Không giản đơn mà Quang Trung có sự lựa chọn này. Và càng không giản đơn khi La Sơn phu tử - bậc quân sư trung nghĩa, chính trực, thông hiểu nho - y – lý – số đến độ căn cốt như ông cũng đã đồng tình với sự lựa chọn của Quang Trung. Hẳn là họ đã rất có lý về nhiều phương diện. Nếu không tính đến Quang Trung về Yên Trường là về bản quán, tình nghĩa quê hương sâu đậm đến tận cùng của vô thức, vì tin tưởng khẳng định bởi lần ra Bắc đánh giặc Mãn Thanh mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, thì còn nhiều lẽ phù hợp với tình thế chính trị - quân sự của ông và triều đại Tây Sơn. Tại thời điểm đó, Quang Trung và triều Tây Sơn đang thắng thế nhưng ông thừa biết rằng ông và cả triều đại của ông đang có rất nhiều kẻ thù. Chúa Nguyễn với sự giúp sức của người Tây, người Xiêm ở phía Nam. Cũng ở phía Nam còn có cả anh trai mình là Nguyễn Nhạc nữa. Rồi phía bắc, các thế lực của nhà Lê, xa hơn và đáng gờm hơn là nhà Thanh. Đó là chưa kể các nghịch thần trong chính hàng ngũ của nhà Tây Sơn. Suy đoán thôi, nhưng có thể nghĩ tới, Quang Trung chọn Yên Trường trước hết là vị trí địa chính trị - quân sự của của nó. Yên Trường nằm ở vị trí trung tâm của xứ Nghệ nếu tính theo trục Bắc – Nam, là vị trí phòng thủ đắc địa để án ngữ con đường bắc – nam. Núi Hồng Lĩnh và Sông Lam chắn phía Nam, phía bắc có sông, sông Bùng, sông…Phía Tây có núi Đại Huệ, có Lam Thành, phía Đông là biển. Từ xưa đến nay, khu vực này là đất tiến, và là đất lùi của rất nhiều các thế lực chính trị và quân sự. Nhà nước Đại Việt cũng đã nghiều lần chặn người Chiêm ở đây, Chúa Trịnh cũng dùng nơi đây làm bàn đạp tấn công chúa Nguyễn.Theo Le Breton, nhà sử học, giáo sư trường Quốc học Vinh, còn cho rằng từ thế kỉ thứ nhất, Mã Viện đã xây dựng pháo đài/thành Bến thủy trên núi Dũng Quyết để chặn quân Champha lúc đó đang chiếm cứ vùng Hà Tĩnh ngày nay. Thành đó đã bị pháo thuyền Pháp bắn hạ vào tháng 8.1885.Năm Đồng Khánh nguyên niên [1886] thì chính thức thành này bị bãi bỏ, chấm dứt sự tồn tại sau gần 2000 năm.Chi tiết lịch sử này chưa được chứng minh cụ thể nhưng qua đó có thể thấy thêm một nhận định về vị thế địa chính trị - quân sự của vùng đất này.
Trở lại câu chuyện, không dám chắc, vì chưa có tàng thư nào của Quang Trung hoặc cận thần, hoặc người cùng thời nói, nhưng cứ nghĩ có lẽ trong tư duy của Quang Trung đã có nghĩ đến Cửa Hội và Biển Đông trong lựa chọn của mình. Quang Trung đã nhận thức rất đúng về vai trò của biển đối với dân tộc Việt. Trong nghệ thuật quân sự Quang Trung, biển và quân thủy có vị trí rất cao. Trong những năm tháng cầm quân và trị vì, biết bao thách thức từ biển nhưng ông đã vượt qua được bằng một tư duy chính trị vô cùng sắc sảo và nghệ thuật quân sự vô cùng tài tình. Cái điều này có thể lấy thêm một dẫn chứng là rất gần ngay sau khi tiêu diệt được nhà Tây Sơn, Gia Long, năm 1804 đã dời trấn lỵ Nghệ An về Yên Trường/Vĩnh doanh. Gia Long – người khai sinh ra Nhà Nguyễn, một cách ví von là từ Biển, hẳn là vô cùng hiểu biển nên chẳng khó gì để chúng ta thấy ra sự hợp lý, và cả một tầm nhìn về biển, của hai ông vua tài giỏi thuộc hai triều đại kẻ thù của nhau. Bởi vậy, từ những chứng cứ tưởng vô can, rất có thể không nhầm khi nói rằng Yên Trường, và Vinh hôm nay, có được vị thế của mình là một phần nhờ có Biển, có Cửa Hội, có Lam Giang, Hồng Lĩnh và Lam Thành. Đó là cái tổng thế phong thủy của Yên Trường – Vinh, hôm qua, và hôm nay, nhất là ngày mai.
