Văn hoá học đường

Giải pháp nào để lập lại kỷ cương về hoạt động liên thông, liên kết trong giáo dục

Ngày 28/7/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Theo đó, mục đích của hoạt động liên kết đào tạo là “thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội; huy động tiềm năng của các trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương” và “tạo cơ hội học tập cho nhiều người trên cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng và xã hội hoá giáo dục”.

Để thực hiện tốt mục tiêu đó, Điều 5 của Quy định nói trên đã chỉ rõ các đối tượng được tham gia liên kết đào tạo. Theo đó, đối với liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học thì “đơn vị chủ trì đào tạo bao gồm các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng”; “đơn vị phối hợp đào tạo bao gồm các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, các đại học, học viện và trung tâm giáo dục thường xuyên cấp  tỉnh”. Đối với liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, “đơn vị chủ trì đào tạo bao gồm các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp”; “đơn vị phối hợp đào tạo bao gồm các cơ sở giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện trở lên”. Ngày 13/02/2008, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Quyết định 06/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đào tạo liên thông (hiện nay, Quyết định này đã được thay thế bằng Thông tư 55/2012/TTBGDĐT ngày 25/12/2012).

Hiện tại, trên địa bàn Nghệ An có 05 trường đại học, 05 trường cao đẳng, 06 trường và 01 phân hiệu trung cấp chuyên nghiệp, 21 trung tâm giáo dục thường xuyên, 06 trường cao đẳng nghề, 08 trường trung cấp nghề, 25 trung tâm dạy nghề và 24 cơ sở đào tạo nghề.

Tại thời điểm tháng 9/2013, theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, hầu hết các đơn vị nói trên đều có tham gia hoạt động đào tạo liên thông, liên kết với tổng số 12.211 học sinh, sinh viên, trong đó đào tạo thạc sĩ: 65; đào tạo đại hoc: 9.562; đào tạo cao đẳng: 1.406; đào tạo trung cấp chuyên nghiệp: 524; … Chỉ có một số ít đơn vị không đào tạo liên thông, liên kết như: Trường Đại học Y khoa Vinh; Trường Trung cấp Du lịch Miền Trung;…     

Quy định thì chặt chẽ như vậy, nhưng thực hiện thì ngược lại. Trên địa bàn Nghệ An, trường cao đẳng dạy nghề không những liên kết đào tạo đại học, mà còn liên kết đào tạo cả thạc sỹ; trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện vẫn liên kết đào tạo đại học, cao đẳng. Còn liên thông, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Nghệ An: Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, không thi đậu trường nào thì vào học trung cấp chuyên nghiệp, sau hai năm, nhà trường “đánh giá” kết quả học tập là khá và giỏi, thế là các em nghiễm nhiên được phép học liên thông lên cao đẳng, đại học.

Qua kiểm tra, Sở GD&ĐT Nghệ An đã phát hiện nhiều sai sót trong việc thực hiện đào tạo liên thông, liên kết. Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Nghệ An tuyển sinh không đúng đối tượng tại lớp liên kết đào tạo trình độ cao đẳng hệ chính quy với Trường Trường Cao đẳng Nghề số 4 (đối tượng quy định là quân nhân xuất ngũ, nhưng lại tuyển sinh cả học sinh vừa tốt nghiệp THPT) và đặt 06 lớp ngoài nhà trường để đào tạo. Các lớp đào tạo tại Trường Trung cấp Hồng Lam, bản chất là liên kết đào tạo với Trường Đại học Điện lực Hà Nội, nhưng lại tổ chức đào tạo để cấp bằng chính quy. Tại Trường Trung cấp Việt Anh có đến 07 lớp (326 học sinh) phối hợp liên kết đào tạo trình độ trung cấp hệ chính quy. Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nghệ An có 46 lớp liên kết với các trường đại học đào tạo trình độ đại học hệ vừa học vừa làm, trong đó có đến 11 lớp đặt tại trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện; 09 lớp đặt tại trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện và 01 lớp đặt tại trường trung cấp nghề. Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 Nghệ An liên kết với Trường Đại học Vinh mở 23 lớp (1.454 sinh viên) đào tạo trình độ đại học hệ vừa học vừa làm thì có đến 17 lớp đặt tại trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện. Nghiêm trọng hơn, một số trường mở các lớp đào tạo liên thông, liên kết nhưng không hề xin phép một cơ quan có thẩm quyền nào (như Trường Cao đẳng Nghề Việt-Đức, Trường Trung cấp Nghề Kinh tế-Kỹ thuật Miền Tây). Trên địa bàn thành phố Vinh còn tồn tại một số cơ sở, trung tâm tham gia hoạt động liên kết, mở lớp đào tạo không đúng quy định dưới nhiều hình thức: hợp đồng tuyển sinh; thuê địa điểm (như Công ty CP Xây dựng-Thương mại và Xuất nhập khẩu Đông Dương;…). Gần đây, tại số nhà 37, đường Phùng Chí Kiên, có quảng cáo đào tạo trung cấp sư phạm mầm non chỉ 10 tháng đã làm xôn xao dư luận trong nhân dân, mãi cho đến khi Sở GD&ĐT Nghệ An và Công an Nghệ An phối hợp thanh tra thì quảng cáo mới được dỡ bỏ.  Không những các trường mà ngay Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An - một cơ quan quản lý công tác đào tạo cũng mắc sai phạm (không đúng thẩm quyền) khi ra văn bản đồng ý cho Trường Trung cấp Nghề Kinh tế-Kỹ thuật Miền Tây liên kết với Trường Đại học Điện lực đào tạo trinh độ đại học.

