Đất Nghệ

Tản mạn Vinh [2]

................

3. Hẳn nhiên là cư dân ở đô thị thì gọi là thị dân. Cư dân TP Vinh là thị dân. Không ai chối bỏ được điều này. Thế nhưng tôi vẫn có cảm giác là đa phần người Vinh hôm nay vẫn phảng phất thiếu cái gì đó. Nghĩ mãi không ra. Mãi sau tôi mới ồ lên rằng hình như là cái chất phố thị, tức là cái phẩm chất thị dân. Vẫn là phố, ăn phố, ở phố mà lại có cái gì đó chưa phải phố, không phải phố. Một cái nhẹ nhàng, lịch thiệp phố trong giao tiếp; Một chút hào hoa trong nếp sống, lối sống; Một thị hiếu, sở thích về nghệ thuật;  Một cái cách nhìn, cách ưa, cách thưởng thức âm nhạc, hội họa…Là dân nhà quê, tôi không hay tò mò nhưng thỉnh thoảng vẫn hay để ý khi ra tỉnh.

Tôi thấy, người Tp mình rất không nhiều người thích hội họa, điêu khắc, âm nhạc…Bao nhiêu lần triển lãm hội họa, nhiếp ảnh, liên hoan sân khấu, âm nhạc tầm cỡ cả nước mà vắng hoe. Dân thành phố mình vẫn ưa mạnh mẽ. Tính cách mạnh mẽ. Giao tiếp mạnh mẽ. Vận động mạnh mẽ. Thể thao cũng mạnh mẽ…Tôi rất yêu cái tính cách này nếu nó uyển chuyển và thanh hơn một tý. Và tôi cũng  lờ mờ nhận ra, người thành phố này cứ hao hao như dân quê tôi và những miền quê khác trong xứ từ cái cách ăn, cách uống, cách nói, cách đi, cách xả rác …Họ vô tư, hồn nhiên vô cùng. Phố phường cũng như đồng quê. Hè phố như bờ ruộng. Siêu thị như chợ làng. Nhiều lúc tôi chợt thấy người của phố, người ở phố cũng tùy tiện không khác gì mấy người quê. Tôi lại có lúc trộm nghĩ, hay Vinh chưa có thị dân đích thực của mình, ở đây vẫn đang trong quá trình hình thành cộng đồng thị dân của mình? Nói đúng hơn là cái văn hóa thị thành ở Vinh chưa hoàn thiện. Nhiều người bảo tôi, đó là hiện tượng gần như phổ biến của các đô thị Việt Nam bây giờ. Quá trình đô thị hóa quá nóng sẽ đồng thời là quá trình nông thôn hóa đô thị về văn hóa, kể cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tôi không phản đối. Tôi đồng với nhận xét đó. Nhưng lại nghĩ riêng một tý rằng. Vinh không trẻ như nhiều người nói. Vinh nhiều tuổi hơn Vũng Tàu, hơn Thái Nguyên, hơn Việt Trì, hơn rất nhiều các đô thị khác trong cả nước. Vậy cớ sao lại chậm định hình, hoàn thiện một cộng đồng thị dân với những phẩm chất cần có của thị dân và đặc trưng riêng của thành phố? Tôi đi tìm câu trả lời và thấy rằng đó là hệ quả, hậu quả của một quá trình trúc trắc, trục trặc và lỡ chuyến xuyên thế kỷ của Vinh. Hơn một trăm năm mà Vinh đã mấy lần lỡ chuyến. Thị dân, ban đầu cũng là gốc gác từ thợ thủ công, từ nông dân ở nông thôn ra phố làm nghề, buôn bán và tụ hợp sinh sống với nhau mà thành. Thế hệ này sang thế hệ khác, mỗi đời lại bỏ bớt đi một chút chất – chân quê và tiếp thu thêm một chút chất phố mà tích tụ thành người phố - thị dân. Bình thường là vậy. Nhưng Vinh thì khác. Nông dân xứ Nghệ rất khác với nông dân châu thổ Bắc bộ. Ở đây, đến cuối tk XIX vẫn cơ bản là thuần nông, thủ công nghiệp và buôn bán không phát triển. Và vì vậy, cái tính cách, tác phong, và cả cách tư duy, cách ứng xử đều khác với xứ Bắc, chân quê và thô vụng hơn. Bởi thế, từ những năm đầu tkXX, dẫu là hình thành phố thị, với cư dân chủ yếu là công nhân nhưng chính những người này, thực chất cũng là nông dân làm thợ. Họ vẫn gắn bó với ruộng đồng. Gia đình, vợ con họ ở đó. Bởi vậy 50 năm đầu của