Nhưng thiết nghĩ nói vậy vẫn là chưa đủ, nếu Yên Trường không ở vị trí địa lý trung tâm của vùng văn hóa xứ Nghệ. Có thể tôi nghĩ chưa đúng, hoặc chưa trúng, nhưng vùng văn hóa xứ Nghệ thì phủ Đức Quang vẫn là trung tâm. Núi Hồng Sông Lam là ở đó. Và cũng là đời đời kiếp kiếp bao người tài, người hùng đã từ đó mà ra. Chắc phải có lý do để mà Uy Minh Vương Lý Nhật Quang chọn vùng này làm nơi trấn thủ để rồi chăn dắt dân chúng, mở mang vùng đất mới, gom kết và thăng hoa nghĩa khí, hào hoa của Châu Hoan, Châu Diễn, tạo nền tảng đột khởi nên cả một vùng văn hóa xứ Nghệ mới mẻ và trầm hùng vào thời Lý – Trần và những thế kỉ tiếp sau. Trên đất Yên Trường xưa chưa có nhiều người tài, chưa có sự thăng hoa tột đỉnh của sáng tạo, nhưng nhờ có non nước hữu tình mà nhân văn tụ hội, để rồi nâng đỡ, dồn thúc nơi đây thành điểm hẹn, điểm đến, nơi sinh thành của những giá trị và tinh hoa mới của văn hóa xứ Nghệ. Chỉ một trường Quốc học Vinh hồi đầu tk XX cũng đã hội tụ biết bao anh tài của Xứ Nghệ, để rồi cùng với các trường quốc học học khác của các TP khác đã đào tạo nên một thế hệ trí thức tinh hoa, thế hệ vàng của trí thức Việt Nam hồi thế kỉ trước. Một cái nhìn lịch đại về văn hóa như vậy rất có thể có người tự ái, không bằng lòng. Nhưng đó là lịch sử, không thể khác. Biết vậy để vươn lên, đó có lẽ là điều cần biết.
2.Vinh của chúng ta có thể nói là một vùng quê sớm được đô thị hóa. Có người nói, nó có mầm móng đô thị hóa từ khi được Quang Trung chọn làm nơi định đô, hoặc nếu có chậm hơn, thì cũng từ khi Gia Long chuyển trấn lỵ Nghệ An về đây. Tôi không tin điều đó. Phượng Hoàng Trung Đô chưa thành thì không nói. Còn về cái thời điểm 1804 khi Yên Trường trở thành trấn lỵ, tôi cũng không tin. Lẽ rất đơn giản, đô thị nó phải gắn với công xưởng, với sản xuất hàng hóa, với chợ búa, nó phải có thị dân. Lúc ấy, Yên Trường chưa được như vậy, chưa phải vậy. Tôi nghĩ, phải đến năm1898 khi vua Thành Thái ra chỉ dụ và rồi người Pháp có nghị định thành lập thị xã Vinh, lúc đó mới bắt đầu quá trình đô thị hóa đến năm 1927 khi thành phố Vinh – Bến Thủy được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 thị xã Vinh, Bến Thủy, Trường Thi thì mới chính thức bắt đầu hình thành đô thị với đầy đủ ý nghĩa của nó. Nếu vậy thì cũng đã tròn 115 năm. Cùng thời với Vinh hồi ấy chỉ có Hà Nội, Sài gòn, Hải Phòng, Hòn Gay, Nam Định, Tuaran/Đà Nẵng... Con số chỉ là tương đối thôi vì nói đến sự sinh thành của một đô thị không chỉ có thời gian làm đại lượng mà cái chính là mức độ trưởng thành, phát triển của nó, diện mạo và tính chất của nó.
