Cụ Nguyễn X. ở Yên Hồ, Đức Thọ là một “nghệ nhân” nói lối. Chuyện kể rằng một hôm có một người từ xa đến hỏi mua lá dâu cho tằm ăn. Cụ X. bảo: “Thì bà cứ ngồi uống nước, dâu thì có nhưng mà ngái có mua không?”. Bà kia nghĩ rằng có “ngái” (xa) một chút cũng không sao nên yên tâm chờ. Mãi sau cụ X. dẫn bà kia ra vườn chỉ vào cây ngái (một cây cùng họ với cây sung) và bảo “Đó, đó…”. Bà mua dâu than thở: “Sao ông lại lừa tôi?”, cụ X. thản nhiên: “Thì lúc trước tôi đã hỏi bà “ngái” có được không, bà bảo không vấn đề gì cơ mà”. Bà mua dâu mới biết mình bị lỡm.
Một lần khác, có người hỏi mua gà ác (một loại gà đen tuyền, nhỏ con, thịt ngon, bổ dưỡng). Cụ X. bảo cứ ngồi đấy chờ. Chờ mãi không thấy cụ bảo gì, người kia hỏi, cụ nói cứ chờ khắc có. Một lúc sau, có mấy con gà đi vào nhà, nhảy nhót và ỉa bậy lung tung, cụ X. bảo: “Anh coi mấy con gà kia làm bậy rứa có “ác” không? Gà “ác” là hắn đó”. Biết gặp “cao thủ”, người khách chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán. Đó là những ví dụ sinh động cho lối chơi chữ dựa trên nguyên tắc đồng âm.
Câu chuyện “Có chia “lại” không?” khá nổi tiếng cũng chỉ có thể là sản phẩm của phương ngữ Nghệ-Tĩnh. Chuyện rằng mấy nhà chung nhau mua một cái thủ (đầu) bò. Ông nọ khi phụ trách việc chia phần đã bí mật cất cái lưỡi (phương ngữ Nghệ-Tĩnh gọi là “lại”) đi. Xong, ông hỏi: “Thế có cần chia “lại” không? Mọi người không hiểu, sợ mất thời gian nên nói: “Thôi, chia thế là được rồi, không chia lại nữa”. Ông kia bèn thản nhiên: “Thế là các ông bà cho tôi cái này nhé” và lấy cái lưỡi (“lại”) bỏ vào phần mình.
Ông A. ở Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh một hôm đi làm về hớn hở khoe với vợ: “Bà nó ơi, lúc nãy tôi thấy đầu khe một con cá trắm to lắm”. “Thế ông có bắt được không?”. “Nó lặn mất rồi. Nhưng tôi có múc được một bát nước nơi nó quẫy đuôi, bà đổ vào nồi canh mà nấu cho ngọt”. Chuyện cười dân gian Trung Quốc cũng kể rằng, một nông dân đi mua bột về làm bánh bao, nhưng vợ bảo phải có thịt mới làm bánh được nên đi mua thêm thịt. Trên đường về, lớ ngớ thế nào bị chó cắp đi mất. Vợ cằn nhằn, ông bảo: “Bà lo gì, mình có bột, nhưng không có thịt nên không làm được bánh bao; chó nó có thịt nhưng không có bột, nó làm bánh bao sao được!”. Nếu như nghe xong những câu chuyện trên, ai đó chê cười người nông dân kém thông minh thì hãy xem lại…cái đầu của mình. Bởi vì, những câu chuyện trên thuộc loại chuyện hài hước “đẳng cấp cao”, nghĩa là thể hiện một trí tuệ đã ở mức giác ngộ, nhìn đời bằng con mắt vô vi, dùng tiếng cười để “hoá giải” một cách tài tình những điều không may mắn, thậm chí bi thảm. Chuyện thời hiện đại kể rằng, một ông bố nói: “Tôi có cô con gái rượu thi đại học lần đầu thiếu nửa điểm, lần thứ hai cũng thiếu nửa điểm; tôi định cho nó đi lấy chồng”. Mấy người bạn rượu nhao nhao phản đối: “Cháu nó học khá thế sao anh không động viên cháu thi tiếp, suýt nữa cháu đã đậu rồi cơ mà”. Ông bố kia thở dài: “Lần đầu, điểm chuẩn 20 điểm, thì nó được 10 điểm, lần sau điểm chuẩn 18 điểm thì nó được 9 điểm, nên tôi quyết định cho thôi”!