hành trình phố hóa ở Vinh về phương diện văn hóa, phương diện con người là vô cùng vật vả. Cho đến những năm 1940s, lúc mới bắt đầu có hình hài của một cộng đồng thị dân thì cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra. Vinh tiêu thổ kháng chiến. Dân Vinh tản cư về nông thôn. Cuộc chiến này đã điều chuyển những công dân của thành phố Vinh đang chuyển hóa từ nông dân thành thị dân trở về lại với nông thôn. Khi đang dang dở chuyển hóa thành thị dân thì họ lại phải trở về với môi trường cũ, và thế họ trở lại thành nông dân như xưa. Rồi kháng chiến thành công, những người nông dân này, với nhiều nông dân khác, lại trở về thành phố để bắt đầu lại quá trình thị dân hóa. Chưa kịp ổn định thì chiến tranh lại nổ ra. Một chu kì nông dân hóa mới lại bắt đầu. Đó là chưa nói tới trong lòng thành phố này vẫn còn những làng, những xóm của Hưng Bình, Hưng Thủy, Hưng Dũng, Hưng Đông…Nơi đó vẫn là nông thôn 100%, cư dân vẫn là nông dân 100%.  Năm 1975, Vinh lại bắt đầu khởi động lại quá trình đô thị hóa, thị dân hóa của mình. Lần này thì có khác mấy lần trước nhiều lẽ. Sự gia tăng cường độ đô thị hóa rất lớn từ quyết tâm xây dựng lại TP Vinh sau chiến tranh. Lại có sự góp sức của Cộng hòa Dân chủ Đức, đô thị hóa gắn liền với công nghiệp hóa. Đất nước thống nhất. Giao thông chưa hoàn thiện nên Vinh là một điểm trung chuyển giao thông vận tải lớn nhất của Bắc mền Trung. Dân cư TP tăng nhanh, số vãng lai cũng nhiều. Và vì thế, dịch cư, tụ cư rất lớn. Văn hóa tứ xứ, trăm bề cũng vì thế mà theo nhau ùa vào thành phố. Ba lê Xô viết cũng có và Toọng bụi đời cũng có.. Văn hóa công trường, bến xe, bến tàu chiếm lĩnh phần nhiều không gian văn hóa của Vinh. Rồi chia tỉnh, rồi cùng theo cả nước mở cửa. Kinh tế thị trường tràn vào thành phố làm cho Vinh nhanh chóng thể hiện và đóng vai thị thành của mình. Đây là giai đoạn tốc độ của quá trình thị dân hóa được tăng tốc bởi thể chế/mô hình kinh tế xã hội, không gian vật vật chất sinh tồn nào sẽ có những chủ nhân tương ứng với nó, của nó. Sự tăng tốc đó đã kéo dài ngót 20 năm để có ngày hôm nay, phố và dân phố. Phố rộng và cao hơn. Người phố hơn, thị hơn. Nhưng tôi vẫn thấy, như bộc bạch, người Vinh vẫn chưa thật phố hẳn, vẫn nhiều cái, nhiều nét hao hao người quê. Hẳn nhiên là Vinh ở Nghệ thì dân Vinh phải Nghệ, rất Nghệ. Nhưng, chúng ta vẫn cần một nét riêng về phẩm chất và tính cách, phong cách của thị dân Vinh…Công dân Vinh phải có cái khác với bà con cùng xứ Nam Đàn, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Diến Châu, Đức Thọ, Kỳ Anh…Và phải có cái khác với Đồng Hới, với Thanh Hóa, với Hà Nội, Sài Gòn. Tôi nghĩ đó là con đường không gần vì để định hình một mô hình tính cách như một đặc trưng văn hóa của một thành phố là một hành trình vô cùng dài, có khi phải hàng chục thế hệ, vài ba trăm năm. Trong lúc đó, xét cho cùng, chúng ta chỉ mới có hơn 3 chục năm, nếu tính từ ngày khởi động lại sau chiến tranh chống Mỹ. Vinh đang giảm nhiệt dần để hướng tới sự ổn định một mẫu số chung về tính cách, phẩm chất Người – Dân Vinh. Tài hoa và sâu sắc, trung thực và thẳng thắn, thân ái và độ lượng, phóng khoáng nhưng/và chừng mực . Những điều đó đã đủ là đủ chưa cho hằng đẳng thức về cái Đẹp? Và đến bao giờ thì chúng ta đạt đến sự ổn định của hằng số này?

