Khách mời văn hóa

Phải đặt giá trị và lợi ích con người lên cao nhất [Trao đổi với Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, cựu Bộ trưởng y tế]

Lời Tòa Soạn:Y đức là đạo đức của người thầy thuốc, là một vấn đề quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động của ngành y tế. Y đức phản chiếu một gướng mặt đạo đức xã hội. Y đức là một yếu tố cấu thành đồng thời là một sản phẩm của nền đạo đức của một cộng đồng, một nền văn hóa. Các giá trị trong nền y đức thay đổi thể hiện một nền y tế đang có vấn đề lớn và kéo theo đó là sự biến đổi trong nền văn hóa. Gần đây, nhiều sự việc liên quan đến sự tiêu cực trong ngành y tế khiến cho nhiều người đau lòng và thất vọng. Để cùng bạn đọc có một cách tiếp cận thực tiễn và toàn diện hơn , VHNA có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ y tế, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Tinh thần dân tộc là giá trị lớn nhất

PV:Thưa giáo sư, được biết trước khi đến với nghề Y, ông là một chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Giáo sư có thể nhớ lại cảm xúc và những suy nghĩ của mình khi bắt đầu tham gia kháng chiến? Điều gì đã hấp dẫn thế hệ các ông tham gia cách mạng và kháng chiến?

GS.TS Nguyễn Trọng Nhân (NTN): Sinh ra trong một gia đình cách mạng, từ bé tôi được đọc nhiều sách báo tiến bộ của Việt Minh. Tinh thần dân tộc được hun đúc trong tôi từ bé. Năm 1945, tôi mới 15 tuổi, trường tôi học chuyển tử Hà Nội về Hưng Yên nên khi cách mạng bùng nổ, tôi tham gia cướp chính quyền ở Hưng Yên. Sống trong không khí sục sôi cách mạng lúc đó, ai cũng bị lôi cuốn theo dòng thác cách mạng. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, anh trai tôi nhập ngũ, tôi muốn đi nhưng cha tôi không cho mà bắt ở nhà với mẹ vì không còn ai. Năm 1950, có phong trào học sinh tòng quân. Gia đình tôi lúc đó đang sơ tán về Hà Nam . Khi đoàn học sinh Trường Lê Quý Đôn  là trường cũ tôi học đi từ Thái Bình qua Hà Nam thì tôi cùng em trai tôi xếp áo quần và từ biệt mẹ lên đường tòng quân. Lúc đó, hòa nhập với tinh thần yêu nước là sự theo chân với bạn bè, thấy bạn bè sôi nổi thì mình cũng hăng hái tham gia cách mạng để thể hiện lòng yêu nước. Tôi vào học trường sĩ quan pháo binh và được gọi vào trung đoàn chuẩn bị qua Trung Quốc để nhận pháo viện trợ. Tuy nhiên khi trung đoàn chưa xuất phát thì chiến dịch Hoàng Hoa Thám nổ ra ở Quảng Ninh, quân ta bị thiệt hại nặng nên Bộ Tổng tham mưu lại điều một số cán bộ về. Về đến Thái Nguyên, tôi được bổ sung vào đại đoàn 312. Năm 1953, có lệnh từ trên xuống lựa chọn một số chiến sĩ có trình độ văn hóa cho đi học tập ở Liên Xô để về phục vụ đất nước sau khi kháng chiến kết thúc. Tôi cùng với một số người được cử đi học ở Liên Xô, là đoàn thứ hai sang đó học. Tóm lại, từ tham gia cách mạng, cướp chính quyền, nhập ngũ và được cử đi học, tất cả đều trên cơ sở tinh thần yêu nước. Lúc đó, tất cả mọi người đều bị lôi cuốn bởi một tinh thần dân tộc cao cả. Tinh thần dân tộc là giá trị lớn nhất lúc đó.

