Diễn đàn

Thượng tôn Pháp luật, tôn trọng Đức tin để đối diện với hiện tại và hướng đến tương lai

Những ngày này, người xứ Nghệ, và cả nước, lại xao động vì những ồn ào, căng thẳng ở giáo xứ Mỹ Yên [Nghi Phương – Nghi Lộc]. Chuyện đúng sai sẽ có pháp luật phân định nhưng lòng người chẳng có ai vui. Xã hội bất ổn sẽ không ai được lợi, nhất là những người trong cuộc; Sẽ làm cho mỗi người, mỗi nhà và cả đất nước hao tổn sức lực, khó khăn lại chồng thêm khó khăn. Tại sao không để cho quê hương đất nước yên lành, chăm lo làm lụng để vượt qua những khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế đang trầm trọng, để cho quê hương mạnh lên, dân tộc mạnh lên mà đối phó với âm mưu thâm độc của bọn ngoại bang đang nhòm ngó biển Đông của Tổ Quốc mà lại gây nên vụ việc làm tình hình mất ổn định, đất nước bất an, dân bất yên?

Một dân tộc mạnh phải là một dân tộc đoàn kết. Đoàn kết là cội nguồn của sức mạnh dân tộc. Đó là chân lý đã được chứng minh trong trường kỳ lịch sửcủa dân tộc, trong hành trình văn hóa Việt Nam. Nếu các cộng đồng người Việt không đoàn kết thì văn hóa Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã bị đồng hoá bởi 1000 năm Bắc thuộc. Nếu không đoàn kết, không có tinh thần dân tộc thì người Việt Nam không thể có những chiến công Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ và Đại thắng Mùa Xuân 1975.… Tinh thần dân tộc là gì? Một câu hỏi khó nhưng đối với người Việt Nam lại có lời giải vô cùng giản dị. Đó là anh và tôi và tất cả mọi người, bất kể già trẻ, gái trai, tôn giáo, tộc người, quê quán… miễn là chung một tấm lòng yêu nước thương nòi, tôn trọng lẫn nhau  và nguyện cùng nhau xây đắp, bảo vệ đất nước. Điều giản dị này là lẽ sống của người Việt Nam và đã đưa người Việt Nam đi suốt hành trình lịch sử - văn hóa mấy ngàn năm qua. Khoan dung là một giá trị nổi bật của Văn hóa và Đạo đức Việt Nam. Khoan dung là chất keo đoàn kết. Khoan dung tạo nên sức mạnh dân tộc. Tam giáo đồng nguyên là một sự lựa chọn cách - thế ứng xử nhân văn và thực tiễn tuyệt vời của cha ông ta. Văn hóa Đại Việt phát triển rực rỡ trong suốt mấy thế kỷ là một phần nhờ chính sách đại đoàn kết và khoan dung đó.

Chuyện buồn hôm nay làm nhớ lại câu nói của nhà Đại Ái Quốc Phan Bội Châu hồi đầu thế kỷ XX khi Cụ đang tên đường tranh đấu vì dân tộc: “Ta trông mong các nhà tôn giáo, cũng như mọi người không nên bàn tôn giáo nào phải hay trái, mà chỉ nên bàn nước mình mạnh hay yếu, không nên bàn tôn giáo nào giống nhau, khác nhau mà chỉ nên bàn nước còn hay mất”. Cụ khẳng định: “…toàn thể nhân dân Việt Nam theo tín ngưỡng khác nhau vẫn gắn bó với nhau trong cộng đồng dân tộc, trong tư tưởng nhân văn và tinh thần yêu nước”. Trong hành trình tranh đấu, Cụ Phan Bội Châu đã tập hợp rất nhiều đồng chí là những người có Đạo Thiên Chúa.

Mấy chục năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là một mẫu mực về thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Trên con đường hoạt động yêu nước và cách mạng, ông thức nhận ra nhiều vấn đề từ chính trong văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại để có những quan điểm khoa học và thực tiễn sáng suốt về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và về vấn đề tôn giáo. Ông đã phát hiện ra sự tươngđồng giữa giáo lý các tôn giáo và mục tiêu cách mạng:“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.

Hiến Pháp 1946, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban soạn thảo, điều thứ 10, đã khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền:… Tự do tín ngưỡng”. Ngày 14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 234/SL. Điều 1, chương I của Sắc lệnh này ghi rõ:Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo (như nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lý, v.v...)”. Cũng tại điều này trong Sắc lệnh đã khẳng định: “Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”.

Thiết nghĩ, với chừng ấy cũng đã đủ thể hiện được quan điểm và chính sách nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam về tự do tôn giáo.

Nhớ lại, những ngày đầu độc lập sau cách mạng Tháng Tám 1945, từ chỗ là người chưa cùng chí hướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành bạn bè với linh mục Lê Hữu Từ. Người nói: “…Đức cha Từ là người bạn thân mật của tôi. Ngài là một vị lãnh đạo sáng suốt của đồng bào Công giáo. Công giáo hay không Công giáo đều phải nỗ lực đấu tranh cho nền độc lập dân tộc của nước nhà. Nhiệm vụ của toàn thể chúng ta là phải giữ gìn nền độc lập.Thay mặt Chính phủ cảm ơn Đức cha Từ và các ngài đã tỏ lòng trung thành với Chính phủ".

Nhớ chuyện hai bậc tiền bối, hai nhà Đại Ái Quốc người Nghệ, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh, để hy vọng và tin tưởng, với tinh thần yêu nước và khoan dung của người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, người xứ Nghệ, văn hóa xứ Nghệ, những bất đồng, căng thẳng ở Giáo xứ Mỹ Yên sẽ được giải tỏa trên nền tảng các giá trị văn hóa và đạo đức dân tộc. Người có đạo và người không có đạo đều là Con Lạc Cháu Hồng, là con dân và là chủ nhân của Nước Việt Nam do các bậc tiền nhân xây đắp và bảo vệ mà nên, mà còn. Hãy thượng tôn Pháp luật và tôn trọng Đức tin để đối diện với hiện tại và hướng đến tương lai tốt đẹp của Dân Tộc Việt Nam, của Quê Hương Nghệ An.

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513210

Hôm nay

2311

Hôm qua

2436

Tuần này

21147

Tháng này

220083

Tháng qua

121356

Tất cả

114513210