất cập, vô lý cả về lý thuyết và thực hành. Nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ đã bộc lộ những mâu thuẫn, thậm chí là xung đột. Đó là bài toán giữa tăng trưởng với bền vững, đô thị hóa với bảo tồn các giá trị văn hóa làng cổ truyền, quản lý tập trung với dân chủ làng xã, quyền lực nhà nước với quan hệ họ tộc, giàu với nghèo, nông dân với quan chức làng – xã và trên làng xã. Điều đáng quan tâm là đã và đang có hiện tượng một số nơi do quan chức làng – xã hư hỏng hoặc kém hiểu biết đã làm sai, làm hỏng hoặc lợi dụng việc xây dựng nông thôn mới để trục lợi. Sức dân có nơi đã kiệt nhưng vẫn bị huy động một cách quá mức; Đô thị hóa nông thôn một cách ồ ạt và kệch cỡm đã phá nát không gian kiến trúc - môi trường sống – môi trường văn hóa của người dân bao đời nay. Nhiều công trình xây dựng mới tốn kém nhưng không phù hợp dẫn đến không khai thác, phát huy được công năng, gây lãng phí vô cùng lớn…Tất cả những bất cập đó không những làm biến dạng bộ mặt nông thôn, văn hóa làng xã mà còn dẫn đến những bất đồng, mâu thuẫn trong nông thôn, làm ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bình thường của các làng – xã.
Nông nghiệp không thể đứng yên một chỗ, phải vận dụng khoa học quản lý tiến bộ, kĩ thuật và phương tiện hiện đại để phát triển. Nông dân không thể bị nghèo, phải ly hương để làm thuê mãi nơi đất người và chịu đựng những bất công không đáng có. Nông thôn không thể không cải tạo, đổi mới không gian, các điều kiện hạ tầng để đáp ứng nhu cầu sống, sinh hoạt ngày càng cao của dân làng. Nhưng đổi mới và phát triển như thế nào phải được xem xét và lựa chọn một cách cẩn trọng, thông minh và thực hiện một cách minh bạch, nghiêm túc, tiết kiệm và hiệu quả cao.
Phát triển nông thôn theo hướng văn minh hiện đại nhưng bền vững và bảo tồn được các giá trị
căn cốt của văn hóa làng, của nông dân là sự lựa chọn khách quan, cần thiết. Để hạn chế và khắc phục được những sai lầm, bất cập…còn tồn tại trong thời gian vừa qua, thiết nghĩ cần tôn trọng và phát huy cao hơn nữa, nhiều hơn nữa quyền làm chủ và trí tuệ, kinh nghiệm của người dân; Huy động sức dân nhưng phải biết khoan sức dân, bồi bổ sức dân; Thực hành mọi việc minh bạch, công khai; Đề cao và tôn trọng, biết nâng niu và bảo vệ các giá trị truyền thống của văn hóa làng xã; Kiên quyết xử lý các sai phạm, lựa chọn và sử dụng cán bộ có năng lực, có tâm huyết, biết yêu quê và yêu dân để thực hiện chương trình Nông Thôn Mới.
Xây dựng Nông Thôn Mới không chỉ là một chương trình kinh tế xã hội mà cần thiết được coi là một chương trình văn hóa vì nó tác động vô cùng sâu sắc đến văn hóa của đại đa số người dân Việt. Nếu không cẩn trọng trong quá trình thực hiện chương trình này, sự sứt mẻ và rạn vỡ của Văn hóa Việt Nam là điều có thể./.