Y đức, tuyên truyền thì nhiều nhưng thực hành thì hạn chế

PV:Khi sang Liên Xô học về y khoa, ông  thấy nền y học Liên Xô lúc đó như thế nào? Ông đã được dạy những gì về Y đức trong thời gian học tập tại Liên Xô. Ở đó các sinh viên y khoa có được giảng về Lời thề Hippocrateskhông? Sau khi về nước, công tác trong ngành Y tế, ông thấy có sự khác nhau nào không trong quan niệm và thực hành y đức ở Liên Xô và ở Việt Nam?

NTN:Lúc đó, đến Liên Xô, đối với chúng tôi,  như là đến một thế giới khác. Từ trong cuộc kháng chiến, trong rừng Việt Bắc, khi đến Liên Xô, mọi thứ đều thay đổi rất nhiều khiến cho người ta không khỏi bàng hoàng. Hệ thống y tế của Liên Xô lúc đó đã rất hiện đại. Khi đến nơi, chúng tôi được đi kiểm tra sức khỏe. Ai có bệnh thì được điều trị miễn phí. Phần lớn anh em là bộ đội thì đều bị sốt rét nên được y tá mang thuốc đến phòng để uống.

Trong quá trình học, chúng tôi phải học một chuyên đề là tổ chức y tế ở Liên Xô. Các thầy dạy về hệ thống y tế xã hội chủ nghĩa, về y đức và thái độ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. Họ có phê phán sự tôn sùng chủ nghĩa cá nhân của Stalin, phê phán thái độ đối với thầy thuốc gốc Do Thái khi Stalin còn nắm quyền. Nhưng có lẽ đó thiên về chính trị hơn là y đức. Trong bài giảng này, thầy giáo cũng giảng về lời thề Hippocrates nhưng không quá sâu. Nói chung, chúng tôi học về kỹ thuật, về chuyên môn là chủ yếu, còn về y đức thì quan sát ở bệnh viện xem các thầy thuốc đối với bệnh nhân như thế nào hay từ các thầy của mình.

Sự khác biệt giữa quan niệm và thực hành y đức ở Liên Xô và Việt Nam là vấn đề nói và làm. Ở Liên Xô, người ta không nói nhiều về y đức. Người thầy thuộc nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình. Còn người dân họ cũng nhận thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình nên khi có vấn đề họ sẵn sàng trao đổi với thầy thuốc. Còn ở Việt Nam , nói quá nhiều về y đức. Từ tuyên truyền đến phản ánh đều rất nhiều nhưng việc thực hành thì có nhiều hạn chế. Nhiều khi nói vậy chứ chưa hẳn đã làm vậy.

PV:Tính nhân đạo, chủ nghĩa nhân đạo là một giá trị phổ quát toàn nhân loại và xuyên suốt mọi thời đại. Tính nhân đạo phụ thuộc vào tri thức của một người và trình độ phát triển của một cộng đồng. Tính nhân đạo được thể hiện trong nghề y, ở người thầy thuốc bằng hệ thống các giá trị đạo đức của họ. Thưa giáo sư, các dân tộc đều có một truyền thống văn hóa riêng của mình. Đạo đức, truyền thống nhân đạo của các dân tộc cũng có những quan niệm, quy chuẩn  độc đáo riêng của mình. Theo giáo sư thì quan niệm nhân đạo và ý đức của người Việt Nam ta có những điểm gì độc đáo hơn, ưu việt nổi trội? 