Đôi khi, phép chơi chữ được biến hoá đi một tí, nhưng cơ bản vẫn dựa trên nguyên tắc đồng âm. Chuyện kể rằng một chàng trai đang cày ruộng thì có một người hay bắt bẻ đi qua, chỉ tay nói: “Mi cày đay” (Cày đay nghĩa là cày không kĩ, còn sót đường cày do kĩ thuật kém hoặc làm dối). Chàng trai lễ phép: “Dạ, thưa bác con cày đây”. Ông kia nói: “Tau nói mi cày đay”. Chàng trai vừa giục trâu đi, vừa thản nhiên đáp: “Dạ, con cày đây”. Ông kia tưởng chàng trai nghe chưa rõ, gào lên đến đỏ mặt tía tai, sau mới biết mình bị lỡm, vừa đi vừa nuốt nghẹn. Ở đây, lợi dụng hoàn cảnh đang làm việc, chàng trai đã thay đổi một dấu mũ của âm, biến hoá tài tình một lời chê trách (cày đay) thành một lời chào hỏi (cày đây) khiến cho kẻ hay xét nét một phen trở nên lố bịch. Còn “nói lối” theo kiểu nói lái (đảo ngữ) thì vô cùng phong phú. Thấy các cụ thường than thở đau yếu, lẩn thẩn, một ông nói: Thế đấy, “tra rồi-trồi ra”, còn trồi ra lắm cái lôi thôi (“tra” phương ngữ Nghệ-Tĩnh nghĩa là già). Hay nếu như thành ngữ có câu “dâu là con, rể là khách” thì các cụ ở Nghệ-Tĩnh lại nói: “Đứa rể-để rứa”, nghĩa là cứ mặc cho con rể tự do, hơi quá đi một chút cũng coi như không biết, lắm ý kiến thì chỉ khổ con gái mình thôi! GS Nguyễn Nhã Bản ở trường Đại học Vinh thường đọc cho chúng tôi nghe những câu tục ngữ, thành ngữ Nghệ-Tĩnh rất giàu hình ảnh: “Chị em du (dâu) như tru (trâu) một bịn (đầu cây gỗ)-Chị em gấy (gái) như trấy (trái) cau non”. Minh triết dân gian là thế.
Đối với Truyện Kiều, một “kì quan của văn hoá Việt Nam”, một toà lâu đài bằng ngôn ngữ thì người nông dân Nghệ-Tĩnh lại có một cách đọc riêng của mình, khác với cách đọc của những người “chuyên nghiệp” là các nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu. Đã có rất nhiều giai thoại xung quanh cách đọc Kiều đặc biệt này. Chuyện kể rằng có một chàng nho sinh trước khi đi thi đã bói Kiều xem thử vận hạn ra sao, thì bắt được câu: “Vội vàng lá rụng hoa rơi. Chàng về viện sách, nàng rời lầu trang”. Anh ta rất buồn bã, vì cho rằng thần linh đã báo trước kết cục “lá rụng hoa rơi” của mình. Thấy con ủ ê sầu não bỏ bê học hành, người mẹ hỏi biết được nguồn cơn, bà suy nghĩ rồi nói với con: “Con yên tâm đi, như vậy là Tiên Thuý Kiều đã báo trước rằng nhất định con sẽ đậu”. “Mẹ bảo sao, “lá rụng hoa rơi” thì còn đậu vào đâu!?”. Người mẹ bảo: “Thế này: “lá rụng hoa rơi” nghĩa là chỉ còn lại “chánh” (phương ngữ Nghệ-Tĩnh nghĩa là cành cây), tên con là Chánh thì có nghĩa là trong kì thi sắp tới nhiều người sẽ trật, riêng con chắc chắn đậu”! “Được lời như cởi tấm lòng”, tinh thần chàng trai tên Chánh phấn chấn hẳn lên, chàng nỗ lực ôn tập và đã thi đỗ đại khoa! Câu chuyện cho thấy trí thông minh tuyệt vời của một bà mẹ, trí tuệ ấy bắt rễ từ tình thương con vô bờ bến. Dĩ nhiên, bạn có thể tin vào sự linh nghiệm của lối bói Kiều, còn chúng tôi lại thấy được phép màu của tình yêu thương.