Đánh giá về công tác đào tạo liên thông, liên kết trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&Đ Nghệ An cho rằng: Việc liên thông, liên kết đào tạo đã tạo điều kiện cho mọi người được học tập nâng cao trình độ; đáp ứng nhu cầu người học và nhu cầu xã hội; tạo điều kiện tận dung năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên và cơ sở vật chất của các  trường, cơ sở đào tạo. Tuy vậy, hoạt động này còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm: Việc đào tạo không có quy hoạch, nhiều nhà trường đào tạo ngoài kế hoạch, đào tạo ồ ạt, thi nhau mở lớp theo nhu cầu người học, dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo. Một số đơn vị chủ trì hoặc phối hợp đào tạo mở lớp đào tạo không được cấp có thẩm quyền cho phép. Thậm chí có đơn vị còn sử dụng văn bản từ năm 1994, cố tình hiểu sai quy định về liên kết đào tạo để tuyển sinh, ký hợp đồng đào tạo với các trường đại học. Các trường nghề, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện dù không được phép cũng tham gia liên kết đào tạo….   

Bên cạnh ý kiến của ông Thái Huy Vinh, cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, để xẩy ra những tồn tại, khuyết điểm như đã nêu ở trên, còn có cả nguyên nhân quản lý. Đã có lúc, có nơi cơ quan quản lý còn buông lỏng quản lý, chưa kiểm tra năng lực của các trường tham gia đào tạo, chưa giám sát tốt công tác đào tạo liên thông, liên kết nên mới có tình trạng "trăm hoa đua nở".

Chính vì vậy, để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo liên thông, liên kết trên địa bàn Nghệ An, thiết nghĩ, việc đầu tiên, UBND tỉnh Nghệ An, các Sở, ban, ngành có liên quan cần tập trung chỉ đạo các nhà trường, các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm túc các quy định về liên thông, liên kết mà Bộ GD&ĐT đã ban hành; yêu cầu các trường, các cơ sở đào tạo phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. UBND tỉnh cũng cần sớm ban hành quy định, chế tài để nhanh chóng chấm dứt tình trạng đơn vị công lập cho thuê địa điểm tổ chức các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết; kiên quyết xử lý cá nhân người đứng đầu các đơn vị không được phép đào tạo liên kết nhưng vẫn cố tình tổ chức cho đơn vị mình thực hiện hoạt động này; thường xuyên kiểm tra để các đơn vị chủ trì đào tạo thực hiện đầy đủ chương trình đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Đặc biết, Sở GD&ĐT cần chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra; không nương nhẹ mà phải xử phạt nghiêm theo quy định của Chính phủ các trường hợp sai phạm về đào tạo liên thông, liên kết./.

 

                                                                

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443399

Hôm nay

2290

Hôm qua

2305

Tuần này

21212

Tháng này

218573

Tháng qua

112676

Tất cả

114443399