NTN: Trải qua nhiều cương vị khác nhau, đi tham quan, trải nghiệm qua nhiều nước cho tôi một hình dung về những giá trị nhân đạo, giá trị y đức của người Việt Nam. Y đức là đạo đức của ngành y tế. Y đức là cơ sở đem lại niềm tự hào, niềm vinh dự cho ngành y tế. Trong truyền thống văn hóa của người Việt, người thầy rất được kính trọng. Đó là thầy giáo dạy làm người và thầy thuốc bảo vệ sức khỏe con người. Người ta quan niệm, đã dấn thân vào con đường chữa bệnh cứu người thì mọi người thầy thuốc dù sống bần hàn cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình. Chuyển sang kinh tế thị trường, khi các ngành nghề khác nhau thi nhau đi làm giàu thì người thầy thuốc vẫn không được đi làm thêm. Vì sao? Vì có quan niệm, người thầy thuốc đi làm thêm là vi phạm y đức, là chạy theo đồng tiền. Và vì vậy,người thầy thuốc đã không đảm bảo được cuộc sống của chính mình và gia đình. Trong khi đó, để trở thành một bác sĩ, một thầy thuốc phải trải qua một quá trình đào tạo lâu dài. Khi đang làm Bộ trưởng,tôi cósang Thái Lantham quan thì thấy họ có cách giải quyết cuộc sống cho các bác sĩ khác các nơi khác. Ở đó, nếu ai làm trong bệnh viện nhà nước mà không tham gia làm thêm ngoài thì được một khoản trợ cấp để đảm bảo cuộc sống. Còn hiện nay ở Việt Nam, khi các bác sĩ tốt nghiệp thì muốn ra làm cho các bệnh viện tư vì lương bổng cao hơn.

Trước khi xin từ chức Bộ trưởng, tôi đã trình bày ý kiến rằng: Ngành Y là ngành phải học nhiều nhất, lâu nhất nhưng trong bảng xếp lương của nhà nước thì lương các bác sĩ thuộc hạng thấp. Như vậy, truyền thống trọng thầy, niềm vinh dự không đi cùng với sự đãi ngộ. Điều đó làm cho nền y đức của chúng ta luôn đặt trước nhiều thử thách mà ở đó, người thầy thuộc luôn phải lựa chọn giữa y đức và cuộc sống vật chất gia đình. Đó là một sự lựa chọn vô cùng khó khăn, thậm chí khắc nghiệt.

Thực thi nhân đạo là một tiêu chí để đánh giá lãnh đạo nhà nước

PV: Đã từng trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo của nước Mỹ về vấn đề nhân đạo trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, giáo sư có nhận xét gì về quan điểm và việc thực thi trách nhiệm nhân đạo đối với nạn nhân chiến tranh của họ?

NTN: Tôi có 4 lần sang Mỹ. Lần đầu tiên vào năm 1994, khi đó tôi đang làm Bộ trưởng Y tế sang trao đổi. Hai lần tiếp theo vào 2001 và 2002 khi tôi là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Lần cuối vào năm 2005, khi đó là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam đưa hai nạn nhân qua Mỹ để đối chứng trong vụ kiện các công ty hóa chất sản xuất Dioxin của Mỹ. Qua nhiều cuộc trao đổi với lãnh đạo cao cấp như các tổng thống hay nhân dân, cựu sĩ quan Mỹ, tôi cảm thấy có nhiều nét khác so với suy nghĩ của chúng ta. Nhân dân Mỹ cũng đấu tranh cho các nạn nhân chiến tranh trong đó có nạn nhân chất độc da cam. Nhưng Chính phủ Mỹ chưa chấp nhận nhiều trường hợp nhiễm bệnh là do chất độc da cam nên cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp diễn. Bill Clinton từng thừa nhận một số căn bệnh do chất độc da cam gây ra với các binh sĩ Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam và báo giới Mỹ coi đây là một sự thừa nhận sai lầm của Mỹ ở Việt Nam. Vấn đề này liên quan đến chính trị nên lại càng khó giải quyết hơn. Chính phủ Mỹ cũng chưa thừa nhận các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, dù vẫn rót tiền để chăm sóc sức khỏe cho chính sĩ quan Mỹ đã tham gia chiến tranh Việt Nam. Khi chúng ta kiện là kiện các công ty hóa chất mỹ đã sản xuất Dioxin chứ không kiện được Chính phủ Mỹ. Và qua nhiều cuộc xét xử vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ Mỹ đã viện trợ tiền để tẩy độc sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa, đó là những động thái thừa nhận một cách không chính thống của Mỹ.