Chuyện cũng kể rằng có một người đánh mất một cái nhẫn vàng, giở quyển Kiều ra bói thì bắt được câu: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn. Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”, bèn than thở: “Thôi, thế là hỏng, nhẫn rơi xuống sông mất rồi”. Có người hàng xóm nghe được bèn nói: Tôi sẽ tìm giúp ông, và vào tìm trong bồ lúa, quả nhiên thấy cái nhẫn trong ấy. Người kia mừng quýnh lên hỏi: “Sao ông tài thế?”. “Có gì đâu, Tiên Thuý Kiều bày cho thôi: tính cuộc vuông tròn là một sự gợi ý, cái bồ chẳng đít vuông miệng tròn đó sao?”. Người kia bái phục tài “giảng bói Kiều” của ông láng giềng.
Trong hình dung của người dân quê, Thuý Kiều chẳng phải sắc nước hương trời gì, nàng có vấn đề về hàm răng (sứt răng) nên mới “Hở môi ra những thẹn thùng”, nàng là con của “khái” (hổ) “Hổ sinh ra phận thơ đào”, nàng quê ở Nam Đàn, làm nghề bán tương “Giữa đường đứt gánh tương tư” (Làm đổ bình tương nên “tư” (lo lắng)-Nam Đàn là vùng có món tương ngon nổi tiếng, có câu “nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”. Kim Trọng cũng đâu có đẹp đẽ gì, chàng bị lang ben “Ôi Kim lang, hỡi Kim lang!”, trước khi đến với Thuý Kiều, chàng đã nhiều tuổi “Sau lưng theo một vài thằng con con” (“con con” nghĩa là cháu) và khi nghe Kiều đánh đàn, không phải chàng xúc động mà chàng đang bị đau bụng “Khi tựa gối, khi cúi đầu. Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày”…Xin mọi người đừng nghĩ người bình dân làm vậy là “bôi nhọ” các nhân vật tuyệt vời của Truyện Kiều. Và còn biết bao câu chuyện tập Kiều, “nhại” Kiều khác nữa để cho Truyện Kiều không đóng khung trong trang sách mà phập phồng hơi thở của sự sống trần gian cây đời mãi xanh tươi.
Đại thi hào Nguyễn Du có câu thơ nổi tiếng, đầy tri ân với văn hoá, ngôn ngữ dân gian: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Câu hát nơi thôn dã là bài học đầu tiên giúp ta biết những tiếng nói của người làm nghề trồng dâu trồng gai). Giai thoại về Nguyên Hồng kể rằng khi đi tàu, ông không mua vé hạng sang mà mua vé tàu chợ, ngồi cùng những người lao động, buôn thúng bán bưng nghèo khổ để nghe họ nói chuyện, học hỏi lời ăn tiếng nói vô cùng phong phú, sinh động, biến ảo của họ. Xuân Diệu cũng rất thú vị, khâm phục đối với những ý tưởng độc đáo trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người bình dân. Chỉ một câu ca “Bà già sóng sánh như bát nước chè” cũng khiến nhà thơ xúc động rơi nước mắt. Từ cuộc sống lấm láp, cực nhọc vẫn thường vút lên những ánh vàng lấp lánh của trí tuệ và tâm hồn nhân dân khiến chúng ta không hết ngỡ ngàng.
274
2359
21449
217948
121356
114511075