Đây là câu chuyện quá dài và khó nghĩ, khó nói. Nhân kỉ niệm 50 năm với cái mốc thành lập do chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành, tôi lại muốn tính tuổi của Thành Phố này là 115 năm hơn. 65 năm giữa hai cái mốc đó cũng là không phải là ngắn, nhất là TP Vinh. Trong 65 năm đó Vinh đã chứng kiến biết bao sự biến động, đổi thay của lịch sử và của chính mình… Tôi muốn nói rằng, Vinh của chúng ta trên hành trình từ đó đến nay đã không gặp may vì có đến mấy lần lỡ chuyến. Ngay từ đầu Vinh đã được xác định là một đô thị công nghiệp. Và quả thực, cho đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Vinh là một trung tâm công nghiệp vào hàng lớn nhất ở miền Trung. Vinh hồi đó đã hình thành một tầng lớp thị dân và trong lòng nó hình thành giai cấp công nhân. Nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Vinh tiêu thổ kháng chiến. Một trung tâm công nghiệp bị tiêu hủy. Lỡ chuyến thứ nhất. Sau kháng chiến kháng chiến, trong công cuộc xây dựng lại, Vinh bắt đầu trở lại với quyết tâm và vóc dáng đô thị công nghiệp nhưng chiến tranh lại nổ ra, Vinh lại trở về số “Mo”. Lỡ chuyến thứ hai. Sau chiến tranh lần thứ hai, năm 1973, Vinh trở về với những đống gạch vỡ và một quyết tâm xây dựng lại vị thế của mình. Nhưng không may, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội suốt gần hai thập kỷ sau đó đã kìm chân Vinh lại. Vinh đuối sức. Những nhen nhóm ban đầu về tương lai công nghiệp cho Vinh gặp khó khăn. Nhiều nhà máy công xưởng hụt hơi và buộc phải “sang tên” để sống. Lỡ chuyến lần thứ ba. Nhưng đỡ hơn, đã được “tăng bo”.
Rồi hơn một thập kỷ nay, với ý chí của người Nghệ, khát vọng phát triển công nghiệp, các khu công nghiệp ra đời, thu hút khá nhiều nhà đầu trong và ngoài nước. Kết quả và hiệu quả đã có nhưng chỉ mới là bước đầu. Chỉ mới là bước đầu, chưa xứng với khao khát, với hy vọng, và tin tưởng.
Tôi nghĩ về việc đô thị hóa, công nghiệp hóa của Vinh vì tự nghĩ nếu Vinh không phải là thành phố công nghiệp thì sẽ là thành phố gì? Du lịch? Tài chính, thương mại? Rồi Vinh sẽ phải gắn với cái đất, con người nơi đây như thế nào? Vinh gắn đời mình với biển hay ruộng đồng và những khách sạn chọc trời? Lâu nay, ở đâu tôi cũng vẫn hay nghe một câu chung chung về cơ cấu kinh tế. Nơi thì bảo nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ. Nơi lại xác định thứ tự khác là công nghiêp thương mại, dịch vụ, nông nghiệp… Mỗi nơi một khác tùy vào điều kiện cụ thể và tùy vào ý chí của các nhà lãnh đạo, quản lý…Đây là câu chuyện nghiêm túc và hệ trọng. Xác định đúng sẽ đi đến đích, nếu không sẽ phải đi vòng và hao tổn rất nhiều thứ. Nhưng đó là câu chuyện của các chính khách, các nhà xây dựng chính sách. Vạn vật không phải là bất biến. Các điều kiện phát triển của Vinh cũng đã có nhiều thay đổi. Chúng ta không thể đinh ninh rằng Vinh phải là thành phố công nghiệp hay gì khác. Nhưng dẫu sao vẫn cứ hoài niệm và tiếc... Tôi nghĩ đến hôm nay, và tương lai…
(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)