Tuy nhiên, về công tác từ thiện xã hội, chăm sóc sức khỏe cho một bộ phận không được may mắn trong xã hội ở Mỹ lại khác. Họ xem việc thực thi nhân đạo là một tiêu chí để đánh giá về mặt chính trị của lãnh đạo nhà nước. Tổng thống Mỹ luôn là người đứng ra bảo trợ cho Hội Chữ thập đỏ, như là Chủ tịch danh dự. Vậy nên Hội Chữ thập đỏ có tiềm lực và có tiếng nói trong việc giải quyết các vấn đề chính sách sức khỏe xã hội. Tương tự, ở Thái Lan, Hoàng Hậu là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ. Còn ở Việt Nam, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ đang khá hạn chế, chưa có tiếng nói để bảo vệ sức khỏe cho những người thấp kém, thiếu may mắn hơn trong xã hội.

PV: Để cho xã hội loài người ngày càng nhân đạo hơn, theo giáo sư chúng ta cần phải làm gì?

NTN: Thật khó để nói về một vấn đề lớn như vậy. Nhưng tôi nghĩ, xã hội loài người sẽ tốt đẹp hơn khi con người ta có cái nhìn nhân bản hơn về tất cả các con người. Không thể nhìn nhau như kẻ thù mãi được. Có thể trong quá khứ từng là kẻ thù nhưng không thể kẻ thù mãi mãi được. Đặt con người lên cao nhất và lòng yêu thương con người với nhau được coi trọng thì xã hội và con người sẽ nhân đạo hơn. Nhân đạo là sự cư xử có đạo đức với nhau.

Khủng hoảng về y đức là do cả một hệ thống các nguyên nhân, là một lỗi hệ thống và cũng cần phải giải quyết theo hệ thống

PV: Thưa giáo sư, trong đời sống xã hội ta hiện nay, đặc biệt là thời gian gần đây, người dân ca thán rất nhiều về tình trạng sa sút y đức của các thầy thuốc. Nhiều người cho rằng cho rằng, sau sự kiện thờ ơ với cái chết của các em bé vì tiêm vacxin ở Quảng Trị của Bộ trưởng y tế và đặc biệt là vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Hoài Đức (Hà Nội)  thì chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng về y đức trên diện rộng, tạo nên dư chấn nặng nề đối với niềm tin của người dân đối với ngành y, và hơn cả ngành y. Nhận định như vậy có cơ sở không? Và cuộc khủng hoảng y đức này đã ảnh hưởng đến đạo đức và đời sống xã hội như thế nào?

NTN: Những chuyện xẩy ra gần đây trong ngành y tế khiến cho nhiều người đau lòng. Những ví dụ đưa ra trên chỉ là một số trường hợp tiêu cực được báo chỉ nói nhiều. Còn nội bộ ngành y tế thì còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Tuy nhiên, để nói là một cuộc khủng hoảng thì chúng ta cũng cần xem xét nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, phải nhìn nhận ngành y tế cũng đã làm được nhiều việc trong nhiều năm qua. Trong hai cuộc kháng chiến và cho đến nay, ngành y đã có nhiều đóng góp cho đất nước. Đó là điều không thể phủ nhận. Và ngành y tế hiện nay có nhiều biểu hiện tiêu cực, y đức đang bị xem thường và sa sút. Một bộ phận cán bộ ngành y tế tha hóa đạo đức, chạy theo đồng tiền và coi thường sức khỏe, tính mạng người khác. Nhưng đó không phải là chuyện phổ biến bởi bên cạnh đó, cũng có nhiều cán bộ y tế đã và đang cố gắng hết mình vì sức khẻo nhân dân. Báo chí vẫn thường nhìn vào một trường hợp mà phê phán. Nhưng nếu nhìn rộng hơn thì sẽ có cái nhìn khác hơn. Đây không phải là sự bao che cho cuộc khủng hoảng trong ngành y tế, mà là nói cho gần đúng sự thật hơn. Nghĩa là trong cái khủng hoảng vẫn có những cái làm được, và phải nhìn được cả hai cái này để có những nhận định khách quan hơn.