4. Vinh bây giờ đã là đô thị loại I được 5 năm rồi. Vẫn còn thiếu mấy tiêu chí nhưng cứ coi như là tạm ứng để có chí mà làm, mà trả nợ. Năm năm chưa là dài, chưa là nhiều nhưng Vinh chững chạc và bề thế hẳn lên. Nhà cao, phố rộng, xe nhiều. Bắc vào, Nam ra, ai cũng bảo dân Vinh giàu. Tôi cự lại: làm gì có. Họ lại bảo: Thì cứ nhìn vào dàn xe hơi thì biết. Đúng thế thật. Xe nhiều vô kể.

Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì lắm với văn hóa. Hồi trước ở quê, những năm trước chiến tranh, và mãi đế những năm 1970s tôi luôn ấn tượng với hình ảnh những chiếc xe ba gác ở Vinh. Rồi những năm 1980s, Vinh lại làm tôi nhớ về nó mổi khi trông thấy chiếc xe ngựa chở khách. Bây giờ Vinh không còn ba gác, không còn xe ngựa. Vậy bao giờ cái mốt xe hơi sẽ đi vào kỉ niệm? Chuyện đoán định tương lai là khó lắm, nhất là sự đỏng đảnh của thế cuộc, thế đất của xứ ta chẳng biết đường nào mà lần.

Nhưng nghĩ về Vinh tôi lại thấy hình như nó đang thiếu một hình ảnh, một biểu tượng thật mạnh mẽ, thật quyến rũ, thật hấp dẫn, sang trọng mà gần gũi. Để được cái đó, tôi nghĩ, trước hết phải là sự độc đáo, cái khác lạ, khác người. Hình ảnh của Paris  là tháp Aphen, NewYork là Tượng Nữ thần tự do, Hà nội là Khuê Văn các, Huế là Đại Nội; Hội An là Chùa Cầu… Vinh của ta sẽ chọn cái gì làm biểu tượng, làm hình ảnh cho mình? Thành Nghệ An? Điêu tàn và không khác người. Đền thờ Quang Trung? Một kiến trúc kiến trúc không có phong cách và công trình riêng độc đáo. Chẳng lẽ lại chép bản đồ thành phố làm biểu tượng. Mai này Vinh trưởng thành, rộng ra thì sao? Một cuộc tìm kiếm khó khăn trong tầm mắt. Tôi nghĩ vậy. Chỉ có cháo lươn, như nhiều người nhận diện, là chưa đủ và chưa thể làm hình ảnh đại diện cho Vinh, một Tp của Xứ Nghệ vừa kiên cường vừa sâu sắc, vừa phóng khoáng vừa trầm mặc.

Tôi nghĩ, để cho thành phố của chúng ta sáng hơn lên với một sắc diện văn hóa riêng, rất cần một cái độc đáo để tạo nên bản sắc và dấu ấn văn hóa của mình. Tôi lại nghĩ đến một cái gì đó từ sự thăng hoa của biểu tượng Núi hồng – Sông Lam; Tôi nghĩ đến những người phụ nữ khác/hơn người của Làng Vạc, thậm chí tôi nghĩ Con Cá Gỗ của xứ Nghệ mà không ai có.

Vinh sẽ thật sự Vinh, rực rỡ lên trong tư cách một địa chỉ văn hóa hấp dẫn nếu Vinh xây dựng cho mình được những giá trị, hình ảnh, biểu tượng của riêng mình, cho riêng mình. Tôi lan man vậy như những điều ước cho TP của tôi, của chúng ta./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434764

Hôm nay

235

Hôm qua

2349

Tuần này

21414

Tháng này

211812

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434764