PV:Theo giáo sư thì những nguyên nhân nào đã tạo nên cuộc khủng hoảng này? Xin lỗi giáo sư vì chúng tôi vẫn quan niệm rằng đây là một cuộc khủng hoảng của truyền thống y đức Việt Nam .

NTN: Tôi tôn trọng các cách nhìn, các nhận  định không giống nhau, thậm chí khác nhau. Như trên tôi đã nói, chúng ta cần bình tĩnh, khách quan trong cách nhìn, trong các nhận định.

Trở lại vấn đề, theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân cùng tác động và tạo ra tình trạng này. Trước hết là cơ chế quản lý của cả hệ thống nhà nước. Chính sách về y tế của nhà nước có vấn đề. Khi còn làm Bộ trưởng, tôi từng trình bày với Chính phủ là đầu tư cho y tế chưa thỏa đáng. Tính ra chúng ta đàu tư ngân sách cho y tế chưa được 1USD/người, tức là thấp hơn cả Lào và Bangladet. Về hệ thống y tế, chúng ta hoàn toàn thua kém Cu Ba trong mọi điều kiện. Nhiều khi đưa ra các kế hoạch như xây dựng bệnh viện, hiện đại hóa trang thiết bị hay đào tạo con người nhưng không có tiền thì không thể làm gì được cả. Bản thân ngành y tế cũng tỏ ra yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng nhân lực. Lương bác sĩ thấp là một nguyên nhân dẫn đến tiêu cực nhưng không phải là duy nhất, là tất cả. Có những bác sĩ rất giàu có vẫn tiêu cực. Đó là do chúng ta chưa chú trọng đến con người, đến lợi ích con người. Bác sĩ xét cho cùng cũng là con người, và họ cũng cần được đảm bảo cuộc sống. Dĩ thực vi tiên, họ sẽ xem xét đến cuộc sống của họ trước khi lo đến người khác. Các nhà quản lý phải làm sao để đảm bảo được đời sống của cán bộ y tế, đồng thời khơi dậy tinh thần nhân ái trong mỗi con người thì việc y đức may ra được cải thiện. Một nguyên nhân quan trọng là chính các bệnh nhân đã tạo điều kiện cho bác sĩ tiêu cực. Đó là sự ngại phải qua các cơ chế nhùng nhằng của nhà nước, thích quan hệ thân quên để giải quyết các vấn đề. Như vậy, khủng hoảng về y đức là do cả một hệ thống các nguyên nhân, là một lỗi hệ thống và cũng cần phải giải quyết theo hệ thống.

Phải đặt giá trị và lợi ích con người lên cao nhất

PV: Điều kiện tiên quyết để khắc phục tình trạng khủng hoảng y đức hiện nay là gì? Chúng ta kêu gọi lòng tốt của mỗi người thầy thuốc? Giáo dục? Đảm bảo các quyền lợi vật chất và tinh thần cho họ? Hay là các chế tài pháp luật?

NTN: Dù từng làm Bộ trưởng, tôi tự nhận mình là một người rất kém trong quản lý. Biết vậy nên tôi xin từ chức Bộ trưởng sau một thời gian đương chức. Vậy nên quả thật quá khó để trả lời những câu hỏi này. Theo cảm nhận của tôi, không có một phương pháp nào khắc phục được tình trạng này. Chúng ta đã thực hiện rất nhiều phương pháp từ đưa ra chính sách y tế khác nhau để chống tiêu cực, tăng cường giáo dục về y đức, khen thưởng để động viên tinh thần y bác sĩ, kỷ luật hành vi sai trái… nhưng kết quả đạt được đều không cao. Chính sách đưa ra đúng nhưng thực hiện chưa chắc có hiệu quả. Khoảng năm 1993, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua nghị quyết về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Việt Nam do tôi biên soạn. Khi đánh giá thì thấy đúng nhưng đến khi đi kiểm tra thực hiện thì lại có vô vàn vấn đề xẩy ra. Khoảng cách từ chính sách đến thực tế là rất xa. Hay việc giáo dục về y đức cũng vậy. Bộ Y tế luôn lấy câu của Bác Hồ: “Thầy thuốc như mẹ hiền” để giáo dục đạo đức ngành y. Từ đó, nhiều phong trào, chương trình mở rộng để giáo dục y đức. Nhưng kết quả đều không đạt được gì cả. Sự tuyên truyền y đức quá dài dòng và không thực tế, không làm cho chính những người trong nghề nhận thức được vấn đề. Nhiều trường hợp, việc tuyên truyền y đức còn để chống chế lại khi có đoàn thanh tra đến kiểm tra. Đó là bệnh hình thức và nó làm ảnh hưởng đến môi trường y đức ở Việt Nam .

Tôi nghĩ rằng cần phải có nhiều biện pháp kết hợp với nhau để cùng giải quyết vấn đề tiêu cực trong y tế. Trước hết, cần nhận thức rõ về cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang nói làm cơ sở cho việc đưa ra biện pháp giải quyết. Nhà nước cần có chính sách hợp lý và việc đảm bảo cho chính sách đó được thực hiện đúng đắn. Bên cạnh giáo dục y bác sĩ về y đức, cần phải tăng cường giáo dục nhân dân về quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với vấn đề y tế để toàn dân cùng xây dựng ngành y tế; Để nhân dân kiểm tra chất lượng ngành y tế và hạn chế việc tiếp tay cho cán bộ y tế tiêu cực. Những người dũng cảm đứng ra tố cáo sự tiêu cực cần được tôn trọng và bảo vệ, kể cả đãi ngộ để khuyến khích. Làm như việc thưởng 320.000 cho người tố cáo vụ tiêu cực ở Hoài Đức là không tôn trọng những người này, và dẫn đến mất lòng tin của nhân dân. “Thầy thuốc như mẹ hiền” thì phải hiểu người thầy thuốc phải chăm sóc bệnh nhân như người mẹ chăm lo cho con cái. Nhưng những người mẹ cũng phải được chăm sóc, và đó là việc của nhà nước chứ không phải chăm sóc bằng phong bì tiêu cực của bệnh nhân.

PV: Xin giáo sư dành cho chúng tôi một câu hỏi cuối. Trong bối cảnh hiện nay, ai và làm cách gì để có thể đem lại, và bồi đắp được các cảm hứng nhân văn, lý tưởng nhân đạo cho các thầy thuốc?

NTN: Tôi nghĩ tất cả phải cùng tham gia vào việc xây dựng một môi trường nhân văn cho toàn xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng. Phải đặt giá trị con người và lợi ích con người lên cao nhất. Có như vậy con người sẽ quan tâm đến nhau hơn. Thầy thuốc hay bất cứ ai cũng chỉ có cảm hứng nhân văn khi được tôn trọng. Sự tôn trọng thật sự chứ không phải bằng lời nói, và nó được thể hiện bằng sự chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần. Cả xã hội phải cùng chung tay thực hiện, người trên phải gương mẫu để dưới noi theo. Tạo ra một hệ thống giá trị nhân văn mới,hay, tốt đẹp hơn,trước hết không làm cho các giá trị biến đổi một cách vô lý. Bệnh viện là nơi cần tình thương nhất, tình yêu thương của con người với nhau trong lúc hoạn nạn.

PV:Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi chân tình và thẳng thắn này.

                                                                                                               Phan Thắng & Bùi Hào thực hiện

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511280

Hôm nay

2279

Hôm qua

2359

Tuần này

21654

Tháng này

218153

Tháng qua

121356

Tất cả

114511280